Nhạc sĩ Trường Sa với Lệ Thu-Xin còn gọi tên nhau

LGT: Trò Chuyện với Lan Chi kỳ này xin được giới thiệu nhạc sĩ Trường Sa. Trường Sa là tác giả của vài nhạc phẩm nổi tiếng qua tiếng hát Lệ Thu như “Xin còn gọi tên nhau”, “Rồi mai tôi đưa em”. [1]

HLC: Xin chào nhạc sĩ Trường Sa. Vô tình tôi nghe lại Lệ Thu với một giòng nhạc quen thuộc từ trước 1975. “Rồi mai tôi đưa em xa kỷ niệm. Xin lời cuối không ..” Với tôi đây là một nhạc phẩm hay trong các bài tình ca thời đó. Melody “vừa”, vừa với tôi nghĩa là không lê thê ảo não làm não lòng người nghe. Lời nhạc cũng “vừa”, “vừa” nghĩa là ngôn ngữ không cao quá với những từ “cổ” mà cũng chẳng bình dân quá theo nghĩa những câu nói đời thường. Hôm nay xin được trò chuyện với nhạc sĩ về một số điều. Đương nhiên liên quan đến nhạc nhiều hơn dù tôi biết rằng ông từng là một Thiếu Tá Hải Quân. Xin hỏi từ bao giờ ông cảm thấy thích âm nhạc, trong gia đình có ai đam mê âm nhạc như vậy không và thái độ của cha mẹ ông đối với con khi đắm đuối âm nhạc?

TS: Từ những ngày thời ấu tôi đã rất thích âm nhạc.Tôi xướng âm rất vững, thường tôi hát thì thầm một bài hát nào đó, chỉ bằng notes nhạc do-mi-sol, ít khi bằng lời vì có khi không thuộc. Những năm tiểu học ở trường công giáo, được hát trong nhà thờ, tôi cũng được thày ở đây dạy về solfege. Thuở trung học tôi tự học bộ sách giáo khoa âm nhạc Traite Dubois từ NXB Hachette bên Pháp, song song với học văn hóa. Ngày 30/4/75 tôi bỏ lại đơn

Vị Hải quân cả bộ 3 cuốn Hòa âm , đối âm và bài tập.Trong gia đình không có ai cùng sở thích.

HLC:Thường thì người ta hay viết nhạc đầu tay cho một bóng hình người tình nào đó nhưng nhạc phẩm đầu tay của ông thì không thuộc loại đó. Cảm xúc của ông khi lần đầu có một tác phẩm âm nhạc? Bây giờ nghe lại tác phẩm đó thì ông có cảm nghĩ gì?

TS: Tôi tập viết nhạc từ năm 17 tuổi. Bài Tango Habanera đầu tiên là Mây Trên Đỉnh Núi, sau này chỉnh sửa lại, Thanh Lan hát. Về sau không muốn cho ra nữa, nên nó đã vào quên lãng. Bản nguyên thủy với lời ca không mang nặng bóng hình người con gái.

HLC: Ba nhạc phẩm ghi dấu ấn trong lòng thính giả nhiều nhất đều do Lệ Thu trình diễn lần đầu và chiếm lĩnh ngôi vị người hát hay nhất. (Rồi mai tôi đưa em, Xin còn gọi tên nhau, Mùa thu trong mưa). Ông quen Lệ Thu bao giờ và trường hợp nào ông đưa tác phẩm cho Lệ Thu?

TS: Năm 1968, tôi viết bài tình ca đầu tiên Mùa Thu Trong Mưa. Viết xong tôi đem lại Hãng Dĩa Việt Nam của cô Sáu ở đường Tự Do Sài gòn. Cô Sáu chọn Lệ Thu, tôi đã tới nhà riêng của Lệ Thu ở đường Phạm Ngũ Lão đưa bài, tôi quen biết Lệ Thu từ đó. Tôi còn nhớ đã hỏi LT rằng câu kết của bài có câu Còn ngày xuân ấm êm.. chữ xuân ở đây hợp chứ.” LT nói cứ để vậy.

