Vụn Vặt Mùa Hoa Phượng

Tháng Năm

Sau những ngày nóng, California trở lại dịu dàng. Nơi đây tôi thích nhất mùa xuân rồi đến hạ. Giờ này ngày dài đêm ngắn. Tám giờ tối vẫn sáng. Hai tuần nữa thì chín giờ tối vẫn sáng trưng. Thích không? Ngày xưa miền Nam mưa nắng hai mùa và phong cảnh thiếu cái não nùng của mùa Thu, cái u uất của mùa đông. Tôi may mắn là được ở Virginia khi đến Mỹ. Khí hậu mùa đông thì đáng sợ nhưng ít ra bốn mùa nơi này rõ nét hơn California nhiều. Nhìn thời tiết và phong cảnh thay đổi từng mùa, từng năm há không thích sao?

Bây giờ là tháng Năm. Phượng tím đang tím lịm bầu trời California. Dư âm của Tháng Tư mùa quốc hận còn đâu đây. Không bao giờ người quốc gia có thể quên được tháng Tư. Tháng Năm của ngày ấy là những ngày tháng u buồn, trĩu nặng. Người hải ngoại bơ vơ và ngày về mờ mịt. Người ở lại câm nín trong căm hờn. Ai mà ngờ được mấy chục năm sau lại là một cộng đồng người Việt với cờ vàng rợp trời tại Little Sài Gòn, là cờ vàng của một quốc gia không còn lãnh thổ nhưng tinh thần tranh đấu, ý chí quật cường vẫn tồn tại ngàn năm, đang tung bay trên gần như khắp các tiểu bang quan trọng của Hoa Kỳ. Cuộc đời có những bất ngờ khó đoán nhỉ. Vì thế tôi vẫn nuôi hy vọng. Hy vọng được trở về một Việt Nam không còn cộng sản trước khi về với cát bụi. Mối căm thù với cộng sản là mối thù kỳ lạ, không bao giờ nguôi trong hồn người quốc gia. Chuyện đơn giản thôi, mối thù cá nhân với ai đó chỉ trong phạm vi nhỏ. Mối thù với cộng sản là mối thù lớn. Cộng sản không chỉ phá huỷ con người mà phá huỷ cả những tương quan giữa con người ấy với xã hội nơi họ từng sống, với mảnh đất nơi họ chôn nhau cắt rún, với dòng lịch sử của dân tộc mà họ là một thành phần. Cộng sản đã phá hỏng cả mấy thế hệ và người có tâm huyết, có tấm lòng sẽ không thể làm ngơ khi nhìn về tương lai,khi tưởng tượng những con người “made in cộng sản” sẽ điều hành đất nước ra sao, sẽ đào tạo những thế hệ tiếp nối như thế nào. Ai mà không đau lòng khi nhìn về quá khứ, dòng lịch sử trải dài với bao tiền nhân oai hùng, bao người dân tranh đấu cho sự toàn vẹn của lãnh thổ, cho sự độc lập của quê hương, thế mà nay cộng sản đã phủi tất cả. Ai mà không xót xa khi Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia số một ở Đông Nam Á, bỏ xa Thái Lan, Hàn, thế mà nay thua cả Singapoor.

Tháng Năm của quê nhà ngày xưa là những ngày hè nóng dẫy. Là những buổi gạo bài cho mảnh bằng vào đời. Tháng Năm bây giờ là hoài niệm. Mầu phượng tím có đẹp thật nhưng không so sánh được với phượng đỏ quê mình.

Tôi có nhiều bạn khắp nơi và trong chừng mực nào đó thì tôi tôn trọng “mỗi thế giới thu nhỏ”. Nói một cách khác, tôi giao thiệp thân thiết với các “chiến hữu” của tôi, mức độ trung bình với “thân hữu”. Nhưng thân hữu mà đụng chạm quá đáng đến “suy nghĩ” của tôi, tôi không ngần ngại cắt đứt hay không cắt mà không nói tới.

