Lễ tưởng niệm Cô Đặng Kim Chi- GS Gia Long – Hiệu Trưởng Sương N guyệt Anh

Ngày chủ nhật 15 tháng 3 năm 2015, một số cựu học sinh trường Gia Long đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm 5 năm ngày Giáo Sư Pháp Văn Đặng Kim Chi qua đời.

Nhà hàng Le Santal tại khu Opéra sang trọng, không xa Galerie Lafayette, từ 2 giờ trưa, đã mở rộng cửa cho lần lượt nhóm người gồm các cựu đồng nghiệp, các cựu học sinh, gia đình và thân hữu đến dự buổi lễ trang nghiêm nhưng thân mật và ấm cúng. Nhà hàng Le Santal không lớn lắm nhưng trang trí mỹ thuật và được xếp vào danh sách các nhà hàng ngon nhất ở Paris (les meilleures tables parisiennes). Ở giữa nhà hàng là bàn thờ Cô Kim Chi với dòng chữ Tưởng Niệm và hoa đèn trang trọng bên cạnh bức chân dung người quá cố.

Là Giáo Sư Pháp Văn, giảng dạy tại trường Gia Long và sau đó trở nên Hiệu Trưởng trường Sương Nguyệt Anh, Cô Đặng Kim Chi được học trò yêu thương và kính trọng . Cầm quyển « Tuyển Tập « (*) của Gia Long Âu Châu dành cho Cô, người đọc không khỏi ngỡ ngàng xúc động trước tấm lòng yêu thương tận tụy của nhóm học trò cũ đã thường xuyên viếng thăm chăm sóc khi Cô Kim Chi ngả bịnh hiểm nghèo mà Bác Sĩ không tìm ra được nguyên nhân. Người đọc cảm động vì không ngờ là ở thời kỳ internet và iPhone này mà tình nghĩa Thầy Trò còn thắm thíết chan hòa không mờphai theo ngày tháng. Có những học trò nhắc kỹ niệm dưới mái học đường nay đã hơn 40 năm với những dòng chân thành, cảm xúc. Có những đồng nghiệp viết khen tặng về nét đẹp cao sang, lịch sự, thanh nhả của một nữ giáo sư trẻ, tân thời trở về dạy học sau khi được tu học ở Pháp và lại có thêm nhiều tài nghệ khác nữa…

Dỡ từng trang của quyển Tuyển Tập này có những bức ảnh xưa, quả thật cô Kim Chi đẹp rạng rỡ, đài các nhưng nét mặt cô lại hiền lành, nhân hậu. Chắc chắn vì sự tận tâm dạy dỗ cộng với tính hiền lành cởi mở mà học trò cô, dù thời gian đã trôi qua, dù ruộng dâu đã trở thành biển cả, dù vật đã đổi sao đã dời, và các cô học trò bé nhỏ rụt rè của ngày xưa, nay đã trở nên những người vợ người mẹ với mái tóc bắt đầu điểm sương, nhưng tình nghĩa đối với vị giáo sư chân thành, tận tụy , vui vẻ, hòa đồng là Cô Kim Chi vẫn in đậm trong tân khảm, do đó hàng tuần họ hẹn nhau vào dưỡng đường chăm sóc Cô Kim Chi như chăm sóc người mẹ hiền :

Lệ Cô rơi em chậm.

Tay Cô cong em nắn.

Chân Cô mềm em xoa.

Buổi lễ tưởng niệm trong nhà hàng Le Santal, do nhã ý của nhà hàng cho mượn, không còn chỗ ngồi. Sau phần chào mừng quan khách và nhắc lại kỹ niệm với Cô cũng như nhắc lại truyền thống Gia Long được phát biểu bởi 3 cô học trò

là phần văn nghệ để tưởng nhớ Cô Đặng Kim Chi. Lần lượt các cô học trò cũ và một số thân hữu trình bày những bài nhạc đầy ý nghĩa như Cát Bụi, Lòng Mẹ ( Cô Kim Chi không có con nên các học trò xem cô như mẹ và có lẽ Cô cũng đã chuyên chở cả tấm lòng thương yêu trìu mến của Cô cho đám học trò, như một bà mẹ hiền hết lòng dạy dỗ con thơ). Có người hát bài Áo Lụa Hà Đông (Cô Kim Chi nổi tiếng là ăn mặc đẹp, vào những năm 60s cô đã là người đi tiên phong trong việc ăn mặc trang nhã với chiếc áo dài và quần cùng một màu ). Ngoài ra có màn đàn tranh, có 2 cô hát 2 bài vọng cổ thật mùi và 2 bạn trẻ chơi nhạc cổ điển Tây phương.

