Đầu Tuần Vụn Vặt Với Tiếng Hát Duy Khánh

Cuối tuần qua bà chị họ gọi tôi “Hóa ra con bé này học thi nên không vụn vặt!”. Tôi bật cười. Tôi thích. Phụ nữ nói là phải thích vì phụ nữ nói thật, không xạo như đàn ông. Vụn vặt của tôi như một món ăn hàng tuần và khi vắng cũng gây nhớ nhung.

Bài thi không khó nhưng cũng phải nhớ nhiều. Tôi viện trợ đến ba ông chủ tịch tổ chức cộng đồng của ba tiểu bang khác nhau để dò bài cho chị. Một ông rất chăm dò đến ba lần, một ông bận tổ chức ngày 19/6 và đã quên, một ông chăm vừa, dò được một lần. Ông nào cũng le lưỡi sao chị học thuộc bài quá đi.

Thi xong nên vụn vặt muộn. Cũng là một trùng hợp khi vào facebook, tôi gặp ô Đỗ Văn Phúc để trong time line của tôi một chương trình nhạc cũ. Đó là chương trình thực hiện cho Duy Khánh. Tác giả viết là Đỗ Văn Phúc và tôi cùng Phúc thực hiện vào khoảng 2008.

Tôi vừa nghe lại chương trình Duy Khánh vừa viết vụn vặt. Tôi vẫn thích giọng Duy Khánh trong một số bài như Ai ra Xứ Huế, Hòn Vọng Phu, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật và Xuân Này Con Không Về. Âm nhạc Duy Khánh thấm đẫm tình tự quê hương, tình tự Huế và cái chất “phổ thông” không sang trọng, vẫn có cái gì đó rất cuốn hút. Trong buổi chiều chớm hè, còn chút se lạnh ở phương trời California, nghe lại những tình tự cũ, trong lòng thấy một niềm rưng rưng khó tả.

Cũng trong chiều buồn kỷ niệm này, tôi đọc bài viết “ Nội San Sử Địa và Những Lời Tố Cáo” của Nguyễn Văn Lục. Thì cũng là một điệu buồn ngày cũ. Nguyễn Văn Lục gửi tôi vì cả tôi và anh đều ưa mến cuốn Mặt Trận Đại Học của Bạch Diện Thư Sinh. Tôi yêu vì đó là môi trường một thuở. Tôi cũng yêu vì những người sinh viên ấy đã trả giá cả mười bẩy năm tù ngục. Nguyễn Văn Lục yêu vì bản tính ưa sưu tầm tài liệu. Nguyễn văn Lục vừa viết một bài, vừa trả lời phỏng vấn của nhà báo Hồng Phúc cho cuốn sách này. Và cũng từ cuốn sách của Bạch Diện, Nguyễn Văn Lục nhớ lại chuyện xưa và lật lại trang sử cũ. Tôi đọc say sưa tài liệu “Nội San Sử Địa” này của Nguyễn Văn Lục.

Tôi tự hỏi cái gì đã khiến một người thuộc thế hệ đàn anh, một cựu giáo sư triết học muốn chia sẻ cho một người đàn em, như học trò và lại là con người khoa học (Hoàng Lan Chi). Có lẽ đề tài ấy cuốn hút cả anh và tôi. Viết đến đây, tôi chợt nhớ bài viết “Những người một thuở tung hoành, ngàn năm còn lưu dấu”, trong đó tôi viết về duyên bất ngờ giữa tôi và hai người của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo: Sư Huynh Lê Anh Kiệt của tôi và Bạch Diện Thư Sinh.

Như một trùng hợp, Giọng hát Duy Khánh với những giai điệu quê hương ngày cũ, Nội San Sử Địa với những ngày sôi động xưa, buồn thảm cũ.

Và còn những cái cũ khác, tôi nghĩ có lẽ sẽ không buồn vì “Anh vẫn nhớ lời hứa với em. Khi nào có hứng, anh sẽ kể những chuyện cũ, những chuyện chưa bao giờ nói. Chịu chưa?”. Nhà văn Văn Quang, tác giả “Lẩm Cẩm Thiên Hạ Sự” hàng tuần đều đặn gửi ra hải ngoại từ Sài Gòn đã viết vậy cho tôi. Tôi tin là các bạn hữu của tôi sẽ rất thú vị vì Văn Quang bao giờ cũng kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn.

Bây giờ xin mời nghe lại những Ai Ra Xứ Huế, Bài Hương Ca Vô Tận, Xuân Này Con Không Về, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật.. qua chương trình tưởng niệm Duy Khánh với Đỗ Văn Phúc-Hoàng Lan Chi nhé:

http://michaelpdo.com/2015/06/duy-khanh-1938-2003/

Hoàng Lan Chi

6/2015

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.