Rồi Người Cũng Sẽ Đi Xa- May 7,2018

RỒI NGƯỜI SẼ ĐI XA

LANCHI HOANG·SATURDAY, MAY 5, 2018

54 Reads

2014, Hà Thanh vẫy tay chào cõi trần. Trước khi mất không lâu, khi Hoàng Lan Chi gọi, Hà Thanh còn hát và bắt Hoàng Lan Chi hát theo bài “Đến tuổi này” do Hà phổ nhạc đại.

Khi Hà mất, Nguyễn Văn Đông buồn không thể viết và nói. Khi Quốc Bảo Thế Giới Nghệ Sĩ báo tin, Nguyễn Văn Đông vào trang web Hoàng Lan Chi copy bài đưa cho Quốc Bảo chứ Đông không còn lòng dạ nào để viết.

2018, đến phiên Nguyễn Văn Đông giã từ. Khác với Hà, trước đó chúng tôi bẵng tin nhau một thời gian. Thì cũng có lý do. Bây giờ nhớ lại, tôi cũng có đôi chút vừa ngậm ngùi vừa đan xen hối hận.

Dù sao thì chương trình Tưởng Nhớ Nguyễn Văn Đông rất thành công. Chưa có chương trình nào mà vé sold out trước cả ba tuần lễ. Chưa có người nhạc sĩ nào ở lại trong nước mà nhiều người dơ tay chào kiểu quân đội khi đám tang đi qua.

Những nhân tài của VNCH rồi sẽ đi xa. Họ đang ở ngưỡng cửa ấy.

Hôm nay trời Brisbane cuối thu va hơi se lạnh. Tôi thấy lòng trĩu buồn quá thể.

Tôi nhớ đến nhà văn Văn Quang.

Giới nhạc sĩ tôi yêu mến nhạc Phạm Duy và Nguyễn Văn Đông nhất

Giới văn sĩ thì tôi yêu mến Văn Quang nhất mà sự yêu mến này rất vô duyên vì ..tôi không hoặc ít đọc “feuilleton” truyện của Văn Quang! Nhưng từ đâu quen biết nhà văn nổi tiếng này để rồi mails qua lại và tôi chỉ phỏng vấn ông khi thực hiện chương trình Câu Chuyện Âm Nhạc về Nhạc Phim Chân Trời Tím.

Hóa ra tôi yêu mến lần này không do tác phẩm mà do con người nhiều hơn. Văn Quang là người khéo léo, dễ thương. Đọc mail anh rất thích. Tôi vẫn “ngang ngược” trêu đùa các “ông kẹ văn nghệ sĩ nhớn của VNCH” vì tôi ỷ mình nhỏ tuổi hơn, mình là em gái. Chẳng hạn như tôi trêu Văn Quang vầy “Em thấy anh đã không đẹp trai lại còn nhỏ con mà sao anh đào hoa quá thế!”.

Văn Quang là người Bắc, tế nhị, ân cần. Tôi đoán có lẽ anh đào hoa là do tính nết dễ thương của anh chăng? Tôi không biết và tôi chỉ đoán. Người biết Văn Quang nhiều nhất là người vợ duy nhất có hôn thú, chị Ngọc Dung thì ngày xưa chị giận anh Quang, ly dị và đem các con đi Mỹ. Thời gian phôi pha và chị không còn hờn. Mỗi lần về VN cũng đều ghé thăm anh. Mà thôi, tại sao tôi lại phải biết Văn Quang đối xử với các phụ nữ khác thế nào mà đào hoa thế! Chỉ biết là Hoàng Lan Chi mến anh vì cái tính dễ thương. Thế thôi.

Tôi mới e-mail cho Văn Quang. Có đoạn vầy “Anh ơi, sao anh không viết trả nợ kể chuyện cho em? Anh cứ kể mọi thứ thâm cung bí sử cho em nghe đi mà. Rồi sau này khi anh đi xa, em mới dùng. Anh đã hứa với em rồi đó nhé: Nếu có thế giới bên kia thật, anh phải về báo mộng cho em biết, phải nhéo tai trái em cho em hay đó nhe.”

Thế đấy, giữa tôi và Văn Quang: chúng tôi không hề ngại ngùng gì khi nói đến “ngày ấy”. Chúng tôi xem “ngày ấy” là ngày bình thường, chả có gì là “cấm kị”. Chỉ là chuyến tàu, anh trước tôi sau.

Văn Quang là người may mắn. Hai tác phẩm được dựng thành phim: Chân Trời Tím và Tiếng Hát Học Trò. Ở tuổi gần 90 mà anh vẫn minh mẫn, vẫn gõ mail được bình thường. Nhưng tôi không cho anh gõ nữa. Tôi sẽ nhờ người đem đến máy ghi âm nhỏ để anh kể chuyện, trả nợ cho cô em Hoàng Lan Chi rồi tôi sẽ thuê người gõ lại. Tôi nỡ lòng nào bắt ông anh mình hạc xương mai phải ngồi computer gõ chỉ để chiều cô em gái này

Rồi những người tôi yêu mến lần lượt sẽ đi xa.

Ôi, bèo hợp để rồi tan. Người gần để ly biệt.

