Hội Quốc Tế Y Sĩ trao giải thưởng văn học Melbourne 2014

LGT: Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do vừa công bố giải thưởng Văn Học 2014. Xin mời xem phần trò chuyện của Hoàng Lan Chi với các vị liên quan. Đặc biệt Chủ Tịch Hội, Bs Cấn Thị Bích Ngọc, cũng là ‘tiểu muội” Gia Long của Hoàng Lan Chi.

Bs Cấn Thị Bích Ngọc- Chủ tịch Ban Chấp Hành Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do-Hội Trưởng Hội Ái Hữu CNS Gia Long -Montreal Canada

HLC: Xin chào Bác Sĩ Bích Ngọc. Chúng tôi có nhận bản tin của Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do về giải thưởng Văn Học. Xin được phép: Giải thưởng này có từ bao giờ, do ai đề nghị, mục đích và giá trị hiện kim?

BS: Thưa chị Hoàng Lan Chi, nhằm mục đích phát huy nền văn học hải ngoại, ý kiến tổ chức một giải văn học có tầm mức quốc tế đã được BS Phạm Hữu Trác khởi xướng và nhanh chóng được sự tán trợ của hai vị cựu chủ tịch, bác sĩ Trần Nguơn Phiêu và bác sĩ Nguyễn Đức Liên, do đó hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do (HQTYSVNTD) trong kỳ họp đại hội mùa hè năm 2000 tại Paris, đã chấp thuận cho thực hiện một cuộc tuyển lựa các văn phẩm có giá trị, đặt tên là Giải Văn Học của HQTYSVNT

Giải lần đầu tiên tiến hành trong nhiệm kỳ 2000-2002, lễ phát giải được tổ chức nhân dịp Đại Hội Quốc Tế Y Nha Dược Sĩ VNTự Do được tổ chức tại Nam Cali, Hoa Kỳ. Lễ phát Giải Văn Học kỳ hai được tổ chức tại Sydney, Úc và Giải Văn Học lần thứ ba được tổ chức tại SanJose, Hoa Kỳ vào năm 2008. Và Lễ phát Giải Văn Học kỳ bốn sẽ được tiến hành nhân kỳ Đại Hội Y Nha Dược Quốc Tế Việt Nam Tự Do tại Melbourne, Úc ngày 9 tháng 8 năm 2014 sắp đến.

Thông thường Giải Văn Học của Hội chúng tôi bao gồm hai thể loại: biên khảo và sáng tác với đề tài tự do. Nhưng Giải Văn Học kỳ bốn này chỉ gồm thể loại biên khảo với một đề tài duy nhất, đó là Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn sau 39 năm Lưu Vong: Chân Dung, Thành Quả và Tương Lai. Sau gần bốn thập niên lưu vong, chúng tôi mong mỏi có được những tác phẩm biên khảo giá trị về cộng đồng người Việt trên toàn thế giới tự do. Vì đây sẽ là những tài liệu lịch sử quý giá về chúng ta.

Chúng tôi đưa ra ba giải: Giải Nhất: 5000 US, Giải Nhì: 3000US, Giải Ba:1000US.

Tác phẩm Giá Tự Do của tác giả Lâm Vĩnh Bình đoạt điểm cao nhất trong số các tác phẩm dự thi, và đã được bình chọn Giải Melbourne, tức giải cao nhất. Nhà văn Chu Tất Tiến với tác phẩm Người Việt trên đất Mỹ và tác giả Vĩnh Liêm với Bức Chân Dung Cộng đồng Người Việt tại Hoa Kỳ đã cùng đoạt giải ba.

HLC: Xin một chút về Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do? Thành lập từ bao giờ, có bao nhiêu hội viên, trụ sở chính tại đâu, tôn chỉ, mục đích, nhiệm kỳ.?

BS: Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam được khai sinh tại Montréal năm 1987. Sau một thời gian vận động, chính thức thành lập tại Paris 1991.

