Một thời “Tổng Nha Kế Hoạch”

 

Vào khoảng 1967 trở đi, sau vụ Tết Mậu Thân, chiến tranh ngày càng khốc liệt và “hàng hàng lớp lớp người ra đi”. Trong “hàng hàng lớp lớp chưa về, hàng hàng nối tiếp câu thề”, tôi đoán có lẽ không  có nhiều những người thuộc thành phần sinh viên. Thuở ấy, rớt là đi lính. Vì thế mới có bài thơ não nùng của Nguyễn Tất Nhiên “Anh hỏng tú tài, anh đợi ngày đi. Đau lòng anh muốn khóc…”. Còn nữ sinh viên như  chúng tôi thì vui. Đi học là vui. Nhưng khi học xong, tìm việc làm thì không  vui tí nào.
Người nào có cha mẹ, họ hàng “gốc” hay quen biết thì dễ có việc. Họ hàng gia đình tôi là nhà giáo cũng có học trò này nọ nhưng cha tôi không  thích nhờ cậy ai và tôi tự đi tìm việc. Mới xin hai nơi không xong, tôi buồn tình và viết bài “Ba lần văn bằng cử nhân đi xin việc làm” đăng trên báo Chính Luận, mục “Chuyện Phiếm”.  Ngày xưa Chính Luận là một tờ báo thuộc loại khá “cao cấp” và có số phát hành cao. Sau khi báo đăng vài ngày thì tôi nhận đuợc  thư của Giám Đốc Nha Viện Trợ thuộc Tổng Nha Kế Hoạch mời đến.


Tổng Nha nằm trên đường Lê Thánh Tôn, đoạn gần Thi Sách. Giám Đốc của tôi là một chàng Kỹ Sư trẻ tuổi (chỉ hơn tôi năm tuổi) nhưng không đẹp trai tí nào. Đã thế còn có tật xức nước hoa thiếu điều như tắm. Chỉ cần ông ta sắp đi tới là ai cũng biết vì mùi nuớc hoa của chàng đã đi tiền trạm rồi. Dũng, Trần Hữu Dũng, người miền Nam, Kỹ sư Điện từ Mỹ về là tên của Giám Đốc Nha Viện Trợ. (1) Tiếp tôi, KS Dũng nêu yêu cầu là tôi phải viết một tài liệu có tên là “Các chương trình viện trợ của quốc tế cho Việt Nam”. KS Dũng cũng nói cho biết mức lương và vài điều thông thường khác. Thú thật, ngày đó Việt Nam chưa phát triển như bây giờ nên tài liệu về các công ty không  phong phú. Các kỹ năng phỏng vấn xin việc cũng chưa có tài liệu nhiều như bây giờ. Tôi lại là người được mời nên hoàn toàn không  biết tí gì về Tổng Nha Kế Hoạch. Cũng may KS Dũng chỉ nói sơ sơ và không phỏng vấn đúng mức theo kiểu thông thường.
Tổ chức, sắp xếp nói chung là “phòng hành chánh” của TNKH, tôi không  biết. Tôi hình dung rằng TNKH không lớn thì Tổng Giám Đốc phải biết Tổng Nha có nhân viên mới và người tuyển dụng tôi có nhiệm vụ giới thiệu. Trên thực tế, KS Dũng không hề làm thế. Tôi đi làm, ngồi vào bàn của mình, chỉ biết mỗi người ngồi bàn cạnh là cùng Nha Viện Trợ, ngoài ra tôi “mù tịt” hết. Tôi bơ vơ, bỡ ngỡ và lặng thinh. Hôm sau, một ông chuyên viên tướng tá cũng có vẻ cao ráo, mặt mày coi bộ cũng “bảnh bao” đến làm quen, hỏi tôi này nọ và sau đó anh dắt tôi đi giới thiệu với “Tổng Nha”. Qua anh, tôi mới biết “Tổng Nha” có hai Nha: Kế Hoạch và Viện Trợ. Tổng Giám Đốc Nguyễn Văn Hành, Kỹ sư Nông Nghiệp, người Nam. Phó Tổng Giám Đốc kiêm Giám Đốc Nha Kế Hoạch, Trần Lương Ngọc và “boss” của tôi, Trần Hữu Dũng, Giám Đốc Nha Viện Trợ. Đa số chuyên viên Nha Kế Hoạch là người Bắc. Chuyên viên Nha Viện Trợ ít người hơn.

