PV Bs Hồ Ngọc Minh-Chuyên Khoa Hiếm Muộn



Kỳ này xin được giới thiệu BS Hồ Ngọc Minh, chuyên khoa Hiếm Muộn. BS Hồ Ngọc Minh 55 tuổi, chánh quán Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Học trung học Lasan Đức Minh đến năm 1975, sau đó chuyển qua trường Nguyễn Đình Chiểu (Hồ Ngọc Cẩn), tốt nghiệp trung học năm 1977. Học đại học Bách Khoa Phú Thọ, vượt biển đến Mã Lai và định cư ở New York năm 1979, chuyên ngành Sản Phụ Khoa năm 1990 (tại Parkland Memorial Hospital, Dallas Texas), chuyên khoa Hiếm Muộn và Nội Tiết (tại University of California, San Diego năm 1994), Research scientist (tại National Institutes of Health, Maryland, năm 1995). Hành nghề chữa trị hiếm muộn từ năm 1995 tại San Diego và Orange County California. Gia cảnh: Vợ là Hồ Vũ Mỹ Liên, Bác sĩ Sản Phụ Khoa San Diego. Có 2 trai và một gái. Liên lạc: (714) 429-5848.
HLC: Xin chào BS Hồ Ngọc Minh. Biết bác sĩ đã lâu nhưng không phải vì tài “create baby” mà vì nhạc Vũ Thư Nguyên. Sau đó có mời bác sĩ  trò chuyện về đề tài “Âm nhạc với sức khoẻ”.  Hôm nay xin được trò chuyện với bác sĩ về đề tài “hiếm muộn”. Trước hết cho hỏi vì sao bác sĩ chọn ngành sản phụ khoa? Khi chọn, ý kiến gia đình thế nào?

BS: Chào chị HLC, thưa chị thật ra khi lớn lên, giống như một số gia đình Việt Nam, ba má của tôi ước muốn các con của mình trở thành bác sĩ. Sau khi vượt biển, một thân một mình tới Mỹ, lúc ấy học y khoa là một điều mơ ước không dám với tới. Đang định tiếp tục học ngành công chánh (civil engineering) thì được University of Miami cho học bổng và nhận vào y khoa. Khi còn là sinh viên có một vị giáo sư về ngành sản phụ khoa và phu nhân lại thương mình như con đẻ, tận tình dẫn dắt và giúp đỡ. Ngoài ra vì bà cụ thân sinh còn là một cô mụ hộ sinh trong thời kháng chiến 1945-1954, tôi rất cảm động khi thấy nhiều “người con” tìm gặp má tôi để “cám ơn má đã giúp con ra đời, khi trên bom, dưới đạn”. Vì thế tôi quyết định xin đi học ngành sản phụ khoa.

HLC: À hoá ra đôi khi nghề nghiệp đến rất tình cờ. Tôi tự hỏi nếu như ngày đó vị giáo sư thương mến bác sĩ không phải là ngành sản phụ khoa  mà là chuyên khoa chữa bịnh đàn ông thì hẳn bây giờ Hồ Ngọc Minh sẽ nổi tiếng với ngành khác phải thế không? Nói đùa tí thôi. Thế lý do nào khiến bác sĩ chọn ngành hiếm muộn và thụ thai nhân tạo sau sản phụ khoa?
BS: Sau khi học xong chuyên môn về Sản Phụ Khoa, các bác sĩ có hai lựa chọn: hành nghề Bs Sản Phụ Khoa hay tiếp tục đi học thêm lên. Đối với những người tiếp tục đi học thì lại có ba lựa chọn khác nhau: 1) Chuyên ngành sản khoa (Maternal Fetal Medicine tức là High Risk OB) . 2) Ung thư phụ nữ  (Gynecologic Oncology). 3) Hiếm Muộn và Nội Tiết (Reproductive Endocrinology  and Infertility). Riêng cá nhân tôi thì sau khi  làm bác sĩ sản phụ 3 năm, tôi quyết định học ngành Hiếm Muộn và Nội Tiết vì 3 lý do chính: 1) Muốn học cho trọn con đường  học vấn của mình khi còn cơ hội. 2) Ngành này có những phát triển về khoa học, kỹ thuật ngày càng mới lạ thích hợp với gốc gác của mình là một kỹ sư. 3) Ngành này giúp cho mình có thể giúp đỡ, phụng sự và đem lại niềm vui cho mình, cho bệnh nhân, trong đó có cả nhiều người Việt chúng ta.

