Ngắm “bão rớt” bên Huntinton Beach 2011!
Ngày xưa ơ Sài Gòn tôi thích “bão rớt” lắm. Vì là bão rớt nên chả gây tác động gì nặng nề. Ngược lại sẽ làm Sài Gòn có chút se lạnh, chút mưa, chút gió, cứ mỗi thứ một tí khiến Sài Gòn đáng yêu và có duyên tệ.
Hè phố sẽ sạch hơn, lá me xanh hơn, con gái Sài Gòn xinh hơn với áo len mỏng và cái khăn quàng điệu đà. Và tuyệt nhất là chút mưa như mưa bụi lất phất để rồi khi lang thang đường phố chán chê, ghé vào một quán cà phê nghe dòng nhạc cũ, thưởng thức hơi cà phê nồng nàn, còn gì “dễ thương” hơn. Ở xứ người dường như chưa bao giờ tôi lang thang đi bộ như vậy cả. Mùa Thu Virginia đẹp mĩ miều là thế nhưng chưa tìm được đúng người để cùng lang thang trong rừng phong lá úa.
Hôm nay trời Cali có vẻ giống Sài Gòn một ngày “bão rớt” xa xưa. Cũng xam xám bầu trời, cũng chút se lạnh. Chỉ có điều đường phố Cali sẽ không có gái Sài Gòn tung tăng dạo phố.
Mấy hôm trước tôi lang thang về chốn cũ. Đó là “kiểu nói” của tôi nghĩa là đi tìm bài viết cũ ở “hard dish cũ”. Ngày xưa tôi viết tùm lum theo hứng. Có nhiều cái như “tôi nhìn tôi trên vách”. Độc thoại. Và vì thế dòng tư tưởng nhảy loạn xạ, từ cảnh này sang cảnh kia, từ người ấy sang kẻ nọ. Như là viết cho mình. Để mai sau đọc lại, có chút gì để nhớ để thương.
“Bão rớt”, tạp ghi thuộc loại trên, tôi viết vào hai không không ba. Khi gửi đến thân hữu là vì sẵn tìm ra để cho vào web site thì gửi luôn thể. Thế nhưng, những “feedback” từ “Bão rớt” làm tôi khá bất ngờ. Với cá nhân tôi, tôi cho đó là một đoản văn “viết cho mình” để nhớ để thương nên sẽ không đầu đuôi, chả là tuỳ bút, cũng chẳng hơi hướng truyện ngắn có mở đầu, có kết luận. Đoản văn lãng đãng lơ lửng. Nó có một điểm rất thực, bức vẽ theo kiểu “sketch” với giòng ghi bằng tiếng Pháp “ D’un seul trai. À Quỳnh Giao” và chữ ký người vẽ ở dưới.
Đối thoại của hai nhân vật trong đoản văn chỉ là ngôn ngữ bình thường của hai kẻ mới quen nhau nhưng “có vẻ” thích nhau. Một “chuyện tình lô ve xì to ri” nếu có chỉ như mây mùa thu. Nàng, không kể gì hơn, chỉ ví Chàng, như một cơn bão rớt, vừa thổi qua đời Nàng.
Thế nhưng, chút thoảng nhẹ ấy có lẽ mang hơi hướng của Sài Gòn yêu dấu mà đã làm bao trái tim xao xuyến. Anh bạn cũ, “người nợ tôi từ muôn kiếp trước” viết “ Bố trẻ thich cái tựa “Bão rớt”. Và thích cái tranh ‘minh họa’. Bài hay, thú vị. Cô nương nên tiếp tục viết về những cơn “bão rớt vừa thoảng qua”.. “Bố trẻ” không làm tôi ngạc nhiên vì nếu không bận, bao giờ “bố trẻ” vẫn cho ý kiến nho nhỏ quanh bài viết của tôi.
Cậu em, “fan” mới toảnh toành toanh của tôi thì “Có phải anh Kh không?” Tôi gõ “ Kh nào? Có phải em lại ‘link’ với một bài nào của chị phải không” “Anh Kh, người mà chị viết thích ngồi nhậu một mình”. Tuyệt! Em tôi quá hay. Tuy là fan mới toanh nhưng nếu cho chấm, tôi xếp em, thuộc ngoại hạng. Vì sao ư, vì em đọc và nhớ. Nhớ hết thảy những gì tôi viết để mỗi khi bàn luận về một sự kiện nào đó, em có thể lấy ngay một câu trong một “tình tự” của tôi để “point final” về sự kiện ấy. Như vừa qua, khi đọc, em nhớ đến ngay nhân vật Kh trong một đoản văn khác. Tôi xác nhận “ Đúng vậy. Hoạ sĩ Kh”.
