Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo-Những người “một thuở tung hoành ngàn năm không lưu dấu”

 

Thời buổi bây giờ sách bán được phải nói rất hiếm. Vậy mà “Mặt Trận Đại Học” của Bạch Diện Thư Sinh (Trần Vinh) đã bán gần hết 400 cuốn ngay đợt đầu tiên dù không ra mắt sách, không cả quảng cáo. Bạn bè mua để tặng cho người thân và có khi đưa vào những buổi tổ chức triển lãm sách, thế thôi. Có lẽ hút vì yếu tố “mới”. Một lãnh vực chưa ai in sách và BDTS là người đầu tiên. Còn viết thì thật ra đã có một nhân viên khác của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo thực hiện. Tài liệu đó không in sách mà nằm trong “Hồi ký một đời người“, lưu trữ net. Đó là Lê Anh Kiệt. Chính từ “sư huynh” Lê Anh Kiệt (anh cũng học Hóa-Khoa Học và lớn hơn tôi) mà tôi nhận sách Mặt Trận Đại Học của bạn anh, và cũng là cán bộ cùng chung tùng sự ở Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, Bạch Diện Thư Sinh.

Khi xem tựa tôi đã bị thu hút và đọc ngay. Chưa có cuốn sách nào “hút’ tôi đến như vậy. Ngoài yếu tố “mới” thì còn hai điều khác: tình báođại học. Tôi vốn dĩ vẫn ưa thích những gì thuộc “tình báo”. “Môi trường đại học”, nhất là ĐH Khoa Học thì là “một phần của đời tôi mà”. Khoa học,Văn KhoaLuật Khoa ngày ấy là những nơi vc trà trộn nhiều nhất. Tôi còn nhớ, tôi là một dạng sinh viên thầm lặng, bất mãn trước những trò này nọ của Ban Đại Diện nhất là xé bài thi, hủy cuộc thi. Bất mãn mà không biết làm gì. Vào thời điểm tôi học chưa có ban A17. Phải đến khi tôi ra trường, lang thang Tổng Nha Kế Hoạch, rồi về lại trường thì đó là thời gian hoành hành của Huỳnh Tấn Mẫm và mới có Ban A17. Nhóm sinh viên thiên tả Bừng Sống ở Khoa Học của tôi núp dưới trướng GS Trần Kim Thạch, Ban Địa Chất và đánh nhau với nhóm sinh viên quốc gia bao bận trong sân trường Khoa Học. Tôi nghe nói và chưa chứng kiến bao giờ. Có lẽ vì quy chế giảng nghiệm viên thời đó chỉ dạy sinh viên thực tập có 12 giờ/một tuần nên chúng tôi không có mặt ở trường nhiều. Thời gian còn lại, tôi cũng như đa số các bạn khác, đi dạy tư thục. Nhưng hồi đó, tôi biết Phạm Hào Quang và rất mến anh. Lê Anh Kiệt đã mô tả Phạm Hào Quang là một điển hình cho sinh viên quốc gia, đóng góp không nhỏ cho cán bộ ban A17 hoạt động thành công trong việc chiếm lại Ban Đại Diện trả lại sự yên tĩnh cho sân trường đại học, cho đô thị và cũng là góp phần không nhỏ cho sự bình định quốc gia. Riêng du ca Miên Đức Thắng thì học cùng SPCN với tôi. Anh ta cũng tham gia ra ứng cử Ban Đại Diện. Sau này Thắng không học đến nơi đến chốn mà đi đâu tôi không biết. Sau 1975, một số khuôn mặt “bò về”. Chúng tôi mới biết đó là đám sinh viên Khoa Học nằm vùng và vào bưng.

Khi đọc bài về ban A17 của Lê Anh KiệtBạch Diện Thư Sinh, tôi rưng rưng và thấy áy náy. Áy náy vì ngày xưa chỉ chăm chắm lo học, không chú ý tình hình chung quanh. Chính sự thờ ơ đó của đa số sinh viên, không sử dụng lá phiếu, là nguồn gốc cho vc thâm nhập. Sự im lặng là đồng lõa với tội ác: là thế. Vì thế bây giờ tôi tự nhủ không cho phép mình im lặng trước điều xấu và kẻ xấu.