Trước khi bài MTTM ra đời, tôi cũng đã thai nghén “Rồi Mai Tôi Đưa Em” nhưng phải 2 năm sau (Sau cả Xin Còn Gọi Tên Nhau ) tôi mới giao cho cô Sáu và Lệ Thu hát với hòa âm và ban nhạc Văn Phụng (Tôi còn nhớ rất rõ là sau khi LT hát xong RMTĐE, anh Văn Phụng đến bắt tay tôi chúc mừng).

Bài Xin Còn Gọi Tên Nhau (trước khi đưa ra bài RồiMaiTôiĐưaEm) đến trong lúc tôi đang chạy lambretta trên đường Phạm Thế Hiển, Q.8 Sài gòn. Tôi phải ngừng xe để ghi vội những notes nhạc đầu tiên. Bài này tôi giao cho Hãng Dĩa Thiên Thai của Đại Úy Đỗ Diễn Cam ở Gia Định, cũng do Lệ Thu hát đầu tiên với ban nhạc và hòa âm Văn Phụng.

HLC: Quả là duyên. Do cô Sáu hãng Việt Nam chọn Lệ Thu mà sau này hãng dĩa khác cũng chọn Lệ Thu.Giới thưởng ngoạn cho rằng Lệ Thu trình bày những bản nhạc đó của ông là hay nhất. Bằng cớ là hãng dĩa Sơn Ca khi trình làng Sơn Ca 9 với tiếng hát Lệ Thu thì cũng đã chọn 2 nhạc phẩm của ông cho Lệ Thu. Nếu tôi nhớ không lầm, khoảng 1964, Lệ Thu chưa nổi tiếng lắm. Như thế vào thời gian cô Sáu chủ hãng dĩa Việt Nam chọn Lệ Thu thì lúc đó LT đã nổi tiếng chưa, thưa ông?

TS: 1964 tháng 3 tôi mới tốt nghiệp từ Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang, chưa viết nhạc. 1968 Lệ Thu đã nổi tiếng và những bài LT hát là vào thời điểm đã nổi. Tôi nhớ là tôi viết Mùa Thu Trong Mưa khi đang phục vụ trên tàu HQ231, lúc đang cập cầu Mỹ Tho. 1969 thì tôi rời nhiệm vụ này và thuyên chuyển về Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Tuần Thám, Cần Thơ.

HLC: Lệ Thu, theo một bài báo trong nước thì dự định ra một album vào 2014 và Lệ Thu tâm tình rằng:

“Ít ai biết được rằng đây là ca khúc nhạc sĩ Trường Sa viết tặng riêng tôi khi anh ấy nghe tôi hát”. Cũng theo Lệ Thu, hồi đó, nam nhạc sĩ thường xuyên đến phòng trà nghe bà hát và bày tỏ rất thích giọng hát của bà. Sau đó, ông sáng tác ca khúc này dựa trên cảm xúc về chuyện tình lỡ làng, mất mát mà hai người đã trải qua và ngỏ ý dành riêng cho bà. Từ đó, tiếng hát Lệ Thu gắn liền với nhạc sĩ Trường Sa qua hai tình khúc bất hủ: Rồi mai tôi đưa em, Xin còn gọi tên nhau. Sự kết hợp định mệnh này cũng là lý do khiến Lệ Thu thực hiện album gồm những tình khúc của nhạc sĩ Trường Sa chưa bao giờ công bố, sẽ ra mắt tại Việt Nam trong năm nay 2014. (ngưng trích báo trong nước)

Xin ông chia sẻ về tin tức này? Cá nhân tôi nghĩ rằng, Lệ Thu như vậy là có “tình”. Tình đây là “Chân tình” với những người bạn cũ. Dù sao nhắc đến Lệ Thu thì là “Ngậm ngùi” của PD và “Rồi mai tôi đưa em” cùng “ Xin còn gọi tên nhau” của ông.

