Trò Chuyện với nhà văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị

LGT: Trường Sơn Lê Xuân Nhị là một trong vài nhà văn có tác phẩm thuộc loại bán chạy vào trước năm 2000. Sinh năm 1951 tại Ban Mê Thuột, tốt nghiệp tú tài năm 1968, Học Trường Bộ Binh Thủ Đức khóa 4/70 năm 1969. Định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1975.

HLC: Xin chào nhà văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị. Quen đã lâu và hôm nay xin được trò chuyện với ông về sự nghiệp viết văn cùng vài quan điểm của ông trước thời cuộc. Dường như cuộc đời ông có vẻ nghề chọn người thì phải. Ví dụ như không quân, ông đâu cố ý chọn phải không?

TS: Đúng như thế thưa chị. Hồi học Thủ Đức, tôi không nghĩ mình sẽ đủ khả năng để gia nhập Không Quân. Tôi vào Không Quân được chỉ vì ham mấy ngày phép. Hồi đó, một ngày phép ở quân trường Thủ Đức đáng giá ngàn vàng. Ai muốn gia nhập không quân thì nhà trường cho phép 3 ngày, cộng thêm thứ bảy chủ nhật, coi như là 5 ngày phép. Tôi ngu gì không làm đơn? Nhưng trước khi đi, đại đội trưởng tôi, Đại Úy Chính, tập họp đại đội và hăm dọa như sau:

-Tôi làm đại đội trưởng bao nhiêu năm, tôi biết tất cả những trò ma giáo của mấy anh. Giả vờ đi khám Không Quân để vù đi chơi. Tôi nói cho mấy anh biết, mấy anh đi khám về đây, thiếu một chữ ký bác sĩ là tôi nhốt một ngày.

Tôi đã tính ra khỏi trường bộ binh là lặn luôn cho đến chủ nhật mới về, nhưng nghe nói như thế thì hoảng quá, đành phải vào bộ tư lệnh Không Quân đi khám sức khỏe. Tối thì nhậu mút chỉ trời xanh, sáng vô khám, miệng toàn mùi rượu, bác sĩ bảo ho thì mình ho, bảo mình …cởi quần thì mình cởi quần, bảo … chổng đít thì chổng đít, đứng chàng hảng thì mình đứng chàng hảng, bảo gì làm đó, chỉ mong lấy được cái chữ ký để về trường khỏi bị nhốt. Chẳng ngờ, tôi lại được “Rồng liềm”, tức là đi Không Quân, thay vì bị “Cọp liếm” tức đi Biệt Động Quân.

HLC: Số phận có vẻ lại mỉm cười lần nữa trong sự nghiệp văn chương với ông thì phải. Trước đó, thuở trung học ông từng viết bài và không báo nào đăng. Thế nhưng ông lại bước vào thế giới văn chương từ một bài viết cho báo Mỹ với đề tài chiến tranh Việt phải không?

TS: Thưa chị, tôi mê văn chương từ hồi nhỏ. Thì giờ rỗi rảnh, tôi thường viết, dù chẳng có ai đọc. Năm 1966, ôm mộng làm “nhà văn nhớn”, tôi có
gởivài bài cho tờ Tuổi Ngọc của ông Duyên Anh. Nhưng gởi 3 lần, tốn không biết bao nhiêu là tiền tem, nuôi bao nhiêu hy vọng, chịu đựng bao nhiêu đợi chờ, nuôi dưỡng bao nhiêu mơ ước, ôm ấp bao nhiêu giấc mộng. Nhưng cuối cùng, chẳng có bài nào của tôi được đăng báo cả. Biết thân biết phận, tôi bỏ bút. Buồn lắm chị ơi. Đó là một trong những ngày buồn nhất tuổi thơ tôi.

