Cỏ Hoang-Thư cho người bạn già-truyện ngắn hay- Hoàng Lan Chi xin chờ….

LGT: truyện rất ngắn và hay.

Chắc nhà văn Văn Quang sẽ đón chuyến tầu trước HLC. Anh nhớ vài năm sau hay tối đa là 20 năm sau, ra đón em nhe anh Văn Quang! J ( Vì hôm qua mới e-mail và ô VQ kể..) J

HLC sẽ đi trước và sẽ đứng đón vào 20-30 năm sau, các em cưng thế hệ 1,5, vài tiểu muội Gia Long, của "chị hai" nhé. J

Hoàng Lan Chi

***************************

Thư cho người bạn già

Gần ba mươi Tết rồi mà anh em Hà chẳng buồn sửa soạn nhà cửa hay mua sắm các thứ để đón Xuân như mọi năm.

Còn lòng dạ nào để nghĩ đến Tết nhất khi mà bố cô đang đau liệt giường và bịnh viện đã gửi trả về nhà để chờ chết chứ. Cô rươm rướm nước mắt chực khóc khi nghĩ đến mẹ. Giá mẹ còn sống có lẽ bố cô không đến nỗi mải mê, miệt mài làm việc ngày đêm đến quên cả lo lắng cho sức khỏe của mình. Chẳng phải Hà không lo chăm sóc bố đầy đủ, chỉ tại cô bất lực trong việc ngăn cản bố làm việc quá mức thôi. Khi Hà khuyên can bố chỉ bảo:

“Đến tuổi này rồi sống chết không còn quan trọng nữa con ạ. Nếu làm được việc gì có ích cho người đời thì đó là niềm vui của bố.”

Hồi mẹ còn sinh tiền, lúc nào trong nhà cũng tấp nập bạn bè của bố ở các nơi tới lui, thăm viếng hoặc hội họp thật vui vẻ. Mẹ luôn chu đáo, nhiệt tình và niềm nở với tất cả mọi người , ngược lại họ cũng rất quý trọng và thương mến mẹ. Sau này mẹ mất rồi thì thỉnh thoảng cũng có người ghé qua nhưng không ở lâu và không vui nhộn như xưa nữa. Trong số đám bạn của bố, người nào Hà cũng mến, đặc biệt phái nữ thì Hà thích và mến nhất là cô Hoàng Mai. Cô đẹp, tế nhị, hiền hòa, điềm đạm, dí dỏm và có óc khôi hài. Cô cũng có cùng sở thích về nghệ thuật, văn chương, hội họa và viết lách như bố. Có một lần – sau khi mẹ mất được mấy năm – cô Mai ghé thăm bố cùng với mấy người bạn khác. Lúc tiễn cô về rồi, thấy bố buồn buồn, Hà gợi chuyện thăm dò:

“Cô Mai đẹp và dễ thương quá bố nhỉ. Giá cô ở chơi lâu lâu một tí thì vui biết mấy.”

Bố trầm ngâm một lát rồi trả lời:

“Yêu bố – không ai bằng mẹ con. Nhưng hiểu bố thì chẳng ai bằng cô Mai cả.”

Lúc ấy Hà chỉ nghĩ là vì bố cảm thấy lẻ loi, cô đơn nên cần người bậu bạn. Mãi sau này khi hiểu rõ bố nhiều hơn, hiểu đời sâu rộng một tí và nhìn thấy sự tương kính, quý trọng lẫn nhau giữa bố và cô Mai ra sao rồi Hà mới thấm thấu câu nói của bố. Mới hiểu rằng tình vợ chồng tuy thiêng liêng, cao quý, nhưng tình bằng hữu cũng không kém phần quan trọng trong đời sống của mỗi người. Người phối ngẫu đầu ấp tay gối chưa hẳn là người tri kỷ với mình và ngược lại người bạn tâm giao không nhất thiết phải là người vợ hay chồng mới có được sự đồng cảm.

Thấy bố đang thiêm thiếp ngủ, Hà chạy vội ra đầu ngõ để lấy thư vào nhà. Đa số là báo quảng cáo, một số thiệp chúc Tết, mẫu hàng biếu không, thư đòi nợ… Từ trong đám hỗn độn này rơi ra một phong thư bé bé xinh xinh màu xanh da trời, bốn bên rìa được bao bọc bởi những sọc ngắn, xanh chen đỏ, nằm xiên xiên và song song nhau trông thật vui mắt. Lâu lắm rồi Hà không thấy loại phong bì này. Tò mò nghé mắt nhìn lướt trên bì thư với nét chữ mềm mại, đều đặn như được nắn nót thật kỹ, lần tới tên và địa chỉ người gửi bên góc trái Hà bỗng phì cười:

“Thì ra của cô Hoàng Mai! Sao cô không gửi qua email mà lại viết thư thế này cho lâu lắc, nhiêu khê”.

