Chuyện vui về máy bay và xe lửa ở Việt Nam

AIR VIETNAM- KINH BỎ MẸ

Bút ký của một ông lái tàu bay lên thẳng

Về VN năm nào, nhớ lại nghề bay bổng nên cứ mỗi lần nhìn thấy phi cơ trên trời là lòng tôi lại thấy nao nao. Tôi hỏi thằng em ruột:
-Rạch Giá đi Sài Gòn, thuê xe hơn hay mua vé máy bay hơn ?
-Máy bay hết 45 phút, xe chạy hết bốn tiếng, tiền thuê xe bằng tiền mua vé máy bay.
Tôi quyết định đi máy bay Air VietNamcủa Nga cho biết với người ta.
Sáng thứ tư tôi chuẩn bị cho thằng em đưa ra phi trường Rạch Sỏi để đi Sài Gòn, nó nói:
-Không biết hôm nay có máy bay không.
-Sao mày nói nó bay mỗi thứ tư và thứ bảy ?
-Ừ, đó là chương trình, còn nó bay hay không thì chưa biết.

Chờ ở phi trường chừng nửa tiếng thì chiếc phi cơ khá lớn đáp xuống phi đạo. Tôi làm thủ tục lên tàu, vé mang số 5 ở tuốt hàng đầu, thiên hạ chen nhau lên trước nên khi tôi lên đến nơi thì không còn chỗ. Cô tiếp viên Air VietNamnói gia đình họ đi có đoàn. Tôi đành nhường chỗ và theo cô xuống phía dưới .

Cô khá xinh, chỉ cho tôi vịn vào chiếc cột nhôm gần đuôi chiếc máy bay để cô xếp chỗ.
Một lúc sau viên phi công hầm hầm đi xuống từ phòng lái, cự nự:
-Các cô làm ăn thế này thì chết cả lũ.

Một cô mặc áo màu xanh, nhân viên phòng vé dưới đất (hồi xưa Tiếp viên Hàng không đi bay thì mặc áo màu xanh, còn bây giờ họ lại đổi màu hồng) năn nỉ:
-Anh Ba thông cảm cho em chuyến này, chuyến sau em làm tốt hơn.
-Chuyến sau! Chuyến sau! Quá tải có ngày chết cả lũ.
Viên phi công hậm hực trở lên phòng lái, chiếc phi cơ gầm lên lao nhanh trên phi đạo rồi rời khỏi mặt đất.

Tôi nhìn qua cửa máy bay, sống lại cảm giác hồi mình còn ở trong Không Quân, bay liên lạc đáp xuống phi trường Rạch Sỏi này. Có khác chăng là ngày xưa thì ngồi, còn bây giờ thì đứng ôm chiếc cột trong thân tàu.
Chuyện phi cơ quá tải ở VN là thường, tôi đã từng chở 18 người từ An Lộc về Lai Khê, trong khi UH chỉ có 9 chỗ ngồi mà có sao đâu.

Phi cơ không về SG ngay mà lại ra Phú Quốc. Lỗi này là tại tôi không đọc kỹ vé. Hàng Không Dân Dụng có ghi rõ tuyến đường là:
HCM-Phú Quốc-Rạch Giá-Phú Quốc-HCM. Có nghĩa là máy bay từ SG ra tới Phú Quốc đổ khách, bốc khách về Rạch Giá, đưa khách từ Rạch Giá ra Phú Quốc rồi mới vòng về SG.

Không đọc kỹ vé thì không kêu ca vào đâu được. Có điều bay từ Rạch Giá ra Phú Quốc thì được free, cho dù là đứng hay ngồi.
Tôi cũng chẳng phàn nàn gì về cái ghế trên phi cơ, vì cô tiếp viên cũng ôm chặt cái cột khi máy bay cất cánh như tôi. Tôi hỏi:
-Cô bay tuyến này khá không?
-Chả có gì đâu anh ạ, bay tuyến quốc ngoại mới ăn, nhưng đỡ hơn bay tuyến ngoài Bắc.
-Sao thế ??
-Tuyến ngoài Bắc khách cứng đầu lắm, nói thế nào cũng chẳng chịu nghe.

Cô ta làm tôi nhớ tới một ông “Bắc Kỳ Di Cư”, y hệt tôi đi trên chuyến Hồng Kông – Sài gòn trước đây một tuần.

Trời SG tháng Bảy nóng như đổ lửa mà ông mặc bộ com lê đầy đủ. Khi chuyển máy bay ở Hồng Kông, ông ngồi lộn ghế, tiếp viên năn nỉ thế nào cũng không chịu đứng lên, cuối cùng cô tiếp viên đành chào thua để ông ngồi lỳ ở đó. Lát sau ông quay qua phía tôi phân bua:
-Cứ tưởng ông như nhà quê mà bắt nạt. Mẹ, ông mua vé thì ông muốn ngồi đâu ông ngồi chứ!

