Hoàng Lan Chi nhận xét về bài của GL Bích Vi ( Gia Long – Mi nh Khai Tuy Một Mà Hai) Dec 26, 2016

Hoàng Lan Chi nhận xét về bài của GL Bích Vi

( Gia Long – Minh Khai Tuy Một Mà Hai)

Dec 26, 2016

Hoàng Lan Chi nhận xét:
Dưới đây là một bài viết có tựa “ Gia Long –Minh Khai tuy một mà hai) của bà Bích Vi-Võ Thị Hai đăng ở web(http://nguoivietboston.com/?p=35842). Web này là ai: tôi nghĩ nhiều người biết.

· Vào 2012, sau ĐH GL Thế Giới ở Bắc CA, Hoàng Lan Chi có viết bài. Vài cựu nữ sinh (đầu GL đuôi MK) ngộ nhận và phản đối. Hoàng Lan Chi viết tiếp “Một ngày Gia Long, một đời Gia Long” để cho các em ấy hiểu rằng: các tỷ GL luôn giang tay với các em khi các em chọn GL là một đời, khi các em đã “forget” vĩnh viễn cái tên NTMK mà các em bị buộc mang trên người vì thời cuộc.

· Bà Võ Thị Hai, tác giả bài viết dưới đây, từng là nhân sự cấp cao của báo Phụ Nữ Thành Hồ với bút hiệu Bích Vi ngay sau những ngày tháng 1975. Như mọi người đều biết, sau 1975, để bước chân vào và để giữ chân to ở một tờ báo “đình đám”, cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Phụ Nữ Thành Hồ thì phải có lý lịch và thành tích ra sao. VC luôn nắm giữ truyền thông và sàng lọc rất kỹ nhân sự cho lãnh vực này. Theo vài nguồn tin, với sự trợ giúp của bà Holly Ngô thì bà Võ Thị Hai đã qua Mỹ định cư khá lâu.

· Tháng 3/2016 , Bà Võ Thị Hai xuất bản sách ảnh Áo Tím GL. Vài bạn hỏi ý. Tôi nêu nhận định. Bà Hai trả lời qua lại với tôi chỉ 2-3 mails gì đó. Vụ này được lưu trữ ở đây:

http://hoanglanchi.com/?p=8795

· Nay, tháng 12/2016, bà Bích Vi-Võ Thị Hai, viết bài ( Gia Long-MK tuy một mà hai) . Lý do viết được giải thích như sau: bà Hai ra mắt sách ở VN tháng 11/2016 và vài em hỏi bà “vì sao không mở rộng nội dung sách ảnh Một Thời Áo Tím – Gia Long thành Một Thời Áo Tím – Gia Long – Minh Khai để chính thức thành cuốn sách của 3 thế hệ”.

Phần đầu là suy nghĩ, tâm tình của bà Bích Vi-Võ Thị Hai, một cựu nữ sinh GL “thuần túy”: không có gì khiến tôi thắc mắc. Nhưng đoạn cuối ( tôi tô bleu) có vài điều khiến tôi phải suy nghĩ và tôi xin phép đưa ra trước public hỏi ý kiến các quý Thầy Cô Gia Long cũng như cựu nữ sinh GL hải ngoại:

1-Bà Hai hỏi và câu hỏi này lẽ ra Bà Hai nên nhờ Hội Phụ Nữ thành Hồ, nơi bà Hai cộng tác năm xưa, đệ trình lên VC cấp thẩm quyền để họ trả lời: (Trích: Vậy thì vì sao nhà nước Cộng sản Việt Nam lại không cho phép thành lập hội cựu nữ sinh Gia Long ngay tại trong nước, chỉ quy tụ các cựu nữ sinh Gia Long đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam, giống như các hội cựu nữ sinh Gia Long ở khắp thế giới hiện nay. Ngưng trích bà Hai)

2-Bà Hai cổ vũ cho cựu ns MK lập hội ở hải ngoại như sau: ( Trích:Còn lớp nam nữ sinh NTMK của các bạn, quy tụ nhiều phần tử ưu tú của xã hội ở Việt Nam hiện nay và kể cả ở ngoại quốc, có thể thành lập riêng cho mình một tổ chức ái hữu. Ở hải ngoại dễ hơn vì tính chất tự do, dân chủ, các bạn có thể thành lập hội cựu học sinh NTMK một cách dễ dàng. Tôi tin rằng, không có cựu nữ sinh Gia Long nào chống lại điều đó ở hải ngoại. Ngưng trích bà Hai).

