Tâm Tình Với Hai “Hoa Hậu Việt Báo” Khôi An-Phương Hoa

Khôi An-Phương Hoa

LGT: Một tình cờ mà Hoàng Lan Chi quen được hai “hoa hậu Việt Báo”. Hoa Hậu Việt Báo là tiếng gọi thân mật của Việt Báo, Nam CA, dành cho các tác giả đoạt giải chung kết Cuộc Thi Viết Về Nước Mỹ với trị giá 10,000 Mỹ Kim. Xin mời xem Hoàng Lan Chi trò chuyện với Khôi An, người đoạt giải năm 2013 và Phương Hoa, người của giải năm 2014.

Với Khôi An

1-Con đường đến thế giới văn chương của cô như thế nào vì được biết khi VC chiếm miền Nam, cô đang học lớp 6. Ròng rã 6 năm, cô không được học chương trình Việt văn của VNCH mà của VC. Làm thế nào để cô thoát ảnh hưởng của lối giáo dục CS trong lãnh vực Việt Văn?

Khôi An đến với văn chương Việt Nam qua hai con đường: đọc sách và sự giáo dục của gia đình.

Bố của Khôi An là người rất yêu sách, ông sưu tầm sách của nhiều ngôn ngữ, trong đó dĩ nhiên có rất nhiều sách tiếng Việt chọn lọc. Khôi An học tiếng Việt, yêu tiếng Việt, và trau giồi cách viết tiếng Việt qua những quyển sách giá trị đó. Có lẽ nhờ đọc sách nên Khôi An có khiếu văn chương khá sớm. Bố Mẹ của Khôi An thấy vậy nên cũng bỏ ít thì giờ dạy thêm khi Khôi An còn rất nhỏ. Một kỷ niệm dễ thương là khi Khôi An mới 7 tuổi Bố đã cho “học ké” Việt Văn với người chị đang luyện thi vào lớp Sáu. Lúc đó, Khôi An đã nghe giảng và tập tễnh viết luận về những đề tài rất cao so với tuổi, thí dụ như bình giải câu thơ của Nguyễn Công Trứ “Đã mang tiếng ở trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông”.

Năm 1975 thì Khôi An đang học lớp 6. Có nghĩa là hầu hết quãng đời Trung học của Khôi An là dưới chế độ Việt Cộng. Khôi An đã phải học rất nhiều văn thơ của họ, nhưng không hề bị ảnh hưởng xấu. Bây giờ, để trả lời câu hỏi của chị, Khôi An tóm tắt thành ba lý do: đó là bản tính, căn bản sẵn có, và sự trợ giúp ở nhà từ sách và cha mẹ.

Từ bản tính của một người con trong một gia đình di cư chạy Cộng Sản, Khôi An rất thận trọng với mọi điều họ dạy và ít khi làm theo. Thêm vào là trí nhớ khá tốt nên sau một thời gian dài, Khôi An vẫn nhớ và dùng những chữ hay và đúng của thời trước. Từ căn bản vững vàng sẵn có và sự giúp đỡ ở nhà, Khôi An không bị nhiễm cách dùng chữ ngớ ngẩn, dùng chữ quá đáng, dùng chữ sai văn phạm của Việt Cộng vì có thể phân tích rõ tại sao như vậy là sai. Nhờ “gạn đục, khơi trong” mà Khôi An đã không bị nhiễm cái dở mà còn học được một vài chữ hay (rất hiếm) sau 1975. Thí dụ như là chữ “quý” (nghĩa là nửa năm – một năm có hai “quý”) thay cho chữ “lục cá nguyệt” quá dài, quá Hán Việt thường dùng thời VNCH.

2-Cô thích viết trong lãnh vực nào nhất?

Khôi An thích viết về những đề tài có liên quan tới con người, và xã hội. Mỗi bài viết đều chuyên chở suy tư hay chia sẻ cảm nghĩ về một chuyện có ý nghĩa. Khôi An hy vọng tìm được những người đồng cảm, từ đó bài viết có thể thành lời nhắc nhở, gợi ý họ làm những bước kế tiếp.

Một thí dụ là bài viết đầu tiên năm 2009: Tình Nghĩa, Nghĩa Tình. Khôi An muốn chia sẻ rằng chúng ta đã được nước Mỹ đón nhận, cho chúng ta bao tháng ngày bình an, no ấm và được thật sự sống tự do. Do đó Khôi An biết ơn và yêu quý đất nước này, không coi đây là nơi tạm dung, miễn cưỡng phải ở (như nhiều người đã viết). Yêu quý nước Mỹ không có nghĩa là phải bớt yêu Việt Nam, như trong bài viết có nói “tôi đâu phải là cá hồi mà phải chọn giữa sông và biển”. Bài viết đó đã được sự thông cảm ở khắp nơi. Gần đây, nhóm Quỹ Tù Nhân Lương Tâm ở Úc đã gởi cho chính Khôi An bài viết đó. Khi bài viết được chuyển đi rất xa rồi trở lại, có nghĩa là những cảm xúc của mình đã được nhiều người thấm thía. Bài viết đã đạt được mục đích chia sẻ mà Khôi An mong muốn, làm Khôi An thấy rất vui.

3-Khi viết cô thường theo một trình tự nào? VD chọn đề tài rồi viết dàn bài để theo đuổi ý chính, ý phụ hay đa số là “free writing” đúng nghĩa? Cho ví dụ?

Đối với Khôi An, bài viết bắt đầu bằng cảm xúc. Cảm xúc đến từ sự quan sát và suy nghĩ của mình về những chuyện xảy ra ở chung quanh. Tuy nhiên, cảm xúc thì rất nhiều nên chỉ những đề tài có thể đem lại kiến thức và một lời nhắn nhủ có ý nghĩa tới người đọc, Khôi An mới nghĩ đó là một đề tài đáng viết.

Khi có đề tài đáng viết rồi thì Khôi An nghĩ xem đề tài đó có quá khô khan không, hay là có thể viết thành một bài có ý nghĩa, có thông tin, mà vẫn mềm mại đủ để giữ được người đọc qua những xúc động chân thành. Nếu qua được lần cân nhắc này thì Khôi An sắp xếp lại ý nghĩ, cảm xúc cho mạch lạc, nếu cần thì nghiên cứu thêm về các chi tiết cho đầy đủ, và bắt đầu viết.

Nói chung, Khôi An cân nhắc hơi nhiều cho bài viết. Vì vậy, với đời sống phong phú ở chung quanh, lúc nào Khôi An cũng có nhiều đề tài muốn viết hơn là bài viết (cười).

4- Giải VB chung kết nào gây ấn tượng cho cô nhất? Vì sao?

Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ gây ấn tượng cho Khôi An nhất là giải năm 2013, người nhận là Khôi An.

Giải thưởng trao cho một bài đại diện, nhưng Khôi An nghĩ ban tuyển chọn đánh giá các tác giả trên rất nhiều bài, có thể là tất cả các bài trong năm của mỗi người. Ban tuyển chọn gồm mười người, và Khôi An nghĩ về họ như một nhóm đại diện người đọc. Vì vậy, khi được trao giải, Khôi An có ấn tượng mạnh vì thấy những tâm tình, chia sẻ qua các bài viết đã được công nhận giá trị bởi ban tuyển chọn, nói riêng, và người đọc, nói chung.

Hơn nữa, Viết Về Nước Mỹ là diễn đàn mà Khôi An đã tin tưởng gởi gấm những bài viết của mình. Khi được giải, Khôi An thấy đó là một sự cảm thông giữa mình và diễn đàn. Điều đó cũng làm cho Khôi An gắn bó hơn với việc viết lách.

5-Cô có những bài liên quan đến con người và cả đất nước. Vd “Bố, mẹ và phở” hay “Nỗi niềm ba thế hệ”. Vì thế, xin cho biết nhận định của cô về cộng đồng hải ngoại và con đường nào cho Việt Nam hiện nay?

Đây là một đề tài rất rộng, Khôi An xin trả lời trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp của mình.

Theo Khôi An nghĩ, tình trạng cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại khá phức tạp, lý do chính là vì hoàn cảnh đất nước Việt Nam:

· Việt Nam mới bị Cộng Sản chiếm trọn từ năm 1975, số người đã từng sống ở hai bên lằn ranh của cuộc chiến còn rất nhiều.

· Việt Nam theo chế độ “Cộng Sản mở cửa” giống như Tàu, nghĩa là đất nước có chút tự do (giả tạo) ở trong vòng kiểm soát của nhà cầm quyền. Tuy bị đàn áp, bóc lột nhưng dân chúng cũng được làm ăn và người nước ngoài được đến kinh doanh, du lịch. Gần đây, người ở Việt Nam được đưa con cháu đi du học và ngay cả tạo cơ sở làm ăn ở nước ngoài. Do đó, người Việt ở hải ngoại có nhiều rất thành phần và quan điểm khác nhau.

· Ngay trong những người cùng chống Cộng cũng có sự khác nhau giữa phương cách. Thêm vào đó, sự chủ quan và tình cảm riêng tư nhiều khi làm cho sự khác nhau trở thành càng lớn.

· Nhà cầm quyền Việt Cộng thấy rõ tiềm năng kinh tế rất lớn của cộng đồng người Việt ở nước ngoài nên ra sức khai thác và chiêu dụ. Những người ngả lòng vì lợi ích cá nhân, những người lửng lơ, không quyết liệt vì không biết mình có sẽ thay đổi hay không cũng rất nhiều.

