Tâm Tình với Ts Phan Quang Trọng, CĐ San Antonio 10/2015

LGT: số người tương đối trẻ, thuộc thế hệ một rưỡi, đang thành đạt nhất định ở Hoa Kỳ (Chủ nhiệm Mộng Tuyền là một ví dụ) nhưng vẫn nặng lòng với hai chữ Việt Nam, có lẽ không nhiều, nhất là trong lãnh vực hoạt động cộng đồng, vác ngà voi thì số đó khá ít. Trò Chuyện với Lan Chi kỳ này xin mời xem tâm tình của một người thuộc thế hệ bản lề này. Đó là Ts Phan Quang Trọng, đương kim Chủ Tịch Tổ Chức Cộng Đồng San Antonio.

HLC: Ts Phan Quang Trọng đến Mỹ năm 1980, sau hơn 10 lần vượt biên, ở tù hai lần (Khánh Hòa và Cần Giờ). Lần cuối cùng được Không Quân Hoa Kỳ tìm thấy trên biển Đông, gọi tàu Nhật Bản đến vớt và đưa vào trại ty nạn Tân Gia Ba. Trở lại học đại học sau nhiều năm gián đoạn. Ra trường đại học năm 85, ngành kỹ thuật. Đã làm việc được 30 năm cho Bộ Quốc Phòng HK. Lập gia đình năm 95, có ba con và vợ hiện dạy học bán công tại trường đại học công đồng tại địa phương.

HLC: Xin chào Ts Phan Quang Trọng. Ông là một trong số rất ít các vị chủ tịch tổ chức cộng đồng ở lứa tuổi này mà tôi thường gọi đó là “thế hệ bản lề”. Có lẽ số người đến Mỹ ở độ tuổi trên dưới mười, không có nhiều thời gian cho cộng đồng. Họ phải lo tiến thân trong sự nghiệp cá nhân, chăm sóc gia đình nhỏ.

Trước khi đi vào chiị tiết chuyện cộng đồng, xin ông cho một nét phác họa tổng quát về cộng đồng San Antonio? SA có khoảng bao nhiêu người Việt, bao nhiêu tổ chức hội đoàn, các phương tiện truyền thông chính thức? Và ông đảm nhiệm trách vụ này từ bao giờ?

PQT: Thưa chị, tôi làm việc cộng đồng đã gần 20 năm nhưng nói chung không giữ một vai trò gì nhất định, đa số sinh hoạt trong môi trường tôn giáo, báo chí, từ thiện, và sinh viên. Năm 2003, tôi có làm chủ bút cho một tờ báo tại địa phương phát hành tại TB Texas. Cũng từ năm 2003, tôi được mời tham dự vào tổ chức công đồng San Antonio với chức vụ Phó Chủ Tịch Tổ Chức Cộng Đồng San Antonio. Khi ông Chủ tịch CD San Antonio lúc đó, là Bác Nguyen Trọng Căn, về hưu năm 2005, tôi thay thế và được bầu trở lại trong chức vụ Chủ Tich cộng đồng hai lần. Hiện nay nhiệm kỳ của tôi sẽ chấm dứt vào mùa hè 2016. Tôi không có ý định ra tái cử cộng đồng San Antonio trong năm tới vì đang theo đuổi công việc xã hội, truyền thông, từ thiện, và với gánh nặng gia đình khi các con tôi vào học Đại Hoc. Bên cạnh chúng tôi, CĐ San Antonio vẫn còn một số người có lòng với với cộng đồng địa phương và mong mỏi quê hương sớm có tự do, dân chủ. Họ là những người âm thầm hay ra mặt đóng góp cho việc xây dựng cộng đồng.

Nói về toàn cảnh, San Antonio là một thành phố lớn thứ bảy hay tám trên nước Mỹ với hơn một triệu dân, con số người Việt cư ngụ tại San Antonio còn quá ít so với các thành phố lớn khác tại Texas, hiện tôi phỏng đoán có khoảng từ năm đến sáu ngàn người Việt sống rải rác tại thành phố này. Đa số làm việc tự do (self employment). CĐ Người Việt tại San Antonio có Hội Đồng Cố vấn, Hội Cao Niên, Hội CQN, và nhiều tổ chức tôn giáo như Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Công Giáo, và Tin Lành. Về lãnh vực truyền thông thì CD San Antonio trước đây có hai tờ. Một là báo US Viet News (Châu Kim Khánh là chủ nhiệm, tôi là chủ bút), hoạt động được hơn 10 năm. Tờ kia là Báo Trẻ có mặt tại nhiều thành phố tại Texas. CD San Antonio không có đài radio Vietnam, nhưng nhiều bà con có phương tiện truyền thông nên cũng theo dõi các chương trình phóng sự cộng đồng San Antonio trên Đài SBTN-TX. Chương trình này do anh Nguyễn Tuấn (kỹ thuật) và tôi (phóng viên, soạn chương trình phóng sự, liên lạc) thực hiện hơn ba năm qua.

