Một
-Làm xong thủ tục thì gọi về nhà nhé?
-Vâng
Nàng mỉm cười với chú rồi xách va ly vào phi trường. Ông chú lúc nào cũng xem nàng như còn nhỏ dại.
Phi trường sáng nay không đông lắm. Hàng ngày có bao chuyến bay nội địa từ đây. Để phòng ngừa trục trăc , nàng đã đến sớm. Cầm giấy và đến trước gate …, nàng ngồi vào ghế chờ. Sực nhớ đến lời chú dặn, nàng đi lại quầy điện thoại. Khỉ nỡm thật, không bao giờ nàng thèm nhớ đến tiền cắc của Mỹ. Đi shopping, chuyên môn nhờ người thân hay nhân viên siêu thị đếm dùm tiền cắc. Nhìn quanh. Một người đàn ông mang sắc phục sân bay. Nàng mỉm cuời nói yêu cầu và xoè nắm tiền cắc trong tay. Ông ta đếm và tự tay bỏ vào ô của điện thoại
– Alo ? chú ạ ? cháu làm xong thủ tục rồi. Cháu sẽ bay một giờ nữa. Khi nào đến Portland , cháu sẽ gọi về cho cô chú .
Ngồi trên ghế đợi, nàng lơ đãng nhìn qua khung cửa. Mây trời xanh ngắt. Mầu trời và mầu nuớc biển, cái gì làm nàng ưa thích hơn ?
Không biết. Nhớ ngày xưa, nàng yêu hải quân vì mầu áo trắng tinh khôi , vì những bài hát nói về hoa biển. Nàng cũng yêu cả không quân vì bộ đồ bay trông thật lãng mạn và những đám mây bồng bềnh như những vồng hoa cải ..
Trăm ngàn con sóng
Tới tấp hôn bờ
Làm sao biết được Sóng nào ngây thơ
( quên tên tác giả) ….
Mấy câu thơ nhỏ dễ thương. Nàng thích. Ừ trăm ngàn con sóng đang tới tấp hôn bờ, con sóng nào là ngây thơ ?
Nhưng anh sẽ vẫn nhận ra em , người đàn bà ngây thơ của anh dù đã hai chục năm trôi qua ..
Nàng mỉm cười khi nhớ lại lời khẳng định của chàng. Làm sao anh biết được? Bí mật ! Chàng đã nói thế. Ừ thì để xem anh chàng bẻm mép làm gì để nhận ra người đàn bà ngây thơ!
Bay.
Bềnh bồng. Nàng nhìn xa xa. Chiếc cầu vĩ đại từ San Francisco trông thật đẹp. Chỉ mất hơn giờ để nàng bay từ San Jose đến Portland.
Vừa chui ra khỏi đuờng hầm, nàng đã nghe gọi :
-Chị !
Nàng mỉm cười :
-Chào cưng. May há. Em đợi lâu không ?
-Có chút xíu hà. Ông xã em ?
Nàng mỉm cười với anh chàng Mỹ cao kều :
-Hello, Kevin. Biết nói tiếng Việt không ?
Kevin nhe răng cười. Cô em họ liến thoắng:
– Em vừa ra thì Kevin đòi đi cùng. Bây giờ em đưa chị về nhà . Chỉ có Thắng thôi vì mẹ em làm ca từ trưa đến nửa đêm.
Đường phố Portland có vẻ êm đềm hơn San Jose. Hai bên đuờng , thông trùng điệp.. Nhỏ em giải thích
– Chị xem, xe hơi ở đây có biểu tượng của Portland là cây thông ..
Ừ đúng vậy. Cô em lại chỉ:
– Núi tuyết kìa chị? giờ này ở Portland chưa rơi tuyết đâu nhưng trên Núi tuyết thì có. Tụi em sẽ đưa chị lên đó cho biết thế nào là tuyết nhé ?
– Ok
Căn nhà nhỏ xinh. Hoa hồng thật to truớc hiên nhà. Bên Mỹ hoa hồng to quá. Cả hoa quỳnh cũng vậy ! nàng chưa nhìn thấy hoa quỳnh nhưng mấy năm trước, người bạn già đã chụp hình những đoá quỳnh ỡ Mỹ, to và mầu đỏ về VN cho nàng. Từ khi sang Mỹ, nàng đã thấy hoa hồng. To quá. Nàng chẳng thích. Nàng thích những bông hồng BB vừa phải. Nàng thích những bông tuờng vi , rất giống hoa hồng mà nho nhỏ xinh xinh bên bờ dậu ..
Từ thuở bé, nàng đã yêu những hình ảnh dân dã . Ao sen, dậu trúc, hòn non bộ, hàng rào tường vi , dâm bụt, chõng tre, bụi chuối .. Nàng không thích những cái hào nhoáng đồ sộ của thành thị. Nàng chỉ thích cái tiện nghi của nó thôi !
Hai
-Hellô ?
-Ủa, chị Lan hả?
-Ừ .
– Sao chị lại nghe phone?
– Thì đang ở nhà một mình?
– Trời đất, mọi người đâu?
– Nhỏ Thuý đi làm. Thanh biến đâu rồi đó. Tú cũng đi làm chưa về. Mợ đi làm nửa đêm mới về..
– Trời ! Nè, bố nói khi về lại San Jose thì chị làm thủ tục qua Canada nghe ?
– Chưa biết. Để xem đã . ..
Trời Portland buổi chiều cũng buồn như chiều Saigon. Thì ra ở đâu cũng vậy. Lòng buồn, cảnh có vui đâu bao giờ . Ở Saigon , nàng cũng chỉ có một mình. Và buồn chất ngất.
Từ hôm qua Mỹ, gia đình từ Canada gọi sang thuờng xuyên . Thì chỉ mất 5 đồng mà gọi cả giờ. Còn khi nàng ở VN, gia đình chỉ gọi khi có việc gấp hay dịp tết. Bây giờ bố múôn nàng qua Canada. Nàng cảm thấy lưỡng lự. Nàng chỉ múôn cha mẹ về VN và nàng đưa hai ông bà về Bắc một chuyến. Ai cũng có một nơi -gọi là chôn nhau cắt rún -để thương để nhớ một đời.. Họ hàng trong đại gia đình đa phân đã về Bắc. Nàng biết , ai cũng hoài vọng tuổi thơ và những kỷ niệm của thời niên thiếu luôn ăn sâu tâm tuởng.. Nàng không múôn qua Canada bây giờ là vì múôn cha mẹ về VN để ra Bắc một chuyến rồi sau này có đi một chuyến dài cũng không tiếc nuối..Quê hương là quê hương. Hãy gạt qua những cái mình không vừa ý về thể chế chính trị .. . Chỉ để tìm lại cảnh cũ ngày thơ..
-Reeng
-Hello ?
-Xin lỗi đây có phải nhà bà Bạch không ạ ?
-Vâng, ông tìm ai ạ ?
– Tôi …vô phép hỏi..có cô Phượng Lan đến đó chưa ạ ?
Nàng bật cười :
– Tôi cũng xin ….. vô phép báo là cô Phượng Lan đang nghe phone đấy ạ ?
– Trời ? Em đấy ư ? sao giọng em nghe khác khi anh gọi về Saigon ?
– Thì qua đây ăn đồ Mỹ, giọng em có ..Mỹ hơn ??? !! !
– Em khoẻ không?
– Chưa bao giờ khoẻ như thế!
– Em có vui không?
– Chưa bao giờ vui như thế?
Nàng nghe tiếng chàng cười ròn :
– Ok, em vui và khoẻ là được rồi. Sáng mai 9 giờ anh đến đón em nhé ?
– Không được đâu. Em phải ở nhà với mợ. Mợ em làm đến nửa đêm mới về. Em phải chơi với mợ cơ. Chiều đi ?
– OK, 2 giờ chiều nhé?
Nàng nhìn qua cửa kính. Cây lê trước nhà đang trĩu quả. Mợ đã gọi phone cho nàng khi nàng ở San Jose :
– Lan ơi, mợ không hái để nguyên lê cho cháu đây. Hồng cũng đang đẹp quá. Qua mau nhé .
Nàng cảm thấy ấm áp ngay từ khi đặt chân đến Mỹ. Có nhiều người đã nói về xã hội Mỹ với tình cảm Mỹ .. Nào là chỉ gặp nhau vào bữa cơm cuối tuần. Nào tất bật tối tăm với công việc.. Nào con cái không như ở VN ..
Nhưng khi vừa đến Mỹ nửa đêm thì sáng hôm sau, nàng đã nhận phone tới tấp từ khắp nơi. Người này báo người kia. Và ai cũng gọi chào mừng .Cả những đứa cháu hay em họ đã rời VN từ bé, nói tiếng Việt còn trọ trẹ.. Nàng cảm thấy rưng rưng. Lạy chúa , mô Phật, đại gia đình của con đã không bị văn hoá Mỹ làm biến chất nhiều. Vẫn còn đó tình họ hàng thân thiết và sự lễ phép của bọn nhỏ làm nàng kinh ngạc !
Như Portland này. Chàng năn nỉ mời nàng qua. Nàng đã cười khi ở San Jose “ Em sẽ gặp anh mà ? Không cần anh mua vé cho em đâu ?’ “ Sao vậy?” “ Mợ mua. Em có mợ ở đây mà ? “
Buổi tối nàng đi ngủ sớm sau khi xem chục trang của cuốn sách Duyên Anh và tôi của Vũ Trung Hiền. Duyên Anh ngày xưa đã làm nàng cũng như các bạn cùng lứa thích thú với những tiểu thuyết học trò giàu tình cảm, đẫm tình người .Nhưng cũng chính Duyên Anh, với những lời đồn đại về những tháng ngày trong cải tạo đã làm nàng quay quắt .. Duyên Anh hay nhắc đến tuổi thơ và ngôi trường tỉnh nhỏ. Thì ngôi truờng đó là của đại gia đình nàng. Duyên Anh cũng nhắc đến cha nàng , bác nàng . Còn các cô nàng thì : “ Duyên Anh hả ? hồi đi học, phá như quỷ “
Trong giấc ngủ đêm đầu ở Portland, nàng mơ hồ dường như mợ vào phòng và đứng cạnh giường nhìn nàng trong giây lát..
Ba
Nàng mở mắt. Dường như hơi nóng. Lạ nhỉ ? mọi người nói với nàng Portland lạnh hơn Cali mà ?
Bước sang phòng mợ. Nàng nhìn bà trong giấc ngủ. Bà đẹp hơn hồi ở VN.
Nàng có hai ông cậu. Và qua hai ông, nàng càng thấy con người ta có số rõ ràng. Ông cậu lớn đi lính mà được cưng . Bà ngoại cùng mẹ nàng và nàng đi thăm thuờng xuyên khi “chàng”học ở quân truờng..Rồi được về VL làm việc nhàn nhã. Rồi cũng chỉ đi học tập 9 tháng nhờ được gia đình vợ bảo lãnh.. Ông có nhiều tài vặt. Hát hay, đàn giỏi, làm thơ..Nói chung là văn nghệ văn gừng . Thuở bé, ông hay đưa nàng đi theo mỗi khi ông đến nhà mấy cô Trưng Vương . Cô nào cũng đẹp . Nhưng nàng quên tuốt. Chỉ nhớ nàng HT vì HT rất xinh.. Nhưng trong tập nhạc của “ chàng “ , nàng lại đọc thấy một bài, rất dễ thương, đề tặng Lan Phương .. Ông đa tình và vợ rất ghen . Biết tin HT đấy nhưng đố dám đi gặp ??? ..
