Đàn Ông Đâu Có Giống Nhau?

“Mợ Phàn”

Hai hôm nay Cali trời mưa. Mưa đêm và cả mưa ngày. Cứ như là bão rớt ngày xưa ở Sài Gòn. Trời u ám, mưa lắc rắc. Mưa đêm thì thú vị nhất là khi trùm chăn và nghe tiếng mưa tí tách nhưng mưa ngày thì tôi chả ưa.

Hôm qua có một niềm vui nho nhỏ. Rời lớp thi ra parking, tôi bấm gọi trở lại cái “miss call”. Cũng chả hiểu vì sao tôi buột miệng “ Mợ Phàn đây”. Anh bạn bên kia đầu giây “ Thế mợ có qua không?” “Không” “Vậy tôi sẽ gửi quà cho mợ nhé”. Cúp phone, tôi bật cười. Tôi vẫn gọi vài phụ nữ sồn sồn bằng từ “mợ”. Nhưng tôi bị gọi là “mợ” thì đây là lần đầu. Vừa bị gọi qua phone vừa bị viết trong mail nữa chứ!

Người Bắc có thói quen gọi bố mẹ là cậu mợ. Ngoài ra, khi nói đến người khác bằng cậu mợ nó có một ý nghĩa hơi bông đùa, khác với “AnhChị”. Khi nghe một ông Bắc Kỳ gọi một bà bằng “mợ” với cái giọng như vầy như vầy là mọi dân bắc kỳ đều hình dung ra được một cái rất đặc trưng bắc kỳ nghĩa là .. “ba que xỏ lá”. Tất nhiên, đùa nhau  như vậy chỉ có trong phạm vi bạn bè gần và thân như trong một gia đình.

Hôm sau anh bạn “khỏ” cho tôi mail như vầy khi tôi nói qua lại với anh về một vấn đề “thời sự”:

 “ Tôi có dám đụng gáy Mợ đâu?
Tôi coi Mợ là nhất xứ.
Chửi vung tí mẹt thì cũng phải trúng một cái chứ.
Vụ Người Việt hay mới đây vụ ăn mảnh của nhóm Hoàng Duy Hùng
Ai chửi thì tôi tiếp hơi.
Còn tôi cổ rùa không hơi Mợ ạ.
Nhưng ngấm ngầm chết voi.
Đã gởi qùa cho Mợ, để dành ăn cả năm nhe Mợ”

Tôi lại bật cười khi đọc mail anh bạn. Cái kiểu “Tôi coi mợ là nhất xứ” đúng là cái giọng Bắc kỳ …đểu mà ngôn ngữ chúng tôi thời xưa là “ đồ ba que xỏ lá” để “mắng yêu” một người bạn nào đó.

Tuy vậy, như tôi vẫn nói tôi thích cái kiểu dí dỏm, nghịch ngợm, thông minh của con trai Bắc. Có lẽ chỉ người Bắc với nhau mới hiểu vì sao họ thích như thế chứ mấy ông Nam Cờ hiền lành chân chất thì sẽ chả hiểu vì sao …đểu mà không bị mắng?!

Khi Đàn Ông Ghen Tị

Nếu nói rằng ghen tị là độc quyền của phái nữ thì tôi e rằng cần xét lại. Đàn ông Việt  Namcũng chúa là đố kị ghen tị. Cái đố kị của họ phát xuất từ cái tinh thần “gia trưởng” của đàn ông VN từ thuở xa xưa. Họ tự cho đàn ông là “nummber one” và ít khi công nhận phụ nữ thành công. Mỗi khi có một phụ nữ thành công về một lãnh vực nào đó là họ tìm cách chê bai dè bĩu.

Tháng trước, tôi đã phải viết bài “Phê Bình Hay Đố Kỵ” để bảo vệ Dương Như Nguyện. Là một cô gái đến Mỹ ở tuổi 16, Nguyện đã hy sinh vài thứ kể cả việc đi làm kiếm tiền trong vài năm để đeo đuổi nghiệp văn chương và để hết tâm huyết vào cuốn trường thiên “Người Con Gái Của Sông Hương”. Tôi cũng quên không hỏi lý do cô viết bằng tiếng Mỹ nhưng khi bản dịch sang tiếng Việt của cô do cha cô gửi ra thì một phụ nữ chỉ trích. Sau này lại thêm một ông tiến sĩ chỉ trích. Sự chỉ trích không phải cho tác phẩm mà lại toàn những cái vớ vẩn, ví dụ chỉ trích lỗi Pháp ngữ của nhân vật Simone.

