TS Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Tổng Giám Đốc VP Tị Nạn của 2 thời TT Hoa Kỳ ( TT Bush cha và con), cựu Tổng Giám Đốc Tổng Nha Kế Hoạch Sài Gòn ( 1971)
Tốt nghiệp Cử Nhân Hóa – Đại Học Khoa Học Sài Gòn, như đa số sinh viên thời ấy, tôi cũng “chạy vạy” xin việc. Trong khi đang tìm, tôi nổi hứng viết bài “ Ba lần văn bằng cử nhân đi xin việc” đăng trên Chính Luận, một tờ báo lớn nhất thời đó. Chỉ tuần sau, tôi nhận lá thư ký tên Giám Đốc Nha Viện Trợ- Tổng Nha Kế Hoạch mời cô cử đang thất nghiệp đến làm việc.
Công việc của tôi là viết. Viết đàng hoàng chứ không có lách! “Các chương trình viện trợ của Liên Hiệp Quốc cho Việt Nam” là tác phẩm đầu tiên và duy nhất của tôi về kinh tế do Giám Đốc Nha Viện Trợ giao. Tổng Nha Kế Hoạch tọa lạc trên đường Lê Thánh Tôn, một khu nhà cổ. Cổ nên lắm ma. Nhìn bên ngòai, Tổng Nha có nhiều ô và tôi đã ví von, một chuồng chim cu! Là cô chuyên viên trẻ nhất và duy nhất của Tổng Nha nên tôi được các ông thuộc Nha Kế Họach cưng vì cùng tần số bắc kỳ chín nút. Còn Nha Viện Trợ nơi tôi trực thuộc thì ít chuyên viên và đa số người Nam. Giám Đốc Nha Viện Trợ là một kỹ sư tốt nghiệp Mỹ. Ông xếp này còn trẻ, chỉ hơn tôi năm, sáu tuổi gì đó. Vì thế, ông có nhiều “sơ suất” và tôi thì cô chuyên viên trẻ, còn hăng tiết vịt nên nhiều lần tranh cãi với xếp.
Tổng Giám Đốc Tổng Nha Kế Hoạch cũng khá trẻ và cũng tốt nghiệp Mỹ. Kỹ sư nông nghiệp. Vì sao ông được cử giữ Tổng Nha Kế Họach, một phạm vi kinh tế. Tôi không biết, tôi cho rằng cả Tổng Giám Đốc Tổng Nha lẫn Giám Đốc Nha Viện Trợ có giây mơ rễ má với ê kíp Hoàng Đức Nhã nên tuy trẻ mà được cử chức vụ khá cao. Với kiến thức học từ sách vở, đam mê lớn nhất thời ấy của mình, tôi ngang tàng và thường tranh luận. Tôi “bẻ” Giám Đốc mình đã đành, tôi còn “bẻ” sang cả Tổng Giám Đốc. Ngày đó Tổng Nha Kế Hoạch có nhiệm vụ kết hợp với mọi chuyên viên của các lãnh vực để soạn thảo “Kế Hoạch bốn năm phát triển kinh tế quốc gia”. Các chuyên viên viết bản dự thảo, đệ trình cho Bộ Kế Hoạch và Phát Triển. Cuối cùng, khi Bộ đồng ý, mới in sách và chính thức thuyết trình trước Quốc Hội. Bản dự thảo thời ấy quay roneo. Tổng Giám Đốc đã “nghía” vào công việc này và tôi đã ‘chê’ ông, tất nhiên là nói lén sau lưng rằng “Làm lớn coi việc lớn. Việc nhỏ có sai sót thì nắm đầu Giám Đốc mà rầy”