Vừa buột miệng xong thì Hà cũng chợt nhớ ra thời gian gần đây bố cô không còn hơi sức ngồi làm việc hay kiểm điện thư qua máy vi tính như trước nữa. Ôm chồng thư vào nhà và ngồi xuống chiếc ghế cạnh đầu giường bố, Hà lật qua lật lại phong thư, phân vân không biết có nên đọc thư riêng cho bố nghe không. Dạo này bố cô rất yếu, ít nói năng và cử động. Khi Hà hay Khang – anh lớn của Hà – muốn hỏi chuyện với bố thì đặt câu hỏi, bố nhắm mắt nếu ông muốn trả lời không, và chớp mắt nếu có hay đồng ý. Thoảng hoặc lắm bố mới gắng nói vài câu ngắn gọn cần thiết mà thôi. Một lát sau thấy bố mở mắt ra, Hà cầm phong thư đưa trước mặt ông và hỏi:

“Bố ơi, có thư của cô Hoàng Mai gửi cho bố nè. Bố có muốn con đọc cho bố nghe không?”

Hà thấy bố chớp mắt lia lịa như đang nôn nóng, cô vôi lấy dao rọc phong bì và kéo ra một sấp giấy màu xanh thật mỏng, mềm mại và thoang thoảng mùi thơm nhẹ. Đây là loại giấy viết thư của thời xửa thời xưa, bây giờ không thấy ai dùng tới nữa.

Ngày… tháng…năm…
Anh bạn già thân mến,
Tôi biết giờ này – như mọi năm – anh đang nóng lòng trông ngóng thư từ, bài vở bạn bè bốn phương gửi về để kịp lên báo Xuân như thói quen lâu nay, dù anh đang nằm trên giường bịnh. Tôi cũng biết bọn mình từng đứa đã lần lượt gác kiếm, đau lòng xót dạ mà giã từ cái máy vi tính thân thương luôn sát cánh bên mình bao năm qua. Cái vật vô tri vô giác này cũng là bạn chí thiết, từng giúp mình vượt bao giai đoạn khó khăn trắc trở, là người tri kỷ trung thành không quảng ngại chia sẻ với mình bao nỗi cô đơn, buồn tủi, nhọc nhằn. Cho nên, tôi gửi anh phong thư lối cổ điển thuở học trò này, theo đường chim bay, theo gió mây ngàn đưa đẩy với niềm tin hy vọng anh sẽ đón nhận nó trước ngày giờ bước lên chuyến tàu tốc hành về nơi yên nghỉ thật sự.

Anh còn nhớ đôi khi bọn mình nói chuyện với nhau về ý nghĩa của sự “YÊN NGHỈ” không? Mỗi đứa một định nghĩa riêng, một quan niệm khác biệt. Riêng tôi với anh thì cùng chung ý kiến cho rằng ngày nào mình buông xuôi tất cả là ngày đó mình mới được yên nghỉ. Nhưng quả thật “buông” được là khó vô cùng. Cả cuộc đời mình vật lộn với sinh kế, với nhu cầu vật chất, tình cảm và tinh thần, với bao thăng trầm đổi thay của xã hội, với sự tàn khốc của nhân loại, khắc nghiệt của thiên nhiên. Nghĩ lại xem có phút giây nào dám yên nghỉ đâu? Khi vừa thoát ra được hệ lụy này thì lại vướng vào vòng hệ lụy khác. Cứ thế mà ngày qua tháng lại cho tới giờ này, còn chút sức lực vẫn đem ra tận dụng đến phút chót. Anh nói không phải sao? Mắt mờ, lưng còng, cơ thể nhức mỏi triền miên, chân tay tê cứng, vụng về… Vậy mà hằng đêm vẫn thức trắng để tuyển lọc bài vở gửi đến, nắn nót từng câu văn, trau chuốt từng ý tưởng cho đoạn văn được tương đối hoàn hào hơn, toan tính, sắp xếp thế nào cho đẹp mắt và thích hợp với trang web, cuốn sách, tờ báo… Đầu cổ bơ phờ, tâm thần mệt mỏi, từng ngón tay rã rời, vậy mà vẫn cố gắng sử dụng bắp thịt để gõ vào keyboard cho nhanh nhẹn hơn, vận động gân cốt để xoa con chuột cho lẹ hơn. Chẳng ai bắt tội mình làm vậy phải không? Chỉ tại mình chưa muốn nghỉ ngơi. Nếu có đau ốm thì nằm đó mà cứ trông sao cho chóng lành để rồi lại tiếp tục công việc bỏdở. Đuối sức lắm chứ. Mệt mỏi lắm chứ. Nhưng lỡ sinh làm kiếp tằm nên phải tiếp tục nhả tơ cho đến chết thôi.

