Tôi và chị- Khi “phe ta đánh phe mình”


Trời đã lạnh thật rồi. Những ngày “ỡm ờ” chắc không  còn nữa. Từ nay sẽ là lạnh, là bầu trời xám và hay mưa? Tôi vẫn nhớ Virginia, mùa này rât đẹp, phong cảnh như tranh vẽ khiến người đi đường luôn thả hồn mơ mộng. Những cây phong lá đỏ lá vàng và con đường quanh co lên đồi xuống dốc.

Cali nhiều sương mù và có vẻ hay mưa, mưa thường xuyên lớn hơn Virginia. Ngày ở Virginia, tôi không  hay cần dù bao giờ. Mưa nhỏ và có khi là mưa bụi. Có lẽ vì thế mà thành phố nơi ấy được mệnh dành là xứ tình nhân! Với phong cảnh thơ mộng lãng mạn, dòng sông Potomac uốn quanh thủ đô và mưa bụi nhỏ, quả là lý tưởng cho tình nhân. Còn ở đây, thường xuyên tôi phải lau xe trước khi đi học vì sương đêm phủ đẫm. Và mưa!  Đã không  cây cao mà còn mưa lớn. À không, có lẽ vùng tôi ở không  cây cao nhiều, phong cảnh hầu như bằng phẳng. Đi xa hơn, lên vùng cao hơn, có lẽ cũng có nhiều cây cao. Hèn gì ở Cali, nhà “cao cao” đắt tiền hơn nhiều thì phải. Trong khi đó, Virginia thì nhiều nhà “cao cao” lắm vì đồi và rừng nhiều.

Tôi không thích mưa nhất là mưa lớn. Mưa, làm não lòng người. Đã buồn chán còn mưa nữa thì chịu sao thấu. Thời sự hải ngoại thì lúc nào cũng sôi động. Tôi có nhiều nhóm bạn. Một nhóm già chỉ còn nói chuyện tào lao, văn nghệ. Nhóm kia cũng già nhưng còn “nhiệt huyết”. Nhóm nọ già đan xen trẻ thì “nhiệt huyết” theo kiểu “chối từ dĩ vãng”. Tôi nói chuyện với các bạn hữu thuộc ba nhóm trên đều được cả nhưng đương nhiên với nhóm “già nhưng còn nhiệt huyết” thì nhiều hơn hết thẩy.

Thế nào là “già nhưng còn nhiệt huyết”? Đó là những người đã ngoài 50, 60 hay 70 và vẫn yêu thương quê hương, nỗ lực tranh đấu cho quê hương. Con đường tranh đấu như một lần tôi viết, không chỉ là “kìa bao hùng binh tiến lên”, mà là bà mẹ già chắt chiu gửi từng mươi đồng này cho Đài Phát Thanh chống cộng, mươi đồng kia cho cộng đồng tổ chức biểu tình; mà còn là người phụ nữ doanh thương đóng góp từng chuyến xe biểu tình; mà còn là người cựu quân nhân ngày làm việc, tối cặm cụi chuyển bài v.v. “Những người bạn” trong nhóm “Thời Sự” của tôi thuộc loại đó.

Một chị bạn nói rằng “Sao thấy chán quá, cộng đồng nhiều người thờ ơ và cũng lại kiểu phe ta đánh phe mình”. Tôi không  chịu. Tôi lý sự với chị rằng, con đường tranh đấu đâu phải là con đường hoa gấm đi dễ dàng? Nếu dễ dàng như vậy thì ai cũng đến đích cả rồi! Nếu dễ dàng như thế thì “thiên nga” đã nhiều hơn vịt rồi. Nguyễn Công Trứ từng viết “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Do đó, cứ chấp nhận cộng đồng đang dậy sóng, sóng tới đâu, ta cưỡi tới đó, không  có gì phải chán nản cả. Tôi cũng không đồng ý cái gọi là “phe ta đánh phe mình”. Ơ hay, mười mấy hai mươi năm xưa, phe Ta là một khối. Người người chung lưng đấu cật, cùng một mục tiêu là hướng về quê nhà với mọi nỗ lực chung dồn cho ngày phục quốc. Kể từ 2004 thì phải, nghị quyết 36 của Việt Cộng và với những đồng tiền xương máu của dân chúng, Việt Cộng dùng để lũng đoạn cộng đồng hải ngoại. Đáng tiếc là số người còn giữ lòng trung trinh với tổ quốc thì hiếm, số người thay đổi thì nhiều. Biện minh cho hành động “con buôn”, họ trưng bảng hiệu “từ thiện”. Biện minh cho hành động về quê hưởng thụ, họ trưng bảng hiệu “xây mồ mả cha ông”. Tệ hơn, chân họ nhúng chàm thì họ không muốn người còn lại đứng trên bờ  mà họ lôi kéo những người thân quanh họ cùng nhúng chàm như họ để họ có đồng minh! Ngoài ra, họ, đám người hải ngoại chống cộng năm xưa, nay bắt tay Việt Cộng còn hùa nhau tung hô vạn tuế những kẻ có khả năng viết lách, những kẻ này dùng nguỵ ngôn xảo ngữ  để “mà mắt” những người đang “dùng dằng nửa ở nửa về!”. Nhưng cũng may hồn thiêng sông núi còn đó, thiên nga tuy ít nhưng mầu lông của thiên nga vẫn át được sắc xám của vịt bầu; “trời cao còn kẻ cao hơn”, nên số cây bút vững vàng với mầu cờ cũ, chính nghĩa xưa vẫn át được những ngòi bút cong queo.