Ông cậu nhỏ đi lính không ai thăm. Số vất vả hơn ông anh nhiều . Ông đã học tập 7 năm. Trong thời gian ấy, bà mợ đã nuôi ba con với bao cay đắng ngậm ngùi.. Khi vợ chồng mát mặt chút nhờ tài dạy Anh văn của ông thì ông ra đi đột ngột. Ung thư gan. Rất bất ngờ. Đám tang ông, biết bao học trò . Cũng may Mỹ chấp thuận cho vợ con ra đi dù ông đã chết ..
Bà mợ mở mắt. Nàng mỉm cười:
– Mợ ngủ thêm đi ?
– Thôi, đủ rồi. Đêm qua về, vô phòng cháu thấy cháu đang ngủ ngon..
– Sao nóng vậy mợ ?
– Sợ cháu lạnh, mợ vặn lò sưởi hơi cao .
Thế đấy. Bà vẫn nhớ nàng sợ lạnh. Trúc, Bùi Bảo Trúc, đã hỏi nàng một câu khá ….vô duyên “ sao cô không đi Mỹ hay Canada mà đến Úc? đến chi cái xứ ngược đời ấy ? “
Ngược đời ?? Với riêng nàng, Úc là một đất nước xinh đẹp, hiền hoà, ấm áp như VN mà Trúc kêu xứ ngược đời ?? Nàng chỉ thích Mỹ và Úc. Nàng không thích Canada nhất là Montreal vì sợ lạnh. Cái buốt giá của Montreal mà mọi người kể lại làm nàng sợ. Và hồ sơ do bà chị bảo lãnh đi Canada, nàng xếp xó !
Mợ nàng biết nàng sợ lạnh, đã cho nàng nếm mùi nóng của lò sưởi Portland ! nàng bật cuời khi nghĩ như vậy !
Hai mợ cháu hàn huyên cả sáng.
– Ngày mai mợ sẽ xin nghỉ đưa cháu đi Seatle . Chiều nay cháu làm gì ?
– Có anh bạn cũng ở đây. Anh ấy hứa đến chở cháu đi chơi
– Vậy thì tốt.
Buổi chiều .
Tiếng chuông nhẹ nhàng. Nàng mở cửa.
Chàng đứng đó. Dáng vẫn cao lớn như thưở nào. Nhưng nét mặt đượm phong trần. Chút chân chim cuối mày. Ô, thì thời gian !
Chàng dang tay như muốn ôm nhưng nàng né và đưa bàn tay trái :
– Em chưa tây đến độ gặp ông nào cũng sẵn sàng cho ôm đâu? !!!
Chàng phá ra cuời, nắm tay nàng siết chặt :
– Em vẫn như ngày nào ? thế kỷ 20 mà cứ vẫn khuê môn bất xuất sao? duy nhất trên đời em là người phụ nữ bắt tay đàn ông bằng tay trái ?
Nàng cười khì :
– Hổng dám đâu. Chỉ với ai đặc biệt thôi chớ bộ !
Chàng gật gù :
-Hân hạnh. Anh là người đặc biệt với em từ khi nào vậy ?
– Từ khi anh hụt suất du học và ra chiến trường !
Chàng nhún vai. Hai người lên xe. Chàng nhắc:
– Em cài dây vào !
– Biết rồi. Ở San Jose , em bị mọi người nhắc mãi rồi. Thuộc bài rồi.
– Có vẻ cay cú nhỉ ?
Nàng dài môi:
-Phải, mọi người cứ làm như tôi từ một xứ mọi rợ đến !
Chàng quay sang nhìn nàng :
– Hừm ! Em điệu còn hơn Việt kiều . Việt Kiều ăn mặc giản dị lắm. Ai nói em mọi rợ ?
– Thì em là cô ký điệu từ lâu rồi chứ bộ. Nhưng lạ cái đi đâu, em cũng nghe mọi người nói “ Ở VN qua mà sao lanh vậy ?” “ Ở VN qua mà sao trắng vậy ? “ Ở VN qua mà sao điệu vậy ?” !!!
– Tại mấy vị đó đã lâu không về VN nên tưởng tình hình như thời 80 !
-Thế còn anh ?
– Anh cũng vậy. Nhưng anh không hỏi em những câu lẩm cẩm ấy vì anh biết em lanh quá trời mà !
– Xạo ke. Thế ngày xưa ai luôn mồm chê em ngây thơ ấy nhỉ ?
– Thì ngày xưa thôi. Khi còn là sinh viên, em ngây thơ bỏ bu !
Nàng dơ tay doạ:
– Này, cấm nói bậy nhe ?
– Hì ! Xin lỗi. Tính anh hay nói bậy lắm . Em phải tập cho quen ?
– Không, anh phải tập bớt bậy khi nói chuyện với em chứ không phải ngược lại !
Chàng thở dài :
– OK, vì em là người khách phương xa nên anh chiều. Chứ không thì đừng hòng !
Nàng nhăn mặt. Chàng vẫn ngang tàng như xưa. Hồi ấy, ăn nói bạt mạng, coi trời bằng vung, là chàng !
Bốn
Vườn hồng.
Chàng tỏ vẻ tiếc “ Em qua muộn . Tháng trước có lễ hội hoa hồng. Đủ các loại hồng , đẹp lắm. Giờ thì tả tơi “.
Nhưng không sao. Nàng mê đắm nhìn thảm cỏ xanh theo triền đồi thoai thoải và tỉa cắt công phu. Nàng ngẩn ngơ nhìn cảnh đẹp như tranh vẽ. Ôi, những chiếc lá marble vàng và đỏ. Đẹp kinh khủng. Nàng loanh quanh chạy hết thảm lá này đến thảm lá kia
-Anh ơi, sáng nay mợ kể cho em nghe, khi mới sang đây, mợ giống con khùng. Đi ngoài đuờng mà thấy lá vàng bay, mợ cứ đuổi theo rồi vốc cả nắm lá tung lên ! Bây giờ thì ..
-Thì em cũng vậy !
Nàng nhoẻn cười. Ừ , nàng cũng đang chạy đuổi với lá. Nhớ ngày xưa còn bé, nàng cũng chạy đuổi với những chiếc lá của cây sao mỗi mùa gió chướng ..
Em không nghe mùa thu. Lá thu rơi xào xạc. Con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên lá vàng khô
Mấy câu thơ bây giờ thật thấm thía.
-Ở San Jose sao không có cảnh này hả anh ?
– Oregan ví như Đà Lạt . Cali như Saigon . Khí hậu Oregan lạnh hơn nên em không thấy thông bát ngàn đó sao ? và con gái Oregan cũng má hồng hơn ?
– Ừ nhỉ. Em thấy da mặt mợ đẹp ghê đi. Em còn thua. Nhưng em ..hơn mấy bà chị họ ở Los nhé. Mấy bà ấy đen hơn em nữa kìa ?
Chàng mỉm cười. Ôi đàn bà con gái ! Lúc nào cũng chăm chắm vào cái nhan sắc ! Ừ mà chàng cũng thích con gái đẹp.
-Em còn nhớ mình quen nhau khi nào không ?
-Nhiều người làm quen quá nên em không thèm nhớ ?
– Ha ha, dóc vừa thôi cô ơi . Nguời yêu của tôi đẹp gấp mười lần cô !
– Chậc chậc, với cái nhan sắc n mà anh còn không cua được em, nói chi nếu em có n+10 !
– Ái chà, lém nhỉ?
Chàng thú vị. Mấy cô gái Bắc chanh chua làm chàng thấy vui vui.
Nàng nũng nịu:
-Thế anh kể lại đi ? vì sao anh muốn làm quen em ?
Chàng cười lớn :
– Tại em con nít qúa. Lúc bấy giờ anh quen mấy cô người lớn và móng vuốt kinh lắm. Em thì ngây thơ và ngốc nghếch. Xem nào, ừ hôm ấy S nhờ anh dậy dùm vì hắn kẹt cái gì đó. Anh văn thì sure, anh dạy cái một. Chứ bắt dậy công dân thì ..anh sẽ vô ca Khoẻ vì nước kiến thiết quốc gia, đoàn thanh niên ta góp tài ba. !
Nàng phì cười. Chàng vẫn hay tếu, y như ngày xưa !
– Ngồi trong phòng Ban giảng huấn, bên dãy nam giáo sư, ngó sang nữ , anh thấy em ngộ quá đi ? Cô giáo gì mà con nít quá. Áo hồng, giày hồng và chơi luôn hai cái đuôi tóc thắt nơ hồng ! À mà cái truờng này kỳ nhỉ ? tự nhiên cho nam nữ giáo sư ngồi riêng ?
– Thì chắc Cha đề phòng mấy ông ..lộn xộn như anh qua cua mấy cô hiền như ma soeur như em vậy đó ?
– Haha, anh thì ngược lại ! Về nhà, anh hỏi S về em. Anh nói cô nhỏ đó dạy việt văn lớp 6 phải không ? hắn cười hăng hắc . – Cha nội , lầm to. Cô nhỏ đó dậy Hoá lớp 10 đấy ? – Lớp 10 ? Ai cho cô nhỏ đó dậy ?- Cha ! Nè, cô nhỏ đó là nữ giáo sư duy nhất ở đấy dậy lớp 10 nghe. Chỉ có 2 bà nữa thôi nhưng đó là bà , còn đây là Cô ! – Why ? cô nhỏ đó có bằng cấp gì mà Cha xếp lớp 10 ? đa số tớ thấy các cô nhỏ đang là sinh viên và dạy lớp 6, 7 là cùng ? – Cô nhỏ nầy mới ra trường , cử nhân rồi đó cha – Ủa, cử nhân mà nhỏ híu vậy ? còn thắt đuôi nữa chứ ?
Nàng mỉm cười. Dĩ vãng trôi về. Ừ, ngày đó ông Cha kêu trời với bà chị “ Cô nói cô Lan tí nhé. Cô giáo mà thắt đuôi làm sao dậy học trò ?’
Thế là những lần sau, nàng buộc tóc ra sau, không còn đuôi gà nhỏng nhảnh nữa.
-Nhưng sao mấy lần sau em thấy anh vẫn dạy mà ?
– Haha, vậy mới nói em ngây thơ ! Anh ra lệnh cho S ..nhường lớp đó cho anh khoảng một tháng. Mà ông Cha chơi trò gian ác thiệt ! bắt Nam nữ ngồi riêng nên anh khó làm quen em quá. Lúc nào cũng thấy em tíu tít với mấy bà, muốn nhào vô thật khó . Nhưng một lần khi em vô toilette thì ..anh đành xông đến vậy ?
Nàng lại phá ra cười. Úi chao, bọn nhỏ bây giờ không biết người lớn ngày xưa tán nhau ra sao nhỉ ? chúng có nghĩ được là mấy chàng muốn tấn công các nàng thì trầy vi tróc vẩy chứ đâu úm ba la như chúng bây giờ ???
– Anh canh khi em vừa bước ra và đứng rửa tay thì anh vờ vịt ‘ Dường như cô học KH ? “ thế là em dính chấu anh ngay !