Hội gồm có các hội thành viên tại Mỹ, Canada, Pháp , Úc và các nước ở Âu Châu,

Các Hội Y Sĩ quốc gia đề cử đaị biểu để thành lập cơ quan điều hành hội, mỗi nhiệm kỳ hiện tại kéo dài ba năm. Ban điều hành gồm hai thành phần Hội Đồng Đại Diện và Ban Chấp Hành. BN là chủ tịch BCH, BS Trần Đình Thủy ở Dallas giữ trách vụ Chủ Tịch Hội Đồng Đai Diện. Ngoài ra còn các vị cố vấn: BS Phạm Hữu Trác (Canada), Trần Văn Tích (Đức) cũng như các uỷ ban đặc nhiệm (Y Tế và Huấn Luyện, Xã Hội Nhân Quyền, Y Tế Cộng Đồng).

Tôn chỉ của Hội bao gồm ba mục tiêu: 1) Thăng Tiến Nghề Nghiệp, 2)Phục Vụ Cộng Đồng tại các quốc gia sở tại 3) Tích cực yễm trợ các phong trào đấu tranh cho Dân Chủ, Nhân Quyền tại Việt Nam. Hội QTYSVNTD rất hãnh diện có được sự hợp tác của BS Nguyễn Thể Bình tại Washington DC, một nhà tranh đấu Nhân Quyền rất tích cực và sinh viên Y KHoa Nguyễn Khuê Tú, Vancouver hiện giữ chức vụ Ủy viên Nhân Quyền của Liên Hội Người Việt tại Canada.

Hiện tại trụ sở của HộiQTYSVNTD được đặt tại Montreal, Canada, địa chỉ liên lạc điện thư: hqtysvntd

HLC: Là người điều hợp nhưng bác sĩ có tham gia công việc giám khảo không? Nếu có, xin cho một nhận định tổng quát về các bài dự thi?

BS: Thưa chị Lan Chi, Bích Ngọc không có đủ khả năng để bình chọn. Nhưng Bích Ngọc có may mắn là người nhận được tất cả các tác phẩm dự thi và người được tiếp nhận trực tiếp ý kiến tuyển lựa của mỗi vị giám khảo, vì các giám khảo có thể trao đổi về các thang điểm, nhưng trong việc bình điểm thì các vị hoàn toàn độc lập để không bị và không gây ảnh hưởng đến việc tuyển lựa của các giám khảo khác.

Bn nhận thấy đề tài GVH lần này rất phù hợp cho thời điểm lưu vong của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn. Nhưng rất tiếc, rất nhiều tác phẩm gửi đến đã bị lạc đề. Có nhiều tác giả gửi tác phẩm sáng tác,như vậy là ngay từ đầu đã không được giữ lại. Đó cũng là số phận của nhiều tác phẩm biên khảo, nhưng không đúng chủ đề. Chỉ có những tác phẩm biên khảo về Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn mới được Hội Đồng Tuyển Lựa giữ lại. Do đó nhiều tác phẩm sáng tác hoặc biên khảo có giá trị vẫn không được tuyển chọn. Điều này thật đáng tiếc cho tác giả. BTC đã có ý định vinh danh một số tác phẩm hoặc thành lập Giải Khuyến Khích; nhưng sau cùng vì nhiều lý do, chúng tôi chỉ trao Giải Khuyến Khích trị giá 500 US cho tác giả Nguyễn Vũ Bình ở Việt Nam. Tuy ở Việt Nam nhưng ông là người đầu tiên gửi ba tác phẩm dự thi.

Nhân dịp này chúng tôi muốn giới thiệu đến đồng hương hải ngoại một bộ sách dạy Việt Ngữ giá trị được thực hiện bởi hai tác gỉa Nguyễn Yến và Nguyễn Thu Hà ở Edmonton, Canada (0.thuha và yennguyen123)

Đây là một bộ sách gồm 4 quyển cho 4 cấp lớp từ 1 đến 4, đặc biệt các cháu sẽ được biết đến lịch sử VN với gương anh hùng Nguyễn Thái Học, lịch sử đất Huế, văn hoá Việt Nam.

