Quái Nhân và Quái sự.

 

1. Một “sự khinh bỉ” đáng khinh bỉ.

Là một người thường xuyên đọc sách báo, nếu được hỏi: “có biết Nhật Tiến là ai không? Có biết Nguyễn Ngọc Ngạn là ai không?” chắc bạn sẽ trả lời không khó khăn, dù chưa từng đọc, hay đọc rất ít, văn phẩm của hai người đóĐúng vậy, họ là những nhà văn, là những người làm văn hóa đã có ít hoặc nhiều danh tiếng, do tác phẩm của họ mang đến.

Lại có người hỏi: “có biết Bùi Duy Tâm là ai không?” Tôi không dám đoán câu trả lời của bạn, nhưng, là một người thường xuyên đọc sách báo giống như bạn, tôi có câu trả lời: “ở trong nước, trước 1975, tôi chẳng biết anh ta là ai. Ở hải ngoại, cũng chỉ mới nghe biết về anh ta qua vài quái sự. Quái sự viết một bài báo lếu láo đòi bỏ bản quốc ca, quái sự chui về VN làm kinh tài với Việt Cộng, và, mới đây nhất, quái sự ái tình với nữ văn sĩ Dương Thu Hương trên sông Đà.”

 

Nghe nói anh ta là y sĩ, có thời trông coi trường y khoa nào đó, nhưng chắc chắn không phải y khoa Đại Học Sài Gòn. Trong khi hai nhà văn được người ta biết đến nhờ những tác phẩm liên hệ trực tiếp với nghề viết thì anh họ Bùi lại nổi quái danh nhờ quái sự chẳng ăn nhằm gì với cái nghề bác sĩ của anh ta, ngoại trừ quái tích bắt một số tây y mới ra trường, mặc áo thụng tuyên thệ trước Thái Thượng Lãn Ông bằng văn bản sao nguyên con từ trường y khoa Hà Nội!

Chắc bạn thắc mắc tại sao tôi lại đề cập tới Nhật Tiến, Nguyễn Ngọc Ngạn và Bùi Duy Tâm như trên? Đây là lý do: trong một lá thư Bùi Duy Tâm gửi Dương Thu Hương, đề ngày 19-6-1992, được tung ra cho báo chí biết mới đây, có một đoạn khiếm nhã liên quan tới hai ông nhà văn kể trên như sau: “… còn ô. Nhật Tiến thì không biết tôi nên KHINH ông hay nên thương ông. Có lẽ nên thương ông thì tốt hơn vì ông đã qúa nhiều mặc cảm mà ấm ức cuộc đời. Tôi chưa từng đụng đến ông và cũng chẳng bao giờ thèm hạ mình xuống để đối thoại với các hạng dẻ rách khác như Nguyễn Ngọc Ngạn, v.v..” A, anh tây y sĩ Bùi Duy Tâm lớn họng gớm! Nhưng bằng vào cái gì mà anh ta lớn họng, dưới mắt không người? Trước hết, chắc chắn không phải căn cứ vào chữ nghĩa, văn chương. Bởi vì chữ nghĩa, văn chương của anh ta thì, ố là là, nó thấp lè tè, nó ở đẳng cấp “cần mài thêm đũng quần ở ghế nhà trường”, điều sẽ được chứng minh trong phần sau của bài này, đem so sánh với văn chương, chữ nghĩa của Nhật Tiến hay Nguyễn Ngọc Ngạn là một sự so sánh bất công đối với anh ta.

Có thể căn cứ vào bằng cấp chuyên môn chăng? Y sĩ chuyên khám bệnh, văn sĩ chuyên tác văn, thợ máy chuyên sửa máy, thương gia chuyên buôn bán, v.v.. mỗi người lão luyện về một lãnh vực, không thể so sánh hai sự vật khác loại để phân hơn kém, chỉ có kiến thức ngang hàng với sự hiểu biết của … trẻ nít mới dại dột cho là mình hơn người, có quyền coi thường người nhờ vào cái bằng cấp chuyên môn.

Có thể căn cứ vào tiền tài chăng? Trong thư trả lời Bùi Duy Tâm, họ Dương tiết lộ lương tháng của Nhật Tiến là 6000$ của Bùi Duy Tâm là 20000$, hai con số tuy có vẻ không chính xác, nhưng dụng ý của Dương Thu Hương không phải nhắm vào sự chính xác của con số mà nhắm biểu lộ sự cách biệt nhiều ít của chúng. Vậy phải chăng Bùi Duy Tâm căn cứ vào đồng lương lớn nhỏ mà coi thường người chăng? Có thể lắm. Đồng tiền tự nó không bẩn nhưng cái cách kiếm tiền và dùng tiền có thể chứng tỏ cái bẩn của con người. Ta hãy nhìn vào cách anh tây y họ Bùi đem tiền tác quyền về trao cho Dương Thu Hương thì sẽ rõ. Thư trao qua đổi lại giữa hai người đã tiết lộ quái sự sau đây.