Sau đó vô tình nhận được Chap 3 của tiểu thuyết trên, tôi đọc và dành vài giờ để tóm tắt và giới thiệu. Trước tiên, đấy là một trích đoạn hay, cốt truyện “huyền sử” với các nhân vật đầy ắp tình tự dân tộc. Bên cạnh đó bút pháp sử dụng của Dương Như Nguyện là hồi tưởng. Các nhân vật được vẽ lại qua hồi tưởng của một nhân vật khác. Kiểu này nghĩ là đơn giản nhưng cũng cần suy nghĩ để “hợp lý” cho sự hồi tưởng của nhân vật. Tôi cũng phải chứng minh những gì tôi cảm nhận về văn của Dương Như Nguyện cho độc giả thấy. Trước hết, tôi không phải là người cứ tặng mỹ từ hảo ý cho văn người khác một cách vô tội vạ. Tôi có trách nhiệm và tự trọng với ngòi bút của mình chứ. Sau nữa, có những kẻ đã làm Dương Như Nguyện buồn phiền mệt mỏi và không hứng thú viết nữa. Tôi phải viết kỹ để độc giả thấy rằng tôi nói đúng và mọi ác ý đối với Dương Như Nguyện không còn. Tôi mất thì giờ về chuyện này vì tôi nghĩ rằng Dương Như Nguyện xứng đáng được sự yểm trợ của cộng đồng trong lãnh vực văn chương cho dù sách của cô viết bằng tiếng Mỹ. Cô đã giữ tự tình dân tộc trong tim và muốn gửi những nét đẹp của văn hóa Việt cho độc giả Hoa Kỳ. Chỉ một điều đó đủ cho chúng ta yểm trợ cô, phải thế không.

Bên cạnh đó, tôi có cảm tưởng một số đàn ông (tôi không vơ đũa hết nhé, một số thôi đấy) đố kị ghen tị với “mợ” Hoàng Dược Thảo. Tôi không quen biết và cũng chả có ý định giao du với mợ nhưng hành động của mợ tiếp nối Ngô Kỷ để cộng đồng Cali cuối cùng phải có biện pháp rõ ràng với báo Người Việt thì theo tôi là đúng. Mới đây một ông (có bút hiệu rất hay) viết bài chỉ trích báo Chiến Sĩ Cộng Hòa của mợ Thảo. Vốn dĩ đa nghi như Tào Tháo, tôi đọc khá kỹ bài chỉ trích và cảm tưởng của tôi là vị này không hoàn toàn đứng trên quan điểm người quốc gia. Tôi dành ra hơn một giờ để viết bài nhận xét. Ông trả lời tôi lịch sự, nhã nhặn. Mails qua lại, tôi tiếp tục bày tỏ suy nghĩ của tôi về việc này.

Đây là trích đoạn trong mail của tôi gửi ông. Qua đó, quý vị thân hữu sẽ thấy rằng ít nhất có hai người cùng suy nghĩ như nhau: tôi và chị họ của tôi. Qua trích đoạn này, tôi chỉ xin quý vị nhất là đàn ông khi tranh luận về một vấn đề gì thì chỉ nên nói về vấn đề đó, tránh không đem chuyện cá nhân của đối phương ra chỉ trích. Sự việc này chỉ cho chúng tôi cảm tưởng, lý luận không vững nên phải viện đến đời tư tình cảm của người khác để “hạ’ người ấy. Tôi đã viết rằng tôi cũng sẽ chỉ trích nếu như điều ông nói về báo Chiến Sĩ là đúng và mợ Hoàng Dược Thảo không chấn chỉnh.

Trích mail của Hoàng Lan Chi gửi người chỉ trích mợ Hoàng Dược Thảo:

Sau nữa, đây là điều mà tôi và chị họ tôi (1  nữ sinh Trưng Vương), nghĩa là ít nhất có 2 người nghĩ giống nhau:
-Khi tranh luận, hãy đi vào vấn đề chính
-Không bao giờ đụng đến đời tư, cá nhân, tình cảm, gia đình của đối phương.
-Sự việc lôi dời sống tình cảm của đối phương, tôi và chị tôi cho đó là hành vi “hèn”.
-Chứng minh: năm 2009, trong vụ đài Việt Nam Hải Ngọai giao du cán cộng, tôi viết cho giám đốc đài ” Ông HỒNG PHÚC tố cáo và chúng tôi chỉ muốn hỏi quý vị, có hay không, việc quý vị giao du? Còn thì chúng tôi hoàn toàn không quan tâm đời tư của Hồng Phúc. Hồng Phúc có bao nhiêu vợ, bao nhiêu bồ, ngón tay cái bị đứt vì tình ái  hay không  ngón chân trỏ bị cụt vì ái tình phải không .., hoàn toàn là chuyện cá nhân của ông ta!”
-Vì thế, sự việc TT Hải làm chủ bút, do tài cán, hay do tình ái, thì kệ họ. Quý vị đứng ở cương vị nào mà đòi phê phán người ta? Cha mẹ HDT hay cha mẹ TT Hải? Quý vị có bỏ tiền cho báo không mà chụp mũ “nam nhân kế, mỹ nhân kế”? Tôi, nếu phê phán, tôi chỉ đơn giản ” nguyệt san Chiến sĩ là của cựu quân nhân, lập trường là tranh đấu chống cộng sản thì không được đăng những bài viết của bất cứ ai, khéo léo biện hộ cho cộng sản. Vậy, cho hỏi ông chủ bút, người chịu trách nhiệm nội dung báo, tại sao ông đăng?” Chỉ thế thôi. Sự kiện lôi mụ HDT ra chửi mụ không có khả năng viết xã luận, sự kiện mụ chỉ trích việc xấu mà không đưa giải pháp, sự kiện mụ bồ bịch nên giao tờ báo cho Hải, đối với tôi là chuyện “ruồi bu”. Nó cho tôi cảm tưởng, cho tôi nhé, tôi nói suy nghĩ của tôi sau khi đọc những bài viết kiểu đó là:

Dường như một số văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hòa bực bội vì mình là văn sĩ mà không thành công bằng mụ HDT vì mụ không từng viết văn trước 75
Dường như một số cựu quân nhân bực bội vì cũng là người mà qua đây không thành công như mụ HDT.
Dường như một số vị trí thức cũng bực bội mụ HDT vì mụ cũng là dược sĩ, là dân trường tây ( nghỉa là việt văn kém), mà khi qua đây, mụ viết bài hay thế, báo của mụ thành công thế.
Dường như một vài ông ghen với những tên “bồ bịch” của mợ HDT vì ” mình không được lọt vào mắt xanh mụ HDT” !

Đấy, tôi, một phụ nữ, ngang tuổi mợ HDT, có những suy nghĩ như thế, khi đọc những bài hay mails chỉ trích mụ HDT theo kiểu moi móc đời tư, tình cảm của mụ ra. Chị họ tôi cùng suy nghĩ. Hai chị em chúng tôi tự hỏi “sao đàn ông VN …xấu tính thế nhỉ!!” ( sorry ông nhé, 2 phụ nữ chúng tôi, già ngoài 60 rồi, nghĩ như vậy về đàn ông VN nhất là mấy vị ….cựu quân nhân đang ghen tị với mụ Thảo hay bồ mụ ta!)

Hôm nay nghỉ ở nhà, cố gắng viết mail dài này đến ông, tôi cũng để vài thân hữu của tôi ở bcc vì tôi cũng muốn bày tỏ cho họ hiểu, cá nhân chúng tôi ( 1 mụ Gia Long, 1 mụ Trưng Vương) nghĩ gì trước sự tấn công nặng cảm tính, ghen tị, đố kị của vài vị Nam Nhi Trượng Phu đối với một mụ đàn bà như mợ Hoàng Dược Thảo. Và nhắc lại, tôi không quen biết và hoàn toàn không có ý định giao du với mợ Thảo!

Chúc ông mạnh khỏe và sẽ Chính Ngữ trong tư tưởng Chính Nghĩa, trong hành động Chính Trực . Bây giờ và mãi mãi về sau.

(ngưng trích mail Hoàng Lan Chi)

Đàn ông đâu có giống nhau?

Viết vậy để mà viết chứ ai chả biết đàn ông giống nhau ba điểm thì khác nhau có thể ba trăm điểm cơ mà.

Khi viết như vậy là vì mạch tư tưởng của tôi đi liền từ đoạn trên (đàn ông đố kị ghen tị) đến lúc này. Lúc này là tôi đọc mail của anh Cung Nhật Thành viết về Vũ Đình Hiếu (Hiếu là tác giả cuốn sách, bài viết mà Báo Chiến Sĩ Cộng Hòa của bà Hoàng Dược Thảo trích đăng và sau đó bị chỉ trích). Trong mail này, anh Thành kể lại là khi biết tin Hiếu về Việt Nam làm việc cho một trường học của Úc, Anh Cung Nhật Thành cũng đã phản đối dữ dội. (Mở ngoặc, anh Cung Nhật Thành, cựu chủ tịch CĐ Dallas, con của một đảng viên Quốc Dân Đảng, em ruột nhạc sĩ Cung Tiến).

