Cô Nữ Sinh Gia Long của Nhạc Sĩ Phượng Linh

Cô Nữ Sinh Gia Long của Nhạc Sĩ Phượng Linh

Hôm nọ tôi nhận bài nhạc “Cô nữ sinh Gia Long” từ người bạn. Tôi mới nghe câu đầu sao mà giống “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu” quá, tôi máy móc gửi mail ra và cho đó là lời 2 của CMBG và còn hỏi không biết Nguyễn Văn Đông có biết bài này không?

Tuy vậy, một tiểu muội Gia Long mail nói là bài này xưa rồi. Tôi nghe lại và thấy đúng vậy, cũ và không phải lời 2 của Chiều Mưa Biên Giới. Rồi lu bu nên chưa kịp đính chính thì ông Nguyễn Văn Đông “mắng mỏ” rằng “Sao chị hỏi là tui có biết bài này không. Nhạc của tui sao tui không biết, ai nói với chị đó là lời 2 của CMBG, tui gửi bìa bản nhạc cho chị coi đây”.

Hứ, các bạn có thấy không, bài Cô Nữ Sinh Gia Long ký tên Phượng Linh mà. Làm sao Hoàng Lan Chi biết đó là nhạc Nguyễn Văn Đông được cưa chứ. Thiệt cái tình! HLC nghe một số bài thấy nổi tiếng, nhớ nhưng không nghĩ ra đó là Nguyễn Văn Đông. Ca sĩ Phượng Vũ cười cười nói rằng “Ổng dùng bút hiệu khác để viết mấy bài có hơi hướng ‘sến’ đó mà. Còn tên Nguyễn Văn Đông là để viết mấy bài cao cao như Mấy Dặm Sơn Khê, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp”. Tôi bật cười. Lại thiệt cái tình! Nếu vậy thì nếu HLC có ngộ nhận nhạc phẩm Cô Nữ Sinh Gia Long là ai đó chôm chỉa nhạc Chiều Mưa Biên Giới của Nguyễn Văn Đông thì cũng “phải đạo” chớ bộ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nói rằng ông viết vì có một cô giáo Gia Long thích anh lính chiến quốc gia. Khi xuất bản ra mắt năm 1965, cô giáo chê trách hình bìa vẽ cô nữ sinh Gia Long có mặt sầu bi luỵ không giống ai nên nhạc sĩ không cho tái bản. Hừ, “nữ sinh Gia Long Hoàng Lan Chi” cũng thấy cái mặt nữ sinh trong bản nhạc hỏng đẹp. Đây, quý bạn coi có phải HLC nói đúng không nào:

Mời nghe Cô nữ sinh Gia Long do Diệu Thanh và Chế Linh ca:

https://dl.dropboxusercontent.com/u/89792831/NguyenVDong/CoNuSinhGL-DieuThanhCheLinh.mp3

Năm mới sẽ có chuyện mới -cũ

Tôi là người thích nghịch, kể cả nghịch chữ nghĩa. Ví dụ khi tôi nói “Người tình Chu văn An là người tình chứ không phải người tình”. Nói thế thì “bố bảo” ai mà hiểu được phải không? Thật ra phải như thế này:

Người tình CVA là người (mà HLC có tình cảm) chứ không phải người (mà HLC yêu).

Hoặc vầy nè:

Người tình net là người tình net chứ không phải người tình net, thì nghĩa cũng hao hao như trên thôi.

Vậy thì năm mới HLC sẽ có chuyện mới cũ, nghĩa là chuyện bây giờ mới kể của vài “lão ông” ( lão ông thì mới là chứng nhân của thời Việt Nam Cộng Hòa chứ) về những chuyện cũ ngày xưa.

Những cái tò mò của HLC thì có lẽ không giống của đa số phụ nữ khác. Các bà hay tò mò về đời sống tình cảm của mấy nhân vật, HLC thì rất ít. Ví dụ hồi phỏng vấn Phan Nhật Nam, HLC nghĩ là mấy mợ thích biết thì hỏi dùm nhưng khi Nam trả lời “Chuyện Nam thương ai, lấy ai là chuyện riêng của Nam, chả dính líu gì đến tác phẩm của Nam cả..” thì tôi tỉnh bơ “OK, cho qua phà”!

Tuy thế, lần này có một câu liên quan đến chuyện tình yêu (muôn đời kiếp nhớ nhau. Nàng cứ hẹn và chàng cứ quên hẹn hoài. Mấy câu này HLC nghe Nhật Trường hát thấy hay và không nhớ bản nào) nhưng HLC hỏi vầy nè “Mẫu người phụ nữ lý tưởng của thuở đôi mươi, bốn mươi, sáu mươi và tám mươi của ông có chân dung thế nào?”

Ai trả lời câu này?

Xin xem hồi sau sẽ rõ ( cái này bắt chước truyện kiếm hiệp đăng nhựt trình thời Việt Nam Cộng Hòa)

Hoàng Lan Chi 1/2014

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.