Nàng đỏ mặt. Ừ thì ngây thơ. Anh chàng vờ vịt mà nàng tưởng thật .
Nhưng phải nói, ngày ấy, chàng -với dáng dấp cao lớn , đôi lông mày rậm và đôi mắt to đã chinh phục nàng phần nào..Nàng vẫn thích con trai cao lớn. Để đi bên cạnh, nàng có cảm giác được che chở.
– Mà anh cũng bạo quá đi ? mới làm quen hôm truớc, hôm sau đã đến ngay KH rồi ?
– Anh ngán gì ai nào ?
Chàng đã hỏi nàng đang chính thức làm ở đâu ngoài những giờ dạy tư . Cô nhỏ ngây thơ khai thiệt. Hôm sau, xế chiều, lúc nàng đang chuẩn bị ra về thì chàng đến. Nàng ngẩn người . Khi đi dạy, chàng phục sức đàng hoàng. Còn lúc này, trông chàng trẻ trung và đẹp trai quá cỡ. Riêng chàng thì nheo mắt :
– Trong cô mặc blouse, hiền từ như ma soeur !
Nàng hơi luống cuống. Nàng bảo để nàng đi thay áo. Chàng nói khỏi. Và mời nàng ra quán nước đầu bãi giữ xe. Nàng từng nghe có quán gió ở trong trường nhưng chắc khi nàng vào học, quán gió đã theo gió ngàn bay. Nàng thích quán nước này, có thể ngắm con đuờng Cộng hoà thênh thang , ngắm cả các giai nhân từ trong trường ra về ..
-Lúc anh đến làm quen, em có nghĩ là anh có bồ rồi không ?
– Có chứ ? Anh lớn quá mà ? Anh hơn em bẩy tuổi, anh đẹp trai thế kia nữa ?
– Thế em có thấy xao xuyến không ??!!!
Nàng phì cười:
– Cũng có chút xíu. Vì em mê người đẹp mà ? Nhưng em sợ anh nữa !
– Anh biết. Thấy em nói chuyện với hàng phòng thủ dầy đặc. Anh nói cái gì, cũng cười cười và tặng hai chữ xạo ke !
Nguời đàn ông quá từng trải so với nàng. Bị giam trong bốn bức tường của gia đình, nàng tự biết mình ngốc nghếch ! nếu không khéo sẽ bị dụ dỗ, tàn một đời huê ! Cách nói chuyện quá khôn ngoan, khéo léo của chàng làm nàng sợ . Con cừu non run rẩy trước con sói già !
-Nhưng vì sao có bồ rồi mà anh cứ thích tán người khác vậy ?
-Để sơ cua !
Nàng mỉm cười. Lại ngang rồi.
-Đi đâu bây giờ em ?
-Ơ ? anh là huớng dẫn mà ?
– Ok nhưng muốn hỏi ý thích của em. Em muốn vào trường đại học hay đến chùa Tầu ?
– Cả hai cơ ?
– OK .
Lại những thảm lá vàng trong sân trường đại học. Portland đang vào thu . Trường có vẻ hơi cũ nhưng khuôn viên trường làm nàng nhớ đến trường xưa
– KH bây giờ ra sao em ?
– Lâu lắm em không vào. Nhưng bây giờ họ xây cất nhiều quá. Những dãy lầu chen chúc nhau , sân trường hẹp nhiều lắm ..
– Anh khoái cái phòng em ngày xưa . Lúc em ngồi trong đó với áo blouse trắng, thấy em ngoan hiền dễ sợ ! Bây giờ ra sao ?
– Xây to đùng rồi .
Rời truờng đại học, chàng đưa nàng đến chùa Tầu. Phong cảnh dễ thương. Nghe nói họ đã đưa một số vật liệu và cả nghệ nhân từ Tàu qua . Những phiến đá lát theo một cấu trúc đặc biệt .
– Uống cà phê nhé? Có quán này hay lắm ?
– Thôi về nhà đi anh ? em sẽ pha cho anh ?
– Có phải nhà em đâu mà có cà phê ? Em mới đến hôm qua mà ?
Nàng phá ra cười :
– Anh biết không , trong hành trang….mang sang Mỹ của em có ..cà phê và cả phin ! Nhưng anh phải gọi xem Tú còn ở nhà không ? Chứ em đâu có chìa khoá ?
Tú còn nhà. Nhưng cậu nhỏ bàn giao ngay tức khắc nhà cho bà chị rồi biến.
Nàng pha cà phê . Chàng theo sau im lặng nhìn. Tóc nàng vẫn đen. Nhưng quả là thời gian không từ ai bao giờ. Cô nhỏ ngày xưa với hai đuôi gà thắt nơ hồng líu lo trong Phòng Ban giảng huấn giờ đã là thiếu phụ ..
-Mình ngồi dây nghe anh ? Em thích ngồi bàn, không thích salon đâu.
-Ừ.
Trời đã về chiều. Nàng vào phòng và lấy ra ngọn nến. Vốn sợ ma, nàng đã hỏi mấy cậu em họ nến ở đâu ngay từ hôm qua .. Nàng tắt đèn và đặt ngọn nến giữa bàn. Ánh nến lung linh huyền ảo
– Em làm anh đau tim đấy ?
Nàng cuời dòn :
– Mới có màn một thôi. Còn màn hai nữa cơ ?
Chàng mỉm cười. “ Cô nhỏ” tiến bộ gớm ? Có vẻ không còn sợ nữa ? Ngày xưa, nàng sợ chàng như sợ cọp. Sợ cái ăn nói bạt mạng của chàng, cái ngang tàng bướng bỉnh của chàng, cái từng trải của chàng..
Cà phê đã chẩy được phân nửa. Nàng bỏ phin, chế thêm nước sôi và bỏ hai thìa đuờng. Nàng đưa chàng với ánh mắt dịu dàng nhất trên đời :
– Anh uống đi ? em còn nhớ anh hai thìa mà ? Ly cà phê cuối cùng đem từ VN qua đấy nhé ?
Chàng cầm tách cà phê và cầm cả bàn tay nàng trong tay mình:
-Sao lại cuối cùng ?
– Thì em chỉ mang có bấy nhiêu. Em đã qua Mỹ hơn tháng rồi mà anh ? ngày mai em sẽ phải tập uống cà phê Mỹ thôi ?
– Ừ, thế ra hôm nay anh chia sẻ với em chút cà phê VN cuối cùng trên đất Mỹ !
Nàng rút bàn tay về và chế sữa vào tách mình.
Trời hôm ấy mười ba. Chàng còn nhớ rõ. Nàng đang buồn . Buồn như kiến cắn. Khi chàng đến tìm, nàng bảo vậy. Nàng có lối ví von lạ đời. Buồn như kiến cắn ! Hỏi sao ? Nàng nức nở :
– Em ghét Thầy Sơn. Không biết Thầy nghe đứa nào đó nói mà vô lớp, thầy la em !
– Chuyện gì ?
– Thấy không nói đích danh em nhưng thầy nói cô nào đó viết bài trên Chính Luận phê bình chứng chỉ COSA của thầy !
– Em có viết không ?
– Không. Anh biết đó, hồi sinh viên, em chỉ phê bình chứng chỉ Sinh Hoá vì ông thầy ..cưng đám duợc khoa qua học ké. Còn VLĐC thì em ca hết lời vì em quý Thầy H. Chứ em đâu có viết gì đụng đến COSA ???
– Không viết thì hơi đâu em buồn ? Ngày mai anh sẽ đến gặp thầy Sơn, nói cho biết Thầy đã la oan em .
Nàng hoảng hốt vì biết anh chàng ngang ngạnh dám làm lắm :
– Đừng, để tự em giải quyết. Anh học Bách Khoa, có phải học trò thầy đâu ?
Có lẽ vì buồn như kiến cắn mà “ cô nhỏ” đã đồng ý đi uống cà phê với chàng.
Hôm ấy cũng như đêm nay. Đối diện và một ngọn nến lung linh. Nhưng người chăm sóc là chàng. Chàng đã pha cà phê với ..bốn thìa đuờng cho nàng !
Nỗi buồn kiến cắn của nàng và đêm cà phê huyền ảo đã làm chàng bỗng dịu dàng quá đỗi. Chàng đã hát cho nàng nghe
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em
Anh đi tìm mùa xuân trên đời
Mùa đông chết đi rồi mùa xuân
Mắt em đẹp trời sao
Cho mình thương nhớ nhau ..
Chàng đã cầm tay và cô nhỏ lần đầu không rụt lại :
– Em hát đi ?
– Em hát dở lắm ?
– Giọng em trong lắm mà ?
– Ừ thì em từng làm speaker cho trường nhưng lại hát dở. Em muốn kiện thượng đế về điều này !
Chàng bật cười. Thuở ấy chàng đang lãng đãng trong tình yêu với một cô Văn khoa. Với nàng, chỉ là thích thú khi thấy ai kia ngồ ngộ.
– Sao anh bỏ Fountain Valley?
– Xô bồ quá. Anh thích cái yên tĩnh của Portland. Anh thích thông mà ? Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo ?
Nàng mỉm cười. Chàng xoay xoay tách cà phê :
– Màn hai là gì em ?
Nàng chống hai tay lên cằm. Đôi mắt nhìn chàng. Chàng nhìn vào đôi mắt nâu . Cuối cùng chàng chớp mắt thở dài:
– Anh thua rồi ! Đàn ông qua Mỹ mất giá qúa ? Nhớ ngày xưa thi nhìn thì em thua anh, bây giờ thi em thắng anh?
Nàng đứng dậy, vòng qua sau lưng ghế chàng. Chàng ngước mắt nhìn lên , ánh mắt như dò hỏi :Em làm gì đấy ?
Nàng mỉm cười. Lùa tay tung tóc Chàng. Nàng áp má vào mái tóc cứng :
– Anh còn nhớ không ?
Chàng rùng mình. Một luồng cảm giác chạy dài theo sống lưng .
Đêm mênh mông. Ngõ nhà nàng tối mịt mù. Tre xào xạc thê lương
– Đi với anh đi ?
– Đi ư ? không, em còn con .
– Anh van em mà ?
– Không anh.
Chàng đã ôm nàng vào vòng tay rắn chắc của mình rồi lại buông ra và không biết vì sao lại dụi mái tóc vào má nàng :
– Vậy thôi, anh đi .
Cuộc tình với nàng Văn khoa đã chấm dứt sau buổi tối cà phê huyền ảo với nàng chừng ba tháng. Từ lúc nào, chàng thấy thương cô nhỏ ngây thơ ? không biết nữa. Chỉ biết chàng đã cố chinh phục mà không xong. “Cô nhỏ “ sợ người đàn ông từng trải, sành sỏi và ngang tàng. Nàng không dám đánh cược cuộc đời mình vào chàng.
Tháng tư đen tối. Chàng đang ở xa. Khi về thì hay tin nàng đã lấy chồng vội vã, như một số bạn bè của nàng … Đám cưới của con gái Saigon , khi hết chiến tranh ..là đám cưới không kèn không trống, là đám cưới như cướp giật, giống như là đám cưới chạy tang !
Khi nàng ôm con về ngoại, chàng biết. Em đã không hạnh phúc, cô nhỏ ngây thơ của anh .
Chàng đã van vỉ nàng ra đi cùng. Nàng từ chối. Đêm ấy , gần muời một giờ đêm. Chàng như kẻ điên, lại đến và van vỉ.