TS: Chúng tôi quen biết nhau từ bài Mùa Thu Trong Mưa. Sau khi bài được thâu dĩa với tiếng hát Lệ Thu, tôi đã bàng hoàng xúc động trước giọng ca này, và tôi đã ao ước sẽ tiếp tục viết cho giọng hát Lệ Thu. Tôi đã thực hiện điều ước này bằng ca khúc Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em … tiếp theo nữa là Sầu Muộn, Còn Mãi Xa Người, Một Mai Em Đi, Nụ Cười Tím, Như Hoa Rồi Tàn...Lệ Thu đã chắp cánh cho một số ca khúc của tôi bay xa đến tận hôm nay. Trong thâm tâm, tôi không bao giờ quên sự nhiệt tình của Lệ Thu và để đáp lại sự nhiệt tình đó, từ lâu tôi đã đồng ý cho Lệ Thu sử dụng bài nào cô ấy muốn mà không bị ràng buộc điều kiện nào. Tôi quý Lệ Thu bằng tấm chân tình nghệ sĩ thật chính đáng và trong sáng, trước sau như một. Việc Lệ Thu dự đinh ra một album ở Sài gòn mà trong đó có những bài của tôi là việc của Lệ Thu, vì sinh kế, vì sở thích hay lý do nào đó, tôi không để ý. Bài của tôi nếu được họ xét duyệt đồng ý cho hát thì cô hát cho đồng bào nghe. Tôi chưa bao giờ ký một hợp đồng sản xuất album với một công ty nào trong nước.

HLC: Khi được hỏi thích nhất bài nào trong tổng số tác phẩm thì đa số các nhạc sĩ thường trả lời rằng bài nào họ cũng thích cả. Lý do tất cả đều là “con” của họ. Câu trả lời, tôi cho là không chính xác lắm. Nhạc Sĩ Cung Tiến thì có thái độ không biết gọi là gì khi ông nói rằng “Thu vàng”- được nhiều người yêu mến- là bản nhạc mà khi xem lại ông không ưng ý. Nếu bây giờ tôi gửi câu hỏi đó, câu trả lời của ông là gì?

TS: Khi xét về bài nào thích nhất thì phải liên hệ giữa tác giả và đối tượng, tôi nghĩ rằng bài Rồi Mai Tôi Đưa Em là bài tôi thích nhất. Lý do là bài này ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt với đầy ắp những kỷ niệm cả vui lẫn buồn. Ngoài ra bài hát cũng được chép tay đề tặng. Ngày nay ở phương trời nào đó, biết đâu vẫn còn người yêu mến trong lặng lẽ.

Bài “Rồi mai tôi đưa em” không ray rứt lê thê cung La thứ như Xin Còn Gọi Tên Nhau. Cung thứ thì hầu như nhiều người chuộng vì vừa du dương, vừa trầm buồn …diễn tả tình yêu nhớ nhung say đắm hay nức nở đau khổ sẽ làm tâm hồn người nghe chùng xuống, dễ cảm nhận dòng nhạc đang nghe chính là từ tâm sự của mình. Dù sao bài XCGTN cũng có nhiều tiếng vang trội hơn. “Rồi mai tôi đưa em” sử dụng cung Do trưởng, không lê thê u buồn như XCGTN. Tuy nó không được đón nhận như XCGTN, tôi vẫn luôn nghĩ rằng nó chuyên chở những kỷ niệm thật đẹp trong một phần đời, một chuyện lòng khó phai nhạt với thời gian. “Rồi mai tôi đưa em cũng mang một chút âm hưởng thánh ca ở câu kết , tôi vẫn thỉnh thoảng trầm ngâm một mình “Còn ai mơ trên tay khi hoàng hôn -Vỗ giấc xuân muộn về trên môi hồng”. Sau khi vợ tôi qua đời , tôi đã trải qua nhiều năm tháng một mình, làm việc nuôi con đi học, có phải những lời lẽ đó đã vận vào số phận đời tôi? Nhưng rồi bây giờ tôi cũng đã được số phận chiếu cố , hết một mình rồi chị HLC ạ.

