HLC- 47 năm nhìn lại- April 25, 2022

Hoàng Lan Chi

47 NĂM NHÌN LẠI

Thế là lại 17 năm trôi qua. Khi viết " 30 năm nhìn lại" là tôi đang ở Virginia, thành phố tình nhân, xứ sở hoa anh đào. Khi ấy tôi đang bắt đầu cuộc sống mới sau chuỗi ngày dài bị giam trong nhà tù CHXHCNVN. Khi ấy tôi đang sung sướng như chim được sổ lồng vì được hít thở không khí tự do, được hát lại quốc ca, được cầm lá cờ vàng phất phới trong tay. Tôi được thực hiện các chương trình âm nhạc mà tôi "say đắm" trong đó có tình ca quê hương của Phạm Duy, có bi hùng ca người lính của Nguyễn Văn Đông, có du ca của Nguyễn Đức Quang, có thơ của Tô Thùy Yên, Hà Huyền Chi. Tôi được viết văn kể chuyện xưa. Tôi còn được tham dự biểu tình ở Hoa Thịnh Đốn, tường thuật live về Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngọai, đài Việt duy nhất bấy giờ ở DC. Tôi cũng được tham gia các sinh hoạt cộng đồng mà nhiều người đã "ăn cơm nhà vác ngà voi" để bỏ gia đình vợ con ra cộng đồng vào các ngày cuối tuần điều hành cái gọi là "Tổ Chức Cộng Đồng", một tổ chức tôi xem đó là một thành trì của người Việt quốc gia chống cs. Họ đã be bờ cho cộng đồng từ sau 1990. Khi ấy chưa có cái gọi là nghị quyết 36 của vc.

Phải, tôi đã có được những ngày vui vẻ vì cộng đồng chưa phân hóa, vì thoát được cs. Giới nhạc sĩ tài tử khắp nơi gửi tặng CD để tôi giới thiệu. Tôi đã chăm chỉ nghe các sáng tác mới ấy, đã gửi ra cho thính giả của đài Việt Nam Hải Ngọai cũng như ở net. Chương trình ấy không dễ thực hiện vì tôi phải nghe, phải viết lời giới thiệu, phải tìm thính giả cùng nghe và cho ý kiến. Tuy vậy tôi không bao giờ thấy "mệt mỏi" khi làm những việc có ích, giúp cho nhiều người như thế.

Tuy vậy khi tôi vào Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển làm Chủ bút Nguyệt san Mạch Sống của tổ chức này, đồng thời phụ trách cả mảng Mạch Sống Media bao gồm cả truyền thành và truyền hình ( phát trên đài Việt Nam Hải Ngọai) thì tôi không thể thực hiện chương trình đó được nữa. Công việc bận lắm. Tối tăm mặt mũi. Cuối tuần nhiều khi bãi giữ xe mênh mông của Ủy Ban (chung với một tổ chức người Úc khác) chỉ có hai xe: xe của Giám Đốc Nguyễn Đình Thắng và của Hoàng Lan Chi! Ở đâu, trước hay sau 75, thì tôi cũng luôn làm việc hết mình và rất tận tâm, không hề ích kỷ, không hề tính toán thiệt hơn.

Không thể giới thiệu CD nhạc nhưng chương trình phỏng vấn có tên Trò Chuyện với Lan Chi thì thỉnh thoảng tôi vẫn thực hiện. Lý do, Mạch Sống Truyền Hình có chương trình "Lịch Sử qua lời kể" và tôi có nhiệm vụ phỏng vấn. (Tuy vậy sau này quá bận tôi không làm nữa). Lý do thứ hai, tôi vẫn dùng Trò Chuyện với Lan Chi để phỏng vấn mọi người về những gì có ích cho cộng đồng kể cả việc phỏng vấn Ts Thắng về chương trình HO đợt 2. Hoặc phỏng vấn Ts Hà Văn Hải cho cả chương trình của tôi hay của Võ Thành Nhân mỗi khi anh Hải ghé DC. Ts Hải khi ấy là đại diện cho HK tại Liên Hiệp Quốc. Cũng có khi tôi phỏng vấn mấy ông chủ tịch hoặc phó chủ tịch của các Tổ Chức Cộng Đồng khi mấy ông về VA do một sự kiện nào đó. Có thể kể ô Nguyễn ngọc Tiên, (Bắc CA), Nguyễn Kinh Luân (Dallas), Nguyễn Văn Tánh (Boston), Nguyễn Bác Ái ( Oregon)…

