Gánh Nặng Cộng Đồng

Tuần qua, tôi ghé trụ sở BPSOS vì tôi nhờ cô Trang Khanh đem dùm albums từ VA về CA. Trước đó, Khanh cho biết thùng album rất nặng. Thật tình, tôi không nhớ nó nhiều và nặng đến thế. Kể từ khi ôm albums từ Việt Nam qua, tôi có ngó ngàng gì đâu. Cuộc sống cứ là “lu xà bu”. Tôi nói Khanh nhờ volunteer của BPSOS, lột hình ra khỏi albums cho đỡ nặng.

Khi giao thùng albums, Trang Khanh nói “BPSOS làm gì có người rảnh lột hình dùm cô. Thôi con đóng tiền đem về cho cô cho rồi. Vả lại, hình của cô chia ra từng loại. Người lột đâu phải chỉ lột không, còn phải xem rồi cho ý kiến nữa chớ!”. Tôi bật cười.

Năm 2006, khi Ts Nguyễn Đình Thắng mời tôi làm việc, Trang Khanh là Giám Đốc CT Phát Triển Cộng Đồng. Ngày đó có khoảng bốn chương trình lớn với bốn vị giám đốc. Hiện giờ, BPSOS “reorganize” và Trang Khanh là giám đốc , chỉ sau Ts Nguyễn Đình Thắng.

BPSOS có hai người mà tôi “vừa ghét vừa thương” là Ts Nguyễn Đình ThắngTrang Khanh. “Ghét” vì lý do cá nhân, “Thương” vì đó là hai mẫu người cho tinh thần “thiện nguyện”. Hai người nầy làm việc bất kể giờ giấc. Hai người nầy giỏi cả Anh lẫn Việt. Hai người nầy ngày xưa, viết bài tiếng Việt rất “chuẩn” theo kiểu Mỹ. Mở dấu ngoặc, tôi đoán là Trang Khanh được Nguyễn Đình Thắng đào tạo về khoa “viết”. Lúc làm chủ bút Mạch Sống của BPSOS, hai người nầy ít bị tôi sửa bài nhất. Nói rõ là bài của nhân viên BPSOS, tôi “edit” chi chít còn bài của hai người nầy, tôi “edit” rất ít. Hai người nầy đều giỏi về khoa ăn nói trước đám đông, trước ống kính truyền hình vì họ nắm rất vững lãnh vực họ đang phụ trách. Chỉ có một khác biệt nhỏ giữa hai người nầy: Nguyễn Đình Thắng nói năng chậm rãi, khoan thai còn Trang Khanh thì …giống “đàn ông”! Ngày đó, Trang Khanh chọc tôi “Con thấy cô với anh Thắng điệu như nhau. Nói gì chậm rì!”. Trời đất ơi, tôi thầm nghĩ “Phát thanh cho cao niên thì phải nói vừa phải cho người ta hiểu. Ai như chị, cứ như trong trại quân đội!”.

Chương trình HO đợt 2- do Nguyễn Đình Thắng tự nguyện làm để giúp các cựu quân nhân. ( sao hồi đó không thấy ông cựu quân nhân nào "mắng" Thắng chuyện này nhỉ?!!)

https://www.youtube.com/watch?v=QQYxPHI54Sk

Hai cô cháu rủ nhau ăn bánh cuốn Tây Hồ. Vừa ăn vừa lai rai chuyện BPSOS. Lại quanh quẩn những chuyện Nguyễn Đình Thắng bị vu cáo, chụp mũ. Khanh hỏi “Con không liên lạc với cộng đồng nhiều. Con thắc mắc tại sao cộng đồng có nhiều cô chú lớn tuổi mà thích nói là nói, nói không bằng cớ gì hết, kỳ vậy cô?”.

