Hoàng Lan Chi -Hai Nhạc Phẩm Xuân VNCH Tiêu Biểu- Jan 28, 2017

Trích LanChiYesterday-Những vụn vặt đời sống quanh tôi

Hai Nhạc Phẩm Xuân Tiêu Biểu

Đầu Xuân, Hoàng Lan Chi muốn viết về âm nhạc, đặc biệt cho hai bản nhạc Xuân mà tôi nghĩ là rất “thấm thía” cho những người VNCH thuở đó. Đó là bài “Xuân Này Con Không Về” và “Phiên Gác Đêm Xuân”. Có thể nói hai nhạc phẩm này là hai tác phẩm tiêu biểu cho Mùa Xuân VNCH của thập niên 60-70.

MỘT

Miền Nam với thể chế cộng g hòa- dân chủ mới được thành lập vào khoảng 1956. Chúng tôi được hưởng không khí an bình khoảng bốn hay năm năm. Kể từ khi vc đẻ ra cái gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” và bắt đầu chiến tranh du kích phá hoại thì miền Nam không còn yên ổn. Chết chóc từ xe đò bị mìn, chết chóc từ cầu sập và chết chóc từ kết án của vc. Tất nhiên chết chóc nhiều nhất từ các mặt trận.

Trong tình hình chiến sự gia tăng và hàng hàng lớp lớp trai hùng ra chiến trường bảo vệ quê hương thì dòng nhạc “viết cho lính” xuất hiện.

Mùa Xuân tươi đẹp mở đầu cho một năm mới đã không còn trong nhiều gia đình. Đêm trừ tịch đã có những người lính phải túc trực tiền đồn. Từ vùng hỏa tuyến, họ ước mơ gì. Hai người nhạc sĩ đã viết hai bản nhạc, theo tôi là thành công nhất.

Thành công vì giai điệu đẹp, phù hợp với ý thích của đa số người Việt thời ấy.

Thành công vì nội dung đẹp. Những hình ảnh trong đó Thực và Đẹp.

Thành công vì lời nhạc đẹp quá, não nùng quá dù có lúc cũng thơ mộng quá.

HAI

Phiên Gác Đêm Xuân của Nguyễn Văn Đông –Anh Khoa hát.

Anh Khoa không phải là giọng hát “chuyên trị nhạc lính” như Duy Khánh. Tuy vậy tôi chọn Anh Khao hát bài này vì nội dung của nhạc phẩm không nhuốm mùi chiến tranh khốc liệt, không máu đổ thịt rơi, không hận thù chất ngất. Giọng Anh Khoa cũng nhẹ nhàng, sương khói.

https://www.youtube.com/watch?v=y0uFsfi9Ou8

Nguyễn Văn Đông, tương tự như Phạm Duy, đôi khi viết nhạc như làm luận văn với mở bài, thân bài và kết luận rõ ràng. Vì thế nghe nhạc mà như nghe “kể”.

Bốn câu đầu “kể” rằng một phiên gác đêm vàophút giao thừa. Hình ảnh đẹp vô cùng, lãng mạn vô cùng mà cũng bi thương không kém với “xác hoa tàn mà ngỡ xác pháo mùa xuân” với tiếng súng mà tưởng như tiếng pháo ngày nào:

Đón Giao Thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi
Mở đầu thế để rồi dắt người nghe vào thế giới của người lính đêm trừ tịch. Ngắm nóc chòi mà mơ ước mái nhà xưa, nơi ấy có chiếc bánh ngày xuân, có hương trầm thơm ngát:

Ngồi ngắm mấy nóc chòi tranh
Mơ rằng đây mái nhà tranh
Mà ước chiếc bánh ngày xuân
Cùng hương khói vương niềm thuơng

Hình ảnh người lính ngó chòi canh và tủi cho phận mình và nhớ đến duyên ngày cũ để ngậm ngùi:

Ước mong nhiều đời không bấy nhiêu
Vì mơ ước trắng như mây chiều
Tủi duyên người năm năm tháng tháng
Mong chờ ánh xuân sang, ngờ đâu đêm cứ đi

Chuyện kể đóng lại với nỗi niềm chua xót “ Xuân đến làm chi”. Câu kết hay nhất cho tâm tình người lính đêm xuân nơi vọng gác “Thương này khó cho vơi, thì đừng đến xuân ơi !”

Chốn biên thùy này xuân tới chi ?
Tình lính chiến khác chi bao người
Nếu xuân về tang thương khắp lối
Thương này khó cho vơi, thì đừng đến xuân ơi !

Nhạc phẩm hay nhưng man mác buồn. Tôi tự hỏi ngày ấy Nguyễn Văn Đông lại có bị phiền phức với Cục Tâm Lý Chiến như trước đó với “Chiều Mưa Biên Giới?”. Ngày ấy, chính quyền cho rằng những nhạc phẩm như thế sẽ làm nhụt chí người ra sa trường.