Sau này khi về CA học college, tôi vẫn có Trò Chuyện với Lan Chi ở Bút Tre (Arizona) nhưng từ 2016 thì …lười quá nên mail cho Chủ Nhiệm xin tạm nghỉ ít lâu. Ít lâu mà kéo dài đến hôm nay 2022. (cười)

17 năm qua, VNCS đã thế nào? Nhờ Mỹ bỏ cấm vận, nhờ NVL mà VNCS được "cứu" qua cơn khủng hoảng. NVL cổ vũ cho "đổi mới" và sau này được Võ Văn Kiệt tiếp nối. Sài Gòn vẫn là đầu tầu cứu cả con tàu VNCS.

17 năm, VNCS tung Nghị Quyêt 36. Hậu quả, một số không nhỏ văn nghệ sĩ ‘bò" về VN với các lý do 1,2,3,4. Hậu quả,một số không nhỏ các cựu quân nhân "bò về hưởng lạc" và khi trở qua hải ngoại thì dốc tâm "phản bội" lý tưởng quốc gia dưới nhiều hình thức (tham gia vẹm tân, mở nhiều tổ chức, hội đoàn để gây chia rẽ, chẻ đôi các Tổ Chức Cộng Đồng hay hội cựu quân nhân, chỉ trích những người ăn cơm nhà vác ngà voi với mục đích làm cho thế hệ 1,5 nản không ra cộng đồng làm việc nữa…). Hậu quả, hải ngoại bây giờ không như thời 1990. Phân hóa. Chia đôi, thâm chí chia năm xẻ bẩy.

17 năm. VNCS đã được Mỹ bỏ cấm vận từ 1990. VN có vị thế đặc biệt vì số lượng người Việt ở Mỹ rất đông và khối lượng người ở hải ngoại đã "chăm chỉ" gửi tiền, quà về. Những cái đó " giúp" cho VNCS qua được cơn hiểm nghèo.

17 năm. VNCS đã dùng tiền của quốc gia để lấn ra hải ngoại và trong nước thì đã xuất hiện những người chống chế độ. Họ được gọi là Tù Nhân Lương Tâm. Tôi nghĩ rằng trong số họ có khi là Thật và cũng có cả Giả.

17 năm. VNCS có Tự Do-Dân Chủ-Nhân Quyền chưa? dễ dàng trả lời "Chưa" vì còn đi theo chế độ độc tài thì làm gì có được những quyền "quý báu" ấy.

Nhưng bây giờ thì cá nhân tôi cảm thấy có chút vô vọng vì đã 47 năm trôi qua. Lứa chúng tôi, thế hệ Một đã và đang dần rơi rụng. Thế hệ 1,5 lứa đầu còn sức khỏe, có thì giờ hơn nhưng thế giới "đang già đi trông thấy", thế giới đang " buồn đi nhiều quá" và dường như nhiệt huyết trong họ cũng không sôi nổi như một thuở nào. Thế hệ 1,5 lứa sau thì có vẻ bị ảnh hưởng bởi giáo dục VNCS (nếu họ trưởng thành ở đây rồi mới qua Mỹ) hoặc chịu ảnh hưởng của giáo dục ở trung học Mỹ nên những suy nghĩ, lòng ái quốc, sự say đắm giòng lịch sử đẹp của đất nước, sự ngưỡng mộ những anh hùng thời lập quốc…, có vẻ khác chúng tôi rất nhiều. Buồn thay. Đau đớn thay.

Thôi thì cứ mặc cho con tạo xoay vần.

Gặp thời thế, thế thời phải thế *

Kiếp làm người cứ thế mà thôi!

