Khóc Cười Trong Cuộc Sống

Khóc

Cuối tuần, tôi đi uốn tóc. Cầm theo cuốn Chuyện Dọc ĐườngPhan Nhật Nam tặng. Sách tặng, hiếm khi tôi đọc được ngay. Lý do: net quyến rũ hơn. Sách chỉ để đọc vào những dịp như thế này. Nghĩa là giết thì giờ khi khám bệnh, uốn tóc, chờ đợi.

Câu chuyện số một đã làm tôi khóc. Tôi thường dễ dàng khóc trước những nét đẹp như thế. Nam kể chuyện ngắn, gọn, không dài dòng, lê thê. Chuyện về Trung Tá Sông Lô, Tiểu đoàn trưởng TĐ 7 Nhảy Dù KBC 4919. Tôi khóc vì lính mình can trường quá, oai hùng quá, khí phách quá.

Câu chuyện số hai cũng làm tôi khóc. Câu chuyện về hai đứa con nhỏ của tử sĩ Nguyễn Văn Thuận, đơn vị Sư Đoàn Nhảy Dù, quê Long An. Đi kinh tế mới của vc, về Sài Gòn lang thang và một đêm hai đứa trẻ đi vào lòng cống kiếm ăn như mọi lần đã không về.

Những giọt nước mắt đầu là sung sướng.

Những giọt nước mắt sau là uất nghẹn.

Cô chủ tiệm thoáng ngạc nhiên khi thấy nước mắt rơi lộp độp trên trang giấy. Tôi lặng lẽ tìm giấy lau.

Tôi nghĩ bạn nên mua sách. Một, ủng hộ người lính viết văn. Nghèo quá mà. Viết văn là nghèo. Lính viết văn còn nghèo hơn. Hai, để đọc vào những lúc không vào net được cũng là có ích. Ba, Những câu chuyện dọc đường là chứng tích, chứng nhân của nhiều điều của dân tộc mình. Mình nên biết, cần biết để cần …khóc.

Nước mắt cần để giải oan cho cuộc bể dâu này.[1]

Cười

Là Gia Long nhưng tôi ít chơi với Petrus Ký. Một cư dân Petrus Ký mới làm quen. “Cụ” có con dâu, con gái đều là Gia Long.

“Cụ” mail: “Theo bài viết ‘Học và Hành’ thì Gia Long HLC đã sống trong chế độ cộng sản hơn 20 năm. Vậy đến năm nào thì GL HLC mới qua Mỹ và bằng cách nào? chắc là không gian nan bằng những người vượt biên bằng thuyền hoặc băng rừng lội suối theo đường bộ

Tôi gửi một đoản văn viết tổng quát: “Một Petrus Ký mới quen hỏi về tôi. Một vài câu hỏi không đúng khiến tôi không vui. Ví dụ “Vậy đến năm nào thì GL HLC mới qua Mỹ và bằng cách nào? chắc là không gian nan bằng những người vượt biên bằng thuyền hoặc băng rừng lội suối theo đường bộ”. Tôi đành lập ra một số bài tiêu biểu để ai muốn biết “cô Bắc Kỳ nho nhỏ” trong sân trường Gia Long ngày xưa như thế nào, rồi rời Gia Long vào Khoa Học ra sao, làm Tổng Nha Kế Hoạch có gì vui, quay về Đại Học Khoa Học với nỗi niềm gì, những đớn đau nào trong sân trường cũ khi vc vào thành và những gian truân nào khi đến được bến bờ tự do.”

“Cụ” hồi đáp:

“ Vô duyên!

Chính tôi là kẻ vô duyên. Thấy người ta cùng chiến tuyến với mình, lại là con người tài hoa, bản lảnh nên ngưỡng mộ, quan tâm. Qua các bài viết của người ta, đoán là người ta đã từng sống với cs hơn 20 năm dài sau 75, người ta chắc phải chịu nhiều đắng cay chán nản. Mình biết, ai cũng vậy. Sống với cs mà! Có ai muốn sống với cs đâu nếu đã từng sống dưới chế độ tự do của VNCH. Nhưng muốn thoát không dễ gì thoát dưới bàn tay sắt máu của cs, nên phải chịu kẹt lại. Và vượt biên ra đi là liều mạng để đổi lấy tự do. Nhưng hơn 20 năm sau (1975), các trại tị nạn đã đóng cửa. Chuyện vượt biển vượt biên không còn nữa và ai đã bị kẹt lại coi như kẹt luôn. Ai có phước hoặc có tài ba thì sẽ thoát khỏi bàn tay ác quỷ của cs bằng con đường khác như: được những thân nhân thoát trước bảo lảnh, hoặc đi theo diện HO, theo diện hôn nhân với người ngoại quốc, và nhiều cách khác đa dạng. Đi cách như vậy tức nhiên không phải đi chui, và sẽ được đi bằng máy bay, có người đưa người đón. Tôi nghĩ và ước người ta cũng có phước, có cơ may đi qua Mỹ bằng cách như vậy, không gian nan nguy hiểm như vượt biên bằng thuyền hay bằng đường bộ. Đó là điều tôi ao ước là nguời ta được như vậy vì tôi mến mộ người ta. Ngoài ra, không có ý mờ ám gì khác với “cô bắc kỳ nho nhỏ” (dễ thương) ở trường GL trước kia đến nỗi bị nghĩ là không đúng nên bị người ta không vui.