Vì những lý do nêu trên, hiện nay cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại khó đoàn kết chặt chẽ, khó bỏ qua khác biệt nhỏ mà hy sinh cho công cuộc lớn, và khó có một phương hướng hành động chung.

Tuy nhiên, vẫn còn một điều tốt đẹp là tất cả người Việt (trừ nhà cầm quyền Việt Cộng) đều đồng ý là điều quan trọng nhất cho Việt Nam là giữ toàn vẹn lãnh thổ, trước mắt là ngăn chặn họa mất nước về tay Tàu. Khôi An nghĩ rằng điều này sẽ trở thành lý tưởng chung cho người Việt Nam trên khắp thế giới, và đây là con đường cho Việt Nam. Khi đã có lý tưởng chung thì chúng ta có thể thực hiện bằng nhiều phương cách như thay đổi nhà cầm quyền hèn yếu, bán nước; xây dựng đất nước giàu mạnh, không lệ thuộc nước ngoài; kêu gọi sự đoàn kết của các nước trong vùng để tạo sức mạnh; dùng khả năng và phương tiện của cộng đồng Việt hải ngoại để vận động sự quan tâm của quốc tế.

6-Nếu có một lời tâm tình với những người như cô, nghĩa là thuộc thế hệ coi như một rưỡi, cô sẽ nói gì?

Thế hệ cha anh chúng ta đang bước vào tuổi già và chúng ta đang trở thành người lèo lái cộng đồng. Là nhịp cầu nối giữa thế hệ thứ hai sinh ra ở hải ngoại với quê hương Việt Nam, chúng ta có một trách nhiệm rất lớn là làm sao cho thế hệ thứ hai không rời xa gốc Việt.

Đây là một điều rất khó bởi vì lớp trẻ sinh ra và lớn lên ở rất xa Việt Nam. Họ hấp thụ nền giáo dục Tây Phương, thấm nhuần cách suy nghĩ, phong cách Tây Phương và rất độc lập trong tư tưởng. Chúng ta cần làm sao cho họ muốn quan tâm và gần gũi với cội nguồn.

Điều quan trọng nhất là chúng ta cố gắng làm gương tốt trong cách sống cũng như trong những hoạt động về văn hóa, lịch sử, chính trị. Những người trẻ rất khôn ngoan, sắc sảo đang nhìn những điều chúng ta làm. Dù bằng ý thức hay trong vô thức, những gì họ thấy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm, cảm xúc của họ về nguồn gốc Việt Nam.

Chúng ta cũng nên khuyến khích, tạo cơ hội cho lớp trẻ tham gia sinh hoạt tìm về cội nguồn, giới thiệu những gương tốt của các thế hệ trước, và cung cấp tài liệu lịch sử trung thực bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Những việc làm này không những giúp cho những người trẻ có lòng, có quan tâm tới văn hóa và đất nước Việt mà còn góp phần thu hút những người không mấy gắn bó với nguồn gốc.

Nói chung, chúng ta cần suy ngẫm từ đời sống của chính mình, học hỏi các dân tộc khác, và dùng những điều hay đang xảy ra ở chung quanh để rút ra những cách làm cho lớp trẻ thấy tự hào về nguồn gốc Việt. Từ đó, họ sẽ thấy học hỏi về lịch sử, văn hóa Việt Nam là điều “cool” chứ không vô ích, lỗi thời. Khi có lòng tự hào về cội nguồn, họ sẽ tiếp tục giữ cái hồn Việt. Và khi hồn Việt còn được giữ bằng những thế hệ tiếp nối nhau thì việc xây dựng một nước Việt thật sự tự do, hạnh phúc, và hùng mạnh sẽ không phải là một ước mơ xa vời.

Với Phương Hoa

1-Chị thích viết lãnh vực nào?

– Phương Hoa chỉ là một cây bút “tài tử”, thường viết khi nào dành dụm được chút thời gian, nên bất cứ lãnh vực nào, “tâm lý tình cảm xã hội…” gì gì mình cũng đều thích viết cả. Nhưng PH “mê” nhất là những câu chuyện “người thật việc thật” vì có cơ hội cho mình học hỏi và giới thiệu với độc giả những kinh nghiệm và sự thành công của các nhân vật.

2- Chất liệu cho bài viết, thường chị lấy ở đâu? Kỹ thuật lấy? Kỹ thuật khai triển từ chất liệu để thành một bài viết?

– Đơn giản lắm, thường thì PH không phải “vận dụng kỹ thuật” gì cả. Chất liệu để viết bài của PH hầu hết đến từ những câu chuyện xảy ra ngoài đời mà PH tình cờ bắt gặp, nghe người ta kể lại, hoặc đọc từ tin tức báo chí. Nhưng quan trọng hơn cả phải nói là nhờ PH thích làm quen, kết bạn với mọi người, mọi giới, kể cả người Mỹ, người nước ngoài, và người nước… trong (người Việt mình), và lắng nghe họ. Nếu biết được một câu chuyện hấp dẫn, PH bằng mọi cách phải tìm hiểu thêm cho “tới bến mới thôi”. Ví dụ như khi tình cờ nghe câu chuyện ly kỳ của cậu bé Mỹ 10 tuổi tên Dann. Sau khi cậu nhận lá thư của người bạn lớn từ chiến trường Dĩ An bên Việt Nam, thư viết ngoài mặt trận, lại viết trên mặt sau của mảnh giấy chỉ dẫn cách sử dụng mìn Claymore nhàu nát, đã khiến cậu bé xúc động và bắt đầu sưu tập kỷ vật để lập Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam. Nghe xong PH tìm đến tận Viện Bảo Tàng và thu thập thêm nhiều chi tiết rất tuyệt vời. Độc đáo hơn, ở đây có trưng bày một lá cờ vàng ba sọc đỏ cũ kỹ của Việt Nam Cộng Hòa do một phụ nữ Mỹ trẻ (nay là vợ giám đốc Dann) đã may tay hơn 30 năm về trước với những đường kim mũi chỉ vụng về thấy thương lắm, vì khi Dann khai trương Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Việt Nam mà không tìm đâu ra một lá cờ Việt Nam Cộng Hòa. Cũng nhờ bài viết về tấm lòng của cậu bé Mỹ này đối với các cựu chiến binh Hoa Kỳ và với cuộc chiến Việt Nam, mà PH vinh dự được chọn cho giải Chung Kết 2014.

3-Theo chị, đề tài nào là hấp dẫn hiện nay cho đa số người đọc? Để hấp dẫn đa số người đọc, một bài viết nên có những tiêu chuẩn nào?

Nói chung thì rất đa dạng, những đề tài liên quan đến sức khỏe, kinh tế, ngành nghề, hoặc là những vấn đề xã hội…đều được độc giả đón nhận, nếu câu chuyện có nhiều tình tiết sống động, hay còn gọi là “giật gân” và khả tín (believable). Chuyện tình thì muôn đời vẫn còn “nóng hôi hổi”, nhưng hình như những câu chuyện tình lãng mạn theo kiểu thời xưa bây giờ đã không còn ăn khách nữa. Độc giả trong tình hình xã hội ngày nay có vẻ cần những câu chuyện “cập nhật” theo sức cuốn hút của thời đại, những câu chuyện mà khi đọc người ta cảm thấy chính họ cũng có chút “dây mơ rễ má” với nhân vật. Cho nên theo PH, để hấp dẫn độc giả, ngoài những yêu cầu căn bản phải có của một bài viết, như đề tài hấp dẫn, bố cục chặt chẽ, sự dẫn dắt lôi cuốn khiến người ta tiếp tục đọc, và “nghe như thật”, thì những thông điệp mà tác giả muốn nhắn gửi trong tác phẩm của mình là điều cũng quan trọng không kém. Tạo ra những tình huống tâm lý khiến cho độc giả quyện hồn vào câu chuyện. Điều này sẽ làm cho độc giả cảm thấy như là chính họ đang giải quyết vấn đề, dù là bằng những thông điệp mà tác giả gửi gắm vào. Tóm lại, nếu đặt cả trái tim mình vào bài viết thì sẽ được độc giả đón nhận.

4- Chị tiên đoán thế nào về tương lai của nền văn học VN tại hải ngoại? Sau khi thế hệ chúng ta và thế hệ một rưỡi còn yêu thích tiếng Việt như Khôi An, Khánh Vân qua đi, có gì để tiếp nối không hay sẽ là “giòng sông đứng lại?”