Không lẽ như người xưa mà xin làm "cây thông đứng giữa trời mà reo" *

Rừng Gió Brisbane 2022

Hoàng Lan Chi

* Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ

BÀI CŨ- 30 NĂM NHÌN LẠI

Những ngày cuối tháng tư người ta ra đi ào ào, còn tôi khờ khạo chẳng biết gì. Không tìm đường đi đã đành mà còn ngây thơ, cho rằng miền Nam không thể mất.Cha mẹ cũng không biết gì vì là nhà giáo.

Sáng 29, cậu em ruột đã xuống tàu lại trèo lên mua ổ bánh mì và bị bỏ lại. Ôi ổ bánh mì! Em tôi đẹp trai, học giỏi, thông minh, nếu đi đuợc lúc đó thì hẳn cả gia đình tôi sau này sớm định cư Mỹ rồi.Trưa 30 tháng 4 nghe Dương Văn Minh đầu hàng, tưởng như giấc mơ. Cứ nghĩ làm sao Mỹ bỏ rơi Việt Nam? Việt Nam, tiền đồn của thế giới tự do. Sau phút bàng hoàng, ngắm nhìn trời Sài Gòn giữa trưa hè bỗng u ám, sầm tối, tôi vội vã đi chùi móng tay và bỏ thùng rác- mọi thứ dính líu đến chế độ cũ hay Mỹ như quân phục của người thân, sách viện trợ có hai bàn tay Việt Mỹ đan nhau…

Tháng năm mùng 2, một cậu trong ban Vật Lý Địa Cầu đến nhà “chị vô trình diện nghe”. Vào trường, đủ mặt bá quan văn võ.Cô Y, giảng nghiệm viên trong ban chúng tôi, đang ở trong phòng “Ủy Ban Quân Quản” để làm nhiệm vụ ghi tên mọi người.Trước kia, cô ta nằm vùng bị cảnh sát bắt bao lần và Thầy Trưởng ban đã bảo lãnh cho ra tù. Mọi phòng bị niêm phong. Có lẽ họ sợ… tài sản bị phá? Chúng tôi ngồi lê la khắp nơi tán gẫu.

1975-1976

Sau khi ghi danh, trường đóng cửa nghỉ để tòan thể giáo chức đi học chính trị. Một năm. Thời gian đầu, tạm thời tôi vẫn đuợc giữ lương cũ nhưng phải bỏ những giờ dạy tư thục. Mọi trường tư đuợc quốc hữu hóa. Các trường đại học tâp trung học chính trị ở Giảng đường Luật Khoa. Học xong thì ai về trường đó, chia nhóm, gọi là tổ để thảo luận.

Tôi còn nhớ một kỷ niệm vui ở Giảng Đuờng Luật Khoa-chính trị viên nói :

-Chúng ta phấn đấu để sau này mỗi nhà có một loa phát thanh!

Cả đám nhà lá (ngồi trên lầu để dễ nói chuyện!)ngó nhau… rồi không nhịn đuợc phá ra cuời.Tiếng cười lan rộng khắp giảng đường. Ngay hôm sau Thành ủy cử chính trị viên khác đến giảng. Cũng tốt thôi để họ biết rằng đám này không phải là dân quê Bến tre mà muốn nói gì cũng được.

Chúng tôi học hành ba trợn. Thành phần cách mạng “Ba lẻ bốn” tức cách mạng sau 30/4 là ra sức học tử tế. Nhưng cuối cùng thì ai cũng đậu. Ai cũng có cái bằng chính trị Mác lê. Thú thật, chỉ sau vài tháng, tôi quên sạch những gì đã học.

1976-1977

Trường bắt đầu xét, cái gọi là biên chế. Lúc đó ai cũng sợ mất việc vì chỉ có công nhân viên là đuợc nhà nước lo.Tiểu thương bị lên án, gọi bằng từ khinh miệt “con buôn”. Sau đó viện cớ tôi “tréo cẳng ngỗng” (học Hóa mà làm bên ban Lý). “Họ” cho tôi làm Thủ thư Thư viện khoa lý. Cũng khỏe. Một mình một cõi.

