Phạm Thị Nhung-Những Hình Thức Nghệ Thuật Trong Ca Dao

  Xin ghi rõ nguồn ( trích từ blog Hoàng Lan Chi )

G.S. PHẠM THỊ NHUNG

Ca dao thuộc loại văn chương bình dân truyền khẩu của dân tộc, thường được chúng ta hiểu là những câu nôm na, lời lẽ trong sáng, vần điệu thanh thoát, phong phú; có thể ngâm lên, hát lên theo giọng điệu tự nhiên một cách dễ dàng.

Ca dao phần lớn được sáng tác do nhu cầu hát xướng đối đáp nam nữ trong những dịp sinh hoạt dân ca cộng đồng, vào những ngày hội hè, những lúc nghỉ ngơi để giải trí vui chơi, hay trong những khi lao động cho quên bớt mệt nhọc. Trong trường hợp này người ta chỉ cần thêm vào câu ca dao những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi nhất định nào đó như:” thời… í a” , ” tình bằng…mà”, ” lý tang lý tang tình tang, ố tình là…tình ì i , ô tình là…tình ì i” , ” ôi tình …a í a “, hay ” ầu ơ…”, ” ạ ơi ơi,  ạ ơì ời”…, ca dao liền trở thành dân ca với những giai điệu riêng biệt của từng thể loại, như hát trống quân, quan họ Bắc Ninh, hát lý,  hò chèo ghe, ru em…

Ca dao cũng được sáng tác nhiều bởi nhu cầu tình cảm cá nhân muốn được bộc lộ. Sự sáng tác ca dao cả hai loại này có khi lại do giới nho sĩ, trí thức bình dân trực tiếp tham gia, hay vì thương cảm cảnh ngộ những người xung quanh mà làm hộ, vì thế đã có thêm lắm bài đặc sắc.

Nói chung, ca dao xưa nay vẫn được xem là những sáng tác tập thể. Dẫu sao chúng ta cũng nên nhớ rằng câu ca dao nào khởi đầu cũng phải do một cá nhân có năng khiếu về thi ca, hứng cảm, sáng tác nên. Nếu câu đó được nhiều người ưa thích, chấp nhận là hay, sẽ được truyền khẩu và được bắt chước ngay; bằng không, nó còn chịu sự sửa đổi của nhiều người cho đến khi thật hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức. Nhiều khi có những câu ca dao đã hoàn chỉnh rồi vẫn thấy bị sửa đổi, thêm bớt, chẳng qua để cho phù hợp với cảm quan chung của nhiều địa phương, nhiều thế hệ hơn. Bởi vậy, nhiều bài ca dao hay mà vẫn thấy có dị bản.

Thế là từ cái riêng lúc ban đầu, ca dao đã được đại chúng hóa, trở thành cái chung của mọi người, do đó không cần nhắc tên tác giả.
Và cũng vì là của chung nên người ta sử dụng tự do, nhiều người chỉ thay đổi đôi chút cho hợp tình, hợp cảnh là đã có một bài ca dao mới. Đấy chính là lý do vì sao ta thường bắt gặp nhiều câu ca dao có vô số điểm tương đồng, hay na ná như nhau.
T.D.       Qua đình ngả nón trông đình
              Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu
Câu ca dao này hẳn đã được xuất hiện rất sớm, và được nhiều người khen hay rồi bắt chước, từ đó sinh ra vô số những câu tương tự, như:
Qua cầu ngả nón trông cầu
  Cầu bao nhiêu nhịp, dạ em sầu bấy nhiêu.
 -Qua đồng ngả nón trông đồng
  Đồng bao nhiêu lúa, thương chồng bấy nhiêu.
v.v. và v.v …
Những câu ca dao  xuất phát từ loại này dần dần trở nên nhàm chán, mất hết khả năng gợi cảm. Rất may sự sáng tác ca dao không ngừng lại ở đó mà nhờ những cá nhân có tài, gặp cảnh thích hợp, hứng cảm, đã nẩy sinh được nhiều tứ lạ; và nhất là khi diễn đạt, họ đã biết vận dụng những khuôn mẫu truyền thống một cách có sáng tạo khiến đã sản sinh  được nhiều bài ca dao giá trị, với những nét đặc thù riêng.
T.D.       Nước sông Tô vừa trong vừa mát
  Em ghé thuyền vào đậu sát thuyền anh.
  Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
  Sông bao nhiêu nước, thương mình bấy nhiêu.
Mặc dù cũng dùng cảnh để gợi hứng và mượn cảnh để tả tình theo lối so sánh cổ truyền như những câu ca dao trên, nhưng ta phải công nhận khi đọc câu ca dao này, ta thấy cảnh với tình không còn là hai cá thể riêng biệt nữa, thụ động nữa mà chúng xôn xao lạ, chúng như quyện lấy nhau, cảnh dẫn tình, tình tràn lên cảnh để toát ra một sức sống tươi rói, tạo được cái duyên đặc biệt cho bài ca dao. Thế là từ cái chung, ca dao lại được cá biệt hóa để trở thành cái riêng cho mỗi bài. Nếu không tạo được cái độc đáo riêng biệt này, bài ca dao chả còn mấy giá trị.

Bây giờ từ những cái chung và những cái riêng ấy, chúng ta thử phân tích xem đâu là những hình thức nghệ thuật trong ca dao trữ tình và ca dao trào lộng, là hai thể loại nổi bật nhất trong kho tàng ca dao phong phú của dân tộc.

A. NHỮNG HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT TRONG CA DAO TRỮ TÌNH
Ca dao trữ tình là loại ca dao do cảm xúc tạo nên lời, chủ yếu là bộc lộ tình cảm, tâm trạng, ký thác tâm sự.
Để đạt hiệu quả mong muốn, ca dao trữ tình tất nhiên phải sử dụng đến nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau:
I. SỰ CẤU TỨ VÀ CÁC PHƯƠNG THỨC DIỄN ĐẠT
Sự cấu tứ là nói chung về các cách tổ chức nội dung của tác phẩm.
Sau khi đã sắp xếp ý tứ, chọn lọc tình tiết, hình ảnh… tác giả phải biết chọn lấy những phương thức diễn đạt sao cho thích hợp.
Trong ca dao trữ tình, những phương thức diễn đạt được sử dụng nhiều nhất là thể phú, thể hứng và thể tỉ.
1. THỂ PHÚ
Phú là phô bầy, mô tả. Phô bầy, mô tả  một cách trực tiếp về con người, về cảnh vật thiên nhiên… Phú cũng là tự sự, kể chuyện về những sự việc, những biến cố xảy ra trong cuộc đời.
Vì ca dao trữ tình chủ yếu là bộc lộ tình cảm, tâm sự cá nhân nên cảnh được mô tả, hay chuyện được kể lại (dù thật hay hư cấu) cũng chỉ là cái cớ để tình cảm con người được phát triển, hoặc nương vào đó mà biểu lộ ra được.
T.D.1       TÁT NƯỚC ĐẦU ĐÌNH

Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chồng anh lại giúp cho.
Giúp em một thúng sôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiến cưới lại đèo buồng cau.

 

Tát Nước Ðầu Ðình là một bài ca dao làm theo thể phú loại kể chuyện.
Để có dịp thổ lộ tình yêu với cô gái, chàng trai mượn cớ quên áo, hỏi xin; nhân đó gợi chuyện làm thân,  rồi lân la ngỏ ý cầu hôn.
Vì là một bài ca dao viết theo thể phú loại kể chuyện, nên vấn đề quan trọng cần được đề cập ở đây là nghệ thuật dựng chuyện và nghệ thuật diễn đạt.
+ Nghệ thuật dựng chuyện: Phải nói là rất hay, lại có thứ tự lớp lang, khiến câu chuyện từ một cái áo hư cấu bỏ quên đã được diễn tiến qua nhiều giai đoạn tỏ tình một cách lý thú:
Bốn câu đầu (1-4): Trước hết, chàng trai mượn cớ quên áo, hỏi xin để bắt chuyện, rồi ướm tình.
Hai câu tiếp (5-6): Sau đó, chàng mượn cớ “áo sứt chỉ” để giới thiệu gia cảnh: còn độc thân, có mẹ già.
Hai câu tiếp (7-8): Chàng lại mượn cớ “áo sứt chỉ đã lâu” chưa ai khâu cho để nhờ bạn giúp đỡ.
Tám câu cuối (9-16): Sau hết, chàng còn mượn cớ đền công để có dịp nói tới những đồ sính lễ trong ngày rước dâu, tức ngỏ lời cầu hôn một cách gián tiếp.
+ Nghệ thuật diễn đạt: Tài dựng chuyện đã hay mà tài diễn đạt còn vô cùng khéo léo:
Bằng thứ ngôn ngữ, giọng điệu tự nhiên, nhưng với những phương thức nghệ thuật linh động khiến tạo được không khí vừa thân mật vui vẻ, vừa dí dỏm lôi cuốn; nhờ vậy, câu chuyện chàng trai kể trở nên hấp dẫn từ đầu đến chót:
Chàng trai mở lời làm quen với cô gái (người cùng làng và hai bên chắc đã từng để ý đến nhau, nhưng chưa một lần giao tiếp) bằng chuyện để quên áo:
Hôm qua tát nước đầu đình
   Bỏ quên cái áo…
Với một giọng kể tự nhiên, lịch sự vừa phải, lại có nhiều chi tiết cụ thể như thời gian : hôm qua, điạ điểm : đầu đình, và lý do : đi tát nước… khiến cô gái không mảy may nghi ngờ, nên đã vui vẻ đứng lại nghe tiếp chuyện chàng.
Nhưng khi chàng vừa hé lộ chi tiết – trên cành hoa sen – thì với linh giác bén nhạy về tình yêu của người phụ nữ, nàng đã cảm nhận được ngay tình ý của chàng: muốn mượn cớ quên áo để thổ lộ tâm tình!
Hiển nhiên cái áo bỏ quên chỉ là cái áo tưởng tượng, hư cấu, vì không ai vắt áo trên cành hoa sen, một loại cành nhỏ, rỗng “trong thông ngoài thẳng” dễ gẫy; nếu vắt áo lên, cành gẫy , áo sẽ bị rơi xuống đầm nước, ướt hết ? Huống chi  trong thi ca bình dân của ta xưa nay, cái áo vẫn thường được sử dụng như một phương tiện chuyên chở tình ý của những kẻ yêu nhau, như:
  Yêu nhau cởi áo cho nhau
  Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay.
(ở đây muốn nói tới cái áo tơi, kết bằng lá gồi, loại áo khoác ngoài những khi mưa gió, rét mướt).
Hay:
             Chàng về để áo lại đây
              Phòng khi em nhớ, cầm tay đỡ buồn.

