Lan Chi viết về văn sĩ thân hữu

Nguyên Nhung

Không nhớ tôi đọc văn Nguyên Nhung lần đầu khi nào. Nhưng lá thư mùa xuân của tôi gửi cho độc giả nguyệt san Mạch Sống mà tôi làm chủ bút thì tôi chỉ ưu ái nhắc đến Nguyên Nhung và một cô ở Việt Nam trong đoạn kết.

Văn NN giản dị không điệu đà tiểu thư nhưng phải nói rất “chuẩn” về hình thức. Hồi đó, tôi rất khốn khổ khi phải “edit” bài của các văn sĩ “cao niên” cho Mạch Sống. Một câu văn là một đoạn! Dấu phẩy bỏ cách một “space” chơi và vân vân thì một lô dấu chấm hay như thế này “ ..v.v….”!  NN thì không. Câu văn gọn ghẽ, các dấu chấm, chấm phẩy hay ngoặc đơn ngoặc kép đều rất đúng “quy cách” của Hoa Kỳ. Nội dung sâu sắc. NN không kể chuyện tình và NN thiên về đời sống hàng ngày. Một ưu điểm khác là thi vi hoá, nhân cách hoá và cả tưởng tượng hoá nhiều nhân vật hay sự việc làm văn của NN rất có duyên. Chuyện cái răng là một trong các loại ấy.

NN xem hình tôi và hay khen Lan Chi xinh! Làm tôi cũng phổng mũi!

Năm 2008, tôi đến Houston có việc. Chị bạn đưa đi công chuyện và trên đường về, vô tình chị kể nhà NN gần đây. Tôi nói chị cho đến NN chơi. Xui là cả chị và tôi đều không đem số phone NN theo để gọi báo trước. Vì thế khi đến, bấm chuông dài cổ! NN ra, thấy tôi và xin lỗi chờ chút. Chờ chút mà cũng lâu gớm!

Sau đó vào nhà, NN dắt đi xem vườn thì tôi thích trái lô quất. NN lấy thang hái cho tôi ăn mệt nghỉ. Khi về còn ôm theo một bọc. NN cũng chỉ cho tôi xem cây hoa có hai loại trên cùng một thân mà NN mới viết trước đó.

Lúc gặp tôi NN phán “Hoàng Lan Chi ở ngoài xinh hơn trong hình!” Trời đất ơi?

Ngang tuổi nhau nên sau này chúng tôi hay “đằng ấy và tớ” rất dễ thương. NN nhắc tôi nếu có viết thì nhớ nhắc kỷ niệm bấm chuông ba lần và cho ăn trái lô quất thay cho nước uống nhé.

Trái lô quất ấy, “tớ’ chưa được uống lại lần nào kể từ sau cái ngày đến nhà “đằng ấy”, Nguyên Nhung ạ!

Lê Hữu

Người từ xứ mưa, mưa quanh năm nhưng cứ tự hào là thành phố “xanh hoài ngàn năm”!

Tôi quen Lê Hữu là từ duyên âm nhạc. Chúng tôi cùng yêu nhạc của một người. Người ấy chia sẻ với nhóm, bài của những người trong nhóm. Tôi có đọc bài LH và ngược lại.

Rồi chia xa.

Bẵng một thời gian, gặp lại để rồi LH là “người nợ tôi từ muôn kiếp trước!”.

Nợ vì làm chung Nhạc Chủ Đề
Nợ vì phải đọc bài
Nợ vì phải “edit” bài cho chủ bút trong khi …chủ bút bận “edit” bài của thành viên!
Nợ vì phải nghe “cô nương” khóc lóc chửi bới những kẻ “cô nương” không ưa!
Nợ vì phải trả lời “liền tút suỵt” cho cô nương mỗi khi “cô nương” bí tên tác giả hay nhạc phẩm!

Thế nhưng năm 2007, tôi gửi LH ra với “người thế gian” bằng bài viết “Lê Hữu, người tìm ngọc trong đá”.

