Tháng Mười năm 2004, Trần Trung Đạo gọi cho tôi từ Boston. Đạo muốn tôi đến tham dự buổi ra mắt sách của năm tác giả, Đạo là một. Đạo nói, sẽ có người đưa đi. Qua Đạo, tôi biết Đinh Quang Trung, Phó Giám Đốc Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngoại. Anh Trung ghé đón Hoạ Sĩ Vũ Hối trước, đón tôi sau. Tại nhà anh Trung, trước ngày “rong ruổi thiên lý đến Boston”, chúng tôi gồm Quang Trung, Vũ Hối, Nguyễn Đăng Tuấn, Hoàng Lan Chi đã có một buổi tối thật dễ thương bên nhau.
Trên đường thiên lý, bàn về sinh hoạt văn học hải ngoại, Nguyễn Đăng Tuấn đề nghị thực hiện chương trình Sáng Tác Mới. Tôi thích tìm hiểu tâm tình người khác nên anh Tuấn “giao phó” nhiệm vụ phỏng vấn nam nhạc sĩ.
Từ buổi phỏng vấn này, tôi nảy ra tư tưởng thực hiện một chương trình cho riêng mình. Cũng là phỏng vấn nhưng phỏng vấn “lung tung” nghĩa là “nhiều người ” khác nhau. Suy nghĩ về tên gọi, cuối cùng “Trò Chuyện với Lan Chi ” ra đời. Vì sao chọn Trò Chuyện? Đơn giản thôi, tôi chỉ muốn “đương sự” nói chuyện cho tôi nghe về những tâm tình muốn sẻ chia, những ước vọng muốn thực hiện, những khó khăn đang vướng mắc, những thành công đang tự hào. Tôi không muốn bắt bí ai hết. “Đương sự” không ra ứng cử một chức vụ nào như Nghị Sĩ hay Thống Đốc, mở một cuộc họp báo để rồi mình hỏi về những cái khó nói. Tôi chỉ muốn được nghe thủ thỉ.
Nhưng với Lan Chi, thì khi trò chuyện cũng có giới hạn và mức độ. Lịch sự, nhã nhặn, không công kích cá nhân, gây chia rẽ là điều Hoàng Lan Chi mong ước. Vì thế, nếu”đương sự’ có đi lố, Lan Chi có nhiệm vụ ngăn lại hoặc đôi khi huỷ không phát thanh hay phát hình.
Đã có bao cuộc trò chuyện với Lan Chi? Không nhớ nữa. Cũng chẳng nhiều nhưng tôi ít muốn nhớ. Chỉ biết, có những trò chuyện êm đềm nhẹ nhàng làm tôi thấy tâm hồn dịu dàng. Như trò chuyện với BS Nguyễn Ý Đức, BS Lê Văn Lân. Trò chuyện vui như với chủ trang web e-cadao Hà Phương Hoài. Trò chuyện hữu ích như với Giám Đốc Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, TS Nguyễn Đình Thắng hay Cưụ Chủ Biên Đài VOA , Lê Văn với “Rượu Vang, quà tặng cuả Thượng Đế”. Trò chuyện thú vị như với ca sĩ Mỹ Lan, “goá phụ ngây thơ” của ca-nhạc sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh
Từ Trò Chuyện, lại nảy ra ý tưởng mới. Hải ngoại khá phong phú với giòng nhạc của các nhạc sĩ đã thành danh trước 75 và đang trên đường sáng tác. Các CD được gửi tặng cho bạn hữu nhưng mức phổ biến thì hạn hẹp. Sáng Tác Mới của Nguyễn Đăng Tuấn đáp ứng một phần nào nhưng ai mà chả thích được giới thiệu trọn vẹn CD của mình? Thế là “Tác Giả-Tác Phẩm và Thính Giả” ra đời!
Chương trình thật cầu kỳ và công phu. Nghe CD, chọn nhạc phẩm, thu âm ý kiến nhạc sĩ tác giả về ba bản nhạc ưng ý, thu âm ý kiến một thính giả và ..tìm người cùng hội luận về CD. Giai đoạn đầu, ông Phạm Bá Vinh cùng hội luận cho CD của Hiếu Anh, rồi bận việc và bỏ ngang. Tôi “dụ dỗ” được nhà văn Nguyễn Đức Nam thay thế. Nhưng chỉ với hai CD thì Nam lại bỏ Lan Chi rồi! Luật sư Phạm Mỹ Lộc giúp cho CD của Thuỵ Mi. Ngọc Mai giúp cho CD của Nguyễn Tuấn. Hoàng Lan Chi tự hào vì từ trước đến nay chưa ai thực hiện một chương trình như thế. Nhưng chương trình đã phải gián đoạn vì …không tìm được người cùng hội luận. Mùa đông 2007, tuyết phủ trắng trời Virginia, Lan Chi thỏ thẻ với Quyên Di ở nắng ấm California qua điện thoại “Anh cùng Lan Chi làm chương trình nhé?”
Trong khi “Tác Giả-Tác Phẩm và Thính Giả” bị bỏ giữa chợ đời thì với nhiệm vụ cho Truyền Thanh Mạch Sống tại Atlanta, Lan Chi chào đời chương trình Nhạc Chủ Đề. Thực hiện chung là nhà phê bình cũng là nhà văn Lê Hữu. Chọn lọc từng nhạc phẩm, ca sĩ hát đến tác giả, Nhạc Chủ Đề được quý vị cao niên mến chuộng. Cũng phải thôi vì những giòng nhạc ấy, quý cụ từng nghe trong bao năm và bây giờ nghe lại với từng chủ đề, qua lời văn trau chuốt của Lê Hữu. Cũng biết bao công phu khó nhọc vì tìm nhạc không dễ.
Hỏi Lan Chi thích gì? Ừ, thì thích Trò Chuyện với mọi người, thích giới thiệu giòng nhạc xưa cho thính giả cao niên của. Vậy thôi.
Rừng Gió Virginia 2007
Hoàng Lan Chi