HLC: Xin cảm ơn câu trả lời của ông. Tôi hiểu, đó là bài chứa đầy kỷ niệm xưa, nghĩa là những cảm xúc rất thật từ trong tim. Cũng không lạ khi ông đã ôm ấp kỷ niệm ấy trong hai năm rồi mới hoàn chỉnh để đưa tâm tình ấy đến với người yêu nhạc. Tôi cũng như ông, nghĩa là với tôi thì bài Rồi mai tôi đưa em có vẻ hay hơn Xin còn gọi tên nhau. Tôi đánh giá đây là một nhạc phẩm tình yêu hay. Nó một chỗ đứng, một giá trị riêng không lẫn với một chuỗi những tình ca ảo nảo lê thê khác. Nó cũng không có chất mượt mà thường thấy ở những nhạc sĩ khác mà có nét độc đáo riêng của nó. Nếu ví tôi sẽ ví nó như hương măng cụt của cây trái miền Nam. Không ngọt ngào vú sữa, không nồng nàn sầu riêng mà rất thanh rất nhẹ của một thứ đến rất nhẹ-đứng một mình-nghiêng một bóng. Tôi rất thích những câu này “Chiều xưa em qua đây-Ru hồn nắng ngủ say-Lời yêu chót đong đầy-Tiễn em thu mây bay-Tiễn em xuân chưa phai-Xót ngày vàng còn lại gì-Đành đoạn rồi những lần mình hẹn ước”. Với tôi, ít nhạc phẩm tình nào có những lời hay như vậy. Không quá đời thường, không quá bình dân mà rất sâu sắc. Chữ “đành đoạn” ở đây viết quá hay. Tôi không ngạc nhiên vì ông là người Bắc và đã từng trải nhiều gian khổ trên dặm đường thiên lý nên hai chữ “đành đoạn” được sử dụng thật tuyệt. Ông viết “Từ những trăn trở, băn khoăn về tình yêu và thân phận khi bước vào đời, với những thôi thúc bên trong đã khiến cho tôi ao ước là mình có thể tự diễn tả được tâm tư, tình cảm qua sáng tác âm nhạc, với lòng say mê từ thuở thiếu thời cùng với một số hiểu biết về âm nhạc, tôi đã thực sự góp mặt vào làng âm nhạc Miền Nam Việt Nam từ trên 40 năm qua với một số sáng tác khiêm tốn, hầu hết là những ca khúc về tình yêu.” Tôi coi như ông có hai sự trăn trở, một cho tình yêu và một cho thân phận. Nhưng dường như có vẻ không có nhạc phẩm nào nói lên thân phận con người mang tên Trường Sa nổi bật trong lòng thính giả. Lý do nào thưa ông?

TS: Ông Hoài Nam trong tác phẩm “ 70 năm tình ca trong âm nhạc Việt Nam cho rằng tôi đã chọn cho mình một hướng đi : viết về sự chia ly, đúng, cho nên bóng dáng người phụ nữ lúc nào cũng tha thiết trong từng lời ca, sau này với những từng trải trong tình người lại càng khiến tôi chuyên đi vào hương này.

HLC: có vẻ ông không muốn khơi lại ngày cũ của những tháng năm trăn trở “phận người Việt Nam” hay có thể ngày đó ông cũng có nhưng không phổ biến những nhạc phẩm ấy. Tôi tôn trọng suy nghĩ của ông. Trong một trả lời cho Điệp Mỹ Linh, ông nói “Là một sĩ quan Hải Quân QLVNCH, trước bối cảnh lịch sử, tôi đã viết một số ca khúc đại chúng, trong thời gian 1965-1966 như Hành Trang Giã Từ, Chuyện Người Đan Áo, Một Lần Xa Bến, Trên Đường Về Thăm Em v.v… Sau năm 1966, tôi chuyển hướng, chỉ viết tình ca”. Tôi tò mò muốn biết nguyên cớ của sự chuyển hướng?

TS: Sau một số ca khúc viết theo trào lưu của giai đoạn cuộc chiến Miền Nam ngày càng khốc liệt, tôi đã chọn hướng đi mới là viết về tình ca. Bài Mùa Thu Trong Mưa vừa ra đời, tôi đã loáng thoáng nghe có người cho rằng tôi viết nhạc ủy mị, nhưng dù sao cũng là từ nguồn cảm hứng của tôi. Đồng thời anh Từ Công Phụng là người thường khích lệ việc này. Khi chuyển hướng viết tình ca, không có nghĩa là tôi hoàn toàn nghe theo lời khích lệ của Từ Công Phụng, mà như là một chút năng khiếu về tình ca đã đưa tôi tới quyết định đi theo hướng này, cho nên khi viết bài Mùa Thu Trong Mưa đầu tiên, chỉ vỏn vẹn ít giờ là tôi hoàn tất bài hát cả nhạc và lời.