Sang Mỹ, tôi cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện cầm bút trở lại. Nhưng hàng năm cứ gần đến ngày 30/4, tâm hồn tôi luôn luôn trở nên đau đớn và điên loạn. Tôi phải viết. Một năm, tôi viết một bài đăng cho tờ báo lớn nhất địa phương của Mỹ, tờ Times Picayunes, đăng vào mục “Your Opinion”. Tôi không đổ lỗi cho ai làm cho chúng tôi mất nước, tôi chỉ nói lên sự chiến đấu dũng cảm và sự uất hận của chúng tôi, những người lính QLVNCH. Tôi không nghĩ họ sẽ đăng, nhưng viết là tôi phải viết, như để giải tỏa những ấm ức. Không ngờ, họ đăng ngay. Sau đó, tôi thỉnh thoảng còn viết thêm nữa và lần nào gửi, họ cũng đăng cả. Một chuyện hiếm có.

Nhưng chuyện tôi trở thành nhà văn như sau. Nhờ những bài tôi viết này, một hôm, hội Không Quân Louisiana ra tờ Lý Tưởng, anh hội trưởng, trung tá Nguyễn Anh Toàn bảo tôi: “Chú mày viết cho báo Mỹ được, viết cho anh em một bài để đăng vào tờ Lý Tưởng.” Tôi nhận lời.

Tôi nhớ mãi, một hôm vào ngày thứ sáu, tôi đi làm về, ăn uống xong, chơi với con cái, coi TV vớ vẩn, khoảng 11 giờ đêm tôi mở máy và bắt đầu viết. Tôi suy nghĩ rất lâu, không biết viết gì. Không có đề tài, tôi đành viết về phi đoàn 114, nơi tôi đã phục vụ cho đến ngày mất nước. Tôi nghĩ sao thì viết vậy, chẳng cần biết hay hoặc dở, chẳng cần rào đón, cứ viết thật lòng mình, nhớ đến từng người bạn, từng người anh quý mến trong phi đoàn, những người đã cùng tôi chia sẻ những bịch gạo sấy, những quả hỏa tiễn, những hòn tên mũi đạn, những người hiện đang ở trong tù VC. Tôi viết rồi sửa rồi viết. Viết xong, tôi nhìn ra bên ngoài thì giật mình, thấy mặt trời đã bắt đầu lên. Tôi in ra rồi đọc lại một lần chót để đi ngủ. Nhưng đọc nửa chừng, tôi thấy tờ giấy mình cầm trong tay nó ươn ướt. Tôi tưởng … nhà bị dột. Nhưng trời không có mưa. Hóa ra đó là những giọt nước mắt của tôi rơi xuống tờ giấy. Sau đó, khi bài đăng báo, nhiều người cũng đã khóc như tôi, đặc biệt là Trung Tướng Trần Văn Minh, tư lệnh không quân cũng đã khóc khi đọc bài này.

HLC: Sau thành công của bài Phi Đoàn 114, ông bắt tay vào viết Al Capone? Lý do nào ông chọn đề tài này?

TS: Thấy mình viết được, tôi bắt đầu mạo hiểm thêm một bước nữa. Tôi viết Al Capone vì ngày xưa tôi mê chuyện “Bố Già”, nhưng sang đây chẳng
có ai còn viết được một cuốn như “Bố Già” nữa, tôi quyết định mình phải… viết lấy. Một hôm tôi coi cuốn phim “The Untouchable” và nẩy ra ý định viết một truyện dài dựa theo cuốn phim này. Hồi đó internet chưa có như bây giờ cho nên tôi phải vào thư viện tìm đọc tài liệu. Nắm được những yếu tố quan trọng, tôi bắt đầu viết. Mới đầu tôi chỉ tính viết một cuốn nhưng cuối cùng thì phải mất 5 cuốn, hơn một triệu chữ, mới viết hết được tư tưởng của tôi. Và được độc giả khắp nơi đón nhận nồng nhiệt.

HLC: Dựa vào tiểu thuyết Mỹ để viết thì phải coi là rút đoạn đường ngắn phân nửa. Hẳn là ngày xưa ông từng mê mẩn truyện phóng tác của Hoàng Hải Thuỷ? Tuy vậy khi chọn đề tài có vẻ nghiêng về “mafia”, tại sao ông không chọn cho mình một hướng đi của chính mình (như Duyên Anh, Nguyễn Thuỵ Long với đề tài “du đãng”) mà lại vay mượn cốt truyện nước ngoài?