Lê Quang Toản ngày xưa

Vào thời gian đó ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng vấn đề kỳ thị “Nam Bắc” là có. Có lẽ khi mời, KS Dũng không đoán được tôi là người Bắc! Nếu biết chắc hẳn ông ta đã không mời vì coi bộ ông này đầu óc “kỳ thị” khá nặng. Ngược lại cá nhân tôi cũng có vẻ ‘”kỳ thị” khi tôi ưa thích chơi với con trai Bắc hơn. Vì thế khi vào Tổng Nha, tuy là nhân viên Nha Viện Trợ nhưng cuối cùng tôi “chạy tọt” qua Nha Kế Hoạch! Bên này người Bắc chiếm đa số. Tôi có cảm tưởng cùng một Tổng Nha nhưng 2 Nha (Kế Hoạch và Viện Trợ) không ưa nhau. Nhóm nam chuyên viên Kế Hoạch “có vẻ” yêu mến và thân cận với Giám Đốc của họ, và “có vẻ” “không  coi Tổng Giám Đốc” ra gì.

Tổng Nha lúc đó toàn nam chuyên viên và một nữ Thư Ký của Phó Tổng Giám Đốc. Cô này nhỏ tuổi nhất và các ông chuyên viên gọi là “Út”. Khi vào, tôi nhỏ tuổi hơn cô và tôi là nữ chuyên viên duy nhất.
Những ngày đầu, tôi nghiên cứu tài liệu và viết rất hăng. Có ngày tôi viết đến 35 trang giấy “pelure” hồng! Tôi thích viết trên giấy “pelure” hồng vì ngày đó tôi yêu mầu hồng nhất. Khi viết truyện gửi các báo, tôi cũng thường viết trên “pelure”.
Lúc đó, Tổng Nha đang soạn thảo cuốn sách “Kế Hoạch 4 năm phát triển kinh tế quốc gia”. Các chuyên viên Nha Kế Hoạch cũng lo viết nhưng có vẻ họ không  phải làm việc “bó buộc” lắm, có phần “dễ dãi” là khác. Sở dĩ tôi nói vậy vì khi trời lâm râm, T, anh chuyên viên lại làm quen tôi hay rủ tôi đi mưa! Lần đầu, tôi ngại ngần, T bảo “QG có làm ngày 15 tiếng thì đất nước vẫn thế. Không có gì thay đổi cả!”. Tôi tự ái nên nghe chàng nói vậy, tôi bèn đi. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ những chiều mưa ấy. Một nét của Sài Gòn. Một kỷ niệm của Sài Gòn trong tôi. Lúc đó T đã có nguời yêu. Còn tôi vẫn gọi T cũng như tất cả các chuyên viên nam khác bằng “Ông” và xưng tên QG!
Chúng tôi lang thang từ đường Lê Thánh Tôn sang Thi Sách rồi vòng ra Hai Bà Trưng. Chúng tôi vào “Nhà thờ Đức Bà” và dù cả hai đứa chẳng ai có đạo nhưng cũng quỳ gối cầu xin.
Gió rét từng cơn rét từng cơn
Lòng em gía buốt nỗi ưu phiền
Giáo đuờng chuông đổ nghe ròn rã
Không xoá ưu tư vẫn triền miên
Bạch huệ rung rinh trước ánh đèn
Tượng hình Đức Mẹ đứng trang nghiêm
Đôi tay mở rộng như chào đón
Em vội cúi đầu cúi đầu khẽ cầu xin.
(Hoàng Lan Chi 1963 )
Mấy chục năm sau, chúng tôi hội ngộ ở nhóm mail “Tổng Nha”, anh viết cho group như sau:

“ Cô Quỳnh Giao này có trí nhớ tốt thật. Tôi nhớ lúc ấy tôi làm ở Nha Viện Trợ. Anh Từ Trì đã chuyển sang Bộ Ngoại Giao. Giám Đốc NHa Viện Trợ lúc đó là anh Trần Hữu Dũng. Khi cô Quỳnh Giao đến làm việc, thấy cô bé này ” hay hay” nên mấy anh chuyên viên trẻ thách nhau đến làm quen. Và tôi đã nhận lời đưa cô nhân viên mới này đi giới thiệu khắp nơi. Tôi nhớ mình thắng được chầu cà phê vỉa hè đường Lê Thánh Tôn. It lâu sau tôi chuyển sang làm việc ở trụ sở 244 Phan Thanh Giản, cùng bộ phận nghiên cứu dưới quyền Ông Nguyễn Như Cương và không có dịp gặp lại cố nhân Quỳnh Giao nữa.

Vậy mà đã hơn 30 năm rồi. Năm ngoái, khi đọc lại bài viết của Lan Chi về ngày cô vào làm ở Tổng Nha Kê Hoạch, tôi làm được một bài thơ ngắn, trong đó có mấy câu :

” Một vùng như thể” trên trang Web
Người vẫn nguyên đài các diễm kiều
Có nhớ Saigon ngày xưa ấy
Có kẻ vì ai đã mộng nhiều

“Một vùng như thể ” là tôi lấy phần đầu câu Kiều.( Một vùng như thể cây Quỳnh cành Giao )Trên trang Web là cô em gái Đỗ Nghiêm Trinh gởi hình Lan Chi trên e mail cho những anh em Kế Hoạch . Ngay từ ngày Quỳnh Giao vào làm ở Kế Hoạch  là tôi nghĩ đến câu thơ này mỗii lần nghĩ đến cô, và hình như tôi nghĩ đến cô hơi nhiều.

LQT”

Về biệt hiệu của tôi, anh viết:

“Việc Lan Chi đổi tên làm tôi nhớ đến câu thơ của Shakespeare: A rose, by any other names, would smell as sweet. Tặng QG mấy câu:

Dù Lan Chi hay Quỳnh Giao
Vẫn em đài các thanh cao khác gì
Dù Quỳnh Giao hay Lan Chi
Vẫn là em đoá tường vi yêu kiều

Tôi thích mấy câu thơ này của T lắm.
Trở lại với Tổng Nha. Một lần tôi còn ngồi viết đến 6 giờ chiều thì Tổng Giám Đốc đi họp trên Bộ về. Vào Tổng Nha, phải đi ngang khu tôi làm việc mới lên lầu được, ông có vẻ ngạc nhiên khi thấy cô chuyên viên trẻ còn ngồi đó. Cũng mấy chục năm sau tôi hội ngộ ông ở Virginia trong một dịp hết sức tình cờ. Lúc này ông đổi tên từ Nguyễn Văn Hành sang Nguyễn Văn Hạnh và đang giữ chức Tổng Giám Đốc Văn Phòng Tị Nạn cho chính phủ “Bush con”. Thời “Bush cha”, ông cũng giữ chức vụ này và khi Bill Clinton lên thì ông về Cali dạy học. Đến kỳ sau, “Bush con” lại bổ nhiệm ông. Tôi đã viết một bài về ông “Ông xếp của tôi ngày xưa và bây giờ”. Trong đó tôi nói rằng ngày xưa ông “khó ưa” bao nhiêu thì bây giờ “dễ ưa” bấy nhiêu!