Bùi Duy Tâm trao cho Dương Thu Hương $600. Họ Bùi viết là của những người VÔ DANH gửi, vì lòng ưu ái với Dương Thu Hương, và cũng vì tin và qúy trọng anh ta. Nhưng theo Dương Thu Hương, khi trao tiền, Bùi Duy Tâm nói: “… Đây là tiền của hai nxb VÔ DANH, một nhà 200$, một nhà 400$ … Tôi đâu ngờ nxb VÔ DANH lại là mấy văn nghệ sĩ ‘không đến nỗi nào’ vì tin cậy mà đưa cho anh…” Rồi Dương Thu Hương chơi một qủa ngoạn mục: gửi 1200$ trả cho Bùi Duy Tâm (gấp đôi số tiền $600!). Rõ ràng là Bùi Duy Tâm đã mò về VN diễn cái trò “của người phúc ta”, mà một kẻ biết tự sỉ sẽ không làm. Nếu lời trong thư của Dương Thu Hương đúng thì anh ta còn mắc thêm một điều xấu nữa: thiếu minh bạch trong việc trao tiền. Tiền trả tác quyền khác xa với tiền lạc quyên, cho nên khi biết là tiền lạc quyên, Dương Thu Hương tự ái, gửi trả, để đập vào mặt anh ta một cái, là điều có thể hiểu được. Và sự kiện này là một bằng chứng Bùi Duy Tâm sử dụng đồng tiền rất tồi. Do đó mà xét, anh ta chẳng có tư cách gì để dựa vào tiền tài mà coi thường ai.

Có thể căn cứ vào tư cách cao qúy chăng? Một anh đi quơ gái bị gái viết thư chửi thậm tệ, dạy dỗ đủ điều, vậy mà khi viết thư trả lời lại đành xuống nước năn nỉ, kêu oan, xin lỗi thì tư cách cao qúy ở đâu? Đây là bằng chứng (Thư Bùi Duy Tâm trả lời Dương Thu Hương, đề ngày 26/8/92, đăng trên Phụ Nữ Diễn Đàn, số 105, tháng 10/92, trang 41, cột 1):

 

“… Đọc xong bức thư 14 trang đầy chữ, đầy oán hận, căm hờn, và rủa xả tôi hết lời và đến mấy kiếp. Đáng lẽ tôi phải lồng lộn lên vì bực bội, nhưng tôi đã để lòng lắng xuống và thương cảm. Tôi đọc nhiều lần và rất kỹ: tất cả đều oan cho tôi cả (tôi dùng chữ này để chịu lép về phần mình mà tránh chọc giận Hương tới mức tối đa để muốn nói là tất cả đều không đúng đâu).

“… Nhưng dù sao, tôi là người đàn ông, việc xảy ra cho Hương tôi “rất ân hận” và tôi xin lỗi Hương”.

 

Đừng nghĩ anh ta nhún nhường, rộng lượng mà lầm, anh ta “rét” đó. Mới nhận có một lá thư dạy dỗ 14 trang mà mặt mày đã hốc hác, nhục mhã, lạng quạng nó phang tiếp cho mấy lá nữa thì chỉ có nước đào hố mà ngồi dưới đó để thiên hạ khỏi thấy mặt.

Có thể căn cứ vào quyền uy chăng? Ở hải ngoại này anh ta chẳng có quyền uy với ai ngoại trừ vợ và … mẹ anh ta, như anh ta đã viết trong lá thư đề ngày 26/8/92 (đã dẫn ở trên):

 

“Trong 60 ngày ép mình trong viện, những người có cơ hội hành hạ tôi cũng không bao giờ dám xúc phạm hỏi tôi việc gì. Khi về, mẹ tôi và vợ tôi cũng không dám hỏi han lôi thôi, thế thì tôi không cho phép ai hỗn láo với tôi hay tôi không thèm đối thoại với những kẻ vô lễ sau lưng tôi.”

 

Có ông qúy tử về nước ve gái, bị bắt bỏ bóp, khi được thả, trở ra hải ngoại bị báo chí phanh phui, bà mẹ vẫn không dám hỏi han gì, qủa thật bà cụ nuông chiều ông con qúa đáng. Hèn chi ra đời ông ta chẳng quen thói vênh váo, coi thường thiên hạ một cách bố láo!

Xét ra “Sự khinh bỉ người khác của tây y sĩ Bùi Duy Tâm” không có một căn bản vững, cho nên sự khinh bỉ ấy mới thật đáng bị khinh bỉ vậy.

 

2. Chuyện ngoạn mục: “Kẻ cắp bà gìa choảng nhau”.

 

Cách đây hơn một năm, chuyện Bùi Duy Tâm du lịch chui về VN, trở lại Mỹ sau khi nằm bóc lịch ở trại giam Thanh Liệt vài tháng, đã làm tốn giấy mực của báo chí. Nhưng lúc đó thực ra người ta mới được thấy đoạn giữa của một truyện gián điệp kỳ tình, có đủ hỉ, nộ, ái, ố, có thể dựng thành một phim James Bond ăn khách. Nhờ những lá thư do một bàn tay bí mật (?) tung ra cho báo chí, câu truyện mới được tiết lộ thêm khúc đầu và khúc áp cuối. Và cốt truyện vắn tắt như sau.

Tại xứ CHXHCNVN, có một cô bé mở mắt chào đời trong lúc đất nước đang có kháng chiến chống thực dân Pháp để dành độc lập. Nắm được quyền lãnh đạo cuộc kháng chiến ấy là mặt trận Việt Minh, ở bên ngoài, và đảng CSVN ở bên trong. Cô bé thông minh, láu lỉnh ấy, sinh ra đã nghe súng nổ, lớn lên, bảy, tám tuổi đã được chứng kiến cảnh người đấu người, và cảnh hàng trăm ngàn dân vô tội bị giết oan trong chiến dịch cải cách ruộng đất. Suốt tuổi thơ, “cô bé, người thiếu nữ, người con gái” ấy đã được bác và đảng nhồi vào đầu lý tưởng hang say chém giết. Vừa trưởng thành cô đã hăng say lên đường “xẻ dọc Trường Sơn”, chống Mỹ cứu nước. Sau ba chục năm được tôi luyện trong lò cừ cộng sản, 10 năm lăn lóc, trưởng thành, cô bé thông minh, láu lỉnh xưa, nay đã trở thành một nữ văn sĩ ngổ ngáo hàng đầu của văn giới XHCNVN, nổi danh với những bài tham luận nảy lửa, chống phá thành trì xã hội chủ nghĩa, đó là nữ văn sĩ Dương Thu Hương.

