Phạm Thị Nhung-Chinh-Phụ Ngâm Vấn Đề Chiến Tranh Và Ý Thác Ngụ Của Tác Giả

Xin ghi rõ nguồn ( trích từ blog Hoàng Lan Chi )

Phạm thị Nhung

             Trong Chinh-phụ ngâm khúc chỉ thấy nói đến những địa danh, địa trận, những chốn hẹn hò, những tên thành, núi, sông và ngay cả tên các vị danh tướng… nhất nhất đều thuộc nước Trung-hoa, để phác họa nên khung cảnh chiến tranh xảy ra tại Bắc quốc. Nhưng rõ ràng đây chỉ là một cuộc chiến tranh tưởng tượng, vì nó không qui kết vào một sự thực lịch sử nào, mà từ tên các vị danh tướng, các chiến trận đến các sự việc xảy ra đều ở rải rác trong nhiều thời đại khác nhau (Xuân thu, Chiến quốc, Hán, Đường). Điều này cũng dễ hiểu, vì Chinh-phụ ngâm, nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn, được dựng lên theo lối “tập cổ”, tài liệu rút ra từ các bản cổ văn Trung-hoa không cùng một thời đại.

Cuộc chiến tranh ở đây vì vậy chỉ có tính cách tượng trưng. “Chính tính cách tượng trưng này đã giúp cho sự thác ngụ của tác giả”. (Dẫn lời giáo sư Phạm Thế Ngũ, Việt-nam văn học sử giản ước tân biên, q.II, tr.164).

Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, “sách Chinh-phụ ngâm do Hương cống Đặng Trần Côn soạn, nhân đầu đời Cảnh Hưng (1740-1786) việc binh nổi dậy, người ta đi đánh giặc phải lìa nhà, ông cảm thời thế mà làm ra”. Vậy, thực chất cuộc chiến tranh trong Chinh-phụ ngâm khúc là nói về cuộc binh biến kéo dài ở nước ta, trong giai đoạn xã hội rối loạn, giặc giã triền miên vào thời các chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh, khoảng giữa thế kỉ XVIII.

Bởi thế, nếu chúng ta chỉ định giá trị nội dung Chinh-phụ ngâm qua lớp nghĩa trực tiếp về đề tài tình yêu của tác phẩm, e còn nhiều thiếu sót. Vậy qua lớp nghĩa thứ hai, trước vấn đề chiến tranh bi thảm kéo dài trên quê hương, tác giả Đặng Trần Côn cũng như dịch giả Đoàn Thị Điểm đã muốn nói gì, gửi gấm tình ý gì trong tác phẩm của họ?

Để có được lời giải đáp, chúng ta tất phải dựa vào sự thực thứ nhất, tình yêu của chinh phụ đối với người chồng chiến sĩ, đi chinh chiến bao năm chưa về, để khám phá ra sự thực thứ hai, cái phần sâu sắc, kín đáo của tác phẩm mà tác giả cũng như dịch giả không muốn trực tiếp nói ra.

Như chúng ta đã biết, chinh phu, chinh phụ kết mối lương duyên mới được chừng hai ba năm, vợ chồng vừa quen hơi bén tiếng thì chiến tranh bùng nổ, chinh phu phải lên đường tòng chinh. Cuộc đời làm vợ còn quá mới mẻ, chinh phụ chưa một lần tìm hiểu, và cũng chẳng biết gì hơn ngoài cái quan niệm ái tình là hôn nhân, là tình nghĩa phu thê, ăn ở sao cho vẹn đạo thủy chung như đã từng được giáo huấn. Chỉ từ khi phải sống xa chinh phu, chinh phụ mới lần lần khám phá ra đâu là chiều sâu của tình nghĩa vợ chồng, đâu là ý nghĩa đích thực của tình yêu, của hạnh phúc gia đình.

Bằng vào sự hiểu biết giới hạn của mình, chinh phụ nghĩ rằng, chiến tranh do tai trời ách nước khiến xui, chiến tranh gây nên bao thảm trạng đau thương cho vợ chồng nàng, bắt phải cách chia số phận, làm phá vỡ hạnh phúc chung đôi của họ: “Thiếp trong cánh cửa – Chàng ngoài chân mây”.

Vì thế, đối với chiến tranh, chinh phụ luôn luôn có thái độ đối lập;  và cũng vì quá thương chồng, thương mình, nàng chỉ nhìn thấy những khía cạnh tiêu cực của cuộc chiến.

Trước hết, chiến tranh buộc kẻ làm trai phải xa nhà, lìa vợ con:

Đường rong ruổi  lưng đeo cung tiễn

               Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa.

