Tôi hay xem youtube vào buổi tối. Đôi lúc xem chương trình A và youtube tự động đưa chương trình B lên. Cách đây hai hôm, tôi “nhận” PBN 125- Chiều Mưa Biên Giới- Tưởng Nhớ Nguyễn Văn Đông từ cách thức đó.
Tôi đã xem nhiều lần. Một, nhạc Nguyễn Văn Đông. Hai, chương trình đó có sự đóng góp rất nhiều của tôi. Ba, chương trình tưởng nhớ và vinh danh một trong hai nhạc sĩ tôi yêu mến. (Người kia là Phạm Duy)
Từ phút 1:25, ông Ngạn giới thiệu về việc TT Thuý Nga đã từng mời Nguyễn Văn Đông nhưng cuối cùng ô Đông không đi. Ô Ngạn nói rằng tài liệu viết về Nguyễn Văn Đông có vẻ rất ít vì ông là sĩ quan VNCH cấp cao, bận bịu nhiều, lại coi ba hãng đĩa. Ôn Ngạn chỉ tìm được một đoạn Hồ Trường An viết về Nguyễn Văn Đông. Hồ Trường An cho rằng Mấy Dặm Sơn Khê là sợi tơ lộng lẫy nhất của Nguyễn Văn Đông. Tôi chỉ đồng ý với Hồ Trường An một phần. Bởi vì với tôi những nhạc phẩm coi như cùng vị trí phải là Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê và Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp. Tiếp theo sau có thể là Phiên Gác Đêm Xuân, Anh Trước Tôi Sau, Sắc Hoa Mầu Nhớ, Hải Ngoại Thương Ca…
Link youtube PBN 125:
https://youtu.be/X22hU5hR0uk?si=jrxD3a81WFBqQnOs
Ông Ngạn kể về Mấy Dặm Sơn Khê và giới thiệu khá duyên dáng vì ông nhắc lại chuyện ngày xưa, Nguyễn Văn Đông hát với Thái Thanh và bây giờ Thuý Nga giới thiệu thế hệ tiếp nối Thái Thanh là Ý Lan. ( chi tiết Nguyễn Văn Đông hát với Thái Thanh là ô Ngạn kể từ thư Nguyễn Văn Đông gửi cho tôi). Ô Ngạn chỉ kể nét chính yếu, đây là thư Nguyễn Văn Đông gửi Hoàng Lan Chi thì đầy đủ hơn. Hồi đó qua tôi giới thiệu, cố chủ nhiệm Người Việt Tây Bắc, ô Phạm Kim có hỏi Nguyễn Văn Đông và Nguyễn Văn Đông trả lời chung cho hai anh em chúng tôi:
From: Nguyễn Văn Đông
Sent: Tue, Jan 28, 2014 9:20 am
Subject: Re: Xin anh Đông cho lời dẫn giải để có bài viết về :MẤY DẶM SƠN KHÊ –
Chào anh Phạm Kim,
Cám ơn anh quan tâm bản Mấy Dặm Sơn Khê. Theo yêu cầu của anh, tôi ghi lại một số tài liệu sau đây:
1/ Trần văn Trạch và Lệ Thanh là hai nghệ sĩ đầu tiên thâu thanh ra đĩa 45 tours của hãng Tân Thanh vào năm 1960. Trần văn Trạch sử dụng chất giọng đặc Nam bộ, pha luyến láy làn điệu “Bình Bán” cổ phương Nam, nghe rất duyên dáng (Đính kèm MP3 – Trần văn Trạch và Lệ Thanh). Năm 1961, tác giả và ca sĩ Thái Thanh cùng Nghiêm Phú Phi, trình bày lần đầu tiên trong Đại nhạc hội Trăm Hoa Miền Nam, một tổ chức văn nghệ quy mô vào thời đó do bà cố vấn Ngô Đình Nhu chủ toạ, diễn ra suốt 10 đêm tại rạp hát Hưng Đạo, Thủ đô Saigòn. Tôi nhớ khi ấy tác giả cùng Thái Thanh song ca thì nhạc sĩ Lê Thương đánh nhịp Ban nhạc Đại hoà tấu, còn nhạc trưởng Nghiêm Phú Phi ngồi đàn dương cầm dạo Prélude (Đính kèm MP3 – Thái Thanh). Sau đó một số nghệ sĩ như Hà Thanh, Hùng Cường, Tuyết Mai trình bày MDSK cũng rất thành công. Thời gian sau, vào tháng 11/1961, Bộ Thông Tin ra thông báo cấm lưu hành và trình diển 2 bài Chiều Mưa Biên Giới và Mấy Dặm Sơn Khê trên toàn quốc.