Áo xông hương của chàng vắt mắc
              Ðêm em nằm em đắp lấy hơi…
v.v…
Ðặc biệt cái áo bỏ quên của chàng trai ở đây lại được vắt – trên cành hoa sen -, chàng bảo thế. Lời tuy ba hoa đấy nhưng dễ thương, còn tình ý thì trân trọng và nên thơ biết mấy, làm sao cô gái không cảm động, xao xuyến cho được? Giữa lúc cô nàng còn đang thẹn thùng, lúng túng…, chàng  đã không bỏ lỡ cơ hội, tấn công ngay:
Em được thì cho anh xin
  Hay là em để làm tin trong nhà?
Trong lời hỏi xin, để tạo không khí thân mật, chàng trai sử dụng lối xưng hô “em, anh” một cách dịu dàng, trìu mến; còn lời thăm dò thì  giọng điệu ỡm ờ, nửa đùa nửa thật, nửa có ý trêu ghẹo, nửa lại có ý tấn công, vơ vào một cách tình tứ. Cô gái   tránh sao khỏi đỏ mặt, nguýt yêu!
Thấy bạn đã có vẻ chịu chuyện, chàng bèn mượn cớ “áo sứt chỉ” để thủ thỉ tâm sự tình cảnh gia đình:
Áo anh sứt chỉ đường tà
  Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Chàng còn độc thân, đó là điều mà cô bạn chắc chắn muốn biết hơn hết, và bây giờ  nàng đã được  yên lòng. Ðồng thời để  tấn công sâu hơn vào đời sống tình cảm của đối tượng, chàng cố tình nói ra cái điều cảnh nhà vắng vẻ không được ai săn sóc, những mong gợi lòng thương cảm của bạn , rồi sau đó còn vuốt ve tự ái của nàng bằng sự tin yêu, nhờ cậy khâu áo:
Áo anh sứt chỉ đã lâu
  Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Nhưng ở đây chàng trai đã không nói trực tiếp với đối tượng, mà lại sử dụng đại danh từ phiếm chỉ “cô ấy” một cách mập mờ, nửa kín nửa hở…  Như vậy là rất khôn và tế nhị, vừa giúp chàng  có lối thoát nếu chẳng may cô nàng không khứng chịu, vừa là cách nói gián tiếp cho bạn đỡ ngượng.
Cuối cùng, biết “cá đã cắn câu” (im lặng là bằng lòng ?), chàng trai vin ngay vào cớ đền công để có dịp nói đến chuyện sính lễ dẫn cưới :
Khâu rồi anh sẽ trả công
  Ít nữa lấy chồng anh lại giúp cho.
  Giúp em một thúng xôi vò
  Một con lợn béo một vò rượu tăm
  Giúp em đôi chiếu em nằm
  Ðôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Và chàng đã không quên ngầm bật mí cho ai biết, chú rể, người phải chi tiền nộp cheo, tiền dẫn cưới với buồng cau trong ngày đại hỷ đó chính là chàng:
Giúp em quan tám tiền cheo
  Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
Ở giai đoạn này, giọng chàng trở nên hào hứng, sôi nổi khác thường : Những điệp ngữ  “giúp em” “giúp em” “giúp em”, với “một” “một” “một”, rồi “đôi” “đôi” “đôỉ” xen kẽ nhau, dồn dập xô đẩy nhau, đã cực tả tiếng lòng hân hoan, phấn khởi của chàng khi tin chắc lời cầu hôn của mình sẽ thành công, hạnh phúc đã ở trong tầm tay.
Tóm lại, câu chuyện “bỏ quên áo” trong bài ca dao Tát Nước Đầu Đình trên là hoàn toàn hư cấu. Chính thế, cái áo bỏ quên kia có thật không mà hỏi xin? Nếu thật, thì ai bắt được áo và đã trả lại chưa mà đòi mượn khâu? Tà áo dẫu có sứt chỉ cũng không ai đền công người khâu hộ bằng chừng ấy lễ vật, rõ là cái áo tưởng tượng! Nhưng cũng chính nhờ vào tài đặt chuyện và dẫn chuyện một cách khéo léo, dí dỏm ấy mà chàng trai ở đây đã bộc lộ được một sự thực, rất thực, là tình yêu trong sáng, thơ mộng, lãng mạn và cũng rất trân trọng, đằm thắm của chàng đối với người bạn gái mà chàng muốn cưới làm vợ. Điều này chứng tỏ, bài ca dao trên đã rất thành công cả về nghệ thuật dựng chuyện, cũng như nghệ thuật sử dụng những phương thức diễn đạt vậy.
T.D.2    Trời mưa ướt bụi, ướt bờ
  Ướt cây, ướt lá, ai ngờ ướt em.
  Trời mưa rả rích qua đêm
  Thấy em gian khổ, anh thêm não lòng.
Bài ca dao “Trời mưa” trên được làm theo thể phú, vừa tả cảnh, vừa tả tình một cách trực tiếp.
Hai câu đầu (1-2) tả cảnh một ngày mưa dầm dề qua cái nhìn vô tư của tác giả. Bốn từ “ướt” được lập đi lập lại trong câu “Trời mưa ướt bụi ướt bờ, ướt cây ướt lá” chỉ có tính cách kể lể về những hiện tượng lầy lội, ướt át bình thường của vạn vật trong những ngày mưa gió triền miên. Bất ngờ hình ảnh cô gái đội mưa, đội gió xuất hiện, đã làm cho tác giả xúc động, sửng sốt thốt lên : “ai ngờ ướt em!”
Lời than ấy chứng tỏ, tác giả không dè cảnh trời mưa, trời gió kia lại đầy đọa cả người con gái này. Tất nhiên đây phải là cô gái mà tác giả đã từng cảm mến từ lâu, nhưng vì tình cảm còn mờ nhạt nên chưa ý thức được; phải đợi đến khi tận mắt nhìn thấy cảnh cô gái nghèo nàn này, vì công việc làm ăn phải khổ cực trầm mình đi ngoài mưa gió, tác giả mới thấy bồi hồi thương cảm.
Câu 3: cảnh đêm mưa rả rích. Tiếng vọng mưa rơi nghe cứ một điệu đều đều, đều đều kéo dài như bất tận suốt đêm trường, càng làm cho cõi lòng tác giả thêm bứt rứt, xao xuyến vì xót xa cho ai… Tình yêu từ đó bỗng lớn mạnh, đã bật dậy, biểu hiện qua lời thở than trực tiếp:
Trời mưa rả rích qua đêm
  Thấy em gian khổ, anh thêm não lòng.
Có điều đáng nói, cảnh “trời mưa rả rích” ở đây chỉ có tác dụng kích thích, chứ không có ý so sánh hay nhằm diễn tả tâm trạng của tác giả. Chẳng qua vì thấy cảnh hợp với nội tâm, trong lòng đang có sẵn tâm sự nên tác giả mới dễ dàng bộc lộ tình cảm thành lời.
2. THỂ HỨNG
Thể hứng là một loại ca dao được mở đầu bằng một hay vài câu tả ngoại cảnh để gợi hứng, sau đó tác giả mới xúc cảm sinh tình, muốn bộc lộ nỗi lòng của mình.
T.D.1    Tóc mai sợi vắn, sợi dài
  Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.
Hình ảnh những sợi tóc mai dài ngắn không đều đã gây hứng cảm, tác giả xúc động liên tưởng tới cuộc tình duyên trắc trở, mà muốn bộc lộ mối tình chung thủy của mình.
Sự liên tưởng này thật bất ngờ và riêng tư. Điều đó giải thích, vì sao cùng đứng trước một ngoại cảnh, mỗi người chúng ta lại có những cảm hứng khác nhau.
T.D.2             ĐÊM BUỒN

  Đêm qua ra đứng bờ ao
  Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.
  Buồn trông con nhện giăng tơ
 Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai
  Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?
  Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà
  Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn.
  Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
  Tào Khê nước chảy, hãy còn trơ trơ.

Đêm Buồn là một bài ca dao làm theo thể hứng, vừa tả cảnh để gợi hứng, vừa mượn cảnh để tả tình.

Bài này nói về nỗi buồn nhớ tha thiết của một thiếu phụ có chồng đi vắng xa, đã lâu   chưa về. Nhiều đêm quá nhớ chồng, thương mình, ly phụ không ngủ được bèn trở dậy ra vườn, đứng bên bờ ao, âm thầm ngắm nhìn vạn vật mong khuây khỏa chút lòng. Và đây là một trong những đêm buồn đó.
Bài này có thể chia làm hai đoạn chính:
Đoạn đầu 6 câu (1-6)
Hai câu đầu (1-2)
Đêm qua ra đứng bờ ao
  Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.
Cảnh vật và nàng ly phụ ở đây hoàn toàn là hai cá thể riêng biệt, chưa ảnh hưởng đến nhau. Nhưng rồi cảnh “cá lặn”, “sao mờ”, hình ảnh mờ nhạt của thiên nhiên, sự trầm lắng của vạn vật lúc này sao có cái gì đồng điệu với nỗi lòng u buồn, sầu lắng của ly phụ ?“Cảnh buồn người thiết tha lòng”, vì vậy chúng dễ tác động lên nhau; cảnh buồn gợi hứng làm nàng cảm thấy nỗi buồn bị kích thích thêm, khiến nó cứ tăng lên, tăng lên mãi… cho đến một lúc nào đó thì nỗi buồn của nàng lại tràn lên cảnh (ở đoạn thơ sau).
Bốn câu tiếp (3-6) Hứng:
Buồn trông con nhện giăng tơ
  Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?
  Buồn trông chênh chếch sao mai
  Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?
Hai từ “buồn trông” được láy đi láy lại cho ta thấy cảnh vật bấy giờ không còn tự tại như trước nữa, mà nó đã bị nhìn qua con tâm lãng mạn, con tâm sầu muộn của ly phụ rồi. Nghĩa là do cảnh buồn gợi hứng, khiến nàng tưởng như cảnh vật cũng đang sống trong tình trạng cô đơn, đang da diết buồn nhớ người thương như nàng.
– Nhện ơi, nhện thương nhớ ai mà giăng tơ lòng chờ đợi?
– Sao ơi, sao thương nhớ ai mà mắt lệ mờ thổn thức?
Như thế, cảnh vật đã phản chiếu tâm hồn nàng, đã mang tâm trạng bi thương của nàng. Cảnh vật và ly phụ lúc này, có thể nói, không còn là hai cá thể riêng biệt nữa, mà đã trở thành đồng nhất.
Đoạn cuối gồm bốn câu (7-10)
Hai câu trên (7-8)
Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà
  Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn.
Hằng đêm ly phụ nghĩ đến chuyện Ngưu Lang Chức Nữ phải sống xa lìa nhau. Vợ chồng Ngâu mỗi năm chỉ được đoàn tụ một lần vào dịp mùng bảy tháng bảy, khi đàn chim ô thước bay về, giăng cánh bắc cầu qua sông Ngân Hà cho đôi bên tái hợp. Hằng đêm nàng cũng dõi nhìn bầu trời, nhẩm tính, chuôi sao bắc đẩu đã quay đủ ba vòng, thế là đã ba năm vợ chồng nàng xa cách.
Huyền thoại xưa cùng cảnh trời đã gợi cảm, khiến ly phụ chạnh nghĩ đến cảnh ngộ đáng thương của mình.
Hai câu chót (9-10) Hứng:
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
  Tào Khê* nước chảy, hãy còn trơ trơ.
Nghĩ đến cảnh ngộ đáng thương của mình, ly phụ xúc động, khởi hứng, muốn bộc lộ tấm lòng thủy chung, keo sơn gắn bó của nàng đối với người bạn đời xa vắng.
Nước chảy mãi đá cũng phải mòn, thời gian qua mãi vạn vật cũng phải phôi pha; riêng ly phụ biết chắc một điều, là tình yêu son sắt của nàng đối với chồng sẽ không bao giờ suy giảm( Hai câu cuối còn sử dụng đến thể tỉ).
Tóm lại, bài ca dao Đêm Buồn đã được làm theo thể hứng. Hai câu (1-2) tả cảnh thiên nhiên và hai câu (7-8) nói về cảnh ngộ xa cách, tất cả chỉ có tác dụng gợi hứng, khiến nàng ly phụ xúc động, để mặc cho những cơn sóng tình cảm tuôn trào, khi thì gián tiếp qua cảnh buồn của vạn vật, khi thì trực tiếp qua lời khẳng định về tình yêu trung thành không bao giờ phai lạt của nàng. Như thế, cảnh và tình ở đây khác nào như hình với bóng, tạo nên một sự hài hòa cho toàn tác phẩm. Phải nói, sự sử dụng thể hứng trong bài Đêm Buồn đã đạt tới cao điểm của nghệ thuật.
* Tào Khê có nghĩa là dòng suối chảy ở giữa hai chân núi, ở đây là tên một con suối tâm tưởng, mang giá trị tượng trưng cho tình yêu son sắt, thủy chung của ly phụ đối với người chồng xa cách.
Nếu bài Đêm Buồn được hiểu theo nghĩa bóng, nói về tâm trạng u buồn của bao khách nam nhi nặng lòng với Tổ quốc dân tộc, trong những giai đoạn lịch sử đen tối của nước nhà, thì con suối Tào Khê sẽ là biểu tượng cho tình yêu trung thành của họ đối với dân, với nước.
3. THỂ TỈ
Tỉ là so sánh. Ca dao trữ tình chuyên nói về đề tài tình cảm, thuộc về vấn đề trừu tượng nên rất khó diễn tả. Bởi vậy, ca dao trữ tình rất ưa sử dụng thể tỉ, một phương pháp nghệ thuật đặc sắc, giúp cho ý tứ diễn đạt thêm rõ ràng linh động, mà tình cảm bộc lộ cũng có phần bóng bẩy tế nhị.
Có hai cách so sánh:
+ So sánh trực tiếp là lối so sánh thẳng giữa một ý niệm trừu tượng với một hình ảnh cụ thể.
T.D.       Tình anh như nước dâng cao
  Tình em như dải lụa đào tẩm hương.
Câu ca dao này muốn nói, tình yêu của đôi nam nữ ở đây đều tha thiết như nhau, nhưng tính cách yêu đương của mỗi người lại mỗi khác.
Hình ảnh nước thủy triều rần rần dâng lên, được so sánh với tình yêu chủ động của người thanh niên, đang  thời kỳ bồng bột sôi nổi và mãnh liệt. Trong khi đó, hình ảnh “dải lụa đào tẩm hương” được ví với tình yêu của người thiếu nữ, tuy ở thế thụ động nhưng đầy sức quyến rũ, vừa dịu dàng kín đáo, vừa thắm thiết nồng nàn. Tưởng không có hình ảnh nào so sánh xác đáng hơn nữa.
+ So sánh gián tiếp, còn gọi là phương pháp ẩn dụ, nghĩa là so sánh ngầm. Lối so sánh này kín đáo, tế nhị và có nghệ thuật hơn lối trên.
Có hai loại ẩn dụ :
*Nghệ thuật hình tượng hóa, là lối cụ thể hóa tư tưởng, tình cảm bằng hình tượng. Lối so sánh ngầm này làm cho ý tứ diễn đạt thêm phần hàm súc.
T.D.      Thuyền anh ngược thác lên đây
  Mượn em dải yếm làm dây kéo thuyền.
Chợt nghe ta thấy sao mà vô lý thế. Thuyền đi ngược thác rất khó, anh chân chèo thường phải buộc dây chão (dây thừng loại to, bền chắc) vào mũi thuyền rồi nhẩy lên bờ, dùng dây mà kéo mới mong đưa được thuyền vượt lên ; vậy mà ở đây, để tiếp tục vượt thác, anh chân chèo lại chỉ yêu cầu mượn có dải yếm của cô nàng, là hai sợi dây nhỏ, dùng để buộc chiếc yếm vải, rộng chỉ đủ che ngực và bụng cô gái.
Sự vô lý ấy cho ta hiểu ngay rằng, dải yếm ở đây là một ẩn dụ kín đáo, chỉ có giá trị tượng trưng. Quả vậy, dải yếm, hay nói rộng ra là cái yếm, là vật gắn bó thiết thân với thân thể và nhan sắc cô gái, có thể hiểu, nó là hiện thân của cô, tượng trưng cho tình yêu của cô. Một khi đã hiểu như thế thì ý nghĩa câu ca dao lại rất đúng, vì tình yêu có sức mạnh vượt khó.
“Dải yếm” đã là một ẩn dụ, thì “thuyền” và “thác” tất cũng mang ẩn dụ của chúng. Đúng thế. “Thuyền” ở đây là thuyền tình, ám chỉ người thanh niêm đã vượt bao ghềnh thác để đi tìm tình yêu. Còn “thác” ám chỉ những khó khăn, trở ngại trong cuộc tình nói riêng, và trong cuộc sống nói chung.
Tóm lại, chúng ta có thể diễn ý trọn câu ca dao như sau: Anh đã phải chịu bao nhiêu khổ cực, vượt bao nhiêu khó khăn mới tìm kiếm được em. Anh yêu em. Anh cầu xin tình yêu của em, giúp anh thêm nghị lực, để còn tiếp tục vượt bao nhiêu ghềnh thác nữa trong cuộc đời.
Tứ của câu ca dao trên thật độc đáo; phương pháp ẩn dụ qua nghệ thuật hình tượng hóa ở đây cũng rất thành công, đã nói lên được sức mạnh của tình yêu.
*Nghệ thuật  nhân cách hóa – là một lối so sánh gián tiếp, bằng cách gán cho cảnh vật  những hành động, tâm trạng… của con người. Lối so sánh này giúp cho sự diễn đạt càng thêm sống động, truyền cảm.
T.D.     –Khăn thương nhớ ai
  Khăn rơi xuống đất.
  Khăn thương nhớ ai
  Khăn vắt lên vai.
  Khăn thương nhớ ai
  Khăn chùi nước mắt.
  Đèn thương nhớ ai
  Mà đèn không tắt.
  Mắt thương nhớ ai
   Mắt ngủ không yên.
  Đêm qua em những lo phiền
  Lo vì một nỗi không yên mọi bề.
Ở đây, khăn, đèn, mắt đã được nhân cách hóa; chúng như người thiếu nữ đang mang trái tim thổn thức với bao nỗi nhớ thương, lo buồn xốn xang.
Hai câu cuối, người thiếu nữ hé lộ cho thấy nàng đang thấp thỏm lo lắng, vì sợ cho mối duyên tình với ai kia còn gập nhiều trắc trở.
Như thế, nào phải khăn, đèn, mắt thương nhớ mà chính nàng đang thương nhớ người yêu xa cách. Người thiếu nữ ở đây đã nhìn ngoại giới theo cái tâm lãng mạn và lo buồn của nàng, vì thế nàng tưởng như cảnh vật cũng có linh hồn, và cũng đang mang tâm trạng bồn chồn nhớ nhung, lo âu như nàng.
Phương pháp ẩn dụ qua lối nhân cách hóa ở đây đã đạt đến tuyệt đỉnh của nghệ thuật.
* Hình ảnh ước lệ .Trong ca dao trữ tình có rất nhiều hình ảnh được dùng làm ẩn dụ, mang giá trị tượng trưng độc đáo như trong những thí dụ vừa trình bầy ở trên. Bên cạnh đó còn không ít những hình ảnh biểu tượng khác được dùng quá quen thuộc đã trở thành ước lệ, như “con cò” để tượng trưng cho người hiền phụ ở thôn quê:
T.D.      Con cò lặn lội bờ sông
  Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non.
            – Con cò mà đi ăn đêm
  Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.
Hay những cặp hình ảnh như : phượng / hoàng, nhạn / én, bướm / hoa, mận / đào, mai / trúc, thuyền / bến v.v… để tượng trưng cho đôi bạn chung tình.
T.D.        Thiên duyên kỳ ngộ gặp chàng
   Khác nào như thể phượng hoàng gặp nhau.
 – Nhạn về bể bắc nhạn ơi
   Bao thuở nhạn hồi, kẻo én đợi trông.
 – Ai làm cho bướm lìa hoa
   Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng.
 – Ước gì đào vợ, mận chồng
   Đào thương, mận nhớ, não nùng đôi bên.
   Vì đào nên mận chẳng quên
   Vì đào nên mận ngậm phiền nhớ mong
   Vì đào nên mận long đong
   Xin đào chớ ở ra lòng bắc nam.
 – Ai đi đường ấy hỡi ai
   Hay là trúc đã nhớ mai, đi tìm.
– Thuyền ơi có nhớ bến chăng
  Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
v.v…
Sự tách bạch 3 thể: phú – hứng – tỉ cho vấn đề trình bầy được rõ ràng , chớ thực sự,   cả 2 hoặc 3 thể thường cùng được sử dụng trong một bài ca dao.