Tháng Sáu

Những tưởng dư âm của tháng Quốc Hận chỉ vướng tháng Năm, không ngờ tháng Sáu vẫn còn. Tôi nhận được bài “Thầy giáo và lá cờ vàng”. Tôi khóc. Vì cùng tâm trạng. Mười năm trước, lần đầu được nhìn lại lá cờ yêu dấu, được hát lại quốc ca, tôi thổn thức. Một cảm giác òa vỡ sung sướng trong nước mắt chan hòa. Rồi tôi chuyển tiếp bài ấy. Nhiều “feedback”. Ai cũng cảm động. Nguyễn Duy An-Thầy giáo cũ và lá cờ vàng.

Bạn tôi, ô BXC viết: “Tuyệt vời ! tuyệt vời, bà Chi à. Tôi muốn nói bài viết, hình ảnh, ý nghĩa trong bài này đều tuyệt vời ! Lá cờ vàng tươi bay phất phới trong gió, bài viết chân thành chứa đựng bao ý tình cao đẹp : tình yêu đất nước qua lá quốc kỳ, tình thầy trò, tinh người xa xứ và tình chiến hữu. Mà chỉ có it dòng ngắn ngủi ! Thì ra khi đã có sự xúc cảm và rung động trong hồn một cách thành thực, người ta có thể dễ dàng truyền sự xúc động ấy cho người đọc. Năm 1987, sau bao nhiêu ngày lặn lội, chui rúc trong rừng Campuchia, một đêm kia, tôi cùng nhóm người vượt biên tới được một đồn cảnh sát biên giới Thái, tên là Klongyai. Những ngày kế tiếp, chúng tôi sống ngoài trời, vì không có nhà, trại gì cả. Tôi chiếm được một mô đất nhỏ dưới một gốc dừa, trong cái đồn Cảnh sát Thái đó. Lúc ấy vào cuối năm. Vài ngày sau, là Lễ Giáng sinh. Đêm Noel, trời lạnh, dưới trời đen đầy sao, chúng tôi, nhóm vượt biên, tụ tập dưới gốc dừa. Chúng tôi mừng Christmas bằng ca hát, và bài hát đầu tiên là bài Quốc Ca : Này công dân ơi ! Hát xong , nhìn lại nhau, mặt ai cũng đầm đìa nước mắt ! Là lính tráng, tôi đã nhiều lần chào quốc kỳ và điều khiển lính tráng chào cờ mỗi thứ hai trên sân cờ đơn vị; song chưa từng có ai rơi nước mắt xúc động bao giờ. Xa nhà, mất nước, tan đàn xẻ nghé, bị giặc thù hãm hại, chết đi sống lại…mới thấm vào xương tủy lý do vì sao cái mảnh vải có máu sắc kia, vốn chỉ là vật vô hồn, bỗng trở thành linh thiêng kỳ lạ, và trở thành niềm hy vọng, nỗi khát khao cho mình níu lấy ! Trải nghiệm trong tâm hồn khó truyền lại cho ai. It khi chúng ta học được sự rung động từ cảm xúc của người khác. Cứ phải tự mình kinh qua, để cảm nhận. Bài viết về ông Thầy và Lá cờ làm tôi xúc động. Cảm ơn bà. BXC”.

Đọc giòng chữ của ông Đoàn Hữu Định, Chủ Tịch Tổ Chức Cộng Đồng VA-DC-MD, tôi mang một niềm xúc động khác: “Có lẽ già sanh tật nên tôi cũng rươm rướm nước mắt”. Cảm xúc ấy là: hóa ra không phải chỉ người bị ở lại lâu mới có niềm rung cảm ấy. Câu nói thật đặc trưng của người miền Nam. Cái xúc động của người đàn ông, cái giọt nước mắt của người cựu quân nhân đã được che dấu dưới giòng chữ “sanh tật” thật là cảm động.

Tháng Năm rồi tháng Sáu, tôi vừa chìm trong sự mệt nhọc của thể xác, vừa vui nho nhỏ với “mấy con ranh Gia Long”.

