(Gửi PĐ, LH và LQT)
Khi viết “nhật ký”, ghi lại vụn vặt trong đời sống và cả tâm tình, tôi chọn “LanChiToday”. “Người nợ đóa tường vi yêu kiều từ muôn kiếp trước” (NNDTVYKTMKT)không chịu, anh bảo “LanChiYesterday” nghe dễ thương hơn. Về một phương diện nào đó, anh với tôi “tuy hai mà một” nên tôi OK salem với cái “LanChiYesterday”!
Anh vừa viết cho tôi sau khi đọc tạp ghi “Họ ngoại” của tôi “ …buồn quá. Sắp Noel, cô nương viết cái gì vui vui đi” . Tôi bảo, lòng buồn sao viết được vui, anh không chịu, vừa gửi cho tôi nhạc phẩm “Yesteday one more” vừa lý sự “‘Yesterday là ghi chép lại “khung trời kỷ niệm” mộng mơ mơ mộng ngày xưa, chứ đâu phải khơi lại…”đống tro tàn dzĩ dzãng”’!
Mời nghe YesterdayOneMore tại đây:
http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/Music/YesterdayOnceMore.mp3 Anh cứ làm như “yesterday” là tòan mơ mộng chứ không “đau thương”! “Yesterday” đau thương nhất của tôi là sau 1975. Thì cũng là “yesterday” vậy! Lúc đó, các chị tôi từ ruột đến không ruột đều nẫu cả ruột gan vì chồng phải đi “học tập”. Trong khi đó, sợ bị lấy thương binh VC, tôi nhắm mắt qua cầu và không phải áo bay nữa mà là áo tả tơi! Người mình hơi thương thương thì đi mất, người mình từng chú ý cũng đi mất, người yêu mình quá trời quá đất cũng đi mất, kẻ đòi lấy mình chỉ vì hắn cần lấy vợ (!) cũng đi mất. Còn lại ở sân trường Khoa Học là ông anh/chú Cù An Hưng, phán với tôi “Anh biết một mẫu người hạp với em nhưng tiếc thay đã đi rồi”! (Anh/Chú vì tôi quen anh khi đi coi thi chung ở Petrus Ký, nhưng sau thì biết anh là bạn chú Đinh Tiến Lãng của tôi). Nghe mà chán mớ đời! Nhưng một điều Cù nói đến giờ tôi nghiệm là đúng “ …QG là típ người ‘femme enfant’, nghĩa là không bao giờ già được. Dù sau này 70 tuổi, em vẫn tính nết trẻ thơ”. Ừ, tôi vẫn “tồ” vẫn “khờ” như ngày nào và vẫn cứ “mơ mộng” như thời con gái!
Hôm qua Los Angeles mưa rả rích cả ngày. Lỡ hẹn với người coi tử vi nên tôi “súng ống” lên đường. “Súng ống” vì ngày ở Virginia, tôi chỉ đi loanh quanh vì nhà gần sở, gần Trung Tâm Eden và chả đi freeway bao giờ. Về đây phải tìm công này sở nọ mà tôi đi khá nhiều trong thành phố và tự khắc nhớ một số con đường chính chả cần phải “học chay”! “Học chay” là tôi ám chỉ anh bạn, anh ta muốn tôi lấy bản đồ ra và học thuộc lòng đường chính Đông-Tây, Bắc-Nam! Lần này cả gan đi freeway ở CA là phải chuẩn bị “súng ống” chứ. Tôi để sẵn mọi thứ cần thiết từ bản đồ, thực phẩm nước