HLC: Những sinh hoạt chính của cộng đồng Sản Antonio là gì? Tổng thời gian ước lượng cho cộng đồng khoảng bao nhiêu giờ cho một tháng?

PQT: Những sinh hoạt chính bao gồm: Tổ chức Tết Nguyên Đán, (sinh hoạt chung với các hội đoàn như CQN và Hội Cao Niên), Tổ chức các Ngày Y tế cộng đồng, tham dự các sinh hoạt của người Mỹ tai địa phương như Folk Life Festival, Asian American Alliance. Ngoài ra, tham gia hoạt động với các tổ chức CQN HK, kỷ niệm những ngày như Độc Lập và ngày Cựu Chiến Binh (Veteran’s Day). Bên cạnh đó chúng tôi còn giúp thông dịch cho đồng bào khi có việc với tòa án, tìm phương tiện y tế cho quý vị cao niên không có phương tiện hay đồng bào mới định cư, ít nhất có hai trường hợp chúng tôi lo tang lễ cho hai vị cao niên khi mất không có thân nhân. Chúng tôi còn tổ chức cấp phát học bổng cho học sinh trung học, tổ chức gặp gỡ các tổ chức khác trong CD như các tổ chức tôn giáo, tổ chức các cuộc gây quỹ để có phương tiện hoạt động cũng như giúp đỡ các nạn nhân của tai ương hay vô gia cư tại TP San Antonio, tham gia các buổi sinh hoạt chính trị và văn hóa với các cộng đồng bạn tại Houston, Dallas, và Austin. Chúng tôi có những sinh hoạt thể thao như buổi thi đấu bóng chuyền trong năm 2015 giữa các cơ sở tôn giáo và giáo dục. Chúng tôi sinh hoạt với Hội Sinh Viên (VSA) tại UTSA và IWU, vận động các hội đoàn tham gia giúp đỡ các tổ chức tranh đấu dân chủ và nhân quyền tại VN. Chúng tôi là hội viên và thành viên của ban giám đốc Hội Liên hiệp người Mỹ gốc Á tại San Antonio và làm việc khá tốt đẹp với các tổ chức cộng đồng Á châu tại San Antonio. Có lẽ trung bình thời gian của tôi dành cho việc cộng đồng vào khoảng 10 đến 15 tiếng một tuần.

HLC: Câu trả lời về những người trẻ hải ngoại không quan tâm dân chủ, nhân quyền cho VN và chỉ tích cực trong từ thiện, văn hóa là ông ám chỉ thế hệ hai? Điều đó dễ hiểu vì các cháu sinh ra hay trưởng thành ở Mỹ nên ảnh hưởng văn hóa Mỹ. Các cháu học lịch sử Mỹ và sẽ là “Mỹ con” nếu như ông/bà, cha/mẹ không hướng dẫn từ nhỏ. Để sửa chữa lỗi lầm này, theo ông, chúng ta nên giải quyết như thế nào?

Đây là khía cạnh tôi nhận thấy trong nhiều năm làm việc với thế hệ trẻ hơn chúng tôi. Họ là thế hệ may mắn hơn cả thế hệ bản lề và hầu như không gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Tùy theo giáo dục của gia đình và tôn giáo, thế hệ trẻ này là những nhân tố quan trọng trong việc đưa cộng đồng Việt Nam đi thêm một bước dài nữa là tham gia thành công và lợi ích vào những sinh hoạt chính trị giòng chính . Thế hệ chúng tôi và thế hệ niên trưởng đi trước nên tạo điều kiện để họ có được sự ủng hộ của đồng hương, tạo được bước nhảy ban đầu vào chính trường. Đây là cái vốn chính trị chúng ta cần đầu tư để đảm bảo tương lai của cộng đồng VN tại Hoa Kỳ cũng như tiến trình dành tự do và dân chủ cho người dân Việt Nam.

