Dương Như Nguyện, “who is she”?

Hơn một tháng trước, tôi nhận mail của TS Dương Như Nguyện (Nicole Dương), chuyển tiếp tin của Amazon Encore. Nội dung là hai cuốn sách của Nicole Dương, do Amazon Encore chọn và gửi tổ chức ởLos Angeles đã đoạt giải nhất và nhì của International Book Award 2102.

Tôi không biết tổ chức đó, tôi không biết Amazon Encore, tôi chỉ biết “người mình” mà lại còn “phe kẹp tóc” nữa đoạt giải là tôi thích rồi. Sau nữa tôi biết Nicole Dương là người giỏi thật sự chứ không phải thứ “nổ”. Tôi bèn viết tạp ghi nói chút đỉnh về Nicole Dương.

Bình thường tôi hay viết linh linh lang tang như thế trong cái mà tôi gọi là “LanChiYesterday-Viết ngắn”. Nghĩa là “free writing” và viết về những vụn vặt quanh đời sống của mình. Một hình thức nhật ký nhưng chia sẻ chứ không giữ làm của riêng.

Đọc tạp ghi của tôi, một chị trả lời rằng cuộc thi là vầy vầy, giải thưởng là vầy vầy…, khiến tôi thấy không vui. Tôi trả lời lại là dù ở “cấp độ nào” thì người Việt  Namđoạt giải vẫn là vui vì không phải là bỏ tiền ra mua giải. Huống chi, Nicole Dương là ai? Là người từng đoạt giải Văn Chương Phụ Nữ trong Ngày Lễ Bà Trưng vào năm 1975. Có thể xem như đó là người cuối cùng đoạt giải này. Hãy xem Nicole Dương viết về giải thưởng này như sau: “Năm 1975, đang học 12 C Trưng Vương, tôi được giải Danh Dự Văn Chương Phụ Nữ Toàn Quốc vào Lễ Hai Bà Trưng. Trước khi dự thi, bà Hiệu Trưởng, Giám Học và Tổng Giám Thị đã mang tôi đi thắp hương, quỳ lạy trước bàn thờ Hai Bà Trưng ở Sài Gòn.  Giải thưởng trao ở Vườn Tao Đàn cùng với nhiều phụ nữ xuất sắc khác. Ngoài khánh vàng còn được quyền chọn học bổng du học trong 6 quốc gia.”


Tôi còn nhớ ngày đó, mỗi khi chờ kết quả cuộc thi này là cả trường hồi hộp. Chả là hai trường nữ lớn nhất hồi đó, Trưng Vương và Gia Long tranh nhau đoạt giải. Tôi học Gia Long và còn nhớ kỷ niệm năm tôi học đệ nhị, Gia Long đoạt giải khiến chúng tôi rất vui. Năm đệ nhất, tôi đại diện lớp đi thi Văn Chương cho Giải Trung Học Toàn Quốc (khác giải Văn Chương cho Ngày Lễ Hai Bà Trưng thì phải)  nhưng đương nhiên không đoạt được giải vì ngày đó tôi chọn ban A  để còn thi vào Y Dược Nha nên văn không thể hơn mấy chị ban C được.

Nicole Dương còn tốt nghiệp báo chí ởIllinois, tốt nghiệp LLM của Harward, từng dạy ở Đại HọcColorado. Mặt khác, đây là điều đặc biệt: Nicole Dương vừa học giỏi vừa đẹp!

Đa số “người đẹp thường hay học dở”. Đó là câu mà quý ông “masculin” thời tôi hay nói. Mấy cô đẹp hay điệu và hay lấy chồng sớm. Thường thì mấy ông quân nhân hay tán mấy cô này và cuộc đời các mỹ nhân này thường “point final” “theo chồng bỏ cuộc chơi” ở Tú 1 hay Tú 2. Hiếm có người đẹp học cao vào thời chúng tôi. Giới trí thức bác sĩ hay dược sĩ thì hay chọn vợ ở cùng ngành nghề và người đẹp ở các phân khoa Y Dược Nha thường hiếm hoi so với Văn Khoa, Sư Phạm. Vì thế một phụ nữ vừa thông minh vừa học giỏi vừa đẹp và ăn mặc rất “à la mode” là một điều tôi hết sức thú vị! Theo tôi, đó là điều hãnh diện của phụ nữ Việt Nammà tôi  có nhiệm vụ “khoe với mọi người”.