               Bóng cờ, tiếng trống xa xa

               Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa buồng.

(c.13-16)

Kẻ làm trai thời loạn, dẫu đã quyết lòng ra đi chinh chiến vì nghĩa vụ  « Phép công là trọng, niềm tây xá nào  » ; nhưng khi phải xa lìa những người thương yêu, mấy ai đã thoát khỏi sầu oán ? Ðến như Hector, một anh hùng trong sử thi  Ilyade của Hy-lạp cổ đại, giây phút chàng từ biệt vợ trẻ, con thơ trước khi lên đường lâm trận, cũng xiết bao bùi ngùi, lưu luyến.Người chiến sĩ thời nay có khác gì ?

            Tôi có người vợ trẻ đẹp như thơ

            Tuổi chớm đôi mươi , cưới buổi dâng cờ

             Má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín.

             Ai ra đi mà chằng từng bịn rịn

                          Rời yêu thương nào đã mấy ai vui ?

              Em ngậm ngùi nhìn với lúc chia phôi

              Anh mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ.

( k.d .)

Đó chẳng qua là tâm trạng chung của những người chiến binh muôn thuở.

Chiến tranh còn đầy đọa kẻ chinh nhân trong cuộc sống gian khổ, dãi dầu:

Hơi gió lếnh người dàu, mặt dạn

               Rộng nước sâu ngựa nản chân bun.

               Ốm yên, gối trống đã chồn

               Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh.

(c. 69-72)

Chiến trường thì đầy dẫy hiểm nguy :

Nay Hán xuống Bạc- thành đóng rải

               Mai Hồ vào Thanh-hải dòm qua.

(c. 73-74)

Xông pha gió bãi, trăng ngàn

               Me reo đầu ngựa, giáo dan mặt thành.

                             (c.107-108)

Kẻ chinh nhân chiến đấu dẫu phải hy sinh tính mệnh thì rồi cũng bị người đời bội bạc mau quên :

Hồn tử sĩ, gió ù ù thổi

               Mặt chinh phu, trăng dõi dõi soi.

                            (c.97-98)

   Ðến khi tàn cuộc giao tranh, bên thắng cũng như bên bại để lại gì, nếu không là những xác chết của biết bao chiến sĩ vô danh, chồng chất thành gò, thành đống, nằm quạnh hiu nơi gió bãi, trăng ngàn?

Non Kì quạnh quẽ trăng treo

               Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.

(c.95-96)

Chiến tranh không chỉ giáng họa cho kẻ ra đi mà còn gieo sầu, rắc thảm cho người ở lại. Nỗi đau hận nhất của chinh phụ là vợ chồng nàng còn quá trẻ, mới đẹp duyên lứa đôi, lửa hương vừa nồng đượm đã phải xa lìa nhau ; từ đấy, nước non cách trở, chẳng được cùng nhau chia sẻ chuyện tâm tình:

Phết phong lưu đương chừng niên thiếu

               Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên.

               Nỡ nào đôi lứa thiếu niên

               Quan san để cách hàn huyên bao đành!

(c.121-124)

Sau nhiều năm tháng mong ngóng chờ trông, chinh phu đã chẳng trở về như bao lời hẹn ước , và rồi tin tức lại bặt tăm, tình cảnh cô đơn, khắc khoải đợi chờ của chinh phụ càng thêm bi thiết:

Trời hôm đứng chái ngần ngừ

               Trăng khuya nương gối, bơ phờ giũ mai.

(c. 187-188)

Gà eo óc gáy sương năm trống

               Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên

               Bể tuôn lai láng mạch phiền

               Tưởng giây khắc, bẵng một niên dần dà.

(c. 201-204)

Chinh phụ không chỉ ngóng chỉ trông, mà sự thiếu vắng tình yêu, từ những lời hỏi han tình tự:

               Quan san để cách hàn huyên bao đành.

đến những cử chỉ âu yếm, vỗ về:

Cậy ai mà gửi tới nơi

               Để chàng trân trọng dấu người tương thân.

Nhất là sự thiếu thốn hạnh phúc ái ân càng làm cho nỗi nhớ nhung của nàng thêm não nùng. Nàng nhớ da diết từ vẻ mặt tươi cười đến hơi hướng quyến rũ của chồng :

Gác hương nọ, mơ mòng vẻ mặt

Lầu hoa kia, phảng phất hơi hương.

