Sương Mù Giăng Giăng và Nắng Thu Dệt Hoa

Anh yêu yêu,

Buổi sáng mở rèm cửa sổ và bầu trời sương mù phủ làm em nhớ đến một ngày Đà Lạt xa xưa. Là dân Sài Gòn thì hiếm khi có sương mù nên khi được ngắm đồi thông Đà Lạt mờ ảo trong sương mù, em bỗng thấy lòng tràn ngập một hạnh phúc dù rất nhỏ nhoi. Em nhớ ngày đó em đã từng viết rằng hạnh phúc ở quanh ta. Vâng, thì đọc một quyển sách hay, cũng là hạnh phúc. Nghe được một bản nhạc dễ thương, cũng là một hạnh phúc. Ngắm một cảnh đẹp, cũng là hạnh phúc.

Sáng nay với tách cà phê ấm, với trời CA sương mù giăng, em luôn chọn cho mình là những nhạc phẩm nhẹ nhàng mà em từng yêu thích.

Tình cảm là những gì khó giải thích. Chả thế mà ngạn ngữ Tây Phương đã nói rằng con tim có những lý lẽ riêng của nó. Trong lãnh vực âm nhạc, em là thế đó. Trái tim em yêu nhạc ai thì em cứ thế yêu. Trái tim em yêu giọng hát ai thì em cứ thế yêu. Yêu và được yêu là một hồng ân. Phan Nhật Nam mới viết cho em cách đây vài hôm như vậy khi em hỏi Nam trong hai người (em và một người khác), ai được ân phúc, em hay người kia? Ừ anh nhỉ, khi mình còn yêu được thì có nghĩa mình vẫn còn biết rung động. Tình cảm chưa chai đá thì đó là hồng ân.

Ngoài những nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975 mà em yêu mến nhất là PD và NVĐ thì những nhạc sĩ mới viết sau này có vài người, em không hiểu vì sao trái tim em thiên vị cho nhạc của họ thế.

Phạm Mỹ Lộc là một trong vài nhạc sĩ đó. Lộc không nổi tiếng lắm. Lộc viết cũng không nhiều vì bận bịu đời sống gia đình. Tuy thế, Lộc có căn bản nhạc lý rất vững và nhạc của Lộc thuộc loại “khá cao”. Em gửi lại link của bài viết cũ mà em phỏng vấn Mỹ Lộc để anh thấy Lộc đã và đang viết sách về nhạc Việt.

· Phạm Mỹ Lộc-Hành Trình Về Âm Nhạc Việt

· Nhớ Về Dòng Suối Âm Thanh Sài Gòn 20 năm Xưa

“Khá cao” là vì có thể kén người nghe.

Lần đầu tiên em nghe nhạc Lộc là vào năm 2000. Tại nhà cô em họ, Bích Hợp. Hợp cho nghe một CD gồm ba chị em Hợp hát. Hoa nắng là nhạc phẩm êm dịu, nhẹ nhàng, thanh thoát đã chinh phục em ngay. Năm năm sau, khoảng 2005, Phạm Mỹ Lộc gửi một CD. Em nghe và ô kìa, hoa nắng cũ vang lên. Hóa ra Hoa Nắng mà Hợp hát chính là của Phạm Mỹ Lộc. Cái câu “Chờ em mặt trời khép mi ngủ yên” nghe thật dễ thương. Dễ thương như câu “thương em mong manh như một cành lan” trong nhạc Vũ Đức Nghiêm.

Anh nghe này, Hoa Nắng qua hai giọng hát: một của Bích Hợp, và một của Phạm Đức Nghĩa (em của Phạm Mỹ Lộc, mà em gọi là “giọng ca đất”). Trương Sĩ Lương từng nêu nhận xét là giọng Lộc ấm, sang còn giọng Hợp đài các, sang trọng, thu hút người nghe nhưng em tìm không thấy file do Lộc hát. Đây là Bích Hợp và Phạm Đức Nghĩa:

Hoa Nắng- Phạm Mỹ Lộc- Ca sĩ: Bích Hợp-Phạm Đức Nghĩa

Năm 2009 thì phải Mỹ Lộc gửi cho em, Quê Hương Tuổi Nhỏ.

Anh yêu yêu, sau một thời gian dài không nghe nhạc thì bản ấy của Lộc đã thu hút em nghe liên tiếp năm lần. Em không biết vì sao. Có thể vì giai điệu, cũng có thể vì ngôn ngữ trong đó. “Con nghé ọ” đã quyến rũ em. Tuy thế, Lộc không muốn em giới thiệu. Lý do thì thật buồn: đó là Lộc phổ thơ Nhất Hạnh. Thiền sư này thì bị người hải ngoại tẩy chay. Tuy vậy, trong nắng thu của bầu trời California hôm nay, em thích anh nghe bài ấy. Trần Thu Hà diễn tả rất hay:

Quê Hương Tuổi Nhỏ-Phạm Mỹ Lộc- Ca sĩ: Trần Thu Hà

Nắng đã lên, sương mù vừa tan. Ly cà phê cũng vừa cạn. Những âm thanh nhẹ nhàng, sang cả vẫn quấn quýt trong phòng.

Em phải từ biệt anh thôi, anh yêu. Nhưng trước khi giã từ, anh nghe nhé. Nắng thu của Phạm Mỹ Lộc với ba giọng hát: Mỹ Lộc- Lâm Dung và Phạm Đức Nghĩa.

Nắng Thu-Phạm Mỹ Lộc- Ca sĩ Lâm Dung

Nắng Thu-Phạm Mỹ Lộc- Ca sĩ: Phạm Mỹ Lộc- Phạm Đức Nghĩa

Rồi em sẽ mời anh nghe những nhạc sĩ khác mà em yêu mến.

Sương mù Califonia làm mọi nỗi buồn dường như nhạt nhòa đi. Khi nỗi buồn nhạt thì có vẻ như niềm vui hớn hở hơn. Phải thế không anh?

Rừng Gió California mùa thu 2014

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.