Thời Tiết của Đất Trời và Thời Tiết của Cộng Đồng-Jan 28, 2018

Trích LanChiYesterday-Những vụn vặt đời sống quanh tôi

THỜI TIẾT CỦA ĐẤT TRỜI VÀ THỜI TIẾT CỘNG ĐỒNG

Năm nay có lẽ toàn thế giới lạnh hơn mọi năm. Các vùng đông/tây bắc Hoa Kỳ đã có người chết vì lạnh. Xứ kangourou thì là mùa hè và bớt nóng hơn nhưng đương nhiên tôi không muốn như vậy. Là mình bớt nóng nhưng nơi kia, người già và nghèo chết vì quá lạnh. “Thời tiết Trump” thì vẫn thế. “Nhóm thổ tả” cứ việc tung fake news và Trump vẫn cứ thản nhiên, đường ta, ta cứ đi. Tôi thì từ lâu không quan tâm những bài vở từ những nicks chống Trump. Tại Facebook thì tôi block (vì họ vào nhà tôi và nói tục), hoặc unfollow, hoặc giao hẹn trước ( hồn ai nấy giữ. Không cãi nhau chuyện Trump!). Làm như vậy mà khỏe tinh thần. “Thời tiết hải ngoại” thì nóng không lạnh.

“Thời tiết cộng đồng HoaThịnh Đốn” lại dậy sóng. Đồng Chủ tịch Nhất Hùng lên Ngụy Vũ radio nói khá dài nhưng có lẽ tôi vừa nghe vừa chạy vào làm bếp nên không biết chuyện gì xảy ra và chỉ hiểu khi đọc mails. Hóa ra, văn phòng cộng đồng gửi thư cho Hội Đồng Đại Diện (100 thành viên) để lấy ý kiến về thể thức bầu cử. Đó là một hình thức sửa hiến chương nhưng bất hợp pháp. Hội Quảng Đà phúc đáp VP cộng đồng và yêu cầu thu hồi vì vi hiến. Ông Thomas Nguyễn, một cao niên, dường như là cựu CT cộng đồng Maryland, lại gửi mail cự Hội Quảng Đà và còn nói một câu làm tôi nổi giận. Đó là câu “Hiến chương như mảnh giấy lộn”. Thế là tôi phải ra tay cho Thomas một bài học. Tại sao ông ta lại vô lễ và vô ơn đến thế với những người sáng lập và viết hiến chương? Hãy thử đặt mình vào địa vị họ nhiều năm xưa. Vừa kiếm sống, vừa dạy con vừa quy tụ đồng hương để có nơi chôn sinh hoạt, chia sẻ vui buồn đời tị nạn

Như thường lệ, thay vì phản bác những gì tôi viết thì Thomas, giống những tên vô lại khác ở net, là không đủ lý lẽ để lý luận thì xoay qua mạ lị cá nhân. Rõ chán. Đàn ông cao niên Việt Nam đa số như thế ư? Tôi đã phải viết nhiều lần: muốn biết bà HLC là ai, bả làm gì trước và sau 75, bả hoạt động gì trong lãnh vực truyền thông ở hải ngoại, bà viết cái gì, thì cứ vào hai nơi: một là web cá nhân của bả và hai là web về thời sự hải ngoại của bả là Chúng Tôi Muốn Tự Do. Văn tức là người. Đố ai tìm được những gì thô tục hay hồ đồ trong bài viết của tôi. Khi tôi nói người A là ngu xuẩn, tôi chứng minh câu viết/hoặc lý luận nào của họ bị coi “ngu xuẩn” của họ. Sau nữa, tôi cũng đã nói, trong web Hoàng Lan Chi , tại category “Mọi người viết về Lan Chi”: cứ vào đó sẽ thấy rất nhiều ý kiến từ nhiều người Thật, khắp nơi viết về Hoàng Lan Chi. Còn Thomas đi nhặt rác rưởi từ kẻ du đãng, thằng bịnh hoạn, con điên ở net thì đương nhiên bọn đó phải chửi bà Hoàng Lan Chi rồi vì chúng là việt gian, hoặc là fan Vt-ma, hoặc chúng muốn binh vực nhóm A để xin tiền nhóm này nhưng không đủ lý lẽ để cãi được bà Lan Chi. Đơn giản thế mà Thomas không hiểu!