uống, áo ấm, cho đến xăng…Cái tật vừa lái xe vừa mơ mộng đã hại tôi. Chỉ mới nhập vào 405 chưa lâu, tôi đã đổi qua lane trái hai lần nhưng đến đoạn kia, mải viển vông, vừa nhìn thì hỡi ơi, đã muộn mất rồi! Tôi đi vào xa lộ 110! Lẽ ra lúc đó tôi exit ngay và vào trở lại 405 thì có lẽ nhanh hơn. Nhưng cái tật lãng đãng khiến tôi lái tiếp vì tôi hiểu GPS tự calculate lại mà. Ai dè “calculate” trong thành phố chứ “calkiu” ngòai freeway là đi mút chỉ cà na! Nó dắt tôi qua 605 gì đó. Đang lòng vòng thì cần …(xí hổ quá) thế là exit tìm chỗ, rồi vào lại freeway. Nó dắt tôi đi qua 91 East gì đó rồi mãi mới nhập trở lại được freeway 405. Trời thì âm u mưa gió. Nghĩ thầm giá lúc bấy giờ có …PĐ ngồi cạnh thì tôi không sợ con giáp nào cả! Chuyên gia xe cộ mà lị! Mở heat nên một lúc kính mờ, mờ khá nhanh, tôi hoảng vía vừa lái xe đúng tốc độ của freeway (65) vừa mò bật máy lạnh. Cũng may cái vụ kính bị mờ này đã từng có kinh nghiệm. Hồi đó bác Thành ở cơ quan cũ chỉ “..Cô vừa bật heat vừa bật máy lạnh”! Tôi lớ ngớ, không hiểu làm sao có thể bật hai cái một lúc được! Bác Thành phải đích thân ngồi vào xe chỉ cho tôi. Mất hơn giờ đến Westmingter vì đi loanh quanh.
Tôi ghé Hương Giang xơi bún bò Huế vì đó là một trong các món tôi thích. Bước vào, từ ông chủ tiệm già đến vài bà sồn sồn gần đó đều nhìn tôi. Tôi “mủm mỉm” cười. Có gì đâu, “cô ký điệu” vẫn là “cô ký điệu”! Quần tây trắng, áo tím than, một áo khoác ngòai lửng ngang trên eo, ngắn tay mầu lá mạ, một khăn choàng lụa trắng có tua tua ở dưới, và một mũ len xám tro “điệu đà” ( điệu đà vì họ kết nơ trên mũ). Bằng ấy thứ cộng thêm một khuôn mặt có make up thì đương nhiên phải thu hút người đối diện cho dù là … “bà già giết giặc”! Nhiều bạn nói tôi hạp đội mũ điệu. Mũ điệu là mũ ấm nhưng có điệu vì kiểu cọ, vì nơ ! Nhớ thuở xưa dạy học ở Thống Nhất (trường ở trại Hoàng Hoa Thám, binh chủng Dù), chàng Khoa Trưởng Văn Khoa kiêm Sư Phạm trẻ tuổi (Đại Học Hòa Hảo), dạy cùng Thống Nhất (là chàng dạy thêm cũng như tôi gốc ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn nhưng dạy thêm ở các trường tư) “đi theo” tôi khi tôi lang thang chợ Bến Thành. Thuở đó tôi đã thích mũ rồi. Vào tiệm, ướm cái này ướm cái kia, nghiêng đầu ngoẹo cổ hỏi “chàng” cái nào hạp với Quỳnh Giao? Chàng cười hiền cứ như ông bụt “Quỳnh Giao có nét lai nên đội mũ nào cũng đẹp cả. Quỳnh Giao làm tôi nhớ đến mấy phim Pháp. Tài tử trong đó hay đội mũ đẹp lắm”.