Xem này Nicole Dương ngày học Trưng Vương: rất xinh xắn dễ thương (hình bên phải)

Năm 1975, tròn 16 tuổi, Nicole Dương đoạt giải Văn Chương Phụ Nữ và đây là hình ảnh Nicole với bà Hoàng Đức Nhã vào 1975:

Năm 1996, Tươi trẻ

Năm 2006, một phụ nữ gần 50  và rất “à la mode” với mái tóc, thân hình, trang phục:

Và khi hành nghề luật hay thẩm phán thì trang trọng

Báo Bút Tre số tháng tới sẽ là bài tôi phỏng vấn Dương Như Nguyện.

14 câu hỏi do tôi soạn và gửi đến Nicole Duong đã gây cảm hứng cho Nicole vẽ trong khi trả lời câu hỏi của tôi:

Xem tranh thấy một khuôn mặt nữ, tôi đùa hỏi Dương Như Nguyện rằng có phải Nicole tưởng tượng và vẽ lại “chị Lan Chi của thuở ngày xưa” không vì tôi cho rằng đó là tôi ngày xưa!

Qua khung cửa hay lưới trời lồng lộng
Từng mảnh đời vụn vặt khẽ đong đưa
Lá chớm thu hay tóc phai tuổi mộng
Con mắt dài, đường thiên lý có vừa? [1]
( Hoàng Lan Chi)

Tôi trích lại đây, phần trả lời của Nicole Dương cho câu  hỏi số 13 của tôi:

Câu “tiền 13” là : Quan sát Dương Như Nguyện, tôi nghĩ rằng có vẻ như cô được thượng đế ưu đãi và gặp khá nhiều may mắn, cô có thấy vậy không?  Đẹp, học giỏi, thông minh, thông thạo Anh Việt để có tác phẩm văn chương trong cả hai ngôn ngữ. Với sự ưu đãi của thượng đế, cô đã làm gì để duy trì và phát triển những tài năng bẩm sinh, những vốn trời cho? Cụ thể hơn, nhan sắc ấy trang sức gì cho đời, văn chương ấy nói gì cho đời, kiến thức luật ấy cứu vớt gì cho đời và hội họa ấy tô điểm gì cho đời?
………………….(xem sau ở bài phỏng vấn)

13-HLC: Vâng, có nghĩa là nhan sắc đôi khi là tai họa và chữ tài liền với chữ tai một vần. Tuy thế, tôi nghĩ rằng cô vẫn còn “nợ” tôi hai câu hỏi. Nợ vì văn chương của cô,  đã nói gì cho người phụ nữ VN, đã có “giải thoát” cho họ một vài giây trói nào không? Kiến thức luật đã từng giúp cho phụ nữ VN được những gì và hội họa với sáng tạo bốc đồng đã làm “mềm” lòng ai chưa?


DNN:  Câu hỏi tuyệt vời.  Vấn đề cần được đặt ra cho những nhân vật nổi tiếng khác của ViệtNamvì họ đã từng được quần chúng ViệtNamtôn sùng!
Quan niệm của tôi:  việc đo lường ảnh hưởng của một cá nhân trên tập thể, lại là một con đường thiên lý thứ hai!  Có khi đã chết rồi, sự đo lường vẫn chưa ngã ngũ.  Đây là cưu mang của tất cả chúng ta. Tôi muốn nói đến một từ tiếng Anh, lấy từ tiếng Pháp, gọi là “Noblesse Oblige.” Tạm dịch ra tiếng Việt là “nghĩa vụ.”  Trong một bài diễn thuyết cho học sinh thủ khoa và á khoa các trường trung học ởTexas, tôi đã giải nghĩa từ nầy bằng cách kể lại câu chuyện mà cha tôi luôn kể cho các con nghe: chuyện con voi của Đức Trần Hưng Đạo. Sẽ nhắc lại ở dịp khác.

Ở đây tôi phải trả lời chị Lan Chi một cách cụ thể:
1) Nhan sắc:  Có thể đem phục vụ tha nhân. Điển hình là Huyền Trân Công Chúa. Nhan sắc cũng có thể làm phụ nữ ấm thân và tạo công danh (trường hợp của tài tử Pia Zadora chẳng hạn. Ngay cả con người tài năng Georgia O’Keefe cũng đã phô trương cái nhan sắc rất đặc biệt của mình qua ống kính của người bạn đời.) Có thể vì tôi quá độc lập, cho nên từ trước đến giờ, tôi chưa hề muốn đi theo thông lệ ở Mỹ, lấy tên một người đàn ông làm tên mình. Trước sau, ở dòng chính tôi vẫn là “Ms. Duong” lúc nào cũng phải tranh sống. Nhan sắc, nếu có, có thể đã giúp tôi gặp một số người rất đặc biệt, nhưng nói chung, nhan sắc là … vô tích sự, chỉ làm tốn thì giờ, tốn tiền bảo dưỡng và ăn diện mà thôi!

