Bà nội thời internet

Trích LanChiYesterday, những vụn vặt đời sống quanh tôi

Thư Brisbane-Bà nội thời internet

Út Gia Long ở Brisbane, gọi điện thọai và hỏi tôi có nhớ Mỹ không? Dường như tuần lễ đầu tôi chưa kịp nhớ vì có nhiều việc phải làm nhưng chắc chắn là có nhớ. Hơn 10 năm trên đất Mỹ, cư trú tại hai vùng đất nổi tiếng của cộng đồng Việt Mỹ thì phải nhớ chứ: Virginia, nơi gần DC, thủ đô Hoa Kỳ; và Little Sài Gòn,thủ phủ thành trì chống cộng lớn nhất Mỹ.

Nhưng nếu nhớ thì là nhớ gì nhỉ? Thời buổi bây giờ, internet đã xoá mờ ranh giới trong nhiều lãnh vực. Chuyện trò, chat chit, “tám” với bạn vẫn dễ dàng. Thế thì chỉ còn nhớ “ăn quà” thôi. Quà California là number one. Út Gia Long an ủi “Rồi chị cũng nguôi ngoai thôi. Chị như người đang ở Sài Gòn dìa Mỹ Tho mà”. Tôi bật cười. Ừ đúng vậy. Chắc chắn là Úc thua Mỹ nhiều cái và Brisbane thì thua nhiều hơn vì thành phố nhỏ, không sầm uất như Sydney, Melbourne.

Có một người nhất định không chịu rằng Úc thua Mỹ. Đó là Phó Chủ tịch Ngoại Vụ Hải Vân. HV lý luận với tôi như vầy (làm sao Úc lạc hậu hơn Mỹ được. Chị hai không thấy Úc luôn đi trước Mỹ hay sao. Úc là ngày Thứ Hai thì Mỹ còn bò ở ngày Chủ Nhật cưa mà!). Tôi bật cười và chỉ ký đầu cậu em thôi chứ không nỡ lý sự với hắn ta. Lý do là Hải Vân đang giúp đỡ bà chị rất nhiều trong những ngày đầu ở Brisbane. Tôi đùa vầy (HV đại diện tổ chức cộng đồng đón bà chằng Lan Chi rất chu đáo. Ô tu bíp Cường đã chọn đúng người để giao phó chức ngoại vụ!).

Bs Bùi Trọng Cường, Chủ tịch Tổ Chức Cộng Đồng, gọi điện thọai đến và tôi “save” làm kỷ niệm vì nó như vầy (Hello bà chằng, tôi là Cường đây. Có gì bà chằng gọi lại tôi nhé).Về phương diện nào đó, gọi tôi là bà chằng như tôi tự nhận, được coi như là thân thiết. Nhưng tôi sẽ doạ tu bíp Cường như vầy (Tôi sẽ tố cáo trước công luận, ông chủ tịch cộng đồng Quensland đã phỉ báng công dân Mỹ, Goàng Nan Chi, vì gọi bả là bà chằng!) (cười).

Brisbane vào đông mà khí hậu tuyệt quá. 70 độ buổi sáng, ban đêm 52 độ. Brisbane không lạnh như CA và cũng không khô. Có vẻ giống Đà Lạt.

Thành phố nhỏ, ít người Việt nên không nhiều chợ Việt và to như CA. Tuy thế có một điều thú vị: người độc thân như tôi có thể mua 100 gram thịt mà không cần một lb như ở Mỹ. Sài Gòn, tên gọi thương yêu nên ở đâu có người Việt là có Sài Gòn Market. Vật giá ở Úc đắt hơn CA nhiều, có khi đắt gấp ba. Tuy thế Út Gia Long nói rằng giá đó là fix, không phải cộng thêm thuế như ở Mỹ.

Ít người nên có vẻ “cái tình” đậm hơn, như bà xã ông tu bíp Bùi Trọng Cường nói với tôi. Một ví dụ điển hình là tuần qua, ô Đỗ Thông Minh đến nói chuyện và dù mưa bão thì người Brisbane cũng đến khá đông và mua sách tận tình. Trong buổi gặp Đỗ Thông Minh, tôi thú vị với một ca sĩ địa phương vì hát hay, vì cậu chọn nhạc phù hợp với buổi nói chuyện và cả vì khăn quàng cờ quốc gia. Tôi bảo với Lê Thảo “Chị Hai sẽ cadeau cho báo của em một bài viết về cậu này”. Trước đó khi tôi nói rằng tôi bị quyến rũ vì hình ảnh ca sĩ nam, trẻ có khăn vàng thì Lê Thảo cười cười “Người khác cũng choàng khăn vàng vậy nhưng chị hai chưa thấy thôi. Coi như cậu này hên”. Xem ra, người đầu tiên tôi phỏng vấn là cậu bé Jayden năm tuổi và người thứ nhì lại cũng là nam, có lẽ 25 tuổi! Hai người đều là có thái độ chính trị ( đi biểu tình, hát bài tranh đấu và quàng khăn có cờ quốc gia) nên đã khiến cô Lan Chi mến.