..
– Phải chi đêm ấy em đi với anh ?
Nàng quay về chỗ mình:
– Phải chi ? cuộc đời có ngàn cái phải chi ?
Năm
-Reeeng !
Nàng nhìn vào cửa sổ điện thoại. Số của chàng. Nàng nghịch ngợm :
-Ai kiu tui đó ??? !!
Tiếng chàng cười dòn :
– Tui kiu em đó ?
Nàng vui vẻ:
– Hôm nay anh nghỉ ư ?
– Ừ, vì em mà. Hôm qua đi Seatle vui không ?
– Không đi được . Giữa đuờng mưa lớn quá. Mưa tầm tã y như ở VN. Lại quay về. Buổi chiều đi shopping. Thú vị hơn Cali. Vi sao anh biết không ?
– Vì sao ?
– Portland không có thuế. Em mua một lô đồ và sẽ đem về San Jose nhập với đồ ở đó gửi cho bé và em gái .
– Em nói gì anh không hiểu ? tại sao phải gửi đồ ?
Nàng cười lớn :
– Em từ bi mà lỵ. Hồi ở San Jose, em đi chợ trời. Đồ rẻ ghê nhe. Có 5 đồng con búp bê xinh lắm. Hộp nước hoa mấy lọ chỉ 7 đồng. Phấn son chỉ 4 hay 5 đồng, còn sơn móng tay thì một đồng …Áo thun thì cứ 10 đồng 4 cái. Em lụm môt mớ . Lên đây em lụm thêm. Em sẽ gửi quần áo Mỹ cho con gái ở Úc và cho mấy mẹ con đứa em gái đang ở Montreal. Hiểuchưa ?
– Hiểu ? Anh không nghĩ là người Việt Nam lại hào phóng mua đồ Mỹ cho người đang ở Canada ???? !!! Mà em nhanh lắm đấy ? sang Mỹ mới một tháng mà đã lê la chợ trời có vẻ thạo nhỉ ? thôi em chơi với mợ đi. Khoàng hai giờ hơn, mợ đi làm, anh sẽ đón em ?
– Ok
Nàng gác máy. Bà mợ đang làm bếp mỉm cười:
-Ai mà vui vẻ thế ? Anh bạn mà cháu nói à ?
– Vâng
– Có là đuôi không ?
– Đương nhiên rồi mợ ơi ? Không phải đuôi thì làm gì được như thế ?
Bà mợ chỉ hơn nàng sáu tuổi. Nhưng tính tình dễ thương và trẻ trung. Hồi sinh viên, từ Kontum bà gửi cho nàng xấp vải may đầm và nàng nhớ mãi.. Khi cậu đi học tập, nàng đã đến thường xuyên và chia sẻ vui buồn với gia đình bà . Nàng đã san từng chút, từng chút, cái gọi là nhu yếu phẩm mà nàng lãnh ở trường cho gia đinh bà . Nay một chút đuờng, một tí bột ngọt , một xấp vải đen .. Miếng khi đói …
Ba đứa con bà yêu quý nàng hết mực. Bố vắng nhà, chỉ có chị Lan mua bánh trung thu , sắm quần áo mới cho chúng vào dịp tết. Nàng sẵn sàng chi cho hết đồng tiền đang có, không suy tính là phải để dành phòng khi con đau ốm !
Nàng bật cười khi nghĩ trong gia đình nàng, nàng là người duy nhất luôn được nhận quà từ chị em họ hàng . Cô em họ gửi thùng quà nhỏ thì phân nửa biếu hai bác và các anh chị kia, phân nửa là phần của chị Lan.. Bà chị họ khác gửi thùng quần áo và sữa bằng tàu thuỷ ( vì không có tiền gửi phi cơ ) cho nàng năm 84 .. Bà cô mới sang Mỹ năm 90 cũng chỉ gửi cho riêng nàng, không gửi cho những đứa cháu khác.. Bà cô út thì chi toàn bộ chi phí cho nàng du lịch Mỹ ..
Nàng dành làm bếp . Nàng chê:
– Nếu cháu là mợ, cháu sẽ đặt tất cả gia vị cần thiết vào một rổ. Nêm rất nhanh và rinh đi đâu cũng được. Mợ giống bà cô cháu, cúi xuống lấy nước mắm, ngước lên lấy tí muối, quay trái lấy tỏi .. ! Dở ẹt !
Nàng nháy mắt. Bà mợ mỉm cười. Bà biết. Cô cháu lúc nào cũng thích sắp đặt mọi thứ theo khoa học. Nhưng có lẽ vì thế nàng làm việc cực nhanh.
-Thề cháu sắp xếp cuộc đời mình theo khoa học đi ? Mợ thấy nó rối beng lắm đấy ?!
Nàng quay lại mợ cười khì :
– Có lý ? ngày mai cháu đăng báo nhé? tìm một ông chồng càng già càng tốt, càng nan y càng tốt ?
– Cháu phải thêm vào : nếu có tài sản càng nhiều càng tốt !!!
Hai mợ cháu phá ra cười vui vẻ . Buổi trưa chỉ hai người phụ nữ ngồi ăn với nhau. Một người rất yêu chồng, rất hạnh phúc mà đuờng tơ đứt đoạn vì mệnh số . Một người không yêu chồng , chẳng qua sợ nhà nước gả cho một anh thuơng binh và tự tay cắt đuờng tơ ..
Buổi chiều . Nàng mở cửa ra sân. Trời lạnh quá. Lê rụng đầy sân.Thích nhìn cây trái chứ nàng cũng chẳng buồn hái lê ăn. Nàng chờ về San Jose để ăn hồng dòn. Tháng sau, hồng sẽ chín. Cô nói vậy.
Nàng mở computer. Có lẽ phải mười lăm phút nữa chàng mới đến . Nàng ngớ người khi nhìn thấy card của con gái. Click. Bông hoa hồng tuyệt đẹp và tiếng nhạc reo vui .
Mải mê chơi, nàng quên mất hôm nay sinh nhật mình. Nhắm mắt, nàng hình dung lại con. Những ngày thơ ấu, con bé xúng xính áo đầm lên hát văn nghệ . Những ngày khôn lớn, khôn lớn nhưng cũng chỉ tuổi trăng rằm, con gái trổ mã, xinh đẹp khiến nàng phải lao đao vất vả đối phó với những tên masculin thấy ghét !
Chuông cửa reo. Nàng tắt computer.
Vừa cài dây an toàn xong, nàng hoảng hốt :
– Chết, em quên chưa bấm chốt cửa bên trong.
Khi trở lại, nàng cười :
– Hôm qua mợ bị phạt 100 US vì em và vì cả thằng cha thấy ghét kia nữa ?
– ??
– Em hay ra sân ngắm hoa. Khi vào , em không nhớ chốt cửa. 10 giờ thì em, mợ và Tú lên xe đi Seatle. Giữa đuờng mưa to nên về. Vào nhà thì té ra lão H, em rể mợ đến nhà mà không chờ người ra mở cửa, bấm chuông xong là lão mở tung cửa. Chuông reo inh ỏi. Lão co giò đi mất. Cảnh sát đến. Và đây là lần thứ ba, nhà mợ bị tình trạng này nên nó phạt 100 chơi. Còn hăm he nếu tiếp tục, nó cúp không bảo vệ nữa !
Chàng cười dòn:
-Cho em biết thế nào là kỷ luật ở Mỹ nhé
Nàng bĩu môi.
-Lên núi tuyết nhé ?
-OK
Thế là nhỏ em họ không cần phải đưa nàng lên Núi tuyết .
-Kể cho anh nghe đi? Sau khi anh đi, em làm gì ?
– Vẫn ở trường.
– Chắc cuộc sống vất vả lắm ?
Nàng im lặng. Quãng đời ấy, nàng không muốn nhớ. Những ngày nuôi con một mình với nước mắt hàng đêm.. . Những ngày bụng trống và đạp xe hàng chục cây số .Những ngày đành đoạn bán từng chiếc áo dài để mua thịt cho con. Những chiếc áo dài xinh đẹp đã làm nàng nổi tiếng ở bất kỳ truờng tư nào . Có ba chiếc áo dài mà nàng ngậm ngùi mãi khi bán.
Chiếc áo hồng mà ngày xưa lần đầu chàng gặp. Hồi trẻ, nàng hợp với mầu hồng. Khi mặc áo hồng, khuôn mặt nàng sáng và rực rỡ hẳn lên.
Chiếc áo đen , ôi mầu đen là mầu nàng ghét nhất nhưng áo đen đã đem đến cho nàng vẻ quyến rũ lạ kỳ. Học trò các lớp nhỏ đã đi theo nàng thành một đuôi dài cho đến khi nàng vào phòng Giáo sư cũng vì mê mẩn áo đen của cô giáo trẻ.
Chiếc áo xanh hotess de l’air . Nàng đứng ven đuờng . Chàng phi công hào hoa đi ngang và ngẩn người trước tà áo xanh . Sau này chàng nói “ anh ngỡ em là hotess de l’air nhưng nhìn lại thì thiếu con rồng vàng. Nhưng hôm ấy em đẹp quá. Và anh đã đi theo cho đến tận KH, bỏ cả buổi hẹn với bạn “ Rồi những lá thư kể chuyện đời phi công, những món quà xinh xắn từ những vùng chàng đến.. Và rồi tin chàng tử trận .. Chàng, một cái đuôi ngày xưa của nàng ..
-Em kể anh nghe cuộc đời đi bán xôi của em nhé?
Chàng quay sang nhìn nàng trìu mến. Con đuờng lên Núi tuyết còn dài. Có lẽ đủ để nàng kể …Những ngày gian truần ..
– Hè 79, em ra quán phụ mẹ bán cà phê. Quán nhỏ mà vui . Đủ loại người . Xích lô, sinh viên, công nhân viên và cả bác sỹ .. Nhưng họ rất tôn trọng mẹ vì biết bà giáo phải ra bán cà phê do thời cuộc. Năm ấy, Nguyễn Chánh Tín đang đi bỏ mối rau cho các chợ ! Một số khách trẻ cũng thích em lắm. Em nẩy ra ý định bán xôi. Thế là em dậy sớm, đồ xôi và ngồi bán ở ngay quán cà phê của mẹ. Sinh viên có nhiều đứa ở cùng hẻm , đi ngang chào cô lễ phép và hay mua xôi dùm cô ..
– Tuởng tượng em bán xôi, anh thấy ngộ nghĩnh thật ? Lúc đó em mặc gì ?
– Anh này? đang thời kỳ đói thấy mồ, quần áo mặc toàn đồ cũ có từ trước 75. Bà chị em là Duợc sỹ, sau 75 không cho thuê bằng được nữa thì bả dạy cấp 3. Tiền lương đói quá, buổi sáng bả từ quận 1 đạp xe xuống Gia Định phụ mẹ bán cà phê . Sau này bả bán sữa đậu nành. Tiền lời sữa coi như của bả, của xôi coi như của em. Tuy vậy, mẹ vẫn bù đắp cho bả và thỉnh thoảng cho em vì lúc đó bả có 3 con, em chỉ mới một.
– Thế mẹ bán cà phê khá lắm sao ?
– Khá .Thế mới buồn cười. Đủ nuôi ba đứa nhóc và còn dư để bù cho em và chị em vì tụi em là giáo viên, nghèo rớt mồng tơi !