HLC: Tổng cộng từ khi hành nghề đến nay là bao nhiêu năm? BS thành công trong chữa trị hiếm muộn bao nhiêu %?
BS: Trong gần 20 năm hành nghề, sác xuất chữa trị thành công trung bình khoảng 50% đến 60% cho mỗi lần cấy thai. Trên thực tế sác xuất thành công có thể cao hơn một tí, nếu tính trên con số bệnh nhân vì một số bệnh nhân phải cấy thai hai lần mới có kết quả.

HLC: Người mẹ già nhất và Bs đã thành công trong chữa trị hiếm muộn là bao nhiêu tuổi? Xin kể chi tiết về case này?
BS: Cho tới nay người mẹ lớn tuổi nhất thành công với sự giúp đỡ của tôi là 52 tuổi. Thường thì khả năng có thai tự nhiên của con người tuột giảm sau 30 tuổi cho đến khi nghỉ kinh ở tuổi 51. Một phụ nữ trên 40 tuổi khả năng có thai với phương pháp thụ thai trong ống nghiệm còn 15%. Ở tuổi 50 khả năng thành công chỉ dưới 3%. Một số lớn phụ nữ trên 40% được khuyên là nên dùng trứng của người trẻ tuổi hơn, trong độ tuổi 20 để có thể có con mau chóng. Năm đầu tiên, mới hành nghề, có một phụ nữ người Ấn Độ ở Orange County đến tham khảo. Hai vợ chồng nhất định phải dùng trứng của bà chứ không chịu xin. Tôi miễn cưỡng cho họ một cơ hội. Sau khi kích thích trứng bằng thuốc, tôi lấy được 2 cái trứng và chuyển vào một phôi duy nhất. Và, bà người Ấn này có thai, sanh con hoàn toàn bình thường.

HLC: Thật tuyệt. Với VN, ngoài 40 tuổi thì khả năng sanh đẻ đã hạn chế. Vậy mà nay Bs đã giúp một phụ nữ 52 tuổi có con. Nếu được phép của bệnh nhân, xin bs chia sẻ kỹ hơn về trường hợp này?  Họ đã con trước đó chưa. Nếu đã thì vì sao lại muốn có con nữa ở tuổi muộn màng? Nếu chưa thì vì sao, bận bịu cuộc sống hay trở ngại trong chữa trị hiếm muộn. Người chồng của bà 52 này bao tuổi và đứa trẻ “hạnh phúc muộn màng” hiện giờ ra sao?
BS: Cặp vợ chồng người Ấn này thật ra cũng không khác biệt so với một số bệnh nhân người Việt của tôi sau này cho lắm. Người chồng trẻ hơn vợ hai tuổi. Họ có một đứa con trai, chết sớm bên Ấn Độ vì bệnh tật. Sau đó người chồng qua Mỹ trước lo làm ăn trong nhiều năm, bảo lãnh được vợ qua thì cũng đã muộn. Có lẽ vì nền tảng văn hóa của người Ấn cho nên tôi không được biết trực tiếp về đứa bé “phép màu” này. Tuy nhiên qua những bệnh nhân được giới thiệu bởi cặp người Ấn này, tôi được biết đó là bé gái, chăm học và học rất giỏi, được học bổng vào trường đại học Ivy Leagues.