Nhân dịp này, chúng tôi xin cám ơn tất cả các tác giả đã gửi tác phẩm dự thi. Tuy chỉ có 3 tác phẩm được đoạt giải, nhưng chúng tôi rất tự hào và vững tin về một nền văn học hải ngoại phong phú đa dạng và nhân bản qua các tác phẩm đã nhận được.

Xin cám ơn chị Lan Chi đã cho chúng tôi cơ hội trình bày về Giải Văn Học và Hội QTYSVNTD.

BS Nguyễn Lê Hiếu, Ban Tuyển Lựa

HLC: Xin chào BS Nguyễn Lê Hiếu. Được biết BS là một giám khảo. Xin chia sẻ về công việc giám khảo? Vd đọc bài thế nào, chấm bài theo những tiêu chuẩn nào?

NLH: Tôi chỉ là một thành-viên ban tuyển-lựa, không dám nhận là giám-khảo. Các thành-viên có bàn qua về tiêu-chuẩn chọn-lựa nhưng rút cuộc thì mỗi người đề-nghị bảng định giá riêng-rẽ.

Phần tôi, xin ghi-nhận là giải Văn-học năm nay đặc-biệt vì chủ-đề rõ-ràng và hạn-chế trong khuôn-khổ khảo-cứu để tìm giải-đáp cho ba câu hỏi về Cộng-đồng người Việt: chân-dung, thành-quả và tương-lai. Đó là lý-do tại sao, mặc dù chúng tôi rất cảm-phục công-lao và thiện-chí cuả nhiều tác-giả, một số tác-phẩm giá-trị gửi về không xử-dụng được cho giải Văn-học 2014.

Đọc xong tác-phẩm gửi về cho ủy-ban tuyển-lựa, người đọc phải thấy bài giải cho ba câu hỏi đó. Cá-nhân tôi dùng bực thang 20 điểm tối-đa: 5 điểm cho mỗi phần của ba giải-đáp; 5 điểm cuối dành cho số lượng và cách thẩm-định tài-liệu, cách phân-tích và sắp-xếp tổng-quát các dữ-kiện; đặc-biệt phần bàn về tương-lai, ngoài việc phân-tích dữ-kiện, nên đánh giá khả-năng dự-phóng về tương-lai và quan-niệm về vai trò của Cộng-đồng, sự dung-hòa giữa hai lãnh-vực xã-hội và chính-trị, cũng như giữa địa-phương sinh-sống và quê-hương xa-vời.

HLC: Xin chia sẻ về tác phẩm giải nhất? BS “tâm đắc” những điểm nào nhất của tác phẩm? Có điểm gì trong tác phẩm chưa hoàn chỉnh không?

NLH: Ủy-ban không gọi là giải-nhất mà là giải Melbourne, theo truyền-thống lấy tên nơi họp Hội Y-sỹ Quốc-tế năm phát giải. Các thành-viên trong ủy-ban tuyên-lựa tặng điểm khá cao cho Tác-phẩm Giá Tự-do của ông Lâm-Vĩnh-Bình.

Về phương-pháp, tác-giả sử-dụng nhiều tài-liệu, thống-kê. Về phần chân-dung, ông phân-tách theo nhiều góc-cạnh: tính-cách lúc ra đi, di-tản hay vượt biên vượt biển; phương-tiện ra đi, máy bay bốc hay theo thuyền hải-quân/tư-nhân; vượt biên (“bộ-nhân”) hay thuyền-theo các đợt, theo thời-gian và theo các loại chương-trình khác nhau, HO, HR, Con lai v.v. cùng là dấu-tích cuộc ra đi gian-khổ; rồi phân-tích theo không-gian, các trại tỵ-nạn, các nước đón nhận cho định-cư; theo từng nước; mỗi nước lại chia theo địa-phương và có phần đúc-kết tổng-quát. Riêng ở Hoa-kỳ và Canada, có nhiều chi-tiết, nhiều dữ-kiện, kể cả dẫn-chứng một số nhân-vật thành-công lớn, tiêu-biểu trong nhiều ngành, cùng là các khó-khăn và một số điểm yếu-kém như là về ngôn-ngữ, học-vấn, tài-chính kinh-tế, chuyện xung-khắc thế-hệ hay vấn-đề bị kỳ-thị hay chính mình kỳ-thị.

