Nếp Nhà Gia Long -July 11, 2018

Trích LanChiYesterday-Những vụn vặt đời sống quanh tôi

Nếp Nhà Gia Long

Trước 75, một số trường trung học công lập nổi tiếng là Trưng Vương, Gia Long (nữ), Chu Văn An và Petrus Ký (Nam). “Nhỏ” hơn là một số trường: Lê Văn Duyệt, Nguyễn Trãi… Các trường trên nổi tiếng là vì thi tuyển rất khó. Có nghĩa là một thí sinh phải chọi với nhiều ngàn người. Thành phần giáo sư cũng là những vị giỏi. Do đó, tỷ lệ thi đậu cao, đậu nhiều trong các kỳ tú tài, đều rơi vào các trường danh tiếng.

Gia Long là nơi có nhiều nữ sinh đậu tú tài tối ưu, ưu, bình và sau đó là những nhân tài đóng góp cho đất nước. (Tất nhiên, Gia Long cũng giống như các nơi khác, thành phần quốc gia là đông nhất và cũng có những kẻ nằm vùng cho cs). Ở đây tôi không nói về phương diện chính trị mà chỉ muốn kể lại cho các em nhỏ học GLMK hay cả người trẻ bây giờ trong nước biết đôi chút về ngôi trường của chúng tôi mà tôi gọi đó là “nếp nhà của Gia Long”.

Gia Long, ngoài thành tích về học vấn, còn là ngôi trường nổi tiếng với kỷ luật khá nghiêm khắc. Các bà Tổng Giám Thị, Giám Thị rất “hắc ám” và bị “lũ ranh” nghịch ngợm đặt đủ thứ tên.

Chị nào bị giám thị “nhìn” ra là có thoa phấn: bị bắt rửa mặt tại chỗ.

Chị nào đánh tóc cao phồng: bị bắt gội đầu tại chỗ

Chị nào mặc áo chít quá eo hay hở eo nhiều quá: bị nhắc nhở

Có thời anh trai phải đậu xe khá xa nếu đón em gái vì nhà trường ngăn ngừa việc “bồ bịch” đón nhau.

Kỷ luật Gia Long khá nghiêm minh. Số nữ sinh nghịch ngợm, phá thầy cô rất ít.

Tôi còn nhớ một hình ảnh cảm động: ở hải ngoại, trong một dịp gặp gỡ nhau, cô học trò tóc đã bạc quỳ trước thầy dạy cũ, tóc cũng trắng phau, thú tội “Thầy ơi, con xin lỗi thầy vì ngày xưa con là đứa đã bỏ mắt mèo vào ghế thầy”!

Tôi không nhớ chính xác lắm nhưng dường như Hội Ái Hữu CNSGL Châu Âu là hội đầu tiên đề nghị các Hội AHCNSGL hải ngoại nên có Đại Hội GL Thế Giới mỗi hai năm để thầy trò gặp nhau. Đến nay đã được tám kỳ. Kỳ sắp tới là kỳ 9. Thường thì cuối đại hội sẽ bầu xem hội nào sẽ tổ chức cho kỳ tới. Khi bầu xong, hội đương kim tổ chức sẽ trao “cờ luân lưu” cho hội sẽ tổ chức. Nhìn hình ảnh này rất cảm động vì nó gợi nhớ đến những sinh hoạt cũ của chúng tôi ngày xưa.

Tại Đại Hội Thế Giới, chương trình văn nghệ có đầy đủ các màn của tất cả các hội thành viên. Đặc san cũng thế. Coi như đó là sản phẩm chung và có khi nhận của cả người ngoài nếu người đó viết về trường.

Mở ngoặc: Khoảng 2009 gì đó, LS Tiến (Virginia) khi biết sẽ phụ trách về báo chí cho kỳ ĐH Thế Giới kỳ tới của Chu Văn An thì ông đã mail cho tôi và “đặt hàng” (có năn nỉ nữa!) rất sớm. Lý do: Hoàng Lan Chi là người Gia Long nhưng rất có cảm tình với dân Chu Văn An và hay viết về họ. (không có gì khó hiểu đâu. Hoàng Lan Chi học Gia Long nhưng là Bắc Kỳ chín nút và thường có bạn trai Chu Văn An nhiều hơn Petrus ký vào thuở sinh viên!). Năm ấy, Hoàng Lan Chi viết “Những người tình Chu Văn An” cho đặc san thế giới của CVA. Trước đó, một dân CVA, Pat Lâm cũng “chôm” vài câu thơ trong một bài tùy bút của Hoàng Lan Chi và phổ nhạc. Bài “Người Tình Chu Văn An” của Pat Lâm phổ thơ Gia Long Hoàng Lan Chi và tự hát ở youtube này:

Không biết từ lúc nào, chị em Gia Long chúng tôi hay gọi nhau là tỷ muội. Đó là tiếng gọi ám chỉ những người đồng môn trong võ nghệ. Có lẽ ngày xưa, chúng tôi thấy mình là “đồng môn” Gia Long và gọi nhau tỷ muội có vẻ hay hay, dễ thương và rõ nét hơn là gọi nhau “chị/em” chăng?