4. LỐI KẾT CẤU THU HẸP DẦN ĐỐI TƯỢNG VỀ ĐIỀM KẾT
Ngoài ba phương thức diễn đạt phú, hứng và tỉ, ta còn thấy lắm bài ca dao có chung một lối kết cấu theo trình tự thu hẹp dần đối tượng về điểm kết.
T.D.     –Anh đi, anh nhớ quê nhà
  Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
  Nhớ ai dãi nắng dầm sương
  Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
Trước khi phải đi xa và có lẽ đi lâu nữa, chàng trai ở đây đã cảm thấy bao nỗi nhớ nhung vây bủa lòng mình. Chúng giúp chàng có can đảm để giãi bày tâm sự cùng cô gái , tuy chung làng, chung xóm, mà chắc rằng chàng và nàng đã từng để ý đến nhau, nhưng chưa một lần thổ lộ.
Trong suốt 4 câu ca dao tâm tình trên, ta thấy chàng trai sử dụng điệp ngữ “nhớ” đến 5 lần, mỗi lần là một nỗi niềm được kể ra theo một trình tự từ xa đến gần. Từ nỗi nhớ quê nhà đến nỗi nhớ cuộc sống êm đềm trong gia đình, thể hiện qua những bữa cơm thanh đạm mà ngon với “canh rau muống” với “cà dầm tương”. Hai câu cuối, nỗi nhớ của chàng trai thu hẹp dần về cá nhân – Tuy nhiên, nỗi “nhớ ai” trong câu ba vẫn là phiếm chỉ, bóng gió, xa xôi; phải đợi đến câu chót, nỗi “nhớ ai” mới thật rõ ràng xác định: “nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”, vì những kỷ niệm riêng tư ấy, chỉ có chàng và nàng biết với nhau mà thôi.
Lối kết cấu thu hẹp dần đối tượng về điểm kết này rất thích hợp cho những bài ca dao trữ tình, nó giúp cho sự diễn tả đời sống tình cảm và tâm lý con người được tự nhiên và hấp dẫn.

5. LỐI KẾT CẤU GỢI MỞ
Bài ca dao Đêm Buồn được trình bầy ở trên (đoạn nói về thể hứng) còn là một bài ca dao có lối kết cấu gợi mở điển hình.
Từ sự việc bình thường: trong một đêm buồn nhớ chồng xa vắng lâu ngày, người ly phụ không ngủ được, trở dậy ra bờ ao ngắm nhìn cảnh vật cho khuây khỏa nỗi lòng:
Đêm qua ra đứng bờ ao
  Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.
Nỗi buồn của nàng mỗi lúc một rõ rệt hơn, thắm thía hơn:
Buồn trông con nhện giăng tơ
  Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?
– Buồn trông chênh chếch sao mai
  Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?
– Đêm đêm tưởng dải Ngân Hà
  Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn.
Đến hai câu cuối:
Đá mòn, nhưng dạ chẳng mòn
  Tào Khê nước chảy, hãy còn trơ trơ.
Ta thấy hai câu này không nhằm kết ý toàn bài theo cách thông thường của một bài thơ cổ điển, nghĩa là thay vì phải tập trung vào tâm sự buồn nhớ trầm thiết trong lòng ly phụ bấy giờ, thì ở đây, ý thơ lại đột ngột chuyển biến, mở ra một niềm tin yêu mãnh liệt của người ly phụ đối với người bạn đời xa vắng  .
Tình yêu thủy chung, son sắt của nàng thách đố cả với thời gian và không gian:
Đá mòn, nhưng dạ chẳng mòn
  Tào Khê nước chảy, hãy còn trơ trơ.
6. PHƯƠNG THỨC DIỄN ĐẠT GIÁN TIẾP BẰNG CÁCH MƯỢN CHUYỆN NÀY ĐỂ ÁM CHỈ CHUYỆN KIA
Ca dao trữ tình còn hay sử dụng tới phương thức diễn đạt độc đáo nữa là lối trình bầy gián tiếp qua từ ngữ, sự việc mà chúng ta phải dựa vào ý tứ của bài ca dao mới suy ra được chủ ý của tác giả. Như nói về từ “trông”, sự “trông” nhưng cốt gián tiếp nói đến nỗi ’’nhớ’’.

T.D.    – Ngày ngày em đứng em trông
  Trông non non ngất, trông sông sông dài.
Trông mây, mây kéo ngang trời
  Trông trăng trăng khuyết, trông người người xa.

 

Như nói về từ “nhớ”, nỗi “nhớ” nhưng cốt gián tiếp nói tới niềm ‘’yêu’’.
T.D.     – Nhớ ai em những khóc thầm
  Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa.
  Nhớ ai ra ngẩn, vào ngơ
  Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai.
Độc đáo hơn cả là những khi ca dao trữ tình sử dụng đến thủ pháp nói ngược với đề tài, nhưng tình ý gửi gấm vẫn đạt được hiệu quả mong muốn.
T.D.1

Từ ngày ăn phải miếng trầu
  Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu
  Biết là thuốc dấu hay bùa yêu
  Làm cho thiếp phải nhiều điều xót xa.
  Làm cho quên mẹ, quên cha
Làm cho quên cửa, quên nhà 
Làm cho quên cả đường ra, lối vào
  Làm cho quên cá dưới ao
  Quên sông tắm mát, quên sao trên trời.
Bài ca dao trên không một lần nhắc đến từ “nhớ” nỗi “nhớ”, mà trái lại đã sử dụng điệp ngữ “quên” đến 8 lần để kể lể về những sự quên. Từ “quên cha, quên mẹ” là những người thân yêu nhất, đến quên hết những thú vui vầy cùng thiên nhiên mà người thiếu nữ ở đây hằng ưa thích. Như thế, càng nói “quên” bao nhiêu lại càng làm nổi bật ý “nhớ” bấy nhiêu, vì chỉ nhớ một người mà làm cho quên tất cả. Hình ảnh và tình yêu người đó đã chiếm trọn vẹn tim óc của người thiếu nữ này đến nỗi không còn một hình ảnh, một tình cảm nào len lỏi vào được nữa. Thế mới biết, ma lực của tình yêu có thể làm cho con người ta trở thành mê muội, mất hết cả sáng suốt và quân bình cần có giữa đời sống tình cảm và lý trí.

T.D.2
Nhớ xưa anh bủng, anh beo
  Tay nâng chén thuốc lại đèo múi chanh.
  Bây giờ anh tốt, anh lành
  Anh âu duyên mới, anh đành phụ tôi.
  Đất xấu nặn chẳng nên nồi
  Chàng đi lấy vợ để thiếp tôi đi lấy chồng
  Chàng đi lấy vợ cách sông
  Thiếp tôi lơ lửng lấy con ông lái đò.
  Phòng khi chàng có sang đò
Sông sâu, sóng cả thiếp lo cho chàng.
Nàng thiếu phụ ở đây bị chồng có ý ruồng rẫy để đi lấy người khác. Nhờ có tình nghĩa và nhất là nhờ vào sự ăn nói khôn ngoan, biết dùng thủ pháp nói “ly” để hướng về “hợp”, mà nàng đã cứu gỡ được hoàn cảnh tan nát  gia đình; vừa giữ được chồng, vừa gây thêm được tình nghĩa keo sơn gắn bó.
Bốn câu đầu (1-4) nàng thiếu phụ kể lể công lênh tình nghĩa của mình đối với chồng khi chàng đau ốm, để có cớ trách ai kia nay đang tâm phụ rẫy nàng.
Sáu câu tiếp (5-10) nàng chấp nhận chuyện chia ly “Chàng đi lấy vợ để thiếp tôi đi lấy chồng”, nhưng nàng bước đi bước nữa không phải để trả thù theo thói thường tình “ông ăn chả, bà ăn nem”, như trong một bài ca dao dị bản khác:
Anh đi lấy vợ cách sông
  Tôi đi lấy chồng trước ngõ nhà anh.
mà chẳng qua là sự vạn bất đắc dĩ, vì thân cô, thế cô, bơ vơ không nơi nương tựa:
-“Thiếp tôi lơ lửng lấy con ông lái đò”.
Hơn nữa, “lấy con ông lái đò” cũng là vì nghĩ đến chồng:
Phòng khi chàng có sang đò
  Sông sâu, sóng cả thiếp lo cho chàng.
Nàng thiếu phụ ở đây tỏ ra rất sành tâm lý, nàng phải đặt ra vấn đề ly hôn để thỏa mãn ý chồng, có thế hắn mới có đủ rộng lượng và kiên nhẫn để nghe nàng kể lể khúc nhôi. Nhờ đó, nàng đã có dịp đem chuyện tình nghĩa mà thuyết phục. Chắc hẳn nàng đã thành công, vì có người chồng nào lại nỡ phụ một người vợ thủy chung, chí tình, chí nghĩa với mình như vậy?
Tóm lại, nghệ thuật độc đáo của bài ca dao này chính là phép nói “ly” để thuyết “hợp” vậy.

7. THỂ ĐỐI ĐÁP
Như đã trình bầy ở trên, ca dao trữ tình được sáng tác một phần lớn do nhu cầu hát xướng đối đáp nam nữ, do đó, nhiều bài được làm dưới hình thức đối đáp là điều dễ hiểu. Và hình thức này đã trở thành thông dụng, khiến nhiều bài ca dao dù không được làm ra để hát xướng đối đáp, vẫn có hình thức đối đáp.
T.D. Đối đáp hai vế :
Vào vườn hái quả cau non
  Anh thấy em giòn muốn kết nhân duyên.
  Hai má có hai đồng tiền
  Càng nom càng đẹp, càng nhìn càng ưa.
– Anh đà có vợ con chưa
  Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào.
  Mẹ già anh để nơi nao
  Để em tìm vào hầu hạ thay anh.
Đối đáp một vế :
Hỡi cô cắt cỏ một mình
  Cho anh cắt với chung tình làm đôi.
  Cô còn cắt nữa hay thôi
  Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.
Người tham dự những cuộc hát đối đáp (hát ghẹo, hát ví, trống quân, cò lả, quan họ…) ngoài vấn đề phải thuộc lòng nhiều bài ca dao truyền thống với đủ thể loại, đủ cách điệu, đủ thuật ngữ… để có vốn văn liệu mà dùng, còn phải là người có kiến thức phổ thông khá, lại vừa thông minh nhạy cảm, vừa có tài ứng đối lanh lợi, có thế mới mong đối đáp kịp thời trước những câu hát đố khó, hay những câu hát xướng mắc mỏ, đang sôi nổi diễn ra trong buổi hát.
Đố anh trên trời có mấy ngôi sao
  Dưới ao có mấy con cá, dưới hà bá có mấy ông vua?
  Đông Tây Nam Bắc có mấy ngôi chùa,
  Chợ Đông Ba mới tạo, bán mua mấy người?
– Ới em ơi! Ngó lên trời, có cả vạn ngôi sao
  Dưới ao biết bao là con cá, dưới hà bá có bốn ông vua
  Đông Tây Nam Bắc có bốn ngôi chùa
 Chợ Đông Ba, mới tạo, bán mua hai người.
Câu 4 trả lời tuyệt thông minh: một người mua dùng thay cho tất cả những người mua; một người bán dùng thay cho tất cả những người bán. Như thế, dù chợ có bao nhiêu người mua, kẻ bán chăng nữa, cũng chỉ có hai loại người: một loại người mua, và một loại người bán mà thôi. Ngoài ra, câu trả lời có thể còn hàm ý chơi chữ: câu “Chợ Đông Ba mới tạo, bán mua mấy người?” khi đọc lên, nếu ngắt đoạn khác đi như “Chợ đông ,ba; mới tạo, bán mua mấy người?” thì đây chính là một câu hỏi mẹo: “Chợ mới tạo, bán mua mấy người?” trong khi câu đố ngầm cho biết trước:  “chợ đông” có “ba”.
Người đáp phải thông minh lanh trí lắm mới đoán ra được lối hỏi mẹo này, và đã trả lời: “Chợ đông, ba; mới tạo, bán mua hai người”. Nghĩa là  “chợ đông” có “ba” người bán mua, thì chợ ’’mới tạo” tất phải vắng hơn, nên chỉ có “bán mua hai người”. Trả lời như thế là đúng boong rồi.
T.D.2.
Bông cúc vàng nở ra bông cúc tím
  Em có chồng rồi trả yếm lại anh.
– Bông cúc vàng nở ra bông cúc xanh
  Yếm em, em mặc, yếm gì anh, anh đòi.
Tất nhiên chuyện tặng yếm và đòi yếm ở đây chỉ là chuyện nói giỡn chơi, cho hào hứng trong một buổi hát đối đáp huê tình. Dù sao, chàng trai hát xướng lên chuyện đòi yếm cũng là một tay đùa nhả, gây khó cho đối phương. Vì hát như thế, chả khác nào bảo cô gái đã từng tằng tịu với mình, nay cô có chồng nên trách cô thay lòng đổi dạ. Chẳng may, anh gặp phải cô gái hát đôi, cũng là một tay không vừa. Cô gạt phăng chuyện vu khống của anh, và còn tố cáo anh là bịa chuyện nói láo. Đồng thời, cô xác định việc cô lấy ai, yêu ai là quyền tự do của cô, cũng như bông cúc vàng muốn nở ra mầu gì, ngay cả mầu xanh không có trong thực tế chăng nữa, cũng là quyền của nó, không mắc mớ gì đến anh mà anh xía vô.
Câu trả lời của cô gái chứng tỏ, cô đã có được sự ứng đối mau lẹ và tài tình.