2/ Lý do lệnh cấm Mấy Dặm Sơn Khê vì ấn phẩm đầu tiên có lời ca mà Bộ cho là không thuận lợi cho cuộc chiến. Đó là những phân câu sau đây: “ Chít lên vành tang trắng”
Xin giải thích dụng ý câu “ Chít lên lên vành tang trắng” là chít lên vành khăn tang trắng lên người goá phụ có chồng là tử sĩ, không nhằm gợi ý trừu tượng hay ẩn dụ về “Sương trắng phủ ngang mấy dặm sơn khê” như anh đặt câu hỏi. Thời gian sau, tôi có chỉnh sửa, đặt lại lời 2 theo yêu cầu của Nhà Xuất Bản như sau: “Khoác lên vòng hoa trắng”.(Ý nói đoàn binh khoác vòng hoa chiến thắng thay vì chít khăn tang trắng lên người goá phụ tử sĩ).
3/ Bản Music sheet MDSK lần này được chụp hình lại và Scan bằng máy thật tốt nên có chất lượng trội hơn bản trước gởi anh (Đính kèm music sheet MDSK).
4/ Trong binh nghiệp, tác giả MDSK phần lớn thời gian phục vụ ở các đơn vị tác chiến, xuyên dọc qua các vùng chiến thuật, có cả vùng thượng du rừng núi Bắc Việt năm 1954, đi gần hết chiều dài cuộc chiến. Vì vậy, Mấy Dặm Sơn Khê có thể là phản ánh vùng núi rừng cao nguyên miền Trung hay Thất Sơn miền tây Nam Bộ mà tác giả đã từng sống và chiến đấu ở các nơi đó. Mong anh hài lòng với giải đáp này. Đính kèm 6 files.
Ngưng trích thư Nguyễn Văn Đông gửi Hoàng Lan Chi
Ý Lan mặc áo dài trắng coi sang trọng, đẹp. Giọng hát Ý Lan hay nhưng tôi không thích lắm vì Ý Lan điệu quá. Nhiều người “kêu” và Ý Lan nói rằng không sửa được vì đó “là từ trong máu” ra. Có lẽ thế thật. Vì thấy Quỳnh Hương, em ruột Ý Lan cũng có cách nói chuyện “giông giống” Ý Lan ( chỉ là ít điệu hơn). Có lẽ cái giong giống đó lá …từ cô Thái Thanh. Gì chứ cô Thái Thanh cũng điệu rơi điệu rụng.
Ý Lan là thế hệ 1,5 nên sẽ khó “cảm” được nhạc lính. Chỉ Thái Thanh, Hà Thanh và Trần Văn Trạch là hát Mấy Dặm Sơn Khê hay. Cô Thái Thanh hơi “cao” quá. Hà Thanh hát rất vừa độ cao. Tôi đã gọi tiếng hát Hà là tiếng hát hoa đào vì nó tinh khiết, đẹp nhu mì nhưng không kém phần quyền rũ là anh đào. Anh đào thường gắn với Phú Sĩ Sơn. Tiếng hát Hà cũng thế. Lồng lộng trời cao và mọi cái cứ như giòng suối từ đỉnh núi cao rót xuống. Hà không cần “điệu”. Hà hát tự nhiên như hơi thở. Có lẽ những người thế hệ Một hoặc cựu quân nhân VNCH sẽ yêu thích như tôi. Giản dị là họ đã từng nghe Hà hát trước 75 với một giọng hát “lồng lộng” tràn trề sinh lực mà không quá vũ bão. Nó như một giòng suối trẻ cứ thế tuôn chảy, len qua mọi ngóc ngách, trèo qua bao ghềnh thác mà không cần “gào rú” ầm ầm. Giọng Hà là như thế đó.