TS: Hoàng Hải Thủy chỉ dịch truyện chứ không sáng tác. (Có thể tôi lầm) Nhưng ông ta dịch rất hay và rất cởi, hiểu tâm lý của nhân vật. Nguyễn Thụy Long thì khỏi nói, là một nhà văn có tài. Nhưng chị quên một người nữa là Duyên Anh. Loan Mắt Nhung của NTL có cái hay riêng, nhưng tôi vẫn thích Điệu Ru Nước Mắt của Duyên Anh hơn. Hồi ở Việt Nam, tôi đọc cuốn này tới hai lần. Riêng phần tôi, tôi không bao giờ dám đứng (hay quỳ) chung một chiếu với những nhà văn nổi tiếng kể trên. Họ đã trở thành những “Icon”, những núi Thái Sơn của thời đại chúng ta. Họ đã đi vào lịch sử. Và chúng ta phải công nhận chuyện này.

Tôi viết để giải trí. Như đã nói, không ai viết được “Bố Già” nữa cho tôi đọc thì tôi phải …viết lấy cho tôi đọc, và biết đâu lại kiếm được tí tiền còm thì càng tốt. Đơn giản như thế thôi. Còn nói về cốt chuyện, sao không viết về Việt Nam mà lại vay chuyện nước ngoài? Thưa chị, du đãng Việt Nam mình đâm chém vớ vẩn làm sao so được với những băng đảng ở bên này. Thằng Al Capone nuôi cả một đạo quân hàng trăm người, lợi tức hàng triệu đô la một tháng hồi thập niên 20. Phần lớn những gì tôi viết về Al Capone đều dựa trên sự thật. Dĩ nhiên, thêm vào đó là sự tưởng tượng của tôi.

HLC: Al Capone cũng có một kỷ niệm ban đầu khó quên. Xin chia sẻ?

TS: Thưa chị, đúng, thật là một kỷ niệm khó quên. Tôi nhớ mãi, năm 1989, tôi về Houston in 1000 cuốn Al Capone 1, chất đầy cả chiếc xe MiniVan Chrylers. Việc đầu tiên tôi làm là ghé qua nhà sách Tinh Hoa, nhà sách lớn nhất Houston thời đó, tính bán bớt chừng trăm cuốn cho nhẹ chiếc xe. Ông chủ nhìn mặt tôi, trịch thượng hỏi:

-Sách do ai viết?

Tôi mắc cỡ đáp:

-Dạ… tôi viết.

Ông chủ nhăn mặt, trợn mắt nhìn tôi một lúc rồi lắc đầu:

-Anh mà là nhà văn à? Anh là ai, tên gì?

Tôi lí nhí:

-Dạ, Lê Xuân Nhị….Trường Sơn Lê Xuân Nhị.

Mặt ông chủ dài ra, đau khổ lắm, có vẻ không thích cái tên Trường Sơn, nghe nó… Việt Cộng quá. Lại nói:

-Chưa bao giờ nghe tên. Mới tập tành viết lách hả? Tôi biết mà. Người như ông bây giờ nhiều lắm. Nhưng tiệm sách tôi toàn những nhà văn nổi tiếng… vân vân.

Chờ cho ông chủ giảng mô-ran xong, tôi nhẹ nhàng… năn nỉ xin cho tôi bán vài chục cuốn, thay vì một trăm như đã tính. Ông chủ mạnh dạn lắc đầu:

-Nể tình ông lắm, tôi lấy tạm của ông … 5 cuốn. Tôi biên cho ông cái biên nhận. Bán được, tôi sẽ gởi tiền cho ông. Sách của mấy nhà văn nổi tiếng bán còn chậm, vô danh tiểu tốt như ông chắc còn lâu mới bán được một cuốn. Thôi, đem sách vào đây đi, tôi bận lắm.

