“Buông” và “Trĩu Lòng”

Thời tiết California vẫn đẹp. Nắng nhẹ và se lạnh. Hoa tưng bừng.

Trong cái bình yên của một chiều thứ bẩy, tôi “buông” và nghe.

“Buông” là vì sáng nay mới gửi cho một số thân hữu gần, câu chuyện về “Buông”. Câu chuyện ấy như sau: (1)

Với tôi thì “buông” có nhiều cách và kiểu. Buông việc nhỏ hay cái nhỏ cũng được. Ví dụ tôi có thể “buông” một người bạn vì không đồng quan điểm và cũng vì tôi cảm thấy mình không đủ thì giờ và kiên nhẫn để thuyết phục. Buông và không hề ân hận. Ví dụ như tôi và nhà văn Trường Sơn Lê Xuân Nhị không đồng quan điểm trong vụ S 219 của Ngô Thanh Hải nhưng chúng tôi trao đổi trong lễ độ và vẫn giữ tình bạn. Trong khi đó, TQ, một người bạn cũ ở khối TNKH, đang ở Canada, thì tôi “buông” ngay tức khắc. Lý do là anh ta hành xử vô lễ. Anh ta đã chụp mũ ngay giòng đầu của e-mail. Với loại người đó, không thể tiếp tục giao thiệp. Trước đó, bà Trần Thị Đức mà nhiều người Canada cho tôi biết có thể đó là Kim Hoa Bà Bà của Montreal, khi viết mail trả lời ba người (BS Trần Văn Tích, BS Trần Mộng Lâm và tôi ) thì mở đầu mail cũng đã có thái độ chụp mũ ngay tức khắc. Có lẽ bà đã quen “chụp” ông chồng ở nhà nên đã có thái độ đó với người ngoài chăng? Tôi trả lời đích đáng và bà ta đã im lặng. Thế cũng tốt. Mong rằng trong tương lai, mỗi khi viết cái gì ra công cộng, bà cần thận trọng. Sau nữa, vài vị có thể là bạn hữu/bạn đồng sự của ông chồng bà ở Canada có những lý do họ không đồng tình S 219 thì bà hãy tìm cách phản biện trên lý lẽ của họ, và không được đội cái mũ “việt gian ngu xuẩn” cho họ được. Bà cư xử như vậy là quá bậy. Một phụ nữ Việt Nam con nhà gia giáo, tử tế, được học hành qua mức tú tài đôi, ngoài sáu mươi tuổi, đang cư trú trên đất nước Canada, không ai hành động như vậy cả. Tôi thất vọng với hai người cao niên, được xếp loại ‘trí thức” của Canada này quá.

Do hành động của ông TQ này, tôi sẽ mổ xẻ lá thư của bà Trần T Đức trong phần bà viết cho BS Tích và BS Lâm. Nói một cách khác, nếu quý vị ủng hộ viên của S 219 biết điều, thảo luận trong nhã nhặn thì khác. Một khi quý vị có thái độ thô lỗ, tôi sẽ mổ xẻ tiếp lá thư của một bà, được coi là “trí thức Montreal” và cũng sẽ mổ xẻ tiếp, hành động của một ông được coi là TNS Canada (Ngô Thanh Hải).

Tóm lại, đây là sự cảnh cáo của chúng tôi, những người quốc gia tại Hoa Kỳ: nếu quý vị Canada- Việt không giữ sự sùng bái của quý vị đối với Ngô Thanh Hải và S 219 trong chừng mực thì chúng tôi sẽ đáp lễ gấp đôi cả về phẩm và lượng. (cười)

Trở lại với “buông”. Có thể tuổi già đã khiến tôi có hành động “buông” dễ dàng ấy. Không giao thiệp. Cắt đứt ngay.

“Buông’ cũng có thể là gác tạm thời một điều gì đó. Như chiều nay, tôi “buông” tạm vài muộn phiền dính líu vụ S 219 để nghe nhạc. Cậu em gửi nhưng chỉ muốn một mình bà chị nghe.