Trong xứ CHXHCNVN cũng có một ông tướng làm cục phó cục phản gián, “quyền uy lẫy lừng, một hung thần đối với văn nghệ sĩ và trí thức VN. Kẻ lập ra một màng lưới mouchard và indicateur để kiểm soát và khống chế lũ người ‘như cục cứt’ – theo luận điệu của Mao Trạch Đông trong chế độ XHCH …  Người có bộ mặt khiến cho mọi người nhìn thấy phải tái nhợt như hồn ma vì khiếp nhược.” (lời Dương Thu Hương). Ông tướng đó là Dương Thông, nay đã về hưu, kẻ đã nhục mạ, đe dọa, khủng bố hàng ngàn văn nghệ sĩ. Mối liên hệ giữa Dương Thông và Dương Thu Hương còn là một bí mật chưa được tiết lộ, nhưng chắc chắn là thứ liên hệ tử thù mà hai người đã, đang và sẽ còn tiếp tục đấu trí để hạ cho đối thủ phải thân bại, danh liệt. Điều này đã được Dương Thu Hương tiết lộ:

“Ông Dương Thông không biết rằng trong số hàng ngàn người bị ông ta nhục mạ có một kẻ ngậm chặt mối căm hờn – kẻ đó là tôi. Khác với một số văn nghệ sĩ đàn anh, giải tỏa nỗi uất hận bằng rượu, chè, thuốc phiện, ái tình và thơ phú, tôi bám theo ông ta đến sào huyệt cuối cùng. Sào huyệt ấy là anh, bác sĩ Tâm tôn kính.”

Trong cuộc đấu trí giữa Dương Thu Hương và Dương Thông đó, nhân vật “bác sĩ Tâm”, một Việt kiều về thăm nước, xuất hiện như một gián điệp hai mang. Lợi dụng vị thế hai mang, bác sĩ Tâm đã mau chóng dính dáng vào cuộc đấu trí giữa hai kẻ họ Dương, trở thành một con thoi, tạo phương tiện cho hai phía đối đầu gài bẫy nhau. Và cuộc lợi dụng lẫn nhau giữa bộ ba Dương Thu Hương, Dương Thông và Bùi Duy Tâm trở nên sôi động, ngoạn mục không ngờ.

Cuộc chơi cút bắt khởi sự với Dương Thông và Bùi Duy Tâm dăng bẫy, và con mồi bị sập là Dương Thu Hương: anh họ Bùi đem cái mã Việt kiều về nước, túi tiền rủng rỉnh để “mà mắt” người đẹp Dương Thu Hương, rủ nàng đi du hí trên dòng sông Đà. Lúc về thì chàng và nàng đều bị nằm ấp. Sau khoảng hai tháng chàng được đảng thả, cho trở lại Hoa Kỳ; còn nàng tiếp tục ở tù thêm hơn 5 tháng để cho ông tướng phó tổng cục phản gián Quang Phòng (thay thế Dương Thông) có đủ thời gian đốt cho cháy rụi tên tuổi nhà văn nữ ngang ngạnh, bướng bỉnh và ngổ ngáo, bằng những cáo buộc là đôi nam nữ “Tâm, Hương” đã diễn những trò cụp lạc trên bờ, dưới nước, được thu vào ống kính của máy video.

Dương Thu Hương được mô tả là khá thông minh, lanh lợi, cớ sao dễ bị mà mắt, dễ bị sập bẫy đến thế. Và tên tuổi của người nữ văn sĩ ấy kể như tiêu tùng rồi sao? Không phải vậy. Đó chỉ là sự giả vờ bị choá mắt, tự nguyện chịu sập bẫy, kể cả chịu vào ngồi tù trên nửa năm, để … gài bẫy lại với tướng Quang Phòng, và với anh chàng cứ tưởng mình có mã lắm. Chờ cho đối phương yên chí đã toàn thắng, vênh vang khoe thành qủa, Dương Thu Hương mới đột ngột phản công dữ dội, quyết liệt và xả láng. Những kẻ gài bẫy, những kẻ hỉ hả về việc Dương Thu Hương bị nhận chìm tên tuổi bỗng trở thành những nạn nhân bị sập bẫy trong một cuộc đấu trí và tuyết hận đầy gay cấn.

 

Nạn nhân đầu tiên bị trả đũa về tội bịa đặt các cuộc làm tình của cặp Tâm Hương là ông tướng Quang Phòng. “Vậy điều ông vu khống chỉ có thể lừa bịp được những kẻ xa lạ. Đối với ai đã từng hiểu biết tôi, hành vi của ông đơn thuần là một thứ nằm ngửa nhổ ngược… Tôi khinh bỉ và thương hại ông. Tôi thương cho đất nước này, cho 60 triệu đồng bào này. Bộ máy quốc gia mà phải dùng loại cán bộ đầu loãng như ông thì tội nghiệp thay!”

 

Nạn nhân bị hạch tội thứ nhì là hội nhà văn Việt Cộng.