– Em bán xôi gì ?
– Xôi đậu xanh, đậu phọng !
– Anh thích ăn xôi xéo cơ ? Có lần đến nhà, em cho anh ăn xôi xéo anh còn nhớ mãi ?
Nàng mỉm cười. Ừ, nàng cũng thích xôi xéo . Ngày xưa, một lần chàng đến . Nàng đem xôi ra mời. –Xôi mà không có chè hả em – không, có thiếu chè thì xôi sẽ đậm đà hơn – Nàng đã “ ba trợn “ như vậy. Chàng ăn ngon lành. Anh ơi, vậy mà những tháng ngày cô giảng viên đại học ngồi lề đuờng bán xôi thì anh đang ở đâu?
-Thương em quá. Bán xôi thì phải dậy sớm lắm ?
– Ừ thì dậy từ 3g30 sáng. 5 giờ thì ra quán cà phê cùng với mẹ..
– Em bán lời khá không ?
Nàng phá ra cười :
– Em có buôn bán bao giờ mà biết ? Ban đầu còn lời về sau chẳng lời gì cả ?
– Sao vậy ?
– Thì người nhà ăn không trả tiền nhé. Khi bán cho sinh viên học trò em hay khách quen thì em ..cứ thêm một tí một tí . Mỗi gói xôi thêm một tí ..là cuối cùng dẹp tiệm !
Chàng dịu dàng cầm bàn tay nàng đưa lên môi :
-Cho anh hôn bàn tay phụ nữ Việt đảm đang của em. Tội nghiệp em tôi.
Nàng im lặng. Lao động là vinh quang. Nguời ta ra sức hô khẩu hiệu . Nàng bật cười khi nhớ một chuyện cũ.
-Em cuời gì vậy ?
– Sau 75, tụi em phải lao động. Không biết ai có sáng kiến là khoa mình ..trồng dưa hấu ! Thế là hàng tuần, tụi em, lũ giảng viên lẫn công nhân viên đều luân phiên theo xe trường xuống Thủ Đức để tuới dưa. Và kết cuộc là …khi thu hoạch , dưa chỉ bằng nắm tay ! Cả lũ trong nam bò ra cuời quá xá. Tên T mỉa mai “ Trời sinh ra ai có công việc nấy. Bắt ong thợ đẻ con sao được ?? Cho nông dân giải bài toán thì sao ra? cho lũ giảng viên đại học đi trồng dưa thì lỗ to ! “ Mà lỗ thiệt vì cả khoa phải đóng góp tiền mua giống, phân chứ bộ !!
– Nhưng em lao động bán xôi mà đừng thêm một tí thì đâu có lỗ ??
Nàng phì cười. Chàng vẫn tếu như như ngày cũ.
-Thế em bán được bao lâu ?
– Một tháng. Hết hè thì nghỉ luôn
Sáu
Núi tuyết
Nàng đứng sững nhìn cảnh vật chung quanh. Nắng vẫn chan hoà nhưng tuyết mênh mông trắng xoá. Tuyết mà từ bé nàng chỉ được nhìn qua những tấm card hay phim ảnh, bây giờ đang hiện hữu trước mặt nàng.
Căn nhà cổ phủ tuyết trên mái. Cây phủ tuyết trắng xoá. Nàng chạy đến và vốc một nắm tuyết trên tay. Vo tròn tuyết nàng ném vào chàng.
-Em có lạnh không ?
-Không ? chẳng lạnh gì cả? Mà em tưởng có tuyết thì trời không nắng ? ai dè có nắng và vẫn có tuyết ?
Chàng đưa nàng vào tham quan căn nhà gỗ cổ. Đến khu lưu niệm, nàng mua tấm card có in hình núi tuyết.
– Được nhìn thấy tuyết là em thích rồi ?
– Nhưng em chưa được nhìn thấy tuyết rơi. Khi tuyết rơi mới đẹp em ơi.
Chàng và nàng lại quay đầu xe ra về.
– Em dự định ở đây bao lâu ?
– Chưa chi em thấy nhớ nhà rồi ? Nhưng em còn phải sang Colorado . Anh chị họ ở đó nằng nặc bắt em qua. Anh chị mua vé . Mà nhỏ em vừa nói bố biểu em sang Canada kìa ?
– Em đến Los chưa ?
– Đương nhiên phải đến vì họ hàng em ở Los đông lắm.
– Em đi bằng gì ?
Nàng phá ra cười vui vẻ :
– Xe đò. Em không ngờ ở Mỹ có xe đò nhe. Ngồi trên xe, toàn dân Việt làm em tưởng như mình ngồi xe đò về lục tỉnh.
-Cái gì làm em ấn tượng nhất khi đến Mỹ ?
Nàng mím môi suy nghĩ . Rồi nhoẻn cười:
– Ở San Jose, em chẳng thấy cái gì làm em hãi cả ? (hãi ! ) Nhưng khi đến Los, ông anh chở em đi vòng vòng và bảo “ cho cô xem hệ thống free way lớn nhất Los và cũng là lớn nhất Mỹ. “ Em thấy ấn tương thiệt . Nhìn hệ thống free way ở Los thật kinh khủng.Sau nữa là Tượng Nữ Thần Tự Do .Em cũng thích Blue sky ở Las Vegas.
– Ô em có đi à ? thế em thua hay thắng?
– Thắng. Bà chị cho 5 xu. Em chơi gà mờ lắm nhưng số đỏ nên ăn được 50 US. A*n xong, em nghỉ chơi và đi shopping mua đồ. Ở đây cũng rẻ nữa
– Thế siêu thị ở Mỹ ?
– Tất nhiên là to rồi .Nhưng Pháp cũng đầu tư Siêu thị Cora ở Ngã ba Vũng Tầu theo đúng chuẩn quốc tế nên em cũng không ngỡ ngàng lắm khi vô siêu thị Mỹ. Em thích sự bày trí của hệ thống siêu thị Mỹ. Cách trang trí cũng như bố trí gian hàng ở khắp nơiđều giống nhau. Nên khi đi sang tiểu bang khác cũng không bị lạc . Em cũng thích quầy rửa hình của siêu thị Mỹ. Ở VN chưa có. Đến tiệm rửa hình phải chờ và nói yêu cầu. Ở Mỹ, cứ ghi hết yêu cầu riêng vô bao rồi hôm sau đến tự lấy. Em thích những cái gì sắp xếp theo khoa học
Chàng im lặng. Cô đơn đã khiến chàng tấp đại vào một bến bờ hoang dại. Nguời vợ có đẹp nhưng chỉ thích chưng diện, khiêu vũ . Tất nhiên với týp phụ nữ này thì việc nhà rối tung và làm việc thì lôi thôi. Chàng nhớ ngày xưa khi đến phòng nàng ở KH, xem những gì nàng làm …Nàng hay ríu rít :
– Em quản lý theo mầu. Cứ nhìn mầu là lấy rất nhanh.
– Em phải soạn bài theo nhiều sách chứ.Nhưng em tóm tắt vào tờ giấy nhỏ. Đi dạy, em chỉ cầm theo tờ đó còn thì em thuộc hết cả rồi. Cuối giờ , em tóm lại bài. Đầu giờ, em ôn sơ bài kỳ trước. Do vậy, học trò em mau thuộc bài lắm..Em thích lối làm việc khoa học cuả Tây phương. Em ghét cái kiểu lề mề, luộm thuộm của dân VN..
Nàng tần ngần:
-Sao anh im vậy?
-Chẳng có gì? Anh nhớ lại chị ấy. Rất đẹp. Hát hay. Nhưng không khoa học như em !
Nàng phá ra cười:
– Anh so sánh kiểu gì vậy ?
Chàng nheo mắt :
– Anh không nịnh em đâu.Nhưng đúng là khi anh về nhà thì ..đó không phải là mái ấm gia đình mà là đống rác.Nguời thì không ở chung với rác nên ..
– Anh bị đá đít chứ gì ?
– Không . Hai người cùng đá nhau.
Nàng tò mò:
– Rồi sau đó ?
– Anh chán mọi thứ. Thích lãng du. Nên anh đi lang thang.. Có khi vài năm sau anh move sang Colorado không chừng . Anh ở Portland này đã gần năm năm rồi ..
– Ừ, anh qua đó kết bạn với anh rể của em đi ? very nice nhe.
– Không. Tên nào mà em khen very nice thì có nghĩa tên đó …là địch thủ của anh !
Nàng phá ra cuời lần nữa. Ngày xưa chàng cũng từng tuyên bố như vậy. Thằng nào dễ thương của em là dễ ghét của anh. Chẳng thay đổi gì cả. Vẫn ngang tàng như ngày nào. Nàng có thể thích cái ngang tàng đó ở người bạn chứ ở người chồng thì không . Bởi nàng nhút nhát. Nàng muốn làm vui lòng tất cả những người thân gần gũi nhất . Là gia đình nhỏ đến gia đình lớn.. Ngày đó nàng thích người chồng của mình phải dễ thuơng và được cha mẹ, anh chị em đến cô dì chú bác đều quý..Và nàng sợ cái ngang tàng của chàng sẽ khiến nàng có thể bị biến thành ốc đảo !
Vào thành phố, chàng lái xe đến quán ăn Thái. Nàng dễ tính , cái gì ăn cũng được nhưng chàng không múôn đêm nay nàng phải nếm món lạ. Thái, gần gũi món ăn VN..
Quán nhỏ xinh. Ở San Jose, mấy cô em họ cũng đưa nàng đến quán Thái hay Việt
-Em thấy phở Mỹ ra sao ?
-Thịt bò thì ngon rồi. Nhưng có nơi bánh phở kỳ quá vì không phải bánh tươi. Mà nhìn tô phở Mỹ , em phát ớn ! Em cũng chê cua Mỹ luôn.Theo em, cua VN ngon hơn.
Chàng mỉm cười. Cô giáo rồi nhưng “cô nhỏ” còn ngây thơ tệ và nhát như thỏ đế. Chỉ dám đi quán nước trong trường . Và một lần ở Làng Văn. Được cái là sau bốn giờ, phòng nàng chỉ còn mình nàng, những người khác đã về cả. Căn phòng ấy cũng giống hôm nay. Nhỏ xinh . Nàng , dựa lưng vào ghế tựa, áo dài cổ bà Nhu, tóc thì khi buộc túm một mảnh phía trước ra sau bằng cái kẹp làm duyên, khi thì đánh rối rồi làm cái gì đó chàng không biết nhưng lại giống tóc cúp .- sao em điệu thế , tóc cứ kiểu cọ lung tung ?- Em thích. Thầy H cũng nói có một cái đầu mà em đến mấy kiểu tóc ! Trong bóng tối mờ mờ, phòng nàng buổi chiều hơi tối, đôi mắt to long lanh sáng. Chàng yêu nhất đôi mắt nàng. Bây giờ mắt không như xưa nhưng vẫn sáng. Tinh anh phát tiết cả ra ngoài, cũng chẳng phải là điều hay !
– Tóc em có vẻ rụng nhiều nhỉ ?
– Thì đói rụng râu, rầu rụng tóc !
Nàng lém lỉnh. Chàng im lặng. Chàng có nghe phong phanh về “ nỗi rầu” của nàng. Quả là có xót xa cho người con gái ngáy xưa chàng yêu dấu. Nhưng ..thời gian còn dài , nàng sẽ kể. Đêm nay. Nhà chàng..