1977-1980

Từ 1977, thành phố… đói.Chẳng biết gạo ngon đi đâu? Hàng tháng, lãnh nhu yếu phẩm gồm 13 ký gạo hẩm độn mì sợi, bobo, nửa ký đuờng, 100 gram bột ngọt, 10 gói thuốc lá, 4 lít xăng, nửa ký thịt. Thỉnh thỏang đuợc mua cái mùng, lốp xe đạp, vải may áo ….Bấy giờ mới thấm thía những gì người miền Bắc kể lương một tháng chỉ đủ mua một cái áo len”!

Những ngày đầu ôm cái… băng vệ sinh, cuộn giấy kiss me về nhà thấy ngượng ghê lắm. Mỗi khi có hàng đặc biệt về “đột xuất” như cá, công nhân viên bỏ việc, xôn xao, tôi thấy ngậm ngùi. Trí thức vuợt biên, nhiều nhất là năm 1979. Thành ủy phải “viện trợ” một số tiền hàng tháng, cao hơn lương cho các vị Giáo Sư (cấp Tiến Sĩ) để giữ chân những tinh túy này. Tôi sinh con trai đầu lòng năm 78. Thằng bé ra đời trong tình trạng đói kém của tòan thành phố. Tôi bán từng cái áo dài – một thời vàng son đi dạy –mua từng gram thịt cho con… Mẹ tôi, người phụ nữ chỉ biết ở nhà nuôi dạy con theo ý chồng đã phải ra vỉa hè bán cà phê. Lý do, vào Nam với hai bàn tay trắng và cha tôi rất thanh bạch. Chị tôi, dược sĩ cho thuê bằng trước 75, đi dạy thêm trường tư, trước kia sống dư giả thì bây giờ ngoài giờ dạy phổ thông, phụ mẹ tôi bán cà phê mà vẫn không đủ nuôi ba con. Đương nhiên chúng tôi, bao gồm họ hàng và cả gia đình ruột của tôi đều vượt biên. Nhưng bây giờ nghĩ lại, quả là chúng tôi rất dở. Thay vì cả họ chung tiền giao cho một người, lo mua tàu thì có lẽ cả họ đã thóat sớm. Đằng này, không ai tin họ hàng mà tin người ngoài. Mạnh người nào người nấy tìm “tuyeau” riêng! Để rồi ai cũng bị mất, chỉ là nhiều hay ít.

1980-1985

Rồi họ hàng lần lượt thóat. Tôi bị Phòng Xuất Nhập Cảnh từ chối cấp giấy xuất cảnh năm 83 với lý do ghi trong giấy đàng hoàng “trí thức ở lại xây dựng đất nước!” Khỉ nỡm, chỉ vì cả hai vợ chồng đều “thành thật khai báo” nghề nghiệp.Tôi lập tức bỏ trường. Ông xã vẫn tiếp tục với hy vọng sẽ xin được cái giấy “hứa nghỉ việc”. Lê la bán cà phê vỉa hè lại là những ngày vui. Tôi sinh con gái năm 84. Đỡ nghèo hơn trước kia vì cơ quan ông xã làm có tiền và họ hàng gửi chút đỉnh viện trợ. Tiền bán cà phê cóc vỉa hè hơn lương “giáo viên” khi ở Đại Học Khoa Học nhiều. Dạo ấy, Bác sĩ, Luật sư học tập về, đạp xích lô khá nhiều. Lặng nhìn nhau ngậm ngùi cho thân phận trí thức.

1985-1900

Thành phố vẫn còn nghèo dù số tiền và hàng viện trợ của “Việt kiều” gửi về rất khá. Tôi vẫn bán cà phê và đúng là đổ mồ hôi sôi nước mắt vì mái tôn che tạm của quán cóc lề đường chỉ cách đầu hai mét. Họ hàng lần lượt vượt biên. Gia đình tôi quá xui xẻo, không ai đi được.Chị ruột tôi đi chính thức năm 85 và sau đó lần lượt bảo lãnh gia đình và người cuối cùng rời Việt Nam năm 96 là cô em út. Tôi bị dính hồ sơ Úc bên chồng nên không đi Canada. Nhà nước cho nghỉ việc khá nhiều nhân viên của chế độ cũ, dành chỗ cho người từ miền Bắc vào. Thành phố Sài Gòn tràn ngập tiếng Bắc cao lanh lảnh. Giọng nói Hà Nội thanh lịch của thời 1950 không còn, thay vào đó giọng Bắc khá kỳ cục dưới con mắt chúng tôi.