8. THỂ LỤC BÁT VÀ SONG THẤT LỤC BÁT
Ca dao trữ tình phần lớn làm ra để hát, nên nó cần được thể hiện bởi những thể thức giầu nhạc tính. Đó là lý do tại sao ta thường thấy ca dao trữ tình có hình thức lục bát và song thất lục bát.
Trong thi ca của ta, thể lục bát vừa có yêu vận (vần lưng) vừa có cước vận (vần chân); và toàn là vần bằng. Câu tám có 2 vần bằng, nếu vần lưng là phù bình thanh (không dấu) thì vần chân phải là trầm bình thanh (có dấu huyền) hoặc ngược lại. Nhạc điệu ở thể lục bát vì thế tương đối êm đềm, nhưng vẫn không kém uyển chuyển, rất thích hợp để diễn tả những tình cảm nhẹ nhàng, tràn làn.
Trong khi đó, thể song thất lục bát vừa có yêu vận, vừa có cước vận như thể lục bát, đặc biệt hơn , nó có cả vần bằng, lẫn vần trắc; thế nên, khi ngâm lên, nghe bổng trầm réo rắt, rất thích hợp để diễn tả những tình cảm phức tạp trong lòng người.
Ở hai thể thơ này, vần điệu đan nhau quấn quít, vần câu trên bắt xuống vần câu dưới, cứ thế triền miên cho đến hết bài; nhờ vậy có thể ngâm lên, hát lên một cách dễ dàng.
Tóm lại, sự phân chia ra các phương thức như trên chẳng qua chỉ để cho rõ ràng mà thôi, vì thực tế, một bài ca dao trữ tình thường sử dụng cả 2,3,4 phương thức xen kẽ nhau; có thế mới diễn tả được hết những cảnh ngộ éo le, những tình cảm khúc mắc của con người.
T.D.       NỤ TẦM XUÂN
Trèo lên cây bưởi hái hoa
  Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
  Em đã có chồng anh tiếc lắm thay !
– Ba đồng một mớ trầu cay
  Sao anh không hỏi những ngày còn không.
  Bây giờ em đã có chồng
  Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
  Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
  Chim vào lồng biết thuở nào ra!
Đây là một bài ca dao trữ tình làm theo thể song thất lục bát biến thức, trình bày dưới dạng đối đáp hai vế. Nó còn được diễn đạt phối hợp giữa ba phương thức Phú, Hứng và Tỉ một cách khéo léo tài tình:
– Câu 1+2: phú : tự sự về cảnh chàng trai trèo cây, hái hoa, đồng thời cũng là nhắc lại những kỷ niệm cũ.
– Câu 3+4: hứng và tỉ : nhân nhìn thấy hoa tầm xuân nở đẹp, chàng trai liên tưởng tới nhan sắc lộng lẫy của người bạn gái, cùng tình yêu nồng thắm của mình, chàng xúc động sinh tình tiếc nuối, vì nay nàng đã có chồng.
– Câu 5+6: trở lại thể phú : người thiếu phụ trách bạn sao không đem trầu cau dạm hỏi nàng, ngay khi nàng còn con gái.
– Câu 7-8-9-10: tỉ và hứng : người thiếu phụ so sánh cuộc đời làm vợ bị gò bó của mình   “như chim vào lồng”,  “như cá cắn câu”. Nhân đó, nàng xúc động nói lên cảnh ngộ không lối thoát của mình. Đây cũng là một cách bầy tỏ sự cam phận, chấp nhận hoàn cảnh (nàng đã là gái có chồng, dẫu sao nàng cũng phải thủ tiết thờ chồng, bảo vệ sự yên ấm cho gia đình) để người bạn tình đừng tơ tưởng, hy vọng đợi chờ gì nữa.
Tóm lại, bài ca dao “Nụ tầm xuân” , nhờ biết phối hợp nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau , đã cực tả được một mối tình lỡ đầy thơ mộng, thắm thiết nhưng cũng đầy cảm khái một cách vừa tế nhị, vừa hàm súc.

II. NGHỆ THUẬT ĐẶT CÂU
Ngoài những phương thức nghệ thuật tổng quát kể trên, ca dao trữ tình còn sử dụng nhiều mỹ từ pháp để điểm xuyết trong phép đặt câu:
1. Điệp ngữ: là phương pháp lập lại một từ ngữ (kể cả ngữ nghĩa lẫn ngữ âm) hay một nhóm từ ngữ trong câu một lần hay nhiều lần, làm cho tình ý diễn tả thêm nồng nàn, và nhạc điệu thêm tha thiết.
T.D.     Bài “Khăn thương nhớ ai” đã giới thiệu trong phần nói về thể Tỉ, nhóm từ “thương nhớ ai” được lập đi lập lại đến 5 lần, 3 lần hỏi khăn, 1 lần hỏi đèn, 1 lần hỏi mắt. Sự điệp ngữ này tạo nên một âm hưởng biểu cảm đặc biệt để diễn tả nỗi lòng xôn xang thương nhớ người bạn tình chung của  nhân vật nữ ở đây.
2. Lối song hành: là cách sắp câu, sắp ý song song với nhau, có khi tương phản nhau, có khi hô ứng hay phù trợ cho nhau.
T.D.    – Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ
  Chim vào lồng, biết thuở nào ra.
Hai câu ca dao này có ý phù trợ nhau, cùng nói lên sự cam phận của người thiếu phụ ở đây, mặc dầu cuộc đời làm vợ của nàng phải chịu nhiều sự ràng buộc, câu thúc trong vòng lễ giáo phong kiến xưa.
3. Lối đảo ngữ: là lối đổi vị trí của từ ngữ trước ra sau hoặc ngược lại, giúp cho cảnh tình phô diễn thêm tăng, thêm rõ.
T.D.    – Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát
  Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, bát ngát mênh mông.
Đây cũng là lối đặt 2 câu song hành, đồng thời còn có đảo ngữ ở 4 từ cuối mỗi câu. Nhóm từ “mênh mông bát ngát” của đoạn cuối câu trên được đảo lại với nhóm từ “bát ngát mênh mông” ở đoạn cuối câu dưới, giới thiệu cho ta cảnh đồng lúa “mênh mông bát ngát” qua con mắt phóng nhìn, say sưa chiêm ngưỡng của cô gái từ 2 vị trí khác nhau: “bên ni đồng” và “bên tê đồng”. Sự đảo ngữ ấy làm tăng thêm cho ta cái cảm giác về sự bao la, tưởng chừng như vô tận của cánh đồng lúa phì nhiêu nơi quê nhà.
4. Tiểu đối: là lối đặt một nhóm từ hay một câu thành 2 vế đối nhau, có tác dụng làm cho tình ý diễn tả thêm tăng mà nhạc cũng thêm giầu.
T.D.1   – Mưa xuân lác đác vườn đào
  Công anh đắp đất, ngăn rào trồng hoa.
  Ai làm gió táp, mưa sa
  Cho cây anh đổ, cho hoa anh tàn.
Bài ca dao trên có đến ba cặp tiểu đối là: đắp đất / ngăn rào, gió táp / mưa sacho cây anh đổ / cho hoa anh tàn.
T.D.2  – Nhớ ai ra ngẩn, vào ngơ,
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai
Nhóm từ “ra vào ngơ ngẩn” được tách làm 2 vế đối nhau: ra ngẩn / vào ngơ, lại đến cập tiểu đối “nhớ ai / ai nhớ” cũng thuộc nhóm đảo ngữ nữa.
……………………;
III. NGHỆ THUẬT DÙNG CHỮ
Ngôn từ trong ca dao tuy giản dị, rất ít từ Hán, ngay từ Hán Việt cũng không có mấy, nhưng lại rất nhiều từ biểu cảm, gợi thanh, gợi hình, gợi sắc. Một khi được sử dụng chính xác, có nghệ thuật, chúng giúp cho tình ý câu ca dao được thể hiện rõ rệt và các vẻ đẹp về hình thức của bài ca dao cũng được phô bầy trọn vẹn. Bởi đó, vai trò của từ ngữ trong ca dao trữ tình vô cùng quan trọng.
Ở đây tôi xin nhắc tới hai loại từ thông dụng nhất là từ láy và từ ai.
1. Từ láy: Đặc biệt ca dao trữ tình ưa sử dụng loại từ láy và còn sử dụng từ láy ở nhiều cung bậc khác nhau. Vậy từ láy là gì?
Chúng ta cũng biết, một từ Việt Nam phát lên thành tiếng là được tạo nên bởi một hay hai, ba nguyên âm đứng độc lập (T.D. : a, ôi, yêu…), hay kết hợp với phụ âm đầu, phụ âm cuối và thanh (không dấu, dấu sắc, dấu huyền, dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng).
Một từ gọi là láy hoàn toàn thì phải lập lại tất cả các yếu tố tạo âm của từ gốc.
T.D.1   –Trời mưa gió rét kìn kìn
  Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông.
kìn kìn” là từ láy hoàn toàn. Ở câu ca dao này, nó vừa gợi tả một cách sinh động cảnh mưa to, gió lớn triền miên, vừa tạo được cảm giác rét mướt thấm vào da thịt.
Theo chàng trai si tình ở đây, khi trời mưa gió, rét mướt tới tấp, kéo dài (kìn kìn) như thế, dẫu có đắp nghìn chăn bông cũng không ấm bằng đắp đôi dải yếm (mỏng manh, nhỏ hẹp) của cô mình. Tất nhiên đây chỉ là cảm tưởng, hay chỉ có trong cảm giác của tác giác. Dẫu sao câu ca dao này cũng nói lên được một sự thực: Hạnh phúc của tình yêu sưởi ấm lòng người (tinh thần), giúp ta quên đi phần nào sự rét buốt nơi thể xác. (Dải yếm ở đây cũng như ở câu “Thuyền anh ngược thác lên đây, Mượn em dải yếm làm dây kéo thuyền” là loại dải lưng yếm, dài chừng 80cm, rộng chừng 15cm, khác với dải cổ yếm, chỉ là hai sợi dây vải viền nhỏ buộc sau gáy. Khi mặc yếm, các bà, các cô bắt chéo hai dải lưng rồi buộc về phía trước bụng. Vì dải lưng tương đổi dài và rộng nên thường được dùng để bọc trầu cau đem theo ăn đường, do đó mới có khẩu ngữ “trầu dải yếm”).
Nếu một từ chỉ lập lại 2 hay 3 trong 4 yếu tố tạo âm của từ gốc thì gọi là từ láy không hoàn toàn, như những thí dụ sau đây:
T.D.2   –Hoa thơm, hoa ở trên cây
  Con mắt em lúng liếng, dạ anh say lừ đừ.
Lúng liếng”, “lừ đừ” còn gọi là từ láy đơn hay từ láy đôi.
Cặp từ láy “lúng liếng” tả được cặp mắt không những to đẹp, sáng long lanh mà còn rất linh động, đang đong đưa gợi duyên, gợi tình như mời mọc, như hứa hẹn để chinh phục đối tượng. Kết quả hiển nhiên, cậu trai nào mới lớn bị đôi mắt ấy chiếu vào, làm sao không cảm thấy sung sướng, đê mê? Vẻ mặt ngây dại đi, trong khi tâm thần thì đờ đẫn (lừ đừ) như kẻ say rượu, mất hết linh hoạt và tự chủ.
T.D.3   –Cái cổ yếm em nó thõng thòng thòng
  Tay em đeo vòng như bắp chuối non
thõng thòng thòng” còn gọi là từ láy kép, láy ba.
Phải đọc hết câu 2 ta mới thấy được cái tài tình trong nghệ thuật sử dụng chuỗi từ láy “thõng thòng thòng” ở câu 1. Quả thế, cổ tay cô nàng tròn lẳn, mượt mà, căng đầy sức sống như “bắp chuối non”, thì một khi cái cổ yếm cô nàng đã cố tình buông “thõng thòng thòng”, tức thả sâu xuống một cách hờ hững, trễ tràng như thế, tất nhiên hình ảnh hai trái đào tiên của ai nõn nường hấp dẫn ra sao không cần phải tả, ngay cả nhắc đến, chúng vẫn hiện ra lồ lộ (tất nhiên chỉ ở trong trí tưởng tượng của mỗi người). Thú vị thật !
Câu ca dao này làm ta liên tưởng tới câu thơ
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
trong bài “Thiếu nữ ngủ ngày” của Hồ Xuân Hương.
T.D.4   –Con chim trên rừng kêu thánh tha thánh thót
  Mẹ thương con như đứt ruột xẻ hai.
thánh tha thán thót” còn gọi là từ láy kép, láy tư.
Thánh thót” là từ gợi thanh, tả tiếng chim hót trầm bổng, lúc to lúc nhỏ, ngân vang một cách êm ái. Nhưng khi từ láy đơn “thánh thót” trở thành từ láy kép “thánh tha thánh thót” thì lại tả tiếng chim hót trầm bổng, đứt quãng; vì thế ở đây nó được dùng để gợi tả tiếng lòng thổn thức của người mẹ đang đau đớn, lo lắng vì con mình gặp hoạn nạn.
T.D.5   –Một cây khô mộc đợi trông
  Hai cây khô mộc đợi trông
  Gió đánh trắt tra trắt tréo trặt trà trặt trẹo
  Trên cành tùng trơ vơ.
Trơ vơ” còn gọi là láy đơn, láy đôi.
Trắt tra trắt tréo trặt trà trặt trẹo” còn gọi là từ láy kép, láy 8.
Câu ca dao trên tả tình trạng bấp bênh của hai cây khô mộc, sống kiếp tầm gửi trên ngọn câu tùng. Nay chúng khô héo, không còn rễ tươi bám vào thân tùng nữa, đã vậy, cây tùng lại mọc chốn cheo leo, ngọn tùng ở thế trống vắng (trơ vơ) nên khi gió bão đầy trời, hai cây khô mộc càng bị gió lớn đánh nghiêng ngả, oằn oại  (Trắt tra trắt tréo trặt trà trặt trẹo) chỉ chực rớt xuống.
Chuỗi từ láy ‘’Trắt tra trắt tréo trặt trà trặt trẹo’’ này đã gợi hình, gợi thanh, gợi cảm biết bao nhiêu, và quả hình thức láy nhiều từ càng kéo dài thì sức diễn tả của nó càng mãnh liệt. Chẳng những thế, ở đây nó còn gợi ý, làm ta liên tưởng đến cảnh ngộ bi đát của những người tứ cố vô thân, phải luôn luôn sống trong tình trạng lo lắng, đợi chờ những tai biến xẩy ra, phủ chụp xuống cuộc đời của họ mà họ không có cách nào tránh khỏi.
Tóm lại, từ láy có chức năng gợi tả sinh động (gợi hình, gợi thanh, gợi sắc), biểu cảm và gợi ý; ngoài ra nó còn tạo thêm được nhạc tính cho hơi thơ. Quả vậy, từ láy khi phát âm, nhất là ở những từ láy kép, tạo thành một chuỗi hòa âm, giúp cho nhạc điệu câu ca dao vừa phong phú vừa uyển chuyển, nhịp nhàng.
2. Từ ai
Trong ca dao trữ tình, từ “ai” được sử dụng nhiều nhất, và đặc biệt ,nó được sử dụng một cách vô cùng linh động, tài tình, phong phú đến độ có nhiều trường hợp nó chứa đựng nhiều ý nghĩa khác nhau, mà ta chỉ có thể giả thiết chứ không quyết đoán được.
Từ những từ “ai” giản dị nhất dùng để hỏi về một người ta không quen biết, thuộc loại nghi vấn đại danh từ ngôi ba, số ít như:
T.D.1   –Bây giờ mận mới hỏi đào
  Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
hay từ “ai” nói về một người ta không biết, thuộc loại phiếm chỉ đại danh từ ngôi ba, số ít:
T.D.2   –Mận hỏi thì đào xin thưa
  Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
Có nhiều từ “ai” khác, tuy dùng dưới hình thức phiếm chỉ, nhưng khi xét tình ý câu ca dao thì ta cũng đoán được chúng ám chỉ người nào.
T.D.3   –Ai làm cho bướm lìa hoa
  Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng.
  Ai đi muôn dặm non sông
  Để ai chất chứa sầu đong vơi đầy.
Từ “ai” trong câu 1 thuộc nghi vấn đại danh từ ngôi ba, số ít.
Từ “ai” trong câu 3 thuộc đại danh từ ngôi hai thay cho tiếng anh hay chàng, đứng làm chủ từ.
Từ “ai” trong câu 4 thuộc đại danh từ ngôi thứ nhất, thay cho tiếng em hay thiếp, dùng làm túc từ.
Ý toàn câu: Ai đã chia uyên rẽ thúy đôi ta? Thế rồi anh bỏ đi xa để em ở lại với bao nỗi sầu thương, nhung nhớ.
Từ “ai” trong những câu ca dao sau càng phức tạp hơn:
T.D.4  –Ai về, ai ở, mặc ai
 Tôi như dầu đượm thắp hoài năm canh.
Những từ “ai” ở đây có 2 giả thiết.
* Giả thiết thứ nhất
“ai về” tức anh về (ai: ám chỉ đại danh từ ngôi hai, số ít, đứng làm chủ từ).
“ai ở” tức tôi ở (ai: ám chỉ đại danh từ ngôi thứ nhất, số ít, đứng làm chủ từ).
“mặc ai” tức mặc tôi (ai: ám chỉ đại danh từ ngôi thứ nhất, đứng làm túc từ).
Toàn câu có thể hiểu là: Anh bỏ về, tôi ở lại, anh mặc kệ tôi, muốn ra sao thì ra (anh đã bạc tình, phai nghĩa không thèm đoái hoài gì tới tôi nữa). Riêng tôi, một khi đã yêu anh thì tôi mãi mãi thủy chung, như cây bấc đã thấm dầu sẽ cháy suốt đêm trường.
* Giả thiết thứ hai
Trong gia đình cô thiếu nữ ở đây có cuộc vui, tài tử giai nhân vãng lai tấp nập, khiến người yêu cô ở xa có ý ghen tuông. Đây là lời giải thích của cô.
“ai về” tức người nào về (ai phiếm chỉ đại danh từ ngôi ba, số ít)
“ai ở” tức người nào ở (ai phiếm chỉ đại danh từ ngôi ba, số ít)
“mặc ai” tức mặc họ (ai phiếm chỉ đại danh từ ngôi ba, số nhiều)
Toàn câu có thể hiểu là: Ai về, ai ở mặc họ, tôi đâu có thèm để ý đến. Một khi tôi đã yêu anh thì chỉ biết có anh, tôi sẽ thủy chung mãi mãi như cây bấc thấm dầu cháy suốt đêm trường.

