Một
Ngày xưa tôi viết như sau: “Trẻ con là để thành tựu những công cuộc mà nguời lớn thất bại, để tiếp nối những gì mà nguời lớn làm dang dở”.
Có lẽ vì thế mà khi bé Tí mới lên 5 tuổi, tôi đã vẽ ra một kế hoạch đào tạo kín bưng:
Tôi thích vẽ. Hồi bé hay hí hoáy vẽ câu chuyện hoàng tử công chúa . Cha tôi thấy vậy la. Cụ nói rằng hoạ sĩ đa số nghèo, khi nổi tiếng thì chết mất rồi. Tôi nghe lời cha, lo học không vẽ vời nữa. Nhung phải cho bé Tí học chứ! Tô dụ bé nhu sau : những lúc buồn, lấy cọ ra giải trí. Mặt khác khi đi làm, tự tay vẽ chân dung giám đốc đem tặng, ông chủ sẽ rất thích. Coi đó là một phuơng cách ngoại giao. Thế là bé Tí đi học vẽ ở nhà Thiếu Nhi quận 1 từ hồi 5 tuổi. Sau này tôi cho bé thụ giáo họa sĩ Thuận Hồ. Đây là một hoạ sĩ lớn trong miền nam, từng đoạt giải thuởng cao những năm 57,58. Bé đi học được khoảng hơn một năm gì đó, đến năm lớp 9 thì bé Tí phải thi Trung Học Việt và cả Trung Học Pháp nên phải bỏ vẽ. Thế là “mộng vẽ của tôi” dang dở.
Tôi mê bơi. Nhưng thời tôi, cha mẹ khó, không thích cho con cái mặc đồ tắm hở hang nên tôi phải chịu. Năm 78, sinh con trai đầu lòng , tôi cũng đi học bơi lai rai nhưng lại bỏ. Năm 84, sinh bé Tí thì quyết chí học. Thế là bơi giỏi. Lúc bé Tí học lớp 1, cho bé học bơi ở hồ Yết Kiêu. Sợ mẹ thì bé học chứ không đam mê như mẹ. Nói chung bơi thì bé biết nhưng thua mẹ. Xem nhu mộng bơi của tôi tạm được.
Tôi mê võ. Có võ để tự vệ và để can thiệp khi giữa đuờng thấy chuyện bất bằng. Nhưng cũng thời tôi, cha mẹ không cho. Năm bé Tí 6 tuổi, cho bé học võ ở đình Nam Chơn, Tân Định. Bây giờ còn tấm hình 2 mẹ con mặc đồ võ (đồ của tôi do đi mượn) đứng với thế bái tổ ! Sau đó bé học võ Vịnh Xuân ở đình gần nhà. Mới được vài tháng thì Đình lấy lại địa điểm và Ông thầy đưa về nhà dạy. Sư huynh của bé Tí phải chạy ngang chở bé đi cùng. Đang học dở dang thì ông thầy lục đục với vợ và bỏ dở. Thế là mộng võ của tôi dở dang. Hy vọng sau này học xong đại học, bé Tí đi học võ lại dùm cho mẹ nó nhờ.
Tôi thích đàn. Tôi thích khi đi chơi dã ngoại, đem theo cây đàn mandoline rồi vừa đàn vừa hát cho các bạn nghe rất thích. Tôi mua cây đàn mandoline bé và cho bé Tí học ở nhà Văn hoá thiếu nhi Quận 1. Bé Tí sợ đòn nên vùng vằng học nhưng không có khiếu. Nó cứ rên rỉ bấm tay đau quá. Khi học nốt nhạc, tôi phải học phụ với nó. Học được ít lâu thì bỏ. Thế là mộng nhạc của tôi cũng không thành!
Vì tôi mê nhiều mà cuộc đời mình không được nên tôi ép bé Tí học đủ thứ như trên. Ngoài giờ học ở truờng, hàng xóm thấy con bé mới 5 tuổi mà đi học tùm lum: võ, vẽ, bơi, nhạc.
