Văn dĩ tải đạo- có nên kể chuyện thật gây tổn hại thanh danh hay tinh thần người khác không

Bây giờ là tháng Tư. Hàng năm, dù là người thờ ơ với thời cuộc thì mỗi độ tháng Tư về, cũng thấy lòng chùng xuống. Một vùng đất mình từng trưởng thành và gắn bó thì làm sao không thương nhớ. Nhiều người viết bài tưởng nhớ hay kể kỷ niệm xưa, chiến trường cũ. Trong tuần qua, có một tạp ghi của Phạm Tín An Ninh được bạn tôi chuyển tiếp, cũng nằm trong đề mục tưởng nhớ tháng Tư. Tựa bài là “Tiếng sáo”. Hôm nay tôi xin mạn đàm về bài viết này.

Bình thường tôi không xem truyện của PTAN kể từ 2010 thì phải. Tuy thế, lời giới thiệu khen ngợi của bạn làm tôi tò mò xem thử. Xem sơ xong, tôi viết cho bạn “Có thấy điều gì bất hợp lý không?”. Bạn tôi, một cựu quân nhân VNCH, ngoài sáu mươi, không thấy.

Tôi thấy lòng buồn buồn, rưng rưng. Buồn vì người mình đọc có vẻ hờ hững quá. Vì sự hờ hững đó mà vài tác giả không biêt rằng họ đã vô tình làm sai. Cách đây vài năm, tôi cự anh bạn chủ báo “Tại sao ông đăng truyện ngắn đó vậy? Sự kiện vài người vượt biên đã bị/phải ăn thịt người trong trường hợp bất đắc dĩ là có thật nhưng không cần phải phổ biến rộng rãi như thế. Tố cáo tội ác cộng sản có hàng ngàn điều phải nói và cũng làm thế giới ghê tởm rồi. Nhưng chuyện trốn chạy cộng sản và ăn thịt đồng loại khi đói khát trên biển cả là một điều kinh khủng đối với người Tây Phương. Kể câu chuyện đó ra chưa chắc đánh động được lương tâm thế giới nhiều hơn mà tác dụng có khi còn ngược lại. Họ, người Mỹ, những người không bao giờ bị đói khát, những người nâng niu sinh mạng chó mèo sẽ cảm thấy kinh sợ, ghê tởm trước hành động ăn thịt người. Câu chuyện thương tâm ấy chỉ nên kể trong sách tội ác cộng sản dưới dạng phỏng vấn và thuộc loại sách đặc biệt. Sự kiện vài nhà văn dựa vào đó để phóng tác thành truyện ngắn là điều không nên chút nào. Ông là chủ báo thì nên lọc lựa không phổ biến những loại truyện đó. Con cháu mình mà đọc thì chúng cũng kinh sợ đừng nói gì đến người Mỹ’.

Trở lại tạp ghi hay truyện ngắn “Tiếng Sáo”. Đọc khoảng một phần năm truyện, mọi người đều hiểu đây là chuyện Thật. Thật vì nhân vật chính là Thật, đang sinh sống ở quận Cam và là bạn thân của ô Phạm Tín An Ninh. ( Trích: Anh MC vừa giới thiệu đó là tiếng sáo của Hồ Ngọc, tiếng sáo điêu luyện, nổi tiếng của miền Nam Cali.).

Tôi tóm lược câu chuyện như vầy mà không để kèm ở dưới bài của tôi như thường lệ vì tôi không muốn độc giả của tôi lại tiếp tay phổ biến loại truyện đó.

“Tiếng Sáo” là chuyện một người quân nhân VNCH, ông Hồ, được mô tả là “con nhà giáo, luôn giữ tư cách trong mọi trường hợp”. Ông Hồ đã quyến rũ được con gái một Phó ty bỏ nhà theo ông nhờ tiếng sáo Trương Chi. Cô gái đã vượt trở ngại lần thứ hai ( bị cha mẹ bắt về dù cô đã sinh con) rất anh dũng để được sống bên ô Hồ. Sau 75, khi ô Hồ đi tù mới được một năm thì cô đã có bầu với tên công an với lý do bị ép buộc chi đó. Người lính trở về sau tù tội, rất cao thượng đã tha thứ cho vợ nhưng có vẻ không giữ được chân cô. Rồi cô vượt biên cùng các con (hai con với ông Hồ và một con với tên công an) sau khi bị đánh ghen. Người lính lại cao thượng, từ VN gửi giấy ra trại cho cô để cô được cứu xét nhanh chóng. Rồi người lính sang Mỹ trong chương trình H.O; đến chung sống ba tháng với vợ con thì người lính lại cao thượng ra đi vì cảm thấy cả nhà đều xa lạ với mình. Sự xa lạ đó là vì bà vợ nhồi nhét rằng cha chúng là (Trích: nhưng cũng với cái tánh trai gái rượu chè, chẳng lo lắng gì cho con, ) Đứa con gái lớn nhiều lần muốn kể chuyện cho ba đứa em rõ nhưng người lính cao thượng ngăn lại không cho với lý do ( trích: “Vì một mình phải nuôi dạy các con lớn lên ở quê người, mẹ cần sự kính trọng và vâng lời của các em con, mà đành phải đổ hết tội lên đầu ba. Ba nghĩ làm như vậy, chắc mẹ con cũng đau lòng ghê lắm. Người cần yêu thương và an ủi, chính là mẹ của con, chứ không phải là ba”.)