(c. 345-346)

Sự thèm khát hạnh phúc chung đôi trở thành một ám ảnh, một tâm bệnh. Chinh phụ không dám thêu đôi bướm, dệt đôi uyên, sợ chúng khêu gợi tâm sự bi thương lẻ bạn của nàng. Vậy mà trong tâm trí cũng như trong đôi mắt nàng, đâu đâu cũng lẩn quất hình ảnh muôn loài có lứa, có đôi, đang quấn quít âu yếm bên nhau :

Sảy nhớ khi cành Diêu, đóa Ngụy

               Trước gió xuân, vàng tía sánh nhau

               Nọ thì ả Chức, chàng Ngâu

               Tới trăng thu, lại bắc cầu qua sông.

(C. 325 – 328)

và:           …………… … chim uyên ở nội

               Cam cùng nhau ngại nỗi phân trương

               Lại chăng thấy én trên rường

               Bạc đầu nào nỡ quên đường quẩn theo.

               Cánh chim quyên sập sìu cùng liệng

               Chân muông cùng lủng lỉnh đều di.

               Liễu đường, sen vụng biết gì

               Chồi khi cũng dịnh, hoa khi cũng liền.

(c. 349-356)

Nhìn cảnh trăng hoa lồng bóng, chinh phụ tưởng tượng ra cuộc giao hoan ;  không kiềm chế nổi bản năng tình dục đang trỗi dậy, làm rạo rực châu thân ;  nàng để mặc cho trí tưởng tượng bay bổng, cho nguồn xúc cảm say sưa, dạt dào hòa nhập vào cuộc ân ái giao hòa không cùng của thiên nhiên :

Hoa giãi nguyệt, nguyệt êm một tấm

               Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.

               Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng

(c. 225-227)

Và để giải tỏa những ẩn ức, những nỗi khao khát hạnh phúc yêu đương thầm kín kia, chinh phụ chỉ còn biết trông mong ở những giấc mộng xuân .

Mỗi đêm, mỗi đêm chinh phụ nằm ôm gối thao thức đợi chờ mộng về, cho nàng được sống lại những cảm giác ngây ngất của bao lần ân ái hạnh phúc với chinh phu thuở nào. Những giấc mộng xuân như thế bao giờ cũng ngắn ngủi, và hư ảo vẫn hoàn hư hảo, lòng nàng mới chua xót làm sao!

Chẳng qua bên gối một chờ mộng xuân.

(c. 264)

Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không.

                              (c.269 ).

Chỉ đến khi chinh phụ tỉnh ngộ, nàng mới có được sự bình an trong tâm hồn. Từ đó, thay vì tự đày ải mình trong thế giới cô quạnh, lo âu, sầu oán, mộng tưởng… chinh phụ quyết tâm chấn chỉnh lại cuộc sống. Nàng vui vẻ khích lệ chinh phu trên đường chinh chiến phụng sự tổ quốc, dân tộc cho thỏa chí nguyện bình sinh.Riêng nàng hứa, sẽ vì chàng hết lòng bảo vệ tình yêu lứa đôi và hạnh phúc gia đình :

Chàng nương vừng nhật, phỉ nguyền

               Mọi niềm trung ái thiếp xin vẹn tròn.

(c.367-368 )

Nhờ đó, chinh phụ đã tìm được niềm an ủi, tạo được một cuộc sống đầy ý nghĩa, đem lại yên vui hạnh phúc cho chính bản thân và những người xung quanh, trong thời gian chờ đợi chinh phu ca khúc khải hoàn trở về cùng nàng nối lại mối duyên xưa:

Cùng chàng lại kết mối duyên tạn già

               Cho bõ lúc sầu xa, cách nhớ

               Giữ gìn nhau vui thuở thanh ninh.

                              (c.404-406 )

Tóm lại, trước thực trạng lìa đôi cay đắng do chiến tranh gây ra cho vợ chồng chinh phụ; trước cuộc sống gian khổ, hiểm nguy của người chiến binh nơi sa trường ; cùng trước sự thờ ơ, bội bạc của triều đình, của người đời đối với các anh hùng tử sĩ vô danh, chinh phụ đã nhiều lần tỏ thái độ bi phẫn qua những câu hỏi trách móc, than oán:

Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ

               Chàng há từng học lũ vương tôn ?

               Cớ sao cách trở nước non

               Khiến người thôi sớm, thì hôm những rầu!

                                       (c.117-120 )

                      Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ

               Trạng chinh phu ai vẽ cho nên?

 

               Chinh phu, tử sĩ mấy người

               Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?

Những câu hỏi này của chinh phụ vô tình đã hàm chứa lời kêu gọi lương tâm nhân loại trước vấn đề chiến tranh và thân phận con người.

