HLC-Viết về một người sắp ra đi, Toàn Phong Nguyễn Xu ân Vinh, cựu Tư Lịnh Không Quân, tác giả “Đời Phi Cô ng”- July 12th, 2022

Hoàng Lan Chi

VIẾT CHO MỘT NGƯỜI SẮP RA ĐI: TOÀN PHONG NGUYỄN XUÂN VINH, CỰU TƯ LỆNH KHÔNG QUÂN VNCH

(tác giả ĐỜI PHI CÔNG với bút hiệu TOÀN PHONG)

Lứa học sinh thời 60 đa số đều “mê mẩn” với “Đời Phi Công” của Toàn Phong vì trong đó là những thư tình dễ thương gửi cho “Em Phượng”. Toàn Phong là bút hiệu của Nguyễn Xuân Vinh. Tôi cũng không là ngoại lệ. Cũng “mê” những câu chuyện kể về đời phi công bằng giọng văn mà tôi hay gọi là “chịu ảnh hưởng Tự Lực Văn Đoàn”. Đó là loại văn trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Đừng tưởng giản dị là dễ viết nhé. Nó giống như truyện của Kim Dung: vô chiêu thắng hữu chiêu.

Khi lớn lên chút nữa, tôi đã vài thắc mắc thoảng qua. Thì cũng phải thôi. Khi tôi yêu “Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp” của Nguyễn Văn Đông thì đương nhiên tôi không cảm tình với những người nhận bổng lộc của quốc gia để rồi đi mãi mãi mịt mù. Họ sợ chết. Họ đem tài năng cống hiến cho một vùng đất cách nơi họ chôn nhau cắt rún cả một đại dương.

Vinh có về. Nhận chức không nhỏ. Tư Lệnh Không Quân. Nhưng rồi ông lại ra đi. Dường như chưa bao giờ ông cống hiến đôi chút tài năng toán học cho Đại Học Khoa Học Sài Gòn.

Khi tôi hiện diện ở Mỹ thì “danh tiếng” đã thành “tai tiếng”.

Cộng đồng người Việt quốc gia hải ngoại, thế hệ Một, chịu ảnh hưởng Nho Giáo nhiều, chuộng kẻ Sĩ nên họ đã tôn vinh Khoa Học Gia Nguyễn Xuân Vinh vào chức vụ cao nhất của Tập Thể Cựu Chiến Sĩ VNCH nhưng ông đã “ru ngủ”, đã “ đông đá” mà nhiều người kết tội là Vinh tuân theo lịnh của Việt Tân

Khi vợ ông bịnh, (tôi không biết sâu về chi tiết,) chỉ hay rằng Phiến Đan từ Úc qua và đã chăm sóc. Rồi Phiến Đan, cô cựu “nữ sinh Gia Long ban đêm” đã li dị chồng và lấy Vinh. ( Gia Long đêm: ám chỉ những người thi rớt Gia Long và ghi danh đóng tiền học ban đêm). Rồi Vinh làm nhiều hành động không giống ai: phong cho Phiến Đan chức này, vụ nọ. Trong các buổi họp tập thể cựu quân nhân, Đan ngồi Bàn Chủ Tọa cùng với Vinh. Nhiều cựu quân nhân viết mail gửi rộng rãi khắp nơi lên án Vinh và cuối cùng Vinh phải để cho Đan ở bên ngoài các hoạt động của tập thể cựu chiến sĩ.

Ô Vinh “biết” tôi, có lẽ vào khoảng 2003 qua trang web “ QUÁN GIÓ- Chu Văn An-Nguyễn Trãi-Trần Lục” của Đặng Vũ Thám ( một dân Chu Văn An ở Úc Châu). Ngày ấy, net chưa phát triển nhiều thì việc có một web riêng là điều không dễ. Đó là diễn đàn của các cựu học sinh ba ngôi trường nam trên. Tuy thế, họ có mở rộng cho thân hữu và dường như trước khi tôi vào (có lẽ do Vũ Trung Hiền giới thiệu HLC thì phải ) thì nữ thân hữu duy nhất là Trưng Vương Hương Kiều Loan. Thì dân Chu Văn An hay “thân thiết, bồ tèo” với dân Trưng Vương mà. Tôi là thân hữu Gia Long duy nhất “bước” vào web đó, và đã làm các cư dân "male" xôn xao vì bài viết “NHỮNG NGƯỜI TÌNH CHU VĂN AN”. Trong đó tôi viết về những người CVA của thời sinh viên, những người mà HLC gọi là “ người tình nhưng không phải người tình”! ( Tôi đã lí lắc giải nghĩa ba trợn ở cuối bài: người tình là người mà tôi có tình cảm chứ không phải tình yêu). Sau khi bài đăng thì ối thôi, ông thì nhận mình là T, ông nhận mình là L, người nhận mình là P…