Thiệt cái tình. “Bà cố nội cô cũng không hiểu đừng nói gì đến cô!” . Tôi cười cười “Chắc họ hơi bị chập mạch. Chụp mũ Thắng tổ chức Ngày Quân Lực tỉnh bơ. Điên quá là điên. Ai thèm chú tâm ngày đó của các cụ. VC cũng chỉ hầm hừ cái tên Ngày Quốc Hận thôi vì nhiều người biết ngày đó, đã có trong cả lịch sử Mỹ, ngày đó các cụ treo cờ rũ còn chúng vui mừng. Chớ ngày 19/6, các cụ cứ múa theo ý mình, ai thèm chú ý. Thắng muốn tổ chức Ngày Vinh Danh và Tri Ân vào ngày đó để hy vọng có đông người dự, ai dè tổ chức cộng đồng Đoàn Hữu Định có vẻ mê Vịt Tê hơn. Bọn Vịt này chắc muốn kéo Nguyễn Đình Thắng về với mình không được nên ra sức phá. Năm 2014, cũng tháng vận động nhân quyền, chúng chơi cái trò cho Trúc Hồ kéo lên DC, ra vườn bông gần Quốc Hội hát hò. Chúng muốn chia số người sẽ về DC. Hồi đó, cô đã mỉa mai, chả hiểu cái màn hát hò của Trúc Hồ có tác động gì đối với VC và Mẽo? Ruồi bu. Năm nay, chúng cũng phá bằng cách cũng cho bầu đoàn thê tử Trúc Hồ kéo lên DC hát hò vào 30/4 nhưng vì kinh nghiệm năm ngoái, vì cách xa, nên chúng đã không phá nổi Nguyễn Đình Thắng. Ngày 18/6, mấy trăm người từ khắp nơi về DC, vào gặp dân cử của họ, trình bày về nhân quyền. Cô nghĩ đây là thắng lợi lớn của Thắng. Phái đoàn Michigan đi rất đông, trông rất đẹp. Đa số là người thế hệ “bản lề”, có địa vị trong xã hội Mỹ, thông thạo Anh-Việt và họ hướng dẫn người già.”

Mấy hôm trước tôi nhờ người tìm lại hộ một bài viết cũ từ 2007 của Nguyễn Đình Thắng. Chính vào năm đó, tôi hết sức xúc động khi đọc bài này. Tôi copy một đoạn trong đó và đưa vào “Thư gửi con gái”. Trong đó, tôi bày tỏ rằng tôi mong ước, sau này con gái tôi cũng dành những năm cuối đời cho lãnh vực “thiện nguyện”.

Ông Peter F. Drucker đã có một nhân cách đáng quý khi ông dành hai mươi năm cuối đời để cống hiến cho những việc thiện. Tôi nghĩ trên đời có nhiều người sống đẹp như vậy. Đây là đoạn trong bài viết “Từ thành công đến ý nghĩa” của Nguyễn Đình Thắng viết năm 2007:

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=988

Trích: Lùi trở lại năm 2001. Thời điểm quyết định thứ hai: tôi gặp Ông Peter F. Drucker. Tôi được chọn tham gia chương trình huấn luyện kéo dài một năm với Viện Lãnh Đạo Nói Với Lãnh Đạo (Leader to Leader Institute) mà Ông sáng lập ra. Ông là vị thầy của môn quản trị kinh doanh tân thời nhưng lại dành 20 năm cuối đời để phát triển khu vực phi lợi nhuận. Ông tâm tình về quyết định này: tiến từ thành công đến điều có ý nghĩa. Tạo tài sản trong khu vực kinh doanh là sự thành công. Tham chính để ảnh hưởng chính sách là sự thành công. Tuy nhiên điều thực sự có ý nghĩa là tạo nên những thay đổi xã hội tích cực từ “rễ cỏ”; đó là xây dựng nền dân chủ từ dưới lên và trực tiếp tác động đến cuộc đời của đồng loại. Theo gương Ông Drucker, năm 2001 tôi rời bỏ công việc kỹ sư và từ đó dầm mình vào công việc phục vụ cộng đồng. ( ngưng trích)

Trời tháng Bẩy của CA không nóng không lạnh, thật dễ chịu. Internet đang luân lưu bức thư của Việt Nam Quốc Dân Đảng bày tỏ rằng họ không đối thoại với vc. Lý do, họ được tin vc muốn nói chuyện với vài người của cộng đồng thông qua Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Tôi hơi ngạc nhiên. Thật tình mà nói, năm 2007 tôi viết bài “Những người trẻ muốn vào hang cọp”, trong đó tôi mỉa mai thế hệ một rưỡi là đòi vào hang cọp bắt cọp con nhưng chưa bắt được cọp con thì đã bị cọp nhỡ chiêu hồi. Đó là 2007.