Hoàng Lan Chi nêu ý kiến: cá nhân tôi chống. Lý do: chúng tôi là người Viêt quốc gia, chống cộng sản. Những cái tên như (Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn) v.v. là những tên tuổi lớn, đầu sỏ, đầu não của CS VN. Trừ trường hợp bất đắc dĩ khi phải viết bài thời sự hay lịch sử thì người hải ngoại mới phải nhìn thấy những chữ đó. Không có lý do nào lại bắt chúng tôi lại phải nhìn thấy những chữ đó tại vùng đất tự do mà chúng tôi đang chọn để trốn cs. Khi nhìn thấy những chữ, vd như ( Hội Thân Hữu NTMK họp ở Santa Ana, CA, tư gia bà Võ Thị Hai) hay ( Hội Thân Hữu Lê Hồng Phong họp ở Fortune, VA ngày..) thì quá khứ lại trôi về và những nhát dao vô hình lại cày xé trái tim chúng tôi, những người Gia Long hay Petrus Ký bị mất tên trường. Sự việc này tương tự như treo dấu hiệu Đức Quốc Xã ở vùng có đông cư dân Do Thái vậy. Sự việc này sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần làm việc của công dân Mỹ- Việt.

Tôi cực lực phản đối câu này của bà Võ thị Hai (Ở hải ngoại dễ hơn vì tính chất tự do, dân chủ, các bạn có thể thành lập hội cựu học sinh NTMK một cách dễ dàng). Tôi cho rằng VC rất dễ dàng và còn hoan hô cho quý vị lập hội trên ở trong nước. Nhưng nếu lập ở hải ngoại thì không nên vì các cựu học sinh đó sẽ làm chúng tôi đau lòng. Chúng tôi tin rằng, các cựu hs NTMK hay Lê Hồng Phong, nếu đã chọn con đường sống ở hải ngoại thì hẳn các em ấy cũng đã nhìn ra được bản chất của chế độ CS phi nhân, tàn bạo, vô dân chủ, không tự do. Chúng tôi tin rằng các em cựu hs ấy cũng không vui thú gì khi phải nhắc đến những cái tên NTMK hay Lê Hồng Phong. Có lẽ chỉ có những kẻ sau đây mới “hồ hởi, phấn khởi’ lập hội Ái hữu NTMK hay Ái hữu Lê Hồng Phong ở hải ngoại: những tên cs nằm vùng!

KL: trên đây là ý kiến của GL Hoàng Lan Chi về bài viết của Cựu Trưởng Ban Kinh Tế Chính Trị Xã Hội của báo Phụ Nữ Thành Hồ, bà Bích Vi-Võ Thị Hai- đang cư trú CA. Mong ý kiến khác của quý Thầy cô Gia Long và các tỷ muội.

Hoàng Lan Chi

GL 1967

***********************************************

Gia Long – Minh Khai Tuy Một Mà Hai

Võ Thị Hai

December 16, 2016 2:33 AM

http://nguoivietboston.com/?p=35842

Đây là tâm thư viết riêng cho các bạn học sinh mang phù hiệu Nguyễn Thị Minh Khai (NTMK). Với các bạn niên khoá 1975–1982 trở về trước, những người đã từng mang phù hiệu Gia Long thì tôi xin vui mừng xem là thế hệ Gia Long “hậu bối.” Tôi thích câu “Một ngày Gia Long, một đời Gia Long,” và xin được đứng về phía các bạn từng thi đậu vào trường Gia Long, từng được gắn lên trước ngực phù hiệu Gia Long, trước khi trường bị đổi tên.

* * *

Trước buổi ra mắt sách ảnh Một Thời Áo Tím Gia Long ngày 12 tháng Mười Một năm 2016 diễn ra tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, Sài Gòn, một bạn trẻ viết thư hỏi rằng liệu là học sinh Nguyễn Thị Minh Khai tham dự được không. Tôi trả lời xin mời các bạn cùng tham dự như đông đảo quan khách khác.