Tôi chọn youtube của em gái Hà, Trần Kiêm Thuý Vy:
https://youtu.be/y7AH1zkT7_M?si=2XF91pZBOdAkowis
Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng
Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê
Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông
Kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa
Bao ước mơ giữa khung trời phiêu lãng,
Chờ mùa Xuân tươi sáng, nhưng mùa thắm chưa sang
Anh đến đây, rồi anh như bóng mây,
Chốn phương trời ấm lạnh hòa chung mái nhà tranh
Anh như ngàn gió, ham ngược xuôi, theo đường mây,
Tóc tơi bời lộng gió bốn phương …
Nước non còn đó một tất lòng, Không mờ xóa cùng năm tháng,
Mấy ai ra đi hẹn … về dệt nốt tơ duyên, Khoác lên vầng hoa trắng,
Cầm tay nhau đi anh Tơ trời quá mong manh
Anh hỡi anh, đường xa vui đấu tranh,
Giữa khung trời gió lộng, nghìn sau tiếp nghìn xưa
2014 Nguyễn Văn Đông có viết cho tôi về Mấy Dặm Sơn Khê như sau:
Nhân đây kể cô nghe vài tình tiết về bài Mấy Dặm Sơn Khê. Trần văn Trạch và Lệ Thanh là người đầu tiên thu âm bài này năm 1960, ghi ra diã 45 tours. Năm 1961, Bộ Thông Tin ra lệnh cấm 2 bài CMBG và MDSK, khi ấy hầu hết các báo Saigòn đăng tin ở trang nhất, gây dư luận sôi nổi. Quân đội phạt tác giả 15 ngày trọng cấm, loại ra ngoài danh sách thăng cấp trong 2 năm. Lý do tác giả là quân nhân không tuân thủ lệnh trình duyệt qua hệ thống quân đội. Dù trước đó, bà Ngô Đình Nhu đại diện Tổng Thống VNCH trao giải thưỏng âm nhạc cho đương sự do tổ chức thành công “Đại Hội Thi Đua Văn Nghệ Toàn Quốc” vào năm 1959 tại Saigòn. Thời gian sau khi dư luận lắng xuống, anh Đông có sửa lời ca bài MDSK, tài liệu có đính kèm theo đây. Bài MDSK có nhiều ca sĩ trình bày nhưng anh Đông chỉ ưng ý Hà Thanh, Thái Thanh, Hùng Cường, Trần văn Trạch và Lệ Thanh. Sau năm 1975, anh bị tịch thu tài sản, mất hết kho tài liệu âm nhạc trong chiến dịch bài trừ văn hoá đồi truỵ. Thời gian gần đây có thân hữu gởi cho anh Đông cái file Mp3- MDSK do Trần văn Trạch và Lệ Thanh ca mà từ lâu biệt tích trong nhân gian và trên mạng. Giọng ca Trần văn Trạch trong MDSK thật duyên dáng, khi áp dụng làn điệu miền Nam qua luyến lái hơi “Bình Bán” cổ xưa vào bài này với Ban đại hoà tấu do Nghiêm Phú Phi điều khiển. Anh Đông gởi cô nghe cái hay lạ Trần văn Trạch, khác biệt với các ca sĩ khác. Còn các bài do Hà Thanh, Thái Thanh, Hùng Cường thì có đầy rẩy trên mạng rồi. Vài hàng thăm cô và chúc cô dồi dào sức khoẻ, học giỏi toàn thời gian.
Trần văn Trạch và Lệ Thanh hát:
http://nhacdanca.net/may-dam-son-khe.html
Hùng Cường hát: (trước 75)
https://www.youtube.com/watch?v=n5ax7l5Feok
Ngưng trích
Vì quý mến Nguyễn Văn Đông nên tôi nghe thử Trần Văn Trạch hát nhưng tôi thấy không ai qua được Hà Thanh và Thái Thanh. Trần văn Trạch giọng ấm rất hay.
Mấy Dặm Sơn Khê rực rỡ vì lời hay và melody “đẹp”. Tôi đã mê “Nghìn Sau nối nghìn xưa” và dùng nhóm chữ trên gần như là “trade mark” cho web cá nhân.
Năm 2018, sau khi TT Thuý Nga thực hiện chương trình Chiều Mưa Biên Giới, tưởng nhớ Nguyễn Văn Đông thì có bạn có comment và tôi trả lời bạn ấy như sau:
Thao Le Tối nay xem livestream của trung tâm Thúy Nga và nữ danh ca Thanh Tuyền qua chủ đề Tưởng niệm nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tôi thấy nó đầu voi đuôi chuột làm sao ây. Tưởng niệm Ông mà chỉ nói sự nghiệp chứ không nhắc đến binh nghiệp, trong khi cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với sự nghiệp. Những bản nhạc nổi tiếng của ông đều lấy cảm hứng từ người lính và rõ nét nhất là khi binh nghiệp kết thúc thì sự nghiệp của ông cũng tiêu vong. Từ sau ngày 30/4/75 cho đến lúc chết ông không viết thêm ca khúc nào. Thúy Nga chọn một nửa sự thật của nhân tài để tưởng niệm hay làm thương mại? Tôi không chụp mũ Thúy Nga như nhiều người khác, nhưng hành động lần này khó hiểu.