Tôi nói đùa với Bạch Diện Thư Sinh rằng sách anh do Lê Anh Kiệt tặng thì tôi “hớn hở” coi ngay còn cuốn “Việt Nam cội nguồn cuộc chiến” của cựu Đại Tá Hà Mai Việt gửi đã lâu thì tôi chưa đọc được hết.

Tuy thế Hoàng Lan Chi không phải là người “hớn hở” duy nhất. Khi gửi cho cô em họ xem bản nháp thì KA đã đòi mua. Bạch Diện Thư Sinh cười hì hì “Còn đâu mà mua. Phải chờ tôi hỏi bạn tôi đã. Mỗi tên ôm một ít. Có tên đã bán hết”. Tôi nói anh tái bản đi, anh bảo “chưa hoàn hồn”.

Hôm nay, sau khi Bút Tre gửi báo, tôi gửi bài điểm sách “Mặt Trận Đại Học” ra theo hệ thống mails. Chỉ mười phút sau, tôi nhận thư từ Chị BB rồi ông PQT (ơ hai vị này đều là người trong Văn Bút Hải Ngoại) đều hỏi “Hoàng Cô Nương ơi, tôi muốn mua thì làm sao?”

Phương Hoa, người mà tôi từng giới thiệu “Con dao xếp trong ngày Tết tây” nhưng đoạt giải chung kết của Việt Báo thì ở bài khác, mail cho tôi như vầy:

“Rất tâm đắc với đoạn phê bình này:

‘Đa số, nghĩa là nếu một người viết sách cho người quốc gia hải ngoại đọc, thì theo quy tắc cũ của VNCH. Còn nếu người đó viết sách cho vc hay người trong nước bây giờ đọc, thì có thể theo quy tắc của VC. Cho dù Y/I không phải độc quyền của Vc nhưng đại đa số dân chúng VNCH không biết, chỉ thấy VC dùng, thì sự kiện họ “dị ứng” với người dùng I thay Y là lẽ đương nhiên. Ở bầu thì tròn, nên áp dụng để độc giả không có cảm giác khó chịu khi đọc sách mình. Đó là sự tôn trọng độc giả, người sẽ đọc sách mình, trong một giai đoạn nào đó của lịch sử…’”

Bravo! Good job!HLC.

Tôi trả lời “Good comment, Phương Hoa”.

Thật ra, tôi thích câu này trong bài viết của tôi cơ “Nhưng tôi nghĩ rằng, với tôi, phỏng vấn người A không có nghĩa “show off” người A. Câu hỏi từ tôi, câu trả lời từ người A, sẽ quyết định là có “show off” hay không. Nếu ai chú ý theo dõi một số bài phỏng vấn của tôi sẽ thấy: tôi cố gắng đưa nhiều tài liệu đến độc giả. Tất nhiên tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm trên câu trả lời của họ. Tôi không cho người kia tự “show off” nhiều mà chính là tôi giúp họ điều đó nếu xét ra những cái “show off” đó làm tăng thêm giá trị cho họ, cho cả bài phỏng vấn và có tính cách “điểm xuyết” cho bài phỏng vấn chứ không hề làm giảm. Sau nữa, tôi nghĩ rằng, lịch sử là do mọi con người đóng góp. Viết lịch sử cũng là do con người viết. Điều mà mỗi chúng ta có nghĩa vụ đóng góp vào giòng lịch sử không ngừng chảy của dân tộc là hãy làm chứng nhân cho thời đại mình sống, cho việc mình làm, cho những sự kiện mình chứng kiến. Người có trách nhiệm viết lịch sử sẽ đọc tất cả, từ những “tai voi”, “đuôi voi”, “ vòi voi” để phân tích, tổng hợp và cuối cùng những giòng lịch sử chân chính nhất sẽ hình thành. Do đó, tự viết, hay trả lời phỏng vấn: với tôi là NGHĨA VỤ chứ không phải “show off”.

Còn một ông thì mô tả về những sinh viên quốc gia tùng sự trong Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo bằng một câu duy nhất:

Một thuở tung hoành ngàn năm không lưu dấu!