Một anh bạn Nguyễn Trãi mới quen thắc mắc như vầy “Chị Lan Chi, tôi thấy dường như chị hơn mấy cô kia có vài tuổi mà chị làm như chị lớn lắm vậy. Chị gọi người ta là con ranh!”. Tôi bật cười. Quả có đúng thế. Tôi cứ ngỡ tôi “già” lắm so với các "em tôi". Sau nữa, tiểu muội tôi, các em cũng thích vậy. Ai đời “chúng nó” viết mail “Chị ơi, em học chung lớp với con ranh XT đây”. Hay gọi phone “Con ranh T đây”. Đã nói “con ranh” là “nói yêu” mà.

Một “con ranh” mới tặng bà chị quà. Điều tôi thích nhất không phải cái giỏ xách rất đẹp mà là cái giòng chữ “con ranh” viết “Món quà nhỏ của TH gửi tỷ Hoàng Lan Chi để tỏ lòng ngưỡng mộ chị Hai!”

Chị Hai cũng là một danh xưng làm tôi thú vị. Không chỉ tiểu muội gọi Chị Hai mà người ngoài cũng vậy. Ngô Tịnh Yên, nhà thơ nữ mà tôi “ái mộ” vì có những bài thơ hay cũng “kính cẩn” gọi “chị Hai”. Trong cách gọi “chị Hai” có gì đó thân mật, gần gũi như khi tôi gọi “con ranh” vậy. Rồi một cựu chủ tịch cộng đồng cũng thích viết cho tôi “ Chị Hai!”.

Mấy con ranh GL” vừa đưa “chị Hai” đi biển Corona. Tôi thích du ngoạn gần và “nerver” thích dự mấy đại hội. Đó là lý do, dù mấy cậu mấy mợ quen biết năn nỉ mua vé đại hội của các hội ái hữu hay cựu quân nhân nhưng chả bao giờ tôi ừ cả.

Corona Delmar Beach, núi đá mà như đất vì phủ cát sa mạc.

Cũng đầu tháng Sáu, một niềm vui từ nơi băng giá Montreal- Canada: tôi nhận bài viết “Cờ vàng và cờ đỏ” của Hội Trưởng Gia Long Cấn Thị Bích Ngọc. Tiểu muội của tôi là một bác sĩ. Thường thì “mấy tay” bác sĩ thích kiếm tiền, sau khi có tiền thì thích sáng tác văn thơ nhạc họa. Số người của ngành Y chú tâm đến thời sự rất hiếm. Em tôi, cựu dân Gia Long, đương kim bác sĩ mà em nặng lòng với quê hương đất nước, đó là viên ngọc quý.

Cấn Thị Bích Ngọc-Câu chuyện Cờ vàng cờ đỏ

Vũ Linh viết thời sự với tôi là hay. Bài viết mới nhất của Vũ Linh bàn về việc Obama mới “trao đổi tù binh” làm tôi nhớ chuyện cũ: cách đây mấy năm tôi tranh luận với "teacher" Anh văn trong mùa bầu cử TT Mỹ. Tôi ghét Obama và ông thầy thì thích. Tôi hứa hẹn sau vài năm, tiếng Anh giỏi hơn sẽ tiếp tục tranh luận vì ông ta chỉ biết được khoảng mười chữ tiếng Việt! Chắc tôi phải nhờ người tóm tắt bài Vũ Linh (viết hơi dài. Khổ quá, tôi thích xã luận thời sự chỉ nên hai đến ba trang thôi) và gửi cho ông thầy cũ đọc, coi ổng phản bác ra sao. (Cũng còn sân si quá nhỉ!Ơ hay, với thời sự thì vẫn sân si chứ!)

Vũ Linh-Câu Chuyện Trao Đổi Tù ( Obama đã thả tù nguy hiểm-tựa d o Hoàng Ngọc An thêm vào)

Lại thương quê hương mình. Nơi này, tôi tha hồ chỉ trích tổng thống, nơi kia sợ từ công an xã sợ trở đi.

Bao giờ cho đến bao giờ!

Hoàng Lan Chi

6/2014

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.