– PH không phải là một chuyên gia, nên cũng khó có thể tiên đoán chính xác. Nhưng PH cảm thấy mình có quyền hy vọng, khi nhìn tình hình sinh hoạt và những cố gắng của người Việt hải ngoại hiện tại. Nhất là ở Hoa Kỳ, chúng ta đang có rất nhiều trung tâm Việt Ngữ mở ra khắp các tiểu bang để dạy tiếng Việt cho các cháu. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ ở Nam Cali cũng có chương trình dự thi Bé Viết Văn Việt để đón nhận bài viết tiếng Việt của các cháu khắp nơi trên thế giới chứ không riêng gì Hoa Kỳ. Tiện đây PH cũng xin nhắc quý phụ huynh và các thầy cô giáo, khi nào thấy các cháu có những bài văn tiếng Việt hay, giá trị, thì nên gửi về Việt Báo cho các em dự thi để khuyến khích chúng. Còn nữa, gần đây cộng đồng chúng ta có được tin rất vui là Đại học Cal State Fullerton tại tiểu bang California đã mở chương trình Cử Nhân tiếng Việt. Trong đó gồm có 3 chương trình giảng dạy, chương trình bằng Cử Nhân Việt Ngữ, sư phạm giảng dạy Việt Ngữ, và chương trình song ngữ Việt – Anh. Nếu các chương trình này được ủng hộ, thì trong tương lai sẽ còn nhiều trường đại học khác ở các nơi tiếp nối. PH nghĩ, nếu tất cả người Việt hải ngoại chúng ta đều cố gắng khuyến khích, giúp đỡ con em mình học tiếng Việt, thì tương lai của nền văn học VN tại hải ngoại sẽ không bao giờ mai một.

5-Một số nhà văn hải ngoại hiện nay hay dựa vào vài chi tiết thật và sau đó “hư cấu” thành một câu chuyện để rồi sau đó họ cho đó là chuyện thật. Tuy thế, vì hư cấu nên thế nào cũng có những chi tiết “không logic”. Chị nhận định thế nào về hiện tượng này? Nên khuyên khích hay lên án?

– Có lẽ không phải chỉ “một số nhà văn hải ngoại” mà bất cứ tác giả nào khi viết, ngoài những câu chuyện “người thật việc thật” ra, cũng đều dựa vào những chi tiết thật về tâm lý tình cảm xã hội ngoài đời, còn lại là hư cấu thêm. Nhưng dù hư cấu, tác giả bắt buộc phải sáng tạo để câu chuyện được logic, nhân vật trở nên sống thực, tạo sự thích thú cho độc giả tiếp tục lật sang trang. Văn hào Ernest Hemingway đã từng có câu nói rất nổi tiếng cho giới cầm bút, “Khi viết một quyển truyện, tác giả nên tạo ra những con người sống thực (living people), không phải những nhân vật (characters). Nhân vật chỉ là một bức tranh biếm họa”.

Cho nên, nếu một câu chuyện mà “có những chi tiết không logic” như HLC nói, thì tác giả bị sự phán xét của độc giả là lẽ đương nhiên.

Hoàng Lan Chi thực hiện 4/2015

*********************************************

Xin mời xem hai truyện của Khôi An và Phương Hoa

Tình Nghĩa, Nghĩa Tình

Tác giả: Khôi An

Tác giả đến Hoa Kỳ năm 1984, hiện là cư dân cuả Bắc California. Nghề nghiệp: kỹ sư điện tử tại Intel Cooperation. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là “Vui Buồn Thuở Ấy”. Bài mới viết cho biết thêm cô là thuyền nhân và kể lại câu chuyện xúc động: Một chuyến tầu vượt biển bị hải tặc săn đuổi và vào lúc tả tơi cùng quẫn hết chạy nổi thì thấy lá cờ Mỹ…
***
Lần đầu tiên tôi có ý định viết chuyện này là năm 1989. Năm đó, cả nước Mỹ xôn xao tranh cãi về việc một người đàn ông đã đốt lá cờ Mỹ ngay trên thềm toà nhà Quốc Hội trong buổi họp thường niên cuả đảng Cộng Hoà. Lúc đó tôi đã nghe nhiều bàn tán về sự kiện này từ phía chống đối cũng như phe ủng hộ. Ngày đó tôi vưà mới tốt nghiệp đại học, chưa để ý nhiều đến những sinh hoạt chính trị xã hội ở chung quanh, nhưng trong lòng tôi đột nhiên dâng lên một cảm xúc gần như là tiếc cho ngươì đàn ông đã làm hành động đó. Nếu ông ta từng nhìn lá cờ Mỹ qua đôi mắt của tôi và của hơn một trăm ngươì bạn đồng thuyền vaò buổi sáng muà hè năm ấy, không biết ông ta có hành động khác đi chăng"

. . .
Đêm trung tuần tháng 7 năm 1983 bắt đầu khá êm ả. Con thuyền nhỏ đầy kín ngươì đã ra hải phận quốc tế được gần 24 tiếng. Tôi đã hơi quen với mùi hôi tanh lợm giọng trong thuyền nên cảm thấy hơi tỉnh táo, ngồi bó gối nhìn cô em gái nằm bên cạnh đang mê man vì say sóng. Ngước mắt nhìn lên bầu trời đang chuyển dần từ màu xám sang màu đen thẫm, tôi thầm cầu nguyện cho được bình an. Cám ơn trời, biển khá êm, con tàu không vật vã mà chỉ chồm lên hụp xuống theo từng đợt sóng. Tiếng khóc cuả con nít, tiếng càu nhàu than thở, tiếng chửi thề cũng lắng dần khi mọi ngươì chìm vào giấc ngủ mệt mỏi…
Hình như tôi có thiếp đi một lúc vì khi tôi giật mình choàng dậy thì sự hoảng sợ đã chụp xuống chung quanh. Bác tài công đang hối hả kêu mấy ngươì lái phụ và các thanh niên khác dùng bạt bịt kín khoang thuyền nơi mọi người đang nằm chen chúc. Chiếc đèn măng xông duy nhất trong phòng máy bị thổi tắt phụt sau khi bác tài công ra lệnh:
– Tắt đèn! Tắt hết đèn đi!
Lắng nghe những lời thì thào trao đổi một lúc tôi mới hiểu ra rằng tàu chúng tôi đang bị tàu cuớp Thái Lan đuổi bắt. Chúng tôi phải tắt hết đèn chạy xuyên vào biển đen trong khi tàu Thái ra sức rượt theo. Cả tàu đuợc lệnh tuyệt đối im lặng, những đứa bé vưà lên tiếng khóc phải bị bịt miệng ngay. Không biết lúc đó tôi còn trẻ quá, dại dột quá, có nhiều tin tưởng quá, hay vì cảm xúc cuả tôi đã tê dại đi, nên tôi không thấy sợ hãi lắm. Tôi gần như không cảm được sự hãi hùng của hơn một trăm sinh mạng đang loi ngoi trong khoang thuyền bịt kín. Tôi chỉ thấy khó thở vô cùng; tôi chỉ thấy nhẹ gánh cho em tôi đang mê man, chắc nó không phải cảm thấy sự ngộp thở tưởng chừng như không kham nổi mà tôi đang chịu; tôi chỉ biết tự nhủ ráng lên, ráng lên; và tôi không ngừng cầu xin Thượng Đế, Chúa, Phật, và tất cả những đấng thiêng liêng cứu vớt chúng tôi…

Chúng tôi chạy vòng vèo ngay truớc mũi tử thần trong suốt một đêm, và bình minh tới dù không ai mong đợị. Những tia sáng đã quét đi màn đêm đang che chở chúng tôi. Bác tài công buông những câu chửi thề uất hận khi khoảng cách giữa bọn cướp và chúng tôi thu ngắn trong khoảnh khắc… Rồi tôi lại nghe bác lại chửi, nhưng lần này đuợm vẻ ngạc nhiên pha chút vui mừng:
– ĐM, hình như tụi nó bỏ đi hả bây"

Tấm bạt bịt khoang được hé ra cho chúng tôi khỏi chết ngộp, và qua cái khe hở nhỏ đó, một con cá nhỏ xíu bằng ngón tay cái đã phóng vào thuyền, rơi xuống ngay cạnh tôi. Tôi ngước mắt cố nhìn nhưng vì đang ngồi bẹp trong khoang thuyền nên tôi chẳng thấy được gì ngoài một mảng trời đang sáng dần.
Bỗng bác tài công và những nguơì trong phòng máy trên cao vụt la lớn:
– Có tàu! Có tàu lớn ở đàng xa kià!
– Tàu gì vậy" Vái trời cho không phải tàu Liên Xô!

Chúng tôi như đuợc hồi sinh, ai cũng nhỏm lên nhìn nhưng vì lúc đó chiếc tàu kia chỉ là một đốm nhỏ ở xa nên tôi chưa thấy gì cả. Vài phút sau, có tiếng máy rồi một chiếc máy bay trực thăng nhỏ bay qua. Người trong thuyền la hét như điên cuồng, nhiều người đàn ông cởi áo phất lia lịa nhưng máy bay chỉ lượn vài vòng rồi… mất hút. Dù sao chúng tôi cũng có một tia hy vọng ở chân trời, chúng tôi vội nhắm cái chấm ở tít đằng xa mà chạy tới. Và chiếc tàu kia hình như cũng đang chạy về phía chúng tôi vì nó càng ngày càng lớn dần.
Và, suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên giây phút đó, giây phút ngươì đàn ông ngồi trên cao la lạc giọng:
– Thấy rồi! Thấy cờ Mỹ rồi!

Nước mắt ông ràn rụa trên khuôn mặt khắc khổ lấm lem dầu máy. Mọi người đứng bật lên làm thuyền chao mạnh. Chúng tôi đã thật sự được sống!