Từ đó, LH “khốn khổ” với “thế gian”!

Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau!

LH cũng khá hiền. Dường như đa số bạn trai của tôi …đều bị “hiền” vì tôi …chằng quá chăng?

LH có cái dễ thương vì mỗi khi tôi kể về một người bạn trai nào đó của tôi là LH kết hợp cái -người đó nói- để biến thành- cái LH đang nợ tôi!

Ví như LH ký tên là “Bố trẻ, Người nợ em từ muôn kiếp trước NNETMKT” mỗi khi viết cho tôi nhưng khi đọc tạp ghi của tôi và thấy LQT gọi tôi là “đoá tường vi yêu kiều” thì LH “edit” ngay cái chữ ký của mình như sau “Người nợ đoá tường vi yêu kiều từ muôn kiếp trước NNDTVYKTMKT” !
 
“Bố trẻ”  là khi gặp lại, tôi la lên lúc tranh luận cái gì đó “ ..thôi đi bố già ơi”, LH phản đối “Bố già nghe …già quá, lại bị lẫn với PD”.

Thế là LH thành…”bố trẻ”!

“Bố trẻ”ơi, cô nương đã nói rằng cô nương muốn “ bố chẻ” nợ “đoá tường vi yêu kiều” …cả kiếp sau nữa cơ!

Hưng Yên

Đó là Ông Nhà Quê!

ÔNQ này viết văn về quê thì hết xảy con cào cào. Tôi mê mẩn đọc ÔNQ kể về nhãn Hưng yên và đủ cách hái nhãn gì đấy!

ÔNQ tự nhận mình nhà quê với tôi. Nhà quê như ông thì khối người mong!

Lần đầu gọi đến ông, tôi nhỏ nhẹ “Xin cho gặp ông Cử ạ” “Tôi là ông Cử đây” ! Giời đất ơi, thế là sau đó “ông Cử” nếm mùi “bà chằng” của Lan Chi bà bà!

Tôi thích văn ông kể vì nó có duyên. Rất dí dỏm! Đọc văn ông cứ bật cười. Nhưng tôi khốn khổ vì ông viết theo kiểu hơi xưa. Nghĩa là dài lê thê. Một câu có khi là cả một đoạn. Và hình thức thì ông khá tuỳ tiện. Dấu phẩy cứ chơi bỏ xa xa, không chịu đứng ngay kề chữ gì cả. Lần đầu, tôi “edit” hình thức mờ mắt. Tôi bèn gửi cho ông một bản hướng dẫn cách bỏ dấu theo đúng quy cách vì nếu không khi in, dấu phẩy sẽ chạy xuống hàng rất kỳ cục. Báo khác thì kệ chứ Mạch Sống thì hình thức luôn phải đúng vì Chủ nhiệm Nguyễn Đình Thắng muốn vậy!

Tuổi già khiến ÔNQ không theo kịp. Các bài sau ông vẫn chơi “vũ như cẩn” làm tôi khốn khổ. Tôi bèn gọi phone và ỷ (mình nhỏ tuổi hơn, mình là phái nữ, mình là …người đẹp!), tôi la lối! Tôi còn doạ đòi “uýnh phù mỏ” ÔNQ nữa cơ ! Ông ta chả sợ một ly ông cụ nào mà còn khoái trá cười ha hả!

ÔNQ này thích gọi tôi là “bà bà”. Tôi thì vẫn thích “bắt nạt” lão nhà quê này. Tại sao ư? Không biết nữa! Có lần tôi “bắt nạt” như sau “Người khác thì tôi trả nhuận bút, còn ông thì…miễn!” Lão nhà quê “Thôi mà, tiền Mạch Sống thơm lắm!”

Thật tình, tôi mến cái nhà quê của lão lắm! Đấy, cái áo xanh lè thế kia, không nhà quê thì nhà gì?!

