Trái Tim Hồn Nhiên và Ngọt Ngào

Hôm trước California sụt sùi và tôi thì thú vị. Tôi mong cho hôm sau vẫn là mưa nhưng nho nhỏ thôi. Vậy mà trời chẳng chiều tôi. Không mưa và nắng đẹp. Nhưng ngày mở đầu là vài giọt nước mắt (nước mắt thật chứ không phải nước mắt cá sấu nhé) vì tôi cảm động trước e-mail của một người bạn. Người bạn này nói là sẽ cầu nguyện nhiều cho tôi. Anh là người sinh sống Đà Lạt nên để đáp lễ tôi bèn đi tìm chương trình năm xưa tôi thực hiện gồm toàn nhạc Đà Lạt cho anh. Rồi giây mơ rễ má, nghĩa là vì anh bạn nói cầu nguyện cho tôi làm tôi nhớ đến “bố trẻ” của tôi. “Bố trẻ” cũng là người theo đạo và có lần bảo rằng “..nếu được thế thì cô nương phải cảm ơn bố trẻ vì bt vẫn cầu nguyện hằng ngày cho cô nương”. Sau nữa, trong chương trình âm nhạc về Đà Lạt, có bố trẻ làm chung với tôi. Đã lâu lắm rồi, tôi không mail và cũng không nhận mail ngắn từ bố trẻ. Cuộc đời cứ vậy thôi. Đôi khi vẫn nhớ đến nhau và nằm đâu đó trong một góc tâm hồn dù không liên lạc với nhau. Làm sao bố trẻ quên được tôi và ngược lại cơ chứ. Vì bố trẻ là NNĐTVYKTMKT. Tôi thích cái nick name tự đặt này của bố trẻ lắm. Hồi xưa bố trẻ chỉ là “Người nợ em từ muôn kiếp trước, NNETMKT”. Sau khi đọc một bài LanChiYesterday, có đoạn kể về bài thơ của LQT viết cho tôi có hai câu “Dù Quỳnh Giao hay Lan Chi, Vẫn em là đóa tường vi yêu kiều” thì bố trẻ đùa và nói rằng bây giờ nick name mới của bt là “Người Nợ Đóa Tường Vi Yêu Kiều Từ Muôn Kiếp Trước NNĐTVYKTMKT”. Bạn bè đáng yêu như vậy thì làm sao quên được phải không nào.

Nhớ và tôi bèn mail cho bố trẻ. Tôi chưa gặp bố trẻ của tôi bao giờ nhé. Thời buổi net có khác. Có nhiều người bạn khá thân thiết mà chưa bao giờ gặp.

Trong chương trình về Đà Lạt có bài mà tôi thích nhất là “Đà Lạt của người tôi yêu”. Melody dễ thương và lời cũng dễ thương. Tôi chỉ đến Đà Lạt hai lần, một vào khoảng 1987 và một vào khoảng khoảng 2003 gì đó. Tôi đi theo tour. Cảnh Đà Lạt đẹp và thơ mộng. Nhưng nếu cho ở thì tôi cũng không chọn vì cảm thấy buồn. Buổi tối thấy buồn quá, không sôi động như ở Sài Gòn. Năm đó tour có cho vào một buôn thượng để uống rượu cần và ăn thịt heo rừng. Trưởng buôn là một anh chàng phải nói khá đẹp trai, mắt mũi miệng đều hài hòa, dáng cao cân đối. Anh ta nói năng có duyên, lưu loát và thông thạo cả Anh Pháp. Sở dĩ tôi nhớ anh ta nhất là vì anh ta hay nhìn tôi trong khi “thuyết trình’ và khúc cuối anh ta còn đùa thế này “ Khoảng …giờ thì đoàn sẽ về lại thành phố Đà Lạt. Mọi người được quyền về hết, trừ cô này ở lại!”. Cô này là …tôi. Anh ta chỉ vào tôi làm phái đoàn cười ồ. Khỉ thế, tôi có phải là người trẻ nhất trong đoàn đâu cơ chứ. Chả hiểu vì sao cái bản mặt tôi ngố hay ngớ ngẩn gì đó mà đi đâu cũng hay bị ghẹo. Kỳ thật.