Một cậu em khác thì “ Trời … chị tui nhớ người yêu … hahaha … trái tim của chị lúc nào cũng còn trẻ … và chị sẽ trẻ mãi trong những dư âm này mặc cho ngày tháng trôi … “suya” nhất là chị đấy !!!”. Tôi trả lời “Không phải người yêu, em à , em à, em à! ” để rồi cậu em thả một câu khá dí dỏm “ Thì là người yêu “rớt” đó mà … hahaha …”
Một vị khác, người thích ca hát nhạc ở tiểu bang mưa hoài ngàn năm thì “ Hi, chị Lan Chi!
Cảm ơn nhà văn Lan Chi, đã gởi cho đọc những, áng văn hay của LC. Lbd đã đọc thoáng qua 1 lần, nhưng phải đọc lại nhiều lần nữa mới thẩm thấu….
Ước mong chị Lan Chi luôn mãi đóng góp, bổ ích cho đời bằng những khả năng thiên phú của chị.
Kính mến,
Lbd”
Tôi vắn tắt “ Cảm ơn. Anh thích mẩu văn này sao? Không thich nhưng bài như Gia Long à?”.
Và Lbd trả lời “Lbd thích đọc văn của chị LC qua nhiều loạt bài, không nhất thiết là….Bão Rớt!
Thú thật, Lbd rất lười đọc, kể cả những nhà văn tên tuổi, có lẽ 1 phần tại mắt kém, ngoại trừ của …Lan Chi.
Kính mến chúc LC an vui! Lbd”
Tôi bật cười. Vì tôi ngỡ quân nhân như LBd phải thích những bài như bài viêt về Gia Long với lá cờ Việt Nam Cộng Hòa trong Đại Hội Gia Long Thế Giới kia.
Rồi đến một ông anh cũng ở tiểu bang xanh hoài ngàn năm “ Hi Lan Chi, thank you. Tuyệt lắm!”
Và một … “kẻ thù”! Tôi nói “kẻ thù” vì trước đó anh ta viết mail chỉ trích tôi và ông BDL trong một vụ thời sự . “Kẻ thù” gửi mail như sau “ Cơn bão nào lại” thổi”một chuyện tình “dể thương”, chất ngất một vùng trời kỹ niệm đến tôi vậy. Thật tình cờ để được nhìn lại bóng dáng nhạt nhòa cũa mình, tưởng chừng đã trôi vào thời gian vô tận. Xin cảm ơn cơn bão ….rớt và nhân vật “tôi”.
Chúc một ngày vui.”
Tôi khá ngạc nhiên vì tôi nhớ địa chỉ mail của “kẻ thù” này chứ. Tôi gõ “Ủa hoá ra anh ở trong một list à? Có thể mấy năm trước anh làm quen tôi, rồi tôi automatic, add anh vào . Nếu không thích thì báo, tôi remove tên anh ra. Để tôi sẽ check lại, xem có phải anh ở trong 1 list của tôi không …Tôi có gân 10 lists. Tôi đoán anh là LC mà.”
Tôi nói vậy vì trước khi là “kẻ thù” trong vụ “thời sự B” thì anh ta là người “ái mộ” tôi trong vụ đài Việt Nam Hải Ngoại. Vì thế có thể khi anh ta gửi mail làm quen, tôi add anh ta vào một list và khi anh ta ‘chửi” tôi ở vụ thời sự B, tôi đã quên chưa “remove” mail anh ta ra chăng? Có thế, anh ta mới đọc được bài “Bão rớt” của tôi!
“Kẻ thù” trả lời: “ Theo tôi, chị không cần phải check lại. Đời bổng thấy niềm vui khi được đọc lại những câu chuyện tình thời tuổi trẻ. Chị cứ viết thật nhiều để mang lại niềm tin yêu cho đời, vốn dĩ đã mờ sương. Chị cũng không cần đoán tôi là ai cả, tôi là “nạn nhân” của…….. cơn bão rớt.”
Tôi bật cười. Chỉ “một bão rớt” mà em Thành thì “ chị không yêu ông đó, thì bởi vì ổng là người yêu…rớt mà! ” rồi bây giờ kẻ thù “ Tôi là nạn nhân của …cơn bão rớt”.
Thì cũng chả sao. Từ lãng đãng “bão rớt” mà “kẻ thù” bỗng nhiên hết thù tôi để biến thành “fan” của tôi thì cũng là một điều hay!
Tôi đã viết “ Viết-kết quả từ viết” để nói về nahững người thích đọc mấy cái tạp ghi “vớ vẩn” của tôi ( tôi vẫn gọi đó là những vụn vặt quanh đời sống Lan Chi) và hôm nay, trời Cali có vẻ giống “bão rớt” của Sài Gòn xưa, tôi:
..để lắng đọng bao ưu phiền thời cuộc/nhân gian
Nhớ về “bão rớt” ngày xưa
Và “hệ luỵ” của “bão rớt” bây giờ!
Hoàng Lan Chi
Bão rớt ở đây : Bão Rớt