Đỗ Văn Phúc

Khi làm chủ bút nguyệt san Mạch Sống, tôi cần điều gì đó cho báo và lang thang net tìm. Vô tình đọc bài “Văn hoá nội gián”, tôi thích. Làm quen. Rồi tôi kéo anh Phúc về những nơi tôi sinh hoạt. Đầu tiên là Mạch Sống. Sau đó anh Phúc tham gia Uỷ Ban Dịch Thuật của Ủy Ban Cứu người Vượt Biển. Anh Phúc cũng  được mời làm diễn giả trong dạ tiệc gây quỹ của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển ở Houston.

Tôi kéo anh Phúc về giữ mục Xã Luận cho Sóng Thần khi tôi phụ trách chủ bút cho Bán Nguyệt San này. Tôi rủ anh Phúc thực hiện  chương trình …tuởng niệm ca sĩ Duy Khánh vì anh là người em thân cận của Duy Khánh.

Tóm lại tôi rủ anh đi khắp nơi, gia nhập tùm lum những chỗ tôi sinh hoạt. Và ngược lại thì tôi và anh Phúc cũng cãi nhau ra trò. Đương nhiên tôi là phụ nữ thì anh phải nhường tôi!

Chúng tôi, Phúc và tôi,  vẫn đang cùng một số thân hữu khác làm “người cô đơn”! Cô đơn vì chúng tôi vẫn đang cố gắng giữ vững lằn ranh quốc cộng trong thời buổi đảo điên này!

Vũ Trung Hiền

Vũ Trung Hiền cravate đỏ

Không nhớ nổi vì sao quen Vũ Trung Hiền. Nhưng chỉ nhớ là chúng tôi hồi đó ở group Quán Không Cửa. QKC có nhiều cựu dân Chu Văn An-Nguyễn Trãi-Trần Lục và dường như duy nhất chị Hương Kiều Loan là Trưng Vương. Sau này khi tôi vào thì duy nhất tôi là cô Gia Long.

Group nhỏ toàn là bạn hữu biết nhau nên vui đùa trêu chọc. Trong group này hồi đó có hai người tôi khá thân là VTH và anh Nguyễn Trọng Dzũng.

VTH là em ruột nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm nhưng tôi biết nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm qua “một nhánh” khác, không phải từ VTH.

Hiền nhưng có lẽ không hiền và cũng chẳng dữ. Mail lúc nào cũng gọi tôi là “bạn”. Tôi, thuở ấy khi còn ở Việt Nam, kể cho Hiền nghe nhiều chuyện. Đa phần là chuyện trong thế giới ảo. Dù sao ngày đó net mới phổ biến, còn mới mẻ, lạ lẫm và thu hút nhưng cũng nhiều “oan trái”! Những “oan tình”, tôi kể cho VTH nghe. Về phương diện nào đó, VTH như một người bạn gái của tôi!

Khi về Việt Nam, VTH có gọi cho tôi. VTH rất “ngon”, đó là dám mượn xe Honda chạy tỉnh bơ. Nhiều người khác không dám vì đường phố Sài Gòn ngày một đông, ngày một “ẩu”. Nói chuyện tào lao và khi VTH về Mỹ thì mấy thành viên group Quán Không Cửa …tò mò muốn biết Hoàng Lan Chi bên ngoài ra sao. VTH bèn gửi lên diễn đàn, cái hình VTH chụp tôi. Còn nhớ, cô em út trong đó là Bối Sĩ đã vừa chọc vừa có ý khen chị Lan Chi trông cũng …đẹp gái!
Khi qua Mỹ, VTH cùng anh Trần Văn Lương (người làm thơ rất hay) và một anh nữa của Quán Không Cửa đón tôi ở California. Hiền đưa tôi đến nhật báo Người Việt và khu Phúc Lộc Thọ… VTH tặng tôi cuốn “Duyên Anh và tôi”. Qua đó tôi mới biết duyên giữa Duyên Anh và VTH. Duyên Anh thì thuở học trò tôi thích những truyện thiếu nhi của ông và không thích những bài châm biếm vì có vẻ hơi độc. Duyên Anh học ở trường bác và cha tôi ở Thái Bình. Trong truyện gì đấy hồi xưa, Duyên Anh có kể lại kỷ niệm khi học anh văn với cha tôi. Các cô ruột tôi thì không thích Duyên Anh. Các cô nói ngày xưa DA đi học, rất “du đãng”!

