Quốc Bảo- “Vai kép”

Một

Quốc Bảo

Con trai tôi sắp tròn mười tuổi, ba tháng nữa. Giai đoạn gần đây, có vẻ như hai bố con không gắn bó thân thiện như trước đây nữa, hoặc cũng có thể do tôi tưởng tượng ra thế. Một bức màn vô hình ngăn cách: con tôi có những mối quan tâm của riêng nó, trò game online Gunny, truyện tranh Ô Long viện, sách danh nhân thế giới, mèo Helen ở nhà và bạn bè ở trường. Cháu không còn hào hứng (hoặc do tôi tưởng tượng ra thế) với bộ sưu tập bút máy, thú viết chữ đẹp, nhạc và vẽ; TV cũng không làm cháu mê mệt như xưa, mọi thứ đều có vẻ dễ nhàm dễ chán, mọi thứ đều nhàn nhạt. Tôi đưa cháu ra phố sáng thứ bảy, không còn có thể ngồi lâu ở một tiệm cà phê, không còn thú lang thang ngắm phố xá, không có những câu chuyện rôm rả hoặc là ít nhất từ phía tôi, không nhiều hứng thú trò chuyện. Tôi đâm hoảng, hay là mình đã bớt yêu con, hay là con mình hết yêu mình, cảm giác gờn gợn nhoi nhói và không ít lần tôi nằm mơ thấy hai bố con nhìn nhau không chào, như hai người lạ. Tôi đã mơ thấy con tôi ôm con mèo đi phố, nhìn tôi dửng dưng. Tôi đã mơ…
Những giấc mơ nặng nề.
Mà cũng do tôi tưởng tượng ra bi kịch mà thôi.
***
Hai
Tình yêu của người cha dành cho con là thứ tình yêu vĩnh cửu, nó khởi đầu ngay từ khi đứa nhỏ chỉ mới là một mầm sống nhỏ nhoi trong bụng mẹ, và không bao giờ kết thúc, cả khi người cha đã chết. Mẹ tôi thường kể lại những giấc mơ của mẹ sau khi bố tôi mất, gần như thường xuyên, bố tôi về thăm mẹ nhưng để hỏi thăm tôi là chính. Thì tôi cũng thế thôi, mai hậu có chết đi, hồn tôi vẫn cứ hướng về con cái. Tình yêu đôi lứa, tình vợ chồng có thể nhạt dần (và ta sẽ giải thích thế nào cho con, “ôi con không hiểu đâu, chuyện này phức tạp lắm, chẳng phải như tình cha con cứ luôn nguyên vẹn đâu”?) nhưng tình phụ tử thì thực sự thiết tha, thực sự bất vụ lợi, thực sự mang đầy nghĩa hy sinh.
Nhưng đứa nhỏ, có khi không cảm thấy được hết. Nó hồn nhiên đón nhận như thể tình thương của cha mẹ dành cho nó là không khí, đương nhiên có. Nó chẳng có lỗi gì, nó được sinh ra bởi tình thương, nó lớn lên bằng tình thương, thì nó có quyền tận hưởng tình thương ấy, không cần đền đáp.
Thế mà tôi vẫn có những giấc mơ nặng nề.
***
Ba
Mẹ tôi, sau khi bố mất, đã trở thành một người đàn bà mang toàn bộ đức tính của người bố: cứng rắn, điềm tĩnh, nghiêm khắc, bươn chải, đương đầu; như thế đương nhiên mẹ tôi đã hy sinh những gì đẹp đẽ của người mẹ, chẳng hạn sự mềm mại, ấm áp, vẻ yêu kiều. Đảm trách việc lẽ ra không phải của mình là một bi kịch có thật, không phải tưởng tượng. Mẹ tôi chưa từng là một người mẹ, vì đã trót làm một người bố.
Tôi thương con bằng tình thương một người bố có thể dành cho con, bởi dù có muốn, tôi cũng không biết thay thế vai trò người mẹ bằng cách nào. Nhưng tôi dịu nhẹ và chiều chuộng con hơn cả mẹ tôi, giờ làm bà nội, bà đã đảm trách vai trò nam giới thêm một lần nữa. Thì nghiêm khắc, thì điềm tĩnh (cũng có khi không còn giữ được điềm tĩnh vì tuổi tác), thì như một người cha quyền uy và gia trưởng.
Con tôi yêu bà nhưng không gần gũi. Cháu đã từng gần gũi tôi, giờ thì (có vẻ như) giãn dần khoảng cách.
Tôi không nghĩ cháu đã bớt yêu tôi. Chỉ là do tâm lý lứa tuổi. Tuổi lên mười, đứa trẻ hình thành nhân cách và từng bước thực hành ý thức độc lập. Bạn bè trang lứa hợp hơn bố mẹ, truyện tranh hợp hơn những bài học viết chữ đẹp, game online hợp hơn chơi cờ tướng hoặc giải ô chữ, mèo Helen hợp hơn bài tập thể dục buổi sáng, những khu vui chơi thiếu niên hợp hơn tiệm cà phê, câu chuyện danh nhân và thần thoại Hy Lạp hợp hơn bài học nhạc và sách giáo khoa. Nó đã từng ngày từng giờ lớn lên, nó từng ngày từng giờ khác đi – khác với hình ảnh một đứa bé mà cha mẹ nó lưu giữ, cha mẹ nào chả thế, cứ tưởng con cái còn bé hoài. Mẹ tôi, đến tận giờ, vẫn còn căn dặn tôi ra đường phải thế nào, chào hỏi ra làm sao, như là tôi chưa từng lớn, như là bốn mươi năm trước. Thế thì hình ảnh đứa bé bụ bẫm ngây thơ đi lẫm chẫm, chạy ba bước là ngã, dường như vẫn còn lởn vởn trong đầu tôi khi tôi nghĩ về đứa con? Và nếu thế thật, thì tôi đã bi kịch hóa những điều tự nhiên mất rồi.
***
Bốn
Ba tháng nữa con tôi tròn mười tuổi. Ba năm nữa, nó dậy thì. Thời gian trôi như nước chảy, như các động tác Ashanga Yoga, miên man không dừng, ngoảnh đi ngoảnh lại thấy nhân thế thay màu hết, chẳng còn gì cảnh tượng xưa. Thế thì cứ để con tôi lớn lên như nó phải thế. Cứ để tình cảm tự nó điều chỉnh nó. Cứ để tôi già đi. Cứ để vai trò làm bố được thực thi một cách tự nhiên như nó cần phải vậy. Cưỡng cầu thì được gì, ác mộng thì ích chi. Rồi một ngày nào đó, con tôi trở thành người cha, nó cũng sẽ hệt như tôi bây giờ, cũng lo lắng và hoảng sợ. Chỉ mong rằng nó không phải đảm đương một vai trò kép, như bà nội nó, và cả bố nó nữa, đã phải làm.

This entry was posted in Thân Hữu Khác. Bookmark the permalink.