Brisbane ít người nên một số “service” làm khá nhanh, không chờ đợi lâu như ở California. Thử máu làm việc từ bẩy giờ sáng và khi tôi đến khoảng 7g30 thì coi như tôi là người đầu tiên. Chụp hình phổi thì dù tôi “walk in” lúc 12 g trưa thì vẫn Ok và chỉ chờ khoảng 15 phút. Đúng là đất rộng người thưa. Ít người nên khi ra Centrelink, họ phục vụ nhanh. Họ cho mình ngồi vào computer và giúp điền đơn. Nơi khác xét, họ không biết. Cũng ngồ ngộ. California thì họ giúp điền đơn, cho mình bổ sung giấy tờ sau, tư vấn (hay tham vấn? Trời, tiếng Việt xưa là cố vấn ý mà nhưng cố vấn áp dụng vào những trường hợp này thì có vẻ to tát quá) và sau đó họ mới gửi lên cấp trên. Tôi thích California về vụ này hơn.

Brisbane nói riêng và Úc nói chung, có lẽ số người sử dụng máy sấy quần áo không nhiều. Tại Mỹ, chuyện sấy là ‘thường ngày ở huyện”, chuyện phơi mới là lạ. Đa số vùng ở Mỹ cấm phơi quần áo vì sẽ làm xấu phong cảnh. Năm 2010 du lịch Canada, tôi đã ngớ người ngạc nhiên khi thấy ở Montreal, cư dân có giây phơi quần áo ở sân sau trên không trung (!). Đứng ở balcon sân sau nhà ở Montreal, nhìn sang hàng xóm thì buồn cười lắm lắm vì quần áo giăng đầy. Nhiều nhà kỳ quá, phơi cả đồ lót, thật là mất thuần phong mỹ tục. Tại Úc cũng phơi nhưng không có lộ liễu trên …không trung như Montreal. Mỗi nhà có một cái cây chôn dưới đất. Cây giống như cái dù to. Có nhiều nan dù. Phơi quần áo ở đó. Có thể lấy tay quay và như thế quần áo mau khô hơn. Nhỏ Nga nghe tôi mô tả, thích lắm. Nga đòi tôi viết tạp ghi lè lẹ để còn gửi hình cho Nga xem. Nga nói “Ông xã em hay chỉ cho em coi nhiều thứ. Hôm nay em sẽ có cái mới lạ này chỉ cho ổng coi!”

Đây, đồ phơi quần áo “ma dê in Ốt tờ rây ri a” (nhại cán cộng trong nước nói made inma dê in!)

Phơi áo ở balcon ở nhà tại Montreal -Canada

Ban đầu chưa quen, tôi hơi bực bội vì mất thì giờ phơi và cất khi trời mưa. Tuy vậy sau đó an ủi là phơi nắng tốt hơn! (cười cười). Cái chuyện phơi nắng này làm tôi nhớ đến chuyện khác. “Cu” Hải Vân nói rằng đồ chị Hai tặng thơm “mùi Mỹ”. Ý cậu cả nói áo tôi mua tặng cho bà xã Hải Vân ý mà. Tôi không hiểu phải hỏi lại. Cuối cùng tôi mới khám phá ra vầy: người Việt Nam trong nước vẫn nói đồ Mỹ có “mùi Mỹ”. Chỉ Việt Kiều Mỹ mới có mùi đó, chứ VK Úc không có. Hoá ra vầy: mùi Mỹ là mùi của tờ giấy thơm mà chúng ta bỏ vào máy sấy khi sấy đồ. Quả đúng là mùi thơm đó thì Úc không có vì Úc có sấy đồ đâu! (lại cười cười).

Tuy thế Brisbane có cái này dễ thương: thùng thơ có thêm cái ống tròn để bỏ sách báo.

Trước khi chấm dứt lá thư Brisbane này, có lẽ tôi phải báo tin vui này cho bạn bè: đó là ở tuổi (thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ thì Hoàng Lan Chi được gia nhập đội… bóng đá của hai người Brisbane nhí! Đó là hai “thằng giặc” này: (hai thằng lấy hai mũ của bà nội đội)

Ai đời Hoàng Lan Chi như vầy mà hai “thằng giặc” này ghé nhà là hét toáng lên vầy (Bà nội, chơi đá banh bà nội)hay (bà nội, chơi đánh nhau bà nội). Vậy là một Hoàng Lan Chi yểu điệu thục nữ (!) phải ra sân sau chơi đá bóng với hai thằng. Một Hoàng Lan Chi điệu đàng với khăn quàng, bông tai phải đứng làm trọng tài (một, hai, ba) cho hai thằng vật nhau. Một Hoàng Lan Chi tóc bạc phải ( năm- mười- mười lăm..) với hai thằng! Xem ra, cái thời ông bà bò ra làm ngựa (nhong nhong ngựa ông đã về, cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn) đã xưa rồi Diễm! Thời đại internet, bà nội cũng xắn quần đá bóng cùng cháu. Đá hăng quá, bà té lăn cù chiêng trên sân cỏ. Cu Vinh còn biết chạy lại (bà nội có sao không?) (nghe thấy thương không nào) , còn thằng em, cu Khang thì phát ngôn một câu vầy mà Hoàng Lan Chi cho là đáng yêu nhất (Ba Bi không bao giờ sai hết!).( Khi Hoàng Lan Chi hỏi Khang, ba Bi có làm gì sai không thì Khang trả lời vậy đó!).

Hoàng Lan Chi

6/2016

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.