Năm 2005, VTH tổ chức Đêm Nhạc Vũ Đức Nghiêm. Trước đó, Hiền tặng tôi cuốn “Vũ Đức Nghiêm, anh tôi”. Tôi đã xem ngay và viết bài giới thiệu ngay.

VTH là người bạn tốt, đứng đắn. Tôi bơ vơ nơi xứ lạ, VTH đã giúp tôi bằng việc giới thiệu những thân hữu của VTH ở Virginia cho tôi. Hiền hát hay, giọng trầm và ấm. Hiền rất gắn bó với nhạc sĩ Thanh Trang. Tôi thì không chú ý nhạc TT nhiều lắm. Tôi yêu nhạc khác.

Đã lâu lắm tôi không liên lạc VTH nhưng vẫn nhớ VTH là người bạn tốt, tâm hiền.

Nhà của tôi, tôi đùa gọi nơi mà Tâm Vô Lệ, cho tôi đất để tôi upload nhạc lên đó, tôi chưa sử dụng thì Tâm Vô Lệ đã cho VTH dùng tạm!

 
Trần Trung Đạo

Trần Trung Đạo áo xám- Lan Chi bìa phải

Sông côn, bạn net Đặc trưng gọi phone dụ dỗ bà chị đến Boston. Năm đó, mới đến Virginia và tôi chưa làm biếng như sau này, còn hăng hái đi đây đi đó. Tôi nhận lời.

Chuyến đi đến Boston và tôi có thêm vài bạn mới. Trần Trung Đạo là một. Trần Doãn Nho không cũ không mới. Nho là người trong group những người thích nhạc P.D. Tôi gặp Nho qua bài viết chuyển trong nhóm. Gặp và biết Trần Trung Đạo lần đầu.

Đạo muốn tôi lên dự để khi về, viết bài tường thuật vì Đạo nghĩ rằng, tôi là người mới và sẽ nhận xét khá trung thực.

Đạo tính nết dễ thương. Khéo lắm. Tôi cũng mến Đạo.  Nhưng đáng tiếc là năm 2006, khi VC thâm nhập nhiều, tôi vô tình đọc bài “Ông Thiện và Ác” ở Đặc Trưng do ai đó gửi lên. Tôi bất bình vì thấy cái ý hoà giải ở trong đó. Từ đó, ít liên lạc.

Thơ Đạo bình dị không cầu kỳ trau chuốt và vì thế những “người trẻ” ( tức độ tuổi sinh năm 1958,1965…) yêu thích vì dễ hiểu, dễ thấm. Tôi thì không thích lắm. Có lẽ với tôi, thời kỳ thích thơ “hiệu đoàn”, một loại như thơ Nguyên Sa không còn nữa. Tôi thích thơ với ngôn ngữ “cao cấp” hơn một chút. Đạo có một bài thơ mà chính Đạo cũng như bạn bè thích: “Xin đổi thiên thu lấy tiếng mẹ cười”. Thú thật tôi không cảm được tựa đó. Với tôi là vô nghĩa và có gì đó không thật. Tôi thích bài khác của Đạo hơn. Đó là

Em về phố cũ chiều mưa lớn
Vóc ngọc ngà khoe dưới lụa hồng
Ta như giọt nước mùa mưa ấy
Đã cuốn trôi về trăm nhánh sông.

Trần Doãn Nho

Lan Chi- Trần Doãn Nho

Người Huế gì đó và thích nghiên cứu. Đó là Trần Doãn Nho. Tôi biết TDN khi ở cùng group những người thích nhạc P.D. Tôi đọc bài viết của TDN và ngược lại. Quen từ đó.