Tại buổi gặp gỡ này và sau đó nữa, có ít nhất hai lần, các bạn hỏi tôi “vì sao không mở rộng nội dung sách ảnh Một Thời Áo Tím – Gia Long thành Một Thời Áo Tím – Gia Long – Minh Khai để chính thức thành cuốn sách của 3 thế hệ”. Theo lời hứa trước đây, tôi xin bộc bạch tâm sự cùng các bạn, vì sao cuốn sách chỉ dừng lại ở thế hệ Gia Long, và vì sao tôi vẫn cảm nhận rằng Gia Long và MK “tuy một mà hai.”

Có hay không “tà áo MK”?

Trường Gia Long từ trước năm 1975 chỉ toàn nữ sinh. Chúng tôi ca ngợi tà áo dài trắng thướt tha của người nữ sinh như là hình ảnh sống động làm toát lên vẻ hiền hoà, đoan trang, đằm thắm của một cô gái. Chỉ cần nói “tà áo Gia Long,” thì người ta hình dung ra được những cô nữ sinh thướt tha, chăm ngoan của một thời. Còn bây giờ, MK có cả con trai, nếu gọi “tà áo MK” thì các bạn hình dung được gì?

Có lần, một nhiếp ảnh gia chụp tấm ảnh cổng trường NTMK giờ ra chơi với thật đông học sinh nam nữ túa ra hai bên. Khi sử dụng để thể hiện hình ảnh ngôi trường nữ trung học Gia Long ngày xưa, người ta phải dùng photoshop để điều chỉnh, để biến chiếc quần tây của tất cả nam sinh thành tà áo dài của nữ sinh, và mớ tóc húi cua của nam sinh thành mớ tóc thề của nữ sinh. Điều đó cho thấy, tự thân hình ảnh của học sinh trường MK không thể được coi là Gia Long.

Gia Long là tên gọi một trường nữ trung học toạ lạc tại quận 3, Sài Gòn đã bị đổi thành trường trung học công lập Nguyễn Thị Minh Khai. Bây giờ, sự gán ghép Gia Long – MK chỉ là khiên cưỡng, chứ thực tế không có một cái trường học nào được gọi là “Gia Long – MK.” Vậy tại sao chúng ta lại nên có một cái tên ghép một cách khiên cưỡng và không cần thiết như thế?

Tính chất của người nữ sinh ở hai ngôi trường Gia Long và MK

Gia Long là ngôi trường dành riêng cho nữ. Chúng tôi được đào tạo để trở thành một lớp phụ nữ thế hệ mới, hiền thục, tài năng, đức hạnh. Chính sách giáo dục được áp dụng tại trường Gia Long trọng đãi các giáo sư để nhằm mục đích đào tạo các nữ sinh theo chuẩn mực. Các cựu hiệu trưởng trường Gia Long từng đích thân chọn các sinh viên tốt nghiệp hạng cao của trường đại học Sư Phạm về dạy tại trường, và coi trọng chuẩn chất của thầy cô giáo đứng trên bục giảng.

Có người trong chúng tôi bị cô giáo cú đầu, hoặc bị cô ném cuốn tập rơi vào hồ bơi ướt mẹp, cũng sẵn lòng chấp nhận, không một lời than thở. Còn trong thời kỳ của các bạn, cô giáo Hồ Thị Hoa Lâu dạy toán dùng thước khẽ vào mông của học trò thì ngày hôm sau cô lập tức phải viết bản kiểm điểm thật dài để tường trình theo đơn kiện của một cán bộ, phụ huynh của cô nữ sinh MK.

Gia Long là một trường lớn, cho ra đời nhiều thế hệ nhân tài. Con gái miền nam Việt Nam trước năm 1975 chỉ mong thi đậu vào trường Gia Long với hy vọng trở thành một nữ sinh đủ tiêu chuẩn tài năng và đức độ, những người phụ nữ tài đức song toàn. Vì vậy mà hầu như ai cũng phải cố công học thật giỏi, nhiều người phải học các lớp luyện thi, gọi là lớp tiếp liên và mất một, hai năm trời để thi đậu cho bằng được vào trường Gia Long. Cô cựu hiệu trưởng Trần Thị Tỵ của trường Gia Long từng mạnh mẽ từ chối thư đề nghị đặc cách tiếp nhận các thí sinh xin thi vào trường không hội đủ tuổi tác theo quy định. Còn ở MK, điều đó là hoàn toàn không cần thiết. Đôi khi các bạn chỉ cần là con em cán bộ cao cấp là được ưu tiên thu nhận vào trường.