Chiếc tàu vớt chúng tôi là một hàng không mẫu hạm của Mỹ. Nó to như một toà nhà mười mấy tầng, những ngươì lính đầu tiên phải leo thang dây xuống để đem con nít và những ngươì yếu sức lên trước. Em tôi đã tỉnh dậy như một phép lạ và chúng tôi bám vào thang dây, dò từng bước leo lên boong tàu. Vưà lên tới nơi, mỗi ngươì được trao một ly sữa và một trái táo trước khi tụ tập trong một góc boong. Và ngạc nhiên thay, trên tàu đã có cả trăm ngươì Việt Nam chạy ra mừng chúng tôi. Thì ra chiếc tàu Mỹ này vừa mới vớt một thuyền vượt biên khác ngày hôm trước. Sau khi mọi ngươì đã lên tàu lớn, những nguơì lính Mỹ tưới xăng lên chiếc thuyền mà chúng tôi vưà rời khỏi rồi châm lưả đốt. Đứng trên boong tàu nhìn vói theo chiếc thuyền nhỏ xíu đang bốc cháy và trôi dần ra xa, biết rằng mình vô cùng may mắn, nhưng lòng tôi vẫn thoáng chút ngậm ngùi…
Tổng cộng thuyền nhân đuợc cứu từ hai chiếc ghe vuợt biên lên tới gần hai trăm năm mươi người. Hồi đó, tiếng Anh cuả tôi kém và tính tình nhút nhát nên không dám hỏi han những người lính ở trên tàu. Tôi chỉ nghe nói lại là chiếc hàng không mẫu hạm này đang trên đuờng đi công tác ở Phi Luật Tân. Họ đã nhìn thấy tàu chúng tôi từ rất xa và quyêt định đi chếch qua để cứu chúng tôi. Chiếc trực thăng bay qua trước khi tàu đến cũng là do vị thuyền trưởng đã gởi tới để xem xét tình trạng của chúng tôi.

Không hiểu vì sao mà trên tàu có sẵn một số quần áo cũ. Chúng tôi đuợc phép lựa những thứ tạm mặc đuợc để thay đổi hàng ngàỵ. Khổ nỗi đống quần áo đã qua sự lựa chọn cuả những người lên trước nên chỉ còn toàn những thứ khó mặc. Tôi nhặt đại hai cái áo to bằng bốn lần khổ người tôi, và một bộ áo liền quần màu xanh bó sát. Chẳng hề gì, tôi vẫn vô cùng sung sướng vì ước mơ gần như hoang đường nay đã thành sự thật: tôi đã trốn thoát khỏi Việt Nam và đang ở trên tàu Mỹ.

Ngày đó tôi vưà học xong trung học. Sau 8 năm đói khổ sau bức màn sắt cuả Cộng Sản, thế hệ chúng tôi hầu như quên mất có một thế giới bên ngoài. Trong những ngày trên tàu Mỹ tôi đã gặp lại những hành động lịch sự, những cử chỉ nhân ái gần như đã biến mất trong xã hội nơi tôi vừa ra đi. Những ân nhân của chúng tôi ân cần đến từng chi tiết nhỏ, một trong những việc đầu tiên họ làm là phát phong bì, giấy bút cho chúng tôi viết thư báo tin cho người thân. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ chiếc phong bì màu xanh nhạt có hình chiếc hàng không mẫu hạm và tên tàu ở góc, tôi vẫn còn nhớ ánh mắt thương cảm của những người trên tàu nhìn chúng tôi nhếch nhác, bơ phờ dò từng bước lên tàu.

Suốt thời gian trên tàu tôi vô cùng ái ngại cho những ngưòi lính và những sĩ quan đã tốn không biết bao nhiêu công sức để lo cho hơn hai trăm ngươì chúng tôi. Vì hàng không mẫu hạm là đơn vị quân sự nên chúng tôi không được phép ra khỏi phần cuối boong tàu. Mỗi người được phát một tấm chăn dạ màu xám, loại chăn nhà binh Mỹ mà tôi đã thấy trước năm 1975. Chăn rất tốt và khí hậu Thái Bình Dương vào muà hè khá ấm nhưng chúng tôi phải nằm ngay trên boong và gió thổi lồng lộng khi tàu chạy nhanh nên ban đêm vẫn lạnh. Tôi ngủ đuợc rất ít nhưng chính vì thế tôi càng có cơ hội chứng kiến sự tận tâm cuả những người trên tàu. Sáng sớm tôi vưà thức dậy đã thấy ngươì ta đang lăng xăng dọn thức ăn sáng cho chúng tôi. Mất mấy tiếng mới phục vụ hết đám ngươì đông đúc nên chỉ vài tiếng sau là họ lại lục tục lo bữa ăn trưa, rồi ăn tối. Thức ăn quá lạ miệng nên tôi không thấy ngon, ngay cả trái chuối cũng khác ở Việt Nam, nhưng tôi nhớ nhất là ly cà phê đầu tiên trên tàu. Đã từng nếm những ly cà phê đen sánh quậy với sữa đặc ở Việt Nam, tôi ngạc nhiên lắm khi ngậm ngụm cà phê Mỹ pha sẵn. Thật tình, cà phê sao chua lè và trong veo, y như là nước giảo của cà phê Việt Nam!

Vấn đề vệ sinh cho hơn hai trăm người chen chúc trong khoảng không gian nhỏ mới thật là kinh khủng. Thuỷ thủ đòan phải dùng nylon đen che thành mấy phòng tắm quay mặt ra biển, nhà vệ sinh cũng là nylon đen quây quanh mấy thùng sắt to. Mỗi sáng nhân viên trên tàu cùng chúng tôi dọn dẹp, và tôi không thấy người nào tỏ thái độ khó chịu cho dù trong khi làm những việc cực nhọc nhất.

Mấy ngày ngắn ngủi trên tàu mãi mãi là một trong những kỷ niệm khó quên nhất trong đời tôi. Trên chiếc hàng không mẫu hạm hùng vĩ đó, tôi đã đuợc xem cảnh tàu chở xăng xáp vào tiếp nhiên liệu cho tàu lớn ngay trên biển, đã được chứng kiến những sinh hoạt hàng ngày quy củ răm rắp như một trong guồng máy nhưng đuợc thực hiện bởi hải đoàn đầy ắp tình người. Tôi nhớ nhân viên trên tàu ngoài nhiệm vụ riêng họ còn phải chăm sóc đủ thứ cho chúng tôi, và phải lo rất nhiều giấy tờ cho thủ tục gởi chúng tôi vào trại tị nạn Thái Lan. Bận rộn vậy nhưng không khí trên tàu luôn ấm cúng và thân tình. Tôi vẫn nhớ lễ chào cờ mỗi sáng, đám người tị nạn đứng sát bên thuỷ thủ đoàn cùng lắng nghe quốc ca Hoa Kỳ vang vọng. Tôi vẫn mường tượng đuợc cảm giác bàng hoàng khi nhìn lá cờ Hoa Kỳ bay lồng lộng trên bầu trời xanh biếc cuả Thái Bình Dương mà tự nhủ không biết mình sẽ ra sao nếu chiếc tàu này đến trễ chỉ một vài tiếng trong buổi bình minh hôm trước…

Mỗi buổi chiều khi công việc đã xong, người trên tàu túa ra trò chuyện với chúng tôi. Từ vị sĩ quan trong đồng phục trắng toát tới anh thuỷ thủ trong đồng phục xanh, ai cũng ân cần vui vẻ. Họ đuà giỡn với con nít, trò chuyện với mọi nguời, cố lắng nghe những câu tiếng Anh vụng về cuả chúng tôi để tìm hiểu xem chúng tôi có cần thêm gì hay không. Để chúng tôi giải khuây, họ còn căng màn chiếu phim. Tôi nhớ mãi cuốn phim đó là phim Điệp viên 007 James Bond với tựa đề "For Your Eyes Only". Giữa trời đêm lồng lộng ngàn ánh sao, trên con thuyền băng băng xuyên vào biển đen, những hình ảnh rực rỡ chớp tắt trên màn ảnh vĩ đại làm tôi mơ màng tưỏng như mình đang trôi trong đêm hoa đăng thần thoại của một giấc mơ kỳ diệu.
. . .

Như thế đó, tôi đã may mắn gặp đuợc cái đẹp đẽ nhất cuả nước Mỹ trước khi đặt chân tới đất nước này. Tôi đến Mỹ với vài đô la và mấy bộ quần áo tồi tàn nhưng gia tài cuả tôi là lòng cảm mến sâu xa với một miền đất giàu tình ngươì, cùng với hoài bão sẽ cố gắng sống cho xứng đáng với sự hy sinh cuả gia đình, với sự may mắn mà Thượng Đế đã nhờ những "sứ giả" trên tàu Mỹ đem đến cho chúng tôi.
Những bối rối vì ngôn ngữ, những trở ngại khi hội nhập đôi khi có làm tôi buồn nản, nhưng tôi thấy quay quắt nhất là những khi nhớ về Việt Nam. Những chuyện nhỏ nhặt như khi đi chợ Việt Nam, nhìn người ta xăm soi tìm cho được những trái tuyệt hảo nhất trong đám nhãn mọng tươi nhập cảng từ Á châu cũng làm tôi bùi ngùi. Tôi nghĩ đến những trái hơi có tì vết mà không ai thèm mua kia cũng có thể là hàng xuất khẩu từ Việt Nam, là tinh hoa chắt ra từ quê hương nghèo nàn của tôi, là loại hàng "xuất khẩu" mà người đi làm bình thường như cha mẹ tôi không bao giờ mua nổi.