“Thời tiết cộng đồng Sydney” thì nóng bỏng: Ls Lê Đình Hồ bị giết. Tôi không biết, không quan tâm đến ông luật sư này nhưng sau khi ông chết, đám “Nhân Bản” (tên tôi đặt cho nhóm fans của Ls Trần Kiều Ngọc bao gồm Bs Hoàng Phố Nắng, Trịnh Du, Nhất Nguyên, Anthony Chim, Tuấn Lê…) đã có những “status” (tức post ở Facebook) rất tồi tệ thì tôi mới tìm hiểu về LS Hồ. Khi ấy tôi khám phá ra vài sự thực:

Hoaiphuong Sydney, chủ clip (cố LS Hồ -bà Úc) thì khi đưa clip này, nick Hoaiphuong đã lái dư luậnhành xử mờ ảo qua hai điểm: đặt tựa đề “Thank you or Not Thank You”; không viết rõ chi tiết mà chỉ ghi vầy “Một người Việt (ông Ho LeDinh) không hài lòng với tấm plaque "Thank You Australia" đã la lớn ngoài đường gây bất bình cho người Úc đi ngang. Lý do ông này đưa ra là nước Úc phải cám ơn chứ cộng đồng không cần cám ơn vì ông đã……đóng thuế cho Úc rồi”.

Những netters có trình độ, có hiểu biết, khi đọc vài giòng đó và xem clip, chỉ có khúc giữa, không có khúc đầu của Hoaiphuong Sydney: sẽ không có kết luận hoặc nhận xét nào cả. Lý do: không ai điên đến độ phản đối tấm bảng Cám ơn quốc gia đã nhận mình. Như thế, hẳn là đã có uẩn khúc gì đây. Các netters này đoán được ngay người đưa clip đã chỉ đưa một nửa sự thật.

NHƯNG đa số người mình thì hời hợt nên đã vội tin vào clip, vội tin vào cái tựa, vội tin vào vài giòng ngắn ngủi của tác giả clip để đưa đến việc chửi rủa, mạ lị cố LS Hồ . Nhóm “Nhân Bản”, có lẽ biết rõ nội tình vụ này nhưng giả vờ không tỏ để mỉa mai, để rủa xả, sau khi LS Hồ chết.

Tôi là người “giữa đường thấy việc bất bằng chẳng tha”. Tôi vào Facebook của cố LS Hồ và đọc được comment của ông giải thích lý do vì sao ông phản đối tấm bảng Cám ơn cạnh tượng đài Thuyền Nhân vào cột mốc 40 năm tị nạn. Tôi cũng hỏi thêm vài người và xem thêm vài youtube khác.

Cuối cùng thì tôi có một kết luận, tạm thời chưa đầy đủ nhưng có lẽ cũng tàm tạm cho mọi người nhận định vấn đề, tương đối đứng đắn hơn. Đó là: cố LS Hồ là người trí thức, trình độ cao, lý luận, soạn từ điển, chống cộng khá mạnh (nên có nhiều kẻ thù). Sự việc trên xảy ra vào ngày 8 tháng 12, 2015, tại Sài Gòn Place, Syney trong Lễ Hội 40 năm tị nạn. Tại đây, đã có sẵn Tượng Đài Thuyền Nhân rồi. Nay, kỷ niệm 40 năm tị nạn, Tổ Chức Cộng Đồng lại tặng cho khu thương mại này, tấm biển “Thank You Australia” gắn trên tường, gần Tượng Đài Thuyền Nhân. Họ, chủ nhân khu thương mại, phải gỡ băng đá phía trước để thấy được bức tường thấp và gắn tấm bảng lên đó. Tôi đoán có thể khúc đầu là cố LS Hồ nói gì đó, bà Úc trả lời (có lẽ không lịch sự lắm) làm ông Hồ nổi nóng và đưa đến tranh luận giữa hai người. Thái độ bà Úc này rất dữ dằn. Bà ta là người nói (b..) trước. Bà ta cũng là người đẩy vào người cố LS Hồ trước. Vì thế, nếu netters tin vào người đưa clip rồi mắng mỏ, mạ lị cố LS Hồ : không đúng.

Sau khi đọc comment của cố LS Hồ ở Facebook của ông, tôi hoàn toàn hiểu, đồng ý rồi thán phục ý tưởng của cố LS Hồ về việc NÊN VẬN ĐỘNG CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TẶNG TẤM BẢNG “THANK YOU NGƯỜI VIỆT” CẠNH TƯỢNG ĐÀI THUYỀN NHÂN VÀO CỘT MỐC 40 NĂM TỊ NẠN THAY VÌ BẢNG CÁM ƠN NƯỚC ÚC (ĐÃ CÓ RẤT NHIỀU RỒI)

Các lý do mà tôi đưa ra ủng hộ ý kiến tuyệt vời của cố LS Hồ là:

1) Phải là tấm bảng cạnh tượng Thuyền Nhân mới được vì Tượng Thuyền Nhân tượng trưng cho một nước Úc đã mở rộng vòng tay đón người tị nạn.