Tôi hy vọng ra đến Phú Quốc sẽ có chỗ ngồi, tôi lại lầm vì có lẽ VN đang trên đà đổi mới nên làm ăn khấm khá, tuyến nào cũng đầy khách.
Tôi lại đành làm anh hùng đứng ôm cột với cô tiếp viên như khi còn nhỏ chơi Thả Đỉa Ba Ba vậy.
Khi phi cơ trở ra cuối phi đạo để cất cánh, tôi dòm ra thấy có hai viên công an chạy hai chiếc Honda kề bên hông nên hỏi:
-Họ làm gì vậy ?
Cô giải thích:
-Họ chạy theo để chặn bò. Đôi khi phi cơ cất cánh, mà bò chạy ra trên phi đạo thì cũng có … vấn đề đấy.
Tôi hỏi bò của ai mà vào được cả trong phi trường, cô trả lời không biết, chắc là của Công an.

Khi đáp xuống Tân Sơn Nhứt tôi mới khám phá ra một sự lạ nữa, là không phải chỉ có tôi và cô tiếp viên không có ghế, mà ở tuốt trên hàng ghế đầu, đặt nằm dưới sàn có một cái băng ca, trên đó nằm đưỡn đừ một bênh nhân đang thiêm thiếp. Có lẽ ông này được khiêng lên ở Phú Quốc lúc tôi ngồi trong phòng đợi. Người ta khiêng ông xuống và chiếc băng ca được đặt nằm trên mặt đất ngoài phi đạo thi gan cùng nắng gió và bụi, hình như chờ xe thuê bao đến chở đi nhà thương.

Vị chi chuyến này có ba người ngồi ghế SÚP, y hệt lơ xe đò Phước Chí ngày xưa ráng nhét hành khách vào giữa hai hàng ghế!!

Tôi rời nhà lúc 7g sáng, phi cơ đáp Tân Sơn Nhứt khoảng 12g trưa, vậy là khoảng 5 tiếng đồng hồ. Lâu hơn đi xe, có điều là được đi một đoạn miễn phí và học hỏi được đôi điều thú vị.

Mấy hôm sau, gặp lại thằng em ở SG, nó hỏi:
-Anh đi máy bay Nga – Air VietNamcó sướng không?
Tôi cười như mếu:  – Kinh Bỏ Mẹ!

================================================================
Góp thêm chuyện…thảm !

Tác giả : Bùi Xuân Cảnh

Kinh Bỏ Mẹ! Ông Phi Công này đi tàu bay việt cộng mà còn than như thê ! Nếu ông được đi xe lửa như tôi… !

Năm 1979, tôi được việt cộng thả ra khỏi trại cải tạo ở Ngã Ba Ông Đồn, gần núi Chứa Chan. Hình như nó có phát cho tôi mấy đồng tiền Hồ.

Tôi cuốc bộ từ ngã ba Ông Đồn ra trạm xe lửa gần đó, cũng độ 3 cây số. Trời nắng gắt, tôi khát cháy cổ, nhưng không dám có ý mua cái chi để uống, vì không biết tiền vé xe có đủ chăng.Tôi đợi mất 2 giờ, thì có chuyến tàu từ Phan Thiết dzô.Nhưng trước lúc tàu dzô cả tiếng đồng hồ, sân ga bé nhỏ đã chật cứng người, với đủ thứ hàng hóa, còn hơn cả cái chơ ! Nhưng nhiều nhất là củi và than. Khi xe vừa ngừng bánh, nó giống như một cục đường bị lũ kiến bu lại ! Bọn buôn củi than có lợi thế nhất. Chúng có đồng bọn trên các toa, mở cửa sổ toa xe, và chúng đứng dưới vác củi, than quăng bừa qua cửa sổ, mặc mẹ những hành khách trên đó. Dĩ nhiên để tránh bưu đầu sứt trán, gẫy cẳng…, hành khách đang ngồi sẵn trên toa phải vội vàng né tránh và cũng…dĩ nhiên họ vừa tránh vừa chửi rủa om sòm, nắm tay dơ cẳng, đe dọa một trận kịch chiến, nhiều phần có đổ máu chứ chẳng chơi. Khổ thân những thằng tù cải tạo, vừa ra trại, chưa có cả cái quyền công dân, dây dưa vô đám hỗn chiến này, có khi lại hóa ra  chưa cải tạo ” tốt ” thì bỏ mẹ.