Sự việc như vậy chắc là bị ngộ nhận và do tôi vụng về. Thôi thì chịu lỗi với người ta đi. Và nhớ đừng nên nói gì nữa mà hãy lắng nghe. Nghe lúc nào cũng dễ hơn nói, dù phải nghe mắng. Lời mắng thường khó nghe, nhưng tập nghe được là “hồi đầu thị ngạn”, là “trực chỉ nhân tâm”.

Thành thật xin lỗi người ta vì đã làm người ta không vui. Bây giờ “nghe” người ta qua các bài viết được người chỉ. Chưa “nghe” hết nhưng thấy là rất hay và rất có hồn. Người nghe thấy tâm hồn quên hết phiền não và bắt buộc nói lên tìếng khen hay. “Khen” được nói vô cỏi mông lung vì biết người ta không nhận.

Tâm tư nầy thay cho lời biện bạch”.

Tôi bật cười.

Chuyển cho nhóm Gia Long nhỏ coi.

Một “con ranh” tiểu muội viết: “Hí hí, ông này muốn nhớ lại lứa tuổi thích ô … môi hay sao mà kêu chị LanChi bằng “người ta” dzậy cà? Đọc thấy tếu quá giống anh áo sơ mi trắng quần tây xanh Petrus Ký đang thập thò gửi thơ cho em áo dài GiaLong”.

Một “con ranh tiểu muội” khác: “Tui cũng thấy vậy! HiHiHi”.

“Con ranh kia” tiếp tục “Cụ vừa chống gậy đi dạo tắm nắng buổi sáng, nhìn cỏ xanh mây trắng lòng lâng lâng nhớ đến lúc xửa xưa, mà cũng như mới vừa hôm qua thuở còn ngang dọc …
Bèn về nhà (uống một viên thuốc đau nhức xong rồi ) viết thư cho GiaLong Hoàng Lan Chi.

Tôi bật cười. Hừ, hai “con ranh” này làm tôi nhớ ngày xưa. Cũng mấy con ranh con em trêu chọc khi thấy anh nào đó thập thò trước cửa.

Thời gian trôi nhanh nhỉ.

Hoàng Lan Chi

[1]

Mua sách của Phan nhật Nam:

“..Nếu 1972 tôi đã viết được Mùa Hè Đỏ Lửa thì không lý do gì 2012 tôi lại không viết Phận Người-Vận Nước; Chuyện Dọc Đường hay hơn, xuất sắc hơn.


Đọc để biết những Người Lính : Trương Quang Ân, Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Văn Hiếu, Lê Minh Đảo, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Lô, Lê Văn Mễ, Trần Ngọc Huế.. sống và chiến đấu như thế nào..
Đây là sách viết suốt 45 năm (1968-2013) của một đời người xin trân trọng giới thiệu đến quý vị. Xin Hãy Tin Vào Chữ Của Người Lính”.

Trân trọng cám ơn,

Phan Nhật Nam

Phận Người – Vận Nước: Tường trình về quá trình Sống/Chiến Đấu/Và Chết theo cùng mệnh nước nổi trôi của nhiều thế hệ người Việt trong giai đoạn khốc liệt 1945-1975.

Chuyện Dọc Đường: Gồm những câu chuyện tác giả nghe ra, chứng kiến, sống cùng… suốt chặng đường khổ nạn với mỗi phận người Việt Nam trên hành trình xuyên nước Mỹ, khắp các châu lục, nơi quê nhà. Câu chuyện về Nỗi Đau chưa hề đứt đoạn kể từ sau 1975.

Hai tác phẩm trên cũng để tổng kết 45 năm (1968-2013) cầm bút bởi tình cảnh “Bất Bình Tắc Minh” của Người Lính-Viết Văn Phan Nhật Nam.

Liên lạc với Tòa Soạn Sống Magazine – Nhà Xuất Bản Sống tại:

15751 Brookhurt St., #225, Westminster, CA92683

Tel: (714) 531-5362. Email: tuanbaosong

Giá bán 2 cuốn: 50 MK

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged . Bookmark the permalink.