Hoàng Lan Chi 1/2015

Dưới đây Hoàng Lan Chi xin giới thiệu 1 chương của sư huynh Lê Anh Kiệt, cũng là một nhân viên của ban A 17, Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo. Xem bài Hoàng Lan Chi phỏng vấn Lê Anh Kiệt tại đây: Saigon Muôn Năm Cũ -Lê Anh Kiệt với Mặt trận tình báo

Vị nào muốn xem tiếp sách Lê Anh Kiệt xin mail cho Hoàng Lan Chi.

******************

GIỚI THIỆU 1 CHƯƠNG TRONG SÁCH CỦA LÊ ANH KIỆT

 

Chương 8 . Cải Tạo

Hầu hết nhân viên của Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo không thể di tản được đều có mặt ở trụ sở trung ương sáng ngày 2 tháng 5 năm 1975 nhưng lại ở ngoài sân thay vì trong văn phòng như mọi ngày. Chúng tôi phải trình diện cho cái gọi là “Uỷ ban Quân Quản” của “Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời”. Mọi người cố giử vẻ bình tỉnh, nhưng không ai có thể che dấu được sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt. Mặc dù rất đông người trong sân, một sự im lặng nặng nề bao phủ khắp nơi. Ai nấy đều thì thầm với nhau dường như sợ rằng lời nói của mình có thể bị người khác nghe được. Không như tôi đã dự đoán, Tuân, Banh, và hầu hết những người làm việc với tôi như Nhàn, Trung, Tâm, Trí, Lâm, Vinh, đều ở lại. Tôi nghĩ họ đều độc thân, hay gần như độc thân, việc leo lên một con tàu nào đó để đi là một việc rất dễ dàng đối với họ. Tuy nhiên, tôi đoán rằng có lẽ họ đều đã quá tin vào kế hoạch di tản chung của Phủ. Một kế hoạch không hoàn chỉnh đã tạo nên một tình trạng bi thảm như thế này đây! Giờ này thì mọi người chỉ còn biết giao tính mạng mình cho sự may rủi mà thôi.

Sau khi đã điền tên vào giấy để trên bàn đặt giữa sân, vợ tôi và tôi đến gặp Linh và Lan, chị vợ tôi cùng chồng chị ấy. Giấy tờ chúng tôi đã tiêu hủy vào tối hôm qua nên không thể nộp cho viên thư ký ngồi ở bàn theo lời yêu cầu của ông ta. Tôi không biết viên thư ký này, nhưng vài người cho chúng tôi biết đó là trung tá Khương, trước đã từng là Chánh sở An Ninh của Phủ. Tôi cũng không rõ ông ta là Việt Cộng hay chỉ là người Cơ Hội! Tôi đi ngang qua Tuân và Banh; cả hai chỉ nhìn tôi gật đầu không nói lời nào. Tôi không còn nghe tiếng cười của Tuân và Banh như thường ngày nữa. Chúng tôi chỉ trao nhau những nụ cười chua cay để thay vào đó.

Lần đầu tiên chúng tôi phải ngồi xổm xuống đất để đợi đến phiên mình làm giấy tờ. Long, cựu nhân viên của phòng tuyển mộ gọi tên từng người trong danh sách; chúng tôi tuần tự đến ký tên vào một tờ giấy đặt trên bàn ở gần cổng của phòng y tế, kế bên bãi đậu xe.

Những ngày từ 2 tháng năm đến 14 tháng sáu, tôi nhớ có hai lần tôi phải đến trình diện với những tên VC đã tiếp thu Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo. Lần đầu tiên -tôi không nhớ rõ ngày nào- họ cử hai người mặc thường phục đến nhà mẹ tôi chở tôi đến một trụ sở cũ của cơ quan ở đường Trần Bình Trọng. Chúng bảo tôi viết lại những gì tôi biết được về khoảng thời gian từ năm 1969 đến 1972 lúc tôi trà trộn trong sinh viên để tiếp cận với Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn do Huỳnh Tấn Mẫm làm chủ tịch. Họ giữ tôi từ sáng đến sáu giờ chiều mới đưa tôi về nhà. Tôi phải đưa tiền để mua phần ăn trưa. Lần thứ hai, họ gửi thư gọi tôi đến trình diện tại nhà an toàn cũ của ban A17 tại đường Phan Thanh Giản, nơi đây tôi gặp Nguyễn Tá, người đã làm việc chung với tôi khi tôi còn làm ở Ban Z, Ban Công Tác Nội Chính, và cũng là người đã tiếp thu Phủ. Tôi nghĩ lần đó chỉ vài ngày trước khi tôi phải đi trình diện cải tạo. Tôi không phải viết gì lần này. Nguyễn Tá khuyên tôi nên đi trình diện học tập cải tạo theo chỉ thị của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời để được sự khoan hồng của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa.