TS Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Tổng Giám Đốc Tổng Nha Kế Hoạch (1971)
Một lần khác, trời mưa và T cũng rủ tôi đi mưa nhưng mưa hơi lớn, tôi ngại ngần. Cuối cùng tôi đề nghị ở nhà chơi đố que tăm! Tôi ra đề, có 15 que, rút 6 còn 10. Tôi xếp các que tăm thành các hình vuông. 3 hình vuông có 4 cạnh là 4 que. Hinh 1 thêm 1 que gạch đứng ở giữa, hình 2 thêm 1 que gạch ngang ở giữa và hình cuối là 1 gạch chéo ở giữa. Hôm đó Tổng Giám Đốc đi họp nên cuộc thi lôi kéo gần như hầu hết các ông. Buồn cười, nam chuyên viên của Tổng Nha, đa số đại học và có người còn tốt nghiệp đại học nước ngoài mà không  ai giải ra. Có ông còn đem tân toán học ra nghiên cứu. Trong lúc các ông đang chụm đầu vào giải thì bất thình lình Tổng Giám Đốc về. Đi ngang khu làm việc của tôi thấy mọi người đang chúm đầu, ông tò mò ghé coi. Ổng hỏi “Ai ra đề” Tôi cười. “Thưa ông xếp, c’est moi!” Ông chả nói gì lẳng lặng lên lầu. Sau đó, khi mọi người chịu thua, tôi chỉ việc rút 3 que ở hình 1, 1 que ở hình 2 và  2 que ở hình 3, để ra chữ TEN! Các ông la chói lói bảo tôi “ăn gian”!

3 hình vuông, mỗi hình 5 que tăm. Hình 1 có que đứng, hình 2 có que ngang, hình 3 có que chéo.