Ngồi xơi bún hò Huế mà khăn lụa trắng, mũ có nơ, bảo sao thiên hạ không dòm! Tôi thấy một bà già già có nét quen. Tôi lại gần “Xin lỗi, tôi thấy cô rất quen. Thưa, tôi là học trò của GS Nguyễn Hải”. Bà nhìn tôi và cười “Dạ không phải”. GSTS. Nguyễn Hải, “patron” của tôi, Trưởng Ban Vật Lý Địa Cầu Đại Học Khoa Học Sài Gòn, kiêm Giám Đốc Hải Học Viện Nha Trang đã mất tích trên biển đông cùng một trai và gái duy nhất. Cô, hiện ở Mỹ cùng ba con trai còn lại và tôi đang muốn tìm cô. Ngày xưa Thầy cưng tôi lắm. Cô cũng cưng và các em, con Thầy cũng “yêu” chị lắm. Thì vì chị “yêu” các em trước và các em “yêu” lại, thế thôi.
Người “servir” ( tiếng Pháp) với kính cận, khuôn mặt như thầy tu làm tôi nao lòng. Tôi dịu dàng “cảm ơn anh” khi nhận tô bún bò. Bất cứ một nhân dáng nào, có vẻ “trí thức” mà tôi bắt gặp ở nhà hàng đều làm tôi nẫu ruột gan. Nghề nào cũng là nghề nhưng kiến thức được thâu nạp với bao công khó của bản thân và cả gia đình mà nay phí hòai, tôi đều rưng rưng.
“GPS” lại dắt tôi đến nhà ông thầy coi tử vi. Đứng phía trước, nhìn thấy số nhà đúng, len con đường nhỏ, khuôn viên bé và Tượng Phật Bà Quan Âm lớn ngay trước một “vuông” xinh xinh. Tôi đứng đấy, chắp tay và cầu nguyện.
“Cô tên gì?” “Quỳnh Giao, ngày… tháng…Mậu Tý”. Ông Thầy nhập computer.
“Anh ghi Hoàng Lan Chi nhé vì sau này tôi hay dùng bút hiệu. Nhiều người biết tôi với Hoàng Lan Chi hơn”. Ông Thầy nhìn tôi, tôi mỉm cười “Anh cứ tự nhiên nhé. Bạn tôi nói anh coi tử vi phải có mặt để kết hợp xem tướng. Nhưng phụ nữ ra ngòai hay trang điểm thì nhìn còn chính xác không anh?”
“Tôi nói Quỳnh Giao nghe nhé. Đừng buồn nhé. Quỳnh Giao đang ở một tâm trạng như:
Một mình nhạn lượn không gian
Kêu than lìa tổ lìa đàn thảm thương
Hỏi ai thấu nỗi đọan trường
Là người ấy chính bạn đường của ta”
Cái con khỉ! Nhè “cái bà mau nước mắt” mà nói “đừng buồn”. Chỉ mới nghe tới đó thôi, “bà ký điệu” đã lả chả nước mắt tòng tóng tong rồi! Ông Thầy hoảng vía đi tìm “tissue”! Tôi sụt sùi suốt. Tóm một phát là Thầy bảo tôi như sau:
Quỳnh Giao là dạ quỳnh, hoa quỳnh nở đêm sáng tàn và không cho ai thấy dưới ánh sáng mặt trời. Nhật quỳnh thì không thơm như dạ quỳnh. QG là dạ quỳnh nên có vẻ đẹp thùy mị đoan trang kết hợp Thiên Lương là người hiền nhân. (Giê su ma lạy chúa tôi, tôi nói với Thầy “Thầy ơi, cái mặt tôi là sắc sảo, chả ai nói nói tôi đẹp hiền dịu cả!”. Ông Thầy lờ đi như không nghe tôi nói, tiếp tục “Nói không phải tôi khen, ở tuổi Quỳnh Giao mà còn giữ được như vậy là số một!”)
Quỳnh Giao đang buồn vì mọi cái đang qua, tuổi thì đang già như hoa khô nhưng đây cái quẻ này nói:
Chẳng vui hoa đã tàn rồi
Cây khô hoa lại nở tươi muôn phần
(Dựa vào ba con số ngẫu nhiên tôi ghi, ông Thầy bấm độn gì đó không biết, in ra giấy và trong suốt giờ, giải nghĩa trên những câu thơ do máy in ra!)