HLC: Thế còn sanh con theo ý muốn? Bao nhiêu case thành công?
BS: Lựa chọn bé trai hay gái  theo ý muốn đạt vào khoảng 60% nếu dùng phương pháp lọc tinh trùng, và 100% nếu dùng phương pháp cấy thai trong ống nghiệm. Tuy nhiên sác xuất thành công của việc sanh con, trai hay gái tùy theo ý muốn, bao gồm một sác xuất khác: khả năng có thai, bằng phương pháp bơm tinh trùng là 20% và bằng thụ tinh trong ống nghiệm là 60%.

HLC: Lọc tinh trùng là sao? Có phải lấy tinh trùng và loại bỏ nhiễm thể nào đó? Khi nào sử dụng phương pháp bơm tinh trùng và khi nào thụ tinh trong ống nghiệm?
BS: Phương pháp lọc tinh trùng thật ra khá thô sơ. Dựa trên lý thuyết là tinh trùng đực nhẹ hơn và dễ chết yểu trong môi trường acid, tinh dịch được quay trong máy ly tâm để phân tách dựa trên sức nặng và môi trường kiềm hay acid. Vì thế phương pháp nầy thật ra không chính xác cho lắm. Với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thì khi phôi được 3 ngày tuổi, mình có thể nhuộm màu các nhiễm sắc thể bằng kỹ thuật gọi là FISH (fluorescence in situ hybridization). Những nhiễm sắc thể này sẽ phát quang như những chùm sao li ti dưới kính hiển vi. Bác sĩ sẽ đọc được những nhiễm sắc thể nhuộm màu này xem có bình thường, có tật bẩm sinh hay không và biết luôn là trai hay gái. Khi nhu cầu lựa trai hay gái không nhất thiết quan trọng cho lắm và khi tài chánh là một vấn đề thì nên dùng phương pháp lọc tinh trùng. Tuy nhiên khi cặp vợ chồng lớn tuổi, đã có nhiều con cùng một phái tính, và muốn con mình không bị tật nguyền thì nên dùng phương pháp thụ tinh  trong ống nghiệm.

HLC: Ẩm thực ảnh hưởng thế nào đến sanh đẻ và sanh con theo ý muốn?
BS: Các bác sĩ vẫn khuyên bệnh nhân nên ăn uống cân bằng (balanced) và “healthy” , tránh rượu, thuốc lá  là đủ. Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ ăn nhiều chất đạm protein dễ có con hơn. Về việc sanh con theo ý muốn thì những lời khuyên cổ điển cho là muốn có con trai thì nên ăn ngọt, thức ăn nhiều chất kiềm và muốn có con gái thì nên ăn nhiều đồ chua, có nhiều acid hơn. Tôi có viết một bài về những cách tự nhiên để sanh con tùy theo ý muốn, có trên mạng và ở trang nhà bacsihongocminh.com. Tuy nhiên nếu chỉ dựa chế độ ăn uống thì khả năng thành công cũng chỉ 50/50 mà thôi.

HLC: Nhiều vị lãnh đạo tôn giáo không đồng ý với việc sinh con theo ý muốn. Ý kiến cá nhân bác sĩ ?
BS: Theo tôi, các vị lãnh đạo tôn giáo chỉ đưa ra lời khuyên nhưng không nhất thiết là luật pháp để ràng buộc con người. Một số những lời khuyên đó dựa trên những hiểu biết, và những thành kiến cổ xưa xuất phát từ những tiêu chuẩn đạo đức cần phải cập nhật hóa theo đà phát triển của xã hội. Khi một tiến bộ khoa học được phát minh, chúng ta cần phải mở rộng tầm nhìn để biết sử dụng nó thế nào cho đúng, cho hợp lý vì nếu tiến bộ đó hữu ích thì mình phải chấp nhận sư hiện hữu của nó trong đời sống. Cụ thể, phương pháp lựa chọn trai gái cho phép chọn lựa khi phôi chưa thành hình còn hơn khi thai đã phát triển lớn lại đi phá bỏ, hay sau khi sau em bé ra đời lại sát hại hay ruồng bỏ chúng.