T.D.5   –Nhớ ai em những khóc thầm
  Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa.
Nhớ AI ra ngẩn vào ngơ
  Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?

 

Từ “ai” trong câu 1 và câu 3 thì đã rõ, vì đối tượng của em tất phải là anh, là chàng (đại danh từ ngôi hai, số ít, đứng làm túc từ). Nhưng còn những từ “ai” trong câu 4 thì rất phức tạp. Chúng ta sẽ có nhiều giả thiết.
* Giả thiết một: “nhớ ai” tức nhớ anh (ai: đại danh từ ngôi hai, số ít, đứng làm túc từ); “ai nhớ” tức em nhớ (ai: đại danh từ ngôi thứ nhất, số ít, đứng làm chủ từ); “Bây giờ nhớ ai” tức bây giờ lại nhớ anh (ai: đại danh từ ngôi hai, số ít, đứng làm túc từ).
Toàn câu có thể diễn ý như sau: nhớ anh thì em chứ ai, vì chỉ có em mới nhớ tha thiết đến thế (khóc … đầm đầm như mưa, ra ngẩn vào ngơ).Bây giờ em lại nhớ anh, chứ còn ai ngoài anh ?
Câu ca dao này biểu lộ lòng yêu thương tha thiết của cô gái đối với người bạn tình chung.
* Giả thiết hai: Theo tâm lý chung của những kẻ đang yêu,  họ thường hay thắc mắc, muốn hỏi đối tượng xem có nhớ mình không? (tức là có yêu mình không?) như thi sĩ Quang Dũng trong bài Đôi Mắt Người Sơn Tây: “Em có bao giờ em nhớ tôi?”, hay trong một câu da dao đã dẫn ở đoạn trên: Thuyền ơi có nhớ bến chăng?
Từ ý hướng đó, ta có thể giả thiết câu “nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai” như sau: Nhớ em, anh nhớ thực không hay bây giờ lại đang nhớ ai? Từ “ai” cuối thuộc phiếm chỉ đại danh từ.
Câu hỏi loại này đặc biệt được rất nhiều phụ nữ ưa dùng. Dẫu biết rằng mình đang được yêu, họ vẫn hay lẩm cẩm hỏi đối tượng (người tình, người chồng) xem có nhớ, có yêu mình không hay lại tơ tưởng đến ai khác. Đây chỉ là loại câu hỏi làm nũng, làm duyên, kiểu “nhi nữ thường tình” mà thôi.
* Giả thiết ba: Ta cũng có thể giả thiết câu ca dao này theo một tình ý khác hẳn hai giả thiết trên: Nhớ em? Anh mà nhớ gì em, bây giờ anh đang nhớ tới ai kia kìa!
Từ “ai” chót thuộc đại danh từ ngôi ba, số ít, ám chỉ tình nhân của người yêu hay của người chồng. Nếu quả như thế thì câu ca dao này hàm ý hờn ghen, đau đớn, giận dỗi của người phụ nữ yêu mà không được đáp lại.
Trong ca dao trữ tình, từ “ai” không riêng chỉ người mà đôi khi chỉ cả  gia xúc nữa.
T.D.6   –Trâu ơi ta bảo trâu này
  Trâu ra ngoài ruộng, trâu cầy với ta.
  Cấy cầy vốn nghiệp nông gia
  Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.
Từ “ai” trong câu ca dao trên vừa chỉ người (thay cho từ ta, đại danh từ ngôi thứ nhất, số ít), vừa chỉ trâu (đại danh từ ngôi hai, số ít), vừa chỉ cả người lẫn trâu (đại danh từ ngôi thứ nhất, số nhiều). Từ “ai” ở đây mang một sắc thái biểu cảm rõ rệt, vì người nhà nông thương quý con trâu như người bạn đồng nghiệp (nghiệp nông gia), từng chia ngọt sẻ bùi với mình. Như thế, trâu và người đã được đồng nhất hóa, bình đẳng với nhau.

IV. NHẠC TÍNH TRONG CA DAO TRỮ TÌNH
Nhạc trong thơ được tạo nên bởi ba yếu tố: Vần – Tiết Tấu và Từ. Ca dao trữ tình rất giàu nhạc tính, khi nhẹ nhàng êm ái, khi thanh thoát lâng lâng, khi uyển chuyển dìu dặt, khi rền rĩ thiết tha… là nhờ ở đâu?
Xin thưa, chính là nhờ ở vần, ở tiết điệu và từ ngữ vậy.
1. Âm hưởng của vần
Chúng ta đã biết, ca dao trữ tình làm ra phần lớn để ngâm, để hát nên nó phải được thể hiện ở những thể thức giầu nhạc tính. Bởi thế,ngoài hai thể nhiều âm vận nhất của thơ ta như lục bát và song thất lục bát mà chúng ta đã có dịp phân tích ở trên, ca dao dù làm dưới thể thức nào khác, âm vận vẫn được coi trọng vào hàng đầu.

T.D.1   –Gió hiu hiu
Chín chìu ruột thắt
  Nhìn sao bên Bắc
  Nước mắt chảy bên Đông
 Ai xuôi chi vợ vợ chồng chồng
Không biết đây với đó dây tơ hồng có xe?

Bài ca dao này vừa có vần bằng: hiu, chìu, đông, chồng, hồng; vừa có vần trắc: thắt, bắc, mắt. Vừa có cước vận: hiu, thắt, bắc, đông, chồng; vừa có yêu vận: chìu, mắt, chồng, hồng.

T.D.2   –Chữ xuất giá tòng phu phải lẽ,
  Gái có chồng bỏ mẹ quạnh hiu
  Bớ anh ơi!

  Em nhớ khi thơ bé nâng niu

  Ngày nay xuất giá bỏ liều mẹ cha?
Bài ca dao 2 cũng có đủ:
– vần bằng: hiu, niu, liều,
– vần trắc: lẽ, mẹ,
– vân chân: lẽ, hiu, niu
– vần lưng: mẹ, liều.
Tóm lại cả hai bài ca dao trên đều giầu âm hưởng, được tạo nên bởi nhiều âm vận. Vần từ câu một bắt xuống câu hai, cứ thế triền miên cho tới hết bài.
2. Tiết tấu của câu
Tiết tấu là nói đến cái nhịp, cái điệu của câu thơ hay bài ca, dựa vào chỗ ngắt đoạn, tức chỗ chia câu thành từng vế, mỗi vế có nghĩa trọn vẹn. Đó là nhịp dài, khi ngâm,
người ta ngừng lại ngân nga lâu một chút. Ngoài ra, trong mỗi vế, khi ngâm tùy theo hứng, người ta cũng có thể ngừng lại ngân nga ngắn hơn ở những chỗ vế chia thành từng bộ phận, đó là nhịp ngắn.
T.D.1 Nhịp dài (//)
-Đường đi những lách cùng lau//
  Cha mẹ tham giầu// ép uổng duyên con//
T.D.2 Nhịp ngắn (/)
Đường đi/ những lách/ cùng lau//
Trong những câu ca dao lục bát trữ tình, nhịp thông thường là nhịp đôi, nhịp bốn, có tính cách cân xứng như:
T.D.1 – Nhịp 4/4
2/2/2/2
Em ngồi cành trúc// em tựa cành mai//
  Đông đào/ tây liễu/ biết ai/ bạn cùng//
T.D.2 – Nhịp 2/2/2
2/2/2/2
Trời mưa/ ướt bụi/ ướt bờ/
  Ướt cây/ ướt lá// ai ngờ/ ướt em//
Ca dao trữ tình còn biến tiết, đổi điệu không ngừng, tạo nên cái uyển chuyển, duyên dáng cho hơi thơ.
T.D.3 – Nhịp 2/4
2/2/2/2
Yêu mình// chẳng lấy được mình//
  Tựa mai/ mai ngã// tựa đình/ đình xiêu//
T.D.4 – Nhịp 2/4
4/4
Đố ai/ quét sạch lá rừng//
  Để ta khuyên gió// gió đừng rung cây//
T.D.5 – Nhịp 2/4
2/4/2
Hỡi cô/ tát nước bên đàng//
  Sao cô/ múc ánh trăng vàng// đổ đi//
T.D.6 – Nhịp 4/2
2/4/2
Trách người quân tử/ bạc tình//
  Chơi hoa// rồi lại bẻ cành// bán rao//
Nhịp điệu trong ca dao trữ tình ở những thể loại khác cũng rất linh động.
T.D.7 – Nhịp 3/2/2
4/3/2
Đạo vợ chồng/ thăm thẳm/ giếng sâu//
  Ngày sau cũng gặp// mất đi đâu/ mà phiền//
T.D.8   –Chiếc buồm nho nhỏ//
  Ngọn gió hiu hiu//
  Nay nước thủy triều//
  Mai lại nước rươi//