Kể từ đó, danh từ “Cải Tạo” được nghe nói đến khắp nơi! Cải Tạo Tư Tưởng, Cải Tạo Nếp Sống, Cải Tạo Xã Hội, Cải Tạo Kinh Tế, vân vân và vân vân, được loan báo hàng ngày trên đài phát thanh và truyền hình. Binh sĩ Nam Việt Nam trình diện cải tạo và được thả về sau ba ngày. Hạ Sĩ Quan Nam Việt Nam được thả về sau bảy ngày cải tạo, và rồi sĩ quan từ cấp thiếu uý đến đại uý phải học tập trong 10 ngày. Sĩ quan từ Thiếu Tá trở lên, nhân viên chính quyền từ Trưởng Ty đến Tổng Thống cũng như nhân viên tình báo trung cấp và cao cấp phải trình diện học tập trong một tháng.

Theo thông cáo của Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời, lịch trình trình diện của chúng tôi là từ ngày 13 tháng sáu đến 15 tháng sáu và địa điểm là trường Trung Học Chu Văn An. Chúng tôi phải đóng tiền ăn trong một tháng là mười bốn ngàn đồng cho mỗi người và phải mang theo chăn màn quần áo. Mọi việc diễn tiến rất hợp lý. Cộng Sản chọn trường học để làm địa điểm trình diện cải tạo và quy định thời gian hợp lý cho từng cấp bậc. Mặc dù chúng tôi không tin vào lời nói của Cộng Sản, chúng tôi cũng phải tự trấn an bằng cách hy vọng điều đó là sự thật. Ngoài ra, chúng tôi làm được gì trong hoàn cảnh ấy, và chúng tôi có thể trốn đi đâu bây giờ? Chúng tôi coi như đã chết rồi từ ngày 30 tháng tư.

Ngày 13 tháng sáu nhằm ngày thứ sáu, ngày xui xẻo! Ngày 14 là Tết Đoan Ngọ, mồng 5 tháng năm, cũng là ngày xui đối với người Việt Nam! Chúng tôi quyết định chọn ngày 14 tháng sáu là ngày đầu tiên đi cải tạo với hy vọng rằng hai cái xui sẽ trở thành một cái hên! Tôi chẳng còn tiền để đóng nên đành phải cầm thế chiếc nhẩn cưới để có tiền đi cải tạo. Điều này giống như một chuyện đùa, nhưng đó chính là sự thật mà tôi đã trải qua một cách cay đắng.

Trên chuyến xe buýt từ nhà mẹ tôi đến trường Trung Học Chu Văn An, chúng tôi gặp một ông lão, ông ta hỏi chúng tôi đi đâu vậy. Tôi nghĩ rằng ông nhìn thấy đồ đạc cồng kềnh của chúng tôi. Tôi trả lời rằng chúng tôi đi “học tập cải tạo!”. Ông ta nhìn chúng tôi cười một cách khó hiểu và chúc chúng tôi may mắn. Lúc đó tôi không hiểu được ý nghĩa nụ cười của ông ta, tôi đoán chắc ông ấy tỏ vẻ thương hại chúng tôi. Không chỉ có hai chúng tôi đi cải tạo mà còn có cả đứa con còn trong bụng vợ tôi nữa!