Dương Thu Hương tuyên bố ly khai và “không thừa nhận tồn tại một hiệp hội mà các thành viên đối xử với nhau theo tinh thần lang sói.” (Thư số 2 gửi ban chấp hành hội Nhà Văn VN, đề ngày 16/8/92). “Thưa qúy hội, qủa tình, tôi vô cùng thương hại cho nhân phẩm của số đông các nhà văn VN. Và tôi muốn, dù ít ỏi, giúp cho các ngài viết văn tôn kính ấy học làm người.” (thư số 1 gửi ban chấp hành hội Nhà Văn VN, đề ngày 8/8/92). Ba kẻ bị Dương Thu Hương sát sà phòng nặng nhất là Ma Văn Kháng, Nguyễn Thị Ngọc Tú, và Nguyễn Quang Sáng. Đây lời xỉ vả Nguyễn Quang Sáng: “Anh Sáng, tôi hiểu cặn kẽ mọi nguyên cớ buộc người trí thức trong một xã hội cực quyền trở thành hèn nhát. Nhưng số đông những người hèn nhát không biến thành ưng khuyển như anh. Họ còn có lương tâm. Anh bán mình cho qủy. Anh phải làm ưng khuyển cho cả bọn có quyền lẫn bọn có tiền. Nhân cách anh chìm dưới đáy chai rượu. Ai cho anh tồn tại cùng lạc thú, kẻ đó là ông chủ của anh. Xét cho cùng anh chỉ đơn thuần là tên nô lệ cho bộ máy tiêu hóa và bộ máy sinh dục.” (Thư gửi Nguyễn Quang Sáng, phó tổng thư ký hội nhà văn, đề ngày 8/8/92).

 

Nạn nhân bị sập bẫy kế tiếp không ai ngoài anh bác sĩ họ Bùi. Anh này tuy không là kẻ thù nặng nhất của Dương Thu Hương nhưng vì những hành động của anh ta bị Dương Thu Hương coi là làm “những affaire đặt trên xương máu và sự đau khổ của đồng bào” cho nên anh ta bị coi là kẻ thù. Những điều đau cho của bác sĩ Tâm là bị Dương Thu Hương phanh phui vai trò “agent double”, còn non kém và sơ hở do thói kiêu ngạo cố hữu, việc du lịch chui về VN làm môi giới kinh tài để kiếm chác, và tham vọng trở về VN làm nguyên thủ quốc gia.

 

Đối thủ chính mà Dương Thu Hương nhằm trả thù, tuyết hận dĩ nhiên là anh tướng cộng sản Dương Thông. Cuộc đối đầu có thể nguy hiểm tới tính mạng giữa Dương Thông và Dương Thu Hương chưa ngã ngũ, dù xem ra phần thắng có nghiêng về Dương Thu Hương. Do đó chuyện choảng nhau giữa kẻ cắp Dương Thông — hay nhiều kẻ cắp, trong đó gồm cả Bùi Duy Tâm và bộ nội vụ Việt Cộng — và bà già Dương Thu Hương chưa có hồi kết thúc.

 

3. Ông hiểu ra gà, khi bà nói vịt.

 

Chữ nghĩa, văn chương và khả năng cảm nhận văn chương của tây y Bùi Duy Tâm như thế nào? Nếu bạn không ngại “vất vả” trong việc đọc văn của anh ta thì xin tìm đọc “lá thư 8 trang viết tay” của Bùi Duy Tâm gửi Dương Thu Hương, đã được đăng lại trên nhiều báo. Nếu bạn vẫn chưa ngán văn chương và muốn biết thêm kiến thức của anh ta “cao” tới đâu, bạn có thể tìm đọc “thư gửi cô Hoàng Mai” của họ Bùi, bàn về việc nên phế bỏ quốc ca, cách đây khoảng 3, 4 năm, cũng có đăng trên một số báo như Người Việt, Việt Press. Nếu bạn chỉ muốn thử một chút cho có cảm giác thôi thì xin mời đọc vài đoạn ngắn sau đây, trích từ lá thư nêu trên

.

Xin mời thưởng thức “văn phong dây rau muống” trong câu sau đây, nói về tấm giấy ủy quyền:

 

“Thế mà, vì nhẹ dạ cho anh PHĐ biết là tôi cũng có cái giấy đó nhưng chẳng dùng bao giờ nên mới phải chuyển các đề nghị hợp tác làm phim tới Dương Thu Hương qua anh PHĐ, nên anh PHĐ tá hỏa lên viết thư cho Dương Thu Hương nói về việc đó ra sao để DHT phải cũng tá hỏa lên viết vội hai thư liền, làm như tôi sắp bán cả qủa địa cầu này với cái giấy đó.”

Và đây một đoạn diễn tả cái “văn hứng kìm không được” của tác giả lá thư:

 

“Đây là bức thư đầu tiên bạn viết lại cho ta, lại về công kia việc nọ. Ta định bụng: gió thổi đến đâu, cây rung đến đó. Viết xong 4 trang để đáp lễ bạn (bạn cũng viết 4 trang mà), đọc lại thấy ta không còn là ta nữa. Tiện đà ngòi bút, ta đẩy luôn thêm 4 trang nữa. Dù gío đã tắt mà cây còn rung như rừng cây “vô phong tự dao” (không gió mới tự lay động) trên đỉnh non TẢN, nhìn xuống sông ĐÀ. Hay, dở cũng là TA, ta trân trọng viết cho BẠN. Nếu bạn bỏ qua, ta giữ lại cho TA. Chẳng sao!”