  Sông sâu/ sóng cả/ em ơi//

Chờ cho sóng lặng//
  Buồm xuôi// ta xuôi cùng//
  Trót đa mang/ vào kiếp bềnh bồng//
  Xuống ghềnh// lên thác//
  Một lòng/ ta thương nhau.//
3. Nhạc tính của từ
Theo ngữ học, mỗi từ đơn của ta thường là một âm tiết, khi phát lên nhẹ hay mạnh, trong hay đục là tùy theo vị trí phát âm của nó trong khẩu cung (kể từ môi đến cuống họng, kể cả độ mở của miệng). Một từ được phát lên tại vị trí nào trong khẩu cung là phải chịu ảnh hưởng của bốn yếu tố tạo nên nó: nguyên âm, phụ âm đầu, phụ âm cuối và thanh. Vì thế từ nào có:
– nguyên âm bổng như: i, ê, e
– phụ âm vang như: m, n, nh, ng
– thanh bổng như: không dấu, dấu sắc, dấu hỏi, thì từ được phát ra, âm sẽ cao, trong và nhẹ. Ngược lại, từ nào gặp phải :
– nguyên âm trầm: u, ô, o,
– phụ âm tắc: p, t, ch, c,
và thanh trầm: dấu huyền, dấu ngã, dấu nặng thì từ phát ra âm sẽ đục và nặng.
Sự trong đục của các từ ngắt nhịp trong câu, và nhất là của các từ dùng làm vần có ảnh hưởng nhiều nhất đến nhạc tính của thơ.
T.D.1   –Hôm qua/ tát nước đầu đình//
  Bỏ quên cái áo/ Trên cành hoa sen//
  Em được// thì cho anh xin//
  Hay là/ em để làm tin/ trong nhà.//
Những từ ngắt nhịp và những từ dùng làm vần trong 4 câu thơ này hầu hết đều có những yếu tố tạo nên âm vang và trong, nên nhạc thơ nghe vui, diễn tả được tình cảm trong sáng, yêu đời của chàng trai ở đây.
T.D.2   –Nụ tầm xuân/ nở ra xanh biếc.//
  Em đã có chồng// anh tiếc/ lắm thay.//
Âm “iếc” trong 2 từ “biếc” và “tiếc” lấy làm vần ở đây, có 2 nguyên âm bổng (iê) vút cao, với thanh sắc cũng thuộc loại thanh bổng, nhưng đã bị đứt hơi, tắc nghẽn bởi phụ âm cuối  ‘c’, được mệnh danh là âm tắc; nên khi đọc lên, nghe như tiếng nấc, nhạc thơ vì vậy chậm lại, nghe nghẹn ngào, tức tưởi. Phải nói vần “iếc” ở đây gieo rất đắt, đã cực tả được nỗi tiếc nuối đứt ruột của chàng trai khi trở lại chốn cũ, gặp lại người xưa, tình mình thì đang nồng, người mình yêu lại quá đẹp, nhưng than ôi muộn mất rồi, vì nàng nay đã là gái có chồng!
T.D.3    –Yêu ai tha thiết, thiết tha
  Áo em hai vạt trải ra chàng ngồi.
Đôi khi để đảm bảo cho nhạc tính của câu ca dao (âm luật, âm vận), những âm tiết của từ kép có thể đảo ngược vị trí. Như câu ca dao trên hai âm tiết “tha thiết” được đảo thành “thiết tha”, vì thể lục bát chỉ gieo vần bằng (tha, ra).
Ca dao trữ tình lại hay sử dụng từ láy, nhờ sự lập lại toàn thể hay một số yếu tố của từ gốc mà từ láy khi phát âm, hai điểm phát âm sẽ trùng nhau (từ láy hoàn toàn) hay tiến sát gần nhau (từ láy không hoàn toàn), tạo thành một chuỗi hòa âm, giúp cho nhạc điệu của câu ca dao vừa phong phú, vừa thêm uyển chuyển, nhịp nhàng.

B. NHỮNG HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT TRONG CA DAO TRÀO LỘNG
Ca dao trào lộng đã phản ánh cá tính vui vẻ, ranh mãnh, thích giễu cợt, bông đùa để vui cười của người Việt Nam mình. Ca dao trào lộng đã được thể hiện dưới nhiều dạng thức nghệ thuật rất dí dỏm.

Hai câu ca dao này mỗi câu 6 chữ mà có đến 4 cặp từ láy. Cả 4 cặp đều chơi trên giấu giọng, hoặc láy lại thanh trước như ” lè lè “, hoặc đổi thanh như ” choen choét”, “tỏe tòe toe”, “quắp quằm quặp”. Nhờ đó, tả được sự diễn tiến của một buồng chuối đang nở qua 4 giai đoạn, một cách sinh động và dí dỏm :
– Khi còn là hoa, hoa chuối có màu đỏ tươi, dầy, trùm bên ngoài: “đỏ choen choét”.
– Khi hoa chuối nở, bao bên ngoài bung ra, từng nải chuối nhỏ mầu vàng nhạt vươn cong lên, chĩa ra ngoài ánh sáng:” tỏe tòe toe”.
– Quả chuối lớn thêm, vỏ trở nên xanh ngắt:” xanh lè lè”( lúc chuối còn xanh, chưa chín).
– Mỗi nải chuối đều bám vào buồng chuối bằng cái bẹ. Bẹ chuối lớn chỉ có hạn, trong khi đó các quả chuối mỗi ngày lại mỗi to ra, nên chúng phải ép mình khít vào nhau, dáng co quắp đến tức cười: “quắp quằm quặp”.
Thật là một câu ca dao vừa gợi sắc, gợi hình, vừa gợi cảm một cách thú vị.
2. NGHỆ THUẬT CHƠI CHỮ
Có nhiều lý thú trong trò chơi chữ.
* Trước hết, có những từ khi phát âm, tự nó đã mang tính cách trào lộngn .
T.D.    –Mẹ em tham thúng xôi dền
 Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
 Em đã bảo mẹ rằng đừng
 Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.
 Bây giờ chồng thấp, vợ cao
 Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.
Hấm hứ” là những âm phát ra bằng giọng mũi, dù chưa thành lời, nhưng vẫn đủ để diễn tả ý bà mẹ phản đối, đồng thời, kèm theo cử chỉ ngúng nguẩy, tỏ thái độ không bằng lòng sự ngăn cản của con gái. Bà mẹ này đang khoái chí trước bao nhiêu sính lễ của nhà trai mang tới; bà “bưng ngay vào”, tức là bà chấp nhận lễ vật, nhận lời gả con.
Bà mẹ nghèo và ích kỷ này vì tham của, đâu cần biết đến nông nỗi tủi phận hờn duyên của con gái, khi bị ép lấy một thằng chồng nhỏ nhít,chẳng chút xứng đôi với nàng.
* Chơi chữ về bốn mùa:
T.D.    .Mùa xuân, em đi chợ hạ
 Mua cá thu về chợ hãy còn đông.
 Ai bảo anh rằng em đã có chồng?
 Bực mình, em đổ cá xuống sông em về.
* Chơi chữ về mầu sắc
T.D.    .Cô kia đen thủi đen thui
 Phấn đổ vô hồi cái má vẫn đen.
 Lắm tiền cho thắm nhân duyên

 Cô kia trắng nõn, không tiền lấy ai?

* Chơi chữ đồng nghĩa, dị âm
T.D.    .Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
 Núi bao nhiêu tuổi vẫn là núi non.
Nghệ thuật chơi chữ lý thú nhất, phải kể những điểm sau đây:
* Chơi chữ đồng âm dị nghĩa để gây hiểu lầm
T.D.    .Bà già đi chợ Cầu Đông
 Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng?
 Ông thầy xem quẻ, phán rằng
 Lợi thì có lợi, nhưng răng chẳng còn.
Bà già đi xem bói ở đây tất nhiên thuộc loại già xẻn xẹ, già không nên nết, còn muốn lấy chồng! Ông thầy cũng biết thế nên đã gật gù, ỡm ờ trả lời: “Lợi thì có lợi”, làm cho bà già mừng húm. Nhưng ông thầy không để cho bà già mừng lâu, vì sau đó, ông bồi thêm một câu bổ túc: “nhưng răng chẳng còn”. Bà già hiểu ngay ý ông thầy muốn mỉa mai mình là đã già lắm rồi, răng đã rụng hết, đừng hỏi chuyện ấm ớ đó nữa.
Như thế từ “lợi” mà ông thầy nói ở đây, không có nghĩa là lợi lộc về vật chất mà là lợi răng, chỉ phần thịt bao quanh chân răng.
* Chơi chữ bằng cách dùng từ ngược ý, còn gọi là lối nói phản ngữ
T.D.     .Lươn ngắn lại chê trạch dài
 Thườn lươn méo miệng, chê trai lệch mồm.
Trạch là loài cá nước ngọt, trông giống lươn, nhưng mình ngắn và có râu. Hai từ ngắn và dài ở đây phải hiểu ngược mới thấy được tính trào lộng của câu nói.
Nếu thuận ý thì trạch ngắn chê lươn dài mới phải, nhưng trớ trêu thay, thói đời chỉ nhìn thấy cái xấu của người, còn cái xấu của mình sờ sờ ra đấy lại không hay biết gì.
Cảnh “thườn lươn méo miệng chê trai lệch mồm” cũng vậy.
* Nói lái
Trong loại ca dao đối đáp nam nữ, chúng ta cũng bắt gặp nhiều câu nói lái mang khí vị trào lộng rõ rệt.
T.D.     .Quê anh thì ở Nam Đàn
 Họ anh là Nguyễn, tên chàng Lý Mây.
Lý Mây nói lái là ” lấy mi”.
* Tiếng lóng
Nghệ thuật chơ chữ kỳ thú hơn cả là chơi bằng tiếng lóng.
T.D.1   .Cô Thỉ, cô Thi
  Cô đang đương thì cô kẹo với ai?
  Cô Tư kẽo kẹt cậu Cai
  Vợ chồng thuyền chài kẽo kẹt dưới sông.
Đây không phải là những từ ngữ bình thường trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, mà có thể coi là một loại tiếng lóng. Từ “kẹo” phải hiểu là thân thiết, bồ bịch… Từ “kẽo kẹt” trong câu 3 phải hiểu là bắt bồ, bám riết, đi đôi, tằng tịu… Từ “kẽo kẹt” trong câu 4 có thể hiểu là hú hí, hủ hỉ…
T.D.2    .Đương khi bếp tắt, cơm sôi,
  Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem.
  Bây giờ lửa đã nhóm lên
  Lợn no, con ngủ, tòm tem thì tòm!
Hai câu đầu nói lên cảnh rối rắm của một thiếu phụ bình dân Việt Nam, khi có quá nhiều việc xẩy ra cho nàng một lúc: nào gạo sôi mà bếp lại tắt lửa, nào lợn đói kêu ăng ẳng điếc tai, nào con nhỏ đòi bú, gắt ngủ khóc nhèo nhẹo, giữa lúc đó ông chồng lại dở chứng đòi nàng phải chiều. Nhưng nàng đã biết giải quyết mọi việc một cách khéo léo. Trước tiên nàng khơi lại bếp lửa, và giữ sao cho lửa nhỏ đủ để ghế cơm cho chín (nếu lửa nhỏ quá sẽ tắt và cơm sẽ sống; mà lửa to quá thì cơm lại khê). Tiếp đó nàng cho lợn ăn, rồi cho con bú và ru nó ngủ. Sau khi đã giải quyết mọi việc cấp bách được yên thấm, nàng không quên lời yêu cầu của chồng. Câu nàng trả lời người chồng thật bất ngờ và hóm hỉnh: “tòm tem thì tòm! ”.
Đây là loại từ lóng dí dỏm và độc đáo nhất trong ngôn ngữ Việt Nam, chúng có giá trị trào lộng tuyệt đối, không thể phiên dịch.
3. PHƯƠNG PHÁP THẬM XƯNG
Đây là một nghệ thuật gây cười bằng cách khoa trương, phóng đại sự thực, như một nhà biếm họa nhấn mạnh một chi tiết trên khuôn mặt người mẫu, như kéo dài cái mũi, tô đậm cặp mày, làm ngoác cái miệng… để làm nổi bật điểm chủ chốt gây cười của nhân vật hay của sự việc nào đó.
Thí dụ khi nói về một cặp vợ chồng, vợ thì cao nghệu, chồng lại thấp tè, trông chẳng xứng đôi chút nào, mà chỉ nói :
.Chồng thấp mà lấy vợ cao
  Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.
thì không có gì lạ, vì chỉ đưa ra một hình ảnh so le, cao thấp khác nhau mà thôi. Nhưng nếu nói:
.Chồng thấp mà lấy vợ cao
  Đêm nằm sờ tí, lấy sào chọc chơi!
Thì thậm xưng hết chỗ nói và giễu hết chỗ nói?!
4. PHƯƠNG PHÁP TẠO SỰ BẤT NGỜ, CÓ TÍNH CÁCH KỊCH TÍNH
T.D.   .Lấy chồng từ thủa mười lăm
Chồng chê tôi bé, không nằm với tôi.
Đến khi mười chín, đôi mươi
Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường

