Ngày Giỗ- May 31, 2018

Copy từ Facebook

NGÀY GIỖ

LANCHI HOANG·TUESDAY, MAY 29, 2018

Tôi đang xem phim Đại Hàn “Eva Nổi Giận”. Người phụ nữ này giống phụ nữ thời xưa. Họ kết hôn khi hàn vi. Chị, một tay chăm sóc bố mẹ chồng, làm giỗ. Rồi nhờ may mắn, người chồng phất, giàu có. Nhiều lần lừa dối vợ và cuối cùng chính người vợ đòi ly hôn. Ngày ly hôn, chị xếp hình cha mẹ, ông bà chồng trên giường, khóc “Ông bà, bố mẹ ơi, từ nay con không còn là vợ anh Jun nữa. Làm giỗ cho bố mẹ sẽ là người vợ mới của anh”.

Tôi mũi lòng khi xem đến đấy.

Tôi nhớ lại “nếp nhà” của gia đình lớn của tôi.

Ngày xưa, mỗi lần tết, vào mùng Một, tất cả mọi người phải đến nhà Bác Cả vì bà nội tôi ở đó để chúc Tết bà. Ngày Ba, hóa vàng, tất cả mọi người cũng phải đến.

Thuở mới di cư vào Nam, lũ chúng tôi còn bé nên chỉ tụ tập chơi đùa. Việc làm giỗ ở trong tay con dâu lớn tức bác dâu của tôi, con dâu thứ (mẹ tôi) và các cô con gái. Hai cô dâu nhỏ kia của bà nội tôi thì ở ngoài Bắc.

Tôi có viết một bài tạp ghi nói về bà nội. Trong đó, tôi nhớ tôi kể rằng bà tôi là người rất thông minh (và có lẽ con gái họ Đinh chúng tôi, nếu đa số thông minh thì chắc là giống bà chứ không phải giống ông), nghiêm nhưng khá công bằng. Bà vẫn quý mẹ tôi mà tôi trêu rằng cái nữ công gia chánh của cô con dâu thứ này, thua xa bác dâu tôi! Tôi cho rằng bà nội vẫn quý mẹ tôi vì mẹ tôi có học và khá thông minh, biết xử sự.

Bác dâu tôi hiền lắm nhưng bác ra đi sớm. Mọi gánh nặng giỗ chạp trao lại cho mẹ tôi và các chị con bác tôi. Trong các chị thì có bà cỡ tuổi tôi, rất thông minh, học giỏi nhưng nếu nói nữ công gia chánh thì không bằng hai người chị ruột kia. Hai bà kia, giờ này vẫn gia chánh một cây “xanh dờn”.

Năm 1982, các anh chị họ của tôi, con bác Cả, lần lượt vượt biên.

1985, bác Cả tôi đi chính thức.

Giỗ chạp trao lại mẹ tôi.

Đúng là cái bà già cũng đẹp, cũng thông minh nhưng nữ công không giỏi là mẹ tôi, lúc nào cũng hên vì không phải gánh vác giỗ chạp nặng nề “mình ên”. Bác tôi đi Mỹ thì lại có tôi đang ở nhà bác. Do đó, mọi giỗ chạp thì trút lên đầu tôi. Tôi phải đem bát đĩa ra rửa từ hôm trước. Tôi phải mua nếp, đậu xanh và ngâm từ đêm trước. Tôi phải làm nhiều thứ vì lúc ấy mẹ tôi đang bận bán cà phê. Con dâu gì mà đến 10 giờ mới “bò” lên. Thế mà bà nội tôi ở suối vàng không quở mẹ tôi chắc vì đã có tôi thế thân!

Tôi còn nhớ, một lần, mẹ tôi đã không lên lúc 10 giờ mà biệt phái “cu Cường”, cháu của mẹ tôi (bố Cường là em ruột mẹ tôi) lên phụ tôi làm giỗ vì Cường lúc đó đang ở trọ nhà mẹ tôi để học đại học! Mẹ ơi, tôi biệt phái lại cho cu Cường trông bé Ly, con gái tôi, năm đó chưa đầy năm và tôi thì ỳ ạch làm giỗ.

Vài cô em họ đến muộn, cũng cúng và ăn rồi về. Mọi bát đĩa cứ hàng hàng lớp lớp thuộc nghĩa vụ cao cả của “mụ Giao Tồ” (họ hàng gọi tôi như thế).

Tôi cũng nhớ, khoảng 1987, tôi bỏ hai chỉ vàng làm bàn thờ Tổ rất đẹp, để ngay giữa phòng khách, cho bọn công an Phường bớt dòm ngó. Chúng thèm thuồng căn nhà lớn của bác tôi để lại mà! Sau này, bác tôi từ Mỹ về, không biết cụ nghĩ gì mà lại bỏ đi, dời bàn thờ lên lầu trên.

Làm giỗ. Một nét văn hóa đẹp của Việt Nam . Chúng ta trân trọng người chết nhiều hơn người sống. Xưa, chúng ta không biết đến sinh nhật nhưng ngày giỗ thì không được quên. Tây Phương thì ngược lại với chúng ta.

Tết Thanh Minh, Tháng Ba, tảo mộ. Tết ta: cũng tảo mộ.

Tôi là người xưa, rất hoài cổ dù vẻ bề ngoài có khi khiến người khác ngộ nhận.

Khi các con hay các em ở nước ngoài về, tôi luôn bắt đi thăm mộ mọi người khi về và cả khi ra đi lại.

Khi cả họ hàng đi hết, tôi không còn phải làm giỗ nữa. Còn ai đâu mà đến dự. Chỉ còn trái cây cúng. Sau này, tôi cũng đi thì các bác, cô tôi gửi tiền về và cậu em họ thuê chùa (nơi để cốt ông bà) cúng.

Cái không khí của ngày giỗ có cái gì đó rất thiêng liêng. Sau này ở California, gia đình anh họ, con bác Cả vẫn làm giỗ. Tôi cũng đến. Cũng phụ nấu nướng và luôn dành việc rửa chén.

Ngày xưa, các bà cô tôi sì sụp khấn rất lâu. Mấy bà chị họ bây giờ cũng vậy. Không biết họ khấn gì mà lâu thế nhỉ. Tôi thì khấn rất lẹ. Không xin thì thôi, xin ba điều cho đáng thì khấn phải lẹ chứ sao! Ví dụ xin trúng số độc đắc thật lớn: là xin cũng lẹ vậy. Xin cho khỏe mạnh, thông minh, sáng suốt: cũng lẹ vậy. Xin cho toàn thể họ hàng được bình an: cũng lẹ vậy. Có nhiêu đó không lẹ sao được phải không. Còn Phật thì cứ cầu quốc thái dân an, VN được tự do, độc lập: có gì phải sì sụp lâu cơ chứ.

Hôm nay Phật Đản. Tôi làm ba ổ khuôn hoa xôi.

Tôi buồn buồn nhớ đến ngày cũ. Ngày của đại gia đình với “làm giỗ”.

Chỉ buồn buồn thôi. Còn thì cuộc sống luôn phải “move on”. Tôi là người ưa high tech mà. Nếu ưa high tech thì cũng chấp nhận được cả “những nếp mới, chả giống ai” đúng không?

Về một phương diện nào đó, xem ra tôi “ngộ” được nhiều thứ đấy chứ, ông bạn già ma sơ của tôi?

Hoàng Lan Chi

5/2018

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.