Còn bây giờ, với tiến bộ khoa học, với facebook, với smartphone có thể làm nhiều việc tức khắc như quay phim tại chỗ khi gặp một sự việc, upload ngay lên facebook, với việc Nguyễn Phú Trọng qua “chầu” Hoa Kỳ, với việc con cọp Trung Cộng đang bị Mỹ đánh vào kinh tế, thì cá nhân lại có suy nghĩ hơi khác. Nếu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ làm trung gian, tôi sẽ hỏi “ Vc muốn nói gì? Nếu điều ‘chúng mày’ muốn nói hạp ý ‘bà’ thì ‘bà’ chấp nhận, còn không hạp thì miễn!” Hạp ý “bà” là chúng mày phải thả các tù nhân lương tâm, phải nới rộng “human right” và cả “worker right”. Cái nới rộng đó của “chúng mày”, phải được bảo đảm sẽ thi hành đến nơi đến chốn chớ không được nói cho qua phà. Sau đó, lợi dụng cái “nới rộng” đó của vc lập tức người hải ngoại phải xây dựng đóm lửa ngay ở nhiều mặt trận, để vào thời điểm thuận tiện, các đốm lửa sẽ gom lại và bùng lên. Nói rõ là cổ võ cho người tranh đấu nổi lên nhiều hơn ở torng nước. Cá nhân tôi cho rằng chỉ có thế mới rút ngắn được tiến trình dân chủ cho quê hương. Lý do, chúng ta không có quân đội, không có gì cả để về giải phóng VN bằng quân sự. Với tư thế người Mỹ gốc Việt, chúng ta chỉ dùng những quyền đang có để “vận động”. Nhìn quốc gia Mỹ, dù ghét hay thương, dù mối hận năm 1975 còn đó, thì chúng ta vẫn phải công nhận đó là “đế quốc Mỹ, quốc gia number one đứng đầu thế giới”. Họ là quốc gia vạch chiến lược cho toàn thế giới và cả khối tư bản phải tuân theo. Và đương nhiên, họ vì quyền lợi của Mỹ mà có chiến thuật riêng cho từng giai đoạn. Vận dụng, lợi dụng, áp dụng thế nào để cái lợi cho quốc gia VN nhỏ bé phù hợp với cái lợi của con cọp Mỹ: là một việc làm khó. Tuy chúng ta không tin được cộng sản nhưng đành nuôi hy vọng với thời buổi net, với những kỹ thuật khoa học tối tân, thì sẽ kềm chế được phần nào cái lưu manh của bọn quỷ đỏ. Ngày xưa, người lính cộng hòa phải chiến đấu trong một trận chiến không được quyền thắng. Ngày nay, chúng ta chiến đấu trong một trận chiến không lính, không quốc gia, chỉ còn tiếng nói của người dân Mỹ gốc Việt.

Cộng đồng hải ngoại hiện nay, tương tự xã hội thời chúng ta còn quốc gia, bao giờ cũng nhiều phức tạp. Thời kỳ “thanh bình” nhất có lẽ chỉ được vài năm từ 1955 đến 1960. Sau đó là bất ổn triền miên mà phức tạp nhất là thời kỳ của nền đệ nhị cộng hòa với Nguyễn Khánh chỉnh lý, rồi đám sinh viên “nhâng nhâng” lộng hành ở đô thị, đám thầy tu của cả hai tôn giáo cũng “nhắng nhít” lôi kéo con chiên, đám nhà báo cũng “nhố nhăng” tố chính quyền, đám dân biểu thiên tả cũng “nhảm nhí” khuynh đảo hành pháp…Chính quyền lúc đó vừa đối phó với vc vừa đối phó với đủ thứ “giặc” trên trong nước.

Những kẻ lợi dụng hai chữ “tranh đấu” để phá hoại: thời nào cũng có. Những kẻ lợi dụng ba chữ “chống bất công” để phá hoại: thời nào cũng có.

Gánh nặng cộng đồng bao giờ cũng nặng nhưng tôi tin rằng thế hệ bản lề sẽ không trùm chăn vì “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại chụp (chụp mũ) e vu ( vu cáo)”. Tôi cũng tin rằng thế hệ Một sẽ sáng suốt trong nhận định, thông minh trong suy nghĩ, thận trọng trong quyết định, để chọn đúng người mà hỗ trợ, chọn đúng đối tượng để chỉ trích hầu không hối hận sau này vì đã vô tình phá hoại việc chung.

Hoàng Lan Chi

7/2015

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.