Một rằng thương, hai rằng thương

Có bốn chân giường, gẫy một còn ba.
Đây là lời thuật lại của một cô gái về cái đêm đầu tiên cô được chung chăn gối với chồng, sau bốn năm năm làm vợ.
Thuở mới về nhà chồng, cô chỉ 14, 15 tuổi, chưa đủ lớn, nên người nom còn gầy gò, xấu xí. Cô bị chồng chê; cô rất buồn, đêm đêm đành giải chiếu xuống đất nằm cho yên phận hẩm hiu.
Tuổi 19, đôi mươi vừa đến, cô dậy thì, thân thể nở nang, dáng dấp mềm mại duyên dáng. Anh chồng chợt nhận thấy vợ xinh đẹp quá xá, nhưng vì tự ái nên còn cố ngảnh mặt làm lơ (hẳn đôi khi có liếc trộm?). Hình ảnh nõn nường, yêu kiều của cô từ đấy cứ ám ảnh anh, cho tới một ngày kia, không cầm lòng được nữa, chồng cô đã có những lời nói yêu đương cuồng nhiệt, những cử chỉ âu yếm vồ vập ,cuống quít… Và rồi biến cố “có bốn chân giường, gẫy một còn ba” đã bất ngờ xẩy ra.
Cái kỳ thú do bài ca dao này tạo được là chuyện kể rất linh động, dí dỏm với các tình tiết náo hoạt như một màn hài kịch.
Sau cùng, biến cố chân giường bị gẫy, đã giúp ta đoán được chuyện gì đã xẩy ra đêm ấy giữa vợ chồng cô gái này. Thành nói ít mà hiểu nhiều, không tả mà còn hơn tả. Biến cố bất ngờ xẩy ra kia đã khêu gợi óc tò mò của ta, và thúc đẩy trí tưởng tượng của ta dựng nốt phần cuối câu chuyện còn bỏ dở.
5. PHƯƠNG PHÁP ĐẶT CÁC MÂU THUẪN CỦA SỰ VẬT TRONG THẾ TƯƠNG PHẢN
Đây là một phương pháp tả thực, nhưng phải biết làm nổi bật được những mâu thuẫn của sự vật cũng như sự việc để người ta nhận thấy ngay cái ngụ ý mỉa mai, châm biếm trong đó.
T.D1.   –Sống thì con chẳng cho ăn
  Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi.
Hai câu ca dao trên mỉa mai về sự giả dối của con người, bằng cách nêu ra các mâu thuẫn của hai sự việc:
– Khi cha mẹ còn sống, con để thiếu thốn đói khát (vì ở trong nhà, có ai biết được sự thể mà chê cười).
– Đến khi cha mẹ mất, thì con lại bầy chuyện mâm cao cỗ đầy, tế lễ trịnh trọng, rùm beng cốt cho thiên hạ cùng thấy, ra cái điều ta đây hiếu tử.
Than ôi, cha mẹ mất rồi, đâu có hưởng thụ được nữa, có chăng chỉ có đàn ruồi đang bâu trên mâm cỗ là được thụ hưởng!

T.D.2.  –Con cò chết rũ trên cây
  Cò con mở lịch xem ngày làm ma.
  Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri ríu rít bò ra chia phần
Chào mào thì đánh trống quân
  Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao.

 

Bài ca dao này có giá trị như một màn hài kịch, làm nổi bật sự mâu thuẫn “buồn vui” đến phi lý trong thói tục ăn uống của dân ta, mỗi khi trong làng có người chết.
Trong khi tang chủ đang đau buồn bối rối, lo việc tang ma cho người thân vừa nằm xuống, thì phía dân làng, người ta hởn hở báo tin cho nhau, rủ rê nhau đến chia buồn, giúp việc thì ít mà để chè chén thì nhiều. Vì theo thói tục xưa, khi cha mẹ qua đời, các con phải biết lo cỗ bàn, trước tế lễ vong linh, sau hậu đãi những người đến chia buồn, phúng điếu. Nhất là những khách ở lại đêm giúp việc, chủ nhà ngoài việc phục dịch ăn uống, còn phải bầy chuyện bài bạc hay lập rạp thuê người hát hỏng cho họ giải buồn, có thế mới hả vong linh người chết (?), và trả được “nợ miệng” cho người sống.
Sự mâu thuẫn trên gây cho ta nụ cười, nhưng không phải nụ cuồi thoải mái, vui nhộn mà là nụ cười ra nước mắt, khiến ta phải suy nghĩ. Có đánh động được lương tâm con người như thế mới mong cảm hóa được lòng người ,và cải tạo được xã hội cho mỗi ngày một tốt đẹp, hợp lý, hợp tình hơn.
6-PHƯƠNG  PHÁP TRỰC TIẾP
Ðây là một phương pháp có tính cách tích cực, không úp mở, bóng gió  xa xôi mà lôi thẳng đối tượng ra trước công luận, đồng thời vạch trần những nhược điểm tồi tệ của chúng để đả kích, giễu cợt.
T.D.1  – Người trên ở chẳng chính ngôi
  Khiến cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn.
– Người trên ở chẳng kỷ cương
  Khiến cho kẻ dưới lập trường mây mưa.
Hai cập ca dao trên nhằm lên án bọn thế quyền bát xứng, kém tài thiếu đức, nguyên nhân tạo ra tệ trạng tha hoá xã hội.
T.D.2  – Mười quan thì được tước hầu
  Năm quan tước bá, ai nào thua ai !
Câu ca dao này thì đả phá tệ nạn mua quan bán tước trắng trợn do bọn tham quan ô lại gây nên.
Tóm lại, một số bài ca dao đả kích, phê phán những kẻ sâu dân mọt nước, hay những thói hư tật xấu của người đời thì không còn là ca dao trào lộng để vui đùa nữa mà chúng đã thuộc loại ca dao trào phúng hay ca dao ngụ ngôn rồi. Bài “Con cò chết rũ trên cây” chính là một bài ca dao ngụ ngôn vậy.

KẾT LUẬN.
Sau phần phân tích trên, chúng ta có thể đi đến kết luận: Văn chương bình dân truyền khẩu nói chung, ca dao trữ tình và ca dao trào lộng nói riêng, do tiếp cận với đời sống nên đã có nhiều câu rất mộc mạc, chân chất, tuy vậy phần lớn đã chứng tỏ tiếng Việt rất giầu nhạc tính, gợi thanh, gợi hình, gợi sắc, gợi cảm và có nhiều hình thức nghệ thuật diễn đạt đặc sắc; bởi vậy, chúng đã có ảnh hưởng lớn đối với văn học thành văn của ta (văn viết của giới trí thức, ở đây nhấn mạnh đến văn chương chữ nôm) từ ngôn ngữ văn học, cách diễn ý, tả tình, tả cảnh cho đến những lối đặt câu, gieo vần (vần lưng).
Văn học bình dân truyền khẩu không hề mai một trước sự trưởng thành và sáng tác ồ ạt của văn viết (văn nôm, văn quốc ngữ theo mẫu tự la tinh) mà chúng vẫn xuất hiện song hành với loại văn chương này. Và từ khi chữ quốc ngữ mới được phổ câp trong quảng đại quần chúng, những sáng tác văn học bình dân truyền khẩu được ghi chép lại thì sự phổ biến của chúng càng thêm rộng rãi.
Đặc biệt trong những hoàn cảnh lịch sử đảo điên, xã hội nhiễu nhương, thì ca dao trào phúng lại thấy xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết. Âu cũng là điều dễ hiểu, vì xưa nay, văn chương trào phúng bình dân truyền khẩu vẫn là một phương tiện chống đối tiêu cực, của người dân thấp cổ bé miệng trước bạo quyền.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bùi Mạnh Nhị. Phân tích văn học dân gian. Nxb Sở Giáo Dục An Giang, 1988
Bảo Ðịnh Giang – Nguyễn Tấn Phát – Trần Tấn Vĩnh – Bùi Mạnh Nhị. Ca dao dân ca Nam Bộ, 1984
Doãn Quốc Sĩ. Người Việt đáng yêu, sáng tạo xb Sài Gòn 1965
Đặng Tiến. Giải yếm trong văn học. Báo Diễn Đàn, số 38, Cali, 1995
Đinh Tiếp. Hát đúm Hải Phòng. Nxb Hải Phòng.
Hoàng Tiến Tựu. Bình giảng Ca Dao. Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1992
Hoàng Văn Hanh. Từ láy trong tiếng Việt. Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1989.
Nguyễn Hưng Quốc. Nghĩ về thơ. Nxb Văn Nghệ, Cali, 1989
Nguyễn Văn Ngọc. Tục ngữ phong dao. NxbMộc Lâm, Saigon, 1967
Thuần Phong. Chinh Phụ Ngâm Khúc Giảng Luận. Nxb Á Châu, Sài gòn, 1950
Vũ Ngọc Phan. Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam. Hội Nghiên Cứu và Giảng dạy Văn Học 1992.

1. NGHỆ THUẬT CHƠI TRÊN NHỮNG THANH ĐIỆU (DẤU GIỌNG)
Tiếng Việt đặc biệt tuy đơn âm nhưng đa thanh, gồm 2 thành bằng (không dấu và dấu huyền) và 4 thanh trắc (dấu ngã, dấu hỏi, dấu sắc, dấu nặng). Ca dao trào lộng biết lợi dụng các thanh điệu đó để tạo nên những chuỗi từ láy rất dí dỏm, khi phát âm lên, tự chúng đã mang tính cách hài hước bỡn cợt.
T.D.1   .Giấu giẩu giầu giâu, kém mười trâu đầy một chục
  Lợn đẻ nhung nhúc, kém mười chục đầy một trăm.
Hai câu này nói về một anh chàng nghèo kiết xác, nhưng muốn nói giỡn rằng ta đây không nghèo, bằng cách chơi trên những thanh điệu. Vừa mở lời bằng 4 từ “giấu giẩu giầu giâu”, láy âm vận và phụ âm đầu của từ gốc “giầu”, anh chỉ đổi thanh sắc, hỏi, huyền và không dấu, anh đã làm cho người nghe phải bật cười, và hiểu ngay ý bông đùa của anh. Sau nữa, cách diễn ý hóm hỉnh của anh còn phụ họa cho lối nói trào lộng này thêm phần duyên dáng, đậm đà :
– “Kém mười trâu đầy một chục”, một chục cũng là mười, vậy là anh chẳng có con trâu nào cả.
– “Lợn để nhung nhúc” nghĩa là lợn đẻ nhiều lắm, đầy một đàn, đếm không xuể. Nhưng “kém mười chục đầy một trăm“, mười chục cũng là một trăm, vậy là anh chả có con lợn nào cả.
Hai câu ca dao trên biểu lộ ý trào lộng, vừa bằng lối chơi trên thanh điệu, vừa bằng cách nói hóm hỉnh đùa cợt.
T.D.2   .Đỏ choen choét, tỏe tòe toe
  Xanh lè lè, quắp quằm quặp.
Hai câu ca dao này mỗi câu 6 chữ mà có đến 4 cặp từ láy. Cả 4 cặp đều chơi trên giấu giọng, hoặc láy lại thanh trước như ” lè lè “, hoặc đổi thanh như ” choen choét”, “tỏe tòe toe”, “quắp quằm quặp”. Nhờ đó, tả được sự diễn tiến của một buồng chuối đang nở qua 4 giai đoạn, một cách sinh động và dí dỏm :
– Khi còn là hoa, hoa chuối có màu đỏ tươi, dầy, trùm bên ngoài: “đỏ choen choét”.
– Khi hoa chuối nở, bao bên ngoài bung ra, từng nải chuối nhỏ mầu vàng nhạt vươn cong lên, chĩa ra ngoài ánh sáng:” tỏe tòe toe”.
– Quả chuối lớn thêm, vỏ trở nên xanh ngắt:” xanh lè lè”( lúc chuối còn xanh, chưa chín).
– Mỗi nải chuối đều bám vào buồng chuối bằng cái bẹ. Bẹ chuối lớn chỉ có hạn, trong khi đó các quả chuối mỗi ngày lại mỗi to ra, nên chúng phải ép mình khít vào nhau, dáng co quắp đến tức cười: “quắp quằm quặp”.
Thật là một câu ca dao vừa gợi sắc, gợi hình, vừa gợi cảm một cách thú vị.

2. NGHỆ THUẬT CHƠI CHỮ
Có nhiều lý thú trong trò chơi chữ.
* Trước hết, có những từ khi phát âm, tự nó đã mang tính cách trào lộng.
T.D.    –Mẹ em tham thúng xôi dền
 Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
 Em đã bảo mẹ rằng đừng
 Mẹ hấm, mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.
 Bây giờ chồng thấp, vợ cao
 Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.
Hấm hứ” là những âm phát ra bằng giọng mũi, dù chưa thành lời, nhưng vẫn đủ để diễn tả ý bà mẹ phản đối, đồng thời, kèm theo cử chỉ ngúng nguẩy, tỏ thái độ không bằng lòng sự ngăn cản của con gái. Bà mẹ này đang khoái chí trước bao nhiêu sính lễ của nhà trai mang tới; bà “bưng ngay vào”, tức là bà chấp nhận lễ vật, nhận lời gả con.
Bà mẹ nghèo và ích kỷ này vì tham của, đâu cần biết đến nông nỗi tủi phận hờn duyên của con gái, khi bị ép lấy một thằng chồng nhỏ nhít,chẳng chút xứng đôi với nàng.
* Chơi chữ về bốn mùa:
T.D.    .Mùa xuân, em đi chợ hạ
 Mua cá thu về chợ hãy còn đông.
 Ai bảo anh rằng em đã có chồng?
 Bực mình, em đổ cá xuống sông em về.
* Chơi chữ về mầu sắc
T.D.    .Cô kia đen thủi đen thui
 Phấn đổ vô hồi cái má vẫn đen.
 Lắm tiền cho thắm nhân duyên

 Cô kia trắng nõn, không tiền lấy ai?