 

Bạn có thể ngạc nhiên và lộ vẻ khó tin khi tôi viết: có kẻ ăn học, đã đậu được bằng bác sĩ mà vẫn không hiểu đúng được một câu văn khá giản dị của người khác. Nhưng đó là sự thực, và trong trường hợp của tây y sĩ Bùi Duy Tâm, rất có thể chỉ vì hiểu lầm một câu văn mà thành to chuyện. Đây, xin mời đọc một đoạn ngắn trong thư Bùi Duy Tâm gửi Dương Thu Hương, liên hệ tới tấm giấy ủy quyền:

 

“Hương viết: ‘… đã làm vì không muốn phụ lòng của bố nuôi tôi cũng như sự nhiệt tình của anh, chứ tôi biết trước kết qủa nó lem nhem ra sao rồi.’ Nếu phân tích văn phạm thì rõ ràng là Hương muốn nói cả 2 người (ông bố nuôi và tôi) đều lem nhem. Việc của ông bố nuôi và Hương tôi không cần bàn đến, nhưng việc của tôi làm cho Hương, lem nhem ra sao, tôi nghĩ Hương cần nói rõ ra cho công bằng vì thư này qua tay nhiều người khác ngoài hai chúng ta.”

 

Đoạn văn trên chứa đựng một kho dữ kiện “lý thú”. Nào ta thử phân tích nó xem sao.

Trước hết là “sự hiểu lộn tai hại”. Ý trong câu văn của Dương Thu Hương: bà ta đã (miễn cưỡng) làm (một việc, đó là viết hoặc ký tờ giấy ủy quyền) vì không muốn làm phụ lòng cha nuôi và để đáp lại nhiệt tình của Bùi Duy Tâm, chứ bà ta biết trước kết qủa (của việc làm đó) sẽ lem nhem ra sao rồi. Tĩnh từ “lem nhem” rõ ràng để chỉ về “việc” (kết quả) chứ không phải chỉ về “người” (ông bố nuôi và Bùi Duy Tâm); vậy mà đã cẩn thận “phân tích văn phạm”, anh tây y sĩ vẫn cứ hiểu lộn là để chỉ người!

Kế đến là “sự chọc giận tai hại”. Hiểu lộn văn ý của người khác, bảo rằng họ chửi chính … cha nuôi họ đã là dại dột. Lại còn đe dọa, thúc bách người ta phải lên tiếng, vì mình sẽ đưa thư cho nhiều người đọc, thì sự chọc giận dại dột đã trở thành chọc giận tai hại. “Anh đã muốn vậy thì anh được vậy” là điều dễ hiểu, và lá thư nẩy lửa 14 trang của Dương Thu Hương là kết qủa của sự đòi hỏi “cần nói rõ ra cho công bằng.” Có một câu văn suông đuột mà còn hiểu lầm thì sức gì mà anh tây y sĩ họ Bùi hiểu nổi lối văn mỉa mai, hàm ý, hay cường điệu. Trong phần kết, thư Dương Thu Hương gửi Bùi Duy Tâm bà ta viết:

“Để kết thúc lá thư này, tôi xin được phép nhấn mạnh rằng: tôi không hề căm thù anh vì anh đã phao tin từ Cali đến Paris rằng anh đã chiếm được thân xác tôi.”

Bị vạch cái tội khoe chiến tích ái tình, anh tây y sĩ ngượng qúa bèn phân trần:

“Trong khi Hương bị ốm nặng, tôi có viết trên báo, tuyên bố trên tivi và các đài BBC, RFI, những điều tốt đẹp, đáng kính, đáng phục về cả tài và đức của Hương (một điều nữ sĩ Dương Thu Hương, hai điều bà Dương Thu Hương).”

Rõ ràng là Bùi Duy tâm đã hiểu lầm, hay không hiểu, nghĩa của động từ “phao tin”. Viết trên báo, tuyên bố trên các hệ thống truyền thanh, truyền hình khác xa với phao tin.

Bố bảo anh tây y sĩ cũng chẳng giám khoe chiến tích ái tình cụp lạc trên các hệ thống truyền thanh, truyền hình, cho nên lễ phép “một điều nữ sĩ Dương Thu Hương, hai điều bà Dương Thu Hương” là chuyện đương nhiên. Vấn đề là Bùi Duy Tâm có nhỏ to, khoe thành tích về VN, cua được Dương Thu Hương, đưa đi du hí trên sông Đà, với bạn bè ở Cali hay Paris không?

 

Trong lá thư 14 trang, Dương Thu Hương đặt ba câu hỏi rất rõ ràng, suông đuột:

“Thưa bác sĩ Bùi Duy Tâm, trong việc môi giới bán kho vũ khí Long Thành anh được ứng trước bao nhiêu đô la? Trong vụ môi giới affaire dầu khí anh được chi trả bao nhiêu? Và trong ba affaire khác nữa với các ông trùm cộng sản (mà tôi chưa tiện kể ra đây vì nhiều lý do) anh trù tính thu gặt được bao nhiêu?…”

Trong lá thư trả lời, đề ngày 26/8/92 anh tây y sĩ đã không trả lời các câu hỏi mà chỉ biện minh cho việc làm của mình (môi giới bán kho vũ khí, bán dầu khí,…) là ích quốc, lợi dân. Bùi Duy Tâm nghễnh ngãng chăng? Bùi Duy Tâm có chấm mút trong các vụ do Dương Thu Hương tố cáo nên mở miệng mắc quai, thành phải lờ các câu hỏi của Dương Thu Hương đi chăng? Dù thế nào thì điều rõ ràng trên giấy trắng, mực đen là anh ta đã tránh né, không trả lời những câu hỏi của Dương Thu Hương. Nói một cách khác, ông Bùi Duy Tâm đã trả lời ra gà khi bà Dương Thu Hương hỏi về vịt.