LanChiHoang Thươngmại!
-Thúy Nga đã chọn con đường sẽ về VN. Nên họ triệt tiêu con đường binh nghiệp của ông. 🙂 Nhạc của ông với tên Nguyễn Văn Đông đều là nhạc lính nhiều hơn. Bút danh Phượng Linh để viết bolero cho Thanh Tuyền và Giao Linh hát.
-Câu phê phán "Thúy Nga chọn một nửa sự thật của nhân tài để tưởng niệm hay làm thương mại?" làm tôi chảy nước mắt. Phê rất đúng. Và tôi đau cho anh, người nhạc sĩ tôi yêu mến. Nhưng thôi, xem comment từ hai chương trình của Thúy Nga mới thực hiện cấp tốc bằng cách phát lại toàn bộ các bài của anh có trong các chương trình PBN thì thấy khán giả trẻ ưa thích. Muộn màng nhưng có còn hơn không. Người trẻ VN đã biết Phạm Duy và nay họ "biết" thêm Nguyễn Văn Đông . Người nhạc sĩ nào cũng cần khán/thính giả. Ông sẽ mỉm cười khi thấy rất nhiều người trẻ bây giờ đang "biết" đến ông.
TruongSa Hoang Hầu hết những người sanh ra từ thập niên 50 trở về trước hay nói rõ hơn là ngoài 50 sẽ có nhiều cảm súc và thương nhớ nhiều tới Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông , hơn là giới trẻ hiện tại, bởi sau năm 75 nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông phải đi tù vì Cộng sản và ít ai có dịp nhắc tới Ông . . Thúy Nga Paris bynight hay Asia hay những trung tâm băng nhạc nào khác , tất cả chỉ tựu trung , thuần túy là về âm nhạc . Thế nên khi họ vinh danh một nhạc sĩ nào đó , nó có ý nghĩa là cảm tạ và tri ân tới người nhạc sĩ đó , đã đóng góp cho đời . Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nguyên là một Đại Tá trong Quân Lực VNCH , Ông đã là một Chiến sĩ Của Quân Lực VN CH , Ông đã chiến đấu vì Tổ Quốc Danh Dự và trách nhiệm thế nên bất cứ một chiến sĩ nào của QL VNCH cũng đều đươc Tổ Quốc ghi ơn mặc dù Ông chưa nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh cho Tổ Quốc . Trong hoàn cảnh hiện tai, có ai hay bất cứ tổ chức đoàn thể nào hội đủ tứ cách đại diện để làm lễ truy điệu cho một cựu chiến binh , từng là một sĩ quan cao cấp như Đại Tá Nguyễn Văn Đông ? Tại Viet Nam lại càng không thể phủ lá cờ vàng trên quan tài của người chiến sĩ này được . Tôi đồng ý về những nhận xét của bạn về sự vinh danh đối với cố nhạc sĩ NVĐ chỉ là một nửa , chỉ là đầu voi đuôi chuột ! Nhưng rõ ràng thực hiện và vinh danh được con đường " sư nghiệp " âm nhạc cho Cố nhạc sĩ NVĐ cũng là quí lắm rồi , nhưng chính yếu là con đường binh nghiệp thì biết làm sao đây ???? Đọc tiểu sử , nói về đời binh nghiệp thiển nghĩ nó không thích hợp với hoàn cảnh của Cố Nhac sĩ Nguyễn Văn Đông hiện tại. Mong rằng có rất nhiều những người có tấm lòng như bạn , hay ít ra cũng có cùng một tâm hồn đồng điệu . Xin hãy thắp một nén hương hay cầu xin cho hương hồn cố Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông được về cõi vĩnh hằng.
Ngưng trích comment
Vâng, họ, những nhạc sĩ, đều cần khán giả, thính giả là những người dân, là đồng bào của họ.
Thuý Nga đã làm được một việc tốt. Không nên khắt khe quá. Chính Thuý Nga đã khiến người trẻ trong nước biết được tên tuổi và giòng nhạc Nguyễn Văn Đông.
2018 Nguyễn Văn Đông ra đi. Đã sáu năm. Nhạc ông vẫn sống mãi. Chắc ông đã mỉm cười. Nơi ấy. Rất xa.
Hoàng Lan Chi
10/2024