Chàng chăm sóc cho nàng ăn. Nàng không vui không buồn. Vì ở VN, nàng vẫn còn cây si.
Ngày xưa chàng tặng nàng tập thơ Bùi Giáng. Có lẽ vì chàng cũng hơi lập dị giống ông
Vòm cây cối ngàn xanh xuân em đó
Cành giơ ra là nhánh cũng theo về
Hờn dâu biển rụng rời em đã rõ
Thì truớc sau vùng thuỷ thảo chung thề
Bùi Giáng
Vùng thuỷ thảo chung thề! nàng thinh thích mà không hiểu thế nào là vùng thuỷ thảo chung thề ? Chàng tặng nàng khăn quàng mấu trắng điểm hoa ti gôn hồng. Không bao giờ là những món quà lớn lao. Chàng biết. Nàng đã được giáo dục, ăn của người là mang nợ ..
Bữa ăn chấm dứt. Nguời phục vụ đem kem và ổ bánh nhỏ. Rồi truớc sự ngạc nhiên của nàng , ba nguời phục vụ cùng đừng hàng ngang hát Happy Birthday. Nàng tròn xoe mắt. Nỗi cảm động làm nàng không nói lên lời. Nàng cám ơn ba nguời phục vụ khi bài hát chấm dứt .
Chàng đưa nàng ra xe. Gió lạnh quá. Chàng choàng tay qua vai gần như ôm nàng . Mới tháng mười mà Porland buốt giá ..
-Sao anh biết hôm nay sinh nhật em ?
-Chỉ là tình cờ thôi em ơi. Sáng nay anh tìm được album cũ. Có hình em trong đó. Hình ấy hồi xưa anh chôm chỉa mà em không biết. Em còn nhớ không ?
-Không. Nếu biết, em đã đòi lại ?
-Hôm đó em đem al bum đại hội gì đó của trừơng ra đưa anh xem. Anh lén chôm tấm em đang ngồi làm speaker cạnh thằng cha mập ú nào đó. Về nhà, anh có ghi ngày sinh của em ở dưới, cắt mặt thằng cha đó dục mất !!
Nàng lắc đầu . Chịu thua cái phá của chàng.
-Thế là hôm nay em có hai ngạc nhiên, một là em quên nhưng con gái nhớ. Sáng nay em nhận thiệp chúc mừng của bé. Và bây giờ là anh !
Chàng nắm tay nàng:
– Còn ngạc nhiên thứ ba ?
Nàng dò hỏi. Chàng không trả lời, lái xe khá nhanh.
-Anh đi đâu vậy ?
– Về nhà anh ?
– Anh hỏi ý kiến em chưa ?
– Này, ba mươi năm truớc, anh phải hỏi? Còn bây giờ thì không. Mà là anh ra lệnh !
Nàng nhún vai. Có sao đâu ? Bây giờ thì nàng đâu còn sợ bị người ta lén bỏ thuốc mê vào nước uống như lời mẹ dặn ! Nàng bật cười khi nhớ đến con gái. Nàng cũng dạy con y hệt mẹ ngày xưa. Đừng bao giờ đến nhà bạn trai, không bao giờ đi đâu chỉ có hai người nhất là ban đêm, ở quán nước sẽ bị bỏ thuốc mê .. Con bé vâng dạ. Nhưng có bữa nó cuời hăng hắc” Con nghe rồi . Mẹ nói mãi. Nhưng coi bộ ngày xưa không ai bỏ được thuốc cho mẹ nên bây giờ mẹ bỏ người ta ?” “ Nói lảm nhảm cái gì đó ?” Thế đấy, con bé từng chứng kiến mấy ông theo mẹ nó và nó kết tội mẹ bỏ bùa mê người ta !
Ngày ấy, nàng không dám đến nhà một người bạn trai nào. Trừ năm Cao học, nàng nghe lời dụ dỗ của ông anh và cũng là một ông thầy đến nhà để lấy cuốn sách học. “ Ông thầy “ nhỏ chỉ hơn nàng năm tuổi. Đó là mùa hè đỏ lửa 72. Chiến sự ác liệt. Ông thầy đang buồn. Sợ lệnh tổng động viên. Chính vì thấy anh buồn như kiến cắn(!!) mà nàng mới để anh chở về nhà. Vả lại năm đó- cũng đã xong cử nhân. Đang Cao học. Nàng tự cho mình ..bớt sợ đàn ông !
Anh đã lấy đàn. Em múôn nghe bài gì ? nàng đã trêu chọc ,Thì Em đến thăm anh một sáng thứ năm ! Anh cười, cũng hát Em đến thăm anh một chiều mưa . Anh hát khá hay. Anh đã tình tứ nhìn nàng. Nàng chỉ cười .
Em đến thăm anh một sáng thứ năm
Nắng trải đuờng đi, gió hôn bờ tóc
Áo trắng đơn sơ nhìn anh bối rối
Trời hôm nay vì em mà thêm xanh
Sau này, anh chép mấy câu thơ đó cho nàng. Khi ngồi cạnh nàng và hát , anh định có cử chỉ gì đó . Nàng dơ nắm tay doạ. Anh thôi. Anh đưa nàng về. Con đuờng Phùng Khắc Khoan có hai hàng me chụm đầu nhau xanh ngắt. Và không gian bát ngát. Con đuờng nàng đăt tên là Con đuờng mùa đông- của riêng nàng ..
Nên nhà chàng, nàng không biết. Vì không dám đến nhà bạn trai bao giờ
Căn nhà nhỏ , vẻ xưa cũ. Ngày còn ở VN, nàng không hình dung được nhà ở Mỹ. Vì nhà VN thuờng hình ống . Số nhà biệt thự cũng cấu trúc khác. Nàng cứ thắc mắc, khi cần trái chanh cũng phải lái xe hơi đi mua thì làm sao ! Lấy xe ra, mất công quá ? Qua Mỹ rồi, nàng cười cho cái quê của mình. Vì cứ tưởng phải đóng cổng, mở cổng như ở VN !
– Hôm nay sẽ bắt cóc em đến nửa đêm. Vì anh biết Tú thức đến 2 sáng để đi đón mợ. Đúng không ?
– Cái gì anh cũng biết vậy ?
Chàng và nàng vào phòng bếp
-Anh pha cà phê cho em nhé?
-Nhưng em sẽ mất ngủ ?
– Thì anh ru em ngủ !
Chàng tình tứ. Nàng mỉm cười. Chàng mở tủ lạnh :
– Em còn thich chocolat như xưa không ?
– Không. Giờ phát ngấy rồi.
-Nhưng hôm nay ăn lại đi ?
Nàng nhìn. Im lặng. Chàng lấy mấy thanh chocolat :
– Em ra phòng khách đi? anh sẽ mang phin ra sau
Nàng ra ngoài. Căn phòng giản dị. Trên tuờng là bức tranh Hội nghị Diên Hồng . Đối diện là bức tranh hoa quỳnh. Chàng vẽ.
Ngày xưa, chàng đã dùng chì than nguyệch ngoạc vẽ nàng với súôi tóc dài. Nàng đã giận dỗi , em không bao giờ có tóc dài cả. Em là đuôi gà. Tại sao mấy ông cứ thích con gái tóc dài . Anh đừng biến em thành người khác. Chàng không nói. Xé nát bức tranh. Nàng kinh ngạc. Rồi oà khóc. Chàng bỏ về. Nàng đã giận mấy tháng. Chàng làm hoà bằng bức mới, cô bé với hai đuôi gà nhí nhảnh
-Bức Hội nghị Diên Hồng là hoạ lại phải không anh ?
– Sao em biết ?
– Thì bức chính đang ở VN !
– ???
– Huy Tường đã tặng bức này cho bác em. Khi đi , công an khu vực đến xin, bác phải bấm bụng cho.
– VC mà cũng biết thưởng thức Hội nghị Diên Hồng?
– Vc này ở trong nam mà ? Em cũng thích bức này lắm. Sau này Huy Tường có vẽ lại bức khác gửi sang Mỹ cho bà chị em.
– Em rành Huy Tuờng nhỉ ?
Nàng phá ra cười:
– “ Lão “ còn đòi làm ..chú em cơ đấy ?
– ???
– Em biết “ lão “ trong buổi họp mặt Gia Long. Lão là rể Gia long. Nói chuyện cũng rôm rả lắm nhưng người ốm như que tăm và tay run lẩy bẩy vì úông rượu nhiều quá. Toàn là vợ chở . Khi nói chuyện mới biết “ lão “ là bạn của ông chú. Thế là hai vợ chồng đùa, đòi em phải gọi bằng chú thím ! Em có đến nhà . Huy Tường vẽ đẹp. Ừ mà sao em quên không nói Huy Tuờng vẽ em nhỉ ?
Chàng đặt phin cà phê xuống bàn và ngồi cạnh nàng:
– Thì hôm nay anh vẽ ?
Nàng bĩu môi.
-Lại sắp sửa tương cho tôi tóc dài nữa chắc ?
Chàng ôm đầu nàng trong tay :
– Không, hôm nay anh sẽ vẽ em như là em vốn có ?
– Eo ơi thế thì chán lắm ! em bây giờ xấu xí , toan tính chuyện vô chùa. Anh bây giờ đãng trí, lên gác chuông nhà thờ !! (nhái bài hát của Phạm Duy )
Chàng chậm rãi khuấy ba thìa đuờng. Chàng không cho nàng uống cà phê sữa như gu riêng. Nhưng là một dung hoà. Hai của chàng và bốn của nàng để còn ba của chung !
Chàng đưa thìa cà phê lên môi nàng. Hớp rất nhẹ nhàng, nàng nhoẻn cười :
– Ngon. Lâu lắm rồi em mới uống đen.
Chàng bẻ thanh chocolat . Và dịu dàng đặt đầu nàng trên vai mình. Nàng để yên .
-Em không sợ như xưa nữa à ?
-Không. Em còn gì để mất ?
Chàng mỉm cười. Giây phút này không giống ngày xưa.
Ngày cũ. Phòng nàng ở KH như thường lệ. Hôm ấy nàng mặc áo dài đen. Huyền bí và lộng lẫy . Chàng đã đứng dậy. Rời vị trí đối diện . Giả vờ đánh lạc hướng nàng. Bất thình lình đến đằng sau và một nụ hôn rất nhanh trên tóc. Nàng hét như bể phòng. Rồi sầm mặt đòi về . Chàng phải thề thốt không có lần sau !
– Năm anh đi là cuối 78. Thằng nhỏ, em còn bế trên tay, bây giờ chắc lớn lắm rồi ?
– Thì bây giờ nó có thể bế em ?
Cả hai phá ra cười vui vẻ.
– Con gái giống em không ?
– Nhiều người bảo nó pha trộn . Nhưng nét nó dịu dàng, không sắc như em đâu ?
Chàng vuốt tóc nàng. Tóc còn muợt nhưng thưa quá. Đói rụng râu, rầu rụng tóc. Chàng nhớ đến câu nói của nàng. Hẳn phiền mụôn nhiều lắm đã tàn phá ..
– Em tính chuyện vuợt biên năm nào ?