Phần thành-quả đại-cương đã trình-bày theo quốc-gia chú-ý đặc-biệt về các vận-động chống Cộng và về sinh-hoạt văn-học, tác-giả cũng phân-tích dưới nhiều góc-cạnh: chia theo giai-đoạn, xét theo thể-loại, xếp theo địa-phương. Nếu về mặt phương-pháp cho hai phần trên gồm thu-thập nhiều tài-liệu rối phân-tích đúc-kết thì tác-giả đã thành-công lớn. Hai phần này là kho tài-liệu phong-phú cho ai muốn nghiên-cứu thêm.

Phần hướng về tương-lai, tác giả nói về việc thiếu các thế-hệ nối-tiếp và tình-trạng chia-rẽ (tr.275), dự-đoán sự suy-thoái văn-học (tr. 255-7), tương-lai ít sáng-sủa về sách Việt, tiếng Việt, văn-hóa Việt (tr.280, 283).Ông quy cho thái-độ “nhập-nhằng” của phụ-huynh và vị-thế yếu-kém tự-nhiên của tiếng Việt trước một ngôn-ngữ mạnh (tr. 285; ở đây có lẽ là tiếng địa-phương, tiếng chính-thức của nhóm đa-số?). Tác-giả rụt-rè gợi ý giao-lưu chất xám và giao-lưu văn-hóa (tr.276-80). Rồi ông điểm câu nói theo Uwe Siemon-Netto, chế-độ CS sẽ chấm dứt, nước Việt-Nam sẽ được xây-dựng từ đầu . Ông không để ý đến vế trên của Uwe Siemo-Netto: có thể phải mất nhiếu thế-hệ. Thế thì cộng-đồng người Việt ngồi chờ vài thế-hệ nữa hay sao? (trong khi chính sinh-hoat văn-học (và văn-hoá) đang suy-thoái? Phần ba này có thể khai-triển thêm cho tương-xứng với hai phần đầu.

Phần điểm còn lại dành cho phần dẫn-giải và thư-mục rất đầy-đủ, hình ảnh nhiều, các bảng thống-kê chi-tiết. Có những lỗi đánh máy nhỏ hay bảng cần sửa chữa thì tác-giả đã làm rồi.

Tóm lại, cũng như các thành-viên khác, tôi thấy công-trình nghiên-cứu này rất công-phu, có giá-trị cao, là tài-liệu khả-tín để dùng khi nghiên-cứu về công-cuộc tỵ-nạn của dân Việt sau khi nước bị CS đánh chiếm.

Xin nói thêm là biên-khảo không cần thiết phải hoàn-toàn dựa trên con-số và thống-kê mà có thể ngả sang khoa-học nhân-văn nhắm nhận-xét rồi mô-tả các mẫu người Việt tỵ-nạn và phương-cách người-này-người-nọ hội-nhập hay hòa-nhập ra sao. Hai tác-phẩm khác cũng được giải-thưởng năm nay dựa vào những nhận-xét về nhiều mẫu người hay nhiều cảnh-huống, những mẫu người đa-diện, trong những ngành sinh-hoạt khác nhau (y-giới, luật-sư, tư-nhân, v.v.). Cuốn Người Việt trên đất Mỹ của Chu-Tất-Tiến là phóng-sự tràng-giang chứa một chuỗi những bức tranh sống-động; những bức-tranh minh-họa bằng lời phụ thêm vào việc mô-tả chân-dung (Các bà xếp Việt hay Người Việt “năm-bờ-oăn”. Những chân-dung linh-động này có được là do tài nhận-xét tinh-tế và dòng văn linh-động của tác-giả.