Tôi phải lùi ra xa, và sau đó, dù cố sức bao nhiêu tôi cũng đành chịu, không sao tiến gần con tàu được một ly nào. Ngoài sự khó khăn ngoại cảnh, còn có sự khó khăn ngay trong tư cách con người của mình. Mình không thể nào làm những chuyện…kỳ quái hay đáng xấu hổ mà người việt cộng thản nhiên làm. Do vậy, tàu chạy mẹ nó rồi, mà tôi vẫn còn ngơ ngác đứng trên sân ga, dương mắt ếch vì kinh hoàng và thất vọng cho cải cảnh vừa nhìn thấy. Những thằng tù nào vừa thóat khỏi hàng rào kẽm gai, và các họng súng, có thể giết mình bất cứ lúc nào, lại không nôn nóng lánh xa cái lò sát sanh ấy ! Ngoài ra, còn đôi mặt mẹ già, vợ hiền trông đợi, những bàn tay bé nhỏ của lũ con thơ vẫy gọi nơi mái nhà rách nát đang thôi thúc hắn mau về để chia sẻ nỗi cơ hàn. Cho nên ra trại rồi, mà không về được nhà thì lòng như lửa đốt.

Bị lỡ tàu,tôi thất thểu cầm tấm vé xe, quay vô nhà ga kiếm một xó nằm nghỉ, và định ngày mai sẽ cuốc bộ vềSaigon, dù phải đi bao lâu cũng mặc. Vừa nằm nghỉ, vừa cầu trời cho có quý nhân gúip đỡ. Thì chẳng bao lâu có ” quý nhân ” tới thiệt. Quý nhân hiện ra dưới hình dáng một anh chàng cù bơ cù bất. Hỏi tên họ và nhà cửa, mới hay đây là một chàng bị đẩy đi kinh tế mới gần đó. Chàng cho biết, nếu tôi còn chút tiền cho chàng, thì chàng sẽ đánh vật, chen cho tôi được một chỗ, trong chuyến tàu ngày mai. Tôi thủ thế , xin hẹn ngày mai sẽ quyết.

Trưa hôm sau, khi tàu gần tới ” ân nhân ” lại xuất hiện và gạ gẫm. Tôi vét túi nộp chút tiền còn lại cho ân nhân, sau khi quan sát quang cảnh như hôm qua, và tự lương sức mình không thể lên tàu được.Quả nhiên, khi tàu tới, một cảnh tượng tranh giành quyết liệt còn hơn ngày hôm qua, vì số khách lỡ tàu hôm trước, nay quyết tâm hùng hổ gấp hai. Tôi suýt bị mấy cái đòn gánh phang vào đầu, đành lui ra đứng ngoài xa.Khi tàu hú còi sắp chạy, tôi thấy ” ân nhân ” của tôi đã đứng được một chân lên bực cửa tàu, mỗt chân còn đung đưa; một tay anh ta nắm chặt cái cột sắt gần cửa, tay kia rối rít vẫy tôi. Tôi mừng quá,người như tăng thêm sức mạnh, và quên hết hiểm nguy, vẹt được môt dòng người và tới ngay chổ ân nhân đang đứng, hy vọng sẽ có chỗ trên tàu. Nhưng hỡi ơi, cái chỗ của ân nhân dành cho tôi chính là cái chỗ anh ta đang đứng; nghĩa là tôi cũng sẽ có ” chỗ ” đứng một chân, chân kia đong đưa trong không khi, và có chỗ vịn…một tay !!! Tôi còn biết làm thế nào trong khoảnh khắc phải quyết định ấy. Tôi đành liều mạng thế chỗ của anh ta, và anh ta khoan khoái rời khỏi cái thế đứng chết người ấy. Xe chạy rồi, tôi mới thấy là tôi đã quá liều lĩnh. Chân tôi mỏi nhừ, tay tôi tê dại như hóa gỗ, và các cành lá bên đường quật vào thân tôi liên tục!. Tôi chắc chắn sẽ rơi xuống đường tàu và nát thây, nếu xe lửa không dừng lại ở một cái ga xép thứ nhất.Nó vừa dừng lại là tôi buông tay cho rới xuống sân ga, dù biết rằng xuống rồi là không sao lên xe được nữa ! Vậy mà tôi lại lên xe được, quý cụ a !

Bởi vì khi xuống sân ga, còn đang bàng hoàng, tôi lại thấy cái cảnh ở ga trước tiếp diễn; nghĩa là lại có màn ném củi khúc mới cưa, và các bao than cả tạ lên tàu qua cửa sổ. Đám hành khách bên trong, la ó chửi rủa râm ran, cũng đâu có ăn thua gì; đành kéo nhau tị nạn bằng cách phóng ra khỏi toa để tránh các khúc củi. Bọn này phóng ra khỏi toa rồi thì dĩ nhiên sức voi hay sao mà hòng trở lại. Sau khi ngơ ngác môt lúc và tuyệt vọng không leo vào toa được, bọn này bèn leo…lên nóc toa.