Rút 6 que, còn lại chữ TEN
Mỗi khi viết xong một chương, tôi đều nộp cho KS Dũng coi. Thật tình công nhận Dũng cũng hiền. Một lần, tôi gọi cho Dũng khi tôi đang ở dưới nhà chỉ để hỏi cái gì đó. Hôm sau lên lầu gặp, Dũng chỉ “Lần sau cô lên gặp tôi nhé. Hôm qua tôi đang họp mà phải trả lời  điện thoại”. Lần khác, tôi làm mô hình dưới dạng “plan” (sơ đồ) nhìn rất rõ ràng. Khi đem lên, Dũng gật gù khen nhưng sau đó Dũng sửa! Trời ạ, ông ta là kỹ sư du học Mỹ về điện nên mấy cái này có vẻ không  hay. Cái sơ đồ của ông ta dài ngoằng. Tôi bảo “Cái này làm sớ Táo Quân được đó ông Dũng ơi”! Một lần khác, Dũng gọi  điện thoại phàn nàn là tôi …tiếp bạn. Tôi tức lắm, hầm hầm đi lên lầu gặp boss và cự:
-Tôi không thường xuyên tiếp bạn. Nay anh bạn tôi nghe nói Tổng Nha có kế hoạch tuyển chuyên viên. Anh ta vô đây và tình cờ gặp tôi. Anh ta hỏi thăm tình hình. Tôi chỉ mới tiếp anh ta chưa tới 5 phút. Còn mọi ngày có khi tôi ngồi làm việc đến hơn 6g chiều thì ô Dũng  nghĩ sao?
-Thì tôi …nhắc nhở cô vậy thôi.
Thuở đó mới ra trường còn “hung hăng con bọ xít” và tính nết cũng “con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh!” (Bố tôi có tiếng là cương trực thẳng thắn) tôi dám nói với Dũng như sau:
-Ông Dũng, bây giờ tôi là nhân viên của ông. Ông là xếp của tôi.Nhưng ông có nghĩ sau này tình trạng trái ngược có thể xảy ra không?
Giám đốc trẻ của tôi ngớ người trong mấy giây. Chắc hẳn chàng ta không ngờ “con bé” dám nói như vậy. Nhưng cũng ngộ nghĩnh, ông ta lại cười cười:
-Có thể chứ.
Nói nào ngay, hồi đó tôi cũng ỷ mình nhỏ nhất và được đám chuyên viên nam cưng nên cũng hơi làm tàng!
Một lần khác, tôi cũng “cự” Dũng tỉnh bơ. Nguyên uỷ thế này, tôi và PĐP có trao đổi cho nhau xem, thơ của mình. Một hôm, ông tống thơ văn đem cho tôi giấy tờ. Đó là một tờ giấy trên đó chép 2 bài thơ: một của tôi và một của PĐP. Bên ngoài là một mẫu giấy in sẵn của Tổng Nha. Trên tờ này, KS Dũng đánh dấu “croix” vào ô (Gửi trả lại đương sự). Tôi “hầm hầm” đi lên lầu gặp Dũng:
-Ông Dũng, xin ông giải thích cho tôi biết vì sao có chuyện này?
-Tôi thấy tờ giấy đó trên bàn làm việc của tôi, tôi nghĩ là của cô, tôi trả lại cho cô.
-Thưa ông Dũng, tờ giấy đó là của tôi thật nhưng một kẻ nào đó đã “ăn cắp” và bỏ trên bàn ông. Tôi nghĩ ông thừa thông minh để đoán được điều đó. Nếu tôi là ông, một là tôi vứt vào sọt rác, hai là kêu tôi lên và đưa tận tay cho tôi. Vì đây không  phải là một văn thư chính thức hay giấy tờ gì đó của sở mà ông giao cho tống thơ văn đưa cho tôi!
KS Dũng ngớ người nhìn tôi giây lát. Có lẽ Dũng không ngờ tôi “nổi giận” như vậy. Nhưng tôi cũng không  hiểu nổi Dũng nghĩ gì khi thấy tờ giấy đó trên bàn mình lại sai tống thơ văn đưa tôi?
Sau 3 tháng làm ở Tổng Nha, tôi đã viết xong tài liệu viện trợ  cho Nha Viện Trợ của tôi. Hiện giờ tôi còn giữ được kỷ niệm này. Đó là bản thảo viết trên giấy pelure hồng, xanh “Chính sách viện trợ của quốc tế cho Việt Nam”.