Tương-tự, Bức Chân dung Cộng đồng Người Việt tị nạn ở Hoa kỳ của Vĩnh-Liêm đăc-biệt liệt-kê các nhân-vật xuất-sắc, hội-nhập và thành-công, chứa nhiều chi-tiết tốt, lướt qua những phần có thể kém tốt hơn. Phần thành-quả kể rất đông nhân-vật đã thành-công trong xã-hội mới (hội-nhập và thành-công) Phần này, mang hình-thức kể-lể (narrative) những trường-hợp xuất-sắc, không nhắm vào tập-thể, nên không có thống-kê, không có tính-cách tiêu-biểu cho cộng-đồng. Mỗi nhân-vật đều có nhiều chi-tiết tốt nhưng không thấy nói nhiều về những thiếu-sót hay phạm lỗi trong cộng-đồng. Tổng-hợp lại cũng vẽ cho chúng ta một chân-dung cộng-đồng sống-động nhưng tương-lai chưa khả-quan lắm.

Ông Lâm Vĩnh Bình-Canada-Giải Melbourne- “Giá Tự Do”

HLC: Xin chào tác giả Lâm Vĩnh Bình. Xin hỏi, Ông đã từng viết từ lúc nào, đã từng tham dự các cuộc thi văn học bao lần?

LVB: Xin chào cô Hoàng Lan Chi và cám ơn cô đã cho tôi có dịp giải bày đôi điều.

Tôi viết biên khảo từ năm 1980, lúc ấy trong lãnh vực chuyên môn của tôi (Thư Viện học). Những bài viết bằng Pháp văn về đa văn hóa, thư viện sắc tộc, hội nhập của người di dân, được đăng trong các tạp chí chuyên môn. Tuy tôi không dự thi, tác phẩm đầu tay là L’immigration et les communautés culturelles du Québec 1968-1990 đã được nhà xuất bản «Documentor» ở La Pocatière (Québec) trao giải thưởng bằng cách ấn hành miễn phí tác phẩm nầy và quyển tài liệu được phổ biến rộng rãi, sử dụng trong các trường trung và đại học như tài liệu tham khảo.

Sau khi tôi hưu trí năm 2007, tôi viết biên khảo bằng tiếng Việt về các vấn đề văn hóa, xã hôi, chính trị, đặc biệt các vấn đề về Việt Nam. Cho đến nay, tôi có khoảng 50 bài biên khảo dài đăng trong các tạp chí và trang mạng ở Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Úc.. Biên khảo «Con cháu các cụ» được giải ba của Tạp Chí Đối Lực – Kinh tế Thị Trường (Toronto) năm 2013.

HLC: Do đâu ông biết cuộc thi này của Hội Quốc Tế Y Sĩ? Vì sao ông quyết định tham gia?

LVB: Tôi được biết cuộc thi nầy qua thông cáo của Hội Quốc Tế Y sĩ Việt Nam Tự do phổ biến trên internet. Lý do chính yếu để tôi viết và tham gia cuộc thi vì trong 30 năm làm quản trị thư viện, tôi thường được độc giả yêu cầu giới thiệu một quyển sách chuyên khảo về các cộng đồng người Việt tại Canada và trên thế giới mà cho đến nay vẫn còn vắng bóng trong các bộ sách nghiên cứu về sắc tộc (Ethnic Studies). Đã gần 40 năm rồi, nhiều người ra đi năm 1975 nay đã lần lượt vĩnh viễn ra đi, thế hệ con cháu của ngưởi tị nạn cần có một văn bản ghi lại dấu vết của quá khứ để cho chúng biết lý do của cuộc ra đi, hành trình gian khổ của ông cha trên đường vượt biển vượt biên cũng như những ngày tháng họ phải khiêng vác trong các hãng xưởng hay phải đi học lại buổi tối sau một ngày làm việc cật lực cốt để bằng mọi giá đưa con cháu trở lại trường học để có một ngày mai tươi sáng trên trường đời. Giá Tự Do viết về cuộc di cư và lập cư của người Việt tị nạn trên thế giới.