Tôi không phải là người lính nên không biết họ nghe bản này và có cảm thấy muốn buông súng để về với xóm làng không? Tôi nghĩ có lẽ không. Ngày ấy, ý thức được dạy từ thuở còn thơ, tổ quốc được ươm mầm rất sớm thì cầm súng bảo vệ quê hương là điều ai cũng hiểu. Bên cạnh vai trò người lính, họ nguyên vẹn là con người bình thường với tình yêu dành cho mọi thứ. Nhạc phẩm không vẽ vời điều gì hư ảo mà lời nhạc đã nói hộ những mơ ước rất “con người” của bất cứ ai, mỗi độ xuân về.

Và vì thế với tôi đây là nhạc phẩm Xuân “thấm thía” nhất.

BA

Xuân Này Con Không Về

Với “Xuân Này Con Không Về” thì bóng dáng của cuộc chiến rõ nét hơn, không bàng bạc khói sương. Đây không phải phút giào thừa với người lính mơ mộng mà là những nuối tiếc của người lính xa nhà, Nhật Ngân. Tôi chọn tiếng hát Duy Khánh vì đây là nhạc phẩm gắn liền tên tuổi anh và chỉ có anh mới diễn đạt được trọn vẹn bài hát.

https://www.youtube.com/watch?v=gykNqtIdoqY

Xuân Này Con Không Về làm lay động trái tim bao người vì là tâm tình của người con với mẹ già, của anh trai với đàn em nhỏ. Không là tình yêu đôi lưá mà XNCKV làm não lòng người nghe với âm điệu nỉ non mà lời nhạc thì giản dị vô cùng. Mỗi độ xuân về, đã có biết bao người mẹ tựa cửa trông mong con nên câu mở đầu như một câu nói mà lại cuốn hút người nghe vô cùng “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con”

Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ
mà tin con vẫn xa ngàn xa

Như Nguyễn Văn Đông, như Phạm Duy, Nhật Ngân cũng mở cánh cửa “vào đề” như thế. Mùa xuân và người lính trận không về. Qua đoạn sau thì Nhật Ngân dẫn người nghe về nỗi nhớ của người lính. Nỗi nhớ này dễ thương biết bao với hình ảnh mái tranh nghèo và dòng nhạc êm như ru, mướt như nhung khi mô tả những cử chỉ rất đời thường (trông bánh chưng ngồi chờ sáng)

ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng ngồi chờ sáng
đỏ hây hây những đôi má đào

Tác giả không nói về nỗi nhớ quá nhiều. Chỉ thế thôi. Để rồi lại dẫn người nghe về một tiếc nuối, về một ân hận. Tiếc nuối, ân hận ấy không từ người lính mà nguyên nhân đến từ cuộc chiến. “Ân hận” đẹp biết bao khi đó là ân hận không về được để sửa mái tranh nghèo cho mẹ, không về được để sắm vài manh áo mới cho em. Nỗi ân hận đó làm người nghe phải rưng rưng lệ.

Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
mái tranh nghèo không người sửa sang

Khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong
anh trai sẽ đem về cho tà áo mới
ba ngày xuân đi khoe phố phường

Nhật Ngân, người lính có vẻ trẻ tuổi hơn Nguyễn Văn Đông, có vẻ “sôi nổi” hơn Nguyễn Văn Đông nên trong tư tưởng có vẻ “rạch ròi” hơn. Đoạn cuối là một tư tưởng đẹp. Tư tưởng ấy làm người dân hậu phương tràn đầy cảm kích, làm ấm lòng đồng đội nơi tuyến đầu (Nhưng nếu con về bạn bè thương mong). Câu thơ/lời nhạc đẹp nhất ở đây là (Bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường).

Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà
Mẹ thương con xin đợi ngày mai…

Không hình ảnh người yêu, không bóng dáng mơ mộng, chỉ đơn giản với “mái tranh nghèo” với “đàn trẻ thơ” nhưng XNCKV cũng “thấm thía” vì cũng “nói hộ” dùm bao người.

Nhạc phẩm, với tôi, rất “thấm thía” là thế.

KẾT

Đừng nghĩ rằng nhạc lính chỉ làm cho lính nghe.

Cũng đừng nghĩ rằng nhạc không sang, khó lay động giới thưởng ngoạn, từng là tín đồ của Phạm Duy, Đoàn Chuẩn…

Cũng đừng nghĩ rằng lời nhạc phải trau chuốt, phải có áng thơ cổ mới là hay.

Không, Phiên Gác Đêm XuânXuân Này Con Không Về là hai tác phẩm không là “kiệt tác về melody”, không là xuất sắc với lời ca nhưng đã sống mãi vì đã nói Thực, nói Hộ nhiều người của giai đoạn ấy. Nỗi niềm, tâm sự của người lính, những người trai “gác bút nghiên theo việc đao cung” được hát lên vào những ngày cuối năm và cả đầu Xuân, đã “thấm đẫm” tình tự quê hương trong ấy, là những âm thanh đẹp nhất cho mỗi độ Xuân về.

Hoàng Lan Chi

1/2017

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged . Bookmark the permalink.