Như vậy hóa ra “chết” chỉ là ở vào trạng thái “tĩnh”. Là hoàn toàn nghỉ ngơi thực thụ. Tôi nghe dường như trạng thái này rất quen thuộc và gần gũi với ước muốn của mình lâu nay. Như vậy tránh né nó làm gì. Hãy đón nhận và xem như đây là một giai đoạn chuyển tiếp từ trạng thái này sang trạng thái khác. Từ đang thở trở thành ngừng thở. Từ đang sinh động trở thành bất động. Từ đang vất vả cực khổ trở thành thảnh thơi, nhàn nhạ. Giống như con tằm biến thành con nhọng và an hưởng thanh bình trong cái kén cho đến khi thay hình đổi dạng vậy. Nói một cách khác, ở vào tuổi nào đó, mình có thể sẽ rơi vào giao đoạn “chuyển kiếp” không chừng. Sau đó thế nào thì mình cũng chẳng cần bận tâm làm gì chuyện xa xôi ấy. Phải không anh bạn già chí thiết? Có điều đừng quên nhé, dù ở kiếp nào thì cũng cứ cầu mong nhóm bạn già chúng mình vẫn sẽ tái hợp lại đầy đủ như xưa đấy.

Thật ra thì nhóm bô lão mình gắn bó lâu nay cũng chỉ như mọi nhóm khác. Cũng có những chuyện vui buồn từ thuở đi học, đi dạy chung, đi tù đày hay lưu lạc tha phương bao năm qua được đem ra kể lể, nhắc tới nhắc lui, lập đi lập lại hằng tỉ lần mỗi khi họp mặt đông đủ. Rồi thì chuyện mới chồng chất lên chuyện cũ. Chuyện hay lẫn lộn chuyện dở. Chuyện vui lấp liếm chuyện buồn. Vậy mà chuyện nào được nhắc lại cũng mới nguyên si như vừa xảy ra. Chuyện buồn có bạn bè chia sẻ cũng trở thành chuyện vui. Ừ, mà lạ thật, đứa nào cũng bao lần lên voi xuống chó, ba chìm bảy nối chín cái lênh đênh, bầm dập tim gan, tan tác cõi lòng, thế nhưng hễ gặp lại cả bọn dường như quên hết thế sự. Chỉ còn nhớ, thấy và cảm nhận cái tâm trạng trẻ trung, vui nhộn, sinh động như đang sống vào thời điểm của quãng đời vàng son dưới mái trường mình đang học hay đang dạy chung vậy. Và đứa nào cũng trở về y nguyên bản chất xa xưa, cá tính cũ. Vẫn phá phách, chọc ghẹo, tiếu lâm, khôi hài… dù trên đầu tóc đã có muối nhiều hơn tiêu rồi.

Tôi đoán có lẽ con gái ngoan đang đọc thư này cho anh. Nghe đến đây anh đã thấm mệt chưa? Thấy ngán ngẫm cái lối viết văn lòng vòng, lẩm cẩm của bà bạn già này rồi chứ? Chẳng sao. Đến tuổi này rồi thì nhớ đâu viết đó, nghĩ sao ghi xuống vậy. Lượm được cái gì vụt đến từ trong ký ức thì cứ bỏ vội vào trang giấy ngay kẻo lại quên nửa chừng. Anh đừng chổi dậy để lo sửa chữa cách hành văn lủng củng, luộm thuộm của tôi. Vô ích, vì sẽ chẳng có ai đọc nó cả. Cũng đừng vội bỏ cuộc. Chưa hết đâu. Hãy nghe tiếp. Tôi sắp sửa đòi nợ anh đó. Anh còn nhớ anh đã hứa gì với bọn này trong kỳ họp mặt lần cuối không?

