“Người Michigan” và Tôi

Người Michigan" và Tôi

Đương kim Chủ tịch Tổ chức cộng đồng Michigan, Trương Thế Hải, là một người Michigan, một vị chủ tịch trẻ mà tôi vừa kết thân.

Gọi là “trẻ” vì đây là thế hệ 1,5 chớ trên thực tế với số tuổi ấy, địa vị ấy trong gia đình và xã hội thì không còn “trẻ”. Thế hệ này năm nay cũng ngoài năm mươi. So sánh với các vị chủ tịch của năm 2000 thì họ được coi là “trẻ” vì các ông chủ tịch cũ giờ này ngoài bẩy mươi.

Michigan có ba vị chủ tịch thì tôi biết cả ba. Người chủ tịch lớn nhất, Phạm Văn Thanh, tôi quen đã lâu. Thật tình tôi không nhớ nổi vì sao quen. Chỉ biết, Thanh cũng như vài người tôi giao thiệp, nghĩa là sau khi biết tuổi thì …tôi bắt làm em cho dù Thanh chỉ thua “bà chị” có một tuổi. Năm 2010, "chị em" lai rai cãi nhau qua mail vì Thanh đứng về phía ô Nguyễn Văn Tánh còn tôi thì đứng ở phía ông Nguyễn Văn Tần. Tuy cãi nhau nhưng không lớn chuyện, không dùng ngôn ngữ nặng nề với nhau. Sau vụ đó ít lâu, Thanh có việc ở CA và hai chị em lần đầu gặp nhau. Khi gặp mặt, tôi trêu Thanh là bên ngoài, coi Thanh “già hơn bà chị là cái chắc!”.

Người thứ hai là Dương Đức Vĩnh. Tôi quen Vĩnh cũng từ vụ Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ mà ra. Tôi viết bài vạch âm mưu của nhóm ô Tánh dựa trên youtube thu hình buổi bầu cử. Vĩnh rất cương trực, thẳng thắn và có phần nóng tính. Hôm đó qua youtube, tôi chứng kiến Vĩnh to tiếng đả kích nhóm ô Nguyễn Văn Tánh đã hành xử phi dân chủ. Tôi thấy mến Vĩnh. Tình chị em hình thành từ đó.

Trong nhiệm kỳ của Vĩnh ở Michigan có hai vụ và tôi đều nhúng tay vào. Vụ thứ nhất là một cựu quân nhân chỉ trích nhóm kia và cả tổ chức cộng đồng. Chính ông A đó là người gửi mail đến tôi, trình bày sự việc. Tôi đã ngắn gọn là ông không nên xé to vì không phải thế. Lôi kéo tôi không được, A bèn viết bài tung net. A sử dụng thủ thuật thông thường ở một số người không tử tế là bẻ quẹo vấn đề để gạt những người ở xa. A đã khiến vài netters “lên tiếng”. Tôi bực mình, gọi cho Vĩnh và hỏi chuyện. Sau khi nghe tường tận, tôi mail cho A. Tôi yêu cầu ông A hãy đối chất với hội cựu quân nhân kia ngay tại Michigan, không việc gì lại phải kéo lên CA và nhờ SBTN phân xử. Nhờ tôi, vụ đó êm.

Vụ thứ hai liên quan đến một cao niên. Xin lỗi hương hồn ông khi nhắc lại chuyện này. Là lão làng nên khi ông mắng oan hay nói “à uôm” thì thế hệ 1,5 nín thinh hết. Tôi là một phụ nữ, lại ở xa, nên có thể đối thoại có phần thẳng thắn với ông. Đương nhiên là ông không tranh luận lại được tôi và chỉ cãi chày cãi cối. Trong lá mail cuối (vì không muốn phí thì giờ với một ông già), tôi hỏi ý kiến người Michigan. Ai đồng ý thì mail riêng cho tôi. Trong nhiều người đồng ý và bày tỏ “sự cảm ơn nghĩa sĩ phương xa” là Trương Thế Hải.

Đã gần hai năm trôi qua, sự việc đã là “dĩ vãng” nhưng lá thư của Trương Thế Hải là một “món quà tinh thần” cho tôi. Lá thư đó tiêu biểu cho “những người thầm lặng”, không dám viết, không dám nói vì nhiều lý do chớ không hẳn vì “hèn”, gửi cho người viết hộ cho họ đem bình an về cho cộng đồng. Tôi giữ lá thư đó đến tận bây giờ.

