Bệnh háo danh-Y phục xứng kỳ đức

Bịnh Háo Danh

Háo danh, ai cũng có.Nhưng háo danh quá đáng thì là một cái bịnh. Ngẫm nghĩ thật tội nghiệp cho những người “háo danh” quá đáng. Vì “háo danh” mà phải hao tâm tổn trí để có được danh hay bảo vệ danh.

Một ví dụ cụ thể: Một trong những cái háo danh quá đáng khá phổ biến cho vài cậu mợ là tự xưng mình là cựu học sinh các trường trung học nổi tiếng như Chu Văn An, Petrus Ký, Trưng Vương, Gia Long. Không hiểu khi giả mạo như vậy thì họ được lợi gì? Có thể lợi là chứng tỏ ta đây học giỏi chăng? Tôi không biết. Ví dụ cụ thể hơn: tại California có một mợ tự xưng dân Gia Long và một cậu tự xưng dân Chu Văn An. Tuy thế, khi mọi người hỏi thì hai cậu mợ này giống nhau ở chỗ nói quanh co, không trả lời rõ ràng và càng gây nghi ngờ cho người khác

Trên nguyên tắc nếu đã là học sinh, dù chỉ một năm thì cũng phải chỉ rõ: niên học, tên lớp, tên các thầy cô dạy, tên các bạn cùng lớp. “Ngon” hơn nữa phải nhớ tên Ban giám hiệu (hiệu trưởng, giám học, giám thị), các nhân vật đặc biệt. “Ngon” hơn nữa là phải có hình chứng minh.

Tóm lại, nếu một người đã từng là học sinh của một ngôi trường và để chứng minh mình không nói dối thì người ấy phải nói rõ lớp, trường, hiệu trưởng, giám học, giám thị, bạn cùng lớp. Không thể nào ù ơ ví dầu theo kiểu “Ông Nguyễn Văn A gặp ô Luật sư Nguyễn Văn B, xác nhận tôi là học trò B”. Lý do, ông A là ai? Sau nữa, Ông B có thể có hai loại học trò: một học trò trường công (vd CVA, Gia Long), một học trò trường tư ( vd Hưng Đạo).

Y Phục Xứng Kỳ Đức

Các cụ bà thời mẹ tôi sính nói văn vẻ lắm. Ví dụ, khi thấy tôi mặc đồ mà cụ không vừa ý thì cụ nhìn từ đầu đến chân rồi buông thõng “Y phục xứng kỳ đức”. Thiệt cái tình! Hồi đó năm 1992 gì đó, (tôi chưa đến ngũ thập cưa mà), tôi mặc đồ trong nhà phóng xe Honda đến mẹ có việc. Vì trời sâm sẩm tối nên làm biếng không muốn thay đồ. Chỉ có đồ bộ lửng mà bà cụ buông thõng “Y phục xứng kỳ đức” ngay tắp lự! Hồi đó ở Việt Nam thiên hạ mặc đồ bộ đi ngoài đường cứ là phất phới nhé. Chỉ tại tôi mặc cái quần lửng mà bà cụ xỉa xói như vậy đấy. Hồi còn ở nhà, cụ cấm lũ con gái đầm đìa với lý do nhà có bố, em trai. Sau này khi cụ đi xa, còn mình tôi ở Việt Nam thì là tôi “tung hoành”! “Tung hoành” nghĩa là mặc đồ hơi hở. Đây là hình tôi “tung hoành” khi vắng mẹ: áo đuôi tôm, cổ hở ngực khá trễ. Năm đó tôi 44 tuổi.

Hồi đó tôi thích mặc “short” lắm và chỉ dám mặc …khi chụp hình chứ đố dám mặc khi còn ở Việt Nam. Thích thì vì đến tuổi đó mới biết mình có đôi chân thon! Trước đó thì vì mấy tầng áp bức nhất là tầng cha mẹ nên không hề biết! Cơ khổ.

Sau này ra hải ngoại thì cách phục sức của phụ nữ có vẻ được “thoáng hơn, trẻ trung hơn” so với “luân lý trong nước” nên tôi “lộng hành” hơn. Nghĩa là thoải mái diện skirt hay quần “short” mùa hè. Tuy vậy có một điều tôi giữ: đi chơi tôi có thể “tung hoành” (nghĩa là hơi lộn xộn) nhưng khi xuất hiện ở public như show phỏng vấn ở truyền hình thì tôi luôn chọn cho mình trang phục đứng đắn: veste.

Tuy “lộng hành” nhưng có lẽ vẫn trong giới hạn. Vì thế một sư tỉ Gia Long đã gọi tôi là “mụ già ó đâm” chỉ vì tôi chỉ trích mấy bà ngoài sáu mươi mà mặc áo hai dây! (cười). Tôi không thích nhìn phụ nữ lớn tuổi mà mặc áo hở ngực quá nhiều hay hở nách. Một ông anh rể phê phán “Nhìn mấy bà già rồi nhăn nhúm mà hở cho ai nhìn vậy không hiểu!”.

Hiện giờ tôi thích mặc quần bó cho gọn. Đương nhiên tôi ghét mặc đầm dài nhưng có lẽ phải mặc vì già quá rồi! Thỉnh thoảng nhí nhô mặc đầm ngắn chỉ để …chụp hình thôi! Vả lại, câu “Y phục xứng kỳ đức” còn có nghĩa phục sức tùy theo vị trí của mình nữa chứ không chỉ tùy tuổi tác. Một cô thư ký dù thích diện đến đâu cũng không thể và không nên diện hơn bà giám đốc. Một nữ nhân viên thường cũng không thể và không nên diện hơn bà giám đốc. Hôm trước ca sĩ Phượng Vũ viết ở facebook đại khái nhìn thấy người Mỹ đi xe hơi xịn là biết họ có thể là giám đốc gì đó, còn Việt Nam thì làm nail thường cũng diện xe xịn.

Có lẽ ở tuổi này, ăn mặc vầy là đứng đắn nhất nhỉ! Coi rất con nhà giáo chứ không phải con nhà giáo (gian) (cười)

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.