Vào phần cuối không khí trở nên sôi động, để trở về thời 60s, những bài nhạc Pháp được hát lên với sự hát họa theo của hội trường : Aline, La plus belle pour aller danser…

Buổi lễ tưởng niệm có sự hiện diện của phu quân Cô Kim Chi, Thầy Trần Minh Châm, tuy đã hơn 90 tuổi, ông vẫn còn phong độ trong bộ y phục “complet” tươm tất, vẫn còn dáng dấp uy nghi, lịch lãm của một cựu nhân viên ngoại giao VNCH được bổ nhiệm ở Tòa Đại Sứ VN tại Pháp trước 75. Điều mà mọi người khâm phục là khi Cô Kim Chi lâm bạo bịnh, ông ngày ngày vào chăm sóc từ miếng ăn đến trang phục để Cô không bị sa sút về ngoại hình . Một tấm gương chung thành, cùng nhau chia xẻ cay đắng ngọt bùi hiếm thấy.

Buổi lễ được tổ chức chu đáo, khách mời là những người trong gia đình, thân hữu và cựu học sinh . Khoảng ba giờ trưa chương trình ca hát bắt đầu, sau đó là phần giải lao, các cô Gia Long mời khách ăn uống thật ngon , chả giò dòn rụm, tôm chiên, bánh đút, xôi mặn… rồi trái cây, chè và bánh ngọt. Người tham dự vừa tưởng nhớ cô Kim Chi vừa được nghe nhạc hay, vừa được ăn ngon và tất cả đều miển phí. Không hiểu Hội Gia Long Âu Châu lấy ngân quỹ ở đâu… hay do các cô xuất tiền túi ra đãi khách.

Trong Tuyển Tập, Giáo Sư Nguyễn Lân có kễ về thành tích Cô Kim Chi khi được chỉ định của Trường Gia Long để diễn kịch, đóng vai Tướng Thúc Bột Đào đối diện với Thành Cát Tư Hản. Khi Cô vừa bước chân ra sân khấu, rạp Quốc Thanh vào thời đó, thì khán giả đã vổ tay ròn rã vì dáng dấp vị tướng giặc quá oai hùng, quá đẹp và “ăn đèn” . Cách diễn xuất thần của Cô cũng được tán thưởng nồng nhiệt. Một điều mà ít người biết là cô Kim Chi rất thích văn nghệ, Cô đã đở đầu cho ban nhạc trẻ thời đó “Les Fanatiques” (Những kẻ đam mê) có em trai Cô (tên Khiêm) chơi nhạc và cả nhóm đã thường dợt ở ngoài sân vườn nhà Cô, ngôi biệt thự bề thế ở số 6 đường Hồ Xuân Hương. Cái tên Les Fanatiques là do Cô đặt cho, vì là một giáo sư Pháp Văn, biết những người trẻ tuổi này đam mê âm nhạc, Cô đã dành danh hiệu đầy ý nghĩa đó tặng cho họ.

Dợt nhạc trong sân vườn nhà cô Kim Chi, số 6 đường Hồ Xuân Hương.

Điều này cho thấy Cô là môt người đi tiên phong nữa. Cũng như Cô đã tiên phong trong việc dàn dựng, tổ chức, sắp đặt cho trường Sương Nguyệt Anh vào lúc ban đầu, khi Cô được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng của trường này, để chỉ 2 năm sau, năm 1973, Cô phải từ chức để theo phu quân sang Pháp khi ông nhận nhiệm vụ mới ở Tòa Đại Sứ VN tại Paris.

Gia Long là một trường trung học nổi tiếng là đã đào tạo nữ sinh giỏi, đỗ đạt cao mà cũng dạy cho họ có cả Công Dung Ngôn Hạnh. Sự giáo huấn, công ơn dạy dỗ đó là do những Giáo Sư như Cô Kim Chi và các Thầy Cô khác. Học trò Gia Long đã không quên giáo sư đã giúp họ nên người, nên danh phận sau 7 năm dùi mài đèn sách. Truyền thống ghi nhớ ơn Thày Cô của họ thật đáng trân trọng. Ngày nay khó mà thấy những tấm lòng chân thật thương tiếc Thầy Cô như các nữ học sinh này. Quyển Tuyển Tập cũng có những dòng thơ mà Gia Long Âu Châu đã dùng để tiển biệt vị Giáo Sư yêu quí của họ :

Có còn đâu, giờ biết tìm đâu

Xót xa đời qua cuộc biển dâu

Hợp rồi tan, ly tan rồi hợp

Thầy ta, ta khóc có chi đâu.

Trời Paris ngày chủ nhật 15 tháng 3 năm 2015 chuốm lạnh lại nhưng là một cái lạnh nhè nhẹ dễ chịu, người tham dự lễ ra về lòng bùi ngùi trước những tấm lòng, không ngờ còn chan chứa tình người ở xã hội tân tiến, lạnh lùng, mạnh ai nấy sống như hôm nay.

Thanh Vân

(Paris, 20 tháng 3 năm 2015)

(*) Để có “Tuyển Tập” xin liên lạc với 2 địa chỉ này :

gl.auchaudm

glauchaueu

 

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.