Tôi đã xin phép và xin gửi lá thư này:

Kính gởi chị Lan Chi

Tôi là một cư dân Michigan, nằm trong email list qua lại và tôi cũng đóng góp sinh hoạt cộng đồng qua trách vụ phó chủ tịch nội vụ CDNVQG Michigan liên tục 2 nhiệm kỳ, từ ngày cộng đồng thành lập đến nay, kể như là người nằm trong Ban Đại Diện CD lâu nhất ở đây. Nói như thế để biết tôi cũng trải qua những kinh nghiệm thăng trầm và đã gặp các “nhân vật cộng đồng”.

Gởi chị vài suy nghĩ về sinh hoạt, kể như tiếng nói của một “trung niên” không trẻ và không lão mấy ở vùng Michigan này:

1. Nếu cư dân bất đồng ý kiến về đường hướng sinh hoạt cộng đồng, người có thiện chí “xây dựng thật sự” sẽ phải biết cư xữ đúng cách: lắng nghe tìm hiểu hai chiều rồi đóng góp ý kiến riêng trong vòng nội bộ trước với ban đại diện hay ban ngành có trách nhiệm. Khi không được lắng nghe hay giải đáp thỏa mãn thì mới đem ra “tâm sự hòa nhã” rộng rãi trong cộng đồng.

Tôi đã thấy vài “nhân vật cộng đồng”, chuyện trước tiên bất đồng quan điểm là gởi email đi khắp thế giới, diễn đàn với các phán xét kết luận vội vã do suy đoán thiếu căn cớ của mình.. ngõ hầu có người nào trong email list, xa hay gần, nhào vô bênh vực rồi đổ dầu vào lữa, cho sự việc ngày càng thêm rối rấm. Thật ra, họ hy vọng những người ở xa nhào vô nhiều hơn, vì các người đó không hiểu hết được tình hình địa phương và chỉ nghe được một chiều.

Email .. trở thành một phương tiện hết sức nguy hiểm cho việc xây dựng cộng đồng nếu bị lạm dụng như vậy, vi mỗi người điều có thể làm “nhà báo” nhưng hoàn toàn thiếu trách nhiệm của người viết báo. Người bị đọc không thích nhưng cũng chẳng màn lên tiếng vì không có thời gian và chỉ thêm rắc rối. Các email làm rối ren cộng đồng như vậy dần dần sẽ “turn off” các người có thiện chí muốn tới sinh hoạt với cộng đồng.

2. Với “thiện chí xây dựng thật sự” thì việc nhìn nhận các lỗi lầm nho nhỏ không gì là khó khăn lắm. Con người mà không ai không sơ sót vì hoàn cảnh cá nhân riêng. Ngược lại, thiết tưởng những người đã hy sinh thời gian, bỏ công sức phục vụ không thù lao cho cộng đồng, đáng được sự thông cảm, bỏ qua nếu các lỗi lầm nho nhỏ không cố ý.

3. Dấn thân sinh hoạt cộng đồng là khởi sự với quan niệm thân thiện muốn “thương nhau trước”. Kẹt nổi có khi cùng đi chung một khoảng đường sinh hoạt thì cái “riêng tư” trổi dậy hơn cái “của chung”, rồi có thể dẫn đến chỗ ghét nhau .. rồi cái gì “cũng méo” hết. Rồi không nói chuyện được với nhau, không cộng tác được với nhau, nhưng vẫn canh chừng từng sơ hở .. các “email lên tiếng” vẫn còn có thể gởi cùng khắp thế giới bất cứ lúc nào.

Đại đa số người đọc đều có nhận xét trong các email qua lại, nhưng đâu ai có đủ điều kiện để lên tiếng. Cũng vì lẽ đó các “nhân vật cộng đồng” cho là ngon lành và cứ làm tới, làm khủng hoảng các đường dây email. Lâu lâu bất ngờ cũng có một nghĩa sĩ ra tay lên tiếng đưa ra lẽ phải để người viết email tấn công người khác phải suy nghĩ. Nghĩa sĩ ở xa tình cờ đến ra tay một vài lần rồi đi nhưng cũng làm các “nhân vật cộng đồng” còn lại tại địa phương dù muốn tung hoành ngang dọc mai sau cũng phải chùn bước.

Tôi xin đại diện một số thân hữu riêng ở Michigan, cám ơn người nghĩa sĩ trong các email qua lại vừa qua.

Thân chào chị Lan Chi

Trương Thế Hải

Bây giờ, Trương Thế Hải là đương kim chủ tịch Tổ Chức Cộng Đồng Michigan.

Khi coi facebook của Dương Đức Vĩnh, tôi rất thích thú khi nhìn thấy phái đoàn Michigan rất đẹp với nhiều tà áo dài. Tôi gọi cho Dương Đức Vĩnh hỏi chuyện. Vĩnh cười khì “Chị ơi, em không còn là chủ tịch nữa. Chị hỏi Hải đi”.

