“Bước vào” sinh hoạt với Brisbane

Tháng Năm 2016, tôi bước vào sinh hoạt với Bribane bằng việc tham dự buổi biểu tình toạ kháng ở City Hall, King George Square buổi sáng và thắp nến tại Hội Cao Niên vào buổi tối.

Năm xưa khi mới đến Virginia tôi cũng sinh hoạt với cộng đồng vì làm “reporter” cho Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngọai. Nhưng những xúc cảm năm ấy nhiều hơn bây giờ vì đó là năm mà tôi vừa thoát được cộng sản, mới được thở không khí tự do và cũng mới được hát to bài quốc ca nơi công cộng.

Về California, biết cư dân ở đây đông và tôi thì hay sợ chỗ đông người vì nghẹt thở nên chỉ xem qua youtube và không tham dự bao giờ.

Đến Brisbane, biết rằng vùng đất này nhỏ bé, hiền hoà và số cư dân Việt không được đông đúc như Sydney, Melbourne nên tôi “bước vào” với Brisbane.

Năm xưa, Đinh Quang Trung, Phó Giám Đốc Đài Việt Nam Hải Ngọai DC đưa tôi đi biểu tình ở DC. Năm nay, Lê Thảo, phóng viên của tờ báo duy nhất ở Quensland, qua nhờ cậy của Phó CT Ngoại vụ Hải Vân, đã cho tôi đi nhờ.

Quang cảnh Brisbane không thu hút tôi lắm vì đang nặng trĩu nỗi nhớ California mà nếu nói đúng hơn là nhớ Mỹ. Buồn ghê khi phải xa Mỹ.

King George Square, nơi có CiTy Hall được tổ chức cộng đồng chọn là nơi “biểu tình toạ kháng” về vụ cá chết ở VN. Từ đâu lại dùng nhóm chữ không thuần Việt là “toạ kháng”? Tôi không hiểu? Dường như thời VNCH, chúng ta quen thuộc với nhóm chữ “biểu tình bất bạo động”.

Khoảng 100 người có mặt. Bs Bùi Trọng Cường, Chủ Tịch, cho đó là thành công vì cư dân ở đây chỉ thế thôi. Mọi việc tổ chức khá nhanh, gọn. Người tham gia không phải chờ lâu. Chợt nhớ đến thời gian cao su ở Mỹ. Mỗi lần đi dự tiệc ở Mỹ, chúng tôi đã nói đùa với nhau lúc ở Virginia như vầy (bây giờ là giờ Houston rồi) và nếu phải chờ thêm nữa thì chúng tôi lại bảo nhau (đến giờ CA rồi!). Giải thích thêm là Houston đi sau Virgina hai giờ, còn CA đi sau đến ba giờ.

Năm xưa, biểu tình chống Phan Văn Khải ở DC, ba hình ảnh làm tôi xúc động và chú ý là cụ già gần 90, khăn đóng áo dài bay từ CA lên, hình ảnh một cô gái ngồi xe lăn và hình ảnh bà ngoại trẻ với hai cháu nhỏ xíu. Năm nay, thu hút tôi cũng là một cháu bé bốn tuổi. Bà ngoại dắt cháu đi biểu tình vì cháu đòi. Tôi lại hỏi chuyện, cậu bé nói tiếng Việt líu lo. Thú vị nên sau đó, tôi ghé tai Bs Bùi Trọng Cường nói nhỏ. Bs Cường đồng ý, tôi về lại chỗ cậu bé. Trong chớp nhoáng, “bà nội” Hoàng Lan Chi dợt bài với cháu bé ngay. Tôi bảo “ Bây giờ bà đưa con lên micro nhé. Con nói cho mọi người biết vì sao con đến đây nhé”. Cậu bé rất dạn, đồng ý ngay. Chả bù cho nhiều mợ ở VA ngày xưa, mỗi khi mình mời lên thì õng ẹo “em chả em chả”.

Buổi phỏng vấn chớp nhoáng và ngắn ngủi thật dễ thương. Mọi người đều thú vị khi cậu bé nghiêm mặt “Cá cần nước sạch”! Sau đó, chú bé của tôi được mọi người xin chụp hình lia lịa.

BS Cường trình bày nguyên nhân vụ cá chết. Sau đó ông Hưng Việt. Tiếp đó mọi người cũng thay nhau nói tiếng Úc cho người đi ngang hiểu. Mọi việc đều êm đềm, hiền hoà, không sôi động như ở CA.

Khi tôi phỏng vấn cháu bé, một người lại gần nói và tôi chỉ mỉm cười vì bận. Sau đó Hải Vân nhắc tôi đó là Bs Nguyễn Văn Hoàng, Phố Nắng, một người từng tung hoành các diễn đàn năm xưa. Tôi bèn đi lại gặp. Tôi trêu Hoàng là coi tốt tướng quá. Với tôi, Bs Hoàng là người có tài biện luận. Lý luận của Bs Hoàng thể hiện cung cách của người “trẻ”. ( Bs Hoàng có vẻ thuộc loại thế hệ 1,5 như ở Mỹ). Ngắn, gọn, “direct”. Tôi thích và có phần ái mộ lý luận của Hoàng. Năm xưa, hai cô cháu có mails qua lại vài lần.