Biết là năn nỉ nữa cũng không được, tôi đành ra xe lấy 5 cuốn sách, đưa cho ông ta rồi lên xe lái về. Từ Houston về New Orleans, 6 tiếng đồng hồ, lòng dạ tôi héo hon phiền muộn. Đã có nhiều lần, tôi tính tốp xe rồi quẳng mẹ mớ sách xuống mấy cái đầm lầy bên đường cho nhẹ xe, nhưng không nở. Đẹp hay xấu, hay hoặc dở, dù sao chúng nó cũng là những đứa con tinh thần đầu lòng của mình, vất chúng đi không nỡ. Tôi đem sách về nhà, đang lui khui khiêng chất vào ga-ra, mụ vợ đứng phía sau cằn nhằn:

-Ga-ra đã không còn chỗ để bất cứ cái gì, anh lại đem ba cuốn sách vớ vẩn về nhét đầy nhà. Sao mà in lắm thế rồi chỗ đâu mà để? Suốt đời anh chỉ đi mua việc mà chẳng bao giờ làm nên chuyện gì. Bây giờ lại bày đặt học đòi làm nhà văn. Tôi thật hết ý kiến với anh.

Tôi chẳng dám nói gì vì lúc ấy, tôi nghĩ vợ tôi nói đúng thật. Tôi đã bày đặt học đòi làm nhà văn.

Tối hôm đó, tôi biên thơ cho một người bạn văn, tâm sự như sau: “Viết văn là một thú giải trí tao nhã nhưng… khá tốn tiền. Tôi vừa tốn 2 ngàn đô la in sách. Chắc có lẽ chẳng bao giờ lấy lại được vốn. Nhưng thôi, để tự an ủi, tôi coi như đó là số tiền mình bỏ ra để… giải trí, mua vui.”

Nào ngờ, ngày hôm sau, tôi đi làm về, thấy cái máy điện thoại chớp đèn báo hiệu có người gọi. Tôi mở máy lên và nghe ông chủ tiệm Tinh Hoa, bây giờ giọng rất lễ phép lịch sự chứ không như hôm qua:

-Anh Nhị, tôi bán hết sách của anh rồi, anh gởi gấp cho tôi 30 cuốn.

Đó là giây phút sung sướng nhất cuộc đời cầm bút của tôi. Ngay lúc ấy, tôi biết rằng tôi sẽ trở thành một nhà văn nổi tiếng. Sách của tôi sẽ bán khắp mọi nơi trên thế giới.

Tôi gọi cho ông Tinh Hoa, nói ngay:

-Tôi sẽ gởi sách cho ông, nhưng ông phải … trả tiền trước. Tôi tính ông 70% thôi. Nhận được check tôi mới gởi sách.

Và chuyện đã xảy ra đúng như tôi nghĩ.

HLC: Sau thành công của Al Capone, ông khởi sự với Phát Súng Ân Tình? Cho hỏi, sau khi chọn cốt truyện ngoại quốc, những bước tiếp theo mà ông hoạch định là gì để chào đời một tác phẩm?

TS: PSAT bắt đầu bằng một … truyện ngắn. Một hôm ngồi buồn, tôi viết một truyện ngắn về một người tị nạn sống ở một khu nhà nghèo, bị bao nhiêu cảnh hiếp đáp, cơ cực. Nhưng tôi viết một lèo hơn 50 ngàn chữ, cũng không tả hết được những gì mình muốn viết. Thế là tôi quyết định cho nó thành truyện dài. Mới đầu, tôi chỉ tính viết 1 cuốn, nhưng viết xong, sách bán được, lại thấy còn nhiều điều chưa nói hết, tôi viết thêm nữa. Viết mãi cho đến 10 cuốn. Tôi có thể kéo dài đến 20 hay 30 cuốn, như cuốn “Ngài Chủ Tịch” tôi đang viết bây giờ, nhưng thấy dài quá, tôi tốp.

HLC: Đa số các nhà văn Việt Nam thành danh trước hay sau 75 sinh khoảng 1955 trở về trước thường có khuynh hướng viết dài, lan man. Ông thì trái ngược. Ông học được cách viết ngắn gọn từ đâu?