Tôi vẫn viết vầy: ai cũng chịu ảnh hưởng của ba nền giáo dục: gia đình là sớm nhất, căn bản nhất, nhiều nhất; tiếp đó là học đường vì học 5 năm tiểu học với 7 năm trung học: chúng tôi vẫn phải học Công Dân Giáo Dục; tiếp đó là xã hội khi ra đời. Vì thế, hiển nhiên là một người có giáo dục gia đình cẩn thận, có giáo dục học đường nghiêm khắc thì sau này khi ra xã hội, họ đã như tờ giấy đã được viết chữ đẹp lên đó rồi và những “nếp xấu” của xã hội, có thể sẽ tác động rất ít lên họ.

Đa số nữ sinh Gia Long luôn tự hào khi nói về quá khứ học Gia Long của mình. Các anh chị Trưng Vương, Chu Văn An hay Petrus Ký cũng thế thôi. Riêng Gia Long chúng tôi lại còn có vẻ, nhớ là có vẻ nhé (cười) tự hào về “nếp nhà của Gia Long” nữa cơ.

Nếp nhà của Gia Long” là tinh thần tôn sư trọng đạo, là sự đùm bọc, là thứ tự trên dưới, chị nói em vâng. Không có vụ ăn nói lỗ mãng, hỗn hào, láo lếu. Đó là tôi nói về đa số chứ không nói tất cả nhé. (vì cũng có vài Gia Long lạc loài, ăn nói bặm trợn, hỗn hào, láo xược khi tranh luận với tỷ tỷ)

Một tượng trưng cho “nếp nhà Gia Long” là cựu Hội Trưởng Nam CA: GL Ngọc Long.

Ngọc Long là người tổ chức ĐH GL Thế giới nhiều năm trước rất thành công: lời 15.000 MK và đã về VN biếu thầy cô khá nhiều.

Tôi chỉ mới biết NL vào 2014. Qua mail, lúc nào em cũng lễ phép, dịu dàng. “Tỷ tỷ Hoàng Lan Chi” nói gì: em cũng vâng dạ. Cung cách của em đã khiến GL Lê Ngọc Túy Hương ( Đức Quốc) viết mail chung vầy “Muội rất cảm động khi thấy trong nhóm nhỏ GL này, tình chị em GL được thể hiện và nếp GL vẫn như xưa dù chúng ta nay đã già: chị bảo em vâng”. Liên quan đến việc chung, tôi mail dặn gì, Ngọc Long cũng “Dạ tỷ tỷ, em xin nghe”.

Mới năm kia, tôi mail hỏi thăm tình trạng gia đình thì đầu thư, Ngọc Long viết vầy “Tỷ đã hỏi thì em xin thưa. Em mới tái giá tỷ ạ”.

Ngay cả đương kim hội trưởng Montreal, BS Cấn Thị Bích Ngọc, người tổ chức Gia Long Thế Giới kỳ 8 vừa qua, học Gia Long có vài năm, sau 75 vài tháng thì vượt biên (nên xem như BN không hề học giáo dục của cs ngày nào) : cũng rất ngoan như thế. Viết mail cho tôi thì luôn “Tỷ ơi, em ngưỡng mộ tỷ tỷ lắm qua các bài tỷ viết” (Bích Ngọc là tiểu muội và cũng là chiến hữu của tôi). Khi làm đặc san GL Thế giới, gặp bài nào hơi “kỳ kỳ” là Bích Ngọc chuyển cho tôi để nhờ tôi thẩm định. Lý do: Bích Ngọc hiểu tôi có lập trường rõ rệt và là người viết khá nhiều nên sẽ hiểu được để lược những đoạn “nhạy cảm” trong bài viết. (Những đoạn này có thể làm Gia Long bị người ngoài “đánh” vì sơ suất)

Tôi yêu quý các tiểu muội Gia Long của tôi. Các muội rất ngoan dù tóc đã bạc, đã là bà nội/bà ngoại cả nhưng các muội vẫn giữ “nếp nhà của Gia Long” là tôn sư trọng đạo, kính chị nhường em.

Khoe nếp nhà: không phải là điều xấu đâu nhé. Khoe như thế để mọi người biết mà chọn trường cho con học và chọn dâu cho con trai (cười). Chọn dâu cho cháu trai cũng nên chọn cháu Gia Long nhé!

Hoàng Lan Chi

Tỷ Thúy Điệp-Thúy Hạnh-Hoàng Lan Chi –Hội Trưởng Montreal Bích Ngọc

Cựu Hội Trưởng Nam CA, Ngọc Long, Kim Dung- ( gặp Bích Ngọc tại Nam CA 2014)

BÀI LIÊN QUAN:

Nhạc Nguyễn Văn Đông -Cô NữSinh Gia Long -Diệu Thanh và Chế Linh ca

Chút tâm tình về Đại Hội Gia Long Thế Giới tại San Jose 2011

Gia Long ngày ấy

Trường Xưa Thầy Cũ

Báo Xuân ngày xưa và Em gái Gia Long -Kỷ niệm Sài Gòn cũ-Sep 201 6

§ Gs Phạm Thị Nhung- Diễn văn tại ĐHTG 2013-Vinh danh trường G ia Long

§ Hoa Mai Vàng Gia Long

Danh Sách Hoa Mai Vàng Gia Long

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.