HLC: Ông viết tác phẩm Giá Tự Do trong bao lâu? Chất liệu lấy từ đâu?

LVB: Tôi viết trong tâm tưởng tôi từ khi đặt chân xuống phi trường Dorval ở Montréal vào mùa Xuân năm 1975, lúc ấy tuy trời có nắng nhưng vợ con tôi vẫn lạnh run vì áo quần không đủ ấm. Tôi bắt đầu viết trên những trang giấy rời rạc kể từ khi tôi vào ngành thư viện và tôi viết thành sách từ Giáng Sinh 2013. Tôi đã đọc hàng ngàn trang sách báo trong các thư viện do tôi quản trị, các trang mạng, các tài liệu cung cấp bởi các đồng nghiệp, thân hữu khắp nơi và tài liệu sống qua các lời kể của độc giả vì nhu cầu của công việc và tri thức của tôi. Đó là chất liệu để tôi viết quyển sách nầy.

HLC: Cảm tưởng của ông khi được tin trúng giải nhất? Gia đình, bạn hữu của ông đã có những chia sẻ gì?

LVB: Tôi vui sướng khi được Hội Đồng Giám Khảo và Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự do trao giải, không những vì giải thưởng mà vì niềm vui được cống hiến cho đồng bào tị nạn của tôi một tài liệu biên khảo cập nhật hóa, được viết theo những nguyên tắc căn bản của ngành biên khảo. Dĩ nhiên gia đình và bạn hữu tôi chia sẻ với tôi niềm vui nầy, nhiều độc giả học giả tán thưởng thí dụ như ông Stephen B.Young, người đã vận động cho chính phủ Mỹ chấp nhận cuộc di tản người Việt đến Mỹ hồi tháng 4 năm 1975.

Tác Giả Chu Tất Tiến- giải ba

Tôi say mê viết từ năm 1968, sau khi tốt nghiệp trường Võ Bị Mỹ (Officer Candidate School) về với cấp bậc Thiếu Úy, và được chỉ định làm Sĩ Quan Cán Bộ Trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau đó, tôi theo học Chiến Tranh Chính Trị tại trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, và được điều về làm Trưởng Ban CTCT, kiêm Trưởng ban An Ninh, kiêm Quản Lý Hội Quán Sinh Viên của trường. Năm 1973, biệt phái về Trường Quốc Gia Hành Chánh. Đi tù gần 6 năm. Sang Mỹ năm 1990. Đi học lại và trở thành Giáo sư Trung Học, nhưng rồi lại bỏ vì sự kỳ thị. Làm California State Examiner môt thời gian, học tiếp Psychology để làm Counselor cho người tâm thần. Chức vụ cuối cùng trước khi về hưu: Phó Giám Đốc Cơ Quan Westview Services.

Tác phẩm dự thi: Cuốn “Người Việt trên đất Mỹ” là môt điều mơ ước từ lâu, ngay từ khi mới sang Mỹ. Nhận thấy sự va chạm giữa hai nền văn hóa (Cultural Shock) đã tác động mạnh đến người Việt di tản, làm cho con người Việt Nam thay đổi tư cách rất nhiều, nên đã nẩy sinh ra môt nhu cầu phải viết tất cả những “hỉ, nộ, ái, ố” của cộng đồng Việt Nam, mong góp ý về cách sống trong xã hội Mỹ, làm sao cho sống được hạnh phúc trên xứ người mà vẫn bảo vệ được văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong khi đa số đã nỗ lực tiến lên cho kịp (và hơn) người bản xứ, thì cũng có một thiểu số, phó mặc tương lai mình trôi theo dòng đời, chấp nhận sống qua ngày. Chỉ có một số nhỏ những người vì không có đủ cá tính mạnh mẽ, bị vẻ hào nhoáng của xã hội cám dỗ, nên đã làm giầu bất chính, mang tiếng xấu cho cộng đồng. Ngoài ra, trong sinh hoạt xã hội, nhiều người Việt vì quá hiền hòa, nên đã không biết cách ứng xử với người chung quanh, cũng như không hiểu phương cách giáo dục con cái. Do đó, họ đã bị thiệt thòi rất nhiều trong việc cùng nhau tiến lên, và để lại thế hệ sau nhiều điều buồn hơn vui. Khi viết cuốn sách này, tác giả mong đồng hương nhìn về những tấm gương sáng vượt trội của người Việt trên đất Mỹ để bỏ những sinh hoạt xấu, mà đoàn kết, bắt tay nhau để cùng tiến bộ. Từ đó, mới mong có ngày làm được điều chi cho đất nước Việt Nam yêu quý đang bị tàn phá bởi bọn Cộng Sản mãi quốc cầu vinh, rước voi về dầy mả tổ, hèn với giặc – ác với dân.