TS: Thưa chị, hồi mới sang Mỹ, tôi có học một cua “Creative Writing” ở Đại Học. Bà Thầy có dạy tôi như sau: “Một tác phẩm hoàn hảo là một tác phẩm không bao giờ có một chữ thừa. Chữ thừa, dù một chữ, sẽ làm mất thì giờ người đọc, làm giảm ý nghĩa và giá trị bài viết, và tốn mực tốn giấy, do đó tốn tiền của nhà in.” Chị đọc những tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng, xưa và nay, không hề có một chữ thừa. Hemingway bắt đầu cuốn “Ngư ông và biển cả” như sau: “The old man had gone out to the sea for forty eight days without catching a fish.” Đơn giản, mạch lạc, rõ ràng, không có một chữ thừa.

Tôi cũng bắt chước như thế. Một chữ, nếu không cần thiết, tôi không bao giờ đem nó vào. Văn chương phải đơn giản, trong sáng, mạch lạc. Như tôi đã trả lời một bài phỏng vấn của báo Saigon Times năm nào. “Nếu tôi muốn tả con gà thì tôi dùng hết khả năng để tả thế nào cho người ta hiểu đó là con gà, chứ không vòng vo tam quốc để rồi người đọc không hiểu mình muốn tả con gà, hay con vịt, hay… con chim.”

HLC: Tổng cộng cho đến nay, ông xuất bản bao nhiêu tác phẩm? Hiện nay đang cộng tác với báo nào, viết về đề tài gì?

TS: Thưa, nhà xuất bản Đông Phương của anh Quốc Nam hai cuốn truyện ngắn: Đất Khách Trời Quê, Trôi Theo Vận Nước. Tôi tự xuất bản lấy 3 bộ: Xếp Al Capone (5 cuốn), PSAT (10 cuốn), và Ngài Chủ Tịch (30 cuốn và còn đang viết tiếp)

HLC: Xin chúc mừng ông. Tôi còn nhớ ô Trương Sĩ Lương báo Thế Giới Mới kể rằng: ban đầu Trường Sơn Lê Xuân Nhị phải mời đi ăn phở để bài được đăng, sau đó không hối lộ phở nữa và cuối cùng là báo phải chi tiền thì TSLXN mới đưa bài.

TS: (Cười), thưa chị, vấn đề của văn chương nó như thế này chị ạ. Mình có quyền viết, nhưng báo chí có quyền … không đăng. Lúc bắt đầu, muốn được đăng bài, tôi phải tốn tiền phở, tiền cà phê thuốc lá cho mấy tay chủ báo thời đó. Trong đó có ông chủ báo Trương Sĩ Lương là một. Chị hỏi dùm anh Lương xem thử đã ăn của nhà văn này bao nhiêu tô phở rồi? Nhưng sau khi truyện đăng được vài kỳ, khi mà mình bắt đầu được độc giả đón nhận nồng nhiệt thì lại khác. Bàn cờ đã trở ngược. Mấy tay chủ báo bây giờ phải o bế tôi, phải cà phê thuốc lá cho tôi, và cuối cùng thì phải trả tiền nhuận bút để đăng bài của tôi. Cuộc đời nhiều khi nó … chó má như thế đó chị ạ, nhưng đó là cuộc đời. C’est la vie. Như một nhà văn nào đó đã nói, Cuộc đời là một bi kịch cho những người sống bằng con tim, và một hài kịch cho những người sống bằng đầu óc.” Tôi sống bằng đầu óc chị ạ. Tôi rất thực tế và ngay thẳng.

HLC: Tạm khép vấn đề văn chương ở đây. Cuộc sống ông từ khi đến Mỹ năm 1975 có vẻ cũng rất suông sẻ. Nguyễn Công Trứ từng nói “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, Anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Với con đường không chông gai, ông có vẻ hài lòng với hiện tại của cá nhân mình thì phải? Ông có những suy tư nào cho Việt không?

TS: Mỗi người có một chiến trường riêng để chiến đấu, không ai giống ai cả. Riêng tôi, cũng có những thăng trầm nhưng tôi lướt qua được. Tôi hiện làm công chức cho chính phủ liên bang, ngành điện toán. 3 năm nữa sẽ về hưu. Dĩ nhiên là tôi luôn luôn suy tư về quê cha đất tổ của mình. Tôi không bao giờ về Việt Nam cho nên không biết quê mình bây giờ nó như thế nào, nhưng tôi có thể tưởng tượng được. Dân tộc mình bây giờ đau khổ và khốn
nạn lắm. Bọn CS đã biến dân cả nước thành những cái máy nói láo, lường gạt, anh em ruột thịt giết lẫn nhau, ham hưởng thụ hơn là ham làm việc, con người không còn nhân tính nữa. Sau này, khi hết CS rồi, chắc phải mất vài chục năm mới đào tạo lại được những người như thế hệ của tôi và của chị.