Chúng tôi, thế hệ bản lề, cũng mang một phần trách nhiệm trong việc chuyển tải sự thật về tình hình đất nước cũng như tạo điều kiện để thế hệ thứ hai, ý thức và có thể nhận lãnh trách cộng đồng VN họ đang sinh sống cũng như với quê hương đang đau khổ dưới ách thống trị của cường quyền CS. Trên thực tế, hầu như các cộng đồng di dân cũng có trải nghiệm tương tự. Sự gắn bó của thế hệ thứ hai đến quê hương còn tùy thuộc vào giáo dục gia đình và những sinh hoạt chính trị và văn hóa của từng địa phương. Tại những thành phố có ít người Việt như tại TP San Antonio, đây là một vấn nạn. Đa số thế hệ bản lề chỉ lo làm ăn, xây dựng kinh tế, sinh hoạt hội hè, đình đám, thì việc thế hệ thứ hai không quan tâm đến các vấn để dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam là tất yếu. Đây là khó khăn rất lớn và đòi hỏi sự quan tâm của tất cả tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng VN và đặc biệt các cơ sở tôn giáo. Chúng tôi không dám đưa ra một hướng giải quyết duy nhất, nhưng xin đưa ra một vài thử nghiệm mà chúng tôi thực hiện trong môi trường chúng tôi có thể gây ảnh hưởng được tại địa phương: Tạo điều kiện để các người trẻ tham gjia vào các sinh hoạt đoàn thể của cộng đồng khi họ còn trẻ, nhất là trong giai đoạn họ đang còn sinh sống với gia đình.

1. Tiếp tục và giúp đỡ các sinh hoạt của người trẻ tại môi trường trung học và đại học, thí dụ như tạo những giải thưởng vinh danh thành tích của người trẻ trong học đường. Tiếp tay giúp đỡ các sinh hoạt của người trẻ tại môi trường đại học, như tham gia và trực tiếp giúp các hội sinh viên trong việc gây quỹ, đến sinh hoạt với họ, đem họ đến gần cộng đồng VN bằng cách mời họ vào các bạn ngành thể thao, văn hóa, văn nghệ của cộng đồng.

2. Đầu tư và nâng đỡ các bạn trẻ có năng khiếu và khả năng lãnh đạo, đặc biệt các bạn trẻ có lòng với cộng đồng, đất nước, và mang ý định tham gia vào các sinh hoạt chính trị giòng chính. Dùng cộng đồng VN là viên gạch đầu tiên để các người trẻ nầy dấn bước vào sinh hoạt chính trị địa phương.

3. Các người trẻ sinh ra và lớn lên tại HK đa số sinh hoạt trong môi trường dân chủ và tôn trọng cá tính, vì vậy khi họ đến sinh hoạt với cộng đồng cũng nên tạo cho họ một sân chơi dân chủ và tương kính. Xin đừng nên dùng tuổi tác, kinh nghiệm về VN, để áp đặt các quyết định trên các sinh hoạt. Nếu chúng ta muốn các em trở thành những vị lãnh đạo cộng đồng tương lai, chúng ta phải bắt đầu ngay khi họ mới đặt chân vào sinh hoạt với cộng đồng, tôn trọng ý kiến và cái nhìn của họ về các vấn đề của cộng đồng. Họ có cách nhìn và cách giải quyết phù hợp với thế hệ của họ.

HLC: Cảm ơn về những ý kiến của ông. Tôi công nhận là nên tạo điều kiện khi các cháu còn nhỏ, sống với gia đình. Trong các sinh hoạt chung, có lẽ thế hệ bản lề cần phải làm cái “bản lề” thật sự. Đó là thưa chuyện trước với cao niên để họ hiểu là họ cần thông cảm những thái độ, suy nghĩ kiểu gì của các cháu. Ngược lại, khi nói chuyện trước với tuổi trẻ, thế hệ bản lề củng cần căn dặn các cháu, trước tiên phải lê phép, không được ngang hàng. Sau nữa, không được sử dụng ngôn ngữ được học ở nhà trường Mỹ theo kiểu “ Bác nói như thế là sai”. Thay vào đó “ Bác nói không sai nhưng cho phép cháu có thêm ý kiến như vầy…”

Nhìn lui, ông nhận định thế nào về các người đi trước? ý tôi nói, các vị chủ tịch cộng đồng của nhiều năm trước có những ưu khuyết điểm gì, theo ông?