Cung Nhật Thành viết như sau:

Chị Lan Chi ơi,

Vũ Đình Hiếu là nhân vật có thật. 

Khoá 6/72 Thủ Đức. Ra trường tùng sự tại Tiểu Đoàn 95 BĐQ Biên Phòng thời Thiếu Tá Đỗ Đức Chiến làm TĐTrưởng. Chức vụ sau cùng là Thiếu Úy Sĩ Quan Ban 3 của Liên Đoàn BĐQ.

VĐH còn là Hội Trưởng đầu tiên của Hội SVSQ Thủ Đức DFW. Sang Hoa Kỳ từ năm 1975, học Computer Sciene tại University of Texas at Dallas. Sau đó làm  IT cho hãng Điện tử…. của Ross Perot (tôi chưa nhớ ra tên của hãng này….hãng rất nổi tiếng.)

Khoảng năm  2002 thì phải, cuốn sách này đã được in ra và phát hành tại Hoa Kỳ. Tiểu Đoàn 95 BĐQ Biên Phòng, tiền thân là LLĐB của Hoa Kỳ nên VĐH quen biết rất nhiều với các anh em LLĐB. Tôi không biết bản in năm 2002 có giống như bản in của CSVN không.

VĐH trước cùng dậy tại Richland Community College chung với bề trên của tôi. Hiếy dậy Computer còn bề trên tôi dậy Tâm Lý và Xã Hội Học… Tôi không nhớ rõ năm nào, 2006 hay 2007, VĐH chuyển lên dậy ở Oklahoma được 1 năm rồi nghỉ, quay về lại Dallas. Khi VĐH về VN dậy cho trường của Úc, dù biết là công ăn việc làm nhưng tôi phản đối dữ dội với Hiếu. Được 1 năm thì VĐH về lại Dallas. Chính tôi là người ra phi trường đón VĐH , dĩ nhiên là tranh cãi rất găng…

Sau đó, tôi không còn liên lạc nhiều với VĐH….Khoảng năm 2010, có nghe VĐH dự định  sang Arab dậy học nhưng không biết có thành không….Từ đó không còn liên lạc và gập VĐH nữa. VĐH rất thân với Thái Hóa Lộc. VĐH không phải là người đi chung đường với chúng ta. Về VN rất nhiều lần….

Có thể VĐH hãnh diện về…sắc áo BĐQ nhưng tôi không thấy VĐH có chút nào hãnh diện về mầu cờ mà VĐH đã từng phục vụ cả….Tôi nói vậy, hy vọng chị Chi hiểu…
.
(ngưng trích mail Cung Nhật Thành)

Sự phản đối của anh Cung Nhật Thành làm tôi liên tưởng đến một người khác: Phạm Hùng, em Phạm Hậu ( nhà thơ Nhất Tuấn). Phạm Hùng kể với tôi rằng năm 1994, hãng Nestle cử anh là Phó Giám Đốc cho công ty ở VN. Anh có về và sau đó từ chối không làm.

Anh viết:

“Tôi từ chức không phải vì sợ lời dèm pha, chửi bới, là gia đình toàn gốc lính, bây giờ quay về làm ăn với VC v.v.  Quả thật lúc đó, lương tâm thấy có điều gì không ổn.  Thế thôi! Di tản khỏi VN năm 1975, rất buồn.  Nhưng trên chuyến bay rời Sài Gòn đi Singapore tháng 4 năm 1994 tôi còn buồn hơn vạn lần vì tôi biết là tôi sẽ không còn háo hức về VN nữa.  Tôi vẫn thuờng quan niệm, nỗi cô đơn thật rõ rệt khi mình cảm  nhận được lúc đang ở giữa một đám đông.  Cũng vậy, năm 1994 về lại VN, thăm nhà cũ, trường cũ.  Ở khách sạn sang, xe có tài xế lái.  Cảm giác cô đơn đầy ắp, rõ rệt”.

Buổi sáng hôm nay, ngày thứ ba, Calivẫn u ám. Nhưng Cung Nhật Thành phản đối Vũ Đình Hiếu, Phạm Hùng từ chối “áo gấm về làng”, là hai tia nắng tôi cảm nhận, một từ Bắc Cali, một từDallas.

Nếu mọi người cựu quân nhân đều như hai “tia nắng” này nhỉ?

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.