HLC: Một chút tò mò. Từ 1975, ông có tham gia tổ chức đấu tranh nào không? Ông có đóng góp phần mình cho công cuộc đấu tranh trong lãnh vực cầm bút, một khả năng trong tầm tay của ông?

TS: Thưa chị, từ nhiều năm nay, tôi là một cán bộ của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam do cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy sáng lập. Tôi theo giáo sư vì tấm lòng yêu nước và yêu dân tộc vô bờ bến, lập trường chống Cộng sắt son của giáo sư. Giáo sư cũng có một cái nhìn rất xa, rất chiến lược. Tiếc thay, người đã ra đi quá sớm, bỏ lại chúng tôi bơ vơ, để xảy ra nhiều chuyện đáng tiếc và đau lòng sau này.

Về đóng góp bằng ngòi bút, tôi đã dùng khả năng của mình để viết những truyện ngắn kêu gọi lòng yêu nước. Tôi cũng dùng khả năng điện toán của tôi để làm những website cho Văn Bút VNHN và cộng đồng Việt Nam tại New Orleans. (www.vnlouisiana.com-Trang này vài tháng nay chưa được update vì máy tôi bị trục trặc.) Tôi cũng liên lạc thường xuyên với các vị dân cử địa phương để tranh đấu cho Nhân Quyền, cho một Việt Nam tự do.

HLC: Hai câu hỏi, một cho hải ngoại và một cho quê hươngViệt trước khi tạm biệt. Ông nhận định thế nào về việc vài văn nghệ sĩ về Việt in sách thơ? Ông tiên đoán gì về thời cuộc hiện nay, chúng ta có quyền hy vọng một Việt không cộng sản vào khoảng năm nào? Những gì được căn cứ làm nền tảng cho điều tiên đoán của ông?

TS: Thưa chị, trước hết, những cuốn sách được in ở Việt Nam, do bất cứ ai, đều là những cuốn sách hoặc là thuần túy văn chương, y học, âm nhạc vân vân hay thiên Cộng. Đố cha nào dám đem một cuốn sách chống Cộng về in thử ở Việt Nam. Người ta về in sách ở Việt Nam có thể vì hai lý do. Thứ nhất là rẻ, thứ hai, họ tưởng là thị trường ở Việt Nam có thể lớn hơn ở hải ngoại. Nhưng họ lầm to. Rẻ thì có rẻ hơn nhưng về số độc giả thì làm sao bằng được như ở hải ngoại. Dân Việt Nam còn bao nhiêu người ham đọc sách?

Còn chuyện thời cuộc Việt Nam, nước mình đang dần dần bị Tàu xâm chiếm. Bọn CS ăn cướp đã xé đất nước mình ra thành từng mảnh để bán cho Tàu từ lâu rồi. Tôi bi quan lắm chị ạ. Nhưng tôi nghĩ, một ngày nào đó,Tàu sẽ bị sụm trước rồi sau đó sẽ tới Việt Nam. Lịch sử cho ta thấy, tất cả những chế độ độc tài trên thế giới này luôn luôn bị dân chúng nổi dậy tiêu diệt. Và bọn CS Tàu cũng biết chuyện này cho nên những năm gần đây, chúng nó
đang tổ chức thanh lọc, diệt trừ tham nhũng để hy vọng bám lấy chính quyền. Vấn đề là, bệnh tham nhũng của Tàu là bệnh nan y, không bao giờ chúng nó sẽ diệt được. Chuyện gì phải tới sẽ tới, tôi chỉ hy vọng mình còn sống đến ngày đó để nhìn chúng nó bị trừng phạt. Xin cám ơn chị rất nhiều đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này.

Hoàng Lan Chi thực hiện 4/2014

This entry was posted in Phỏng Vấn and tagged . Bookmark the permalink.