2) Tư tưởng:   Trong luận án ở Harvard, “Phụ nữ ViệtNam: chiến sĩ và thi sĩ.” tôi nêu lên 8 yếu tố rủi ro khi phải đối diện với vấn đề nữ quyền ở ViệtNam trong đầu thập niên 1990 – được giới hàn lâm về luật ở Mỹ coi là “seminal” (chính yếu, nổi bật).  Từ lúc đó cho đến bây giờ, có tác dụng gì không ở nước ViệtNam? Thưa không.  Tuy nhiên tôi hy vọng rằng, luận án sẽ là niềm an ủi cho bất cứ phụ nữ Việt Nam nào phải chịu đựng bất công xã hội, vì sự chiến đấu với hoàn cảnh phải bắt đầu bằng ý chí tu dưỡng tinh thần:  Ý thức rằng tất cả chúng ta đều có thể trở thành chiến sĩ và thi sĩ:  từ Trưng Vương cho đến Hồ Xuân Hương, cả hai đều trở thành bất tử!
Từ đó, trong suốt hơn thập niên trong nghề khoa bảng, 8 tập nghị luận của tôi được đăng tải trong dòng chính: từ việc khai thác dầu khí quốc tế, cho đến cuộc tranh chấp chủ quyền quốc gia ở đảo và biển Đông, qua đến vấn đề công nghệ hóa và vi tính hoá các nước chậm tiến trong kỷ nguyên toàn cầu cho thế kỷ 21 bằng thông minh nhân tạo (artificial intelligence). Tổng cộng khoảng 3000 footnotes cho 8 tập. Những cái đó có tác động gì không trên các chính trị gia làm chính sách? Tôi nghĩ là không. Thế mà tôi vẫn tiếp tục làm công việc “gieo mạ này dù có về hưu sớm. Lại một con đường thiên lý thứ 3.

3) Giáo dục:   Trong hơn 11 năm dạy học, các sinh viên (nam có nữ có, đen, trắng, vàng, đủ sắc, tìm đến tôi như một người hướng dẫn (mentor), và một số đoàn thể cộng đồng Việt Nam hay đưa cho tôi việc đọc diễn văn (keynote speaker).  Thế nhưng, tất cả các sinh viên nghèo, kém khả năng tiếng Anh ở Việt Nam, rất nhiều em xanh xao ốm yếu từ đồng quê lên tỉnh, không bao giờ có cơ hội du học tại Mỹ:  tôi bó tay không giúp được các em.  Tiếng nói, lời giảng bài của tôi cũng chẳng đến được tất cả các em một cách hữu hiệu và trực tiếp.

4) Nghề luật:  Từ 1986, bắt đầu ngay lúc mới ra trường, tôi đã bào chữa một số các vụ án thiện nguyện không lấy thù lao, mà phí tổn tổng cộng lên cả trăm ngàn Mỹ Kim (nhiều vụ án). Thí dụ: tổ hợp Wilmer Cutler (bây giờ là Wilmer Hale), ởWashington,D.C. đã đài thọ cho tôi cãi miễn phí cho người con của một cựu quân nhân VNCH. Tuy thế, tôi chưa hề mở văn phòng phục vụ cho người Việt để kiếm sống trong cộng đồng người Việt.  Cũng chưa hề phổ biến trước công chúng về những công trình và các vụ án thiện nguyện nầy.

Năm tôi làm thẩm phán, xảy ra vụ một sinh viên y khoa ViệtNambị giết chết vì tổ chức skinhead. Nếu vụ này đã xử và kẻ phạm tội đã phải đền tội, như một “hate crime,” thì qua cuộc phỏng vấn nầy, 20 năm sau, tôi xin nhờ Báo Bút Tre và blog Hoàng Lan Chỉ chính thức gửi lời tôi xin lỗi đến người mẹ của sinh viên bị đánh chết.  Lúc ấy, vì chức vụ thẩm phán, tôi không thể can thiệp vào vụ án, và tôi đã phải bó tay lặng yên đứng ngoài nỗi đau khổ và tiếng kêu thương của bà.