Trường Trung Học Chu Văn An là trường mà tôi đã theo học vào lớp 12. Đó là năm 1963, năm mà Dương Văn Minh được Mỹ giúp sức để làm cuộc đảo chánh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bắt đầu xáo trộn miền Nam Việt Nam ngõ hầu Mỹ có cơ hội đưa quân vào Việt Nam. Mười hai năm sau, tôi lại trở lại trường xưa, và Dương Văn Minh, người đã vừa giúp đở VC chiếm miền Nam, đang ở trong Đại Học Xá Minh Mạng dành cho sĩ quan từ cấp đại tá đến cấp tướng ở kế bên.

Bạn bè và đồng nghiệp của tôi đang đứng phía trước trường. Lan và Linh, vợ chồng chị vợ tôi đã trình diện vào hôm qua sau khi giao hai đứa con trai bốn tuổi và một tuổi cho ông bà ngoại nuôi dùm. Nhìn cái bụng vợ tôi, tôi tự hỏi làm sao cô ấy có thể chịu đựng được một tháng cải tạo cho dù đó là một tháng như họ nói. Nhưng tôi lại nghĩ mỗi người đều có hoàn cảnh khó khăn riêng. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng chúng tôi coi như đã chết từ cái ngày “giải phóng”. Phần còn lại chỉ là một cuộc sống vô vọng; ranh giới giữa cái sống và cái chết chỉ là một danh từ. Trong ý nghĩ đó, chúng tôi bước vào ngày cải tạo đầu tiên của chúng tôi sau khi nói đùa với bạn bè rằng “ai đi sớm sẽ được về sớm.”

Trường Trung Học Chu Văn An nằm đối diện với nhà thờ Ngã Sáu, trên đường Minh Mạng thuộc quận Năm Sài Gòn. Từ trường tôi có thể nhìn thấy trụ sở Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn trên đường Hồng Bàng nơi tôi thường đến hầu như hàng ngày từ năm 1969 đến năm 1975 trong công tác. Trường có hai dãy nhà hai tầng. Tôi được đưa vào nhà đầu tiên, vợ tôi cũng thế. Từ đó, tôi có thể nhìn thấy quang cảnh trên đường phố bên ngoài. Vợ tôi vào phòng đầu tiên dành cho phụ nữ, nơi từng là lớp học của tôi mười hai năm trước. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là đời tôi đang diễn ra những sự trùng hợp kỳ lạ. Tôi đứng trên ban-công của trường nhìn về phía nhà thờ nơi tôi từng chơi đùa cùng bạn bè. Bạn tôi vẫn đang ở đấy, nhưng họ không phải là những người bạn học cũ của tôi. Một vài người lo lắng quay về nhà; một vài người khác vội vã băng qua đường để vào “trường” sau khi từ giã thân nhân.

Lớp học nơi tôi bước vào hoàn toàn trống rỗng. Mọi vật đã được dời đi nơi khác. Tôi trải chiếc chiếu cói lên sàn nhà nơi được đặt bục giảng của giáo sư trước kia. Chúng tôi chia nhau mỗi người một khoảng trống khoảng vừa một chiếc chiếu. Cái ba-lô biến thành gối nằm và nó đi theo cùng tôi đến lúc tôi trở về mười bảy năm sau. Trong ba-lô, tôi có 1 cái mùng nilon, một cái mền nilon nhà binh, hai quần Jean, hai áo sơ mi, cái bi-đông đựng nước uống, cái áo khoác, một pon-sô nhà binh, mười gói mì ăn liền, một gói cơm sấy, một gói thịt khô, và một gói đựng thuốc gồm Tylenol, Penicillin, thuốc tiêu chảy, Quinine, và một cuộn băng keo. Tôi chuẩn bị cho một cuộc sống trong rừng chứ không phải trong thành phố. Cái mà tôi quên là chiếc võng mà tôi nghĩ có lẽ sẽ rất cần thiết với tôi sau này. Lớp học gợi tôi nhớ đến những người bạn xưa, vài người đã chết trong cuộc chiến, vài người đang ở nơi nào đó bên ngoài kia, một vài người chắc đang ở trong hoàn cảnh giống như tôi bây giờ đây.