Nội dung học tập của học sinh hai trường Gia Long và MK cũng hoàn toàn khác, đặc biệt là trong lĩnh vực lịch sử và luân lý. Con người xuất thân từ trường Gia Long có khái niệm về dân chủ, về chính thể tam quyền phân tập rõ ràng hơn. Còn học sinh MK thì coi chính sách độc đảng toàn trị là mô hình cai trị toàn hảo. Vì vậy mà sự hình thành nhân cách và lý tưởng của con người được đào tạo từ hai trường Gia Long và MK cũng hoàn toàn khác.

Nữ sinh Gia Long được đào tạo bằng những quy định kỷ luật nghiêm khắc, nhưng còn nguyên tính chất rắn mắc, dễ thương của lớp “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò.” Lời kể của chị Trần Thị Thanh Quan (nữ sinh 1955–1962) nói về chuyện các chị thích leo lên mái nhà cho thoả thích, liền tìm cách chơi thật mạnh để cố tình làm văng quả cầu lên nóc nhà, để có dịp treo lên tận mái… Gia Long không thiếu hình ảnh các cô nữ sinh cột vạt áo dài vào nhau để chơi u trong sân trường. Tính chất rắn mắc còn nguyên ở nhiều phụ nữ cựu nữ sinh Gia Long nay thành bà nội, bà ngoại. Năm 2000, tôi từng chứng kiến cảnh các niên trưởng của mình đồng loạt leo lên cây sầu riêng ngồi vắt vẻo trên cành, coi dễ thương sao. Còn hình ảnh các bạn nữ sinh MK leo lên cao, có thể để lộ những đường cong da thịt, hẳn sẽ trở thành điều cấm kỵ trước mặt các bạn nam sinh trong giờ ra chơi, và niềm vui thú “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” của các bạn NTMK sẽ hoàn toàn không giống các bạn Gia Long.

Môi trường giáo dục dành cho nam sinh và nữ sinh không bao giờ đồng nhất, sẽ tạo ra khoảng cách về phương pháp dạy và học không giống nhau ở cả hai ngôi trường Gia Long và trường MK. Hẳn vì muốn đặt lợi ích của nữ sinh lên trên, nên hồi tháng Mười Một, năm 2016, cô cựu hiệu trưởng Trần Thị Tỵ và thầy Trần Thế Xương đều thổ lộ niềm mong ước là Việt Nam có một ngôi trường dành riêng cho nữ. Các bạn nên biết, vào những năm cuối thập niên 1990, một nhóm cựu nữ sinh Áo Tím – Gia Long – Minh Khai, trong đó có bà Bùi Thị Mè, cô Đặng Thị Ngọc và nhiều cựu nữ sinh Gia Long chức sắc thời đó cùng ký tên vào đơn thỉnh nguyện yêu cầu biến trường NTMK thành trường dành riêng cho nữ, nhưng không thành công.

Gia Long là cái tên đã mất, cùng với Sài Gòn

Hiện nay, người ta hồi nhớ về ngôi trường Gia Long với sự hoài niệm, cũng như hoài niệm về một Sài Gòn xưa đã dần dần mai một, và luyến tiếc không nguôi về cái đẹp, cái hay đã bị tiêu huỷ, bị bóc gỡ đi. Gia Long là tên ngôi trường đã đi vào lịch sử, thì chỉ có những người đã theo học tại ngôi trường ấy mới luyến tiếc đong đầy. Còn các bạn MK vào học khi ngôi trường đã đổi tên, nhắm mắt lại, trong đầu của bạn hiện lên những hình ảnh nào, những kỷ niệm nào còn lại của Gia Long? Chắc chắn là không.