Và khi bà Dương Thu Hương nói về vịt thì ông Bùi Duy Tâm lại cứ nghễng ngãng hiểu ra gà!

 

4. Những lời giải thích của một con thò lò chính trị.

Chắc bạn đồng ý với tôi khi trả lời những câu hỏi của Dương Thu Hương, Bùi Duy Tâm đã cố tình nghễnh ngãng, nhưng anh ta lại lợi dụng sự trả lời những câu hỏi đó để khoe khoang các dịch vụ anh ta đã làm là ích quốc lợi dân.

Đây lời trong lá thư Bùi Duy Tâm gửi Dương Thu Hương đề ngày 26/8/92:

 

“Việc súng đạn là có thật. Bán cái thứ giết người ở đó đi để lấy tiền mua cơm gạo cho dân là tốt, chứ xấu xa ở điểm nào. Mang máy lọc dầu về để lọc dầu, để giảm tốn phí, và lại được chính phẩm và thứ phẩm là phân bón, ích quốc lợi gia, chứ hại dân hại nước ở chỗ nào. Còn cả chục việc khác chứ không phải chỉ có 3 việc đó đâu. Còn là việc kinh bang tế thế, cơm gạo tiền bạc cụ thể, chứ đâu phải chỉ đả kích suông làm tán loạn nhan tâm.”

Ngày 16/9/92, trả lời cuộc phỏng vấn của Việt Báo Kinh Tế ở San Francisco, Bùi Duy Tâm đã xác định thêm một lần nữa:

“Việc bàn chuyện bán kho vũ khí Long Thành là có thật. Cả vụ dầu khí nữa. Chẳng có gì trầm trọng như lời cáo buộc, chuyện giản dị thôi. Không phải tôi bàn chuyện với Dương Thông đâu, mà với Nguyễn Cơ Thạch. Ông Thạch khi còn làm ngoại trưởng Hà Nội có gặp tôi vài ba lần, mỗi lần vài ba giờ. Tôi có bảo ông: ‘các anh phải tẩy uế đất nước đi. Có nhiều cách tẩy uế, biết tẩy uế đúng cách đôi khi còn mang về cho đất nước được khối tiền. Cái kho đạn Long Thành kia kìa. Giữ của giết ngưới ấy làm gì. Tìm mối bán đi, lấy tiền về mua gạo cho dân. Cả vụ dầu khí nữa. Thay vì bán dầu thô, bị chê ỏng chê eo, thì mua máy lọc dầu đi. Vừa có dầu vừa có phó phẩm là phân bón cho ruộng đất. Câu chuyện chỉ giản dị có vậy.’ “

Chúng ta thấy được những gì trong những câu trả lời, hay những lời phân trần của Bùi Duy Tâm? Trước hết hãy khoan nói đến những điều ích quốc lợi dân, kinh bang tế thế, mà hãy đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề là “những câu hỏi và những câu trả lời đúng đề cho những câu hỏi đó.” Dương Thu Hương hỏi “anh được ứng trước bao nhiêu? (trong vụ kho vũ khí Long Thành), “anh được chi trả bao nhiêu?” (trong vụ dầu khí), và “anh trù tính thu gặt được bao nhiêu?” (trong 3 vụ affaire khác). Hỏi gọn lại là trong những dịch vụ Bùi Duy Tâm làm môi giới cho đám lãnh tụ cộng sản VN, Bùi Duy Tâm có chấm mút gì, hay ít nhất, có được hứa hẹn trả “thù lao” gì không? Chỉ cần một lời đáp ngắn, gọn, tương tự như: không chấm mút gì cả, chỉ một đồng danh dự, chỉ một nhất dạ đế vương, 1 triệu đô la, hay chức nguyên thủ quốc gia trong tương lai (!), hay một câu đáp đúng đế nào đó, dù không thỏa mãn, người ta cũng không thể bắt bẻ cái lỗi trả lời một cách “cố tình nghễnh ngãng” được. Nhưng Bùi Duy Tâm đã không trả lời đúng đề, anh ta chỉ xác định những sự việc đã bị phanh phui là có thật, khoe khoang công lao mở một cánh cửa đã được mở sẵn! Phải chăng anh ta thà chịu cái xấu “cố tình nghễnh ngãng” hơn là chịu cái nhục làm kinh tài cho Việt Cộng để kiếm chác? Và nếu không đưa ra những con số “thu gặt” thực sự, do các dịch vụ môi giơi, sẽ lại bị lún sâu vào một cái xấu xa khác nữa là dối trá? Thay vì dùng cái “tâm ngay thẳng” để trả lời thì Bùi Duy Tâm lại dùng những ý niệm cao đẹp như ích quốc lợi dân, kinh bang tế thế để đề cao việc làm của mình. Đó là thứ ngôn ngữ “lấp liếm” của một con thò lò chính trị.