Vẫn hay quan niệm bi quan, yếm thế và ai oán về chiến tranh như thế chỉ xuất hiện trong ý nghĩ của nhân vật chinh phụ, nhưng nó cũng đã nói lên phần nào thực trạng loạn lạc bi đát và bế tắc của xã hội Đàng Ngoài , suốt thời gian chúa Trịnh Giang, một bạo chúa, bất tài, vô hạnh lên nắm chính quyền (1729-1740). Và đã được tác giả Đặng Trần Côn và dịch giả Đoàn Thị Điểm viết ra.Thế nên, vô hình trung nó đã phản ánh thái độ chán ghét chiến tranh của họ, bất kể cuộc chiến do ai gây ra. Chính quyền Lê Trịnh (không còn được lòng dân) trực tiếp phát động cuộc binh biến, nhằm đàn áp nông dân nổi dậy? Hay bởi một số con cháu nhà Lê dấy lên, tính chuyện phò Lê diệt Trịnh nhưng chẳng làm nên việc? Hay bọn giặc cướp ô hợp, đục nước béo cò, lợi dụng thời cơ xã hội sa đọa, xã tắc kỉ cương lỏng lẻo, nổi lên hoành hành ; chúng đem quân đi phá đồn chiếm lũy, uy hiếp nông thôn để cưỡng đoạt lương thực và cướp của giết người vô tội vạ  làm khổ lương dân?

Rõ ràng đây là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, đã kéo dài trên quê hương, gây quá nhiều đau thương và tổn thất cho bao nhiêu lương dân. Do đó, thái độ oán ghét chiến tranh của tác giả và dịch giả là điều tự nhiên, dễ hiểu.

Nhưng kể từ năm 1740, Trịnh Doanh được một số bề tôi bên phủ Liêu suy tôn lên ngôi chúa thay Trịnh Giang; ngoài chuyện biết chăm lo chỉnh đốn việc nước, tổ chức lại quân đội và phát động phong trào thanh niêm tòng chinh “khử bạo yên dân” , nhà chúa còn nêu gương, đích thân lâm trận diệt giặc, dân tâm  mới qui về, giặc giã từ đó dần dần được dẹp yên.

Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm, những con người trí thức thời đại, hơn ai hết, đều hiểu rằng nay chính nghĩa đã có, mọi con dân đều có bổn phận tham gia đại cuộc để mau chóng đem lại cuộc sống an cư lạc nghiệp cho người dân, thanh bình cho đất nước.

Tác phẩm Chinh-phụ ngâm của họ, vì thế, tràn đầy những đoạn anh hùng ca, đề cao chính khí của kẻ nam nhi trên đường tranh đấu cho lí tưởng phụng sự tổ quốc, bảo vệ lương dân :

 Lòng hứa quốc, thắm son ngắt ngắt

               Sức tí dân, cứng sắt tri tri..

                              (c.369-370 )

                Giã nhà, theo lũ chiến bào

Thét roi cầu Vị , ào ào gió thu.

( c.23-24 )

v.v…..

Xem đấy đủ rõ, tác giả và dịch giả Chinh-phụ ngâm đã có cùng một quan điểm : Họ chán ghét, họ oán hận chiến tranh, nhưng họ vẫn sẵn sàng tham gia chiến tranh, một khi cần bảo vệ hòa bình !

Còn những ám ảnh, những tơ tưởng khát khao ân ái với chinh phu của nhân vật chinh phụ, thực chất thuộc về vấn đề tâm sinh lí, phản ảnh tình yêu tự nhiên trong sáng, chân chính do bản năng sinh tồn và hạnh phúc lứa đôi của con người. (Ngày nay, không ai còn có thể qui kết, đồng hóa nó với loại tình dục bất chính). Tuy nhiên, ở đây để thoát khỏi những ức chế cùng sự lên án của luân lý, đạo đức Nho giáo phong kiến đương thời, tác giả và dịch giả đã để cho nhân vật sử dụng biện pháp tự vệ một cách vô thức, bằng cách hòa mình vào thiên nhiên hay tìm vào những giấc mộng.

Như thế, Chinh-phụ ngâm khúc không chỉ biểu lộ những “bất đắc kì bình tắc minh” của nhân vật chinh phụ đối với chiến tranh, mà nội dung tư tưởng oán ghét chiến tranh, cùng tiếng nói đòi hỏi giải phóng tình cảm cá nhân, đòi hỏi cho con người được quyền sống cuộc đời tự do, vui hưởng hạnh phúc lứa đôi trong bối cảnh đất nước an bình  của tác giả và dịch giả đã được gửi gắm, được chuyển hóa vào tác phẩm một cách kín đáo, bằng nghệ thuật “dĩ huyễn độ chân”, tức mượn cái ảo để nói cái thực (giả ngộ cuộc chiến tranh tưởng tượng bên Trung-hoa để nói chuyện nước mình).