Viết xong tài liệu, tôi ngồi chơi. Thế là viết báo. Tôi viết bài “Tốt nghiệp cử nhân khoa học đi làm kinh tế”. Trong đó tôi trào phúng: nào là Kỹ sư Điện Tử làm Giám Đốc Nha Viện Trợ, (ám chỉ Trần Hữu Dũng) Kỹ sư Sinh Học thì làm viện trợ (một ông cùng nha Viện trợ với tôi ) và Cử Nhân Hoá (tức là tôi) thì làm chuyên viên viết lách, Tổng Giám Đốc là Kỹ sư Nông Nghiệp. Bài tôi gửi đăng trên báo Sống của Chu Tử. Hồi đó báo Sống cũng nổi tiếng lắm. Giời ạ, báo đăng làm rúng động cả Tổng Nha! Bộ Kế Hoạch (coi như cấp trên của chúng tôi) quê quá (vì bài báo nói theo kiểu sử dụng nhân tài sái chỗ) điện xuống Tổng Nha hỏi  QG là cô nào!
Khoảng gần tháng sau đó, tôi bị “biệt phái” qua Nha Kế Hoạch và làm việc với ô Tô Ngọc Lỷ. Thật tình lúc này tôi cũng không nhớ công việc của tôi lúc qua Kế Hoạch là gì. Có lẽ linh tinh tạp nham đủ thứ thì phải. Ông “xếp nhỏ” Tô Ngọc Lỷ này rất “cưng” cô chuyên viên trẻ. Mấy chị thư ký làm việc hợp đồng (vì công việc viết Kế Hoạch 4 năm phát triển kinh tế quốc gia cần thêm nhân lực) cũng rất mến cô em. Lúc đó Tổng Nha đang tập trung viết cuốn “Kế Hoạch 4 năm phát triển kinh tế quốc gia” và đã tuyển thêm chuyên viên cũng như thư ký. Ông Phó Tổng Giám Đốc Trần Lương Ngọc kể lại cho tôi biết là:
“Thời ông Ngô Đình Diệm, Tổng Nha Kế Hoạch rất mạnh, trực thuộc trực tiếp Tổng Thống. Lúc đó nguồn việc trợ của nước ngoài phải qua Bộ Kế Hoạch để điều phối. Qua đệ nhị cộng hoà, vai trò của Kế Hoạch không còn như trước mà tập trung vào Bộ Kinh Tế, Bộ Tài Chánh và Tổng Nha Ngân Sách Quốc Gia. Từ khoảng 1970, để có nền kinh tế tự túc tự cường, Tổng Nha Kế Hoạch có nhiệm vụ liên lạc với các Bộ, Ngành để soạn thảo “Kế Hoạch 4 năm phát triển kinh tế quốc gia. Để làm được điều này, các chuyên viên Tổng Nha phải liên lạc với Bộ/Ngành. Các nơi này có người của họ hay cố vấn. Và khi họ viết, chuyên viên Tổng Nha có nhiệm vụ “điều phối viên”. Sách soạn xong, đệ trình Quốc Hội và sau khi Quốc Hội phê chuẩn, Kế Hoạch Phát Triển Quốc Gia sẽ được thực thi.
Trên nguyên tắc thì vậy. Thực tế thì thời chiến tranh, Phủ Tổng Thống có nhiều điều khác phải quan tâm. Nguồn viện trợ ít ỏi còn lại và tổng sản lượng quốc gia trực thuộc Bộ Kinh Tế cùng Tài Chánh, Tổng Nha Ngân Sách Quốc Gia. Vì thế kế hoạch chào đời năm 1971 nhưng vẫn chưa được xúc tiến.”
Khi tôi vào làm thì Tổng Nha đang “viết Kế Hoạch”. Sau đó tôi nghỉ Tổng Nha, về lại Khoa Học, học Cao Học và vào làm ở Ban Vật Lý Địa Cầu cho đến ngày mất nước. Tôi còn nhớ vài tháng sau khi tôi nghỉ Tổng Nha, “xếp nhỏ” Tô Ngọc Lỷ có đến Khoa Học tìm tôi. Anh đưa cho tôi cuốn “Kế Hoạch 4 năm phát triển kinh tế Quốc Gia” trong đó có tên tôi ĐTQG với “expert”. Anh “kể công” với tôi là anh phải tranh đấu để có tên tôi vì có người nói rằng tôi là chuyên viên của Nha Viện Trợ chứ không phải Nha Kế Hoạch. Tôi hỏi anh “kể” thế nào thì anh nói “Tôi kể là cô Quỳnh Giao cũng có thời gian làm Nha Kế Hoạch vậy. Đó là thời gian cô biệt phái qua với tôi đó”.
Dù sao cũng cám ơn “xếp nhỏ” Tô Ngọc Lỷ. Nhờ “xếp nhỏ” tôi có chút kỷ niệm với Tổng Nha. Mấy chục năm sau, khi vô tình bắt liên lạc lại với Bác Phó (từ “âu yếm” mà đám chuyên viên chúng tôi gọi ông Phó Tổng Giám Đốc Trần Lương Ngọc), tôi scan 2 trang của cuốn sách này, một trang có tên “Bác Phó” và một trang có tên tôi. Khi nhận, “Bác Phó” cảm động lắm, ông viết như sau:
Trang giấy năm xưa ngả sắc vàng
Nhuốm mầu kỷ niệm buổi xuân sang
Gợi niềm thương nhớ thời vang bóng
Mộng cũ tình xưa sương khói tan