 

Bây giờ ta hãy luận về cái huyênh hoang ích quốc lợi dân của các dịch vụ Bùi Duy Tâm làm môi giới. Đồng ý bán kho vũ khí để lấy tiền mua gạo cho dân là điều tốt. Mua máy móc về lọc dầu là điều tốt. Nhưng Bùi Duy Tâm đứng ở vị thế nào trong những dịch vụ đó? Dĩ nhiên không thể ở vị thế quyết định, càng không thể ở vị thế “kiểm soát”, mà chỉ ở vị thế môi giới. Vậy lấy gì để đảm bảo số tiền bán kho vũ khí Long Thành sẽ được “tận dụng” để mua gạo cho dân, thay vì ký thác vào chương mục nhà băng ở ngoại quốc của những ông lãnh tụ đỏ VN, ấy là chưa kể một phần sẽ có thể chui vào chương mục của chính Bùi Duy Tâm? Trong một chế độ mà dối gạt đã được nâng lên làm đạo đức cách mạng, và quyền làm chủ đất nước thu gọn trong tay mấy ông trong bộ chính trị, Bùi Duy Tâm lấy tư cách gì để kiểm soát việc đem công qũy mua máy móc lọc dầu cho nghiêm chỉnh? Nếu không chứng minh được sự trong sạch của mình trong những dịch vụ kinh tài đó và, quan trọng hơn, nếu không chứng tỏ được khả năng kiểm soát việc sử dụng tài nguyên quốc gia một cách nghiêm chỉnh cho công ích thì những lời rêu rao hoa mỹ “ích quốc lợi gia, kinh bang tế thế” của Bùi Duy Tâm chỉ là những lời “nhân danh những ý niệm tốt” để “che dấu những hành động xấu” của những con thò lò chính trị.

 

5. Tán tỉnh, và tố xả láng.

 

Khi một người nam tán tỉnh, ve vãn một người nữ thì ngôn ngữ đại loại như thế nào bạn có thể đoán được.

Chàng Kim Trọng tân thời mà tỉ tê bên một nàng Kiều nữ hôm nay thì đố khỏi ba hoa những mỹ từ và những hứa hẹn: “em coi nè, anh cao ráo, đẹp trai, lại con nhà giàu, học giỏi, tương lai sáng lạn,…” Nếu nàng đã chịu đèn thì những lời đó sẽ rót vào tai như những cung bậc du dương. Nhưng ngoài hai đặc điểm cao ráo, đẹp trai có thể kiểm chứng ngay tại chỗ, còn những điểm khác không chừng toàn là thứ phịa.

Ông Thúc Sinh thời nay mà tỉ tê bên nàng Kiều tân thời thì ngôn ngữ lại có phần hơi khác. Cái đầu đã hói, cái bụng đã phệ, thân lại lùn thước mốt thì không thể khoe là cao ráo đẹp trai, vì lời nói sẽ chửi bố sự thật ngay tại chỗ. Tóc đã muối tiêu nếu còn ngôn là con nhà giàu e không còn hợp. Cho nên ông Thúc Sinh có ngôn ngữ tán gái của ông Thúc Sinh. Tỉ dụ: “em coi, anh tuy nhỏ con nhưng khỏe như King Kông, dài dai như Lao Ái. Về tiền, anh làm lương trên 200 ngàn đô một năm. Về học, mới hơn 33 anh đã đỗ thủ khoa tiến sĩ khoa học y khoa tại đại học lớn nhất nước Mỹ. Về danh vọng, anh đã từng lãnh đạo ngành giáo dục đại học y khoa của miền Nam Việt Nam trong suốt mười năm liền. Về tương lai, mai mốt anh về làm nguyên thủ quốc gia ’em yêu’ sẽ trở thành đệ nhất phu nhân…” Nếu nàng Kiều chịu đèn thì hai đặc điểm khỏe như King Kông và dài dai như Lao Ái nàng có thể kiểm chứng tức thì, còn những điểm khác có cái đúng tí ti, có cái khoác lác hơi nhiều, có cái là thứ phịa. Vô phúc tán không đúng một kiều nữ, mà nhằm ngay một cộng-nữ văn-sĩ — có kinh nghiệm đầy người về những tên khốn lịn — nó nổi giận tát cho nổ đom đóm mắt!

Hoá nên những lời trao qua, đổi lại về cuộc tình “rừng cây vô phong tự dao” và “tắm mát trên ngọn sông Đà” của cặp đối thủ Tâm Hương ta có thể đọc để cười, rồi để bỏ. Bởi vì cái sự tán tỉnh của một anh “thò lò chính trị có lãng mạn tính và thích làm quái sự” với một chị đàn nó phải như thế.

Nhưng còn bà Dương Thu Hương, làm chi mà chơi ông tây y họ Bùi sát ván và bằng thứ ngôn ngữ chua ngoa qúa vậy? Có hai chi tiết đặc biệt trong lá thư Dương Thu Hương gửi Bùi Duy Tâm, nếu phân tích tâm lý một chút ta có thể tìm được lời giải đáp.

 

Ta hãy xét sự kiện thứ nhất. Đàn bà họ thường căm hận thứ đàn ông lúc ngồi cạnh họ thì tán tỉnh, lẻo mép thề sống thề chết sẽ giữ kín những giao du thân mật tay đôi, nhưng sau khi chiếm được mục tiêu rồi, lại quên phắt lời thề, bắt đầu khoe khoang, rỉ rả thuật lại những pha cụp lạc với bạn bè, để cùng nhau xít xoa, cười hi hí. Rồi những chiến tích ái tình bắt đầu được mấy ông bạn trời đánh “vô tình” xì ra ngoài, và từ từ lọt đến tai người đẹp. Những lời đường mật lúc trước bỗng trở thành những mũi gai đâm sâu vào tự ái của họ, và chuyện trả thù là điều khó tránh. Ta hãy xét chi tiết sau đây trong thư Dương Thu Hương gửi Bùi Duy Tâm:

 

“Để kết thúc lá thư này, tôi xin được phép nhấn mạnh rằng: tôi không hề căm thù anh vì anh đã phao tin từ Cali đến Paris rằng anh đã chiếm được thân xác tôi. Chuyện là chuyện giòi bọ chỉ cần nhổ một bãi nước bọt là xong. Tôi đâu còn nhiều nữ tính đến độ phải quan tâm đến thói vô sỉ của lũ đàn ông…”

 

Dương Thu Hương nói “không hề căm thù” nhưng qua giọng văn người ta thấy rõ bà ta đã “nói vậy nhưng mà ngược lại vậy”, nói “không căm thù” chỉ để cố che dấu — một cách miễn cưỡng, và thất bại — phản ứng tức giận thái qúa mà thôi. Nếu không căm thù, nếu rửng rưng với cái chuyện phao tin thì việc gì phải viết nó ra?