PQT: Tôi vô cùng biết ơn thế hệ Một. Những người này, dù đến Hoa Kỳ năm 75 hay trong chương trình H.O thì phải nói họ đã có công rất lớn trong việc xây dựng nền tảng, cơ sở cho các tổ chức cộng đồng ở khắp nơi. Từng bước một, cộng đồng VN ở hải ngoại đã dần khẳng định thế đứng, vị trí của mình trong xã hội Mỹ. Họ, những người thế hệ Một, khi đến Mỹ đã không còn trẻ, lại trở ngại ngôn ngữ nhưng với ý chí vững mạnh, quyết tâm cao và lòng tự hào dân tộc đã khiến thế hệ này vừa cung cấp cho Hoa Kỳ những người con ưu tú về mọi phương diện, vừa đóng góp để hình thành cộng đồng VN ngày càng lớn mạnh. Từ nền tảng đó, thế hệ tiếp nối như chúng tôi đã có nơi để tìm đến, để cùng hoạt động, để cùng chia sẻ vì dù sao cũng cùng giòng máu, cùng nguồn cội và tất nhiên tôi nghĩ rằng, thế hệ bản lề chúng tôi cũng có lòng tự hào dân tộc không kém gì thế hệ trước.

Cá nhân tôi không thấy họ có khuyết điểm gì. Tôi nghĩ rằng những người đi sau như chúng tôi, có lợi điểm về tuổi tác và sinh ngữ thì có bổn phận phải học hỏi những bài học của thế hệ cha chú. Chúng tôi có nghĩa vụ phải tiếp tục những gì đã được xây dựng và đưa cộng đồng vào sinh hoạt của giòng chính, đặc biệt những sinh hoạt của công đồng cũng nói lên quan tâm và trách nhiệm của người Việt tự do đối với quê hương, đất nước, và đồng bào còn phải đối đầu với nhiều khó khăn. Vài công việc cụ thể chúng tôi đã và đang thực hiện tại địa phương là sinh hoạt chặt chẽ với các cộng đồng bạn như các cộng đồng người thiểu số, trở thành một thành viên có trách nhiệm với thành phố San Antonio, giúp chính quyền địa phương một tay trong các sinh hoạt xã hội, giúp đỡ người thiếu may mắn, ghi danh và đăng ký cử tri VN, làm việc chặt chẽ với các vị dân cử tại địa phương tại cấp huyện, thành phố, và tiểu bang. Những điều này theo tôi là “tạo vốn” chính trị cho cộng đồng VN. Khi đi được vào giòng chính thì chúng ta có thể có tiếng nói ảnh hưởng lên các nhà lập pháp để họ có những quyết định có ích cho cộng đồng VN. Nếu chúng ta không có nhiều tiếng nói trong giòng chính Hoa Kỳ thì xem như họ không biết được những nhu cầu, những đòi hỏi cấp thiết và cá biệt của cộng đồng VN. Đây là mối quan hệ hai chiều và tế nhị.

HLC: Vấn nạn chung cho các cộng đồng là sự không thông cảm giữa người trẻ với thế hệ cha ông. Theo ông, ai nên nhường một bước trước? Các cao niên hay người trẻ và tại sao?