Tôi đi qua phòng vợ tôi. Mọi người trong phòng đã giúp vợ tôi có chổ nằm kế bên chị vợ tôi. Ngọc, Liễu, Ba, những người đàn bà làm chung với vợ tôi trước kia ở phòng tuyển mộ cố an ủi tôi bằng cách hứa sẽ chăm sóc vợ tôi khi cô ấy cần. Tôi rời vợ tôi sau một lúc và đi quanh tìm bạn bè.

Mọi người đang bàn tán về danh từ “cải tạo” của Cộng Sản, nhưng không ai dám nhìn nhận sự thật rằng cải tạo không gì khác hơn là trả thù. Danh từ “tẩy não” và quyển sách “Trại Đầm Đùm” được viết bởi một nhà văn ở miền Nam là những gì mà tôi được biết về sự cải tạo của Cộng Sản, nhưng sự thật về cái gọi là “Cải Tạo” vẫn còn là một điều bí mật đối với tôi. Chúng tôi đã được biết ít nhiều về việc cải tạo các “Cosack” ở Liên Sô sau khi Cộng Sản cầm quyền ở đây, các Cosack được đưa đi Siberia để cải tạo và chết ở đấy. Sau khi chiếm Trung Quốc, Cộng Sản đã đưa hàng trăm ngàn người Trung Hoa Quốc Gia đi Tân Cương để cải tạo và chết ở đó. Nhưng chúng tôi không biết gì về số phận các người Việt Nam sau khi Hồ Chí Minh chiếm miền Bắc. Họ đã bị giết chết hay vẫn còn trong các trại tập trung ở miền Bắc Việt Nam? Những người Cộng Sản Việt Nam đối xử thế nào với kẻ thù của họ?

Tôi không nghĩ Cộng Sản Việt Nam sẽ làm một cuộc thảm sát giống như Hitler đã làm ở các lò sát sinh vì chúng không muốn làm mục tiêu cho công luận, nhưng giết lần mòn là điều mà họ có thể thực hiện mà không sợ ai phản đối. Đi vào trại, chúng tôi phải chấp nhận mọi điều xãy ra ngay cả điều xấu nhất, đó là cái chết.

“Tẩy Não” và “Cải Tạo” có lẽ là hai từ rất tương đương nhau! Cộng Sản “tẩy não” kẻ thù của họ như thế nào? Cải tạo tư tưởng là từ mà Cộng Sản dùng rất nhiều trong những ngày đầu “giải phóng”. Chúng bảo rằng nhân dân miền Nam đã từng sống một thời gian dài với Đế Quốc Mỹ và Ngụy Quyền Nam Việt Nam cần phải được cải tạo tư tưởng để thích hợp với xã hội mới: Xã Hội Xã Hội Chủ Nghĩa!

Nhưng cải tạo như thế nào vẫn là một điều khó hiểu. Mỗi nơi có một cách để cải tạo. Những thanh niên bị cắt quần ống loe, phụ nử không được mặc áo dài và không được trang điểm, cái gọi là “nhạc vàng” bị cấm triệt để, sách vở xuất bản ở miền Nam Việt Nam bị coi là “phản động và đồi trụy” và bị thiêu huỷ, dân chúng phải lao động và thu nhập tuỳ theo công sức mà họ đóng góp, vân vân và vân vân. Đó là những điều mà Cộng Sản gọi là cải tạo xã hội. Nhân viên của chế độ cũ phải được học tập những điều gọi là “tội ác” của Đế quốc Mỹ và Ngụy quyền cùng chiến thắng của cách mạng và của Xã Hội Chủ Nghĩa. Đó là những điều mà Cộng Sản gọi là cải tạo tư tưởng để thích hợp vơi xã hội mới. Mặc dù chúng tôi không tin đơn giản như vậy, nhưng chúng tôi lại hy vọng mọi việc sẽ không đến nỗi quá tồi tệ. Điều đó cũng rất tự nhiên đối với một con người khi lâm vào cảnh khốn cùng thì luôn mong mỏi một điều gì đó khá hơn để mà tự an ủi mình. Chúng tôi không thể đi đâu được, không thể trốn tránh được, chúng tôi đành phải đặt số phận mình vào tay kẻ thù, đi vào trại cải tạo và chờ đợi mọi điều có thể xảy ra với chúng tôi.

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.