Gặp nhau lần đầu ở Boston. Ra mắt sách Thu Thuyền, Trần Trung Đạo, Phan Xuân Sinh, Lâm Chương gì đấy. Tôi đi xe Đinh Quang Trung cùng Nguyễn Đăng Tuấn và họa sĩ Vũ Hối vì cả bốn chúng tôi đang ở Virginia và Maryland.  Khởi hành bẩy giờ và khoảng bốn giờ chiều đến nhà Phan Xuân Sinh. Gặp nhau khá đông ở đó. Hôm sau mới là buổi ra mắt sách.

Trần Doãn Nho đứng trước mặt “Tôi biết chị nhưng chị không biết tôi đâu”. Thường là như thế vì hình ảnh tôi tràn lan net! Nhưng sau đó Trần trung Đạo bật mí và tôi biết, người thỉnh thoảng trò chuyện qua mail với tôi là đó!

Tôi trêu TDN vì cái áo tím. Hôm sau anh giới thiệu bà xã. Chị xinh lắm.
TDN in mấy cuốn đều là dạng kháo cứu. Hai bài công phu của anh về âm nhạc là hai bài về P.D và TCS.

Tôi, giống anh là thích nhạc P.D.
Tôi, khác anh là không thích nhạc TCS.

Có thời kỳ hai anh em chơi với nhau cũng khá vui vẻ. Anh hứa giúp khi tôi cầm tờ báo. Nhưng một số vấn đề xảy ra. Tôi đoán là liên quan đến vụ án NHL và HS. Có dính líu đến nhóm Boston mà TDN là một trong những người đó. Tôi không hiểu nội tình lắm nhưng qua những gì HS lý luận, phân tích, tôi thấy hợp lý. Và lúc đó tôi dành tình cảm cho HS vì HS chống cộng rõ ràng.

TDN và tôi không liên lạc từ đó.

Không chỉ TDN, sau này nhiều người cũng từ từ ít liên lạc. Lý do dễ hiểu thôi, họ cho rằng họ là văn nghệ sĩ, họ không tham gia chính trị!

Tôi, không đồng ý điều đó. Tôi, không hoạt động chính trị theo kiểu tham gia đảng phái nhưng tôi có chính kiến rõ ràng.

Chính kiến đó là:

Không hoà hợp với Vc.
Không đầu hàng VC bằng việc về Việt Nam xin in thơ, sách, nhạc.
Không chấp nhận cho nhạc TCS được vang lên ở các buổi tiệc của cộng đồng tức nơi công cộng do các TCCD hay hội cựu quân nhân tổ chức.
Không chấp nhận cho nhạc của các nhạc sĩ danh tiếng, đang được ưu đãi trong nước, được vang lên ở những nơi công cộng của hải ngoại. Tương tự, không chấp nhận ca sĩ ưu đãi của VC được đứng trên sân khấu của người Việt tị nạn cộng sản.

Trần Quang Thiệu
 

Tôi quen Trần Quang Thiệu ở diễn đàn Đặc Trưng.

Có lẽ cùng thế hệ nên khi đọc bài TQT viết về kỷ niệm với bạn bè hải quân, tôi thấy thú vị.

Tôi kéo TQT về cho mục “Một Thời Áo Trận” ở Bán Nguyệt San Sóng Thần khi tôi giữ chủ bút. thật ra tôi giao mục này cho người khác phụ trách nhưng anh ta làm việc hơi bê trễ và tôi đành “cover” luôn.

Cũng đôi khi tôi lấy truyện ngắn của TQT để đăng. “Gió thoảng Tây Hồ”, một truyện ngắn nhẹ nhàng được nhiều độc giả mến.

TQT đã in vài sách. Tôi đọc được một. Đa số truyện TQT nhẹ nhàng, tình cảm và không có sóng gió kiểu nhà binh.