* Chơi chữ đồng nghĩa, dị âm
T.D.    .Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
 Núi bao nhiêu tuổi vẫn là núi non.
Nghệ thuật chơi chữ lý thú nhất, phải kể những điểm sau đây:
* Chơi chữ đồng âm dị nghĩa để gây hiểu lầm
T.D.    .Bà già đi chợ Cầu Đông
 Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng?
 Ông thầy xem quẻ, phán rằng
 Lợi thì có lợi, nhưng răng chẳng còn.
Bà già đi xem bói ở đây tất nhiên thuộc loại già xẻn xẹ, già không nên nết, còn muốn lấy chồng! Ông thầy cũng biết thế nên đã gật gù, ỡm ờ trả lời: “Lợi thì có lợi”, làm cho bà già mừng húm. Nhưng ông thầy không để cho bà già mừng lâu, vì sau đó, ông bồi thêm một câu bổ túc: “nhưng răng chẳng còn”. Bà già hiểu ngay ý ông thầy muốn mỉa mai mình là đã già lắm rồi, răng đã rụng hết, đừng hỏi chuyện ấm ớ đó nữa.
Như thế từ “lợi” mà ông thầy nói ở đây, không có nghĩa là lợi lộc về vật chất mà là lợi răng, chỉ phần thịt bao quanh chân răng.
* Chơi chữ bằng cách dùng từ ngược ý, còn gọi là lối nói phản ngữ
T.D.     .Lươn ngắn lại chê trạch dài
 Thườn lươn méo miệng, chê trai lệch mồm.
Trạch là loài cá nước ngọt, trông giống lươn, nhưng mình ngắn và có râu. Hai từ ngắn và dài ở đây phải hiểu ngược mới thấy được tính trào lộng của câu nói.
Nếu thuận ý thì trạch ngắn chê lươn dài mới phải, nhưng trớ trêu thay, thói đời chỉ nhìn thấy cái xấu của người, còn cái xấu của mình sờ sờ ra đấy lại không hay biết gì.
Cảnh “thườn lươn méo miệng chê trai lệch mồm” cũng vậy.
* Nói lái
Trong loại ca dao đối đáp nam nữ, chúng ta cũng bắt gặp nhiều câu nói lái mang khí vị trào lộng rõ rệt.
T.D.     .Quê anh thì ở Nam Đàn
 Họ anh là Nguyễn, tên chàng Lý Mây.
Lý Mây nói lái là ” lấy mi”.
* Tiếng lóng
Nghệ thuật chơ chữ kỳ thú hơn cả là chơi bằng tiếng lóng.
T.D.1   .Cô Thỉ, cô Thi
  Cô đang đương thì cô kẹo với ai?
  Cô Tư kẽo kẹt cậu Cai
  Vợ chồng thuyền chài kẽo kẹt dưới sông.
Đây không phải là những từ ngữ bình thường trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, mà có thể coi là một loại tiếng lóng. Từ “kẹo” phải hiểu là thân thiết, bồ bịch… Từ “kẽo kẹt” trong câu 3 phải hiểu là bắt bồ, bám riết, đi đôi, tằng tịu… Từ “kẽo kẹt” trong câu 4 có thể hiểu là hú hí, hủ hỉ…
T.D.2    .Đương khi bếp tắt, cơm sôi,
  Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem.
  Bây giờ lửa đã nhóm lên
  Lợn no, con ngủ, tòm tem thì tòm!
Hai câu đầu nói lên cảnh rối rắm của một thiếu phụ bình dân Việt Nam, khi có quá nhiều việc xẩy ra cho nàng một lúc: nào gạo sôi mà bếp lại tắt lửa, nào lợn đói kêu ăng ẳng điếc tai, nào con nhỏ đòi bú, gắt ngủ khóc nhèo nhẹo, giữa lúc đó ông chồng lại dở chứng đòi nàng phải chiều. Nhưng nàng đã biết giải quyết mọi việc một cách khéo léo. Trước tiên nàng khơi lại bếp lửa, và giữ sao cho lửa nhỏ đủ để ghế cơm cho chín (nếu lửa nhỏ quá sẽ tắt và cơm sẽ sống; mà lửa to quá thì cơm lại khê). Tiếp đó nàng cho lợn ăn, rồi cho con bú và ru nó ngủ. Sau khi đã giải quyết mọi việc cấp bách được yên thấm, nàng không quên lời yêu cầu của chồng. Câu nàng trả lời người chồng thật bất ngờ và hóm hỉnh: “tòm tem thì tòm! ”.
Đây là loại từ lóng dí dỏm và độc đáo nhất trong ngôn ngữ Việt Nam, chúng có giá trị trào lộng tuyệt đối, không thể phiên dịch.

3. PHƯƠNG PHÁP THẬM XƯNG
Đây là một nghệ thuật gây cười bằng cách khoa trương, phóng đại sự thực, như một nhà biếm họa nhấn mạnh một chi tiết trên khuôn mặt người mẫu, như kéo dài cái mũi, tô đậm cặp mày, làm ngoác cái miệng… để làm nổi bật điểm chủ chốt gây cười của nhân vật hay của sự việc nào đó.
Thí dụ khi nói về một cặp vợ chồng, vợ thì cao nghệu, chồng lại thấp tè, trông chẳng xứng đôi chút nào, mà chỉ nói :
.Chồng thấp mà lấy vợ cao
  Như đôi đũa lệch so sao cho vừa.
thì không có gì lạ, vì chỉ đưa ra một hình ảnh so le, cao thấp khác nhau mà thôi. Nhưng nếu nói:
.Chồng thấp mà lấy vợ cao
  Đêm nằm sờ tí, lấy sào chọc chơi!
Thì thậm xưng hết chỗ nói và giễu hết chỗ nói?!

4. PHƯƠNG PHÁP TẠO SỰ BẤT NGỜ, CÓ TÍNH CÁCH KỊCH TÍNH
T.D.   .Lấy chồng từ thủa mười lăm
Chồng chê tôi bé, không nằm với tôi.
Đến khi mười chín, đôi mươi
Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường

Một rằng thương, hai rằng thương

Có bốn chân giường, gẫy một còn ba.
Đây là lời thuật lại của một cô gái về cái đêm đầu tiên cô được chung chăn gối với chồng, sau bốn năm năm làm vợ.
Thuở mới về nhà chồng, cô chỉ 14, 15 tuổi, chưa đủ lớn, nên người nom còn gầy gò, xấu xí. Cô bị chồng chê; cô rất buồn, đêm đêm đành giải chiếu xuống đất nằm cho yên phận hẩm hiu.
Tuổi 19, đôi mươi vừa đến, cô dậy thì, thân thể nở nang, dáng dấp mềm mại duyên dáng. Anh chồng chợt nhận thấy vợ xinh đẹp quá xá, nhưng vì tự ái nên còn cố ngảnh mặt làm lơ (hẳn đôi khi có liếc trộm?). Hình ảnh nõn nường, yêu kiều của cô từ đấy cứ ám ảnh anh, cho tới một ngày kia, không cầm lòng được nữa, chồng cô đã có những lời nói yêu đương cuồng nhiệt, những cử chỉ âu yếm vồ vập ,cuống quít… Và rồi biến cố “có bốn chân giường, gẫy một còn ba” đã bất ngờ xẩy ra.
Cái kỳ thú do bài ca dao này tạo được là chuyện kể rất linh động, dí dỏm với các tình tiết náo hoạt như một màn hài kịch.
Sau cùng, biến cố chân giường bị gẫy, đã giúp ta đoán được chuyện gì đã xẩy ra đêm ấy giữa vợ chồng cô gái này. Thành nói ít mà hiểu nhiều, không tả mà còn hơn tả. Biến cố bất ngờ xẩy ra kia đã khêu gợi óc tò mò của ta, và thúc đẩy trí tưởng tượng của ta dựng nốt phần cuối câu chuyện còn bỏ dở.
5. PHƯƠNG PHÁP ĐẶT CÁC MÂU THUẪN CỦA SỰ VẬT TRONG THẾ TƯƠNG PHẢN
Đây là một phương pháp tả thực, nhưng phải biết làm nổi bật được những mâu thuẫn của sự vật cũng như sự việc để người ta nhận thấy ngay cái ngụ ý mỉa mai, châm biếm trong đó.
T.D1.   –Sống thì con chẳng cho ăn
  Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi.
Hai câu ca dao trên mỉa mai về sự giả dối của con người, bằng cách nêu ra các mâu thuẫn của hai sự việc:
– Khi cha mẹ còn sống, con để thiếu thốn đói khát (vì ở trong nhà, có ai biết được sự thể mà chê cười).
– Đến khi cha mẹ mất, thì con lại bầy chuyện mâm cao cỗ đầy, tế lễ trịnh trọng, rùm beng cốt cho thiên hạ cùng thấy, ra cái điều ta đây hiếu tử.
Than ôi, cha mẹ mất rồi, đâu có hưởng thụ được nữa, có chăng chỉ có đàn ruồi đang bâu trên mâm cỗ là được thụ hưởng!
T.D.2.  –Con cò chết rũ trên cây
  Cò con mở lịch xem ngày làm ma.
  Cà cuống uống rượu la đà

  Chim ri ríu rít bò ra chia phần

  Chào mào thì đánh trống quân
  Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao.
Bài ca dao này có giá trị như một màn hài kịch, làm nổi bật sự mâu thuẫn “buồn vui” đến phi lý trong thói tục ăn uống của dân ta, mỗi khi trong làng có người chết.
Trong khi tang chủ đang đau buồn bối rối, lo việc tang ma cho người thân vừa nằm xuống, thì phía dân làng, người ta hởn hở báo tin cho nhau, rủ rê nhau đến chia buồn, giúp việc thì ít mà để chè chén thì nhiều. Vì theo thói tục xưa, khi cha mẹ qua đời, các con phải biết lo cỗ bàn, trước tế lễ vong linh, sau hậu đãi những người đến chia buồn, phúng điếu. Nhất là những khách ở lại đêm giúp việc, chủ nhà ngoài việc phục dịch ăn uống, còn phải bầy chuyện bài bạc hay lập rạp thuê người hát hỏng cho họ giải buồn, có thế mới hả vong linh người chết (?), và trả được “nợ miệng” cho người sống.
Sự mâu thuẫn trên gây cho ta nụ cười, nhưng không phải nụ cuồi thoải mái, vui nhộn mà là nụ cười ra nước mắt, khiến ta phải suy nghĩ. Có đánh động được lương tâm con người như thế mới mong cảm hóa được lòng người ,và cải tạo được xã hội cho mỗi ngày một tốt đẹp, hợp lý, hợp tình hơn.
6-PHƯƠNG  PHÁP TRỰC TIẾP
Ðây là một phương pháp có tính cách tích cực, không úp mở, bóng gió  xa xôi mà lôi thẳng đối tượng ra trước công luận, đồng thời vạch trần những nhược điểm tồi tệ của chúng để đả kích, giễu cợt.
T.D.1  – Người trên ở chẳng chính ngôi
  Khiến cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn.
– Người trên ở chẳng kỷ cương
  Khiến cho kẻ dưới lập trường mây mưa.
Hai cập ca dao trên nhằm lên án bọn thế quyền bát xứng, kém tài thiếu đức, nguyên nhân tạo ra tệ trạng tha hoá xã hội.
T.D.2  – Mười quan thì được tước hầu
  Năm quan tước bá, ai nào thua ai !
Câu ca dao này thì đả phá tệ nạn mua quan bán tước trắng trợn do bọn tham quan ô lại gây nên.
Tóm lại, một số bài ca dao đả kích, phê phán những kẻ sâu dân mọt nước, hay những thói hư tật xấu của người đời thì không còn là ca dao trào lộng để vui đùa nữa mà chúng đã thuộc loại ca dao trào phúng hay ca dao ngụ ngôn rồi. Bài “Con cò chết rũ trên cây” chính là một bài ca dao ngụ ngôn vậy.

KẾT LUẬN.
Sau phần phân tích trên, chúng ta có thể đi đến kết luận: Văn chương bình dân truyền khẩu nói chung, ca dao trữ tình và ca dao trào lộng nói riêng, do tiếp cận với đời sống nên đã có nhiều câu rất mộc mạc, chân chất, tuy vậy phần lớn đã chứng tỏ tiếng Việt rất giầu nhạc tính, gợi thanh, gợi hình, gợi sắc, gợi cảm và có nhiều hình thức nghệ thuật diễn đạt đặc sắc; bởi vậy, chúng đã có ảnh hưởng lớn đối với văn học thành văn của ta (văn viết của giới trí thức, ở đây nhấn mạnh đến văn chương chữ nôm) từ ngôn ngữ văn học, cách diễn ý, tả tình, tả cảnh cho đến những lối đặt câu, gieo vần (vần lưng).
Văn học bình dân truyền khẩu không hề mai một trước sự trưởng thành và sáng tác ồ ạt của văn viết (văn nôm, văn quốc ngữ theo mẫu tự la tinh) mà chúng vẫn xuất hiện song hành với loại văn chương này. Và từ khi chữ quốc ngữ mới được phổ câp trong quảng đại quần chúng, những sáng tác văn học bình dân truyền khẩu được ghi chép lại thì sự phổ biến của chúng càng thêm rộng rãi.
Đặc biệt trong những hoàn cảnh lịch sử đảo điên, xã hội nhiễu nhương, thì ca dao trào phúng lại thấy xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết. Âu cũng là điều dễ hiểu, vì xưa nay, văn chương trào phúng bình dân truyền khẩu vẫn là một phương tiện chống đối tiêu cực, của người dân thấp cổ bé miệng trước bạo quyền.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bùi Mạnh Nhị. Phân tích văn học dân gian. Nxb Sở Giáo Dục An Giang, 1988
Bảo Ðịnh Giang – Nguyễn Tấn Phát – Trần Tấn Vĩnh – Bùi Mạnh Nhị. Ca dao dân ca Nam Bộ, 1984
Doãn Quốc Sĩ. Người Việt đáng yêu, sáng tạo xb Sài Gòn 1965
Đặng Tiến. Giải yếm trong văn học. Báo Diễn Đàn, số 38, Cali, 1995
Đinh Tiếp. Hát đúm Hải Phòng. Nxb Hải Phòng.
Hoàng Tiến Tựu. Bình giảng Ca Dao. Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1992
Hoàng Văn Hanh. Từ láy trong tiếng Việt. Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1989.
Nguyễn Hưng Quốc. Nghĩ về thơ. Nxb Văn Nghệ, Cali, 1989
Nguyễn Văn Ngọc. Tục ngữ phong dao. NxbMộc Lâm, Saigon, 1967
Thuần Phong. Chinh Phụ Ngâm Khúc Giảng Luận. Nxb Á Châu, Sài gòn, 1950
Vũ Ngọc Phan. Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam. Hội Nghiên Cứu và Giảng dạy Văn Học 1992.

This entry was posted in Phạm Thị Nhung. Bookmark the permalink.