Dư Âm của “ Không Cùng Thế Kỷ”

California mùa đông mà nhiệt độ trên bẩy mươi! Trong khi đó Michigan thì tuyết phủ trắng xóa, Virginia thì lạnh run. Có lẽ nhiệt độ ấm như thế nên CA là vùng đông người Việt Nam nhất. Vì đông nhất nên cũng nhiều chuyện nhất. Tôi chọn một chỗ đứng cho mình sau khi quan sát và nhận định. Tôi không sợ phải tranh luận với người thật, tử tế. Tôi chỉ ghét người ảo và hèn. Không dám đứng trên đôi chân đàn ông của mình đã đành mà lại còn sử dụng chiêu vu khống, chụp mũ, mạ lị đời tư cá nhân. Không hiểu nổi những người đó ngày xưa học hành ra sao dưới mái trường VNCH nhỉ.

Sáng hôm qua tôi mất hai giờ để tìm tài liệu cũ, sắp xếp và viết bài về một kẻ mà tôi thấy khinh và tởm hết sức. Tôi tuyên bố bản tài liệu này sẽ được gửi hàng tuần và trong bốn kỳ liên tiếp cho mọi người khắp nơi thấy rõ bộ mặt của kẻ này. ( Ai tò mò thì coi tại đây: Những Nick Ảo Của Nhóm Chu Tất Tiến). Tôi hy vọng sau này, những nick ảo mạ lị tôi sẽ giảm hay không còn. Sau đó, để cân bằng con người, tôi …viết thơ. (cười).

Khi viết văn hay làm thơ thì người viết hay tưởng tượng thêm nghĩa là gia vị muối đường được thêm cho đậm đà. Chỉ không lâu sau bài thơ “Không cùng thế kỷ” được gửi ra là ..bạn hữu tôi góp ý kiến. Vài cô em hay bạn rất thân thì hiểu được ngay đối tượng tôi viết cho là ai.

Nhạc sĩ LVT viết “Một bài thơ rất hay làm rung động lòng người”. Chắc hẳn “anh tôi” lúc này “gia huyền” nên thấy rung động chứ chả thể phổ nhạc!

Ông QL hay MPĐ khen rồi bỏ lên web của ổng.

Một muội Gia Long (LNTH) thì:

Đến rồi đi cũng là một hạnh phúc
Dù bọt bèo nhưng đủ một chút vui.

Đời buồn tênh vốn thiếu vắng nụ cười
Nay mỉm nhẹ âu cũng là duyên số.

Một cô em thì:

Vâng, em cũng thấy:

Cõi nhân gian sao lắm điều khó hiểu

Đến rồi đi, hờ hững quá bọt bèo

Rất nhiều điều mình "tưởng" là biết nhưng chỉ là sản phẩm của một đầu óc tưởng tượng.

Một ông chú cà nông thì lý sự:

Hoan hô cô cháu. Từ xa đọc thơ cô cháu, ở Cali, một lần bỗng thấy ngôn ngữ không chỉ là ngôn ngữ. Nhưng đọc nhiều lần thì hóa ra ngôn ngữ vẫn là ngôn ngữ. Điều này kỳ kỳ cục ? Không. Bản chất của ngôn ngữ là "ẩn dụ" vậy ở trong vỏ bọc nào, dù là thơ ngôn ngữ cũng vẫn chỉ là ngôn ngữ.

Một anh bạn thì:

Thơ tình lãng mạn như thế này thì khó có ai nghĩ tác giả là “Bà Già Giết Giặc”.

Một nhà thơ thì:

Hề hề! HLC "tương tư" chàng ngoại quốc nào đây hè?

Tôi cảm thấy vui khi bài thơ được nhiều bạn hữu chú ý, trêu chọc.

Bài thơ ấy tôi viết cho một người mà tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng, vui vui mỗi khi tôi đọc e-mail của “chàng”.

“Chàng”, với ngôn ngữ cổ xưa, sự chú ý, sự tinh tế và nhất là những khen ngợi mà “chàng” dành cho tôi. Nghe khen ai chả thích phải không nào nhất là những khen ngợi ấy cứ như viết cho một người tình bé bỏng nào đó. Vì thế tôi đã viết ngôn ngữ chàng đã làm tôi sống lại cái tuổi hai mươi lần thứ …bốn mươi.(cười).

Chỉ thế thôi. Ngôn ngữ tình yêu đã chỉ là ngôn ngữ vì không cùng thế kỷ. Tôi là người thích đọc thư từ ngày xưa. Bây giờ thì coi như thích đọc e-mail. Nhiều năm xưa, một người khi viết cho tôi hay gọi vầy “Bông hồng yêu dấu và ngậm ngùi của anh”. Tôi thích cái kiểu “chàng ngày xưa” gọi tôi như vậy lắm. Còn bây giờ tôi cũng thích cái kiểu của “chàng bây giờ” gọi tôi là “ cục cưng” lắm.

Chỉ thế thôi. Vâng, chỉ thế thôi cũng đủ vui vui.

Còn những cái mà “ cõi nhân gian sao nhiều điều khó hiểu” thì tôi mặc kệ. Ơ hay tôi không chú ý vì tôi có yêu đâu nào. Chàng có là ai thì với tôi cũng chỉ là một nốt nhạc vui vui trong cả một chiều dài của bản nhạc đời tôi kia mà.

Chép lại bài thơ hôm qua ở đây nhé:

Không cùng thế kỷ

Người đã đến đời tôi trong khoảnh khắc

Là rong rêu hay bèo bọt phù du

Tôi vẫn biết rồi sẽ là xa cách

Nhưng chim bay và lòng vẫn mịt mù

Người đã hong trái tim buồn lạnh giá

Tưởng đã khô theo gió bụi thời gian

Ngôn ngữ người đem niềm vui nắng hạ

Tuổi hai mươi tôi sống lại trên ngàn

Người là ai tôi bâng khuâng tự hỏi

Rưng rưng buồn mỗi lúc đọc e-mail

Cõi nhân gian sao lắm điều khó hiểu

Đến rồi đi, hờ hững quá bọt bèo

Có những đêm nghe lòng thương quá thể

Sao không cùng một thế kỷ, chuyến đi

Để ngôn ngữ không chỉ là ngôn ngữ

Và hương thơm không chỉ đọng làn mi.

Rừng Gió California 2/2015

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.