Không có chung một mẫu số, không có chung những kỷ niệm giống nhau, cuộc sinh hoạt sẽ không bao giờ thú vị và vui nhộn, cũng không giúp con người ta lột tả đầy đủ tính chất của thuở học trò để cùng vui, cùng hát, cùng nhắc lại kỷ niệm ngày xưa. Trước 1975, nữ sinh Gia Long có trò chơi “chị em hộc tủ” vì đó là hai người con gái, hai chị, em và chơi đúng trò “chị em.” Giờ đây, nếu học sinh MK chơi trò đó, thì không chắc là trò chơi “hai anh chị em” mà có thể sẽ biến thành thứ trò chơi khác.

Chúng tôi quan niệm rằng, hội cựu học sinh là một tổ chức ái hữu, tương thân tương trợ, được lập ra giữa những người có chung một tính chất hoặc đặc điểm nào đó, căn cứ trên một nhu cầu thực tế. Vậy thì vì sao nhà nước Cộng sản Việt Nam lại không cho phép thành lập hội cựu nữ sinh Gia Long ngay tại trong nước, chỉ quy tụ các cựu nữ sinh Gia Long đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam, giống như các hội cựu nữ sinh Gia Long ở khắp thế giới hiện nay?

Còn lớp nam nữ sinh NTMK của các bạn, quy tụ nhiều phần tử ưu tú của xã hội ở Việt Nam hiện nay và kể cả ở ngoại quốc, có thể thành lập riêng cho mình một tổ chức ái hữu. Ở hải ngoại dễ hơn vì tính chất tự do, dân chủ, các bạn có thể thành lập hội cựu học sinh NTMK một cách dễ dàng. Tôi tin rằng, không có cựu nữ sinh Gia Long nào chống lại điều đó ở hải ngoại. Và dĩ nhiên trong các cuộc họp hội vui chơi của cựu nữ sinh Gia Long, con em của họ có thể tham dự cuộc vui, bất kể cháu học ở MK hay một trường nào khác ở Việt Nam, ở hải ngoại. Khi các thành viên của hội Gia Long đã già, đã yếu, thưa dần đi, hoặc không còn nhu cầu sinh hoạt, hội họp, thì tổ chức ái hữu ấy tự thân sẽ biến mất, bị đào thải theo thời gian. Con em của họ, không học ở trường Gia Long sẽ không đủ tình cảm tạo ra một nhu cầu để hoạt động.

Các em MK thân mến ơi, mình đã ít nhất hai lần đưa chị Lê Công An, chị Holly Ngô ở Hoa Kỳ đến trường xưa cũng như bản thân mình tặng học bổng cho học sinh trường NTMK. Mình không nghĩ xấu, cũng không loại trừ các bạn ngay trong nhận thức, tình cảm của mình. Mình nghĩ, các bạn có đầy đủ năng lực, trí tuệ để đứng vững trên đôi chân của mình. Các bạn hãy thành lập riêng một tổ chức cho mình để hoạt động, mà không cần dựa vào bất kỳ một tên tuổi nào. Thực tế là người Gia Long đang nuối tiếc về một ngôi trường không còn nữa. Và MK thật sự là lớp người bước ra ngoài xã hội ngày càng đông đảo. Các bạn mới thật sự là người của thế hệ tương lai. Với tư cách của một cựu nữ sinh Gia Long, tôi xin chúc các bạn ngày càng lớn mạnh, và tự các bạn tô điểm cho hình ảnh của ngôi trường mình đã học.

Còn tôi, khi nhắm mắt lại, chỉ nhìn thấy dĩ vãng của Gia Long hiện về. Trong tôi không có bốn chữ NTMK, vì vậy mà tôi mong các bạn học sinh của trường NTMK thông cảm với nỗi niềm của chúng tôi, những người không thể lấy cái tên NTMK làm hành trang ký ức tuổi thơ của chính mình.

Võ Thị Hai
15 December 2016

Tác giả Võ Thị Hai, Santa Anna, CA, USA, là học sinh Gia Long niên khoá 1963-1970 và là một trong hai chủ biên cuốn sách ảnh “Một thời Áo Tím – Gia Long”, Trường Phát, Sài Gòn, 2016. Huỳnh Thi Kim Phụng là đồng chủ biên “Một thời Áo Tím – Gia Long” hiện ở Sài Gòn, Việt Nam.

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.