Tôi đã nói thẳng với đồng nghiệp trong nghề luật: xin đừng vì sự hiện diện của tổng thống Obama trong tòa Bạch Ốc mà nghĩ rằng việc kỳ thi chủng tộc đã hết ở đất nước nầy.  Hiện nay, có một gia đình Việt Nam ở một thành phố xa xôi không thuộc về thủ phủ của người ty nạn Việt Nam, đã lên tiếng xin sự ủng hộ của cộng đồng vì họ là nạn nhân kỳ thị chủng tộc.  Tôi đã nói chuyện này với một số đoàn thể thiện nguyện Á Châu, kể cả tổ chức 80-20 (sáng lập bởi người Á Đông đầu tiên đắc cử chức vụ Phó Thống Đốc tiểu bang Delaware).  Không tổ chức nào muốn giúp gia đình Việt Nam này. Tôi vẫn còn tiếp tục cố gắng tìm.  Rất buồn mà phải nói với chị Lan Chi, rằng đã 40 năm qua, cộng đồng Việt Nam vẫn chưa có một cơ sở toàn quốc (national) với ngân sách để chúng ta bênh vực lẫn nhau về mặt luật pháp (legal defense fund), nhất là về kỳ thi chủng tộc hay vi phạm nhân quyền.

5) Nói qua địa hạt văn chương:  Những nhận xét của độc giả về 3 cuốn sách của tôi trên amazon.com cho thấy độc giả Mỹ có thay đổi cách nhìn về Việt Nam và người di dân, và có hiểu được tiếng nói của nhân vật và tác giả.  Tuy nhiên, những định kiến, những sai lầm về dữ kiện, những xuyên tạc, ác ý, bỏ quên hay bóp méo lịch sử, vẫn đầy dẫy ngoài kia…

6)  Việc vẽ vời của tôi có ảnh hưởng đến ai không?  Tôi không rõ vì chưa bao giờ có diễm phúc được triển lãm, dù rằng có đem tranh di cho công tác xã hội. Vài lần tôi diễn thuyết trước công chúng về L’Art Brut, đều có người muốn mua tranh, nhưng tôi chưa bán, thì những người muốn mua tranh đã… biến mất!  Tuy nhiên, tôi cảm nhận rằng kiểu vẽ “sáng tạo bốc đồng” của tôi gần gũi với những phụ nữ bình thường, bất kể màu da.  Thí dụ: có một bức tôi vẽ người phụ nữ tập hát mà không hát được vì đã bị chận ngay cổ họng bởi một cành hoa uất kim hương mềm mại, mang vóc dáng của một nàng vũ nữ tý hon….tôi đặt tên bức tranh này là “Diva and her tulip dancer…” Hai phụ nữ, một người chặn họng người kia?  Hay là 2 hình thái khác nhau trong cùng một phụ nữ: một xung đột nội tâm? Bức tranh này, khi tôi chiếu bằng powerpoint, đã làm một phụ nữ da đen trong cử tọa vô cùng xúc động. Nhưng rồi bà ta cũng…biến mất! (ngưng trích bài phỏng vấn)

Tôi sẽ gửi trọn bài phỏng vấn Dương Như Nguyện vào số tới.

Xin mượn câu nhận xét của ông Nguyễn Ngọc Anh, Cựu Chủ Tịch Tổ Chức Cộng Đồng NVQG Arizona viết cho tôi thay cho lời kết ở LanChiYesterday …hôm nay!

:“Cô ấy (DNN) là viên ngọc quý, cần được khám phá (hay đúng hơn, cần tạo cơ hội cho người khác khám phá.) Tư cách. Thâm thuý. Có tình tự dân tộc. Có chiều sâu triết học. Anh không dùng chữ ‘khôn khéo’ vì nó thường đồng nghĩa với không chân thật, nhưng cô ấy là người biết cách trả lời để lôi kéo độc giả về với suy nghĩ của mình.”  (Nguyễn Ngọc Anh)
Hoàng Lan Chi 2012

[1]Nicole luôn ví cuộc đời, sự nghiệp là con đường thiên lý.
Trích tiểu sử Dương Như Nguyện: Chào đời tại Hội An, Quảng Nam và đến Hoa Kỳ năm 1975,  Nicole tốt nghiệp Cử Nhân Báo Chí tại ĐH Southern Illinois, sau đó Tiến Sĩ Luật của DH Houston và LLM của Harvard. Tuổi 24, cô đã làm Tổng Giám Đốc Vụ Bồi Thường Rủi Ro cho Quận Học Chánh Houston, rồi tốt nghiệp luật sư năm 1984.  Hành nghề luật được 18 năm thì cô trở thành giáo sư luật thực thụ ở đại học Denver. Cô viết văn từ khi còn ở Việt Nam và là người cuối cùng đoạt giải danh dự cuộc thi Văn Chương Phụ Nữ Toàn Quốc Lễ Hai Bà Trưng của Việt Nam Cộng Hòa. Cuốn “Con gái của sông Hương”  xuất bản năm 2005 gây nhiều tiếng vang.

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.