Tôi xin kể một thí dụ khác. Một cặp đến gặp tôi, người chồng là Mỹ trắng tên John, cô vợ tên Beth người gốc Argentine để chữa trị hiếm muộn. Hai vợ chồng có đạo Công giáo và cha cố chỉ cho phép làm thụ thai nhân tạo một lần mà thôi. Một tháng sau, John bị gọi đi Kuwait trong chiến tranh vùng vịnh lần thứ nhất. Tôi  dùng tinh trùng đông lạnh của John để lại, cấy thai cho Beth. Dưới một năm sau, hai vợ chồng ẳm bé Liz đến thăm tôi. John kể khi nghe tin Beth cấn thai, anh đã khóc và quỳ xuống trong trại lính và nói: “Cám ơn Chúa đã dẫn dắt chúng tôi đến gặp bác sĩ!” Lại 10 năm sau đó, Liz được mẹ đem đến thăm tôi vì bé Liz muốn gặp tôi. Bé hỏi tôi một câu rất ngây thơ nhưng lại rất thông minh: “Are you my creator?”, (Ông có phải là đấng đã tạo ra con hay không).  Câu hỏi làm tôi tốn vài phút suy nghĩ mới trả lời được: “ Không phải là tôi mà là Chúa đã tạo ra con vì người muốn con hiện diện trên đời này!”

HLC: Quả là cảm động. Có lẽ đây là phần thưởng quý giá cho bác sĩ. Với kinh nghiệm cá nhân qua sản phụ khoa và hiếm muộn khoa, Bs có lời khuyên gì cho giới trẻ? Vd trai nên lấy vợ khi nào và gái lấy chồng khi nào? Độ tuổi nào thích hợp để cặp đôi nghĩ đến việc có con? Sau khoảng thời gian bao lâu để tự nhiên mà không thụ thai thì nên đi khám bác sĩ?
BS: Khả năng có con mạnh khỏe tốt nhất cho người phụ nữ là từ 25 đến 30 tuổi. Còn đàn ông dưới 40 tuổi thì có con ít bị bệnh tật. Vì thế nên lập gia đình hay có con khi người vợ trên dưới 30 là tốt nhất. Thường thì sau một năm để tự nhiên gần 90% căp vợ chồng sẽ có thai. Lời khuyên hiện nay là nếu người vợ dưới 35 tuổi thì có thể chờ sau 12 tháng mới đi tham khảo bác sĩ. Nếu người vợ trên 35 tuổi thì nên gặp bác sĩ sau 6 tháng.

HLC Bệnh nhân của bác sĩ, bao nhiêu  % là người  nước ngoài và bao nhiêu % người Việt?
BS: Hiện nay khoảng 2/3 là người Việt và 1/3 là người các chủng tộc khác.

HLC: Tổng số ca hiếm muộn thành công nghĩa là tổng số trẻ em chào đời từ bác sĩ là bao nhiêu?
BS: Trong gần 19 năm hành nghề, con số em bé chào đời với sự giúp đỡ của tôi gần 1000 em.

HLC: Quả là lý thú. Bác Sĩ có nhiều “con nuôi” quá nếu có thể gọi như thế cho vui. Cuối cùng, nếu không có gì trở ngại, bác sĩ có thể cho biết đại khái giá tổng quát cho chữa trị hiếm muộn dao động từ bao nhiêu đến bao nhiêu?
BS: Thưa chị hiện nay ở Mỹ phí tổn chữa hiếm muộn tốn từ $8,000 đến $12,000 tùy theo trường hợp.

HLC: Xin cảm ơn những tin tức, chia sẻ của Bác sĩ Hồ Ngọc Minh. Xin hẹn gặp bác sĩ ở một dịp khác, sẽ là một trò chuyện với nhạc sĩ Vũ Thư Nguyên. (1)

Hoàng Lan Chi

(1) Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh có bút hiệu Vũ Thư Nguyên khi viết văn, làm thơ, viết nhạc.

This entry was posted in Phỏng Vấn and tagged . Bookmark the permalink.