Ngày đó bạn bè mình và học trò cũ từ bốn phương tề tựu về thật đông đủ. Quả thật trái đất rộng lớn bao la cũng thu lại thành gần, bầu trời tuy mênh mông nhưng cũng thành nhỏ hẹp vì ý chí ước muốn tìm về với trường xưa bạn cũ. Khung cảnh lạ, tha hương buồn, nhưng thâm tình cùng thân hữu vẫn bền chặt như xưa, lòng nhiệt thành với bạn bè vẫn nồng ấm thiết tha đầy ắp như thuở nào. Thật cảm động, thật vui mừng bồi hồi vì không ngờ trải bao thăng trầm, xa cách mấy mươi năm mà còn cơ may gặp lại. Rồi thì hẹn nhau gặp tiếp, gặp tiếp, lại gặp tiếp… ở nhiều nơi khác. Không ngờ đi đến đâu anh cũng có thật nhiều bà con họ hàng xa gần, bạn bè cố tri lâu năm đông đảo. Hết người này lại đến người khác tiếp tục mời mọc đãi đằng anh, vì tình thân thuộc, vì nghĩa bạn bè tri âm, vì nợ ân tình, vì nợ miệng và v.v… Anh không thể bỏ rơi đám bạn bè nên buộc lòng họ phải thầu luôn gánh hát bồ tèo bám theo anh. Rốt cuộc bọn này luôn được những bữa ăn chực thịnh soạn vì dựa hơi anh. Rồi thì bọn này bầu anh làm chủ cái bang chuyên đi xin ăn miễn phí để theo ăn ké. Ngoài cái vui nhộn vì bản chất hãy còn phá phách, trêu chọc nhau, thực ra từ trong thâm tâm, bọn tôi vô cùng cảm phục anh. Vì anh ăn ở với mọi người đầy tình nghĩa thâm sâu cho nên họ mới quý trọng, mến thương, tha thiết và chí tình chí nghĩa với anh như vậy. Lần nào chia tay anh cũng hẹn gặp nhau kỳ tới để anh kéo bọn mình đi ăn chực tiếp. Anh còn nhớ hay quên?

Giờ bạn bè cũ trong đám rơi rụng dần, kẻ già lụm cụm, đứa đau ốm liên miên, người nào may mắn còn đủ hơi sức hơn thì cố gắng đi thăm người yếu. Cơ hội xum họp đông đảo như trước gần như không thể tiếp tục thực hiện được nữa. Có chăng là ở một thế giới xa xôi khác thôi! Nghĩ cho cùng, tuổi đời chồng chất thế này rồi, có sống thêm vài năm thừa cũng chẳng lời lóm, lợi lộc gì. Mà vài năm thiếu cũng có lỗ lã, mất mát chi đâu? Điều quan trọng, đáng kể nhất chính là cái mình để lại dọc con đường đã đi qua có ý nghĩa, có hữu ích, có đượm đầy nhân nghĩa, nhân tình để làm mọi người chung quanh thương tiếc, nhắc nhở mãi khi mình bỏ cuộc không. Tôi nghĩ anh đã đạt được tới cái đích này rồi đó.

Anh bạn già ơi,
Cuối năm nay tính sổ lại, tôi thấy trong đám bạn bè xưa, anh là người thành công hơn tất cả. Đại gia đình cha mẹ, anh chị em sống quây quần hạnh phúc bên nhau. Con cái thành nhân, thành tài. Cơ ngơi vững chắc. Anh làm được đúng công việc mình yêu thích: truyền đạt nghệ thuật, văn hóa, kiến thức, lý tưởng, đạo đức và lòng yêu nước cho người đời. Thử hỏi mấy ai có được cái may mắn này? Đời sống anh luôn được bao bọc, vây quanh bởi tình thương yêu của gia đình, thân quý của bè bạn và sự kính mến của đám học trò xưa. Cái diễm phúc này có lẽ ai cũng phải trân quý lúc còn sống và hài lòng, mãn nguyện lúc nhắm mắt lìa trần.

Hãy vẫy tay chào tôi với nụ cười hứa hẹn tái ngộở thế giới mới vào giờ phút anh quyết buông bỏ mọi lấn cấn quanh mình để đi tìm một sựyên tĩnh nghỉ ngơi vĩnh viễn, anh bạn già nhé. Vợ chồng anh hãy ra đón khi chuyến tàu chót chở bọn tôi đỗ bến cùng. Chừng ấy ta lại tiếp tục kéo nhau đi quấy nhiễu thiên hạ, lại đi ăn chực vòng vòng như xưa. Để anh có dịp trả dứt món nợ tiền kiếp đấy mà. Vui biết mấy. Nhớ nhé!

Người bạn già trong nhóm những bạn già của anh.
Hoàng Mai

Đọc hết câu cuối mắt Hà mờ đi, ràn rụa nước. Cô ngước lên nhìn bố thì cũng vừa kịp bắt gặp nét mặt ông Hy rạng rỡ, tươi hẳn lên, khóe miệng hở ra và một bên môi nhếch lên, ông nở nụ cười vui nửa vời, mãn nguyện. Bàn tay phải với mấy ngón tay xương xẩu hãy còn nhúc nhích như cố gắng vẫy vẫy. Chỉ trong tíc tắc, ông Hy hự lên một tiếng nhỏ rồi quẹo đầu sang một bên và bất động. Hà quýnh quáng định lay ông dậy và gào to:

-Bố ơi! Bố ơi!

Khang đứng bên cạnh từ lúc nào, chụp vội tay em gái chận lại và nghẹn ngào khuyên:

-Đừng em, hãy để bố đi trong niềm hạnh phúc sau cùng.

Lá thư được thiêu cùng lúc với thân xác còm cõi, hao mòn vì tuổi tác, vì bịnh tật của ông Hy.

Cỏ Hoang

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.