Nếu chỉ cần nhổ một bãi nước bọt là xong thì việc chi phải cay cú viết lên giấy và gửi cho cái tên phao tin đó? Nếu không quan tâm đến thói vô sỉ của lũ đàn ông — mà tại sao lại chửi trùm cả lũ đàn ông — thì việc chi phải tự khai cái bệnh “lãnh cảm”? Đàn bà Việt Nam thường tránh hết sức nói ra miệng chuyện ái ân, họ càng không muốn đề cập công khai tới yếu điểm về “sex,” vậy Dương Thu Hương đã nói toạc ra cái chứng “táo bón ái tình” để làm gì? Phải chăng để vô hiệu hoá sự kiện Bùi Duy Tâm khoe đã chiếm được thân xác bà, một sự kiện còn tồi tệ hơn cái chuyện tao bón ấy?

Bây gìơ tới sự kiện thứ hai. Có những người đàn bà thuở niên thiếu gặp những chèn ép, cay đắng, đau đớn, uất ức do một kẻ nào đó gây ra. Một vài nét đặc thù nào đó, về hình dáng vật lý như khuôn mặt, giọng nói, … hay cung cách cư xử của kẻ đó đã được in sâu vào tiềm thức, cùng với những hận thù. Khi tiếp xúc với người nào có nhân dáng hay cung cách cư xử tương tự như “kẻ thù trong tiềm thức” thì mối căm thù tiềm ẩn bị khơi dậy và người mới gặp bỗng bị coi như một thứ kẻ thù! Đó là trường hợp của bộ ba Dương Thông, Dương Thu Hương bà Bùi Duy Tâm. Cái kẻ thù trong tiềm thức của Dương Thu Hương là anh tướng Dương Thông. Khi gặp Bùi Duy Tâm, một vài nét tương đồng giữa Dương Thông và Bùi Duy Tâm đã khiến Bùi Duy Tâm bị Dương Thu Hương nhìn như … kẻ thù Dương Thông. Đây là bằng chứng, lời Dương Thu Hương:

“Việc ông tướng Dương Thông là bạn thân mến của anh không phải do tôi gán ghép. Mà bởi cả anh và Dương Thông, từ hình tướng, khí chất, cách ứng xử đều gợi cho tôi một ấn tượng về một type người. ‘Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu,’ anh ca ngợi Dương Thông là hiểu người, hiểu đời, lại biết ‘vuốt ve’ là đúng lắm.”

Đó là Dương Thu Hương nói về khí chất, cách ứng xử của Bùi Duy Tâm giống với type người Dương Thông. Không may cho họ Bùi, khi mò về Việt Nam lại cộng tác vơi Dương Thông, cho nên càng bị Dương Thu Hương căm hận. Đây là nhận xét của Dương Thu Hương về Bùi Duy Tâm qua hình ảnh Dương Thông:

“Thưa bác sĩ Bùi Duy Tâm, tôi xin phép được nói thật lòng, tôi căm ghét anh từ giây phút đầu tiên, từ cái nhìn đầu tiên. Tôi đọc trong con người anh một thứ Dương Thông khác, qủy quyệt hơn, kiêu ngạo hơn, độc ác hơn.”

Với hai chi tiết đặc biệt đã dẫn chứng và phân tích, hẳn bạn không còn ngạc nhiên tại sao ông Bùi Duy Tâm lại bị bà Dương Thu Hương dũa thảm thiết như thế.

Quái sự của quái nhân họ Bùi nếu tiếp tục phân tích sẽ còn dài và dám thành một pho dầy cộm mới (những quái sự cũ của ông ta dưới thời VNCH, theo Nhậm Ngã Hành của tạp chí Ngày Nay, Kansas, đã là một pho dày cộm!) Vậy xin hãy tạm ngừng nơi đây. Những việc môi giới kinh tài với Việt Cộng của tây y Bùi Duy Tâm dưới mắt những người chống cộng, qua sự tố cáo của Dương Thu Hương, qủa thật chẳng sạch tí nào. Chuyện ái tình lẩm cẩm và văn chương lỉnh kỉnh của họ Bùi cũng chẳng lấy gì làm sáng. Nhưng anh tây y sĩ lại hay vênh váo là ta đây sạch sẽ. Anh ta dẫn lời khuyên của một người bạn như sau: “Ông Tâm ạ, nên nhớ là dù ông giữ sạch đến đâu mà có kẻ cứ quyết tâm vứt cứt vào người ông thì ông cũng thành bẩn thôi.”

 

Những việc làm của “ông Tâm” như vậy đã chẳng đủ bẩn rồi hay sao? Còn cần gì phải vứt thứ ấy vào? Cái nhận xét của ông bạn nào đó có thể đúng cho hầu hết mọi người trừ “ông Tâm”. Bởi vì qua những quái sự mới đây thì giữa ông Tâm và cái cục đó chưa chắc thứ nào bẩn hơn thứ nào!

This entry was posted in Nguyễn Khánh Do. Bookmark the permalink.