Tuy thế, vấn đề lớn nhất tôi gặp phải trên đất Mỹ là một chuyện tôi chưa hề nghĩ tới: đó là tình cảm của tôi với nước Mỹ đã làm tôi hoang mang. Ngay từ nhỏ, những câu tục ngữ như "Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèo" đã thấm sâu vào lòng tôi. Cho dù tôi biết chắc rằng tôi không liều mạng vượt biển vì miếng cơm manh áo, tôi ra đi không phải vì tôi chê mẹ Việt Nam nghèo khó, nhưng trong trí óc cuả một thiếu nữ đang trưỏng thành một mình trên miền đất mới, tôi cảm thấy gần như… có lỗi khi thấy mình càng ngày càng quen với đời sống mới và thật sự yêu mến quê hương thứ hai này. Có lẽ cảm giác đó giống như đưá con nuôi cuả một gia đình giàu có, một ngày kia trở về quê cũ và cảm thấy băn khoăn khi bắt gặp mình ngập ngừng, xa lạ trước cha mẹ ruột nghèo nàn xấu xí.

Không hiểu may mắn hay không may cho tôi là khi chiến tranh Việt Nam đang diễn ra thì tôi còn nhỏ. Vì thế, trong lòng tôi không có cảm giác hụt hẫng và đau đớn của nhiều người lớn khi bị "đồng minh Mỹ bỏ rơi". Khi tôi nghe vài ngưòi nói rằng nước Mỹ cưu mang chúng ta không phải vì họ tốt mà vì họ có trách nhiệm với người Việt, tôi hiểu tại sao họ nghĩ thế nhưng tôi không cảm được. Tôi kính trọng suy tư riêng cuả mỗi ngươì, nhưng riêng tôi, tôi thấy cái tinh tuý cuả hiệp chủng quốc vượt khỏi những nhiệm kỳ tổng thống hay đảng phái. Tinh tuý đó đến từ những nguơì dân Mỹ. Có lẽ tình cảm cuả tôi với nước Mỹ đã thành hình từ lúc nhìn con tàu mang lá cờ Mỹ lớn dần từ phía chân trời trên Thái Bình Dưong, từ khoảnh khắc thấy người lính Mỹ ôm chặt em bé nhớp nhúa ói mửa vào lòng để đem lên tàu, từ khi anh thủy thủ ân cần dùng con dao nhỏ cắt bớt chiếc dép cao su cho vừa chân tôi, từ hình ảnh người sĩ quan trong bộ đồng phục trắng toát đang xắn quần, gò lưng kéo dây ghìm cho thuyền nhỏ đứng yên để chúng tôi bước lên bờ biển Thái Lan, từ hình ảnh những ngươì Mỹ đứng một hàng dài lưu luyến dõi theo đám thuyền nhân chúng tôi đang lục tục đi vào trại mà còn cố ngoái lại nhìn qua làn nước mắt.

Tôi tin rằng không phải vị thuyền trưởng nghĩ rằng người Mỹ có trách nhiệm với chúng tôi, hay vì sự may mắn khi con cá nhỏ nhảy vào tàu mà chúng tôi được vớt. Nước Mỹ có quyền không cho phép chiếc hàng không mẫu hạm đi chệch hải đồ để cứu người, giống như bao con tàu khác đã làm ngơ với những chuyến vượt biên kém may mắn. Hơn nữa, những gì không thật sẽ không tồn tại lâu bền, cho nên tình cảm ban đầu cuả tôi với nước Mỹ sẽ mất đi nếu tôi không càng ngày càng thấy Hoa Kỳ là một đất nước bao dung. Tôi không ngây thơ nghĩ rằng – hay mong rằng – nước Mỹ là hoàn hảo; nhưng với tôi nuớc Mỹ là một dòng sông mênh mông, đôi khi cũng đem theo rác dơ, đôi khi cũng dậy sóng nguy hiểm, nhưng dòng sông đó đã rộng lòng đem nước và phù sa đến cho những giống cây đến từ khắp nơi có cơ hội đơm trái ngọt.

Người sống lâu ngày trong bình an, sung sướng thường quên rằng mình may mắn. Người đàn ông đốt lá cờ Mỹ trên thềm nhà Quốc Hội chắc chỉ nhớ đến những rác rưởi trong dòng sông, chắc ông ta không hiểu rằng chỉ ở Hoa Kỳ ông ta mới dám chà đạp quốc kỳ ngay trước toà nhà lập pháp mà không sợ rằng mình sẽ "ra đi không có ngày về". Ông ta chắc chắn không biết rằng lá cờ đó đã khiến hải tặc Thái Lan buông chúng tôi, đã quyết định giữa cuộc sống bình an ở Hoa Kỳ và cái chết – hay một cuộc sống nô lệ trên xứ Thái đau khổ hơn cả cái chết – cuả hơn một trăm người trên chiếc thuyền vượt biên vào một ngày hè năm 1983.
. . .

Thời gian trôi qua. Tôi đã lớn lên và đã hiểu ra rằng tôi không hề phải chọn lựa giữa quê hương thứ nhất Việt Nam và quê hưong thứ hai Hoa Kỳ. Tôi yêu mến đất nước Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã cưu mang tôi, cho cây tôi lớn lên thành một cây quýt ngọt, và đất nước này không hề phiền hà khi tôi đem chia xẻ trái ngọt đó với nơi tôi sinh ra. Tôi đâu phải là cá hồi mà phải chọn lựa giưã sông và biển" Tinh thần cuả nước Mỹ luôn khuyến khích mọi người góp sức làm thế giới tốt đẹp hơn và tôi sẽ làm như thế. Tôi sẽ cố gắng để bằng cách này hay cách khác, trao lại những may mắn và cơ hội mà tôi đã được trao. Hy vọng là tôi sẽ góp phần để một ngày nào đó người dân Việt Nam không còn phải tìm cách ra đi cho dù phải trả giá bằng tính mạng hay nhân phẩm.
Tôi yêu Việt Nam đã sinh thành ra tôi và tôi yêu Hoa Kỳ đã duỡng dục tôi. Đôi khi tôi tẩn mẩn phân tích tình cảm cuả mình: với Việt Nam là tình, với Hoa Kỳ là nghiã… Rồi tôi lại loay hoay tự hỏi có phải như vậy không, hay là ngược lại" Cuối cùng tôi bật cười, nghĩ mình thật là lẩn thẩn, bởi vì tình cảm đâu cần gì phân loại và đặt tên.

*******************

Con Dao Xếp Trong Ngày Tết Tây

Tác giả: Phương Hoa

Bài viết là chuyện một tình yêu chung thuỷ cảm động trong ngày Tết Dương Lịch. Tác giả Phương Hoa, định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ nhất của tiểu bang Calif. Với loạt bài viết về Vietnam Museum, “Viện Bảo Taâng Của Những Người Lính Bị Bỏ Quên” tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014.

* * *

Chiều cuối năm năm ấy…

Ngoài trời mưa bay lất phất. Như cuộc tẩy trần cho sạch sẽ những gì còn sót lại của năm qua, hầu đón chào một Tân Niên tinh khôi. Những người khách sau cùng đã chào chúng tôi, về nhà chuẩn bị tiệc "CountDown" năm mới. Tôi ra mở cửa sau để hưởng chút không khí lạnh dìu dịu từ bên ngoài. Bỗng một cô thợ gọi:

– Chị ơi! "Bà già gân" tới kìa! Chị đã chuẩn bị mẫu mới cho bà ấy chưa?

Cô không nói tôi cũng biết, Laura bà khách già người Đức đang tới, vì tiếng nổ ầm ầm quen thuộc từ chiếc truck GMC bự chảng của bà nghe như rung rinh cả tòa nhà. Khổ rồi. Tôi than thầm. Mỗi lần bà Laura tới là tôi phải tốn ít nhất hơn một giờ đồng hồ cho bà, thay vì nửa tiếng như những khách hàng khác. Đã vậy, bà không bao giờ làm hẹn, mà chỉ ghé lại bất cứ khi nào bà rảnh. Nếu tôi bận thì bà chạy đi, lát sau trở lại.

Tôi ra đón cái thùng dụng cụ trên tay bà Laura. Bà tự mang theo đồ nghề vì không muốn dùng đồ của shop, sợ lây bệnh. Bà vừa mừng sinh nhật thứ tám mươi tư, nhưng nhìn bà người ta tưởng chừng bảy chục. Da bà không trắng lắm. Người cao ráo gọn gàng. Ăn mặc phù hợp "tông-xuyệc-tông" từ quần áo đến nữ trang. Bà luôn trang điểm kỹ, mày cong vòng nguyệt, mắt xanh, má hồng, môi đỏ thắm. Và mái tóc nâu luôn được chải sấy kiểu cách. Bà khỏe nhiều so với độ tuổi vì nhờ biết ăn uống cẩn thận, và dù bận cỡ nào, bà cũng cố gắng đi Gym tập thể dục. Bà lái xe rất cừ khôi, mà toàn là xe tải hạng nặng.