Này ! đừng có tưởng leo lên nóc toa xe là chuyện dễ nhé ! Tôi đã bắt chứớc họ leo thử mấy lần mà không được; sau phải có ” đồng minh ” giúp đỡ bằng cách đưới đẩy đít, trên nắm tóc lôi ! Chao ôi, lên được rồi thì nó…sướng quá. Kiểm điểm lại thì thấy chỉ mất có ba cái nút áo và bụng bị vạch cào xước một mảng da đỏ sần sùi lên trông như vết thương vừa được tháo băng và hai xương vai hình như muốn rời ra vì bị kéo từ trên. Nhưng lên rồi thì …sương quá các cụ ạ ! Chẳng có ai chen vai thích cánh, chẳng có mùi cứt gà cứt heo gi sất cà ! Cũng chẳng có mùi hôi nách  và mùi quần áo…không bao giờ giặt ! và nhất là không còn sợ những khúc củi gỗ thình lình lao trúng đầu, trúng mặt mình !Gió thồi vù vù bên mang tai, chim bay lươn trên đầu ! Ái chà, nếu sở xe lửa nhà nước biết như vầy, vé ngồi trên mui dám thành vé hạnh nhứt, bán giá cao tới trời cũng hết veo ngay.

Ậy, nhưng sự đời dưới mặt những tên nông nổi ngớ ngẩn như tôi thường được đánh giá sai bét ! Khi xe bắt đầu chuyền bánh và xe dùng dình một chút, tôi mới nhận ra cai mui xe không phẳng như cái mặt bàn. Nó hơi khum khum như cái…mu rùa, các cụ ạ ! Ấy, ngồi chơi sơi nước thì không sao, nhưng  nếu có ai dùng dình cái chổ ngồi như thế, thì quý cụ có khuynh hướng lắn tòm sang một bên. Cơ khổ là cái xe lửa cà chớn này nó hục hặc như bất mãn với  sức kéo quá tải và các thanh đường ray mới được đặt vụng về, nó rùng mình, nó nhẩy lên từng chặp.Đám cư dân trên mui bây giờ mới thấu trời xanh.

Sau hai ba lần suýt nhao đầu xuống đướng, tôi bèn chơi thế võ ” thằn lằn áp địa ” : Tôi dang cả hai tay hai chưn ra, áp mặt sát mui xe, mấy ngón  tay cố ra sức bấu vào cái mui làm bằng sắt. Sau khi đã yên vị, tôi hé mắt nhìn các khứa đồng hành, mới hay thiên hạ cũng bắt chước mình cả. Bấy giờ mới biết mình có tài !! Quý cụ nên nhớ rằng : trên đường đi, xe lửa phải chui qua nhiều cây cầu. Và những cây cầu  này bắc qua các khe vực, chỉ có xe lửa mới chạy qua. Thành ra các ông kỹ sư cầu đường đã thiết kế những thanh sắt ngang trên cầu chi vừa tầm cao cho xe lửa chui qua. Nay có thêm một bề dầy của thân người, dù là thân thằng tù ốm dẹp lép, ở trên mui xe, thì tất là phải khó khăn mới không quá cao để bị thanh sắt ngang trên cầu gạt phăng lại. Mỗi khi xe sắp qua cầu, toán người ngồi trên mui xe toa đầu liền la lớn báo hiêu ” qua cầu “, và chúng tôi rán dán mình cho thật dẹp xuống mui xe, để khỏi bị thanh sắt cầu gạt phăng đi. Mỗi lần thoát nạn như thế, nhiều người lại la to : ” Thoát rồi !! ” Cũng vì những tiếng báo hiêu này mà tôi suýt mất mạng. Một lần khi tôi nghe báo ” thoát rồi ” tôi liền cất cao đầu lên một chút thôi, nhưng thanh sắt ngang trên cầu đã ” hớt tóc ” cho tôi mát rợi ! Thì ra người ngồi toa trước ” thoát rồi ” ; nhưng mình ở toa sau, nên khôn hồn ép rệp cho kỹ, chớ nên nghe la thoát mà ngững đầu lên , ắt toi mạng !

Vậy mà nhờ hồn thiêng các tử sĩ đồng đội phù trợ, tôi cũng đáp xuống gaSaigonbình an. để hôm nay ngồi gõ vài dòng này góp ý với ông bạn phi công đi tàu bay Nga của việt cộng !

Viết đã dài rồi, thôi bye hỉ !

BXC

This entry was posted in Thân Hữu Khác. Bookmark the permalink.