HLC: Một số nhạc phẩm “đại chúng”, nôm na là có chất “sến”, (theo ngôn ngữ thường dùng của giới thính giả VNCH) của ông ra đời vì nguyên cớ nào? Chạy theo “tai nghe” của đa số giới bình dân, hay “lỗ tai” của người lính hải quân?

TS: Phải nói là trào lưu nhạc loại này. Bài Chuyện Người Đan Áo là một ca khúc rất bình dân. Tuy vậy khi viết bài này tôi không bị ảnh hưởng, không chạy theo ai, và nó cũng đã gây được nguồn cảm hứng cho nhiều thính giả đơn thuần, dễ tính ở Miền Nam. Bài Hành Trang Giã Từ không được như bài trên, nó có tiếng là nhờ tiếng hát Nhật Trường, do Hãng Dĩa Việt Nam chọn. Hai bài này không mang một chút ý gì về sông nước biển cả và cũng rất bình dị, không sâu sắc như những ca khúc thời chiến của Trần Thiện Thanh, Nguyễn Văn Đông…cũng vì tôi muốn thật giản dị.

HLC: Câu trả lời của ông là theo trào lưu. Điều này theo tôi là dễ hiểu. Ai cũng có một số sáng tác theo “trào lưu” dù trong lãnh vực văn, thơ hay nhạc. Đúng như ông nhận xét, “Hành trang giã từ” đã nổi lên nhờ tiếng hát Nhật Trường. Cá nhân tôi lại thích Hành trang giã từ hơn Chuyện người đan áo. Từ điều này, tôi có nhận xét sau: nhạc phẩm sẽ hướng theo chiều “sang” hay “sến’ đôi khi lệ thuộc vào giọng ca. Lấy ví dụ, Thầm Kín của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông do Duy Quang hát khác hẳn Giao Linh hay Thanh Tuyền. Ý kiến của ông về nhận xét của tôi?

TS: Tôi cũng nhận thấy một số người có trình độ văn hóa khá nhưng vẫn thích hai bài này. Ý tôi là nội dung hai bài rất bình dân, không sâu sắc như của Trần Thiện ThanhNguyễn Văn Đông là thế. Tôi công nhận rằng nhiều khi ca sĩ hát một bài, có thể bài đó được rất nhiều người yêu thích và ngược lại cũng có thể ít gây được sự chú ý, đó là do tiếng tăm của ca sĩ. Ngoài ra cũng có những ca sĩ chỉ thiên về hát nhạc bình dân hoặc thiên về nhạc “sang”. Vì thế một nhạc phẩm rơi vào một trong hai trường hợp này, sẽ đưa thính giả ngả theo tiếng tăm của ca sĩ. Nhật Trường hát những ca khúc của anh về lính rất hay, nhưng nếu anh hát một bài nhạc loại bình dân nào đó cũng sẽ cho người nghe thấy rằng nó bớt chất “sến” nhiều, là do chất giọng và sự điêu luyện của anh. Thí dụ anh đã hát “Chuyện Người Đan Áo”, người nghe có thể nghĩ rằng anh đang hát nhạc Trần Thiện Thanh nói về lính, khác hẳn với Giao Linh. Cũng vì thế mà nhiều năm qua nhiều người đã ngộ nhận rằng bài này của anh.

HLC: Trở lại vấn đề “trào lưu”. Khi sáng tác theo trào lưu thì có nghĩa sự rung cảm chỉ là vay mượn. Sự thể hiện tình cảm vay mượn thì giới nào cũng có từ thi sĩ, văn sĩ đến nhạc sĩ. Kết quả của sự vay mượn nhìn về khía cạnh tác giả và thính giả anh có những suy nghĩ gì?

TS: Chạy theo vay mượn thì có lẽ không vì tôi đang sống, làm việc, chiến đấu, đang là nhân chứng trước những đau thương tang tóc của người dân Việt Nam, của những người con đang trên tuyến đầu, lấy xương máu của mình để dành lấy tự do, no ấm cho đồng bào, thì cái nguồn cảm hứng ấy không thể là vay mượn, chạy theo. Tuy nhiên mỗi cái nhìn của từng người viết nhạc khác nhau. Tôi thích nó thật bình dân, dễ nhớ, dễ hát. Có khi tôi nghĩ những ca khúc này của tôi dành cho tuổi teen thì đúng hơn.