– 79. Ổng tính chứ em thì cứ lo nuôi con. Tuy vậy không thành công. Cứ đi rồi lại về ..Nhưng cũng là số. Năm đó cô em chồng đi chuyến bán chính thức cúôi cùng . Trước đó cô ta biểu ông anh rút tiền về, chuyển qua bán chính thức. Nhưng ông ta ngoan cố không nghe.
Tiếng lá tre xào xạc đêm ấy nghe thê luơng quá. Ngõ nhà nàng vẫn còn một bụi tre Cũng là chuyến thứ ba của chàng. Suông sẻ. Vốn có sức khoẻ và xuất thân kỹ thuật, chàng học lại dễ dàng . Bao chuyện đã cúôn hút. Vả lại, chàng nghĩ nàng đã yên phận. Hẳn là nàng chấp nhận –như một bà chị họ của chàng. Cắn răng -chấp nhận- và một đời người trôi qua dù ảm đạm ..
Chàng biết rõ gia đình nàng. Nề nếp vẫn có vẻ xưa cổ .. Nàng đã ôm con về ngoại từ 78 . Dường như sống một mình nhưng không dám cắt .. Thì cũng sợ gia đình mà nàng không dám lấy chàng. Và chàng đã không liên hệ ..
-Rồi sao ?
-Mấy lần sau cũng không được. Cuối cùng năm 82 thì nộp hồ sơ chính thức do cô em bảo lãnh
-Những năm đó nước ngoài dễ nhưng VN thì gắt , đúng không ?
-Đúng. Trí thức vuợt biên nhiều. Lắm nơi, họ không điều hành được công ty, nhà máy. Họ đã phải gửi thêm một số tiền cao hơn lương chinh thức cho các giáo sư đại học vì sợ các vị này vượt biên hết thì làm sao ?
-Em có được không ?
-Tép riu như em làm sao có? chỉ cỡ giáo sư tiến sỹ thôi . Nhưng giáo sư vẫn đi !
– Thầy H nghe nói chết hả em ? Còn ông chú nào của em dạy Quang nữa ?
Nàng nhắm mắt
Cuộc đời có những hội ngộ kỳ lạ. Năm thứ hai , nàng nghe đồn thầy H dễ thương. Nàng còn nhớ đã vào phòng thầy hỏi. Thầy nhỏ bé, nói chuyện rất dịu dàng . Sau đó nàng rủ cô bạn cùng học. Chứng chỉ lý nên cũng hơi khó với nàng, xuất thân ban A .Nhưng nàng chăm chỉ và đã đậu cao. Thầy rất quý nàng. Khi ra trường, lang thang ở Kế hoạch mấy tháng. Về lại trường học Cao học. Một buổi tình cơ gặp Thầy . Nàng than .Thầy bảo về ban của Thầy. Thế là nàng nộp đơn. Thầy cưng nàng lắm. Và là nguyên do cho mấy ông con trai ghét nàng. Họ bảo Thầy đưa nàng vô ban để làm kiểng chứ hoá thì biết gì về lý ????? Cả gia đình Thầy quý nàng
Thầy đã chết trên biển cả cùng hai con . Chuyến trước thì ba đứa thoát. Nếu thầy thoát thì nàng cũng đỡ nhiều lắm..
-Ừ, Thầy mất. Cô không tin cứ đi xem bói vì ai đó nghe đài BBC loan tin GS Viện trưởng Hải Học Viện đã thoát và đang ở .. Còn chú em, chết thảm hơn nữa. Cả nhà chêt hết, còn độc thằng con trai nhỏ. Khi lên đảo, người ta liên lạc và chú nó ở Pháp đón qua. Thật kinh khủng, chuyến đi tìm tự do đã tước của thằng nhỏ cha mẹ và hai anh ..
Ông chú dạy Quang. Tiến sỹ đệ tam cấp . Năm thứ ba, nàng chỉ còn hai chứng chỉ. Nghe nói chỉ thêm hai chứng chỉ Lý thì sẽ có thêm bằng cử nhân Lý Hoá nên nàng ghi danh học Quang . Thầy T dạy lý thuyết. Bài tập do chú nàng dậy. Một lần nàng chui vô giảng đuờng một , giờ bài tập của chú ..
Nàng bật cười
– Em cười chuyên gì thế ?
– Em nhớ khi em chui vô giờ bài tập của chú ! Em vừa vô một chút thì Đ cũng vô theo. Hai đứa ngồi bàn nhất .Rốt cuộc ..không học gì cả. Đ xé tờ giấy nhỏ, viết bên trên chữ Toa bác sỹ, bên dưới thì “ LC đã xem Anh chi yêu dấu chưa ?-Chưa. Thuốc gì ? có đắng không ? -Ngọt lắm- Không tin, Đ hay giả bộ, chắc đắng. Bác sĩ cù là ! “ Hai đứa cứ thế viết qua lại rồi cuời rúc rích. Có lần nhìn lên , em thấy chú bặm môi doạ em. Nhưng em hổng sợ ! Mà bây giờ anh biết không , con gái em đang ..cặm cụi post Anh chi yêu dấu trên trang web riêng của nó !
Chàng đưa thìa cà phê lên môi nàng :
– Giọt cuối cùng nghe em !
Giọt cuối cùng. Nàng lại nhớ ngày cũ. Anh hát và nói nàng đặt tên. Gịot nhớ nhung. Nàng đặt thế. Anh không chịu. Sao lại là giọt nhớ nhung? Phải là Giải nhớ nhung chứ ?
– Hồ sơ nộp từ 82. Mà sao..???
– Thì em đã nói, đó là những năm trí thức vuợt biên nhiều. Nên họ đã không cấp xuất cảnh cho tụi em . Họ ghi trong giấy từ chối “ Không cấp xuất cảnh. Trí thức ở lại xây dưng đất nước ! “
Chàng phì cười. Nàng cũng phì cười.
-Rồi sao ?
– Thì xin nghỉ. Em nghỉ trước . Ông N không dám xin nghỉ !
– Sao vậy ?
– Công ty ông ấy là một công ty lớn nhất Đông Nam Á về .. Tất nhiên các bác không điều hành được . Sau thời gian cho Tổng Giám Đốc và các Giám Đồc ngồi chơi , họ đành mời lại. Tên Tổng Giám Đốc láu cá. Hắn ra điều kiện cho vợ con sang thăm cha mẹ ở XYZ. Thực tế là đi luôn nhưng thành uỷ phải chịu. Điều kiện thứ hai là hắn toàn quyền chọn người cộng tác . Thành uỷ cũng phải chịu luôn.Thế là hắn kéo nguyên ê kýp cũ lên, trong đó có ông N. Công ty khởi sắc lại.Thì anh tính, mấy bố lúc đó ở trong rừng ra, biết gì về máy móc hiện đại của Đức, biết gì về kinh tế ?? Nhưng tên Tổng Giám Đốc cà chớn. Lúc đó có nhiều cơ quan đồng ý cấp giấy hứa xuất cảnh cho nhân viên. Lý do để họ làm ngày nào hay ngày đó còn hơn họ nghỉ việc thì các bác không điều hành được nhà máy . Nhưng tên Tổng Giám Đốc tuyên bố , không cấp giấy hứa xuất cảnh cho ai cả. Vi vậy, ông N không dám xin.Lý do lúc đó công ty đang làm ăn tốt, ông ta kiếm được khá tiền..
Chàng thở dài an ủi :
-Thôi cái số em ạ . Anh biết có nhiều người cũng nấn ná làm việc vì không còn tiền .Xin nghỉ thì lấy gì để ăn ?
-Nhưng anh biết không năm …, chính tên Tổng Giám Đốc đó đã ung dung leo phi cơ !
-???
-Không biết hắn làm sao tài thế. Hắn tung tiền làm cái gì đó không biết mà ngày thứ hai họp giao ban đầu tuần, mọi người chờ còn hắn leo phi cơ định cư chính thức XYZ. Thành uỷ và cả công ty không biết ! Mọi người hồi đó đã nói hắn đi chui một cách chính thức là vậy đó ?
-Rồi ông N lúc đó làm gì ?
– Thì vì tên Tổng Giám Đốc đi, công ty cần người cũ nên ông N lợi dụng cái đó xin giấy hứa xuất cảnh. Tên Tổng Giám Đốc mới phải hứa cho . Nhưng năm 87 thì Úc bắt đầu khó. Họ lập thang điểm. Và hồ sơ rớt do ông ấy thiếu 3 điểm . Ông N quá chủ quan. Truớc đó đã biết tụi tư bản chấm điểm. Anh chị em đã huỷ hồ sơ cũ, làm hồ sơ mới,không khai trí thức mà là công nhân! Và anh chị ấy đã đi . Còn ông N khăng khăng giữ nguyên hồ sơ cũ, với cái trí thức thì úc phải đánh rớt !
Chàng thở dài. Có những người ra đi rất tình cờ. Họ chẳng có gì , chỉ leo đại khi có cơ hội và đã thoát. Còn nàng ?
-Anh biết không ? khi nhận tin Úc đánh rớt, em như phát điên. Nhưng sau đó em soạn thảo đơn và bắt đầu kế hoạch. Em dò la được từ một tên thông dịch của Sở Ngoại Vụ. Em đứng đón tên Trưởng phái đoàn Úc ngay cổng nơi phỏng vấn. Em chận và đưa đơn khiếu nại. Trong những vụ này, em có cảm tuởng đàn bà “ lanh” hơn đàn ông ??
– ???
– Ông N sợ và tính chuyện cản em. Em nói em không ngán gì nữa cả. Nó đánh rớt , mình có gì mà sợ ? Còn công an hả ? em sẽ nói nếu công an hỏi “ tôi chỉ nộp đơn khiếu nại cho hồ sơ tôi chứ không làm gì cả ?” Bởi những năm đó , ai lân la lại nói chuyện với ngoại kiều thì công an cũng để ý, anh biết không ? Em đang nói thì ông N tiến lại. Tên Úc hỏi em , em nói người nhà. Hắn chỉ cười. Sau đó hì hì em mua một bức tranh sơn mài có hình Mẹ maria và đem đến Continental nhờ chuyển cho hắn. Em đã mò được cả tên và số phòng hắn mà .
– Haha. Tính hối lộ ư ?
Nàng mỉm cuời :
-Tầm bậy. Em ngoại giao mà ? Hôm sau em mặc áo dài vàng tìm đến Continental nhưng receiption nói hắn đi shopping. Em còn nhớ em đứng ngay ngã tư Nguyễn Huệ và Lê Lợi ngóng hắn. Cứ ngó trước rồi ngó sau vì không biết hắn đi phía nào. Một lần em quay lưng về phía chợ Saigon thì cu cậu đi về. Hihi
– Chuyện gì vậy ?
Nàng vui vẻ:
– Cu cậu đi ngang em và quay lại nhìn. Vì áo dài vàng ! Em mừng hết biết. Em lại chận hắn và nói. Hắn bảo rất tiếc, hắn đã đọc đơn khiếu nại của em, hắn cám ơn bức tranh em tặng, nếu hồ sơ em thiếu một điểm thì trong phạm vi hắn giải quyết. Đằng nầy ông N thiếu đến 3 điểm !
Hồi trẻ nàng yêu mầu hồng nhưng mặc áo đủ mầu. Tuy vậy nàng có cảm tưởng hai mầu đem may mắn cho nàng là trắng và vàng . Năm đó nàng còn trẻ, đang tuổi chín muồi của người phụ nữ . Nhờ đồng lương …mà nàng ốm o và mặc áo dài đẹp hơn xưa nhiều ! Áo dài vàng quá đẹp đã khiến anh chàng đi ngang và quay lại nhìn..