Tôi gọi điện thoại cho TQT để “tào lao” chuyện net. Cũng có khi đồng ý với nhau và cũng có khi khác ý. Khi khác ý thì như thường lệ, có lẽ TQT “đầu hàng” tôi như Đỗ Văn Phúc vậy!

Lợi điểm của phụ nữ là như thế đó!

Tô Vũ

http://i36.photobucket.com/albums/e37/lanchi7/NhacSi/VanSi/ToVu.jpg
Giọng nói rất hay, vô cùng ấm, galant chính hiệu “Parisien”, đó là “Tô Vũ của tôi”!

Xem bài Tô Vũ viết về Hoàng Lan Chi ở trang web của Tô Vũ (trong web của cộng đồng Paris gì đó), mấy người bạn của tôi phải phì cười. Cười vì “ông già” “tán” hay quá sức. Là “già” đấy nhé! Đủ biết thời trẻ, “cụ” còn tung hoành ra sao!

TV viết rằng đọc văn Hoàng Lan Chi đã thấy thích rồi nhưng tìm mãi không gặp. Cho đến một ngày…!

Tôi, lúc mới liên lạc, rụt rè “..thưa Tô Vũ có phải là …?” TV cười lớn “Cô là người thứ mấy mươi! Tôi làm sao sáng tác được bản nhạc hay như Em đến thăm anh một chiều mưa cơ chứ!”

Tôi, như thường lệ, toan tính …nhưng Tô Vũ “…cô chỉ bằng tuổi con gái lớn của tôi thôi. Cô gọi bác/chú gì đều được cả”!

TV viết văn hay thơ chịu ảnh hưởng của thời tiền chiến nhiều. Cũng phải thôi vì ‘”chàng” lớn lên thời ấy mà! TV hay viết thơ Pháp. Thì cũng phải thôi vì “chàng” ở Paris bao năm trường!

TV đã từng phụ trách chương trình phát thanh ở Paris từ những năm 80 gì đó. Kỳ cựu thật!

Paris, nơi tôi thầm mong có ngày đến vì từ nhỏ, học Pháp văn, tôi gắn bó nhiều với văn chương Pháp.

Bây giờ Paris, tôi mong hơn vì có nhiều người thân ở đó, TV là một, “lão ngoan đồng” dễ thương của tôi !

 
Hồng Vũ Lan Nhi

Lan Chi -Hồng Vũ Lan Nhi

“Chị Cả!”

Chị lớn nhất và được mọi người gọi như thế ở forum Trưng Vương và thân hữu ở Việt Báo online. Tôi ở forum này từ khi còn ở Việt Nam.

HVLN vào sau tôi. Tính chị vui vẻ dễ thương và tôi đã nhận xét “ tính chị tồ giống tôi”. “Tồ” là ám chỉ người đó khờ không hiểm độc, ruột để ngoài da.

Khi đến CA, Xuân Hoa đưa tôi đến nhà chị. Chị cao, to. Hồi trẻ chắc đẹp lắm chị có nét.

Chị có hai ba topic và mọi người thích đọc vì chị kể đủ chuyện trong đó. “Lá thư mầu tím” coi như chị viết cho một người tình nào đó và kể chuyện. Từ chuyện văn chương đến chuyện bên ngoài đời, gọi nhau í ới đi họp mặt hay ăn uống…

Chị cũng làm thơ. Thơ chị nhẹ nhàng như tính cách chị. Chị là em ruột GS Lê Hữu Mục.

Phạm Đình

Không nhớ vì sao tôi quen anh.

Nhưng mục anh phụ trách cho tôi khi tôi làm chủ bút Sóng Thần thì “tuyệt cú mèo”.

Có gì đâu. Mục “Xe cộ” mà. Anh viết dễ hiểu, dí dỏm và hình ảnh đầy đủ.

Anh xem tôi ở Mạch Sống và thích tuỳ bút của tôi. Khi gọi điện thoại, giọng anh ấm, ân cần. Thì anh phụ trách chương trình phát thanh cho công giáo gì đó mà.