Đúng vậy, trang giấy đã ố mầu vàng nhưng chứa đầy kỷ niệm trong đó. Tôi viết đáp lại “Bác Phó”:
Mái tóc sương pha, chiều cố quốc
Gặp nhau xứ lạ-nhắc chuyện xưa
Một giấc Nam kha bừng tỉnh giấc
Hoài cố nhân ơi Việt Nam hờ
.

Bác Phó Trần Lương Ngọc , Phó Tổng Giám Đốc, thứ hai từ dưới lên

Hoàng Lan Chi ( Đinh Thị Quỳnh Giao hàng thứ 2 từ trên xuống)

Trần Lương Ngọc ngày trước

Lê Quý Đính-Từ Trì-Trần Lương Ngọc

Lan Chi của thuở một nghìn chín trăm hồi đó

Và Lan Chi của một nghìn chín trăm bây giờ!
Thời gian làm ở Tổng Nha ngắn ngủi chỉ vài tháng và lẽ ra sẽ ngủ quên nếu không có vụ tôi gặp lại Tổng Giám Đốc Tổng Nha Nguyễn văn Hạnh vào năm 2005  tại Virginia. Tôi phỏng vấn ông cho chương trình “Trò Chuyện Với Lan Chi” của Truyền Hình VNHN ở Hoa Thịnh Đốn. Đương nhiên ông không nhớ tôi, nhưng khi tôi nhắc lại cảnh vật và tên người thì ông biết đây là người thực. Qua buổi phỏng vấn ông, được biết chính phủ Hoa Kỳ cấp một ngân khoản khá lớn cho “Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển BPSOS” trong vụ “bão Katrina”, tôi bèn “mò” đến phỏng vấn Giám Đốc NĐT của tổ chức này. Và sau buổi phỏng vấn đó, NĐT mời tôi phụ trách “media” cho BPSOS.
Cũng từ “cơ duyên” với Nguyên Tổng Giám Đốc Tổng Nha Kế Hoạch Nguyễn Văn Hạnh, tôi đã phỏng vấn TS Nguyễn Tiến Hưng khi ông ra mắt sách “Khi đồng minh tháo chạy” tại Hoa Thịnh Đốn. Lý do, tôi “ưu ái” vì tôi được biết Nguyễn Tiến Hưng là Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch (nhưng có lẽ vào giai đoạn sau khi tôi không làm ở Tổng Nha Kế Hoạch nữa). Năm tôi phỏng vấn TS Nguyễn Tiến Hưng là năm 2005. Khi đó tôi đến nhà hàng của một người con của TS Hưng dự buổi “gặp gỡ thân mật giới truyền thông” của ông Hưng trước khi ông ra mắt sách chính thức. Năm ấy tôi dự với tư cách phóng viên của Tuần San Sóng Thần và của Đài Phát  Thanh VNHN. Tôi còn nhớ ở đây lần đầu tôi gặp nhà văn Uyên Thao cùng nhà thơ Hoàng Song Liêm.
Ít lâu sau TS Nguyễn Tiến Hưng lại tổ chức một buổi gặp gỡ truyền thông. Ông gọi cho tôi và mời. Tôi bảo tôi không có xe. TS Hưng lúc đó rất dễ thương, ông bảo “Cho địa chỉ đi, anh lại đón Lan Chi”. Sau đó, tôi khá ngạc nhiên khi thấy lại đón tôi là …bà xã ông lái xe còn ông ngồi cạnh! Vì tôi cứ đinh ninh “phép lịch sự” là đàn ông phải lái xe cơ! Ông xếp tôi ngồi cạnh vợ chồng ông. Vì những cái “dễ thương” này, sau đó tôi giới thiệu sách ông cả trên Sóng Thần, Đài Phát Thanh và internet. Cũng tại buổi tiệc này, lần đầu tôi gặp Đào Trường Phúc, người làm tờ báo “Phố Nhỏ”, một tờ báo “khá ngon” là ..phải trả tiền trước để đăng rao vặt! Đào Trường Phúc là một người làm báo giỏi ở Virginia. Tờ “Phố Nhỏ” thuộc loại “khá”. Sau này, tôi khá “bực bội” khi thấy TS Nguyễn Tiến Hưng chào đời cuốn “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu”.