Chính tính chất khai phóng và nhân bản của tác phẩm đã đáp ứng nhu cầu về tâm tư, ước vọng sâu xa của con người thời đại nói riêng, và con người Việt Nam muôn thuở nói chung. Bởi thế, bản Chinh-phụ ngâm nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn vừa ra đời, đã được sự đồng cảm và đón nhận nồng nhiệt của giới văn lâm; bản Chinh-phụ ngâm diễn nôm của Đoàn Thị Điểm xuất hiện sau đó ít lâu, liền được phổ biến sâu rộng trong dân gian, và danh bà đã gắn liền với tác phẩm, được lưu truyền mãi mãi đến các đời sau.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thời đại văn minh tiên tiến. Khoa học tiến bộ vược bực đã đem lại cho con người một cuộc sống nhiều sức khỏe, thỏa thuê về vật chất và tiện nghi. Nhưng khoa học tiến bộ bao nhiêu thì vũ khí giết người tối tân, khốc liệt bấy nhiêu.

Xã hội thì còn đầy những giáo điều, những luật lệ khe khắt để kiềm chế tự do của con người ; lòng người muôn đời vẫn không thoát khỏi tham vọng, đố kị và tàn bạo. Thế giới vì thế không lúc nào ngừng chiến tranh. Người ta đánh nhau, giết nhau vì đủ mọi lí do, chiến tranh tôn giáo, chiến tranh ý thức hệ, chủng tộc, quyền lợi, đất đai… Chinh phu, chinh phụ dù sống trong thời đại nào, xã hội nào vẫn là những nạn nhân thê thiết nhất.*

Sự đề cao tình yêu và khơi dậy lương tâm con người để giải quyết những mâu thuẫn, những tranh chấp, nhất là vấn đề chiến tranh trong cuộc đời hầu đem lại bình an, hạnh phúc cho mọi người ; cùng sự mơ ước có được một đời sống nhân chủ, được quyền hưởng hạnh phúc lứa đôi trong một đất nước thanh bình, muôn đời vẫn là niềm khát vọng của nhân loại.

Cũng bởi tính chất khai phóng và nhân bản nổi bật này của Chinh-phụ ngâm khúc diễn nôm mà tác phẩm càng ngày càng được tán thưởng, được dịch ra nhiều thứ tiếng như Nhật, Pháp, Anh, Đức … và đã được người ngoại quốc đón nhận một cách nồng nhiệt.**

 



 * Dẫn chứng một số tổn  thất do chiến tranh gây ra cho con người:

– Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918), phe đồng minh Anh, Pháp, Bỉ, Nga, Ý, Mỹ, Nhật chống nhau với Đức, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Bảo Gia Lợi. Phe liên minh do Đức cầm đầu bại trận. Hậu quả 10 triệu người chết, 19 triệu người bị thương, 3,5 triệu người tàn phế. Riêng Pháp bị nặng nhất, vừa chết vừa bị cầm tù 1,85 triệu (trích Quid, trang 783, Robert Laffont xb, France 1996).

– Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939-1945). Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô, Trung Hoa và 22 nước khác kí tại Washington thành lập đồng minh chống Phát xít (Đức, Nhật, Ý). Chiến tranh kết thúc, tổng kết 40 triệu người chết. (trích Almanach, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội 1999).

 ** Bản dịch tiếng Nhật : Takeuchi Yonosuke, Chinh-phụ ngâm khúc, Đại học Thư lâm xb, Đông kinh 1984.

Bản dịch tiếng Pháp : Hoàng Xuân Nhị, Plaintes d’une Chinh phụ, Mercure de France xb, Paris 1959. Bùi Văn Lang, Complaintes de la femme d’un guerrier, Alexandre  de Rhodes xb, Hanoi 1943. Huỳnh Khắc Dụng, Femme de guerrier, Bộ Giáo dục và Thanh niên xb, Saigon 1969.

Bản dịch tiếng Anh : Phạm Xuân Thái, Warrior’s Wife’s Plaintive Ballad, Tứ hải xb, Hà nội 1948. Huỳnh Sanh Thông, The song of a Soldier’s Wife, Yale University xb, New Haven, Connecticut, 1987.

This entry was posted in Phạm Thị Nhung. Bookmark the permalink.