Nếu có kiếp sau, tôi vẫn mong gặp lại Phạm Duy, Nguyễn Văn Đông, Văn Quang và cả vài cậu em “Tinh Thần Hào Kiệt”! Họ là người có tài. Một số họ là người yêu nước. Một số cũng yêu nước theo kiểu của họ nên mới có những tác phẩm để đời về tình ca quê hương.

Hoàng Lan Chi

5/2018

***************

Hạt sương khuya Thế hệ trước đã đi gần hết. Thế hệ chị rồi cũng qua. Thế hệ em thì " chơi vơi". Thế hệ con chúng ta rồi sẽ ra sao? Cái còn lại chỉ là hình ảnh và âm thanh để giữ gìn. Nhưng rồi cũng sẽ mai một nếu không biết gìn vàng giữ ngọc. Hải ngoại tốn kém tài chánh cho việc "đấu tranh" không ít. Nhưng ít ai nghĩ đến chuyện đầu tư cho những khoản giữ gìn và phát triển Văn Hóa Việt, dựa trên nền tảng cũ mà phát huy sao cho phù hợp với thời đại. Em thấy Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy có tư tưởng này. Tiếc là ông đi quá sớm. Những người theo ông đều không hơn " Thầy".

LanChi Hoang Con đường tranh đấu: ai cũng có bổn phận đóng góp tùy khả năng. Vì suy nghĩ có "nước" là có tất cả nên hải ngoại đã phải "nặng" về đấu tranh chính trị.
Thứ đến, cũng phải thông cảm. Xứ lạ, khác biệt ngôn ngữ, phong thổ, văn hóa, thế hệ Một vừa phải thích nghi, rồi tồn tại, rồi nuôi dưỡng con cái, rồi be bờ đắp lũy cho một thành trì mới để ngày nay cờ vàng tung bay khắp thế giới tượng trưng cho tự do-dân chủ.
Việc gìn vàng giữ ngọc về phương diện văn hóa bao gồm văn chương, âm nhạc sẽ phải do những người " Saigon Muôn Năm Cũ" ý thức và tự gìn giữ.
TT Thúy Nga vừa hành nghề kiếm sống vừa đóng góp trong việc gìn giữ âm nhạc VNCH. Sự thắng thế bolero VNCH trong nước là một minh chứng hùng hồn cho thấy nền văn hóa nhân bản bao giờ cũng được chọn lựa bởi người dân. Giới trẻ trong nước được nhìn,thấy, nghe những áng văn chương, những tác phẩm âm nhạc đẹp đẽ và chứng kiến một Hoa Kỳ tự do dân chủ: tự khắc họ sẽ hiểu để có được như thế thì nhiệm vụ của họ phải là lật đổ chế độ CS độc tài, phi dân chủ. Họ sẽ hiểu có như thế họ mới được thở, được sống trong tự do, được quyền làm chủ cuộc đời và đất nước của họ. Họ không phải vào đảng, họ không phải hồi hộp vì những đợt thanh trừng nội bộ rất đẫm máu của giới cs. Họ, cho dù trong cuộc đời hiện tại có thể chưa được nhưng họ cũng ý thức được là đời con cháu của họ sẽ được nếu như họ làm cách mạng. ( thế mà có những ông cao niên lý luận là bolero ru ngủ dân chúng trong nước. Mẹ ơi, thật là rất muốn chửi thề! Thời buổi bây giờ, thế kỷ 21, kỹ thuật thế, khoa học thế, internet toàn cầu thế, vùng thôn quê cũng vi vút net, cell phone, nghe sóng hải ngoại mà các cụ ông này ngỡ như là một VN của thời 1960 hay 1970!!!)

Thanh Thảo Ai rồi cũng ra đi hết cô ạ . Vô thường là đệnh mệnh . Nhưng ra đi để lại hương hoa cho đời mới là quý phải không cô . Cháu cám ơn bài của cô rất hay .

LanChi Hoang Ai cũng có một cuộc đời để sống. Sống sao cho hữu ích là chọn lựa cá nhân. Còn hạnh phúc thì đôi khi , có lẽ còn tùy số mạng. Dù là một giáo viên bình thường nhưng tận tâm thì những lứa học trò được đào tạo: cũng là sống hữu ích.
Các văn nghệ sĩ danh tiếng thì có lợi điểm là thuộc phạm vi văn học nên tác phẩm của họ được lưu truyền.
Rồi mai này khi chú Văn Quang đi xa: cô cũng không được gặp. Như Nguyễn Văn Đông: cũng không hề gặp bao giờ.
Có những cách xa khó nối cũng chỉ vì bên này, bên kia bờ đại dương và một người không thể đi còn một người thì không thể về. Cô giận hết cả hai: Nguyễn Văn Đông và Văn Quang vì họ đã "không ráng mà đi" khi còn sức khỏe. Giờ thì Văn Quang yếu lắm. Ông không dám đi xa trong nước đừng nói gì ngồi máy bay. Ông cũng nghỉ viết có lẽ hơn năm.

Trang Nguyen Thích lắm bài viết của Lan Chi, người nối kết những Tài năng Nguyễn Văn Đông và Văn Quang

This entry was posted in Âm Nhạc-Truyền Hình, Tạp Ghi. Bookmark the permalink.