Lần đầu tiên đến, bà chạy chiếc GMC to kềnh và đậu phát một vào chỗ trống giữa hai chiếc xe trước cửa. Cả tiệm chúng tôi phục lăn, trầm trồ bà dám lái chiếc truck to mà còn đậu đẹp nữa. Bà cười: -Đó chỉ là chiếc…xe đạp của tôi! Tôi còn lái xe tải chở hàng thật dài kìa! Sau này chúng tôi biết, bà có rất nhiều xe tải vì làm chủ một cơ sở lớn, chuyên bán dụng cụ bảo vệ sức khỏe (health therapy equipment) như giường rung, nệm nước, ghế xoa bóp, máy đấm lưng, mền điện, và nhiều dụng cụ khác. Bà luôn lái xe tải dẫn đường để các tài xế công nhân chở hàng chạy theo bà tham dự hội chợ "State Fair" khắp nơi trong tiểu bang, và giao hàng tận bên Nam Cali hoặc Lake Tahoe, Reno.

Chẳng những bà Laura mạnh mẽ, lái xe tải chạy ầm ầm, mà bà còn biết bắn súng. Khi ra ngoài, bà thường bỏ trong xe khẩu súng nhỏ để đề phòng cướp. Lần nọ bà ghé shop mặt còn vương nét hoảng sợ, nhưng lại cười rất thích thú. Bà nói vừa đến tòa án để lo một số giấy tờ. Trên đường đi, bà có chở dùm ông khách hàng một đoạn vì xe ông hư. Ông ta từng là bạn học bắn súng với bà, nên hai người lấy súng ra khoe với nhau. Không biết bằng cách nào ông nọ đã cầm nhầm súng của bà, và khẩu súng của ông ta thì lại chui vào nằm trong túi xách bà ấy.

Thế mà khi bà vào cửa, máy rà an ninh của tòa án không phát hiện khẩu súng mới lạ. Bà nói trong tiếng cười sảng khoái. -Vô trong ngồi, tôi mở xách lấy cây son môi thì thấy khẩu súng nên hết hồn vội vã đứng lên đi ra. Bà nói "hết hồn" nhưng mặt vẫn tỉnh bơ: -Nếu họ thấy khẩu súng thì tôi…tiêu tùng. Vì chẳng những phạm tội mang vũ khí vào nơi công quyền, mà tệ hơn nữa, khẩu súng đó không có giấy tờ vì nó là của người khác. Có lẽ mấy chiếc lượt, cái máy sấy tí hon, và số phấn son trong xách đã che chắn cho khẩu súng của bà. Quả là cái tính "xí xọn" lúc nào cũng mang theo đồ làm đẹp đã cứu bà thoát được một "kiếp nạn" ngồi tù rất hy hữu. Do đó mà chúng tôi gọi bà là "Bà Già Gân."

Bà Laura rất khó tính, nhưng lại tốt bụng và thương người. Một lần cận Tết Âm Lịch, bà đến gặp lúc tôi đang ngồi ghi cái list gửi tiền về Việt Nam. Tôi kêu bà chờ để tôi hoàn tất danh sách gửi tiền giúp mấy người già yếu bạn của mẹ tôi ở quê ngày xưa. Tôi tiện miệng kể, dù mẹ tôi không còn nhưng thuở sinh tiền bà rất thương những bạn già trước 1975 từng có ruộng đất cò bay thẳng cánh, sau này không đủ cơm ăn áo mặc, cho nên năm nào chúng tôi cũng gửi giúp chút đỉnh để họ ăn Tết. Tôi chỉ nói để bà khỏi giận vì phải chờ. Không ngờ nghe xong bà đứng dậy ra xe lấy vào một tờ trăm đưa cho tôi và nói bà cũng muốn giúp họ.

Người nhà bên Việt Nam nhận được tiền của tôi và của bà Laura, đem đổi cả ra tiền Việt, bỏ vào phong bì mang về làng cũ tặng những người già nghèo khổ ốm đau, và chụp hình gửi qua. Bà Laura rất xúc động khi nhìn hình ảnh những ông bà già hom hem áo quần rách rưới nhưng cười móm mém trong hạnh phúc khi cầm lấy bao thư. Từ đó về sau, đến Tết tôi chưa kịp nói bà đã hỏi chừng nào thì gửi tiền Tết cho mấy người già.

Dù là người gan dạ, nhưng có lẽ sống một mình bà Laura cũng rất cô đơn. Bà thường trao đổi tâm sự với tôi. Độc đáo và ly kỳ nhất là câu chuyện vượt thoát kinh hoàng khỏi nước Đức của bà. Nghe chuyện, tôi mới biết bà là một trong những nhân chứng sống từ thời Đệ Nhị Thế Chiến còn lại đến bây giờ. Chuyến đi của bà cũng thật dễ sợ, hiểm nguy không kém những chuyến vượt biên của người Việt tị nạn. Sự giết người man rợ của lính Đức Quốc Xã thời Hitler làm cho chính người dân của họ cũng phải bỏ chạy.

Năm 1944, thời điểm quân Hitler sắp thua, Laura mới hơn 15 tuổi. Bà được cha dắt trốn đi tị nạn. Nhưng giữa đường hai cha con bị bọn lính Đức Quốc Xã bắt lại. Để bảo vệ cô con gái nhỏ, người cha dặn dò bà cách tìm đường đến trại tị nạn rồi ông bỏ chạy qua hướng khác để cho bọn lính rượt theo. Họ bắt ông lại và bắn chết trước mắt cô con gái đang run rẩy núp trong bụi rậm gần đó. Nhìn cha bị giết, bà quá kinh hãi nên đã ngất xỉu.

Laura tỉnh lại thì bọn lính bỏ đi hết. Nhớ lời cha dặn, bà đành bỏ mặc xác cha nằm trong đống xác người, lần mò đi tiếp. Trong sợ hãi và đói khát, nhiều lần bà phải rúc vào nằm chung với các xác chết bên đường, lấy máu của họ bôi vào mặt giả chết, chờ bọn lính của Hitler qua khỏi mới đứng dậy đi tiếp. Lê lết đến mười mấy ngày, thường xuyên liếm những giọt sương bên đường cho đỡ khát và nhai cả cỏ để đỡ đói. Laura theo một nhóm người vượt qua biên giới, tới được cổng trại tị nạn thì ngã vật ra vì kiệt sức.

Cuối cùng, cô bé mồ côi được nhận đến tị nạn ở San Francisco, Hoa Kỳ. Laura kể, bà tồn tại được cũng nhờ vào lời căn dặn sau cùng của cha trước khi ông lao mình chạy đi:

– Con hãy nhớ đừng bao giờ bỏ cuộc! Nếu ngã xuống thì hãy đứng lên và đi tiếp!

Bà nói lời căn dặn đó đã theo bà suốt đời. Bà chưa bao giờ biết bỏ cuộc dù trong việc làm ăn hay bất cứ việc gì, cho nên sự nghiệp ngày hôm nay của bà cũng nhờ đó mà có. Hồi mới đến Mỹ, bà vừa học vừa làm ở McDonald cho đến khi lấy được bằng High School rồi lấy chồng.

Chồng bà Laura, Steve, là người Mỹ, cấp bậc trung úy quân đội Hoa Kỳ. Ông mất tích trong cuộc chiến Nam Bắc Triều Tiên, để lại cho bà hai người con, một trai một gái. Dù khi ấy mới hai mươi hai tuổi, bà vẫn ở vậy một mình nuôi con chờ tin tức chồng. Người con gái lớn của bà hiện là một bác sĩ Tâm Lý, người con trai là thạc sĩ Khoa Học và bà có năm đứa cháu nội ngoại.

Dù chồng mất tích hơn năm chục năm, bà Laura vẫn đợi, vẫn nghĩ Bắc Hàn còn giam giữ ông. Mỗi khi có ai hỏi cuộc chiến Triều Tiên qua lâu rồi, sao bà vẫn nghĩ chồng bà còn sống, bà trả lời, "Không có tin nghĩa là tin tốt (No news is good news), chưa có tin ông ấy tử trận thì tôi còn hy vọng. Biết đâu bọn Bắc Hàn điên khùng còn giữ ông ấy chờ dịp đòi điều kiện với Hoa Kỳ thì sao?"

Tuy bà Laura đến shop gần chục năm, quen biết hết mọi người, nhưng chẳng ai dám "lãnh" bà khách này, trừ tôi, vì bà rất khó tính trong việc làm móng. Móng tay móng chân của bà đều giả và rất dài. Mùa nào kiểu nấy, từ ngày bà đến tiệm, tôi phải tự "design" cho bộ móng tay và cả mười móng chân cho bà. Những mẫu bà đòi nhiều khi thật lạ kỳ, khó vẽ. Lúc thì chiếc lá shamrock màu xanh trong ngày Thánh Patrick, khi thì con thỏ trong lễ Phục Sinh. Có lần bà mang đến một chiếc móng ngựa thật, là một cục sắt nặng chình chịch, rồi kêu tôi vẽ design y như vậy cho bà. Dù cái mẫu móng ngựa nom kỳ cục, tức cười, bà nói mang nó sẽ đem lại may mắn. Phiền nhất, mặc kệ tôi bận cỡ nào bà cũng không tha, mà bắt tôi phải vẽ trực tiếp bằng sơn chứ không chịu dán mẫu "sticker" có sẵn. -Tôi muốn độc quyền mẫu của tôi, không muốn giống kiểu với ai hết! Bà nói.