Khi nghe, tôi bỗng cảm thấy một điều mới lạ với tôi bây giờ: dường như tôi có chút “trĩu lòng” với ai đó có thể vì giọng hát hay âm nhạc người ấy. Điều đó tôi không có khi còn trẻ. Ngày xưa, tôi ái mộ nhạc, tôi yêu giọng hát nhưng không bao giờ chú tâm đến nhạc sĩ hay ca sĩ. Sau này thì tôi có chú ý đến tác giả hơn nhưng dường như càng già tôi càng “trĩu lòng” với giọng hát nhiều hơn.

“Trĩu lòng” là để tâm hồn và tình cảm của tôi dành cho người hát. Cũng có thể vì người hát muốn một mình tôi nghe trước đã. Cái “muốn” của họ làm tôi vừa cảm động vừa vui vui. Họ “muốn” vậy vì họ hiểu tôi sẽ đưa nhận xét chính xác. Tôi không áo thụng vái nhau. Tôi để tâm hồn nghe và nhận định đúng. “Chị thật là tuyệt vời. Em sẽ hát lại theo những gì chị gợi ý cho lần sau”. Người hát viết cho tôi như thế.

Không hiểu sao sự trùng hợp lại là bài hát về quê hương. Cộng đồng luôn bị phân hóa bởi bọn việt gian, người xấu hoặc kẻ ngu. Sự thuần nhất của những năm 1980 về trước đã không còn. Tôi đang chán vì thế sự, vì thế bài hát về quê hương làm tôi trĩu lòng hơn.

Từ giọng hát này gợi nhớ cho tôi một giọng hát khác vì cùng một nhạc phẩm. Giọng hát ấy hay, ấm. Điều đó cũng làm tôi "trĩu lòng”.

Trong cái dịu dàng của tiết trời California, tôi gom hai cái “trĩu lòng” đó trong bàn tay phải.

Tôi mở lòng bàn tay trái để gửi cái “trĩu lòng” khác cho một người mà tôi thương mến, đang ở rất xa.

Mong rằng, anh sẽ được khỏe mạnh.

Tôi vẫn nhớ về một mong ước nhỏ.

Cuối thu trời sẽ rất đẹp vì không còn lạnh lắm. Lá phong vàng sẽ phủ kín đường đi. Trong cái mênh mông của đất trời, đạp trên thảm lá vàng để nghe mùa thu vỡ vụn dưới chân như dĩ vãng của một thời tuổi trẻ bị mất đang vỡ, cũng là một thú đau thương. Mỗi khi viết giòng chữ này, em đều khóc, anh biết không:

Kỷ niệm cũ của một thời yêu dấu

Hà Nội xưa, Sài Gòn cũ hôm qua

Ta đã sống, đã yêu và đã mất

Dấu trong tim năm tháng chẳng phai nhòa”

Rừng gió California

Hoàng Lan Chi

5/2015

**********

Buông​

​Câu chuyện 1​

Một cô gái đến tìm một nhà sư, cô hỏi:
– Thưa thầy, con muốn buông một vài thứ mà không thể, con mệt mỏi quá.

Nhà sư đưa cho cô gái 1 cốc nước và bảo cô cầm, đoạn ông liên tục rót nước sôi nóng vào cốc, nước chảy tràn ra cả tay, làm cô bị phỏng, cô buông tay làm vỡ cốc.

Lúc này nhà sư từ tốn nói:
– Đau rồi tự khắc sẽ buông!

Vấn đề là, tại sao phải đợi tổn thương thật sâu rồi mới buông?

Câu chuyện 2:

Một chàng trai đến tìm nhà sư, anh hỏi:
– Thưa thầy con muốn buông xuôi vài thứ nhưng con do dự quá, con mệt mỏi vô cùng.

Nhà sư đưa anh ta 1 cái tách và bảo anh cầm, đoạn ông rót đầy tách trà nóng vừa mới pha xong.

Chàng trai nóng quá nhưng anh vẫn không buông tay mà chuyển từ tay này sang tay kia cho đến khi nguội đi rồi uống và cảm nhận thấy rất ngon.

Lúc này nhà sư từ tốn nói:
– Cứ đau là buông thì con đã bỏ lỡ những cái tốt đẹp sau đó rồi!
Vấn đề là tại sao cứ đau là phải buông trong khi còn có thể làm cho nó tốt đẹp lên.

Bài học rút ra: Trong cuộc đời vốn phức tạp này, chỉ có ta mới biết lúc nào nên cầm lên & bỏ xuống chuyện của chính mình.

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.