Vài lần, tôi ngồi làm việc trong sở tận sáu giờ chiều, Tổng Giám Đốc đi họp về, thấy tôi, ông có phần ngạc nhiên nhưng không nói gì hết. “Cái mặt khó đăm đăm, nghiêm nghiêm nghị nghị, ra vẻ ta đây thiệt khó ưa” Tôi nói như thế về “ông Tổng” với bạn bè Khoa Học khi họ hỏi thăm việc làm mới ra sao. Một lần khác, trời mưa. Một chuyên viên Nha Kế Hoạch từ lầu hai xuống rủ tôi đi mưa. Hôm ấy, tôi ngần ngại vì không là mưa bụi. Bụi để chỉ vừa ướt tóc mai. Bụi lớn thì ngại đường xa ướt áo trinh nguyên. Tôi rủ ngược lại anh cùng tôi chơi đố que diêm. Tôi lấy mười lăm que, xếp thành ba hình vuông. Hình thứ nhất có một que đứng, hình hai thêm que ngang và hình ba là một que chéo. Tổng cộng mười lăm que. Tôi đố anh, lấy đi sáu que, còn lại mười. Anh loay hoay tính toán. Vài chuyên viên khác tò mò đi ngang, cũng tham gia. Rồi lôi cuốn đông hơn. Thật là vui. Chuyên viên của Tổng Nha Kế Hoạch đều có bằng đại học và phân nửa tốt nghiệp nước ngoài. Quý vị còn lấy cả tân toán học ra tính. Các đầu chụm vào nhau bàn tán. Giữa lúc đó, Tổng Giám Đốc đi họp trên bộ về. Thấy cả đám chuyên viên của mình đang chụm đầu, ông ghé vào xem cái gì. Không ai thấy ông trừ tôi vì người ra câu đố đang đứng vòng ngòai cười. Ông la trời khi biết sự việc. Ông hỏi, ai “Ai bầy trò” ? Tôi tỉnh bơ “Dạ, c’est moi” ! Hôm ấy “Chàng Tổng” của tôi từ bi tệ. “Chàng” không la mà chỉ cười và lên lầu. Về bài toán đố, không ai giải được, chủ nhân vênh mặt . . lấy đi các que đứng, ngang và chéo để còn lại các que diêm được xếp thành chữ TEN! Mọi người “Ồ”, phản đối nhưng chủ nhân cũng to họng không kém. Đó là kỷ niệm vui của tôi ở Tổng Nha Kế Hoạch.
Ba mươi bốn năm sau, 2005, tôi gặp lại Ông Tổng thưở xưa trong một hoàn cảnh bất ngờ. Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại tổ chức buổi tiệc gây quỹ cứu trợ Katrina. Xướng ngôn viên giới thiệu Giám Đốc Văn Phòng Tỵ Nạn của chính phủ Hoa Kỳ. Hôm ấy không hiểu điều gì xui khiến, tôi không nói chuyện với bạn bè mà chăm chú nghe. Tiểu sử với “Cựu Tổng Giám Đốc Tổng Nha Kế Hoạch” làm tôi giật mình. Khi ông lên sân khấu, tôi mang máng nhận ra. Đương nhiên, một phóng viên thì phải nhạy bén nên tôi đã đến gặp ông ngay khi bài diễn văn kết thúc. Ông không nhớ tôi dù đã nhắc “Tôi là cô chuyên viên duy nhất của Tổng Nha thời ấy”. Nhưng khi tôi nhắc lại toàn bộ những gì của Tổng Nha, từ cái “chuồng chim cu” đến hai vị Giám Đốc Nha Kế Hoạch và Nha Viện Trợ, cô “thư ký đau tim”, thì ông biết đây là “người cũ” thật.
Dường như một tháng sau, tôi mời Ông đến Đài Truyền Hình Việt Nam Hải Ngoại để cùng “Trò chuyện với Lan Chi” về các chính sách tị nạn của chính phủ Hoa Kỳ. Tôi chưa có bằng lái xe và Ông phải đến đón tôi. Trên đường về, chúng tôi ôn lại vài kỷ niệm xưa. Của “Một thời Tổng Nha”. Tôi được biết sau này qua Hoa Kỳ tu nghiệp từ 1973, Ông đổi hướng đi chuyên ngành kinh tế. Năm 1975, Ông đã giúp chính quyền tiểu bang California về vấn đề giúp thuyền nhân định cư. Rồi từ đó, Ông tiến cao và giữ chức Giám Đốc Văn Phòng Tị Nạn của chính phủ Hoa Kỳ qua hai thời: Bush cha và con.