-Thật đáng tiếc. Em đã xông xáo như thế mà không qua ba điểm !!
Những điểm số trong cuộc đời. Có những điểm đã đầy những chàng trai tuấn tú ham học ra chiến trừơng. Có những điểm đầy những cô gái ra khỏi vòng tay người tình. Và điểm số tuớc đi con đuờng tương lai của nàng
– Sau đó em làm sao ?
– Chẳng còn biết làm sao ! Nhưng sau đó cô em ông N nhờ một dân biểu viết thơ cho Tổng trưởng Di Trú xin đặc cách vì cô ấy đang ung thư. Đơn được chấp thuận. Em đã đi khám sức khoẻ .Chỉ còn chờ chuyến bay. Nhưng ..
Chàng im lặng. Nhưng ! chữ nhưng vô số trong cuộc đời ! Vì chữ Nhưng mà chàng cũng đã hụt cái vé du học và ra chiến truờng.. Cũng may trước đó chàng đã có bằng Phú thọ. Cái vé tu nghiệp..
– Cô em chết. Giá cô ấy chết muộn chừng ba tháng ! Hồ sơ bể. Em ly dị năm 93.
– Thế cuối cùng vì sao con em ở Úc?
– Năm 94, ông N làm hồ sơ khác do cậu em bảo lãnh.Em ký giấy cho con trai đi theo. Hai cha con đi năm 97. Con bé đi hồi tháng 4. Sau đó tháng 7, em làm song song hai hồ sơ : du lịch Mỹ và định cư Úc do con trai bảo lãnh
– Thằng nhỏ mới qua, còn đi học, làm sao bảo lãnh ?
– Được chứ. Nó sponsor còn assurer là anh họ em. Ông ấy qua úc đã lâu, nhà cửa nghề nghiệp ổn định cả..
– Vậy là em qua đây tháng nào ?
– Tháng 8. Mỹ vào thu . Rất đẹp. Cô chú đang bảo em ở đến cuối tháng12 cho biết cái lạnh của Mỹ.
Bảy
Cũng chẳng cần đến tháng 12. Chàng rủ nàng ra lầu sau . Phía sau hoang vu như khu rừng nhỏ. Chàng chỉ bao tấm:
– Em biết làm gì không ?
– Không
– Cho chim ăn. Nhiều chim lắm. Sáng nào anh cũng có cái thú rải tấm gọi chim đến.
Nàng mỉm cuời. Quả là thời gian. Có bao giờ nàng nghĩ rằng chàng- anh chàng ngang tàng bướng bỉnh – không biết sợ ai lại có những giờ phút làm bạn với chim
Trời lạnh quá. Nàng run lên. Chàng ôm nàng trong tay :
– Anh nhớ hôm đi. Cũng đã ôm em như thế này. Lúc ấy em không hét lên như lần nào trong phòng em vì lúc đó em đã có con và biết sẽ xa anh, phải không ?
– Chẳng biết nữa. Đâu phải cái gì cũng lý giải được đâu . Chắc mùa đông Cali cũng thế này thôi phải không anh ?
– Ừ .
Chàng và nàng vào nhà. Nàng nhìn lên tường:
-Anh vẽ hoa quỳnh bao giờ ?
– Cách đây tám năm. Hôm đó tự nhiên nhớ em quá đỗi. Dường như là anh nghe nhạc Ngày xưa Hoàng Thị Hồi đó em rất thích bài ấy. Anh đã hát cho em nghe mấy lần ở phòng em, nhớ không ?
– Bây giờ anh hát lại đi ?
– Giọng bây giờ chán lắm em ơi. Nghe Hoàng Thị, anh bỗng nhớ em vô cùng.
Nàng thích những gì thơ mộng nhẹ nhàng. Và hình ảnh em tan trường về, anh theo Ngọ về ..làm nàng yêu thích. Còn chàng, chưa bao giờ theo ai đuờng về. Chàng chỉ chận đầu xe người ta thôi ! Nhớ một lần chàng vào truờng TN. Giờ ra chơi, nàng không còn giờ nhưng đang ngồi nói chuyện với các giáo sư khác. Chàng thản nhiên đi vào. Dáng dấp cao lớn, đẹp trai , rất ngang ngạnh, chàng chỉ nhìn nàng. “Cô nhỏ” rét run lên. Có trời mới biết cái anh chàng quỷ hành động gì ? Nàng đứng dậy, xin lỗi các chị và theo chàng ra bãi xe . Nàng tức lắm . Mặt sưng một đống.
-Anh tìm em có chuyện gì ?
-Câu cá ?
Nàng tròn xoe :
-Anh có điên không ? Anh dư biết sáng nay em ở đây còn chiều nay em dậy thực tập lý mà ?
-Đâu có điên ? Em thấy anh điên bao giờ chưa ? Đi theo anh đi ?
Nàng đi theo. Cái anh chàng kỳ khôi. Khi thì rất dịu dàng , khi thì độc tài phát xít.
Biệt thự Gò Vấp. Với những gì nàng ưa thích. Hàng rào hoa dâm bụt. Nó gợi cho nàng nhớ ngày học SPCN, thực tập mổ hoa dâm bụt. Ao cá nhỏ. Và ..hoa súng . Những bông súng mầu vàng chanh thật to . Nàng mê mẩn .
Nhưng nàng vẫn cáu. Vì tuần sau , cũng giờ dạy đó , các ông bà giáo sư xầm xì , người yêu của LC ! Có là người yêu thì nàng mới vội vã bỏ phòng giáo sư đi theo như thế !
Nàng giận dỗi:
– Anh làm mất duyên con gái của em. Nguời ta tuởng anh là người yêu của em !
– Thế em chấm mấy thằng giáo sư mít ở trường đó à ?
– Anh vừa thôi. Mít là sao ? Anh ngon lắm à ? Em sẽ kêu con kiến càng dập anh một bữa cho bõ ghét !
Chàng tò mò. Nàng khoái chí. Ở trường này, có một chàng dạy môn gì đó nàng cũng chẳng quan tâm. Rất cao to , thân hình eo ót . Anh chàng gửi cho nàng một bức thư tình…quê nhất thế giới . Anh chàng khoe mình là …của chương trình võ sĩ Con kiến càng trên Truyền Hình ! Nàng phì cười. Hèn chi thấy anh chàng hay mặc áo eo, khoe cái vòng số 1 lực lưỡng và số 3 nhỏ xíu !
Chàng đòi gặp để úynh bể mặt tác giả bức thư tình quê nhất thế giới ! “ Cô nhỏ “ lại rét run lên. Thế đấy. Ai dám lấy anh làm chồng ???
– Anh bèn lấy giấy ra vẽ hoa quỳnh. Em thấy đó, cánh hoa có phần hơi rũ vì anh đang tưởng tượng đến em.
– Anh đã thấy hoa quỳnh nở mụôn chưa ?
– Chưa ??
– Một lần, năm 90 , em đi ngang nhà kia trên đuờng Nguyễn Đình Chiểu. Hoa quỳnh nhiều quá . Hồi mình còn bé, hoa quỳnh đâu dễ nở anh nhỉ? nên các cụ mới quý , rủ nhau trà đạo để ngắm quỳnh. Còn bây giờ em không hiểu vì sao quỳnh nở tưng bừng? Em ghé vào xin. Tối đó , rất kỳ lạ. Em chờ mãi đến 12 giờ khuya mà quỳnh chưa nở! Em mệt quá đi ngủ. Sáng hôm sau khoảng 6 giờ thức dậy thì chao ơi thât tuyệt vời. Hoa quỳnh vẫn còn đó vươn cao !
– Thế mấy giờ thì tàn ?
– Khoảng 9 giờ. Đó là lần đầu em chứng kiến một đoá quỳnh nở muộn . Phải chi như bây giờ em đã lấy máy hình ra chụp hoa quỳnh dưới ánh mặt trời rồi.
Chuông điện thoại reo vang . Chàng nghe. Trả lời ngắn. Và mỉm cười với nàng :
– Em cho Tú số cell phone của anh hả ?
– Tú gọi ?
– Ừ, nó đang thắc mắc, bà chị biến đi đâu lâu thế ? Ái chà, ngày xưa anh ớn nhất bố mẹ em. Bây giờ em lại cho cậu nhóc bảo vệ em sao ?
Không biết. Nàng không lý giải được . Nàng chỉ gặp mình chàng trên đất Mỹ . Mà cũng vì chàng ở cùng thành phố với mợ. Nếu là nơi khác, chưa chắc nàng đến..
-Cho em về đi anh ?
Chàng thở dài.
Mười
Anh thương
Em về VN …trên xe lăn. Anh ngạc nhiên lắm nhỉ ? Có gì đâu. Ba tháng ở Mỹ, em đi chơi lu bù và chẳng đau bao tử gì cả. Em đã ỷ y. Nên đã hết kim chích và em quên mua.
Thực ra cũng tại cô nữa. Em định về sớm , cô bắt hoãn để dự đám giỗ bà. Tối trước em ăn ít, thức khuya đọc cho xong cúôn truyện của Nguyễn Ngọc Ngạn. Hôm sau , ăn cũng ít và quá mệt vì lăng xăng làm giỗ. Buổi chiều, mọi người đến rất đông. Biết là em bay chuyến khuya nên ai cũng lại nói chuyện.Rồi liên tục các cú phone từ Los Angeles, Colorado, Texas và cả Pháp. Mọi người từ biệt em mà . Em nói nhiều quá, hụt cả hơi
Khi vào phi trường, em đã đói. Nhưng ráng nhịn để lên phi cơ ăn luôn. Ai dè 12 lên máy bay thì đến gần 1 giờ mới ăn. Ăn xong là em lên cơn đau bao tử dữ dội. Buscopan thì còn mà kim chích thì không . May nhờ có bà bác sỹ Mỹ hàng ghế trên, đem kim ra chích cho em.
Đến Singapoor, em còn đau và họ đã lo xe lăn cho em. Cũng tốt thôi. Ở phi trường Tân Sơn Nhất, ngồi xe lăn, có người lo hết mọi thủ tục hải quan và em ra rất sớm. Em cũng “ lịch sự “ cho cậu nhỏ đẩy xe , lo mọi thứ cho em …mười đồng.
Về lại nhà xem truyền hình , nghe tiếng Việt..em thấy thú vị ! ba tháng ở Mỹ, TV toàn xí xô em chẳng xem được gì . Em nói còn được chứ nghe thì tệ lắm ..Bây giờ em mới thông cảm cho những người già , ở trong nhà , không đi đâu và thèm tiếng Việt biết bao !
Anh
Em sẽ rất nhớ Porland. Núi tuyết. Chùa Tầu. Vườn hồng. Sân trường đại học. Ly cà phê đen mà đã lâu lắm mới có người pha cho em uống . Cả buổi tối ở nhà anh. Một kỷ niệm đẹp . Em sẽ giữ mãi .
Trăng tròn để rồi khuyết
Bèo hợp để rồi tan
Hoa nở để rồi tàn
Nguời gần để ly biệt
Vậy thì hãy để mọi việc xuôi theo giòng chảy, anh nhé. Em mãi là em gái. Của anh .
Saigon năm 2000
Hoàng Lan Chi