Thế nhưng trời chẳng chiều người. Cuối cùng thì bé Tí biết sơ sơ bơi, vẽ nhiều hơn, võ thì chắc quên còn nhạc thì rụng mất đất! Tuy vậy có cái không dậy thì chị ta lại thừa huởng. Ví dụ văn. Hồi bé chị ta chuyên môn mở tập thơ của tôi ra chôm để nộp cho báo tường của lớp. Sau này bé đoạt giải văn cấp thành phố nên “đi rếch” ngay vô Nguyễn Du. (1)
Cái thứ hai là hàm răng! Năm 96, hãng kem Mỹ Oral B tổ chức cuộc thi “Răng tốt nụ cười đẹp”. Bé xin tiền chụp hình dự thi. Tôi cho nhưng cằn nhằn vì đối với tôi , việc học là quan trọng số một. Hôm chở bé đi thi lần đầu, tôi la suốt đường đi vì đang bận công việc. Ai dè chị ta lọt qua vòng 1. Lọt tiếp vòng 2. Vòng 2 , rất khó, mỗi thí sinh phải qua 2 tua, mỗi tua là 3 nha sỹ cân đong đo đếm đủ thứ . Sau vòng 2, họ công bố những nguời đoạt giải nhung không cho biết hạng. Họ mời đến khách sạn Kim Đô, trẻ em có một phụ huynh đi kèm. Trước khi đãi tiệc là công bố giải. Năm đó bé Tí 12 tuổi, giải trẻ con. Có 5 hạng, họ kêu từ thấp đến cao cứ như thi hoa hậu! Tôi ngồi bên dưới, cũng thấy hồi hộp. Còn 2 đứa. Một cô bé kêu được kêu. Thế là mình biết con gái cưng đoạt giải nhất. Cũng mừng lắm. Phần thưởng của bé là một computer trị giá 700US. Nhắc lại, đó là năm 1996, thì 700 Mỹ Kim không phải là nhỏ.
Qua năm sau, 97, báo “Người lao động” tổ chức “Nụ cười xinh”. Chị bé hăng hái thi tiếp! Lần này bé hạng 2. Nhưng xem hình đăng trên báo, ai cũng nói cô bé hạng 1 không bằng bé Tí. Thật ra Oral B tổ chức đàng hoàng. Khi vào khám răng, lấy số nên nha sĩ không biết là ai. Còn báo NLD, kêu tên vào cho nha sỹ khám thì rất dễ cho gà nhà đoạt giải. Hơn nữa, trước đó, họ lấy hình bé Tí đăng báo để minh hoạ cho cuộc thi. Làm thế có khác gì, “nháy” cho các nha sĩ “nhớ mặt” con bé! Chẳng qua, họ biết “hàm răng” của bé đã được một công ty Mỹ (Oral B) chứng nhận năm 96 với 3 vòng, mỗi vòng 2-3 nha sĩ khám, thì họ không thể “ếm” được nhưng cũng không muốn cho con bé hạng 1. Phần thưởng là 2 vé Nha Trang và 1 triệu. Tôi bỏ vé Nha Trang không dùng và phần thưởng một triệu thì mua cái bàn học cho bé.
Đến năm 99, hãng kem P/S tổ chức cuộc thi “P/S bảo vệ nụ cười VN” ( P/S là kết hợp của Hynos, Perlon và một hãng kem răng trước 75 nữa nhưng tôi không nhớ) thì chị bé nhà tôi lại vác hàm răng đi thi. Báo đăng 20 nguời đoạt giải 2 qua hình. Sau đó vô thi khám răng. Thấy bé, Giám Đốc Tiếp Thị của P/S và Giám Đốc Quảng Cáo của báo “Sài Gòn GP” hỏi ngay “QC đây phải không ?”. Tôi biết họ chú ý đến “thí sinh đặc biệt này” chỉ vì bé đã đoạt giải nhất của Oral B từ 96. Các nha sĩ của Trung Tâm Răng Hàm Mặt hay Đại Học Nha Khoa biết bé rất rõ. Dù P/S hay báo “Người Lao Động” tổ chức thì họ đều nhờ 2 trung tâm nha khoa trên khám răng cho thí sinh.
Bé bốc thăm câu hỏi về nha chu nên không trả lời được . Nhưng P/S tổ chức không công bằng vì không họ báo trước là cuộc thi có câu hỏi để thí sinh học. Trước đó khi P/S công bố những người hạng nhì trên báo chí, (vòng sơ kết) thì đa số độc giả xem báo, toàn đoán nguời hạng nhất phải là bé. Ai dè là cô bé kia, hàm răng thua bé nhưng trả lời câu hỏi ro ro. P/S phải trao giải “Người có hàm răng đẹp nhất” cho bé Tí. Nghĩa là bé Tí có hàm răng đẹp hơn cô bé hạng 1 nhưng thua vì câu hỏi! Bé Tí sùng không thèm đi lãnh giải làm Giám Đốc Tiếp Thị của P/S phải cho nguời thân chinh đem quà đến tận nhà.
Do báo “Sài Gòn GP” đăng hình kèm địa chỉ nên ối thôi sau đó tôi khổ vì mấy tên con trai. Chúng gọi điện thoại đến phát mệt. Còn thư làm quen thì sau khi bé Tí đi Úc cả năm vẫn còn có người gửi đến. Một công ty quảng cáo gọi phone mời bé làm quảng cáo.