Tâm nguyện sau cùng là được nhìn thấy quê hương sạch bóng quân Cộng Sản, người dân được thực sự hưởng Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền và để cho tên tuổi Viêt Nam lại vang lừng thế giới.

Tác Giả Vĩnh Liêm-giải ba

Vĩnh Liêm viết văn và làm thơ từ năm 1964 trên Tiểu Thuyết Thứ Năm; đồng thời cộng tác với một số nhật báo, tuần báo, và tạp chí tại Sài Gòn trước năm 1975. Tại hải ngoại, từ năm 1980 đến nay, Vĩnh Liêm đã xuất bản 9 văn thi phẩm bằng cả hai thứ tiếng Việt và tiếng Anh. Trong lãnh vực báo chí, Vĩnh Liêm đã giữ các chức vụ, như: Tổng Thư Ký tạp chí Hành Trình và Hành Động, Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút nguyệt báo Việt Nam Thời Báo / The Vietnam Times tại Washington, D.C., và Chủ Bút đặc san Sao Trắng tại Miami, FL. Vĩnh Liêm nguyên là hội viên Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội từ năm 1966; có thơ đăng trong tuyển tập thơ Đầu Gió do Cục Tâm Lý Chiến xuất bản năm 1972.

Tác phẩm dự thi:

Sau khi nhận được tin, qua Internet ngày 27-03-2014, Hội Quốc Tế Y Sĩ Việt Nam Tự Do tổ chức giải thưởng Văn Học năm 2014, Vĩnh Liêm liền phác thảo tựa đề và nội dung cuốn sách “Bức Chân Dung Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn ở Hoa Kỳ, 1975-2014”. Cuốn sách được viết ròng rã trong vòng 42 ngày (kể cả việc sưu tầm tài liệu trên Internet, lục lại một số tài liệu qua Email còn giữ trong folders, chuyển dịch tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt, đánh máy và lay out cuốn sách).

Nguồn cảm hứng để viết cuốn sách vì tác giả là Thuyền Nhân, đã từng ở trong 2 trại tị nạn (Vayama Camp, Thailand và Ft. Indiantown Gap, Pennsylvania), đã có thời gian hoạt động cộng đồng và rất yêu mến cộng đồng (Sáng lập viên kiêm Tổng Thư Ký Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại St. Louis, Missouri, từ 1976-1979; Phó Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại, từ 1980-1986; Ủy viên Ban Thường Vụ Cộng Đồng Người Việt MD-DC-VA, từ 1993-1995).

Có sống trong hoàn cảnh tị nạn mới biết được nỗi lòng của người trong cuộc (nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ vợ con, nhớ bạn hữu, nhớ đồng đội…). Viết cuốn “Bức Chân Dung…” để ghi lại những hình ảnh đẹp lẫn xấu của người Việt tị nạn (bi thương, can đảm, thất bại, thành công…).

Hoàng Lan Chi thực hiện 2014

This entry was posted in Phỏng Vấn. Bookmark the permalink.