Đọc Áo Mơ Phai của Nguyễn Đình Toàn

Một Thoáng Hà Nội Xưa Từ Kỷ Niệm Cũ

Đọc Truyện Ngắn Áo Mơ Phai Của Nguyễn Đình Toàn

Hôm trước tôi nhận sách tặng từ nhà văn Nguyễn Đình Toàn, cuốn “Nguyễn Đình Toàn, tiểu thuyết”. Trọn bộ hai cuốn. Sáng nay, CA như mùa thu với tiết trời se lạnh, tôi xem truyện đầu tiên của cuốn 1 “Áo mơ phai”. Truyện này đoạt giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc 1973.

Phải nói là tác phẩm xứng đáng với giải. Tổng quát thì bố cục khá chặt chẽ nhưng sự lửng lơ của câu chuyện làm tôi thấy hơi thiêu thiếu một cái gì. Cũng có thể vì con người thích khoa học của tôi, ưa rõ ràng mạch lạc. Và cũng có thể vì con người tôi thích “happy ending” nên tôi muốn có đoạn cuối. Bút pháp thì đúng là kiểu của nhà văn Bắc di cư vào Nam. Kiểu viết này phảng phất kiểu của Tự Lực Văn Đoàn nhưng “mới” hơn. “Mới” ở chỗ tình tiết được mô tả với một nhịp đập nhanh hơn. Còn kiểu mô tả tâm lý nhân vật thì rất giống Nhất Linh. “Mới” ở chỗ nhiều đoạn mô tả khá bạo.

Tôi vốn yêu văn nhẹ nhàng, trong sáng của Tự Lực Văn Đoàn nên mới đọc nửa trang “Áo mơ phai” tôi thấy như tìm lại hình bóng cũ. Đó là một bối cảnh 1954 của Hà Nội. Quả là tuyệt với tôi vì khi đó tôi còn nhỏ lắm.

Nguyễn Đình Toàn, năm đó mười tám tuổi. Lứa tuổi đẹp để “nhìn” Hà Nội thật kỹ và viết lại vào mười năm sau. Mười tám, đã ôm đủ những khung trời ấu thơ. Mười tám, đã mơ mộng đủ cho những tình yêu tuổi ô mai. Mười tám, đã nhận thức đủ đâu là chân lý. Bằng cái “đủ” ấy được trộn lẫn những “mới đủ” hơn mười năm sau để chào đời một tác phẩm, có thể nói là đẹp.

Một chuyện tình đã qua với một chuyện tình đang nở. Một chuyện tình xưa với dằn vặt khôn nguôi cho “người thắng cuộc”, với buồn man mác của người con gái may mắn được hai người con trai, bạn thân của nhau, đều yêu. Một chuyện tình bây giờ lãng đãng như mây trời nhưng đi vào một chủ đề khá táo bạo: hai người là anh em họ. Không biết họ là “họ kiểu gì” nhưng là hai anh em họ.

Chuyện tình xưa được lắng chìm trong đau thương và hùng tráng: bối cảnh Hà Nội cháy. Đây là đoạn mô tả tâm lý nhân vật hay nhất. Người thắng cuộc đau đáu trong lòng vì cuộc so gươm không công bằng. Kẻ thứ hai bỏ dở cuộc chinh phục, ra đi theo tiếng gọi của núi sông. Cái sống “hào hùng, lý tưởng” ấy có vẻ đã làm người thắng cuộc tưởng chừng như mình thua cuộc. Đôi mắt người con gái đã cho người thắng cuộc cảm tưởng ấy. Đôi mắt đó nhìn về Hà Nội cháy như biết rằng người ấy, kẻ bỏ dở cuộc chinh phục trái tim nàng, đang bảo vệ Hà Nội. Bắt gặp được ánh mắt nhìn ấy, người thắng cuộc đau đớn. Trong giây phút đó, niềm ao ước được “yêu” vợ ngay tại chỗ, ngay nơi hai vợ chồng đứng nhìn Hà Nội cháy từ xa, như một khẳng định về “chủ quyền”, bừng bừng cháy. Nhưng cuối cùng người thắng cuộc không làm được và ngậm ngùi “Ta đã bỏ lỡ. Mùa xuân còn nhưng nguyên đán đã qua”.

Tôi thích cách dụng chữ của Nguyễn Đình Toàn. Tưởng như không bóng bẩy, thật ra rất bóng bẩy. Tưởng như giản dị, thật ra rất sâu sắc.

Chuyện tình nay, với bối cảnh Hà Nội chuẩn bị di cư. 1954. Sự gần gụi hàng ngày đã nảy sinh tình cảm không định trước. Ngày gần cuối, Đền Voi Phục. Hành vi mang dấu hiệu của tình yêu, ngày xưa, 1954, thật nhẹ nhàng. Người con trai cầm bàn tay có múi cam của người em gái. Câu nói “Đây là múi cam ngon nhất đời anh” được thốt ra bất chợt. Nó xuất phát từ trái tim yêu, ủ kín từ lâu. Người con gái che dấu tình cảm để rồi sau đó ở trong tâm trạng nửa giận nửa thương. Một hành động trẻ con nhưng rất thật với tâm lý con gái thời đó: cô gái đã xúc xắc xúc xẻ với tình cảm bằng việc tự cho đề như thế này: nếu cô đến và bạn có nhà thì có nghĩa cô yêu chàng và ngược lại. Đấy là đoạn mô tả tâm lý hay thứ hai của “Áo mơ phai”.