PQT: Theo tôi, người trẻ không được chín chắn và kiên nhẫn như quý vị niên trưởng.Đa số người trẻ hội nhập khá thành công vào cộng đồng HK địa phương và dần xa lánh những sinh hoạt cộng đồng VN. Để tránh tình trạng người trẻ thờ ơ với cộng đồng thì có lẽ các vị đi trước nên thông cảm cho thệ hệ con cháu. Nếu các cháu có lỡ làm sai thì chỉ bảo. Không nên chụp mũ ngay cho các cháu hay tung e-mail khắp nơi. Lý do, số người rảnh rỗi để tin vào e-mail và cứ thích lên tiếng “mắng mỏ” dù chỉ mới nghe một chiều cũng rất phổ biến. Đó cũng là một lý do mà một số người trẻ dần lánh xa cộng đồng. Các vị đi trước, nếu được thì nên nhường nhịn một bước trước, để tăng cường các hoạt động cộng đồng của người trẻ. Thứ hai tạo cơ hội để người trẻ đảm nhiệm những công việc lãnh đạo. Người lớn tuổi có thể đứng ngoài hỗ trợ và đóng góp chân thành xây dựng để các bạn trẻ mạnh dạn tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng của người Việt mà không thấy bị lợi dụng hãy xem thường. Tôi cũng thấy chúng ta không có nhiều thời gian nữa để kêu gọi thế hệ bản lề tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng. Nếu chúng ta trì hoãn, thế hệ bản lề đa số bây giờ cũng vào cái tuổi “tri thiên mệnh” sẽ không tham gia tích cực. Không có thế hệ ‘bản lề’ tham gia sinh hoạt cộng đồng, chung ta sẽ đánh mất đi cơ hội để họ tạo cầu nối giữa thế hệ cha ông với các cháu trong thế hệ sinh ra tại HK. Đây là sự mất mát có tính chiến lược cần được quan tâm.

HLC: Từ đâu ông có ý định tham gia công việc cộng đồng? Ý thích cá nhân hay có sự khuyến khích từ một vị cao niên?

PQT: Tôi tham gia công việc cộng đồng cũng do có sự khuyến khích của quý vị đi trước, nhưng đồng thời tôi cũng muốn làm một việc gì đó để tạo sự cảm thông giữa cộng đồng HK và VN. Tôi muốn cho người Mỹ biết, cộng đồng VN là một cộng đồng có nhiều năng lực, ý chí, và yêu nước (Hoa Kỳ) như các cộng đồng di dân đi trước. Tôi cũng tự hào đã góp một phần nhỏ trong việc giúp cộng đồng người HK tại San Antonio thông cảm và nể trọng với cộng đồng VN. Nhân tiện đây, chúng tôi cũng xin cảm ơn các quý niên trưởng trong ban cố vấn, trong các tổ chức tôn giáo, trong các hội đoàn tại địa phương đã khuyến khích, giúp đỡ, tạo điều kiện cho chúng tôi hoạt động và đóng góp trong những năm qua. Không có sự tiếp tay của các quý vị này, ban đại diện CDNV San Antonio chắc chắn sẽ không hoạt động kết quả.

HLC: được biết SA không có báo Việt. Tin tức dựa vào SBTN và vài làn sóng. Ông chọn lọc những tin tức gì để đưa lên SBTN?

PQT: Thông thường tôi chọn đưa những sinh hoạt cộng đồng đang xảy ra tại địa phương SA. Bên cạnh đó tôi cũng có nhiều cuộc phỏng vấn các vị dân cử (elected official) để cộng đồng thấy được những sinh hoạt chính trị hữu ích của giòng chính. Khi chọn đưa giới thiệu các sinh hoạt địa phương là tôi muốn các vùng khác cũng biết đến SA. Dù dân số Việt ở đây không lớn nhưng và những sinh hoạt của chúng tôi rất khiêm tốn, nhưng chúng tôi luôn tự hào là người Việt nam.

HLC: Là một người trung niên, ông làm gì để kết nối giữa thế hệ cao niên với người trẻ trong cộng đồng?

PQT: Cộng đồng SA nhỏ nên không có nhiều mâu thuẫn giữa hai thế hệ, đa số quý vị đi trước rất vui khi có người trẻ tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng. Điều quan tâm của tôi là cộng đồng SA rất thiếu thế hệ bản lề để làm cầu nối giữa hai thế hệ gìa và trẻ. Tôi nhận thấy các tổ chức tôn giáo, nhất là Công giáo và Tin lành rất năng động trong việc nối kết giữa hai thế hệ. Họ có lợi điểm là có chung tín ngưỡng và thiện chí mở mang những hoạt động tôn giáo tại nhà thờ nơi họ sinh hoạt. Tôi ước mong họ mở rộng và tham gia các sinh hoạt cộng đồng nhất là những sinh hoạt văn hóa. Trước khi chúng tôi là một người Công giáo, Phật giáo, hay Tin lành, chúng tôi là người Việt Nam! Xin cảm tạ sự quan tâm của Chị Lan Chị và quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn nầy. Kính chúc quý vị sức khỏe, an bình.

Hoàng Lan Chi thực hiện 10/2015

This entry was posted in Phỏng Vấn, Tạp Ghi. Bookmark the permalink.