Đi tìm “Người Mình”

Tôi nhận bài viết “Nhà ông Đệ Nhất Tổng Thống Mỹ” của Khánh Vân và rất xúc động khi đọc xong. Xin mở ngoặc: tôi cho rằng cảm nhận của một người về một tác phẩm sẽ tùy trình độ và khẩu vị người ấy. Hiện giờ, với cá nhân tôi (ở tuổi “lão”) thì những câu chuyện tình không hấp dẫn. Tôi thích đọc chuyện đời sống hàng ngày quanh ta hơn là những tác phẩm tình yêu. Đặc biệt bài viết về lịch sử, người đạo đức, gương sáng vẫn là những đề tài hấp dẫn tôi từ bé. Ví dụ thuở nhỏ tôi thích nhất bài “Em bé thành Pê Đu” trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng.

Tôi giới thiệu “Nhà ông Đệ Nhất Tổng Thống Mỹ” cho bằng hữu nhưng rất thận trọng ghi thêm “Tôi không biết tác giả Anne Khánh Vân là ai”. Lý do tôi thận trọng như vậy vì hiện giờ số người “trẻ” bị VC mê hoặc, dụ dỗ khá nhiều. Họ, những người trẻ ở hải ngoại, không có kinh nghiệm về những thủ đoạn lừa bịp của cộng sản. Tâm hồn trong sáng và trái tim nhiệt huyết của họ dễ bị lợi dụng. Cách đây mấy năm, tôi đã bị “hố” một lần khi giới thiệu Tần Lê. Xem youtube Tần Lê kể về chuyến vượt biên khoảng 1978 của TL: rất hay. Sau đó tôi khám phá ra Tần Lê và bà mẹ đã bị cộng đồng Úc Châu lên án, chỉ trích vì những hành động “thiên tả” của họ.

Sau đó tôi vào facebook của Khánh Vân. Tôi tìm tiểu sử, hình ảnh: không có. Chỉ một thoáng đâu đó Khánh Vân viết về mình rất gọn nhưng vẫn mơ hồ. Tôi hơi thất vọng. Bất chợt nhìn thấy category “Việt Nam present and past”, tôi click ngay.

Tôi nhìn thấy gì? -Một Việt Nam xưa trong đó có tờ giấy bạc Việt Nam Cộng Hòa. Tôi thở phào: “Người mình”.

Sáu tiếng đồng hồ sau, tôi lại dạo nhà Khánh Vân.

Tôi nhìn thấy gì? –Bài viết “30-4: Nhìn Lại! Nhìn Lại! Nhìn Lại Nữa!”. Tôi không thở phào mà trái tim tôi rộn rã niềm vui “Người mình”.

Đó là hành trình tôi đi tìm “người mình” trong thời buổi internet.

Xin cảm ơn internet đã giúp tôi đọc được những tác phẩm hay, tìm đúng “người mình”.

Hoàng Lan Chi 3/2015

*******************************

Hai bài của Khánh Vân ở đây:

Khánh Vân-Nhà ông Đệ Nhất Tổng Thống Mỹ

Khánh Vân-Nhìn lại, nhìn lại nữa

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.