Ngoài những mẫu "quái dị" trong dịp đặc biệt của riêng bà, các ngày lễ lớn trong năm bà Laura thích design theo biểu tượng. Giáng Sinh vẽ cây thông, Tạ Ơn thì gà tây, lễ Ma trái bí đỏ… Nhưng thật lạ, ngày Tết Tây bà không cho tôi vẽ ly rượu hay chữ "Happy New Year" như mọi người. Bà bắt tôi phải vẽ hình con dao xếp trên móng tay và móng chân, kể cả những móng chân út nhỏ xíu. Việc ấy quả là một cực hình cho tôi. Phần thì khách hẹn đang chờ, phần vì phải nín thở vẽ để khỏi bị lem mất công chùi đi vẽ lại, nên tôi rất căng thẳng. Lúc nào vẽ cho bà, trong bụng tôi cũng kêu khổ và rủa thầm "bà già chằng ăn!" Một điều làm tôi khổ sở hơn, là mỗi Tết Tây bà Laura bắt tôi phải vẽ những con dao xếp kiểu mẫu khác nhau, không được trùng lập với các mẫu design năm trước.

Chúng tôi có tò mò "tra gạn" để tìm hiểu tại sao bà thích vẽ con dao xếp. Nhưng bà không nói. Riết rồi chúng tôi không hỏi nữa vì biết đó là điều riêng tư của bà.

Năm nay tôi đã chuẩn bị từ sớm một mẫu vẽ rất mới cho bà Laura. Hình con dao xếp nhỏ xíu, bầu dục, chính giữa hơi eo lại nhìn rất uyển chuyển, theo một mẫu tôi tìm thấy trên online. Vỏ con dao màu huyết dụ, lóng lánh kim tuyến vàng, trên có viết tên "Laura" màu trắng. Một đầu mở ra lưỡi dao bé tí, cây dũa răng cưa bên phải, và một cái đinh xoắn khui rượu mở ra bên trái. Mới thoạt nhìn, nó giống như con rùa tí hon màu đỏ với cái đầu và hai chân trước óng ánh bạc.

– Wow! Đẹp quá! Bà Laura trầm trồ, lộ vẻ xúc động khi tôi vẽ xong con dao đầu tiên trên móng tay cái của bà. Đây là mẫu đẹp nhất từ trước tới giờ đấy. Nhìn giống như thật!

Trước khi ra về, bà bỗng nhìn tôi: – Này! Ngày mai là New Year, cô có rảnh không? Nếu rảnh trưa mai đến nhà tôi chơi, tôi sẽ cho cô xem một thứ, bảo đảm là cô sẽ thích!

Đây quả là một lời mời bất ngờ. Tôi rất thân với bà Laura, từng nhiều lần mời bà đến nhà tôi dự tiệc, năm mới, đám giỗ, và cả đám cưới các con tôi. Nhưng bà chưa một lần mời tôi đến nhà riêng ở thành phố lân cận. Bà chỉ mời tôi đến cơ sở kinh doanh của bà, vì nó nằm cùng con đường với tiệm của tôi. Tôi thích thú nhận lời ngay không chút do dự.

Ngày Tết Tây shop đóng cửa, tôi lái xe một mình đến nhà bà Laura. Ngôi nhà hai tầng nằm bên trong hàng rào cây xanh kín mít dọc con đường lớn ở vùng ngoại ô thành phố, nhưng cửa chính thì quay vào mặt đường nhỏ phía trong. Một ngôi nhà kiểu cổ (Victorian house) rất đẹp. Nhà lớn, nhưng nó như lọt thỏm vào giữa khu vườn rộng thênh thang rậm rạp cây cối. Chào đón khách ngay cổng là một chiếc xe RV (Recreational Vehicle) thật to, cửa đang mở.

Tôi vừa ngừng xe, bà Laura từ trong chiếc RV bước ra chào đón. Bà nói đang dọn dẹp và trang bị các thứ trong xe để đến chiều các con cháu bà về sẽ cùng bọn họ đi chơi xa một chuyến nhân dịp nghỉ lễ.

Vừa đi vào nhà với bà Laura, tôi vừa hỏi bà có sợ khi ở một mình nơi vắng vẻ thế này. Bà cười, tuyên bố một câu "xanh dờn":

– Tôi bật Alam trước khi lên lầu ngủ. Đứa nào lạng quạng mò vô, hệ thống báo động réo, tôi sẽ bắn chết chúng!

Chỉ tôi ngồi ở sofa trong phòng khách, bà Laura nói chờ một chút, rồi đi ra phía sau. Gian phòng thật ấm áp với ánh lửa bập bùng trong lò sưởi. Tôi nhìn quanh, thầm khen bà chủ nhà có con mắt thẩm mỹ, đã sưu tập những bộ ly tách, bình hoa, các bộ đồ trà kiểu Á Châu rất độc đáo chưng trong tủ kính.

– Qua đây Linda! Tiếng bà gọi từ phòng ăn. Tôi bước lại và suýt chút nữa không nhận ra đó là bà. Trước mặt tôi là bà Laura kiều diễm trong chiếc áo đầm trắng dài lướt thướt kiểu cô dâu. Mái tóc nâu của bà được bới lên cẩn thận. Đầu đội lệch chiếc mũ trắng có vành, đóa hoa trắng lớn với hai dây tua lấp lánh kim tuyến nằm bên phải, rũ dài theo gương mặt sáng ngời trang điểm của bà.

– Wow! Bà đẹp quá! Tôi buột miệng trầm trồ. Trông giống một cô dâu!

– Thì hôm nay tôi là cô dâu mà! Bà cười nói. Mồng một Tết năm nào tôi cũng kỷ niệm ngày cưới của tôi. Rồi bà lẩm bẩm: -Năm mươi mấy năm rồi…

Tôi đứng sững sờ. Không ngờ một người có cá tính mạnh mẽ như bà Laura lại là người dạt dào tình cảm. Vậy mà trước giờ tôi cứ nghĩ bà cứng rắn như đàn ông.

Mời tôi ngồi vào ghế xong bà lại ngồi phía đối diện. Trên chiếc bàn ăn dài bằng gỗ nâu bóng loáng, mấy món ăn đơn giản được bày sẵn. Một ổ bánh CornBread, đĩa bắp cải muối chua, khay xà lách trộn pho mát bào và các loại hạt, tô thịt bò hầm đậu, và một khúc thịt xông khói. Bà lúc nào cũng chọn món ăn tốt cho sức khỏe, tôi thầm khen.

Nhìn về phía đầu bàn, tôi ngạc nhiên thấy một khung ảnh lớn lộng tấm hình trắng đen. Bên cạnh là một lá cờ Mỹ được gấp gọn gàng, và một chiếc hộp nhỏ màu đen hình chữ nhật đặt bên trên lá cờ.

Đó là hình một cái đám cưới nhà binh. Chú rể cao lớn đẹp trai, oai nghi trong bộ quân phục sĩ quan, khoác tay cô dâu đang cầm bó hoa trắng, áo đầm trắng dài kiểu xưa không chấm đất, eo thật nhỏ bên dưới xòe bung, đầu đội lệch chiếc mũ trắng có hoa, giống hệt trang phục bà Laura hiện giờ. Một điều rất kỳ lạ, là cặp đôi này bước đi giữa hai hàng lính. Đối mặt với nhau, quân phục chỉnh tề, đứng nghiêm thẳng tắp, trên tay mỗi người lính đều cầm một thanh kiếm dài sáng choang. Hai hàng quân cùng đưa cao kiếm lên khỏi đầu, bên này đâu chéo kiếm lại với bên kia tạo thành một mái che cho cô dâu chú rể bước đi bên dưới.

– Ô! Đây là đám cưới của bà ngày xưa hả? Tôi hỏi. Cô dâu chú rể trông oai quá!

– Ừ, đám cưới của tôi đấy. Cô nhìn kỹ tấm hình đi, xem có thấy gì lạ không?

Tôi quan sát thật kỹ tấm hình, nhưng không thấy gì ngoài cặp tân lang tân giai nhân đang đi dưới "rừng gươm" giữa hai hàng lính và một cây kiếm ai bỏ nằm dưới đất sau lưng họ.

Tôi nói cho bà biết.

– Đúng rồi! Cô đã thấy nó! Bà Laura gật đầu nói tiếp: Đó là cây kiếm của một trong những người lính của Steve chồng tôi. Anh ta là lính mới, và không biết vì run hay vì lạnh mà khi chúng tôi vừa bước qua khỏi anh ta là thanh kiếm vụt rời khỏi tay anh ta bay cái vèo xuống đất. Sém chút nữa là chúng tôi đã bị chém trúng rồi!

– Trời! Tôi kêu lên, người nổi đầy gai ốc. Thật là một điềm rất xấu cho đám cưới.

Bà Laura kể, có lẽ vì điềm xấu đó đã báo hiệu trong ngày cưới, mà chưa đầy hai năm sau, khi bà vừa có thai đứa con thứ nhì, thì chồng bà bị mất tích ở Đại Hàn. -Anh lính đó đã ân hận và khóc đến mù mắt khi Steve bị mất tích, vì cho là lỗi tại anh ta mang điềm xui tới cho chúng tôi trong ngày cưới. Bà thẫn thờ nói.

– Đó có phải là thời kỳ chiến tranh Nam Bắc Triều Tiên? Tôi hỏi.