HLC: Cũng trong trả lời Điệp Mỹ Linh, ông nói “Là một thiếu tá Hải Quân, tôi rất hãnh diện đã phục vụ cho lý tưởng tự do, đó là hoài bảo của một thanh niên đầy nhiệt huyết trước nhu cầu của đất nước, đó cũng là danh dự của cả một đời người, tôi không thể không chọn lựa danh xưng này. Mọi người sinh ra đều có những năng khiếu khác nhau. Viết một ca khúc, trước hết mình đã phần nào là một người làm thơ và mình cũng phải có một giác quan rất bén nhạy mới có thể tạo ra được những chuỗi âm thanh hài hòa để người nghe cùng rung động với tâm tư của mình. Vì vậy, trong âm nhạc, tôi cũng không thể không nhìn nhận đây là nhu cầu vô cùng cần thiết cho đời sống tinh thần.”

Tôi không nói về vấn đề danh xưng. Hiển nhiên một người chọn nghề và có một địa vị nào đó trong nghề ấy thì phải coi danh xưng ấy là “chính”. Những cái còn lại chỉ là “năng khiếu” hoặc “hobby”. Ông có thấy Thượng đế cũng đã có chút ưu ái khi ban cho ông năng khiếu về âm nhạc để cũng có một chỗ đứng trong lòng thính giả ngoài một chỗ đứng trong binh nghiệp? Nói cách khác, sự hài lòng của ông ở mức độ nào và ông đã bày tỏ sự hài lòng thành những hành động nào?

TS: Thật sự tôi cũng cảm thấy phần nào hài lòng vì số đóng góp khiêm tốn của mình đối với quê hương, đất nước và phần nhỏ nhoi trong làng âm nhạc Miền Nam. Tôi nghĩ mình không sáng quá để trở nên kiêu căng và cũng không lu mờ quá để trở nên bi quan…

HLC: Còn câu hỏi ông làm gì để cảm ơn thượng đế về những cái ông có, thưa ông?

TS: Với một chút năng khiếu âm nhạc, tôi đã có thể sáng tạo ra những lời ca tiếng hát cho mình, cho cuộc đời, đó phải là nhờ ơn trên đã cho tôi chút năng khiếu đó. Đồng thời cũng được sống trên đất nước tự do có đầy đủ quyền con người. Tôi là người theo đạo Thiên Chúa, thờ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, hằng đêm trước giờ đi ngủ, tôi luôn đọc kinh tạ ơn và cầu nguyện.

HLC: Ông làm tôi mỉm cười. Đúng là một mẫu người đàn ông Việt Nam lớn tuổi. Cũng câu hỏi tương tự, tôi dành cho cô Dương Như Nguyện và người viết văn trẻ, ảnh hưởng hai nền văn hoá Mỹ Việt, đã có những suy tư khác với lứa tuổi chúng ta. Thưa ông, “Một lần xa bến” được Nhật trường hát và lancer, đưa tên tuổi Trường Sa đến với giới thưởng ngoạn. Theo tôi nhớ, nhạc phẩm này được tung ra trước những nhạc phẩm Rồi mai tôi đưa em hay Xin còn gọi tên nhau. Ông có nghĩ rằng nhờ nhạc phẩm “lót đường” này mà Trường Sa đã có cơ hội giới thiệu “Rồi mai tôi đưa em”? Thái độ của ông đối với Nhật Trường?

TS: Anh Nhật Trường rất sốt sắng giới thiệu tên Trường Sa và ca khúc ra mắt này, Hãng Dĩa Việt Nam thu thanh. Đối với anh Nhật trường, tôi luôn tâm niệm rằng anh rất tốt bụng, và chính anh đã đưa tôi đến với thính giả, dù rằng với tôi thì ca khúc này cũng chỉ có tầm ảnh hưởng giới hạn vì giai điệu bình thường, chỉ một chút lãng mạn trong lời ca. Ngoài ra, bài này cũng là bài duy nhất anh Nhật Trường nhận từ tôi, còn lại về sau thì tôi tự giới thiệu với hãng dĩa Việt Nam, có khi tôi hát trên phone cho cô Sáu Việt Nam nghe rồi cô chọn.