Người Brisbane thứ hai cũng khá nổi tiếng ở các diễn đàn mà tôi gặp là Tuấn Lê. Có lẽ vì sau này Hoàng giao cho Tuấn Lê phụ trách Phố Nắng. Tuấn Lê còn trẻ nên với tôi, lý luận nhiều khi “chớt quớt”. Tôi nhớ dường như tôi cũng “khều” Tuấn Lê vài lần ở net khi cậu cả nói năng "ấm ớ". (cười).

Bs Nguyễn Văn Hoàng

Với Hải Vân, Phó CT Ngoại vụ

Buổi tối thắp nến ở Hội Cao Niên. Tại đây có màn hình chiếu cho bà con coi một số clip khá thú vị trong đó có một clip do người Việt-Úc trẻ thực hiện. Các diễn giả là Bs Cường, Bs Trần Trung Hoà , Bs Nguyễn Văn Hoàng, Cựu Chủ Tịch Hưng Việt, đài 4EB, Hải Vân.

Tôi chú ý bài của Bs Trần Trung Hoà. Một ý tưởng nhỏ của Bs trùng với tôi. Bs nói chúng ta may mắn vì trong thời kỳ Pháp Thuộc tuy là bị đô hộ nhưng Pháp đã mở mang, khai trí và đưa VN tiếp cận với Tây Phương về mọi mặt. Ngược lại, bọn Tàu chỉ thống trị và áp đặt những lễ giáo xưa, cổ hủ. BS cho rằng nguồn gốc sâu xa của vụ cá chết là âm mưu diệt chủng. Bs chứng minh là với đường cống như thế thì số lượng chất thải không thể nào có hậu quả to lớn như chúng ta đang chứng kiến. Tôi chú ý và ghi nhận chứ chưa đưa ra nhận định nào.

Tựu trung lại, vụ cá chết ở VN đang sôi động khắp nước và cả các cộng đồng Việt ở hải ngoại. Cộng Đồng Queensland cũng đã làm tròn nhiệm vụ của mình: phổ biến tin tức cho mọi người nếu như ai không có điều kiện xem net, lên tiếng với các dân cử Úc để họ có tiếng nói chính thức với nhà cầm quyền cộng sản VN.

Nhìn mái tóc bạc phơ của Bs Bùi Trọng Cường, tôi thấy lòng ngậm ngùi. Tại sao có những người bỏ thì giờ riêng quý báu, làm việc vác ngà voi để duy trì một cộng đồng quốc gia nơi xứ người. Một ngày chủ nhật , Bs đã không dành được cho các cháu nội ngoại mà tất bật với cộng đồng từ sáng đến chín giờ khuya. Phu nhân Bs cũng tham gia thắp nến buổi tối.

Nhìn hình ảnh Bs Nguyễn Văn Hoàng, bò giữa đường viết chữ trên các biểu ngữ và hùng hồn trình bày clip tự thực hiện, tôi thấy rưng rưng. Cũng lại thêm một người không dành được ngày chủ nhật cho gia đình sau một tuần làm việc kiếm sống mà cống hiến cho công cuộc đấu tranh.

Nhìn hình ảnh Bs Trần Trung Hoà điềm đạm nhỏ nhẹ nhưng trình bày rất khúc chiết bài nói chuyện về thảm hoạ từ giặc Hán, tôi thấy lòng trĩu nặng. Họ không hề nhàn nhã ở nhà với ly sâm banh, tách trà sen, ngắm hoa thưởng nguyệt mà điều gì đau đáu trong lòng đã khiến họ phải tìm hiểu, lăn lộn, trăn trở với thời cuộc.

Nhìn hình ảnh Hải Vân, tất bật với cờ quạt, âm thanh, luôn hỗ trợ Bc Cường trên từng cây số, tôi thấy lòng mêng mang.

Cuối cùng tôi nhìn lại tôi và cũng thấy thương mình. Bao bài viết với bao công phu để phỏng vấn đưa người tài đến với cộng đồng, những bài nhận định với đủ tài liệu, hình ảnh, links…, để bảo vệ những người ngay đang bị việt gian tấn công…

Cái gì đã xui khiến chúng tôi làm những điều ấy? Chỉ là vì hai chữ Việt Nam.

Việt Nam, tiếng gọi vào đời. Việt Nam, tiếng nói sau cùng khi lìa đời.

Tôi tin rằng, trong cộng đồng sẽ càng ngày càng có nhiều người cùng đứng với chúng tôi và mỗi người làm một nhiệm vụ có thể trong tầm tay để cùng đạt mục đích chung: giải thể chế độ cộng sản phi nhân, bạo quyền.

Hẹn gặp nhau ở Sài Gòn nhé, các chiến hữu, bạn hữu của tôi.

Brisbane tháng 5,2016

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.