2) Phải là cột mốc 40 năm tị nạn. Sau 10, 20, 30 năm cũng không được. Sau 40 năm, quãng thời gian gần nửa đời người với rất nhiều (thành công và đóng góp của người Việt) thì tấm bảng Thank You Boat People mới có ý nghĩa. Ý nghĩa đó là nước Úc cám ơn và ghi nhận sự đóng góp của sắc tộc Việt Nam, một sắc tộc đặc biệt trong các sắc tộc vì người Việt đã di cư hàng loạt, đã vượt biển chạy trốn cộng sản.

3) Thế hệ sau, người bản xứ (Úc) khi nhìn thấy, sẽ tự hào vì Úc đã bao dung (cứu người tị nạn, qua tượng thuyền nhân) và cả công bằng (khi ghi nhận sự đóng góp qua bảng cám ơn).

4) Thế hệ sau, người Úc gốc Việt, sẽ tự hào vì cha ông họ đã cưỡi con sóng dữ, đã vượt trùng dương, tìm tự do , đã đến đất hứa, được đón nhận, đã đổ mồ hôi-máu và cả nước mắt để be bờ, đắp lũy, tạo nên một thành trì quốc gia với cờ vàng ngạo nghễ tung bay, và đưa con em vươn lên để là một bông hoa Việt xinh đẹp trong vườn hoa Úc đại Lợi, cạnh các loài hoa Nhật, Đài Loan, Đại Hàn…

Những kẻ xấu, tâm địa ác độc, miệng mồm rắn rít, tư cách giun dế: hãy để trời xử họ.

Thủ phạm giết cố LS Hồ : hãy để cảnh sát Úc làm việc.

Tôi chỉ muốn nói ý tưởng của ông về một bảng cám ơn sắc tộc Việt, vào cột mốc 40 năm tị nạn, cạnh tượng đài Thuyền Nhân: là một ý tưởng tuyệt vời.

“Thời tiết cộng đồng Pháp” có vẻ dễ thương. Cộng đồng này ít sôi động. Dễ thương vì ông TT đẹp trai Macron rất “khéo nịnh” Trump. Chúng tôi , cư dân Hoa Kỳ, thấy nguyên thủ xứ nào, tử tế, biết điều, dễ thương với Tổng thống của chúng tôi thì chúng tôi sẽ thấy mến nước ấy. Trump cũng ưu ái chàng tuổi trẻ và mời chàng qua xứ cao bồi. Thuở bé vì học Pháp văn nên tôi vẫn ảnh hưởng văn hóa Pháp. Do đó giờ này những kỷ niệm về Pháp “vẫn còn nguyên vẹn đó”. Chúng tôi vẫn vui buồn với những tài danh một thời của Pháp và cũng bâng khuâng mỗi khi một tài hoa Pháp đi về nơi xa lắm.

Việt Nam, không là “cộng đồng” mà là một “dấu yêu” còn trong tâm tưởng. Thời tiết “dấu yêu” này cũng nóng nhưng nóng vì vui sướng tràn trề. Việt Nam tưng bừng với chiến thắng của U 23. Tuổi trẻ mà. Người lớn thì cũng vui nhưng không như trẻ vì lòng họ còn nỗi đau đáu về một đất nước không biết ra sao vào 2020. Lưu Trọng Văn, con trai Lưu Trọng Lư có bài viết ngắn hay về việc này. Một đoạn nhỏ của Văn đây: “Gã tự dưng thấy tủi thân vì mình đang bơ vơ với niềm vui lớn hơn nhiều lần cái niềm vui U23 vào chung kết bóng đá châu Á. Niềm vui ấy chính là cái tin nhắn mà gã vừa nhận được 11 nước trong đó có Việt Nam đã đạt được thoả thuận ký Hiệp định TPP – điều mà bao năm nay gã và những ai quan tâm tới vận nước khát khao chờ đón. TPP – Kinh tế sạch, Luật chơi của công bằng và sự làm giàu tử tế sẽ và chắc chắn đem lại Tương lai cho đất nước gã. Và, gã nghĩ đến những đứa trẻ U không mẹ kia sẽ hy vọng thành U Tương lai – U Hạnh phúc.”

Tôi thì ngậm ngùi: nhớ câu thơ “Một thuở mang gươm đi mở cõi. Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long” sao mà hào hùng và cả lãng mạn thế. Nay thì những người trai nước Việt vui vì một trận đấu không có tầm vóc lớn và họa mất nước thì cận kề.

Thì thôi đành.

Âu đó cũng là số phận của Việt Nam.

Hoàng Lan Chi

1/2018

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.