HLC: Ông là Thiếu tá hải quân, rồi may mắn vượt biên thoát năm 1989 chỉ một tháng trước khi các trại tị nạn đóng cửa. Đến Canada năm 1991. Năm 1992, vợ ông sang đoàn tụ. 1996, hai vợ chồng đã trở về VN và bà mất vì tai nạn tại đây. Tôi tò mò muốn biết nguyên nhân nào hai ông bà trở về VN sớm như vậy? Phải chăng vì cuộc sống ở Canada quá buồn tẻ?

TS: Tôi mang cấp Hải quân Thiếu tá từ tháng 3/1972, đến 30/4/75 cấp Thiếu tá đã hơn 3 năm thâm niên rồi. Tôi đã đi “tù cải tạo” 9 năm ở ngoài Bắc, được thả 1984, thêm ở tù vượt biên từ 1986-1988, tháng 4/1989 vượt biên lần nữa, tới Bidong, chương trình đón tỵ nạn đã đóng cửa từ 20/3/1989. Tôi phải nằm lại đảo 28 tháng chờ thanh lọc, mãi đến cuối tháng 8/1991 mới được chính phủ Canada bảo lãnh. Năm 1992 tôi bảo lãnh vợ tôi là Mỹ Lan (trong ban vũ thiết hài Nguyễn Thống, cùng với chị Hương là vợ anh Nguyễn Ánh 9 ). Ở Canada 4 năm, 1996 vợ tôi trở về Sài gòn một mình thăm mồ mả cha mẹ ở Sài gòn và mộ người anh ruột tử trận trên cầu Bến Lức. Trước vài ngày, là thời gian phải trở lại Canada, vợ tôi đã cùng bạn là vợ của Hải quân Trung Tá Tôn Thất Sanh (từ trần trước 1975) cùng nhau đi Long Hải, đã bị tai nạn giao thông tại Long Thành, cả hai đều tử nạn. Vợ tôi chết nằm ngoài đường, mãi đến chiều tối mới được bà con đưa xác về Sài gòn. Từ bên này, tôi gửi người con gái thứ hai về dự đám tang mẹ. Cho đến ngày nay, tôi vẫn thấy rằng ở trên đất nước Canada thanh bình, tươi đẹp, mọi người đều được chính phủ bảo hiểm sức khỏe và chăm lo chu đáo.

HLC: Trước 1975, vì chiến tranh, vì nghĩa vụ người trai, ông không sáng tác được nhiều. Từ khi ra hải ngoại, phải bắt đầu cuộc sống mới, hẳn là thời gian dành cho âm nhạc cũng hạn hẹp. Tính từ 1989 đến nay, ông đã có bao nhiêu sáng tác mới và trong những nhạc phẩm ấy, ông ưng ý bài nào, vì sao?

TS: Tổng cộng 24 bài , trong đó bài “ Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi”, viết sau một thời gian vợ qua đời, là bài tiêu biểu cho những ưu tư, thương nhớ Sài gòn mà người vợ đang nằm lại thành phố này, mặc dù đã qua đời, thể xác đã được chôn vùi nơi đây (tưởng như người còn sống).

Và đây là những mơ ước vô vọng:

“Trông vời bên ấy Sài gòn em tôi dáng mờ chân mây

Hai mùa mưa nắng đi về quanh năm theo dòng tàn phai ..( thể xác )

Bao giờ thu mới đem ân tình một ngày trở lại

Để quên đi một đời bão nổi

Quên một đời em lẻ loi”

HLC: Ước mơ nhỏ và lớn bây giờ của ông trước khi chúng ta tạm biệt?

TS: Ước mơ của tôi là duy trì cuộc sống khỏe mạnh, có tình yêu thương gia đình, bạn bè, sống đạo đức, và mong sao nguồn cảm hứng âm nhạc trong tôi còn mãi cho đến hơi thở cuối cùng.

Hoàng Lan Chi thực hiện 2014

This entry was posted in Phỏng Vấn. Bookmark the permalink.