Tôi cần người viết dùm thư xin việc. Cầu cứu anh vì anh là thông dịch viên. Chao, anh viết  bức thư thật hay! Cô em họ tôi có chồng Mỹ cũng khen “Anh ấy viết rất có ấn tượng”.

Anh “khen” tôi nhiều lắm. Tôi cứ “nghe” và không nói gì cả!

Khi tôi không làm chủ bút, ông chủ nhiệm mời anh tiếp tục. Nhưng “được lịnh” Hoàng cô nương thì anh “ OK Lan Chi ơi, anh theo Lan Chi mà!”

Anh, thật là dễ thương, phải không?

Lê Quý Đính


Anh là “dân Tổng Nha Kế Hoạch” với tôi.

Tôi “lụm” được anh khi ông Phó Tổng Giám Đốc của Tổng Nha Kế Hoạch thời tôi làm việc (1971), Trần Lương Ngọc, gửi bài viết “Bác Phó của tôi” vào group TNKH.

Trò chuyện được biết anh là lão làng của ngành an sinh xã hội, tôi “dụ dỗ” anh viết bài. Anh cố gắng viết và bài anh được hoan nghênh. Những mục liên quan đời sống bao giờ cũng được hoan hô!

Anh đang làm công quả cho chùa chiền vùng anh ở.

 
Từ Trì

Từ Trì cũng là “dân Tổng Nha Kế Hoạch” với tôi như Lê Quý Đính. Nhưng anh hơn tuổi tôi khá nhiều. Lúc tôi ra trường vào làm ở Tổng nha, anh đã nhận nhiệm vụ khác.

Văn Từ Trì nhuốm nhiều hơi hướng của một thời “Tự Lực Văn Đoàn”. Tôi thích nghe anh kể chuyện thời ấy.

Từ Trì đang là Trung Tâm Văn Bút Hải Ngoại Châu Âu.

Quan Dương

Không nhớ quen Quan Dương ở đâu và khi nào. Nhưng khi tôi đặt chân lên vùng trời mơ ước, Orange County, QD gọi cho tôi.

Cái giọng đàn ông ồm ồm nghe không hạp lỗ tai cô “bắc kỳ nho nhỏ”! Tôi “chọc quê” và QD bảo, OK tôi là lính mà! Có lẽ vì từ trước đến giờ tôi quen nghe giọng Bắc nhẹ nhàng.

QD viết thơ hay. Có nét lạ. Tôi đọc  được một số. Thế là quý vì tôi vốn dĩ không đủ thì giờ để xem thơ. Tôi thích nhạc và văn hơn. Cũng có lý do là sau này Việt Nam nhiều thi sĩ quá. Ai cũng làm thơ cả. Đọc người này và không đọc người kia, lại có kẻ buồn. Tốt hơn …không đọc!

Tôi có đọc một truyện ngắn của  QD và có viết bài giới thiệu. Hôm ấy, trời có trăng, cây khế xinh xinh bên hàng xóm toả hương thơm nhè nhẹ và tôi đã ví văn QD trong bài ấy như hương khế quê hương.

http://my.opera.com/quanduong-weblog/blog/

Nguyễn Ngọc Hạnh

Nguyễn Ngọc Hạnh gốc phi công.

Tôi quen NNH khi NNH tham gia forum Gia Long và thân hữu. NNH có lối kể chuyện rất tếu nhưng cũng khá “bậy bạ”. Đọc văn NNH là bò ra cười. Sở trường của NNH là kể chuyện vùng quê. Nghe NNH kể cũng hấp dẫn y như Hưng Yên. HY là Bắc còn NNH là Nam.

Tôi đã có ý nghĩ nếu NNH có thì giờ để viết thì truyện dài của NNH ăn khách không thua gì “Chú Tư Cầu” cả.

Mỗi lần trò chuyện thế nào NNH cũng gửi truyện tiếu lâm cho tôi xem. Năm 2004, tôi đến nhà NNH chơi và được ăn bún bò gì đấy của O Diễm, vợ NNH.

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.