Có lẽ cái lí lắc, cái giọng văn nhẹ nhàng rất Bắc Kỳ ấy cũng đã thu hút và Nguyễn Xuân Vinh “biết” HLC từ trang web đó. Sau này, khoảng 2008, khi hội cựu quân nhân Hoa Thịnh Đốn mời ông Vinh lên DC tham dự Ngày July 4th thì tôi có phỏng vấn ông về một vấn đề. Chính ô Vinh nói “ Tôi biết HLC lâu rồi, từ khi cô mới xuất hiện ở Quán Gió của Đặng Vũ Thám vì Thám là học trò tôi”

Tôi là người con gái yêu quê hương dân tộc rất nhiều. Tình yêu ấy chỉ có thể giải thích là “trời sinh” mà thôi. Bài thơ đầu tiên là “Đất Mẹ”, không phải là thơ tình. Vì thế, thuở sinh viên tôi yêu hình ảnh một phi công lướt mây vờn gió bảo vệ quê hương thì ở tuổi xế chiều tôi não lòng với một hình ảnh của một tài năng không hề đóng góp cho quê hương! Người ấy chỉ bồi đắp phù sa cho quê hương thứ hai mà người ấy đã “ôm vào lòng” từ khi quê hương mẹ vẫn còn đang chìm trong khói lửa, chưa hề mất vào tay cộng nô. Càng não lòng hơn với việc “ru ngủ” Tập Thể cựu chiến sĩ. Càng chán hơn với việc “bổ nhiệm” Phiến Đan vào những chức vụ mà Đan không hề là nữ quân nhân. Vinh có quyền lấy vợ trẻ, không ai cấm nhưng Vinh dùng quyền để cho người vợ trẻ ấy giữ chức này vụ nọ ở Tập Thể Cựu Chiến Sĩ thì thật khôi hài.

Giờ này, qua bao dâu bể, nhà văn với “Đời Phi Công” dễ thương có lẽ sắp ra đi. Ông cũng đã rất thọ. Gần 10 năm được chung sông với người tình trẻ thì xem như ông đã được Thượng Đế ban ân sủng khá nhiều. Những đóng góp của ông cho Hiệp Chủng Quốc HK cũng là điều đáng quý cho một “công dân Vinh Nguyễn” NHƯNG cựu học sinh Chu Văn An, Nguyễn Xuân Vinh, sẽ trả lời sao với nhà nho Chu Văn An, với Nguyễn Công Trứ, với Hoàng Hoa Thám… khi ông gặp các tiền nhân ở nơi ấy?

Đã mang tiếng đứng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
(NCT)

Ông đã có danh gì vậy với “núi sông Việt Nam”, với ruộng đồng Bắc Việt, với Sài Gòn Hòn ngọc Viễn Đông, thưa nhà toán học Nguyễn Xuân Vinh?

Đây là lần đầu tiên tôi viết về một người khi người ấy sắp từ giã cõi trần. Hy vọng ông sẽ đọc được. Để ông làm gì, tự ông biết vì ông cũng thấm nhuần giáo lý cổ xưa như tôi. Nhưng cái tôi cần là để thế hệ Một lứa chúng tôi, (những người ngoài 70), Thế hệ Hai lứa đầu (những người ngoài 60) đọc để không đi vào vết xe đổ của ông mà thay vì “danh tiếng” thì chỉ còn “tai tiếng”.

Hoàng Lan Chi

July 12th, 2022

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.