Tôi đã vài lần phải ngưng đọc để ngăn mình không khóc. Tôi đang ở phòng chờ gặp bác sĩ. Ông bác sĩ trẻ thật dễ thương và tôi không muốn ông hỏi vì sao cô khóc. Nước mắt đoanh tròng, tôi gấp sách và kềm xúc động. Không phải chuyện quá buồn thảm đâu mà mỗi câu nói, mỗi cảnh vật, mỗi tâm tình trong “Áo mơ phai” đều gợi nhớ cho tôi. Nhớ về một Hà Nội mà thuở nhỏ tôi cảm nhận qua Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Anh Tuấn…Không hẹn mà cùng yêu, Nguyễn Đình Toàn đưa vào đấy những vần thơ của Quang Dũng.

Em ở Thành Sơn chạy giặc về

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

Cách biệt bao lần quê Bất Bạt

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Viết về Hà nội cũ với thơ Quang Dũng thì không mềm lòng sao được, phải không?

Tôi đã chép bài Đôi Bờ của Quang Dũng trong tập thơ thuở sinh viên của tôi.

Tôi cũng chép bài thơ “Khi Ta Về” của Nguyễn Đình Toàn trong tập thơ thuở sinh viên của tôi.

Giấy pelure hồng, mực tím. Năm 1970. Nét chữ tròn trĩnh thật trẻ con.

Đó là một kỷ niệm đáng yêu của tuổi học trò mà tôi còn gìn giữ đến tận hôm nay.

Ngày ấy, tôi không hề biết Nguyễn Đình Toàn cho dù lúc ấy ông đang “hớp hồn” thính giả qua chương trình âm nhạc buổi tối. Ông là người mở đầu cho việc giới thiệu nhạc chủ đề với những lời óng ả mượt mà như thơ.

Mấy chục năm trôi qua. Như với vài nghệ sĩ khác, (PD, NVĐ) tôi “gặp” Nguyễn Đình Toàn khá muộn. “Gặp” là biết ngoài đời. Và đọc “Áo mơ phai” khá muộn màng.

*****

Đây là lần đầu tiên tôi phá lệ: tôi giới thiệu với các bạn về một cuốn sách mà tôi chưa xem hết, chỉ mới đọc truyện đầu. Tuy thế, tôi tự tin để nói rằng: với Áo mơ phai, Nguyễn Đình Toàn đã chứng tỏ một bút pháp vững vàng, điêu luyện, một mô tả tâm lý nhân vật rất xác thực, một bố cục chặt chẽ. Văn tài ấy chắc hẳn cũng bao gồm các truyện còn lại vì tôi tin Nguyễn Đình Toàn là người rất có trách nhiệm và cẩn trọng với tác phẩm của mình. Huống chi tên tuổi Nguyễn Đình Toàn đã có từ rất lâu, không phải chỉ mới từ hôm qua.

Tôi cũng tin chắc không chỉ người Bắc thời ấy như tôi thích mà có lẽ cả những độc giả Nam cũng sẽ thích khi đọc truyện ngắn Nguyễn Đình Toàn.

Vào những sớm mai dịu dàng, những chiều hôm thong thả, những đêm khuya một bóng, truyện ngắn Nguyễn Đình Toàn sẽ là người bạn đem đến cho các bạn cái hương trà sen ngày cũ.

Của một Hà Nội xưa.

Của một Sài Gòn cũ.

Của một thời chúng ta đã sống, đã yêu và đã mất.

Rừng Gió California

Hoàng Lan Chi 2015

Bài thơ Khi Em Về của Nguyễn Đình Toàn

trong tập thơ chép tay mực tím của Hoàng Lan Chi 1970

Xem ba cha con hát “Khi em về”:

https://www.youtube.com/watch?v=Zqn3O9wEcag

Nghe Hoàng Oanh ngâm Khi em về:

https://www.youtube.com/watch?v=1go7bk_5ClE

Khi Em Về

Khi em về trời xanh và gió mát
Con đường mòn thơm lá mục quê hương
Vườn cải ngồng đỗ ong bướm về sân
Anh nằm đấy buổi trưa và tiếng nắng

Mặt đất mềm bước chân em chợt nặng
Lá tre vàng dồn thổi mùa thu đi
Luống huệ ấy xòe những vồng hoa trắng
Và đầy thềm lá rụng liếp phên che

Quê mẹ đấy ưu phiền nhiều quá lắm
Hàng cau già mo thương bẹ quắt queo
Anh nằm đếm những ngày rồi những tháng
Đi qua dần khi nước mắt buông theo

Kỷ niệm cũ vẫn còn nguyên vẹn đó
Trời tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau
Gió vẫn thơm mùi hoa bưởi, hoa ngâu
Rồi tết đến, rồi lòng anh nhớ quá

Khi em về bước xưa chừng xa lạ
Và cỏ hoa tất cả đã vắng im
Giấc ngủ ấy một đời anh ao ước
Từ máu mình hoài rứt khỏi đường tim

Em đừng khóc, đừng buồn, đừng nhìn nữa
Cứ cúi đầu, cứ thế, rồi ra đi
Trời sẽ tối, tiếc thương rồi sẽ hết
Và dấu giầy mai sẽ lá sương che

Tôi tin rằng sau khi đọc bài thơ Khi Tôi Về thì các bạn sẽ tin tưởng vào tôi hơn nữa, phải không? Bạn nào muốn mua sách xin gửi mail cho Hoàng Lan Chi nhé.

This entry was posted in Tạp Ghi, Điểm Sách and tagged , . Bookmark the permalink.