Bà Nguyễn Tiến Hưng- Hoàng Lan Chi ( 2005)
Vì “những dây mơ rễ má” đó với “kế hoạch” mà sau này tôi  viết bài để rồi một cơ duyên khác, tình cờ đẩy đưa cho tôi gặp lại nhóm “Tổng Nha”. Đó là vào năm 2007 gì đó, anh Đàm Trung Phán gửi bài tôi viết về ca sĩ Hà Thanh với Nguyễn Văn Đông  cho nhóm CP của anh (Nhóm CP là Colombo Plan, gồm các vị du học bằng học bổng Colombo, ở Úc và Tân Tây Lan) vì có Trần Kiêm Tịnh (hy vọng tôi không nhớ sai!) ở trong nhóm. Anh Tịnh là anh ruột Hà Thanh (HT là Trần Kiêm Lục Hà). Anh Tịnh khen rồi cảm ơn rối rít gì đó, tôi quên rồi. Nhưng từ những mail qua lại, một ông trong nhóm CP tò mò “theo dấu chân người”! Khi đọc một bài viết của tôi ở web Mạch Sống, “30 năm nhìn lại”, thấy kể rằng Hoàng Lan Chi đã từng làm việc ở Tổng Nha Kế Hoạch, “ông này” rất ngạc nhiên. Lục tung trí nhớ, ông cũng không tìm ra nổi tông tích. Thế là ông viết mail cho nhóm nhỏ CP hỏi cái gì đó. Tôi nhận ra đấy chính là “Bác Phó” ngày xưa!. “Bác Phó” là từ mà hồi đó nhóm chuyên viên dùng để gọi ông Phó Tổng Giám Đốc Trần Lương Ngọc. Tôi cho phone. Ông Phó gọi cho tôi ngay để truy tìm. Có có thể lúc đó ông ngỡ …Hoàng Lan Chi “giả mạo” chuyên viên Tổng Nha lắm! Tôi phá ra cười khi nghe ông Phó nói rằng ông đã hỏi mọi chuyên viên, không ai biết Hoàng Lan Chi cả. Làm sao mà biết được vì HLC chỉ là bút hiệu! Sau khi trò chuyện một giờ, thì ông Phó đã nhớ lại. Gì chứ cái vụ cô chuyên viên viết bài đăng báo “Sống” để Bộ Kế Hoạch phải “hỏi tội” Tổng Nha Kế Hoạch thì ông nhớ.
Một thời gian sau tôi viết bài “Bác Phó của tôi” đăng nhiều báo. Tôi đưa link của Việt Nam Nhật Báo ở San Jose cho “Bác Phó”. Bác Phó thích lắm, giới thiệu đến nhóm Tổng Nha của bác. Thế là từ đó tôi “gặp” lại một số anh chuyên viên Tổng Nha cũ. Trong nhóm, sau này có thêm nhóm chuyên viên “trẻ’ mới vào Tổng Nha khoảng 72-73 hay 75…
Riêng ông boss đầu đời của tôi, Trần Hữu Dũng, một lần vô tình tôi “gặp” ở net. Một trang web riêng nhưng hỡi ôi, đọc một lần, tôi không muốn quay trở lại. Dũng, qua web, là người khá “thiên tả”. “Hắn” đang về nguồn. Tôi mong “hắn” về, vỡ mặt và tôi chờ lúc hắn “tỉnh ngộ”.
Nhóm Tổng Nha chúng tôi còn anh Từ Trì, đang ở Pháp, hiện giờ là Phó Chủ Tịch Văn Bút Châu Âu gì đó. Anh rời Tổng Nha trước khi tôi vào làm. Văn Từ Trì nhẹ nhàng nhuốm hơi hướng nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Bác Phó làm thơ hay một cây. Lê Quang Toản, anh bạn cũ nghe nói thơ cũng lai láng và anh Chu Vũ Lộc, cũng hồn thơ bay bổng.
Uớc gì chúng tôi được cùng nhau trở về chốn cũ, thềm xưa để cùng nhớ về một Tổng Nha Kế Hoạch ngày nào.
Hoàng Lan Chi
——————————————————————————
Bài “Bác Phó của tôi” ở link sau:
http://www.vietnamdaily.com/index.php?c=article&p=44954

Các bài cùng Chủ đề Ngày Ấy

 

—————————————————————————————————
(1) Kỹ Sư Trần Hữu Dũng sau này du học Mỹ và tốt nghiệp Tiến sĩ. Một lần vô tình tôi biết được web của Trần Hữu Dũng. Tôi không  muốn nói tới Dũng nữa vì qua web, cho thấy Dũng có vẻ “thiên tả” khá nặng!
(2) Thời tôi vào làm Tổng Nha, Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch là Lê Tuấn Anh. Sau khi tôi rời Tổng Nha, vào khoảng 1972, TGĐ Nguyễn Văn Hạnh du học Mỹ, người thay thế là Phó Tổng Giám Đốc Trần Lương Ngọc. Tiếp đó là ô Cung Tiến (Nhạc Sĩ tác giả bài Thu Vàng) giữ chức Tổng Giám Đốc một thời gian ngắn. TS Nguyễn Tiến Hưng ( tác giả “Khi đồng minh tháo chạy”) về làm Bộ Trưởng Bộ Kế Hoạch có lẽ vào khoảng 1973 gì đó.

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.