Mời các bạn của tôi nghe Vinh Hiển với “Đà Lạt của người tôi yêu” của Nghiêu Minh:

Đà Lạt của người tôi yêu-Nhạc Nghiêu Minh- Ca sĩ Khắc Dũng

Cuối năm hay buồn vơ vẩn quá nhỉ. Nhớ người cũ nhiều hơn. Nhất là khi lang thang facebook, thấy các sinh viên ĐH Luật viết cho thầy của họ có một câu thật dễ thương “Người thầy em luôn kính trọng và dấu yêu! Cám ơn thầy vì đã dạy chúng em bằng cả trái tim "hồn nhiên" và "ngọt ngào" nhất!” làm tôi nhớ về kỷ niệm cũ thật da diết.

Sơn và cô sinh viên học trò khen Sơn là đã dạy với trái tim hồn nhiên và ngọt ngào

Người thầy ấy của các em là Nguyễn Ngọc Sơn.

Năm 2003, tôi và Sơn quen nhau vì cùng ở trong list mail của Ns PD. Lúc ấy, Sơn đang là nghiên cứu sinh ở Nga. Năm 2003 Sơn về VN chơi. Sơn viết nhiều bài về âm nhạc rất hay, sâu sắc. Trong những người “đặc biệt” mà PD để trong web site của ông, có lẽ HLC là người nữ duy nhất. Sơn chú ý đến cô Lan Chi có thể vì bài viết của cô, mà cũng có thể vì cô là người nữ. Trước khi đi Mỹ, tôi rủ nhóm bạn, những người cùng có sở thích yêu nhạc tiền chiến, nhạc PD họp ở một ngôi chùa. Đêm ấy có trăng, chúng tôi trải chiếu trong một mái tranh nhỏ của chùa, gần sông Thanh Đa. Ánh nến bập bùng và âm nhạc mênh mang, dàn trải. Tôi không thích nghe nhạc trong phòng lắm mà cái quyến rũ tôi nhất là khi nghe nhạc trong đêm vắng, ngoài thiên nhiên, cạnh một giòng sông. Mà phải có hương trầm, có nến lung linh cơ. Thúy Nga hát rất hay. Trong nhóm, tôi hát không hay và chỉ biết nghe. SơnThúy Nga song ca Kỷ Niệm. Trong nhóm cũng có họa sĩ Nguyễn K. Một người ngông và ngang. Khi mới gặp tôi, K thích, rồi ngỏ ý với cô chủ quán hát vơi nhau DTG, cũng là bạn tôi, xin được làm quen. Tôi cũng bị cái vẻ bất cần, cái buồn thê thảm khi K ngồi uống rượu một mình một bàn, mê hoặc. Ngày ấy, duy nhất K là người “bắt nạt” được tôi đôi chút. Bắt nạt nghĩa là thế này: tôi botay.com trước cái ngang và ngông của K. Được thể, K làm tới, K có khi làm như tôi là người của K.

Đêm trăng ấy, thấy Sơn nổi bật lên với kiến thức, với giọng hát, K bỗng trở nên trẻ con, K cà khịa Sơn. Tôi tái người khi thấy K thô lỗ với Sơn. Thế nhưng sau đó tôi bật cười. Lý do, Sơn đã chứng tỏ một bản lãnh không vừa. Dù bị tấn công bất ngờ nhưng Sơn đã bình tĩnh đối đáp. Cái đối đáp của Sơn khiến K bị bịt miệng. Sơn đã nửa đùa nửa thật bảo rằng nếu Sơn là người tình nhỏ của cô Lan Chi thì phải hơn người tình cũ và già ( ám chỉ K).

2003- Hoàng Lan Chi áo xanh-Sơn áo vàng bên cạnh

Tôi “ngưỡng mộ’ cậu cháu từ đó.

Thời gian trôi. Cháu tôi bây giờ là giảng viên Đại Học Luật Khoa. Dậy học rất hay. Lại vui tính trẻ trung. Câu viết của cô sinh viên học trò đã nói lên tình cảm của các em dành cho Sơn vì Sơn đã dạy với “trái tim hồn nhiên và ngọt ngào”.

Hay thật.

Nếu cho tôi trở lại nghề giáo bây giờ, tôi cũng sẽ dạy học với trái tim hồn nhiên và ngọt ngào. Tôi nói thật đấy.

Rừng gió California mùa thu 2014

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.