Tóm lại toàn câu chuyện mô tả người lính VNCH cao thượng và bạn tôi viết như sau khi giới thiệu (Chảy nước mắt không phải vì chuyện tình buồn, mà bởi vì sự cao cả và sự tha thứ của nạn nhân…).

Tôi phân tích cho bạn tôi hiểu về cái gọi là “sự cao cả và tha thứ” đó:

Một người lính VNCH, có trình độ và hiểu biết sẽ không bao giờ đưa đời tư cá nhân của ai, nhất là bạn mình, lên mặt báo nếu như điều đó gây tổn hại thanh danh hay tinh thần vài người trong cuộc. Ở đây sự công khai danh tính Thật của ô Hồ đã làm tổn hại đến thanh danh bà vợ cũ và ảnh hưởng đến cả tinh thần các con của ông.

Ô Hồ đã tha thứ cho bà vợ nhiều lần và nay bà đang tìm đường nương mình nơi cửa Phật thì tại sao không để câu chuyện ngủ yên? Tại sao không để các con ông Hồ vẫn nghĩ như trước đến nay rằng mẹ họ là người mẹ tuyệt vời, hy sinh và nuôi nấng các con? Sự việc các con ông ngộ nhận về tư cách ông thì chỉ các con hiểu sai chứ họ hàng, bạn bè đều tỏ tường. Như vậy tại sao vào giờ phút này lại lột trần sự thật, tung hê lên “public” để các con ông đau đớn? Điều này không có ích lợi gì cho cá nhân ô Hồ vì ông chỉ được rửa sạch tội trước ba đứa con mà nay chúng cũng ở xa, có đời sống riêng. Ngược lại, điều này đã “bêu riếu” người yêu cũ, người con gái dám bỏ cha mẹ đi theo tiếng sáo Trương Chi của ông để mang tội bất hiếu và cả tội “hư thân mất nết”. Điều này cũng “bêu riếu” người vợ cũ của ông vì tham đó bỏ đăng, vì phản bội người chồng và có con với công an CS. Các con ông có vui không khi mẹ chúng bị bêu riếu như vậy? Hãy thử tưởng tượng các con ô Hồ sẽ đau đớn xấu hổ thế nào khi vô tình trong một bữa tiệc nào đó, có vài người nhận ra gốc tích các con ông và họ xầm xì bàn tán hay chỉ đơn giản là một ánh mắt nhìn tội nghiệp dành cho các con ô Hồ?

Tóm lại, tôi nói với bạn rằng, tôi không hiểu người lính được mô tả là con nhà giáo, tràn đầy lòng cao thượng ấy, tại sao lại khi gặp Phạm Tín An Ninh thì mọi cái lễ giáo, cao thượng của ô Hồ bỗng bị trôi tuột tất cả để cho phép PTAN đem chuyện đời tư gia đình mình lên mặt báo? Tôi cũng nói với bạn tôi rằng, một người cựu quân nhân VNCH như ông PTAN, có quyền nhân danh sự thật, để đem chuyện gia đình riêng tư của người bạn lên mặt báo, bêu xấu người đàn bà đang chuẩn bị nương mình cửa Phật, gây ảnh hưởng đến cả các con của bạn mình? Hành động này có được coi là có lòng nhân đạo hay không?

Đạo lý VNCH là “không vạch áo cho người xem lưng”, là “xấu chàng thì cũng hổ ai”, là “đẹp tốt phô ra, xấu xa che lại”.

Đạo lý Tây Phương là bảo vệ nhân phẩm con người nhất là trẻ con vì tương lai, cuộc đời chúng đang trải dài.

Một người cha yêu con cái không bao giờ “bêu riếu” vợ trên báo chí. Một người tự trọng, yêu bạn bè, không bao giờ viết chuyện gia đình cá nhân bạn bè lên "public" cả.

Viết tạp ghi này, tôi mong rằng vài ông cựu quân nhân nên đắn đo trước khi kể chuyện đời mình hay đời người; hay khi sáng tác truyện; hay khi tưởng tượng thành tích nào đó của cá nhân mình. Văn dĩ tải đạo. Viết là để trải lòng, để chia sẻ, để đem lại ích lợi cho người khác. Viết không phải là để bêu riếu người khác, tôn vinh mình lên.

Sau nữa “Người chê ta đúng là Thầy ta. Người khen ta sai là kẻ thù của ta.” Tôi nghĩ nếu tôi có “chê” vài ông viết văn trong những trường hợp như trên là tôi “chê đúng” phải không nào (cười). Trong tương lai, tôi nghĩ mình có quyền hy vọng sẽ không còn những loại truyện gây tổn hại thanh danh người khác hay cả tập thể VNCH (như loại truyện kể vụ ăn thịt người khi vượt biên) nữa.

Hoàng Lan Chi

4/2016

PS: tác giả nào đồng ý với HLC điều trên thì "hú" riêng cho tôi biết nhé. (nháy mắt)

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.