Người ra đi lo chắt chiu gửi từng thùng đồ cho người ở lại. Người ở lại lo bán thùng quà sao cho được giá để bù vào đồng lương ít ỏi mà sống cho qua ngày đọan tháng. Cái ăn chi phối toàn bộ khiến con người không dám nghĩ đến cái gì cao xa hơn. Số lớn gia đình Sài Gòn đều có thân nhân đang tù “cải tạo”. Chỉ số ít tù nhân được về sau năm bẩy năm còn đa số trên mười năm. Những gia đình tan nát vì người vợ trẻ không nuôi được con, đành làm vợ cán bộ. Nhiều gia đình tang tóc vì thân nhân chôn vùi lòng đại dương.

1900-2000

Quả là xã hội mới …đã xóa ranh giới giữa trí thức và lao động. Trí thức – lương ít ỏi – có khi còn thua tài xế xe hàng. Vậy thì cực khổ cho con học làm gì? Nhiều gia đình đã nghĩ thế. Tôi bỗng nhớ đến trường cũ- năm 1977 gì đó, chúng tôi – bao gồm giáo sư cấp Tiến sĩ đến người lao công của Khoa Lý phải theo xe trường xuống cơ sở của trường ở Thủ Đức và thay phiên nhau …lao động trồng dưa hấu. Đất của khoa có sẵn, giống thì mọi người phải chung tiền mua và lao động tưới nước. Kết quả thu họach là mấy sọt dưa hấu như trái cam. Đám người cũ chúng tôi cuời và nói lén với nhau:

-Một nông dân làm bài tóan, mất hai giờ trong khi giáo viên mất mười lăm phút. Cũng như nông dân trồng dưa hấu sẽ to như dưa hấu còn giáo viên thì bằng trái cam! Xã hội đã phân chia ai nhiệm vụ nấy rồi. Bắt trí thức lao động chân tay để đề cao công nhân thì quả là ngu xuẩn!

Đổi đời là thế. Một người bạn nói với tôi “cách mạng là cách cái mạng!” Tôi tự hỏi nếu không có tiền và hàng từ giới tư bản gửi về thì sao nhỉ? Số cán bộ gốc to chắc sẽ chết nhiều hơn vì thuốc tây của khối xã hội chủ nghĩa không thể bằng được thuốc tây của Mỹ Pháp. Xã hội sẽ nghèo hơn vô cùng? Thế mà năm 87 còn ngu xuẩn tính hạn chế Việt Kiều gửi tiền và quà đấy. Cũng may sau đó dân nằm vùng phân tích và dân của cục R sửa sai. Dân nằm vùng, từng sống dưới chế độ tư bản của miền Nam nên biết nhiều hơn. Cục R, ở trong Rừng nên biết ít hơn. Rồi đổi mới và thành phần tư bản mới –được gọi là tư bản đỏ xuất hiện.Đám trí thức cũ của miền nam, dân tự trọng thì vẫn lềnh bềnh lều bều – dân thiếu tự trọng, vuốt đuôi thì cũng nhà cao cửa rộng …

Ba mươi năm. Tôi ngậm ngùi nhớ lại vần thơ viết cho con gái út :

Bé ơi ngàn dặm xa xôi quá

Ai đã xui nên nỗi đọan trường

Vận nước,vận ta, ừ chung nhỉ

Thì thôi, đây đó cũng một chương!

Bé ơi thôi nhé đôi giòng lệ

Ta nuốt vào trong dấu ngậm ngùi

Dõi mắt trông vời nơi cố lý

Nguyện cầu, bé nhỉ, một ngày vui!

Vận nước, vận ta…

Một thời hoa mộng của tuổi trẻ đã trôi hững hờ trong thời kỳ đói kém, đại gia đình tan tác và mình thì công danh sự nghiệp chỉ là con số không to tướng. Tuổi già vẫn long đong nơi xứ người, vẫn cô độc ngay thủ đô –thành phố hoa đào-của bến bờ tự do!

Viết tại Rừng Gió Virginia 2005

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.