Tôi viết bài sau buổi thu hình để đăng báo. Khi chuyển, ông sửa một ít rồi một buổi sáng thứ bẩy, ông mất hơn giờ đồng hồ gọi phone để sửa bài cho tôi. Tôi phá ra cười. À ha, tôi nói tiếng Việt thì có lẽ không tệ nhưng những quy tắc khi đánh máy thì very dở ẹt! Có gì đâu, ngày ấy sinh viên, học sinh Việt Nam đâu có được học đánh máy? Viết bài cho báo chí, tôi viết tay và thợ xếp chữ có nhiệm vụ ấy. Khi computer phát triển, tôi không học “bài bản” mà gõ mổ cò và bỏ dấu chấm phẩy rất tùy tiện. Sau này, vài tạp chí lớn đăng bài của tôi, họ kêu trời vì nếu không sửa, dấu chấm của tôi sẽ chạy xuống hàng dưới rất vô duyên. Nhưng hôm ấy, điều làm tôi thú vị là ông xếp ngày xưa của tôi, rất khô khan, cứng, nghiêm, khó chịu bây giờ vẫn nhớ tiếng Việt, nói tiếng Việt lưu loát và còn giữ phong cách Việt. Ông ở Hoa Kỳ bao năm, đang giữ chức vụ khá lớn mà rào đón như sau “Cô Lan Chi, cái dấu chấm này để ngay sau chữ X có lẽ đẹp hơn nhỉ?”
Một ngày mùa hè Virginia. Trời bên ngoài nóng và nắng. Trong sở không thế nhưng đầu tôi nóng. Nóng vì căng thẳng khi phải sửa bài của các nhân viên. Tôi chưa bao giờ phải sửa bài văn của ai. Tôi viết từ bé và viết rất nhanh, ít gò bó trau chuốt. Với tôi, văn chương là son phấn, tôi chỉ chú trọng chuyển đến độc giả ý tưởng của tôi và hình thức tôi coi nhẹ. Tôi cho rằng thời buổi internet mà o bế câu văn như thời Tự Lực Văn Đoàn thì chán quá. Tôi còn “sáng chế” ra kiểu viết văn của riêng tôi. Đó là kiểu ngắn, cực ngắn. Cứ như phim rất ngắn vậy. Đôi khi không đúng văn phạm “truyền thống” gì cả. Không chủ từ, túc từ. Tôi thích vậy vì đọc cho đỡ nhức đầu ở thời buổi internet. Lượng thông tin khổng lồ, nếu ai cũng viết dài ngoằng thì làm sao đọc nổi. Trở lại, giữa cơn nóng đầu vì sửa bài người khác, tôi nghe ông gọi. Thú thực, tôi rất vui khi nghe tiếng Ông. Chả gì, Ông là vị xếp lớn đầu tiên của tôi và quãng thời gian ở Tổng Nha Kế Hoạch tuy ngắn ngủi nhưng kỷ niệm thì thật dịu dàng. Nhớ về Tổng Nha là nhớ những đồng tiền đầu tiên trong đời để từ đó tôi khoác lên mình những mầu áo dài rực rỡ, đường Sài Gòn cuối tuần, đường Thi Sách vòm lá me cao. Trò chuyện vui vẻ. Tôi khoe “À ha, hồi năm ngoái anh phải đón người ta, chứ bây giờ người ta có bằng lái xe rồi nghe, người ta sẽ đón anh để đến Đài Truyền Hình, anh không cần xin địa chỉ của Đài ” Ông cười to “Sao ‘người ta’ giỏi quá vậy, ‘Người ta’ biết lái xe rồi hả, ‘Người ta’ hay quá ha” Tôi phì cười “Ối ông xếp cũ của tôi ơi, sao ngày xưa anh khó ưa quá, cái mặt cứ nghiêm nghiêm, còn bây giờ sao anh nói chuyện hay quá vậy!” “ Cô phải nói là sao tôi còn nhớ tiếng Việt hay vậy!”
Một ngày vui cho mùa hè Virginia. Xếp cũ của tôi- ngày xưa, thật khó ưa, bây giờ thật dễ ưa!
Rừng Gió Virginia 2006
Hoàng Lan Chi
Các bài cùng Chủ đề Ngày Ấy