– Đúng rồi! Steve mất tích trong trận Hồ Nước Chosin (Battle of Chosin Reservoir) ở Triều Tiên, tháng Mười Hai năm 1950. Anh ấy thuộc Sư đoàn 7 Bộ Binh Hoa Kỳ. Là cấp chỉ huy, khi trung đội anh bị vây hãm nhiều ngày và có lệnh rút lui, Steve đã cho binh sĩ rút trước. Anh tình nguyện một mình ở lại ngăn chặn địch quân.

– Vậy sao? Trận Hồ Nước Chosin?

Gì chứ trận Hồ Nước Chosin nổi tiếng trong chiến tranh Triều Tiên thì cả thế giới đều biết. Nhiều tài liệu cho thấy khi ấy Bắc Hàn đã thua đậm các lực lượng của Nam Hàn và Liên Hiệp Quốc đuổiđến tận vùng biên giới Đông Bắc của Bắc Hàn, nhưng nhờ đại quân Trung Quốc tràn sang trợ giúp nên mới cầm cự được. Đầu tháng 12, 1950, trong trận Hồ Nước Chosin -the Changjin Lake Campaigne- 30,000 quân Nam Hàn và quân Liên Hiệp Quốc, trong đó có Sư đoàn 7 Bộ Binh và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Ky, đã bị 67,000 quân Trung Quốc vây hãm nặng nề. Sau 17 ngày chiến trận với số thương vong lớn cho cả hai phía, quân Mỹ vẫn phá được vòng vây để rút lui. Đây là trận đánh đưa tới kết cục là quân Liên Hiệp Quốc cho thoả hiệp ngưng chiến, và Hàn Quốc bị chia đôi.

Bà Laura bắt đầu kể về trận đánh cuối cùng của ông chồng, trong khi tôi ngồi im, mắt nhìn chăm chăm vào hình Steve vị chỉ huy anh hùng với lòng ngưỡng mộ. Người ta nói lại với bà Laura, khi Steve lệnh cho quân sĩ của anh chạy đi, không ai chịu bỏ đi vì họ rất thương quý cấp chỉ huy của họ. Mọi người đều nói anh không đi thì họ cũng liều chết ở lại chiến đấu đến cùng. Nhưng Steve buộc tất cả phải rút, và nói cùng lắm anh sẽ tình nguyện chịu bị bắt rồi sau trao đổi tù binh chứ anh không để mất mạng đâu. Nghe vậy mọi người mới rút đi.

Bà Laura dừng lại, vói tay cầm lấy chiếc hộp màu đen bên trên lá cờ, vừa mở hộp ra vừa nói tiếp với giọng trầm khác thường:

– Sau khi quân đội bình định, họ trở lại chỗ bụi cây, nơi Steve đã nằm bắn chận cho quân sĩ rút, thì không tìm thấy anh đâu cả. Họ lục lạo cùng khắp nhưng chỉ tìm được cái này. Bà đưa chiếc hộp cho tôi.

Tôi đón lấy chiếc hộp đen mở náp nhìn vào. Và bỗng lặng người há hốc. Tôi nín thở, muốn kêu “Trời ơi!” Nhưng không phát ra lời.

Trong hộp là một con dao xếp vỏ màu đỏ đậm, lóng lánh kim tuyến vàng, trên có khắc tên "Laura" màu trắng. Lưỡi dao trên đầu đã được mở ra, cây dũa răng cưa cũng mở ra bên phải, và một cái đinh xoắn mở ra bên trái. Nó giống hệt con dao xếp tôi đã vẽ trên móng tay bà Laura năm này. Thảo nào bà đã xúc động khi tôi vẽ xong con dao và nẩy ra ý định mời tôi đến nhà để cho tôi xem con dao thật. Tôi cầm con dao lên ngắm nghía với tâm trạng bồi hồi, xúc động, lẫn ngưỡng mộ.

Quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên đầy thú vị và cảm động. Tôi chỉ vẽ theo mẫu hình con dao xếp tôi tìm thấy trên Google. Không ngờ nó lại giống y chang con dao mà mấy chục năm về trước vị sĩ quan kiêu dũng của dân tộc Hoa Kỳ đã bỏ lại cho vợ anh. Steve người chỉ huy ấy đã can đảm hy sinh để cứu binh sĩ của mình. Vợ anh Laura mất đi người chồng, con anh mất cha, nhưng anh đã được tổ quốc ghi công lưu danh thiên sử.

– Đây là con dao tôi tặng Steve trong lần cuối cùng chúng tôi ở với nhau. Bà Laura chợt lên tiếng sau một lúc yên lặng. -Anh ấy đã lén bỏ nó lại như là lời nhắn nhủ trước khi bị bắt đi. Người ta đem nó đến cho tôi lúc báo tin anh mất tích. Con dao bảo tôi là anh ấy còn sống.

– Từ đó đến giờ bà có nghe tin tức gì của ông ấy không? Tôi hỏi khi đã qua cơn xúc động.

– Không. Tôi luôn luôn hy vọng và chờ đợi. Nhưng mà…Bà dừng lại, chỉ vào lá cờ gấp để trên bàn: – Trước lễ Memorial Day năm nay, tổng thống Goerge W. Bush đã duyệt lại danh sách những quân nhân mất tích trong cuộc chiến Triều Tiên. Và ông ấy sai người đem đến lá cờ Mỹ này trao cho tôi cùng với lời tuyên bố là Steve đã chết. Tổng thống Bush cũng mời tôi đi Washington một chuyến để dự buổi lễ tuyên dương. Bà dừng lại một lát rồi nói giọng quả quyết: – Nhưng tôi vẫn không tin Steve đã chết!

– Điều gì làm cho bà nghĩ vậy? Tôi hỏi.

– Bỡi vì chính phủ cũng chưa có thông tin gì về cái chết của Steve. Khi tôi hỏi nếu anh ấy đã chết thì bằng chứng đâu, hài cốt đâu, họ không có được câu trả lời. Tôi biết là vì thời gian quá lâu nên họ đoán vậy thôi. Hiện tại còn nhiều nghìn quân nhân Mỹ, MIA (Mising In Action) mất tích trong cuộc chiến Triều Tiên chưa có tin tức, nên tôi vẫn còn hy vọng.

Tôi đứng lên, bước lại ôm lấy vai người vợ lính tám mươi bốn tuổi, xúc động đến nghẹn lời. Sự thủy chung của người phụ nữ phương Tây đã quá bát tuần này cũng đâu thua kém người thiếu phụ trong "Hòn Vọng Phu" của Việt Nam tôi ngày trước.

– Laura, bà nói rất đúng! Tôi cũng nghĩ như thế! Tôi thì thầm bên tai bà. -Cho nên bà cần phải giữ niềm hy vọng ấy.

Người vợ của vị sĩ quan anh hùng đưa tay lên vỗ vỗ vào bàn tay tôi như muốn nói lời cám ơn. Dưới ánh sáng của chùm đèn hoa thủy tinh kiểu cách treo trên trần nhà tỏa xuống bàn ăn, những con dao xếp trên bộ móng tay bà Laura lấp lánh lung linh như những đôi cánh Thiên Thần, đang dang ra che chở cho niềm tin và hy vọng của bà.

Tôi đứng im bên bà một lúc. Trong cái tĩnh lặng của buổi trưa ngày đầu năm, tiếng củi cháy tí tách từ lò sưởi vọng sang cộng với tiếng gõ tích tắc của chiếc đồng hồ cổ trên tường, bình yên như một khúc hòa tấu êm đềm, sao tôi lại cảm thấy lòng mình sóng dậy..

Lát sau bà Laura mời tôi cùng bà dùng bữa. Bà nói năm nào vào ngày Tết Tây bà và các con cháu cũng đều làm tiệc kỷ niệm ngày cưới của bà rất linh đình thay cho tiệc Tết. Bữa trưa nho nhỏ này bà chuẩn bị chỉ để đãi tôi, tiệc dinner vào tối nay mới là tiệc chính. Sau đó thì cả nhà sẽ đi chơi xa.

Khi tôi từ giã, Laura tiễn tôi ra xe. Trời đã quá trưa nhưng vẫn hiu hiu lạnh. Chúng tôi sóng bước trong hương gió đầu năm. Hương gió thoang thoảng nhẹ nhàng, quyện cùng mùi gỗ đốt từ lò sưởi trong nhà đưa vào không khí một mùi hương đặc thù mùa lạnh

– Lái xe cẩn thận! Bà nói và vẩy tay chào khi tôi ngồi vào xe.

Tôi hạ kính xuống vẫy lại bà. Xe ra khỏi cổng tôi vẫn còn thấy bà Laura đứng nhìn theo. Vạt áo đầm trắng của cô dâu năm xưa, sau cả nửa thế kỷ, vẫn bay bay trong cơn gió đầu năm. Hình ảnh bà Laura vẫn liêu xiêu, bà trông thật cô độc bên ngôi nhà to lớn và khu vườn rậm rạp thênh thang. Nhưng tôi biết, bà không cảm thấy cô độc tí nào. Bà đang sống với một niềm hy vọng vô biên. Niềm hy vọng có ngày được biết tin về Steve, chủ nhân của con dao xếp đỏ gửi lại trên chiến trường trận Chosin, Korea.

Chúc bà may mắn. Tôi nói thầm và nhấn ga.

Tết Dương Lịch 2015

Phương Hoa

Bottom of Form

Top of Form

Bottom of Form

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.