Sau đó khi coi tử vi ông Thầy khuyên tôi nên theo nghề giáo ( thì tôi từng dạy học) và vì Đồng Hỷ …gì đó ở cung Quan Lộc thì nên theo những nghề làm đẹp cho cuộc đời như cắm hoa, make up, trang trí nhà cửa! Thật tình khỏi cần Thầy tôi cũng biết điều đó! Chỉ buồn cười, khi ô Thầy nói hai năm nữa tôi sẽ gặp mọi chuyện vui vẻ, gặp “người của mình”, tôi cười nắc nẻ “Anh nè, giá cái này nói với những người 40 hay 45t thì Ok chứ tôi già rồi mà!”
Đấy, đi coi tử vi bói tóan mà mắt thì cứ sắc như dao cau, nhìn ô Thầy cứ như thấu tâm gan Thầy chứ không phải Thầy thấu tâm gan mình (!!!), Thầy phán lại còn cười cười thì không biết quẻ có linh không! Thôi thì tôi cứ tạm thời tin Phật Bà Quan Âm đã chuyển thông điệp cho tôi qua ô Thầy! Nghĩa là mùa xuân tới sẽ có quý nhân cho cành Lan vàng khỏi u sầu ủ dột!
Trên đường vẫy gọi nhau đi
Phong ba chẳng có sự gì xảy ra
Nếu khi lòng rối như tơ
Quý nhân nhờ đến giúp ta lo gì!
Ông Thầy lại còn phán “Hoàng Lan Chi là cành lan vàng thì cô độc trơ trọi lắm. Hoa lan một cụm mới vui, bây giờ tách ra, chiết ra chỉ đơn độc một cành lan thì cô đơn lắm! Quỳnh Giao là dạ quỳnh với hương thơm hiếm có và giao thoa khắp đất trời, do vậy phải lấy lại tên Quỳnh Giao!”
Vậy kể từ nay ngoài nhóm bạn Khoa Học vẫn gọi tôi là Quỳnh Giao, nhóm bạn Tổng Nha Kế Họach một vài người gọi bút hiệu, vài người vẫn coi là QG thì có lẽ tôi phải yêu cầu nhóm bạn mới, gọi tôi là Quỳnh Giao!
Anh Tỏan Tổng Nha Kế Hoạch ơi, viết đến đây lại nhớ mấy câu thơ anh tặng cho QG:
Dù Lan Chi hay Quỳnh Giao
Vẫn em đài các thanh cao khác gì
Dù Quỳnh Giao hay Lan Chi
Vẫn là em đóa tường vi yêu kiều.
Đinh ninh ô Thầy sẽ chấm tử vi như cô bạn giới thiệu, ai dè Thầy chỉ bấm độn và kết hợp tử vi một chút, xem tướng một chút rồi thôi. Ô Thầy này đạo mạo hiền lành có nhân dáng một mô phạm hơn là một cựu Thiếu Tá!
Từ giã ô Thầy, tôi ghé nhà bà con thắp nhang cho bà cô rồi về ngay vì đã hơn 3g30 chiều. Chớm đông, trời mau tối huống chi mưa dầm âm u cả ngày. Khi về nhanh hơn đi vì không bị lạc freeway nữa. Tôi tắt máy lạnh mà quên heat đang bật nên giữa đường, cũng hỏang vía vì kính đột nhiên mờ. Lại vội vàng bật máy lạnh!
PĐ này, hôm nào anh phải chỉ Lan Chi, à quên Quỳnh Giao, thêm một số phòng thân khi lái xe freeway nhé. Vì từ giờ cho đến mùa xuân, theo thầy bói phán, Quỳnh Giao vẫn còn đang cô độc nghĩa là vẫn phải thân gái, à quên thân già dặm trường từ Los Angeles về Orange County một mình đấy!
Hoàng Lan Chi