Vì thế cái gọi là “phe ta chống phe mình” mà nhiều người đang than thở, theo tôi chỉ là “ngộ nhận”. Không, phe ta vẫn là phe ta. Cái gọi là “phe mình” chỉ là cái vỏ mà thôi. Cái vỏ họ còn ở Hoa Kỳ nhưng cái hồn họ thì đang chao đảo, đang lơ lửng, thâm chí đã bay về phủ phục cộng nô mất rồi. Không là thừa khi nhắc lại đây những nguyên nhân: tính háo danh và lợi chiếm số đông; bị cấy sinh tử phù thì chiếm số ít hơn. Này có thể kể, ở Hoa Kỳ buôn bán không “oai và lớn” như ở Việt Nam. Về quê cũ vừa có chức Tổng Giám Đốc Công Ty vừa có thư ký thơm như múi mít phục vụ, chả oai hơn là một ông chủ “bậc trung” ở Mỹ hay sao? Này từ ngày sang Mỹ, công danh sự nghiệp chỉ còn là con số Không hay con số Ba, nay mơ tưởng về quê xưa để được Việt Cộng cho lại cái chức Bộ Trưởng cũ, cái chức Tổng Giám Đốc ngày xưa chả oai hay sao! Vì thế họ đã có những hành động “này nọ”. Với những hành động “này nọ” đó, đương nhiên những con “thiên nga” còn lại phải báo động. “Thiên nga” phải bay vần vũ, “thiên nga” phải đi từng khóm  nhà khu phố của các tiểu bang để nhắc nhở cộng đồng về những “hành vi mờ ảo” của đám người chống cộng năm xưa!  Vì thế nếu chị tôi nghĩ rằng đó là “phe ta đánh phe mình” thì tôi cần phải “tẩy độc” chị rằng, không, phe ta vẫn là phe ta và phe mình thì đã biến chất đấy thôi.

Chị tôi cũng buồn lòng khi tóc cứ phai dần mầu óng mà ngày về còn diệu vợi, rằng thế sự vẫn đa đoan. Chị muốn gác bỏ ưu tư thời cuộc để tìm vui bên con cháu. Tôi thách đố chị tìm quên được như thế. Tại sao tôi thách đố vậy? Bởi những người “vô tư” thì muôn đời vẫn “vô tư”, và những người “ưu tư” vẫn muôn đời “ưu tư”. Xã hội nào, phương trời nào cũng thế, dù Âu hay Á, dù Đông hay Tây. Nếu Hoa Kỳ chỉ có một Abraham Lincoln thì Việt Nam cũng chỉ một Trần Hưng Đạo. Những con chim đại bàng bao giờ cũng dẫn đầu và những con chim én luôn chỉ đem mùa xuân. Giòng máu cách mạng chảy từ cha ông đến đời con cháu, dòng máu ấy không  phân chia đều cho hết thẩy, mà có thể đậm đặc hơn ở nhánh này và phai loãng hơn ở nhánh khác. Sự đậm đặc ở nhánh này tạo nên những con người “ưu tư” và sự phai loãng ở nhánh nọ hình thành những con người “vô tư”! Như chị, người phụ nữ tưởng chừng chỉ biết có công việc kinh doanh nhưng ai biết đó lại là một con người ăm ắp tình quê hương. Đó phải chăng là giòng máu cách mạng từ người cha, một đảng viên Quốc Dân Đảng, luân lưu đến chị và đọng lại khá nhiều. Hay như ông ngoại tôi, dòng máu ấy chẩy và cũng chẳng hề  phân bố đều. Các em tôi không  “đau đáu” như tôi. Các em chị, không  “đau đáu” như chị. Họ, em chị và em tôi, những người “vô tư”,  chỉ nhìn cuộc đời giản dị như một mái gia đình, một bầy con kháu khỉnh. Họ không nhìn xa hơn để hiểu rằng mái gia đình sẽ không còn là ấm nếu họ không  đóng góp cho bờ rào bao quanh, con cái họ sẽ thế nào nếu đám lưu manh lên lãnh đạo. Vì thế chị, như tôi, sẽ không  bao giờ có thể làm ngơ được. Dù có tay bồng cháu ngoại, tay dắt cháu nội thì chỉ cần nghe thấy một điều gì, thấy một cảnh gì là lòng lại sục sôi căm giận.

Thôi thì cứ để dòng đời xuôi, cứ để sóng dữ vùng, “phe ta” cứ cưỡi sóng mà đi, và khi cần thì cứ phải cho cái gọi là “phe mình” những lời cảnh cáo. Thanh lọc hàng ngũ cũng chính là một nhiệm vụ trên “con đường tranh đấu”!

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.