"Hải" ư? “Bà chị” nhớ mà! Tôi tìm Hải trong ngăn kỷ niệm cũ và gửi mail cho “em tôi” trên lá thư ngày cũ của em. Trong lá thư ngày mới, tôi chỉ vỏn vẹn “Em gọi cho chị nhé. Số cell chị đây.”

Sau buổi trò chuyện, bài phỏng vấn Trương Thế Hải về phái đoàn Michigan gần 40 người đến DC tham gia cuộc Tổng Vận Động Quốc Hội cho Nhân Quyền tại VN, được gửi ra. Trong bài này, tôi đề cập đến sự “biết nghe từ thế hệ Một và biết tôn trọng của thế hệ Một Rưỡi” là vì tôi nhớ đến chuyện cũ. Đó là thế hệ 1,5 của tôi ở Michigan đã từng "khốn khổ" với các vị cao niên như thế nào! Thế nhưng họ có ngồi đó than thở và “chán chuyện cộng đồng quá” để rút về đời sống cá nhân? Thưa không! Họ vẫn tiến tới dù biết rằng “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại Chụp e Vu”. (Đó là “ranh ngôn" mới của Hoàng Lan Chi đấy). Chụp là Chụp Mũ, Vu là Vu Khống!

Người thế hệ bản lề Michigan không chùn bước rồi trùm chăn mà đứng vững. Cơn sóng gió của 2013 qua đi. Năm 2015, sáu tháng trước ngày 18/6, họ, hai thế hệ, đã đứng cùng nhau, trong một “team”. Phân chia công việc, phân chia “leader” cho từng khối, rồi thì họ, người Michigan đã cùng nhau lên đường trên chuyến xe Van. Đích nhắm : thủ đô Hoa Kỳ. Đối tượng nhắm: các dân cử của tiểu bang Michigan. Mục tiêu nhắm: yêu cầu TT Obma cài đặt nhân quyền cho TPP. Họ, một “team Michigan, tin rằng “Mục đích của chúng ta không phải là loại trừ Việt Nam ra khỏi TPP mà là đặt điều kiện cho Việt Nam tham gia TPP. Những điều kiện ấy bảo đảm rằng tăng mậu dịch với thế giới tự do sẽ đem lại phúc lợi cho người dân, phát huy nhân quyền và dân chủ hoá đất nước.” Tôi tôn trọng niềm tin của họ vì bây giờ là 2015, không phải 1985 hay 1995.

Tôi, một người già, rất cảm động khi thấy người trẻ Michigan làm được điều mà tôi hằng mong: thế hệ Một Rưỡi biết tôn trọng thế hệ Một, cả hai cùng kết hợp chung để cùng làm việc hữu ích.

Hình ảnh này từ “Michigan Team” không đẹp hay sao? Không cảm động hay sao? Không xứng đáng để những nơi khác cũng sẽ làm theo hay sao?

Cuối cùng tôi muốn nhắc đến hai người Michigan khác: Một, hoạt động công khai trong lãnh vực media và là người dàn dựng khá nhiều video cho BPSOS trong ngày 19/6: Việt Hải Michigan. Và Một, không hoạt động công khai nhưng thái độ chính trị, tư tưởng chính trị, lập trường chính trị thì rất vững: Phạm Đức Nghĩa.

*******

Tôi “thương” hai vị chủ tịch tổ chức cộng đồng vì sự dấn thân vào công việc cộng đồng rất phức tạp: Dương Đức VĩnhTrương Thế Hải.

Trương Thế Hải tại Quốc Hội HK ngày 18/6/2015

Tôi “quýViệt Hải Michigan vì sự chọn lựa đứng bên cạnh người có lòng để hỗ trợ cho việc chung.

Và tôi “yêu” Phạm Đức Nghĩa vì “giọng ca đất”. Bài đầu tiên làm tôi hết sức xúc động là bài “Một ngày 54-75”. Tôi không tìm ra bài này, nghe Nghĩa hát bài khác vậy:

Phạm Đức Nghĩa hát Khi Tôi Trở Về

Hôm nay, thứ Bảy, Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, July 4th 2015, tôi, một người thế hệ Một từ CA, xin gửi lời cảm ơn đến những người Michigan, thế hệ bản lề với mong ước các vị sẽ truyền ngọn lửa đến thế hệ Hai.

Hoàng Lan Chi

7/2015

Bài liên quan:

§ Phái đoàn Michigan -gần 40 người – Với cuộc tổng vận động ở Quốc Hội 18/6/2015

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.